Huỳnh Ngọc Nga
Kịch ngắn một màn, 1 cảnh
Nhân vật :
Ông Phùng : công chức về hưu, 68 tuổi
Bà Phùng : vợ ông Phùng, nội trợ, 66 tuổi
Hoàng : con trai Út của ông bà Phùng, 26 tuổi
Phương Lan : con gái của ông bà Phùng, 30 tuổi
Bà Năm Hên: bạn của bà Phùng, 55 tuổi
Thanh : Việt kiều, cháu bà Năm, 35 tuổi
*
* )( *
Chiều 30 Tết, cảnh phòng khách nhà ông bà Phùng chưng bày hực hở đón Tết. Bàn thờ tổ tiên đặt sát vách giữa sân khấu trên có lư đồng và cặp chân đèn gắn đèn cầy chạm trổ tinh xảo, bình hương sáng loáng, một bình hoa vạn thọ tươi tốt. Một bộ salon dài đặt giữa phòng day mặt xuống sân khấu, có hai ghế bành bao quanh một bàn nhỏ, trên bàn có một chậu bonsai thanh lịch, một bộ trà 6 cái tách. Nằm ở góc trái bìa sân khấu có một chậu mai vàng nở bông rực rỡ. Một TV lớn nằm ở góc đối diện với bộ salon. Sát bìa bên phải sân khấu một bàn nhỏ để máy computer có ghế ngồi.
Trong phòng, ông Phùng quần tây, áo sơ mi chững chạc ngồi trên ghế bành đọc báo. Bà Phùng mặc nguyên bộ bà ba lụa vàng nhạt từ trong hậu trường bước ra, tay bưng một dĩa ngủ quả to đem đặt trên bàn thờ gia tiên, đặt xong bà đứng ngắm nghía toàn bộ bàn thờ.
Bà Phùng (xoay qua chồng,nói) Ông coi dĩa ngũ quả năm nay được hông ông? Tui tính mua cặp bưởi Năm Roi hình bầu rượu hay cặp dưa hấu hình vuông nhưng vật giá năm nay mắc quá, sơ sơ mỗi cặp như vậy gần cả chục triệu, tính ra thiệt là phung phí nên tui theo lệ cũ sắp một bộ ngũ quả coi cũng đầy đủ vậy, phải không ông?
Ông Phùng (buông tờ báo xuống, tay gở cặp kính lão, nhìn về phía vợ): Bà làm sao coi được thì làm miễn vừa ý bà thì thôi, hỏi tui làm chi, lỡ tui nói ” không được” mắc công bà nhảy đổng lên rồi bù lu bù loa gán nào tui ”chồng chúa, vợ tôi”, nào gia trưởng ăn hiếp bà như chuyện hôm qua thì mệt thân già của tui lắm bà ơi.
Bà Phùng (cưòi tỏn tẻn như biết lỗi rồi bước lại ngồi trên salon dài cạnh bên ghế của chồng): Ông cũng kỳ, chuyện hổng có gì mà nhắc hoài. Có mấy dây sua đủa quấn hàng rào cho lạ mắt mà cũng cà ràng cữi nhữi làm như…tía tui, rồi còn nói tui làm chuyện ruồi bu, chuyện mê tín dị đoan thì tui hổng tức mà cãi ông sao cho được.
Ông Phan (đứng lên, bước ra gần cửa nhìn ra ngoài cổng – tức phía trong hậu trường – rồi nhún vai lẫmbẩm): Hừ, hàng rào đang trồng bông bụp đẹp đẽ tự dưng đem mấy dây sua đủa về quấn tùm lum, coi không được chút nào….
Bà Phùng (ngó theo chồng) : Ông nói lầm bầm cái gì đó?
Ông Phùng (quay trở lại ghế bành và ngồi xuống) : Tui lặp lại lời tui nói hôm qua là hổng biết bà theo cái “mốt” gì mà đem giây sua đủa quấn hàng rào bông bụp làm mất vẻ đẹp của mặt tiền nhà mình.
Bà Phùng (chắc lưỡi thở ra, vẻ chịu đựng): Thì tui cũng đã nói hôm qua rồi, năm nay là năm Mùi, tui không trồng kịp cây sua đủa thì tui kiếm dây bông sua đủa về quấn hàng rào để kiếm chồng cho con gái mình. Qua năm mới nó cũng 30 rồi chứ có trẻ trung gì nữa đâu. Ông không lo cho con thì tui lo, đừng hỏi lung tung mất ” linh” mà con nhỏ nghe nó cũng buồn. Nó phải có chồng năm nay mới được ông à. Tử vi nói cuối năm nhà mình có chuyện bất ngờ, biết đâu chuyện gã cưới hổng chùng. Năm Mùi hạp với tuổi Mẹo của nó lắm, nếu thằng chồng nó tuổi Hợi hay Mẹo hoặc Mùi thì còn tốt hơn nữa vì Hợi – Mẹo –Mùi tam hạp mà.
Ông Phùng (cười ngất) Trời đất, vậy ra bà tính kiếm một chồng dê xồm cho con Phương Lan đó hả? Chỉ có dê mới thấy sua đủa mà nhào vô thôi. Bà làm như con gái mình ở cung cấm chờ xe dê của vua đi ghé ban ân sủng nhờ mấy hàng sua đủa trước cửa cung vậy đó. Như vậy, không là chuyện ruồi bu, mê tín thì là chuyện gì chứ?
Con Phương Lan nó mới có 30 tuổi mà bà sợ nó ế cái nổi gì. Thời buổi nầy năm, sáu chục tuổi cũng có người mới lên xe hoa bà không thấy sao? Bà không nhớ hồi đó, lúc tuổi bà tròm trèm 34, 35… dê cụ (cười mỉm) tui vẫn thấy bà đẹp mà òn ỉ xin ba má tui đi cưới bà cho tui hay sao? Tui còn nói tuổi đó là tuổi chính chắn, trưởng thành nữa, bà nhớ không?
