Du ký về Cambridge, Anh Quốc, của QUẾ SƠN
NỬA ĐÊM Ở PHI TRƯỜNG DOHA: NHỘN NHỊP NHƯ SIÊU THỊ NGÀY THỊT GÀ ĐẠI HẠ GIÁ.
Nửa đêm (giờ địa phương, ở Việt Nam đã 4 giờ sáng), là lúc chúng tôi đặt chân vào Transfer Hall dành cho hành khách quốc tế quá cảnh, rộng thênh thang với hàng loạt những dãy ghế đã đầy người ngồi đợi nối chuyến. Chúng tôi sẽ phải ngáp dài, ngáp ngắn ở đây gần 4 giờ nữa để bay tiếp đi London (Luân Đôn). Cất cánh từ Sài Gòn khi trời chiều chưa tối hẳn, máy bay hãng Qatar Airways[1] đã đưa chúng tôi đến Doha, thủ đô của tiểu vương quốc Hồi giáo Qatar nằm bên bờ vịnh Ba Tư (Persian Gulf) này. Chuyến bay kéo dài hơn 8 tiếng đồng hồ nhưng là bay đêm nên tôi cũng chợp mắt được một lúc sau bữa ăn tối hậu hĩnh.
Xin được nói thêm một chút về chuyện ăn uống vì nó hơi khác thường : đây là lần đầu tiên tôi đi hãng này, và vì mua vé hạng phổ thông (Economy, tức hạng chót) nên tôi cảm thấy hơi lạ khi chúng tôi (hay những hành khách khác cùng hạng, nếu muốn) được phục vụ uống rượu champagne khai vị. Cô tiếp viên tinh ý nhận ra vẻ hoài nghi trên mặt tôi khi nghe cô lên tiếng mời bèn xoay vội cái chai đang cầm để tôi liếc mắt thấy hàng chữ Product of France trên nhãn ! (Rồi rượu vang đỏ hay trắng cho bữa ăn nữa, nhưng mục này thì hãng nào cũng phục vụ, chỉ có dở hay ít dở hơn mà thôi !) Hơi lạ vì tôi không thấy có cái trò chơi “sang” với champagne thứ thiệt này cho hành khách hạng phổ thông ở các hãng máy bay khác mà tôi đã có dịp đi. Còn đồ ăn trên máy bay, dĩ nhiên, ai cũng biết là toàn là đồ nấu sẵn được đông lạnh rồi hâm nóng lại trước khi tiếp viên mang ra cho khách, nhưng cũng có món ngon, món dở, tùy tài năng của anh bếp trưởng, chị bếp trưởng của nhà thầu cung cấp đồ ăn hàng loạt cho các hãng hàng không, mang từ phi cảng lên máy bay trước khi cất cánh. Nói cho công bằng, các tiệm ăn Tây ở dưới đất, sang trọng hay bình dân, cũng làm thế, tức đông lạnh một số đồ ăn nấu sẵn, nhất là các món cần nấu lâu như ra-gu bò hay cừu… rồi hâm nóng trước khi bồi mang ra bàn cho thực khách.
Ăn uống quá đủ, ngủ thì tạm đủ như thế nên tôi không cảm thấy mệt mỏi lắm khi đứng dậy kéo cái va-li nhỏ ra khỏi máy bay đậu ở phi đạo nằm quá xa nhà ga hàng không (vì phi trường mới xây chưa xong[2]), leo lên xe buýt chở tôi đến cái sảnh chờ rộng mênh mông và nhộn nhịp này. Chỉ thấy mắc cười khi nhìn cảnh thằng con trai mình, chưa đầy 10 tuổi lúc đó, bị đánh thức khi đang ngủ say, rồi nó mắt nhắm mắt mở cũng phải bước theo người lớn ra khỏi máy bay, lưng đeo cái ba-lô nặng gần 7 kg chứa đồ dùng riêng của nó (sách, pi-ja-ma, đồ lót, áo khoác, tất, mũ, khăn quàng, đồ đánh răng… nó cũng cố nhét thêm một bộ áo quần ‘dự trữ’, vì nghe theo lời mẹ nó, lỡ hai cái va-li lớn ký gởi theo máy bay bị thất lạc hay đến trễ một, hai ngày thì mình vẫn có sẵn đồ sạch sẽ để thay.)
