Cao Quảng Văn
Tặng tôi và các bạn tôi, những nhà … bất đắc dĩ
.
Một ngày ( đẹp trời)
Giữa tháng sáu
Viết bài thơ tặng mình
Anh giật mình nín thở
Tìm đâu ra mực xanh !
.
Cây bút xanh bụi bặm
Hết/ Cạn mực tự bao giờ
Ngọn bút cùn háo hức
Bao đêm ngày nằm mơ…
.
Anh tìm cây bút đỏ
Vẽ trái tim – nụ cười
Những cánh hồng phơ phất
Mỏi mệt với chân trời
.
Chỉ còn cây bút đen
Với đôi tờ giấy trắng
Cho anh dài hy vọng
Mắt chong hoài thâu đêm
Mắt mở hoài trong đêm
Hít thở niềm trống vắng
Anh mỉm cười yên lặng
Thắp lên một ngọn đèn!
Nói đơn giản như thế này,anh xứng đáng được gọi là nhà….thơ !
Xin cảm ơn bạn, Maimaiyeuthuong! Làm thơ và được bạn bè đọc và hiểu đã là vui lắm rồi. Còn mong gì hơn nữa!
Cảm ơn trang thơ Xứ Nẫu đã làm nhịp cầu kết nối…
Bài thơ của anh cũng đã chuyển tải tâm trạng của rất nhiều người.
Cám ơn Mai Tuyết đã đọc thơ… Rất mong là như vậy!
Cứ mạnh dạn với chữ nhà,anh hoàn toàn xứng đáng anh Văn ơi
Xin cảm ơn những tình cảm ưu ái của Gò Găng dành cho. Chúc bạn luôn có nhiều hào hứng trong công việc và thường vào xem trang xunauvn.org ( để chia sẻ với bạn bè chuyện văn chương chữ nghĩa cho vui!). Rát mong!
Nghĩ được như vậy theo như Ngữ nghĩ…đã là nhà.
Cám ơn ý kiến chia sẻ của Nguyên Ngữ về những ý kiến tản mạn trong bài thơ ngắn này. Thực ra, chúng không đến bất chợt và không đến vào dịp rằm tháng giêng mỗi năm , mà lại đến vào dịp trung tuần tháng sáu, khiến bản thân mình phải trải qua những trải nghiệm không mấy vui… khi nghĩ đến sứ mệnh của… người cầm bút ( như mình!). Lẽ ra, mình phải có thể làm được nhiều việc thực sự có nhiều ý nghĩa, đóng góp tích cực hơn cho cả xã hội, cộng đồng mới phải… Thế mà…
Cái áo đâu làm nên thầy tu anh Văn nhỉ !
Đúng vậy, Người Nhơn Lý ạ! Vả chăng, người ta vẫn thường hay bảo: ” Tốt gỗ hơn tốt nước sơn!”… làm sao ai biết sau lớp nước sơn hào nhoáng bóng bẩy ấy là gì…
Những câu thơ giản dị của anh rất Huế,em vẫn nhớ dù mang máng,vậy gọi anh là nhà thơ nhé ?
Cảm ơn bạn Mai Hoa. Không biết bạn đã đọc tự bao giờ và đã đọc trong báo hay là đã in thành tập rồi? Rất vui và hân hạnh sẽ có thể gửi bạn xem qua anh admin trang xunauvn.org, nếu có thể được? và không làm phiền anh ấy…
Xứng đáng mang danh nhà thơ quá chứ anh Văn.
XPhuong thức đọc thơ và làm việc khuya vậy sao? Nghe thì cũng thực an ủi nhưng nghe sao ái ngại quá chừng, bởi thời buổi này… có quá nhiều thứ mất giá, trong đó có thơ cùng các… nhà thơ, có phải không?
Trăn trở cũng là dấu hiệu của nhà thơ rồi anh Văn ơi
Đồng ý với Lien Nguyen! Xin cảm ơn vì đã xem thơ và có lời chia sẻ…
Là nghiệp dĩ rồi. Khó thoát lắm nhà thơ ạ !