Bà Phùng (nguýt dài, giọng ngúng nguẩy): Thôi đi ông, tui lấy chồng trễ tại nghe lời tử vi mà chờ ông đó. Tử vi nói, nếu tui lấy chồng sớm sẽ dễ bị gãy đổ và sẽ có tới hai đời chồng, còn chờ sau 35 tuổi thì ăn đời ở kiếp, con đàn cháu đống, phúc lộc đầy nhà. Nhờ vậy ông mới cưới được tui chứ bộ tui ế sao. Ờ, mà ông thấy chưa,nhà mình bây giờ tuy không hơn ai nhưng cũng đâu có thua ai, nhờ tui lấy chồng ở tuổi 35 đó đa. Mình chỉ còn thiếu dâu với rễ rồi có thêm đàn cháu là đúng y chang lời tử vi nói chứ bộ …
Ông Phùng (xua xua hai tay) Thôi được rồi, bà không ế, chỉ có tui là cưới vợ “băm” (đến đây ông cười khi thấy vợ trợn mắt ra dáng sừng sộ) .“Băm” là thuộc tuổi ba mươi trở lên đó mà, bà đừng nổi nóng. Người gì đâu nói chơi không biết, nói thiệt không hay.
(Và như sực nhớ ra điều gì, ông nhìn đồng hồ treo tường rồi hỏi vợ):
Ủa, hai đứa nhỏ đi làm về, cúng rước ông bà, ăn uống xong xuôi rồi lặn đi đâu mất biệt vậy bà? Bà nói chiều nay nhà có khách sao tụi nó không ở nhà? Mà khách nào sao không nghe bà nói tui biết , thét rồi cái gì bà cũng ậm ờ tới giờ chót mới cho tui hay.
Bà Phùng (nhăn mặt, nhíu mày): Ông thiệt đúng là già mau quên, chắc tại tối ngày cứ lo mấy trận đá banh hết vô địch câu lạc bộ trong nước đến cúp câu lạc bộ châu Âu nên có nhớ gì nữa đâu. Vậy chớ hồi sáng ai nhắc ông chiều nay ăn mặc chỉnh tề vì có chị Năm Hên dẫn thằng Thanh, cháu chỉ, qua thăm mình nhân dịp chỉ nói có chuyện muốn hỏi ý vợ chồng mình luôn.
Ông Phùng (như sực nhớ ra): A, tui nhớ ra rồi, Thanh, thằng cháu Việt Kiều của chỉ ở Úc về chơi ăn Tết luôn phải không? Nó có qua đây mấy lần rũ thằng Hoàng, con Lan đi chợ Tết chứ có lạ lẫm gì đâu mà bà bắt tui lên quần áo như đi dự tiệc vậy hà.
Bà Phùng (gật đầu): Phải đa, thằng đó đó ông. Tui hơi nghi nghi cuộc viếng thăm chiều nay của hai dì cháu nó lắm nghen ông.
Ông Phùng (nhướng mày): Nghi cái giống gì? Chắc lại nghi chuyện dê xồm ăn sua đủa của bà ngoài hàng rào phải không? (ông chắc lưỡi) Còn cái chị Năm Hên nữa, hở hở là mai với mối. Tui đã nói rồi, chuyện tình cảm phải để tụi nhỏ chọn lựa, quyết định. Mấy vụ mai mối không hợp thời nữa, nhất là ở thời buổi internet nầy. Ờ, mà tụi nó đâu rồi?
Bà Phùng (đứng dậy, ngó mong ra cửa): Chắc tụi nó cũng gần về rồi đó. Con Phương Lan đi làm tóc, còn thằng Hoàng qua nhà chị Năm Hên chơi với thằng Thanh sẳn về đây chung với dì cháu nó luôn. Hai thằng nầy coi vậy mà hợp tánh nhau lắm, sau nầy có thành anh rễ, em vợ cũng tốt cho con Lan.
Ông Phùng (trầm ngâm): Chưa gì hết mà thằng Hoàng đã thân cận với thằng Thanh, không sợ người ta nói mình tìm cách mua chuộc Việt kiều để gả con Lan sao?
Bà Phùng (nguýt dài): Ông sao khéo lo bò trắng răng. Tụi nó vô tình cùng làm ở ngành hoá chất nên thân nhau vì nghề nghiệp là chuyện thường chứ có ai mua chuộc ai đâu. Thôi, tui vô bếp lo soạn sẳn dĩa bánh mứt, nấu bình trà Huế chờ khách tới đây. (nói xong bà ngơe nguẩy vào bếp – tức phía bên phải trong hậu trường nhìn từ sân khấu))
Ông Phùng mang lại cặp kính lão, vói tay lấy tờ báo định tiếp tục đọc thì Phương Lan từ ngoài cửa xuất hiện (hướng trái của hậu trường nhìn từ sân khấu). Đó là một cô gái thanh mảnh, vừa tầm, cô mặc một chiếc váy màu xanh bích đậm, ngắn tay, hở cổ, một bên có cầu vai, một bên buông thả lững nửa vai trông rất hợp thời trang,mang giày cao gót. Tóc cô cắt ngắn úp hai bên gò má, đeo bông tai kiểu giọt mưa lóng lánh, cổ mang chuổi xanh bích nhẹ hợp với màu áo cô mặc. Cô bước vào đứng giữa sân khấu thì dừng lại…
Phương Lan (nhin chung quanh rồi quay sang ông Phùng): Thưa ba con mới về, má đâu rồi ba? Khách tới chưa ba?
Ông Phùng (ngó lên nhìn con rồi cúi xuống tiếp tục đọc báo, miệng trả lời):Má con dưới bếp nấu trà. Khách khứa con không thấy tức là họ chưa tới, còn phải hỏi. (Như sực nhớ ra đều gì, ông Phùng buông tờ báo, tháo cặp kiếng lão ra rồi kêu con gái khi cô dợm bước chân vào nhà trong)
A, Phương Lan, đứng lại ba hỏi cái nầy. Con thấy thằng Thanh, cháu bà Năm Hên thế nào?
Phương Lan (dừng lại và bước đến ngồi trên ghế của bàn vi tính, nhìn đối diện với ông Phùng, giọng ngạc nhiên): Ủa, sao tự nhiên ba hỏi con như vậy? Nhà mình chỉ mới gặp Thanh vài ba lần, con và thằng Hoàng có đi chợ Tết, ăn kem với ảnh cũng hai lần nên con cũng không biết trả lời chính xác về ảnh như thế nào đây. (rồi cô trầm ngâm giây phút) Tính ra, đó là một thanh niên tương đối đẹp trai, có học, có công ăn việc làm lại là Việt kiều Úc. Đi chơi ảnh tỏ ra khá hào phóng, lịch sự, nhưng…..
