Hun hút đường mây
Tháng Hai 23, 2015 bởi xunauvn
Truyện ngắn của ÁI DUY

Đúng kỳ hạn, con chim thiên di có cái tên là Trân lại bay về phương nam trú đông đón xuân; rồi sau đó lại chập choạng vỗ cánh tiếp tục ngược đường bắt đầu một chu kỳ thường niên mới. Bao nhiêu là giông bão sao Trân vẫn không khác mấy một con chim lạc bầy, yếu ớt, gắng gỏi lặn lội miên man trên cung đường thiên mệnh. Tóc lỉa chĩa tém ót, da dẻ xanh trong, có cảm giác như ánh nắng cũng đi xuyên qua được cái cơ thể mảnh dẽ ấy.
Trân dửng dưng cười buồn, “Vẫn vậy, ba mươi tám kí không thêm không bớt, đừng quở nữa mất vui”. Những ngón tay suông gầy gõ nhịp trên bàn đầy khí phách theo giai điệu tango đang réo rắt trong không gian ban mai. Truyền đời sơ mi thụng trắng quần jean xanh, mặt mày trần trụi dận thêm đôi giày thể thao cột dây vải mềm, chẳng nhìn chẳng ngó ai, đi cùng tôi tóc buông lơi môi son nước hoa vào quán cà phê khéo người ta tấm tắc sau lưng đẹp đôi quá. Mà biết đi đâu nữa chứ, không shopping siêu thị, không thư viện bảo tàng, không nhà hàng vũ trường, cứ gặp mặt tôi là Trân lại ngắn gọn “cà phê đi chị”. Quán vắng người thưa, lắm khi suốt buổi chỉ ngồi nhìn ngắm bâng quơ những tia mưa bụi nhân tạo rơi trên mặt hồ nông choèn.
* *
Trân là em chú bác, con út trong gia đình có 8 anh chị em, từ nhỏ tính tình đã tự do cứng cỏi. Nhà giàu có lại là gái út, lẽ thường ẻo lả điệu đà mộng mị nhưng cô nàng vẻ như lúc nào cũng muốn chứng minh ngược lại. Mẹ Trân than nó cầm tinh con ngựa rừng, bất đồng ngôn ngữ, thấy nó sai cũng đừng nói liền từ từ nhỏ nhẹ còn biết sửa, bằng ngược lại nó thành kẻ câm điếc hóa đá trơ trơ. Mười tuổi, mẹ bắt rửa chân súc miệng mới được lên giường ngủ, nó đổ lì chấp nhận đứng dựa cửa suốt đêm cho muỗi liên hoan coi ai sốt ruột chơi. Kể lại chuyện này Trân nói, giờ nghĩ lại thấy thương mẹ mình làm sao. Đầm đì nơ kẹp búp bê quăng xó kẹt, cứ đầu trần áo thun quần đùi trèo từ ban công tầng hai xuống đường nếu bắt nó khuê môn bất xuất. Mẹ Trân là dân kinh doanh buôn bán lớn dựa hơi ông chồng công chức chế độ cũ hữu danh vô thực, tươi vui hoạt bát; cả nhà sống sung túc ăn trên ngồi trốc, con cái phương trưởng đuề huề. Sau năm 75 tất cả chỉ còn lại sau một cái chớp mắt, cha Trân ở tù ra thất nghiệp toàn diện, mẹ phải bươn chãi chợ lớn chợ nhỏ, anh chị em lận đận lao đao công danh sự nghiệp. Nhà ngang dãy dọc cơ ngơi cứ thun lại dần dần. Trân học hành không kém ai, thích sinh họat tập thể nhưng phấn đấu lắm cũng chỉ lên được “Cảm tình Đoàn”.
Năm Trân 17 tuổi thì cú đấm định mệnh giáng xuống, cha mẹ rủ nhau qua đời, người nọ nấn ná sau người kia bốn tháng; dù chỉ là những cơn bệnh xoàng chưa kịp gọi tên. Mỗi mình Trân con út tương lai dở dang không nơi nương tựa. Gia tài cha mẹ để lại được chia đều, Trân quyết tâm đặt cược tất cả vào một canh bạc lớn nhất đời mình.