Nói như Thanh Hiên thi sĩ: ” Đã mang lấy Nghiệp vào Thân. Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa! Có Trời mà cũng tại Ta… Tu là cõi phúc, tình là dây oan…” Có phải vậy không Thanh Nguyen?
Thơ tạo nên một sự suy gẩm lại những giá trị !
Ít nhất cũng được bà xã âu yếm gọi “nhà tôi “.Cái nhà này mới thật quí còn mọi thứ nhà khác cũng chỉ là phù vân !
Hoàn toàn đồng ý với bạn. Nhưng ở nơi mô mà gọi là ” Viễn Xứ” hè?
Nhà gì cũng không quan trọng. Cốt lõi vẫn là tâm và tầm .Hội nhà văn có hàng nghìn hội viên,các hội địa phương cũng lên đến hàng chục nghìn,nhưng mấy ai được người đời nhớ nỗi một câu thơ !
” Cốt lõi vẫn là Tâm và Tầm!”. Đúng vậy, anh Đào Trí ạ! Có được một vài câu thơ neo đậu lại trong lòng người đọc, người yêu thơ là điều ai cũng ước mơ nhưng dễ mấy ai làm được? Ngay cả những nhà thơ có nhãn hiệu cầu chứng tại tòa ( marque deposee)?
Thôi thì thà thắp lên ngọn đèn …anh nhỉ !
Cám ơn Dang Vu. ” Thôi kệ!” Có phải không anh?
Là nhà rồi còn chi nữa bạn hiền ơi! Lâu mới được đọc thơ nì.Mắt mở hoài trong đêm
Hít thở niềm trống vắng
Anh mỉm cười yên lặng
Thắp lên một ngọn đèn! ( CAO QUẢNG VĂN )
Xin chào nhà thơ Trần Dzạ Lữ, đã lâu rồi nay mới có dịp tao ngộ. Vui, buồn cùng thơ! Thật, có khi thấy nhà, có khi lại không. Không hiểu… mình là cái thứ gì gì nữa, với biết bao vui buồn chữ nghĩa!!!
Cám ơn Lữ đã ghi lại mối đồng cảm cùng mấy câu thơ. Vui nghe!
Anh là Nhà…Thương ,Thật Sao?…Ừ thì…Nhà Tình Thương Sao có Sao?Mực xanh cạn tìm đỏ vào…Xanh dương thêm đỏ hóa màu mực đen Thắp lên với một ngọn đèn!Đèn Bão không tắt suốt đêm với Ngày…Nụ cười trái tim môi ai?Đầy tình thương cảm êm ái dâng tràn…”Bút xanh bụi bậm cạn cùng..Bút đỏ vẽ vời môi hồng trái tim Bút đen thắp lên ngọn đèn Đôi mắt nhìn trách ”Nhà Đèn” điện đâu..Cúp hoài!?
Cảm ơn aitrinhngoctran vì những liên tưởng thú vị và thi vị. Chúc vui hoài cùng thơ trên trang xunauvn.org!
Ôi! Có ông thi sĩ nào ghi trong lý lịch ở phần nghề nghiệp hai chữ… “làm thơ” không anh Cao? Mà tại sao lại là… “làm”? Nghe nó…vất vã và không…thơ chút nào! Sao không phải “viết” như viết văn, viết báo, viết tuồng…nghe nó nhẹ nhàng và thanh lịch hơn không?…Thôi thì “Thắp lên một ngọn đèn!”, coi như nếu không phải “nghề” thì cũng có được cái “nghiệp” mà vui anh Cao ơi!…hihihi
Hình như cũng có chuyện có người ghi hai chữ ” làm thơ” vào phần kê khai nghề nghiệp trong lí lịch đó, ngodinhhai à! Mà cũng có trường hợp, kê khai là ” làm thợ” thế rồi lâu ngày … bay mất dấu ” nặng” mà thành! ( nhưng đó là chuyện đời xưa thôi, nay đâu còn?). Hải có còn nhớ có thời người ta phân biệt tách bạch ” nhà thơ” với người ” làm thơ” không đó?