Chính từ thằng cu này mà ý tưởng đi thăm nước Anh, lần đầu đối với vợ con, và trở lại sau nhiều năm xa cách đối với tôi, hình thành trong đầu. Số là vào một lần cách đấy vài tháng khi tôi chở nó về nhà ở ngoại ô từ một trường dạy thêm tiếng Anh cho con nít vào cuối tuần nằm ở trung tâm thành phố Sài Gòn mà nó lên tiếng hỏi tôi :
— Cô giáo người Anh sáng nay nói là người Anh rất yêu chó nên có câu nói, ‘Dogs are a man’s best friend’. Có đúng vậy không ba?
Tôi ậm à ậm ừ không biết nói sao cho dứt khoát vì trong đầu chợt nhớ tới việc mình có lần từng “rựa mận” anh bạn trung thành hết mực này với bạn bè trên dãy phố bán thịt chó ở làng đào Nhật Tân những ngày ở chơi Hà Nội. Nhưng cuối cùng tôi cũng trả lời con :
— Nếu con thử hiểu sai đi cái chữ man trong câu nói đó, thử hiểu man là đàn ông thay vì là con người, thì chó đúng là bạn tốt nhất của đàn ông đó con.
— Tại sao vậy ba?
— Vì… vì người Anh khi đi dạo chơi với vợ thì im re bà rè suốt buổi, cạy răng cũng không nói, nhưng khi dẫn chó đi dạo thì mở miệng nói huyên thuyên gần như không dứt với nó.
— Sao lạ vậy ba?
— Ôi, sau này lớn lên lấy vợ con sẽ hiểu thôi.
— Nhưng con đâu phải người Anh.
Ngừng một lúc lâu rồi nó tiếp :
— Cô giáo con nói ở Anh phong cảnh biển có lẽ không đẹp và ấm áp bằng Việt Nam nhưng có nhiều cái đáng xem mà ở đây không có, như xác ướp Ai Cập, như bà hoàng Elisabeth… Hay là ba dẫn con đi Anh cho biết đi?
Tôi định buột miệng hỏi lại, xác ướp Ai Cập ở Anh à, nhưng chợt nhớ ra là trong British Museum ở London có trưng bày nhiều “mummies” đó, nên im lặng một lúc. — Để xem đã, cuối cùng tôi nói, nhưng dù gì cũng phải chờ đến khi con được nghỉ hè mình mới đi chơi xa được, trong khi nghĩ trong đầu, ừ nhỉ, bao năm rồi mình chưa trở lại Anh, thỉnh thoảng trong bụng cũng thấy nhớ đó chớ. Nhớ khi về nhà vòi vĩnh mẹ con thử xem sao nghe, tôi dặn nó.
Vậy là sau hơn hai tháng chuẩn bị cho chuyến đi, vào một ngày đầu tháng bảy năm 2013 chúng tôi xách hành lý rời nhà lên phi trường.
Đúng là nhộn nhịp không thể tả, dù đã hơn nửa đêm, cái sảnh chờ đi của phi trường Doha này, hình như nó là nơi chuyển tiếp hoạt động liên tục của các chuyến bay từ Âu sang Á và từ Á sang Âu. Tôi đến ngồi ở một hàng ghế hơi xa lối đi chính cho bớt ồn, cho dễ nhắm mắt ngủ gà ngủ gật nhưng quả là không thể. Thế là tôi đành giương mắt ếch mà nhìn ông đi qua, bà đi lại cho tiêu thì giờ. Khuya thấy bà rồi mà người ta đi đâu mà đông thế này, nườm nượp ngược xuôi, hầu như không dứt. Và đủ thứ tiếng nói, cứ như là ở trong Tháp Babel vậy, đến từ các loại người tứ xứ : nổi bật đầu tiên là người địa phương, Qatari, đàn ông mặc áo choàng trắng dài từ cổ đến chân, đầu đội khăn trắng dài đến vai được kẹp bằng một cái khăn đóng màu đen, trông oai phong và đẹp mắt lắm; đàn bà cũng mặc áo choàng kín mít từ cổ đến sát đất, nhưng màu đen, đầu trùm khăn đen, mặt đeo mạng cũng đen, chỉ để hở đôi mắt thôi; và lạ mắt nhất là đàn ông luôn đi trước, đàn bà luôn đi sau, nếu họ có đi chung. Tôi chợt hiểu ra là tại sao trên chiếc máy bay hãng Qatar mà tôi vừa đi, các cô tiếp viên mà tôi thấy mặt đều là người Âu hay Đông Á, chứ không có các cô gái bản xứ Qatari : họ phải ăn mặc kín mít như thế thì làm sao được phép tiếp xúc, trò chuyện, nói chi đến việc phục vụ ăn uống, với đám hành khách đàn ông xa lạ! Hãng máy bay phải thuê các cô người nước ngoài làm tiếp viên thôi.