Bà Phùng (bất ngờ từ trong bước ra, chận lời con gái): Nhưng nhưng cái gì, người như vậy bộ dễ kiếm lắm sao mà còn nhưn với nhị. Dì Năm Hên có nói với má là ” thẳng “ về VN kỳ nầy tuy mượn tiếng về ăn Tết quê hương nhưng thực tình để cưới vợ. Bởi vậy mấy tuần nay nó cứ qua lại nhà mình hoài, rồi còn rủ tụi bây đi chợ Tết, chắc chắn là “thẳng” để ý tính chuyện gì với con nên nó mới chàng ràng như vậy đó. Dì Năm Hên có bỏ nhỏ cho má biết là chiều nay “thẳng” có chuyện quan trọng muốn thưa với ba má. Hai cha con thử đoán coi chuyện quan trọng là chuyện gì nếu không là việc xin hỏi cưới con làm vợ vì chỉ còn tuần nữa là “thẳng” hết hạn lưu trú phải về Úc rồi.
Phương Lan (cười ngất, cô ngắt lời mẹ): Má ơi, nếu anh Thanh để ý tới con thì ảnh phải tìm cách nói chuyện với con để dọ ý con trước chứ có đâu im ru không nói tiếng nào cho con biết hết như vậy. Chắc ảnh qua đây tính chuyện rũ ba hùn vốn mở phòng bào chế hóa chất theo công việc của ảnh ở bên Úc đó thôi.
Ông Phùng (cười cười, nói chen vào): Không chừng thằng Thanh dự định mở phòng bào chế hóa chất giữ cho dây sua đủa của má con không héo trên hàng rào bông bụp nhà mình đó nghen. (ông nhún vai) Trời, đời thuở kiếm chồng cho con mà giăng sua đủa để dụ rễ vào nhà như dụ dê kéo xe vua, con coi có ai kỳ cục như má con không? Thiệt hết chổ can bả.
Mà nè, lúc nảy con đang nói về thằng Thanh, tới chổ nhưng..thì bị má con ngắt ngang, bây giờ nói tiếp cho ba nghe coi có điều gì khác con nhìn thấy ngoài cái “đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi” của nó để thử xem cha con mình có đồng quan điễm với nhau hay không?
Phương Lan : Dạ, con thấy ảnh có vẻ thư sinh, nhu mì nhủ mĩ thái quá, không hạp với tuýp đàn ông con thích là phải mạnh dạn, phong trần đầy nam tính (cô quay sang ngó mẹ). Má đừng lo con ế chồng, tại con chưa chọn được người vừa ý chứ trong chổ con làm không thiếu người ngấm nghé con đâu.
Bà Phùng (thở dài) : Ờ, ở đó mà kén với chọn đi con. Cái già nó đến kề bên hồi nào không hay rồi chừng đó chạy đôn chạy đáo nhờ má kiếm chồng cho con. Lấy chồng hiền lành nho nhả không chịu, lựa mấy thằng “nam tính” như “cô” muốn tới chừng có chuyện lục đục vợ chồng, nó nóng tính thượng tay, hạ chưn chừng đó đừng có xách gói về nhà ba má hay ra phường kiện tụng chồng vũ phu nghen con.
Phương Lan (nhăn mặt, giọng hờn dỗi, đứng dậy đến ôm vai mẹ): Má, sao má trù con như vậy? Nam tính ở đây là biết quyết đoán, tự tin, mạnh dạn trong mọi việc chứ nào phải hùng hổ, nóng nảy, dữ dằn như má nghĩ đâu nè. Anh Thanh nầy con thấy ảnh rụt rè, nhỏ nhẻ như con gái, nói chuyện với con mà ảnh làm như nói chuyện với chị hai ảnh hổng bằng, cái gì cũng “xin phép cô, xin lổi cô”…con nghe mà bắt mệt.
Bà Phùng: Đó là tính lịch sự của Tây đó con, đáng lẻ con phải hài lòng chứ sao lại bực bội. Má nhớ ba của con hồi đó hễ hễ ra là nói như hạ lịnh, ổng có biết “ga lăng, nịnh đầm” là cái gì đâu. (Bà Phùng vừa nói vừa liếc xéo chồng). Chẳng hạn như lúc đi mua áo cưới, ổng có cho má lựa theo ý má bao giờ, (tới đây bà giả giọng ông Phùng) “anh thích thứ nầy, em mua đi”, quyết đoán thành ra độc đoán là ba của tụi con đó.
Ông Phùng (tằng hắng): Ờ, độc đoán vậy mà có người mê cũng ngộ thiệt.
Bà Phùng : Hứ, ai mê ông? tui tại cha mẹ đặt đâu ngồi đó chứ bộ (Bà ngừng giây phút như nghe ngóng) Hình như có tiếng xe ngừng ngoài cổng, chắc khách đến rồi. Phương Lan, con coi phụ ba con tiếp khách để má vô trong thay áo dài cho đàng hoàng một chút . (nói xong bà hối hả vào trong)
Cùng lúc đó, từ bên trong hậu trường có tiếng vọng vào :
– “Ông bà chủ nhà ơi, có Năm Hên đến xông đất sớm mừng gia đình ông bà đây. Năm mới, chúc mọi sự đều hên như Hên đây, may mắn, yên vui, hạnh phúc”.
Đồng thời từ hậu trường bên trái ba người tiến ra sân khấu, bà Năm Hên đi đầu , tiếp đến là Thanh và Hoàng tay năm tay nhau thân mật . Bà Năm Hên dáng phốp pháp, không cao, không thấp, mặt mày vui vẻ. Bà mặc áo dài nhung màu tím sẫm, thêu đính hoa văn rất đẹp, tóc bới cao, cổ đeo chuổi hạt trai trắng, tai cũng mang hoa tai hạt trai. Hai tay bà bưng một quả tre trên có hai trái bưởi hình bầu rượu dán giấy đỏ ghi ba chữ PHÚC – LỘC – THỌ.
Hoàng cao ráo, phương phi. Tóc nhuộm màu bắp chín, chải dựng đưng lên cao. Chàng mặc áo pull có hình CHE GUEVARA, quần jeans chổ bạc, chổ xanh theo thời trang trẻ hiện hành.
Thanh cao ráo,thanh mảnh, tóc chải gỡ đàng hoàng, đeo kính cận, áo sơ-mi trắng, quần tây xanh đen. Tay chàng cầm 1 c ặp ruợu tây gói giấy đỏ thắt dây hoa cẩn thận.