* *
“Em vượt biên ba lần, lần nào cũng súyt chầu Trời. Không lọt thì lại về, bắt lại rồi được thả, mất của lại đi vay, trăm phương nghìn kế.”
Tôi biết, chẳng hề đơn giản. Trân xa xứ 20 năm, mười lăm năm đầu biền biệt, năm năm sau thì cứ đến mùa xuân là thành cánh én báo tin vui, ít ra là cho đại gia đình của em. Tôi và en lúc họan nạn chẳng có nhau, nay nên hình nên hài đâm ngại không dám khơi gợi.
“Trước khi về Nha Trang, em có ghé Biên Hòa thăm anh bạn”.
“Ừ, có gì vui không?”
“Vui hả? Cũng thường thôi. Thấy ảnh khỏe em mừng. Không nhận ra em cũng lại càng mừng hơn.”
“Gì kỳ vậy?”
“Thật. Điên mà, quên được là đại phước. Tụi em cùng vượt biên đợt đầu tiên. Tàu gặp bão, rồi bị cướp, trôi dạt thê lương, hết lương thực, cạn nhiên liệu, cầm cự chờ thời…Anh bạn em vừa nói có vợ bị hải tặc lôi đi. Em nhớ là mình đã ngất xỉu khi người ta bắt đầu bàn tính đến việc giải quyết cái ăn bằng chính đồng loại. Chuyến đi không thành, bị áp tải về lại đất liền anh bạn em hóa điên luôn cho tới bây giờ”.
“Em cũng nên quên đi.Thật đáng sợ”.
“Em đâu có kể cho ai. Ba tháng sau vụ đó em bắt chuyến khác rồi đi lọt luôn”.
“Không ngán?”
“Không ngán. Vì sao nhỉ? Lúc đó em còn quá trẻ mà. Hay vì nhìn thấy cuộc sống chật chội mòn mỏi của người thân? Hay để thỏa chí tang bồng? Hay để tìm kiếm một cái điều gì đó… mà đến giờ này em cũng chẳng biết nữa.”
Ai mà chẳng suốt đời đi tìm kiếm một cái gì đó? Tình yêu, lý tưởng, đỉnh cao trí tuệ, địa vị và tiền bạc…Ngay cả bậc chân tu thức giả cũng đau đáu nỗi niềm cho chúng sinh mà. Nhưng thôi, đó là cả một phạm trù triết học bao la mà chẳng nên đụng đến làm gì, ít nhất là lúc này.
* *
Thực ra Trân mất 5 năm ở trại Tỵ nạn Philippin cho đến ngày chính sách nhập cư vào nước thứ ba đóng cửa, gần như tòan bộ thuyền nhân buộc phải hồi hương. Ai về cứ về, ai muốn ở lại thì cũng cố sống cố chết tìm cách. May rủi về sau mới biết, chứ lúc ấy thì ai cũng mừng cho Trân xuôi chèo mát mái. Trong thời gian ở Trại, Trân tích cực học thành thạo ngọai ngữ và tham gia các công tác xã hội thiện nguyện. Sự tháo vát, nhiệt tình và lạc quan của cô gái trẻ đã lọt vào mắt xanh một người đàn ông gốc Việt, nhân viên trong đòan công tác Canada. Theo đúng thủ tục, Trân hồi hương, đăng ký kết hôn và chờ ngày được bảo lãnh chính thức theo diện hôn thê sang định cư ở quê chồng. Quê chồng, có nghĩa là ngòai chồng ra Trân không có lấy một người quen biết. Thế là, đường vòng đường thẳng đường dzích dzắc, đường nào cũng vậy, cũng tới nơi nếu còn đi.
Trân biền biệt quê nhà luôn từ lúc ấy, cánh nhạn hun hút đường mây. Canada trên bản đồ chỉ cách mỗi gang tay thôi mà, miễn là còn sống đâu đó trên cõi đời này để có ngày tao ngộ là được. Cũng không ai thắc mắc. Cha mẹ không còn, anh chị em có gia đình riêng, sợi dây huyết thống xem chừng lỏng lẻo. Năm, mười năm, như mọi người, thi thỏang Trân cũng gởi về cho anh chị các cháu vào dịp cuối năm ít tiền, ít quà; đủ để làm vui, biết Trân bình yên, có công ăn việc làm ổn định, vẫn còn nhớ đến gia đình và đã nhập Quốc tịch nước sở tại. Còn làm gì , ở đâu thì ai cũng mơ hồ, nghe nói, nghe kể. Vả lại, hỏi gì Trân cũng nói khỏe, tốt, được, bình thường, không có gì.