Rồi đến du khách Trung Quốc, họ mặc âu phục, ăn to nói lớn, tay xách bịch ni-lông, lũ lượt kéo nhau vào, ra ở các cửa hàng miễn thuế, duty-free shops, bán đủ loại rượu, thuốc lá, sô-cô-la, nước hoa Pháp hay các tiệm bán đồng hồ Thụy Sĩ như Piaget, Rolex, Longines… Rồi đến các hành khách Âu-Mỹ, Ấn Độ… lũ lượt đến rồi đi, tất bật hay thong thả, tùy theo giờ bay các chuyến đi đến các thành phố châu Âu hay châu Mỹ hay đâu đó, nổi lên trên các bảng thông tin điện tử đặt hầu như khắp nơi, trong tầm mắt mọi người.
Ngồi lâu cũng chán, tôi đành chịu để thằng con dẫn đi xem chiếc xe hơi Ferrari của Ý mới toanh được trưng bày trong một cái sảnh lớn ở tầng dưới, phải đi thang cuốn xuống. Chẳng biết nó thoáng thấy chiếc xe kiểu dáng thể thao danh tiếng và đắt tiền này từ lúc nào mà muốn tôi đến gần xem tận mắt với nó. Đó là lô độc đắc của một cuộc xổ số tombola nào đó dành cho hành khách đi máy bay hạng nhất hay hạng thương gia thường xuyên, hoặc tiêu tiền nhiều ở các khách sạn sang trọng ở Doha, hay gì đó nữa, giờ tôi đã quên. Tôi cũng đã quên chiếc xe đó màu gì, đỏ hay đen, nhưng tôi lại không quên tấm áp phích to tướng, trên bức tường song song với nó, hãnh diện loan báo Qatar sẽ là nước tổ chức World Cup bóng đá năm 2022.
Thú thật là tôi thấy ngạc nhiên khi đọc thông tin này, dù tôi biết Qatar là nước cực kỳ giàu có nhờ khai thác dầu lửa và khí đốt ngoài biển[3], nhưng với một diện tích chưa đầy 12.000 km vuông, dân số hiện nay chưa đầy 2 triệu người (mà gần 85% là dân nhập cư đến từ bốn phương tám hướng) thì lấy đâu ra một đội banh “tầm cỡ thế giới” để ra sân thi đấu (dĩ nhiên, thi đấu dưới màu cờ Qatar thì cầu thủ phải có quốc tịch Qatar, vì là đội tuyển quốc gia mà), và nhất là lấy đâu ra đủ khán giả để lấp đầy những sân đá bóng hoành tráng, có sức chứa khổng lồ đến cả trăm ngàn người mà Qatar nay mai sẽ phải xây dựng. Chắc là có những lời giải đáp đâu đó mà tôi chưa biết thôi.
Thấm mệt và buồn ngủ, tôi đành quay về chỗ cũ, buông người xuống ghế, hai chân gác lên cái va-li nhỏ đặt trước mặt, rồi nhắm mắt lại… cho tới khi vợ tôi lay dậy, nói người ta đã bắt đầu sắp hàng trước cửa ra cho chuyến bay đi London. Tôi nhìn đồng hồ, bây giờ ở quê nhà là đã 7 giờ sáng rồi, tôi nghĩ thầm.
BUỔI SÁNG Ở PHI TRƯỜNG HEATHROW : SẢNH ĐẾN CŨ KỸ NHƯ MỘT CÔ HOA HẬU BƯỚC VÀO TUỔI 60.
Xe buýt lại đưa chúng tôi ra chỗ máy bay đậu, lần này có vẻ xa hơn, cả hơn 20 phút mới tới, nếu tôi nhớ không nhầm. Khi máy bay sắp sửa cất cánh tôi mới để ý là rất nhiều sinh viên người Anh, nam có, nữ có, ngồi đầy những hàng ghế quanh chỗ chúng tôi. Theo lời cười nói của họ, tôi biết là họ vừa đi du lịch Ấn Độ, hôm nay về nước. Và tôi còn nhớ đến họ vì khi con tôi không biết lý do gì mà bị ói mửa dữ dội và dai dẳng sau chừng nửa giờ bay thì chính họ tự động và vui vẻ tiếp tế những bao giấy dùng để đựng các thứ ói mửa khi thấy chúng tôi đã dùng hết 3 bao của mình, để con tôi khỏi làm bẩn sàn máy bay.