Ông Phùng và Phương Lan cùng đứng lên tiến ra đứng giữa sân khấu. Chủ khách hai bên cùng chào hỏi nhau.
Ông Phùng : Chào chị Năm. (xoay sang Thanh, ông bắt tay khách) Chào cháu. Gia đình tui cũng kính chúc chị và cháu một năm mới vạn sự cát tường.(ngó Phương Lan ông nói) Con vô nói với má con là dì Năm và cậu Thanh đã đến nghen con.
Phương Lan: Dạ .( rồi hướng về bà Năm Hên) Thưa dì Năm mới đến (quay sang Thanh, cô tiếp lời) Lan chào anh. Mời anh và dì ngồi chơi, để con vào trong pha trà và mời má con ra. (cô vào trong)
Thanh (vẫn đứng): Dạ, con chào bác, chào cô Lan.
Bà Năm Hên: (trả lời ông Phùng và Phương Lan) Anh và cháu Lan cứ để tui tự nhiên, mình chổ quen biết chứ có xa lạ gì đâu nè. Sẳn dịp này, dì cháu tui có chút quà mừng Tết biếu gia đình anh chị đây..
(Lúc đó bà Phùng mặc bộ áo dài màu rêu sậm từ bên trong bước ra, bà bước nhanh đến bên bà Năm Hên , mừng rỡ)
Bà Phùng (vồn vã ôm vai bà Năm Hên): Dữ ác hôn, tui tưởng đâu chị quên hẹn rồi chứ, trễ gần nữa giờ rồi đó nghen bà bạn già . (xoay sang Thanh, bà đon đả) Khoẻ không cháu? Sao, thấy Tết quê nhà thế nào? Vui hông?
Ông Phùng (chận lời vợ): Bà hỏi sao không kịp thở, từ từ cái đả, mời chị với cháu ngồi xuống uống trà trong khi chờ con Lan dọn cơm chiều mình ăn chung một thể. Rượu và bưởi chị tặng bà tính sao chứ không lẻ để chị và cháu cầm trên tay hoài sao?
Bà Phùng (giọng mừng rỡ pha chút bãi buôi, nữa đùa, nữa thật): Trời, bưởi loại nầy mắc như vàng chị và cháu làm vợ chồng tui ái ngại quá. Cám ơn chị và cháu nghen. Cha, bánh sáp đi như vầy, hổng biết tụi tui kiếm cái gì làm bánh quy “lại quả” cho chị và cháu đây? (quay sang con trai bà đang đứng dựa bàn vi tính bà nói) Hoàng, Con đem sắp cặp bưởi với hai chai ruợu nầy lên bàn thờ giùm má đi con. (rồi kéo tay bà Năm Hên, bà chỉ ghế salon mời) Ngồi, ngồi chị, cháu Thanh cũng ngồi chứ bộ tính đứng đó làm rễ hay sao vậy cháu?
(Hoàng vào trong lấy hai cái dĩa rồi bước đến nhận bưởi trên tay bà Năm trong lúc Thanh cũng bước về phía Hoàng. Cả hai lui cui sắp bưởi vào dĩa, tháo bao giấy đỏ lấy hai chai rượu ra rồi cùngnhau sắp xếp mọi thứ lên bàn thờ. Xong họ nhìn nhau cười chúm chím trước khi bước về phía ghế salon dài và cùng ngồi xuống bên nhau)
Bà Năm Hên (cười tủm tỉm) Hổng chừng chị nói vậy mà đúng đó đa. Còn tui, trước khi ngồi còn phải đi đốt nhang bàn thờ nhà gia chủ cho đúng lệ Tết VN mình để thằng cháu tui nó học thêm phong tục nước nhà. (Bà nói như phân bua) Tội nghiệp thằng nhỏ anh chị à,cha nó mất sớm, mẹ lấy chồng khác đi xa, tui nuôi nó đến khi nó 18 tuổi thì mẹ nó bảo lãnh cho nó sang Úc ăn ở, học hành luôn tới bây giờ, cũng hơn mười mấy năm rồi nên nó cũng đâu nhớ nhiều chi lắm tập tục Tết nhứt của mình.
(Nói xong bà bước về phía bàn thờ, thắp một cây nhang cắm vào bình hương rồi trở lại ngồi xuống ghế salon cạnh Thanh và Hoàng. Bà Phùng và ông Phùng ngồi ở ghế bành hai bên)
Ông Phùng (nhìn Thanh) Chị Năm nói vậy chứ thằng Hoàng nhà tôi ở trong nước mà nó cũng đâu thèm nhớ đến những điều hay của phong hoá quê mình. Tụi nó đâu hiểu tại sao ngày tư, ngày Tết khi đến viếng nhà người thân quen cần phải đốt nhang trên bàn thờ nhà đó, nhất là sau khi gia chủ đã làm lễ cúng rước ông bà. (gõ gõ mấy ngón tay trên thành ghế bành, ông nhìn con trai và hỏi) Con có biết lý do tại sao không Hoàng?
Hoàng (bây giờ mới lên tiếng): Sao vậy ba? Con thì con nghĩ mấy cái chuyện nầy mang tính chất hủ tục mê tín vì người chết là hết, có về đâu mà đốt nhang khấn vái, chào mời.
Ông Phùng: (lắc đầu rồi gật gù): Hồi ba còn trẻ, ba cũng nghĩ như con vậy. Nhưng theo tuổi đời với cuộc sống nghe, thấy,học hỏi thêm chung quanh ba mới nghiệm ra điều nầy. Cứ cho chết là hết đi, nhưng người sống, nhất là người Việt chúng ta, vốn ăn ở có trước có sau nên làm gì thì làm cũng không quên nguồn cội. Tết là lúc âm dương nhật nguyệt giao hòa chuyển đổi 365 ngày mới, là ngày hội để hiện tại chào quá khứ, đón tương lai. Chúng ta làm lễ rước ông bà như một hình thức nhớ quá khứ mà tổ tiên là những người đã cho ta có được hôm nay, một cách để dạy con cháu làm gì thì làm vẫn không nên quên người đi trước. Đó là tính thủy chung của kẻ sống đối với người chết. Thắp một nén hương là để tự nhắc mình, nhắc người đừng quên nguồn cội chứ không phải mê tín dị đoan đâu con. Đến nhà người khác trong ngày Tết thắp hương bàn thờ là cách tỏ lòng kính trọng gia chủ đó thôi con à. Chính những cái hay đó giữ cho người Việt mình đi đâu, ở đâu đến Tết cũng nhớ quay về tìm nhau quanh bàn thờ gia tộc là vậy đó.