Thôi thì… cứ vui vẻ ” thắp lên một ngọn đèn” ít nhất cũng là trong tâm thức mình cho nó nhẹ lòng, thanh thản, thoải mái, có phải không Ngô thi sĩ?
Xin cám ơn Đời, mỗi sớm mai thức dậy: Ta có thêm Ngày Mới để Yêu Thương? ( Kahlil Gibran, nhà thơ xứ Liban/Lebanon). Hi hi hi?
Hi hi..khi ngồi gỏ thơ hẳn Cao huynh khong nghĩ mình là nhà gì hết, chắc chắn là như vậy phải không? Nhà…gì thì cũng chỉ là một danh xưng, cũng như bao danh xưng khác trên đời nầy, nó thành hình bởi một hợp duyên (đam mê, khả năng, thời gian, sự quảng bá, bạn bè, đọc giả…) và ở “Nhà…” chữ nghĩa nầy thì “cái nghiệp ” vô hình là chất nặng nhất để anh khỏi băn khoăn tự hỏi mình là gì Cao huynh ơi.
Nói gì thì nói Bếp vẫn thích coi anh la “Nhà ..thơ”, vì thơ anh tràn khắp trong những gì anh viết, giản dị vậy thôi Cao hiền hữu ơi.
Cảm ơn người cựu NS Gia Long, Sài Gòn ở Torino đã bỏ thì giờ đọc thơ và có lời chia sẻ quý giá, thân tình. Về cái thực, cái danh, về chuyện nghề với nghiệp… chuyện chữ… nghĩa trong ” cõi người ta” này… Quả thực, nếu được coi là nhà thơ thì… còn có gì đáng mừng hơn, phải không?
Cảm ơn bạn đã đọc thơ. Thật, nhiều lúc mình không biết mình có phải là mình không nữa! Huống chi là … nhà … này nhà kia? Có phải không?
Tháng sáu là ngày nhà báo. Vậy đây là nhà báo chính hiệu rồi phải không anh Cao Quảng Văn ?
Rất cảm ơn bạn vì mối đồng cảm … Riêng tôi, trong cái ngày xã hội ưu ái tôn vinh đó, người làm báo chân chính sẽ không tránh khỏi nỗi ưu tư, một khi thấy mình vẫn chưa làm được nhiều cho những gì mình hoài bão, ước mơ. Để ngày đó trở thành biểu tượng của sự Sẻ Chia, Đồng Cảm… Hậu Lạc Tiên Ưu… cùng cộng đồng, xã hội?
Làm nhà thơ cũng khổ anh nhỉ,cứ phải trở trăn với cuộc đời.
” Khổ vui âu cũng tính trời, biết sao!”. Nhưng, nếu thiếu đi chút ” trở trăn” đó thì làm sao người ta có thể có chút nhu cầu trang trải nỗi tâm tình mình lên trang viết? Bạn có nghĩ như thế không?
Nhà nào cũng quí,nhất là nhà tôi,nhà thơ ơi.
Quả nhiên là vậy rồi! Cảm ơn bạn Thảo trang đã đọc thơ…
Ít ra anh cũng còn trăn trở với nghề,đó là điều quí hiếm anh ơi.
Hình như người làm thơ nào cũng ít nhiều trăn trở với đời, với… những điều trông thấy ( mà đau đớn lòng?). Chỉ có điều, có người viết ra, có người không. Có phải không bạn Bình An?
Là nhà thơ là cũng đủ đẹp với cuộc đời rồi.
Cám ơn khungcuahep, cũng mong sao có thể được vậy. Bởi, người làm thơ ít nhất cũng là người-tử-tế trong số những người đàng hoàng, tử tế. Có phải vậy không?
Anh là nhà…thật sao ? Thật quá chứ anh Văn ơi !
Sao lắm lúc có cảm giác là lều, chòi… chứ chưa phải là nhà… thật buồn!