Lại một bữa ăn ‘thịnh soạn’ (dĩ nhiên, vẫn là đồ đông lạnh được hâm nóng) được các tiếp viên mang đến. Vẫn là rượu vang đỏ hay trắng được phục vụ kèm theo món ăn như thường lệ. Nhưng, cái xe đẩy xuất hiện trước đó để mang đồ uống cho khách thì có các loại nước giải khát, còn đồ uống trước khi ăn có cồn thì dường như chỉ có bia và rượu Scotch whisky ! Thằng con tôi ngồi bên cạnh, mặt mũi tỉnh như sáo sậu, buột miệng hỏi :
— Sao không có champagne như chuyến bay trước vậy ba?
Tôi phì cười.
— Ba không biết. Khi cô tiếp viên đi qua lại, con thử hỏi cổ xem.
— Con đâu có uống rượu mà hỏi, nó nói rồi nâng ly nước táo ép lên uống.
Cả tiếng đồng hồ sau bữa ăn mà tôi vẫn không ngủ được, bên ngoài còn là bóng tối dày đặc, bên trong đèn đã được tắt bớt để hành khách dễ tìm giấc ngủ dưỡng sức. Tôi liếc nhìn đồng hồ đeo tay, gần 11 giờ trưa ở Sài Gòn, làm sao cơ thể tôi đáp ứng được để mà ngủ nhanh thế cơ chứ ? Đầu óc tôi lại lan man nghĩ hết chuyện này đến chuyện nọ… Vợ tôi, có lẽ quá mệt vì cả tuần nay lo sắm sửa và sắp xếp đồ đạc cho chuyến đi xa gần hai tháng này, cũng như cho chuyện nhà cửa trong thời gian vắng mặt, hình như đã ngủ say, đầu tựa vào thành cửa sổ. Con tôi thì đeo tai nghe xem phim hoạt hình ở màn hình nhỏ gắn trên lưng ghế trước mặt. Tự nhiên tôi thấy chộn rộn, vui vui ở trong lòng vì… máy bay đã đi đúng giờ và chắc sẽ đến đúng giờ. Vui vì chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi tôi sẽ đặt chân lên nước Anh lần nữa, sẽ hòa mình vào không khí quán pub rộn rã nhưng lịch sự, nó thường nằm ở mỗi góc phố, để uống một ly bia tươi bitter nâu sậm, hay một ly stout đen thui, có vị đắng như cà phê, sẽ đi thăm lại ngôi trường cũ của mình, Darwin College[4], và cái thành phố nhỏ cổ kính êm đềm, Cambridge, nơi tôi từng sống nhiều năm. Chúng tôi sẽ ở đó vài ngày trước khi di chuyển xuống London.
Cận cảnh một quày bia tươi (khoảng chục loại) và rượu whisky (khoảng vài chục loại) trong một pub bình dân. Ở bất cứ pub nào, khách phải tới quày mua rồi mang
về bàn uống; không có chỗ ngồi thì đứng uống và tán gẫu…
Chỉ có vậy mà vui được sao? Không, còn chuyện khác nữa chớ. Số là tôi đã mua, tức đã phải trả tiền trước, chứ không phải đơn giản giữ chỗ trước, những ngày ở khách sạn tại Cambridge và London, cũng như đã mua vé xe đò, từ phi trường Heathrow về thẳng Cambridge (70 dặm hay 113 cây số, không phải mất thì giờ vào trung tâm London), rồi vé từ Cambridge đi London (50 dặm tức 80 km) cũng bằng xe đò, và vé tàu lửa Eurostar (tên của các chuyến tàu cao tốc TGV đi từ London sang Paris và ngược lại, bằng đường hầm dưới eo biển Manche dài 50,5 cây số mang tên Eurotunnel) nên nếu máy bay bị hủy chuyến hay trễ quá nhiều giờ thì tôi sẽ rất mệt sắp xếp lại chỗ lưu trú trong mùa cao điểm du lịch này, chưa kể chuyện mất bén một số tiền đã trả trước rồi !