Đúng lúc đó Phương Lan bưng một bình trà ra để lên giữa bàn, cô rót trà ra mỗi tách)
Phương Lan (đẩy các tách trà nghi ngút khói trên bànvề phía mỗi người ) Dạ, con mời ba ma, mời dì Năm, mời anh Thanh uống trà.
Bà Phùng: (nói với Phương Lan) Con vô lấy hộp mứt má sắp sẳn hồi nảy đem ra ăn với trà đi con (trong lúc cô gái “dạ” và quay bước vào bếp, bà Phùng hảnh diện khoe với bạn) Mứt me, mứt dừa, mứt chanh, ô mai,tất cả con nhỏ làm ở nhà hết chứ không phải mua ngoài chợ đâu nghen chị.
Bà Năm Hên (suýt soa): Chèn ơi, con gái chị thiệt là công ngôn dung hạnh đủ đầy, thời buổi nầy hiếm ai được như nó lắm đó chị. Ai có phước lắm mới cưới được cháu à nghen.
Bà Phùng (giọng hả hê): Nói hổng giấu chị chứ trong sở làm của nó thiên hạ sắp hàng dài dài theo nó mà nó có chịu ưng ai đâu.Nó nói chưa tìm được người vừa ý nên vợ chồng tui phải chờ đó chị. Tụi tui cứ nghĩ, chuyện vợ chồng là câu duyên nợ, để nó tự lo liệu chứ hối thúc nó quá rủi nó thương mình rồi ưng càng, ưng bậy gặp người không tốt sau nầy khổ thân nó, tội mình lãnh, phải không chị?
(Phương Lan bưng hợp mứt ra, mở nắp để trên bàn, cô sắp mấy cái nĩa nhỏ và các khăn ăn giấy để trước mặt mọi người rồi lại mời như mời trà vừa qua. Xong xuôi, cô định chuẩn bị lui bước vào trong nhưng bà Phùng lên tiếng)
Bà Phùng : Phương Lan, hôm nay ngày 30 Tết, mọi người vui vẻ với nhau, con ngồi xuống đây để chung vui cùng cả nhà, chút nữa hảy lo chuyện dọn bàn ăn cơm chiều cũng chưa muộn.
(Mọi người lo chuyện vãn không ai để ý là Hoàng và Thanh thỉnh thoảng đưa mắt nhìn nhau cười tủm tỉm hoài)
Bà Năm Hên (nhìn Phương Lan với vẻ yêu thích, hài lòng): Phải đó con, ngồi đây đi, sẳn dịp có chuyện thằng Thanh nó muốn thưa cùng anh chị và các cháu.
Ông Phùng và bà Phùng (đồng thanh ứng hỏi): Chuyện gì vậy chị?
Bà Năm Hên ( bưng tách trà nhấm một hớp nhỏ lấy giọng rồi đứng lên, trịnh trọng): Thưa anh chị, như anh chị biết đó,, thằng Thanh đây tuy là cháu tui nhưng tui thương nó như con ruột vì đã nuôi nấng nó từ khi cha nó chết, mẹ lại lấy chồng đi xa. Bây giờ ăn học thành tài, cơ ngơi vững chải nên nó cũng muốn có một mái gia đình như mọi người. Nó thường than thở với tui là tìm hoài mà không thấy ai vừa ý (tới đây bà cười, ngó Phương Lan) giống như chị đã nói về cháu Phương Lan. Về lần nầy, trước là để hưỡng lại cái Tết cổ truyền quê hương, sau nó nhờ tui giới thiệu một nơi tin cậy. Tui nhìn quanh quất thấy chỉ có gia đình anh chị là tui ưng ý nhất nên đã xin phép anh chị cho nó qua lại đây mấy lần, chuyện vãn, vui chơi với hai chị em cháu Lan để dọ dẫm tính tình.
Chỉ còn hơn tuần nữa là cháu nó hết hạn lưu trú phải về Úc nên nó nhờ tui thưa cùng anh chị cho nó nói đôi lời trước khi từ biệt.
(Mắt bà Phùng sáng lên khi nghe bà Năm Hên nói. Phương Lan e thẹn ững đỏ đôi má hồng. Ông Phùng gật gù như chờ đợi. Hoàng và Thanh ngồi xích lại gần nhau, tay nắm tay như xúc động tột cùng)
Ông Phùng (ngó bà Năm Hên rồi quay qua Thanh, ông chậm rãi nói): Gia đình chúng ta quen biết từ bấy lâu nay, có gì thì chúng ta cứ giải bày, ngày Tết cũng là dịp để mọi người cảm hiểu nhau hơn mà. Đâu, cháu Thanh, có gì muốn nói thì cứ thẳng thắn mà trình bày, để xem hai bác và tụi nhỏ có giúp gì được cho cháu không?
Thanh (buông tay Hoàng ra, e dè đứng dậy, sửa lại cặp kính cận, xoa hai tay vào nhau giây phút rồi ngập ngừng nói): Thưa hai bác, đúng như lời dì Năm con nói, sau một thời gian thân cận cùng gia đình hai bác, quen biết với cô Lan và em Hoàng con thấy tình cảm mình dừng lại ở nơi đây. Con năm nay 34 tuổi, qua năm tới… tới nữa thì được 36 (đến đây Phương Lan mím môi cười nhẹ, ông bà Phùng cũng vui vẻ gật gù), đúng tuổi để lập gia đình nên con xin phép hai bác cho con được là một thành viên của gia đình hai bác, được nên duyên cùng con của hai bác. Nếu hai bác đồng ý, chúng con sẽ làm thủ tục đăng ký và con sẽ về Úc để mời mẹ con và ba dượng con sang đây khi ra giêng để tổ chức đám cưới với đủ đầy nghi lễ.(nói xong Thanh ngồi xuống, tiếp tục nắm tay Hoàng).
Ông Phùng (nghiêm trang đứng lên): Cháu nói vậy, hai bác cám ơn. Thời gian quen biết giữa cháu và con bác tuy ngắn ngủi nhưng bác cũng để ý thấy cháu là người đứng đắn, đàng hoàng. Tuy nhiên, nhà bác luôn có tinh thần dân chủ, trước khi chính thức trả lời cháu, bác phải hỏi ý kiến các thành viên trong gia đình mới được. Cháu chịu khó chờ nghen.