Rồi đột ngột Trân trở về một mình ăn Tết sau bao nhiêu năm ngoảnh đi một hơi, mệt mỏi nhưng tươi tỉnh và nhẹ nhõm. Giữa tầng tầng va li hàng họ kĩu kịt từ sân bay về nhà, trông cô hoàn toàn đối nghịch và lạc lõng bởi sự đơn sơ, giản lược đến mức tối đa từ trang phục cho tới phong thái, lời ăn tiếng nói. Suốt kỳ nghỉ, cô toàn tâm toàn ý với gia đình anh chị em của mình, chẳng màng thăm thú nơi nao. Lần nào tới ngày lên đường cô cũng chỉ còn đủ tiền mua đúng một vé máy bay, nhẹ nhõm nhẵn nhụi từ trong ra ngòai. Không còn bóng dáng của một cô gái ương bướng, gan lì và vui tính cởi mở trong Trân nữa, chỉ còn lại một người đàn bà trẻ lặng lẽ, vị tha nhưng đầy bí ẩn. Chẳng nghe Trân nhắc nửa lời đến đức ông chồng, hỏi thì cô chỉ cười cười “bỏ nhau rồi”. Đùa chơi thế thôi chứ ai chẳng biết hai vợ chồng vẫn ở cùng nhà; thi thỏang điện thọai qua vẫn nghe giọng chồng Trân vui vẻ bắt máy kia mà. Còn đường con cái, hơn nửa đời người rồi mà vẻ như Trân chẳng màng gì tới việc nối dài sự hiện diện của mình qua thế hệ tiếp theo.
* *
“Mùa đông ở Canada lạnh khủng khiếp, âm 20 độ là bình thường. Mỗi sáng em đi bộ 100 mét ra bến xe bus đến chỗ làm, có khi mất cả 30 phút. Vì cứ đi một bước là bị đẩy lùi hai bước, mặt đường đóng băng trơn trợt, chân ngập trong tuyết đến đầu gối, người thì trùm kín mít sù sụ chừa mỗi hai con mắt mà còn có cảm giác mình hóa thành cục nước đá, tê liệt tuần hoàn. Hôm nào muộn phải đứng chờ xe là đại họa. Có đứa kể, một tên đang đứng chết cóng chờ xe bus như thế này, tên khác đến búng vào lỗ tai nó từ đằng sau trêu, thế là nguyên cái vành tai dòn rụm gãy lìa đánh rốp rơi lóc cóc xuống mặt băng mà khổ chủ hãy còn ngơ ngác.” Trân cười khanh khách. “Gầy như em chắc bẻ ngang một cái là làm mấy khúc gọn hơ như bẻ mía. Chỉ có bước được vô trong nhà rồi mới có cảm giác hồi sinh trở lại.”
Tôi rùng mình; tiết lập xuân ở thành phố biển buổi sáng vẫn còn đủ lạnh để làm buốt giá đầu môi khi chạm vào viên đá nhỏ trong ly cà phê.
“Thật khó để mà làm quen với điều kiện khắc nghiệt như vậy. Làm việc thì cũng phải làm cả đời rồi, em cố gắng về nhà trú đông mỗi năm như thế này là hay nhất”.
“Đó là ước mơ của em mà, là động lực lôi em dậy khỏi chăn nệm mỗi buổi sáng giá rét để lao vào một ngày làm việc hùng hục như cái máy.”