Chuyến bay kéo dài gần 8 tiếng rồi cũng chấm dứt. Lại có màn phục vụ ăn sáng, và cà phê hay trà, cho hành khách trước khi đến nơi. Khoảng sau 9 giờ sáng (giờ mùa hè ở Anh, đi trước giờ mùa đông 1 giờ[5]) một chút thì máy bay đáp xuống phi trường Heathrow nằm cách trung tâm London 15 dặm (24 cây số) về phía Tây. Đây là một phi trường thuộc loại lớn nhất và bận rộn nhất thế giới, có đến 5 nhà ga hàng không (terminals). Máy bay hãng Qatar thì xuống Terminal 4.
Sau khi mất đến cả giờ, vì có quá đông hành khách của nhiều chuyến bay từ nước ngoài đến, phải sắp hàng đến mỏi chân mỏi cổ, mới ra khỏi hành lang kiểm tra hộ chiếu và thị thực nhập cảnh, rồi nhận hai va-li từ băng chuyền, rồi phải trả lời lên, trả lời xuống những câu hỏi soi mói về đồ đạc mang theo mới qua được cổng hải quan, chúng tôi cuối cùng đẩy chiếc xe chất hành lý của mình vào sảnh đến, Arrival Hall, của Terminal 4 này. Từng quen mắt với các phi trường mới mẻ, rộng rãi, sạch như lau như li ở vùng Đông Nam Á như Singapore, Bangkok hay Kuala Lumpur, hay ngay cả Doha mới rời đi, tôi không tránh khỏi ngạc nhiên pha chút thất vọng khi bước chân vào cái khung cảnh cũ kỹ, chật chội và hơi dơ dơ này. Vẫn là sàn nhà và lối đi lát gạch men, vẫn là những thang cuốn lên xuống đều đặn ở 2 tầng trên dưới, vẫn những quày đổi ngoại tệ, những máy ATM để rút tiền mặt, vẫn tiệm cà phê, trà, bánh ngọt, vẫn những hàng ghế ngồi chờ, vẫn những phòng vệ sinh … như ở bất cứ phi trường quốc tế nào, nhưng nhìn chung, chúng tạo ra cảm tưởng là lạ, không hẳn là thoải mái nhưng cũng không hẳn là bực dọc, mà có thêm chút gì đó bùi ngùi, như khi ta thấy một người đàn bà trẻ đẹp nay có tuổi cố giữ áo quần cho tươm tất, thân thể cho sạch sẽ, dáng đi cho nhẹ nhàng nhưng không thể che giấu vẻ mệt mỏi và những nếp nhăn hằn trên khuôn mặt!
Rồi chúng tôi không may phải ngồi chờ đến phát khùng luôn, cả 4 tiếng đồng hồ kể từ khi ra khỏi cửa hải quan, mới có chuyến xe đò đi thẳng về Cambridge. Chuyến mà tôi đã mua vé trên mạng trước đó gần 2 tháng, khởi hành lúc 12 giờ 40’, thì bị hủy ngang xương vào phút chót, và cả chuyến kế tiếp một giờ sau cũng rứa, và mụ đàn bà mập ú phụ trách phòng vé nhỏ xíu ở đây của hãng xe đò lớn nhất nước Anh, National Express, luôn mồm nói, “I’m sorry, I’m sorry so much…” mà bộ mặt vẫn tỉnh queo trước đám hành khách mệt mỏi và thiếu ngủ. Giá như mụ câm mồm, chỉ sử dụng một cái máy phát âm lập đi lập lại câu nói xin lỗi đó để khỏi mỏi miệng, thì người nghe còn thấy mụ thành thật hơn. Chúng tôi đành phải đi chuyến xe khởi hành lúc 14 giờ 40’! Ở Anh, dĩ nhiên, xe chạy phía bên trái (và ở hầu hết những cựu thuộc địa Anh cũng thế, như Úc, Singapore, Hongkong, Malaysia…, trừ Mỹ và Canada, và vài nước không phải cựu thuộc địa Anh như Nhật hay Thái Lan cũng chọn lái xe bên trái !) nên ở những ngã tư trong thành phố có nhiều người qua lại, người ta viết hai chữ “LOOK LEFT” (Hãy nhìn bên trái) to tổ bố trên mặt đường để nhắc chừng du khách khi bước qua đường mà một bộ phận không nhỏ trong số họ đến từ những nước lái xe bên mặt.