(Quay sang bà Phùng rồi nhìn Phương Lan, Hoàng ông hỏi) Bà đồng ý nhận lời cầu hôn của cháu Thanh với con mình không? Hoàng con có đồng ý nhận anh Thanh làm anh con không? Và Phương Lan, con thấy thế nào?
Bà Phùng (giọng cảmđộng): Tui chờ đợi giây phút nầy từ bấy lâu nay, ông ở đó mà còn hỏi tui nữa sao? Tử vi nói đúng thiệt, lời ngỏ ý của cháu Thanh quả là chuyện bất ngờ chẳng sai.
Hoàng (giọng run run) Dạ, con bằng lòng.
Phương Lan (cúi mặt thẹn thùng) dạ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, nhưng..con nghĩ là tụi con cần thêm một thời gian nữa để tìm hiểu nhau rõ ràng không thưa ba? (không ai để ý là lúc đó Thanh lắc đầu lia lịa và giơ hai tay ra dấu bất đồng).
Ông Phùng (nhăn mặt nhưng giọng hài lòng): Thì tới ra giêng chờ anh chị sui sang đây mới cưới, thời gian đó tha hồ hai đứa bây thư từ tìm hiểu. Đời bây giờ có internet, có skypes, có iphone đủ thứ, xa hoá gần mà. Thôi, ba cho phép hai đứa ngồi lại gần nhau đó. Hoàng, con đứng dậy nhường chổ cho chị hai con đi.
Thanh (giọng hoảng hốt, hai tay ôm đầu trong lúc Hoàng cúi mặt nhìn xuống đất, không nhúc nhích) Dạ dạ không phải hai bác ơi. Con muốn xin hai bác cho con cưới em Hoàng chứ không phải cưới “chị” hai. Hai đứa con thương nhau và muốn về với nhau trọn đời.
Bà Năm Hên (sững sờ): Thanh, cháu làm sao vậy? Sao dì không biết gì về chuyện nầy hết vậy?
Tất cả mọi người trong phòng, trừ Hoàng và Thanh : Trời!!
Ông Phùng ( há hốc miệng, hai tay giơ lên cao): Chuyện bất ngờ của bà cuối năm đây, bà thấy chưa? Hoàng ơi là Hoàng, con ơi là con.
(Phương Lan ôm mặt đứng dậy chạy vào trong hậu trường. Bà Phùng từ từ xỉu . Ông Phùng lật đật chạy đỡ vợ lên).
Nhạc trổi bản Mừng Xuân – Màn từ từ hạ,
HẾT
HUỲNH NGỌC NGA
Torino, ITALIA – 20.11.2014
vui và vui
Happy new year chị Bếp !
Vì Tết là Tết nên phải vui và vui hén DvNga.
Ui chao, cái tên của bạn làm Bếp nhớ Thái hậu Dương Vân Nga quá chừng.
Bếp cũng chúc Happy New year bạn nghen.
Cuối năm xui để đầu năm may chị Nga ơi !
Minh Mẫn nói có lý đó, thà cuối năm xảy ra chuyện bất ngờ như vậy còn hơn để đầu năm càng mệt hơn.
Minh Mẫn vui trọn 365 ngày mới trước mặt nghen.
Phản hồi và đọc phản hồi của chị thấy rất vui
Thiệt vậy hả XQuang? Bếp chỉ sợ Bếp nói nhiều quá làm bực mình các bạn thôi.
Thệt tình Bếp rất trân quý những lời chia sẻ của bạn bè nên đáp lại Bếp cũng hết lòng “tào lao” để gọi là tạ lòng sự ưu ái của bằng hữu độc giả. Đôi lúc Bếp “xã ga” xong, đọc lại Bếp cũng ngài ngại là mình “già chuyện” quá, nhưng tính nào tật nấy bỏ hổng được. Nay XQuang nói vậy, Bếp yên tâm phần nào và nghe vô cùng hạnh phúc (đúng y chang lời các bạn chúc đó).
Cám ơn XQuang và chúc bạn mọi an bình trong cuộc sông nha.
Chúc chị năm mới vui như tết
Được Kim Phú chúc là Bếp thấy vui như Tết rồi, chắc sẽ vui trọn năm như lời bạn chúc đó.
Kim Phú cũng an vui, vạn sự cát tường trọn năm nha.
Lâu lắm rồi mới đọc lại kịch. Nhưng kịch này hình như chỉ để đọc vì diễn phải dài hơn nữa phải không chị ?
Kim Mai nói đúng, đây là kịch mình viết để đăng báo với số trang bị giới hạn, kể như kịch bỏ túi vậy đó. Nếu đem trình diễn chỉ kéo dài khoảng 10 phút là cùng.
Có 1 chị bạn đồng nghiệp thời trước đọc xong đề nghị Bếp viết tiếp đám cưới của 2 anh chàng Thanh – Hoàng nhưng thiệt tình Bếp không dám vì ..bí rồi, hi hi..
Coi bộ Kim Mai thích kịch phải hôn? Để khi có dịp rãnh rỗi Bếp cố gắng viết 1 vở dài dài hơn chút xíu cho Mai đọc nghen.
Hết Tết rồi chúctân xuân cho Kim Mai không biết có bị lạc đề không nhưng vẫn mong bạn có được một năm an vui, hạnh phúc.
Viết đơn giản mà vui
Mai Huỳnh “bình” cũng đơn giản mà làm Bếp hỉ hả lắm đó.
Cám ơn bạn và mong mọi an vui cho năm Mùi trước mặt nghen.
Em vừa đọc vừa tủm tỉm cười thú vị về cách ăn nói đối đáp cùa ông bà Phùng cho tới phút… 88, khi “Hoàng và Thanh ngồi xích lại gần nhau, tay nắm tay như xúc động tột cùng” thì em đoán ra là có sự… khác thường.
Chị viết kịch cũng nghề lắm. tuy nhiên em muốn góp ý một chút về việc chị dùng từ “thẳng”. Ở VN hiện nay em không nghe ai dùng từ này. Em chỉ nghe bà ngoại em (năm nay trên 120 tuổi, đã mất) dùng từ này mà thôi.
Có dây sua đũa nữa sao? Nó còn có tên gì khác nữa không, để em tìm về trồng chơi. Hồi nào giờ em chỉ biết có cây sua đũa ở miền Tây thôi.
Chúc chị hăng say sáng tác kich.