“Ước mơ của em” chỉ đơn giản vậy thôi sao? Dăm năm trở lại đây, Trân về đều đặn hàng năm, mỗi năm tự đề ra cho mình một đỉnh dốc để vượt qua, hết chặng này tới chặng khác, miệt mài, quyết tâm, hết tốc lực như vận động viên vượt chướng ngại vật. Đỉnh dốc “khiêm tốn” cỡ như căn nhà cho chị, chiếc xe cho cháu, miếng đất cho anh trai…,ai cũng có phần, lần lượt một cách công bằng. Dù chẳng có vòng hoa nguyệt quế nào cho nhà vô địch.
“Chị à, sang năm là em xong xuôi mọi nghĩa vụ với gia đình, còn mấy chuyện lặt vặt không đáng kể. Chắc là em sẽ tính tóan cho riêng mình được rồi đó.”
“Em tính làm gì?”
“Mua một miếng đất ở ngọai thành lập cốc dưỡng già chẳng hạn…Biết đâu được, em sẽ về ở hẳn cũng nên. Còn không thì sẽ là nơi trú ngụ tuyệt đối yên tĩnh một mình cho qua mùa đông, gọi là “bế môn luyện công” phải không chị, để rồi sang xuân lại lao đi chinh chiến…”
“Mà sao lại một mình? Cuối cùng em là một người đàn bà hay là một con chim thiên di vậy?”
Trân cười ha ha, “Tử vi cho phép em đi tu, nhưng phải trả hết nợ đời đã. Vậy chị muốn em tiếp tục hay ngừng trả nợ?”
“Nợ hay không là do mình, tu hay không cũng chỉ mình mình biết, sao chị muốn dùm em được?”
Trân nhìn thẳng vào mắt tôi, cười cợt.
“Em ly dị hơn 5 năm nay rồi”.
“Chị cũng nghĩ vậy”.
“Thất bại nặng nề chị ạ. Không gia đình, không con cái, không nhà cửa xe cộ; trắng tay đúng nghĩa. Y ta đã ném đến đồng xu dành dụm cuối cùng của hai vợ chồng vào casino”.
“Quá sức tưởng tượng. Nhưng em đã tự vượt qua được rồi”.
“Gia đình em chưa biết”.
“Là đợi chính miệng em nói ra đó thôi”.
“Em nghĩ, nói ra cũng chẳng để làm gì. Mà cũng bình thường lắm chị, chẳng qua chỉ là có thêm tờ giấy thôi”.
“Bình thường? Ý em muốn nói là hai người vẫn ở chung một nhà với nhau?”.
“Chứ biết sao giờ? Đâu có dễ kiếm nhà khác liền được. Em làm ngày, y ta làm đêm. Thậm chí nếu đi làm trùng ca thì vẫn có thể ăn cùng mâm, còn ngủ cùng…phòng là chuyện thường. Người trên giường, người trên sô pha. Toilet dùng chung.”
“Có khi thông tin ly dị này bị cũ rồi đó nghe…”
Trân điềm nhiên, “Thông cảm nhau thôi! Ai cũng phải đi làm túi bụi, về nhà chỉ đủ thời gian tắm rửa, ăn qua quýt rồi lại lăn đùng ra ngủ để sáng mai vội vội vàng vàng vào ngày làm việc mới. Nhưng đó cũng là cái cách em tự kiểm tra lại lòng mình, xem có còn vương vấn gì không kẻo ân hận sau này. Tuyệt nhiên không, lạnh ngắt, em và y ta đã sống một mình như thế trong căn hộ chỉ có hai người.”
“Như hai người bạn…trai?”
“Còn tệ hơn thế nữa. Có chuyện trò tâm sự gì với nhau được đâu!”
“Năm năm rồi? Thật khó tin. Còn bây giờ?”
“Em vừa tìm được một căn phòng trọ giá rẻ ở gần chỗ làm, từ hai tháng trước. Dọn nhà chỉ với một va li đồ. Chuyến này về chơi xong qua lại em sẽ mua một bộ máy vi tính, hôm giờ cứ phải ra tiệm!”
Tôi mở to mắt nhìn Trân đầy ngờ vực.
“Em là kẻ vô sản mà”. Trân nheo mắt cười, vẻ hết sức thảnh thơi; rồi nói thêm “Mà thực ra em cũng chẳng có nhu cầu tiêu xài gì”.