Quá mệt để có thể vui thú nhìn ngắm phong cảnh đồng quê hai bên đường, nhất là nhìn từ xa lộ rồi quốc lộ đầy xe cộ thì chẳng hấp dẫn gì lắm, tôi nhắm mắt lại.
Rồi không hiểu sao tôi bỗng nhớ đến phong cảnh Cotswolds[6], một vùng đồi thấp nằm phía Tây-Nam nước Anh, không xa đây lắm, mà khi còn là sinh viên tôi đã có dịp thong dong bằng xe đạp cùng với mấy người bạn cùng trường suốt một tuần trong dịp nghỉ lễ Phục Sinh, đêm ngủ trong các quán trọ bình dân, ngày len lỏi theo những con đường nhỏ quanh co xuyên qua những cánh đồng mùa xuân xanh mướt, những ngôi làng còn giữ dáng mộc mạc và yên bình, nhìn toàn cảnh đẹp như tranh, và những thành phố nhỏ cổ kính còn mang những di tích thời Đế quốc La Mã hay thời Trung Cổ như Winchester (Lâu đài ở đây còn lưu giữ cái Bàn Tròn của Vua Arthur, King Arthur’s Round Table, có khắc tên 24 Hiệp sĩ, Noble Knights, của Vua đã từng ngồi tiệc tùng hay bàn đại sự ở xung quanh; trong Nhà thờ lớn của thành phố này thì có ngôi mộ của nhà văn nữ Jane Austen, 1775-1817), như Bath, như Oxford (về mặt kiến trúc các colleges và truyền thống đại học thì nó như anh em sinh đôi với Cambridge, về địa lý thì cách nhau khoảng 110 cây số), như Stratfort-upon-Avon (quê hương của nhà soạn kịch vĩ đại Shakespeare,1564-1616).
Bàn Tròn của Vua Arthur (đường kính 5,5 mét, nặng 1200 kí, bằng gỗ sồi)
được treo trên tường trong Đại Sảnh (The Great Hall) của Lâu đài Winchester.
Ảnh tìm thấy trên mạng.
Tôi chợt phì cười, Vua Arthur sống vào cuối thế kỷ thứ 5, còn cái Bàn Tròn đó (để mọi người ngồi quanh nó đều được thấy là bình đẳng) thì được làm vào thế kỷ 13, làm sao mà các chàng Hiệp sĩ của Vua Arthur lại có thể ngồi đấy được cơ chứ? Vậy mà mình hồi đó, to đầu rồi (có lẽ cũng như hàng ngàn du khách Anh và quốc tế khác hàng năm đến đây, con nít có mà to đầu cũng có) mà không biết sao đã tin sái cổ cái huyền thoại danh tiếng và vượt thời gian này, được gìn giữ và lan truyền qua tiểu thuyết, phim ảnh, âm nhạc, thi ca từ nhiều thế kỷ nay, khi nhìn tận mắt cái bàn to và đẹp, được giữ gìn trang trọng từ 800 năm đó ! Chắc là vì hồi còn bé tôi đã bị cuốn phim “Hiệp sĩ Bàn tròn” kể lại mối tình cao thượng và bi thảm giữa Đệ nhất Hiệp sĩ Lancelot của Vua với Hoàng hậu Guenièvre làm cho mê mẩn đến nhập tâm ! Bây giờ, từ thuở bé tới tận bây giờ, mấy chục năm sau, đầu đã trọc lóc rồi, ngồi trên xe đò về Cambridge, bên cạnh đứa con trai mười tuổi ngủ gà ngủ gật, tôi vẫn thấy mình còn yêu thầm kín cái huyền thoại thời Trung Cổ tối tăm đó.
Xe quẹo vào bến đỗ nằm phía trước phi trường Stansted (thường được các hãng hàng không giá rẻ châu Âu như Easyjet, Ryanair, Air Berlin… sử dụng cho hành khách đi từ và đến London), dừng độ mười lăm phút, rồi tiếp tục chạy và về đến Cambridge lúc gần 6 giờ chiều, ở Việt Nam là gần nửa đêm rồi.