Dì Ba nó à,
Ừ hén, có lẻ chị xa quê nhà lâu quá nên không để ý đến điều cưng nói, chị chỉ nhớ ngày xưa mỗi lần về Long An thăm ngoại chị, chị hay nghe mấy bà lớn tuổi khi nói chuyện ưa dùng tiếng “thẳng” kh nói chuyện, chị lại thích cách dùng từ nầy nên cứ đợi dịp là đem ra xài, ai dè nó thành cổ lổ xỉ rồi. Để chị lưu tâm các bài viết sau vậy. Cám ơn cưng nghen, có em út nhờ cậy như vậy cũng may cho chị lắm đó.
Còn chuyện dây sua đủa thú thiệt với cưng từ thuở còn ở VN đếnnay chị chưa từng thấy cây sua đủa, hay bông/ dây sua đủa gì hết. Hôm nọ, trước khi viết bài nầy, chị có đi hỏi má chị thì má chị nói có dây sua đủa nó giốngnhư đậu đủa vậy, không biết má chị nhớ đúng không nhưng má nói là chị tin và đem áp dụng vô bài liền cho hợp thời trang năm Mùi ấy mà.
Các món ăn ngày Tết còn dư nhiều không vậy cưng? Nhớ khứa cá lóc kho của cưng quá nhỏ ơi.
Yên tâm, khi nào về VN em sẽ lại mời chị món cá lóc kho và canh chua cá lóc nấu bông sua đũa (nếu đúng mùa).=:)
Đọc thấy nhẹ nhõm một chút sau mấy ngày tết tất bật.
Tết mà Sông Hà Thanh, Bếp đâu dám làm nặng lòng người đọc, phải “nhẹ bụng” để còn tiêu thụ hết các thức ăn ứ đọng sau mấy ngày cúng kiến, đãi đằng nữa chứ. Biết Sông hà Thanh thấy nhẹ nhõm là Bếp hỉ hả rồi.
Tiếp tục Tết hoài hết tháng giêng và an lành trọn năm nha.
Bất ngờ thiệt đó chị Hai. Phục chị đã hiền lành, lại còn cởi mở, phóng khoáng.
Em Linh
Dì Tư nó ơi,
Những tỉnh từ cưng tặng chị, chị cám ơn nhưng chị phải đi hỏi ông xã chị và 2 đứa nhỏ nhà chị xem “họ” có chịu chứng nhận quả đúng như lời cưng nói không rồi chị mới dám nhận em cưng à.
Qua năm mới rồi, mong mọi sự tốt đẹp đến với cưng và gia đình.
A, năm mới đang còn mới! Mới qua ba ngày Tết Con Dê Ất Mùi… Vẫn còn tràn trề vị Xuân… để mà đọc thưởng thức vở kịch … Phút 89 của kịch tác gia Huỳnh Ngọc Nga. Nhà văn Huỳnh Ngọc Nga đã nhường sân cho nhà biên kịch trổ tài rồi, cho bà con XuNau lác mắt chơi!
Xin chúc mọi người Mùa Xuân vui Như Ý và ba mùa còn lại cũng là mùa Xuân bất tận!
Cao huynh ơi,
Anh làm Bếp bay cao rồi không biết chừng nào đứt giây té cái đùng đấy nghen. Bếp đi đăng ký các danh từ “nhà văn”, “kịchh tác gia” mà chưa ai cho hết nên mắc cở quá chừng khi được anh thổi bong bóng đó. Hi hi..tuy vậy cũng nghe thích chí lắm, hi hi…
Xin lổi mấy ngày nay bận quá nên chưa kịp viếng nhà anh, thất lễ quá chừng.
Vua Quang trung mùng 5 mới cho mọi người ăn Tết lớn, giờ Bếp chúc anh và gia đình một năm mới vạn sự an lành không biết có trễ lắm không?
Nhiều hạnh phúc và may mắn trong năm 2015 chị nhé !
Chắc chắn rồi, Bếp sẽ hạnh phúc và may mắn với lời chúc tử tế của bạn,
Đáp lại, Bếp cũng chúc bạn mãi mãi an lành, hạnh phúc nghen.
Vỡ kịch này “diễn” được tác giả ơi.
Nguyễn Trọng Thi nói thiệt sao? Hi hi..đừng làm Bếp mơ chuyện bán bản quyền kiếm tiền về VN nghen.
Nhưng mà hết Tết rồi diễn ai coi nữa đây hả bạn? Chờ năm tới chúng ta đề nghị cậu Sáu chủ nhà tuyển lựa nghệ sĩ xóm nẫu bọn mình và tìm sân khấu cũng xứ nẫu luôn để thượng đài cho bà con nhà nẫu xem vậy.
Cậu Sáu ơi, để mắt tuyển lựa nghệ sị từ từ là vừa rồi đó.
Cám ơn lời khích lệ thiệt tử tế của N.T.Thi nghen (cái điệu nầy chắc Bếp quay qua viết kịch chứ không kể chuyện nữa rồi).
Chúc bạn và gia đình một năm an lành, vạn sự như ý nha.
Vỡ kịch này được dàn dựng chưa vậy chị
Chưa, Khungcuahep à. Bếp đang định nhờ cậu Sáu Nẫu nhà ta tìm nghệ sĩ làng nẫu chờ tết năm tới lên sân khấu “ảo” đó . Hay là khungcuahep làm đạo diễn và casting luôn đi nghen, hi hi..
Chuc Khungcuahep và gia đình một năm an lành, hạnh phúc nha.
Bất ngờ ”Thực như Mơ”Hơ..hơ..Hai Nam -Trai tơ!”Hoàng Thanh”-Cặp đôi đó!Cũng hoàn hảo chớ bộ!?-Xỉu gì mà xỉu chớ!-Chút Ngất thôi bất ngờ!?”Đồng tình luyến ái ”đó!Thiệt là…Vui quá xá cỡ…..!?
Chào cô nàng tử tế,
Aitrinhngoctran nhận xét đúng, “họ” quả là một cặp đôi hoàn hảo. Chuyện trời đất sanh cho họ chứ thiệt tình chắc họ cũng không muốn thế đâu. Vấn đề của họ không có gì phải làm ầm ỉ, miễn họ không hại ai là được rồi. Con người ai cũng có cá tính, ý thích riêng đâu thể bắt người khác sống giống mình há aitrinhngoctran?
Cho Bếp gửi một năm mới an lành đến bạn và gia đình nha.