Có một chút gì đắng đót dâng lên, tôi vừa thóang nhớ lại mấy ngôi nhà lầu lộng lẫy đầy đủ tiện nghi của anh chị Trân ở các khu vực trung tâm thành phố. Họ không xin, không yêu cầu, là do Trân tự nguyện gánh vác san sẻ, gầy dựng và lấy đó làm lẽ sống cho cuộc đời mình.
Nắng đã bắt đầu vàng óng trên những tán cây. Trân chống tay vào bàn để đứng dậy, “Về thôi chị, em có hẹn”. Tôi hơi ngỡ ngàng, duờng như có một chút khó khăn trong tư thế này của Trân.
“Em có vấn đề ở cột sống thì phải. Nghe nói ở đây có Viện Điều dưỡng Phục hồi Chức năng khám chữa bệnh cũng tốt, mấy chị ở nhà bắt em đi thử xem sao. Bệnh nghề nghiệp ấy mà.”
Tôi trân trối nhìn Trân, không thốt được lời nào.
Cô rút ví trả tiền cà phê, đặt lên bàn tờ giấy bạc ngay ngắn, đằng lại cho khỏi bay bằng cái gạt tàn.
Thấy tôi chần chừ chờ thối tiền, Trân kéo tay, “Đi đi chị, để lại ít tiền típ cho nhân viên phục vụ”.
“Nhưng… còn dư nhiều lắm đó Trân”, tôi không quen lắm với cái hành vi hào phóng này nên đâm ra ngại ngùng.
Trân điềm nhiên không ngóai lại, “Ở bên đó em cũng sống bằng nghề chạy bàn trong nhà hàng, tiền típ mới là khoản thu nhập chính”.
Tôi như người bước hụt, phía trước tôi con chim thiên di có cái tên là Trân vẫn đang sải những bước chân đầy quả quyết.
*
Thích bài này:
Thích Đang tải...
Có liên quan
Posted in Văn xuôi | Thẻ Ái Duy | 45 bình luận
Hay
Viết hay,thế giới nội tâm được thể hiện sâu sắc
Đằng sau nỗi đau là một sức mạnh tinh thần rất lớn,phải không con chim thiên di ?
Truyện hay
Những câu chuyện như thế này đọc càng thêm xót xa.
Có cảm giác như đó là một hành trình quay lại với bản ngã
Hun hút đường mây qua xứ tuyết
Nỗi buồn xa xứ khó phôi pha
Thì ra mầm mống hạnh phúc tượng hình đã manh nha những đổ vỡ và trong đổ vỡ lấp lóe mong chờ sự bình yên. Cầu mong bình yên cho một loài chim thiên di
Hạnh phúc, đổ vỡ, bình yên…thảy đều mong manh và cách nhau bằng ranh giới vô hình. Chỉ biết cầu mong và cầu mong. 🙂
Một góc khuất xót xa của những người xa xứ.
Dạ phải, chỉ là một góc rất khuất, rất xa.
Buồn cho những số phận người
Buồn, không buồn, cũng chẳng biết đâu mà lần khi điều đó do chính mình chọn lựa. 🙂
Ngôn ngữ đời sống cứ ngồn ngộn trong truyện
AD chuộng văn phong giản dị và gần gủi, nên được như bạn nhận xét quả đáng mừng. 🙂
Hay
phần lớn truyện của chị đã tạo nên một giọng điệu riêng không trộn lẫn
Cám ơn Nguyệt, dù muốn dù không người viết cũng phải tạo được ấn tượng này trong lòng bạn đọc. 🙂
Cứ nghĩ mình là con chim thiên di trên chặng đường mây hun hút ấy. …Mình sẽ ra sao nhỉ,đầu hàng số phận chăng ? Nhân vật nữ ấy thật quả cảm đáng phục.
Cô ấy quả là rất đáng phục, do tôn trọng nên AD không dám viết sâu hơn nữa.
Cái hay của truyện là đã đưa ra được nhiều chiều kích của tâm trạng .Đọc thấy xót xa, thương cảm
Cám ơn Chuyen, tâm trạng vốn không đơn giản, nhất là khi nó được che kín… 🙂
Cuộc đời sao mà buồn quá
Kệ nó đi BNgan… 😀
Hay,nhưng ngẫm nghĩ về cuộc đời với những quanh co không có lối thoát ,tự dưng thấy buồn
Quanh co vậy nhưng cứ đi thôi Thi Thu, bỏ cuộc càng buồn hơn. 🙂
Với mình, truyện nào của Ái Duy cũng rất hay.