CHIỀU Ở PARKER’S PIECE : MỘT LỐI ĐẠI NGÔN KIỂU ANH
Xe đậu cho hành khách xuống bên vệ đường Parkside, chứ nó không vào đậu ở một bến xe đò (coach station) nào đúng nghĩa. Tương tự như ở đường Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn, ngay bên công viên 23-9, các xe đò giường nằm thường đậu lại một lúc để bỏ khách xuống hoặc đón khách lên, rồi chạy đi. Đường Parkside nằm ở phía Đông Bắc của một công viên mang tên Parker’s Piece rộng đến 25 mẫu Anh (khoảng trăm ngàn mét vuông). Công viên này, nằm gần trung tâm thành phố, thì bằng phẳng, chỉ trồng toàn cỏ, không trồng hoa, có hai con đường chéo, nhỏ, giao nhau ở chính giữa, dành cho người đi bộ và xe đạp. Ngay chỗ giao nhau đó thì có một cái cột đèn bằng gang có bốn ngọn, sơn màu lục, được dân chúng gọi một cách ‘bình dân’ là Reality Checkpoint (Trạm kiểm soát thực tại). Nghe sao mà duy ý chí gớm !
Parker’s Piece có một chút danh vọng trong lịch sử bóng đá nhờ đã là nơi mà một vài qui tắc căn bản của bóng đá (được gọi là Cambridge Rules, vì xuất phát từ Trinity College, ví dụ như việt vị, offside…) được đội bóng địa phương mang ra áp dụng lần đầu tiên vào giữa thế kỷ 19, rồi được tiếp nhận trước tiên ở thủ đô London rồi sau đó lan ra thế giới. Chỉ có thế thôi mà một số người từ nhiều năm nay cố thổi phồng nó lên bằng những danh từ đao to búa lớn nghe chát cả tai, nào là “The True Home of Football”, nào là “The Birth Place of the Rules of Football”, lại còn đòi dựng tượng đài kỷ niệm ở đó nữa ! Họ cố tình quên mất là trong những quy tắc hiện đại của bóng đá còn có sự góp phần không nhỏ của Sheffield Rules (ra đời năm 1858 ở thành phố công nghiệp Sheffield phía Bắc nước Anh) như đá phạt (free kick), đá phạt góc (corner kick), ném biên (throw-in), như cho phép đội đầu, phải đổi sân sau hiệp một, như mỗi đội banh chỉ có 11 cầu thủ thôi (thay vì 20 như trước đó).
Mùa hè ở đây ngày thường dài hơn nên dù 6 giờ chiều rồi mà trời vẫn còn sáng trưng. Tôi đứng nhìn bãi cỏ xanh mướt và yên ả trải rộng trước mắt một đỗi lâu, nhớ đến những mùa hè xa xưa mình thường đạp xe ngang đây, thấy người ta ngồi ăn picnic trên cỏ những ngày cuối tuần đẹp trời, thấy họ kẻ đứng, người ngồi đông nghịt mà vẫn giữ im lặng nghe hòa nhạc cổ điển miễn phí buổi tối, thấy họ chơi đá banh hay chơi cricket buổi sáng hay chiều, thỉnh thoảng thấy có hội chợ kéo dài một hai ngày… Cricket là môn thể thao lâu đời (có từ cuối thế kỷ 16), khá được ưa chuộng ở Anh và các nước thuộc British Empire (Đế chế Anh) ngày xưa như Úc, Nam Phi, Ấn Độ, Pakistan… Tôi chưa bao giờ học chơi nó hay chịu khó làm khán giả một trận đấu (có thể kéo dài từ vài giờ cho đến vài ngày!) nên không biết những quy tắc của nó, chỉ thấy họ (11 người mỗi bên, như bóng đá) chơi trên sân cỏ xanh, ai cũng mặc quần dài trắng, áo cổ chui trắng, người ném banh, kẻ vung gậy chống đỡ, nhiều người chơi khác đứng chờ…
Nhà thờ Công giáo Our Lady and the English Martyrs nhìn từ Parker’s Piece. Những người mặc đồ trắng đang chơi cricket.