Kịch bà chị viết cũng thú vị
Lời còm của ông anh Sino càng làm bếp thấy thú vị hơn.
Cám ơn thật nhiều và chúc 365 ngày mới an vui.
Cứ chúc mừng năm mới an khang cái đã,mai mốt đọc sau nhé chị
NHT thật là người chu đáo, cám ơn bạn nhiều và chúc một năm vạn sự cát tường. Câu chuyện cuối năm vẫn ở đó chờ NHT ghé mắt đó nghen.
Tội cho Phương Lan! Tình yêu đôi lứa là gì mà khiến người ta phải khắc khoải như vậy? Hãy quên hết mọi thứ cho cuộc đời tươi sáng hơn
Minh Nguyệt thật là người tử tế, đa cảm làm sao. Đừng tội nghiệp Phương Lan mà hảy mừng cho cô ấy đã may mắn tránh được những rắc rối về sau. Vì cứ tưởng tượng chàng Việt kiều kia sợ tai tiếng giả vờ ưng Phương Lan rồi khi cưới xong lại đi lộn xộn bất chánh với cậu em vợ thì lúc đó mới quả thật tình tội nghiệp cho cô nàng. Minh Nguyệt có đồng ý với Bếp điều nầy không?
Thôi, đừng thương người trong truyện mà buồn. Hảy vui lên nhận lời chúc bình an, hạnh phúc của Bếp gửi cho Minh Nguyệt nè.
Minh Nguyêt cảm ơn Bếp đã chia sẻ. MN tội cho Phương lan là vì cô ấy hi vọng để rồi thất vọng. Nhưng không thương người trong truyện nữa. Chúc tác giả năm mới vạn sự như ý.
Cho Minh Nguyệt đóng một vai với chị ơi!
Hi hi..Minh Nguyệt ơi, Nguyệt muốn thủ vai nào? Hai bà sồn sồn và cô Phươg Lan, vai nào Nguyệt thích cứ đăng ký cùng cậu Sáu chủ nhà, cậu ấy sẽ phân vai cho bạn.
Hy vọng rồi thất vọng cũng là kinhn ghiệm để sống trong cuộc đời nầy, cứ cho cô Phương Lan chút kinh nghiệm sống đi mà, không làm cô ấy buồn lâu đâu.
Ở ngoài đời Minh Nguyệt hiền lắm phải không?
Chúc cô năm mới thật nhiều niềm vui
Cám ơn Chút Chít. cô cũng Chút Chít y chang như vậy, muốn gì được nấy nghen.
năm mới an lạc ,may mắn nhé nhà văn
Chào người cùng tên khác họ,
Bếp sẽ sung sướng nhiều hơn nếu Nga nguyễn chúc “năm mới an lạc,may mắn nhé bà Bếp” vì nhà văn Bếp chưa có “môn bàì”, hi hi..
Chúc Nga nguyễn cùng gia đình cũng 365 ngày bình an, vạn sự cát tường nha.
Chị Bếp ơi,ăn tết chắc kỹ lắm hén ?
Chào cậu Sáu,
Thì cũng như mọi năm, nấu nướng rồi đem về nhà má chị chung vui đại gia đình. Nhờ trời cho má chị còn bên con cháu nên chị và gia đình các em chị vẫn còn hưởng được cái vui ngày Tết dù là tết tha hương.
Cậu mợ và các cháu chắc về quê thăm các cụ phải không? Tết quê nhà lúc nào cũng trọn vẹn đủ đầy. Lắm lúc chị nghe ganh tỵ với cậu và các bạn ở bển đó nghen.
Đã chúc cậu hôm trước rồi, hôm nay chúc nữa mọi bình an cho nâm mới, cậu dám nhận không?
Cung chúc tân xuân “Bà Bếp ” xứ Ý đại lợi. Chúc chị một năm mới đại lợi.
Hi hi..nếu Himlam chúc vậy là Bếp có hy vọng đủ tiền về VN lần tới rồi, nhất định sẽ báo Himlam biết để tạ ơn lời chúc “đại lợi” nghen.
Đáp lại, Bếp chúc Himlam “đại đức” được không? Đức quý hơn tài,lợi nhiều lắm đó. Nhận đi để lấy hên năm mới Himlam ơi.
Vở kịch ngắn thứ 2 của chị đăng trên trang này thật vui
Đâu phải vậy Thi Thu ơi, đây là vở kịch thứ ba của Bếp trên xứ nẫu đó chứ.
Hai vở trước là Tứ Hành Xung (viết cho Tết) và Con Rồng, Cháu Tiên viết cho ngày giỗ tổ Hùng Vương. Thi Thu vào danh mục của Bếp tìm thử xem sao nghen.
Mồng 4 rồi, cho phép Bếp chúc muộn Thi Thu một năm an lành, hạnh phúc nha.
Chúc chị và gia quyến một năm mới nhiều nhiều niềm vui.
BNgân cũng vậy nghen, an lành và vạn sự như ý tròn 365 ngày mới nha.
Cầu mong một mùa xuân an lành đến với chị Nga và gia đình
Bếp tin chắc Bếp và gia đình sẽ được một mùa xuân an lành nhờ lời chúc của Gềnh Ráng đó.
Cám ơn bạn thật nhiều và xin đáp lại Gềnh Ráng cùng gia đình lời chúc vạn sự như ý tròn năm Ât Mùi nha.
Viết cũng rất vui
Năm mới phát tài phát lộc chị Nga nhé
Chip ơi,
Viết cho Tết nên đâu dám viết buồn, nếu không Bếp sẽ cho chàng Việt kiều cưới P.Lan nhưng đám cưới xong lại đi “dê” em trai của vợ, chừng đó P.Lan khóc sẽ hết vui nên Bếp ngưng nữa chừng và cho hạ màn đó Chip.
Chip cũng phát tài, lộc và phát… tình cảm với cuộc đời nữa nghen.
Tết đọc cũng dzui dzui. Happy new year
Hi hi…(đáng lý ra phải cười he he..cho đúng năm Mùi nhưng sợ bị Miên cho là bà già không nên nết nên Bếp chỉ cười mím chi hi hi thôi) hi hi..Miên thấy dzui dzui là Bếp thấy tết còn dài tới ra giêng rồi.
Cám ơn lời chúc, hôm nay mồng 4 rồi chúc Miên cũng happy new year Miên có nhận giùm Bếp không?