Có cảm giác như mắc nợ Ngọc Bút vậy, dù chỉ qua những phản hồi. Chúc bạn năm mới vui vẻ. 😀
Lâu rồi mới đọc truyện AD,vẫn hay như ngày nào
AD viết chậm, cám ơn bạn đọc không quên!
Buồn,hay !
Chúc mừng năm mới nhà văn !
Cám ơn Savi. Cùng chúc mừng năm mới nhé!
Cách kể chuyện gọn,có vẻ lạnh lùng mà xót đau
Thường thường cái cách kể chuyện ấy là để che giấu một cái gì đó ngược lại. Cám ơn bạn. 😀
Chất liệu đời sống qua văn của Ái Duy cực kỳ phong phú. Nhưng cái hay của tác giả là biết chắc lọc kể cả chắt lọc từng câu chữ
Sự chắt lọc nào cũng cực khổ cả, cám ơn bạn đã nhận ra. 🙂
Tính cách nhân vật rất hay,đầy bản lĩnh
Nhân vật của mình sẽ rất cảm kích với comment của Minh Nguyên. 🙂
Mình thích hình ảnh loài chim thiên di qua hình ảnh nhân vật -buồn và vút cao qua nỗi buồn. Viết thật hay.
Loài chim thiên di đúng là chỉ để lại nỗi buồn cho người trông ngóng nó. 🙂
Viết hay quá.
Cám ơn Mê Trang.
Trân-Nhẹ bổng mọi Sự như;Cái Thân ẻo lả”qua cầu gió bay”đó! Chuyện Chồng con-Bình thường thôi!Phong thái có vẻ Bụi mà Không! Rất Lành!Tâm hay nghĩ đến cái khó của người khác để”Thông cảm -hào phóng Vật chất” Có khi cả Tinh thần là”Biết nghĩ quan tâm”Làm gì giúp được thì làm! Thích bạn cà phê”Ngồi nghe Tâm Sự tỉ tê đây!”Đời tư”Hạnh phúc -nếu mình cho là như thế!Nếu Không!Bởi chưa an phận còn đòi hỏi-Tự làm khổ bản thân đây!”Sau biến cố Vượt biên chứng kiến nhiều Sự Việc..Trân với cái nhìn đổi khác! Rất ư là an phận !Một cách Cam tâm gần như lạnh lùng! Vẻ ngoài thế! Thật ra”Cả một trời”Sốt”trong Trân!Thích trả nợ đời-nợ Người và nợ bản thân Nên cứ bí ẩn đi đi về về”Hun hút đường mây..”Như cánh chim thiên di trú đông đâu đó!Chờ mùa Xuân trở về..”Hợp tan tan hợp!”
Aitrinhngoctran đọc kỹ ghê, cám ơn bạn.
Tuyệt vời, tuyệt vời Ái Duy ơi.
Bếp đang lu bu công chuyện, chưa định ngồi gỏ cho bạn, cho mình, nhưng đọc bài Ái Duy xong phải gủi mấy hàng mới được.
Chuyện Ái Duy viết bao giờ cũng sâu lắng lòng người, câu văn trôi chảy, càng đọc càng thấy hay. Mình ái mộ bạn vì tất cả những điễm đó.
Cô Trân trong chuyện của bạn là một trong đa số hình ảnh thưc của cuộc sống đời thường mà những cánh thiên di đang “trả nợ” mỗi ngày.. Cứ coi là căn nghiệp của riêng mỗi người hay chung nghiệp của một loài chim đã mang vào mình hai chữ thiên di.
Cũng còn chút hơi hướm tết, chúc bạn mình một năm an lành, hăng say viết lách nghen.
Chúc mừng năm mới chị Ngọc Nga. Đọc comment của chị mà ấm cả lòng. Nhân vật Trân ngoài đời thực là vậy, AD chỉ biết ngậm ngùi ghi chép lại mà thôi.