Vợ và con tôi đều lộ vẻ thiếu ngủ và mệt nhoài sau khi xuống xe, tôi bảo họ ngồi tạm ở băng ghế có mái che trên đầu dành cho hành khách chờ xe, trông chừng hành lý để bên cạnh, rồi tôi đi tìm một nhà băng có đặt máy ATM để rút tiền, vì khi đi chúng tôi chỉ đem theo một ít tiền lẻ bằng bảng Anh (British pound)[7] chỉ vừa đủ trả một bữa ăn nhà hàng và taxi khi đến nơi, chứ không mang tiền mặt nhiều vì sợ bị mấy chị em già đời trong nghiệp, mấy anh em nhiều tuổi trong nghề móc túi chọn mình làm “thượng đế”. Mấy anh chị em này (phần lớn là dân gypsies đến từ vài nước Đông Âu như Ru-ma-ni hay Nam Tư cũ) biết tỏng du khách ‘da vàng mũi tẹt’, nhất là người Tàu, thường mang theo số lượng lớn tiền mặt để chi tiêu trong chuyến đi các nước Tây Âu nên ưu tiên tỏ “tình thương mến thương’ với họ trên xe buýt, xe điện ngầm, nhất là ở những địa điểm du lịch danh tiếng đông nghẹt du khách như Tower Bridge, Westminster Abbey… ở London, hay Tháp Eiffel, Viện Bảo tàng Louvre… ở Paris.
Số là khi ở Terminal 4 của phi trường Heathrow trước đó, tôi đã đẩy thẻ của mình lần lượt vào hai cái máy ATM, mỗi cái đến hai lần, nhấn đúng mã số bảo mật cá nhân (PIN) nhưng tiền vẫn không nhả ra; và tôi không dám đút thẻ vào lần thứ ba, vì nếu không xong nữa thì máy sẽ nuốt luôn thẻ… và sau đó sẽ lắm lôi thôi, phiền phức vì phải đi tìm gặp nhà băng chủ cái máy chết tiệt đó ở London để lấy lại thẻ, có thể mất bén cả một ngày như chơi vì phải trở lại cái thành phố cực lớn này cũng như ngồi chờ họ kiểm tra cái máy đó ở tận phi trường ! Nếu ở Cambridge mà chuyện nuốt thẻ xảy ra thì tôi sẽ chỉ tốn một hai giờ là giải quyết xong, vì thành phố này rất nhỏ, dân cư thưa thớt[8], không phải đợi lâu. Vì thế, tôi đã chờ về đến đây để thử rút tiền ra lần nữa. Nếu vẫn còn trục trặc thì sáng mai (không phải cuối tuần) tôi có thể vào thẳng trong ngân hàng để giải quyết.
Tôi bước chân lên bãi cỏ, đi về phía con đường chéo ngang công viên, nơi có nhiều người qua lại. Một người đàn bà trẻ ngừng chiếc xe đẩy trẻ em, đứng lại vui vẻ chỉ cho tôi đường tới một nhà băng gần nhất mang tên Barclays nằm cạnh một nhà thờ Công giáo (phần lớn nhà thờ ở Anh thuộc Anh giáo, Anglican churches) có tháp nhọn cao vút nhìn thấy được từ chỗ tôi đang đứng. “Chỉ năm phút đi bộ thôi. Ông đừng lo, có đến 3 hay 4 máy ATM đó, đặt bên ngoài,” cô ân cần dặn dò. Tôi nói cám ơn, cười chào rồi nhanh chân bước đi. Và tôi rút được tiền ngay lần đầu đút thẻ vào. Mừng húm ! Thế là xong một việc, tôi tự nhủ. Rồi tôi đi xuyên qua Parker’s Piece một lần nữa, về lại chỗ vợ con đang chờ đợi với ít nhiều lo lắng. “Đã rút được tiền rồi,” tôi nói, xong vung tay vẫy một chiếc taxi đang trờ tới.
Khách sạn tôi giữ chỗ trước nằm bên ngoài thành phố cách đấy chừng 4 hay 5 cây số, nên xe taxi chạy thẳng ra đó, chứ không đi qua khu trung tâm. Độ chừng mươi phút sau thì đến nơi, chúng tôi check-in nhanh chóng, nhận chìa khóa, bước nhanh về phía thang máy… mở cửa phòng, cởi giày rồi buông người xuống giường. Ui trời, bi chừ mới nằm thẳng cẳng được đây ! Chuyến đi dài quá, tính ra là hơn 32 giờ liền tù tì chớ ít gì, nếu kể từ khi rời khỏi nhà lúc 16 giờ ngày hôm trước để lên phi trường Tân Sơn Nhất.
Chúng tôi đành bỏ bữa ăn vì quá mệt và buồn ngủ, dù giờ này nhà hàng của khách sạn ở tầng trệt đang mở cửa đón khách ăn tối. Tôi đóng cửa sổ lại, cảm thấy hơi lạnh len vào khi mặt trời vừa tắt nắng. Thằng con tôi tỏ ra cố gắng lắm mới ngồi dậy đi đánh răng, rửa mặt, mặc pi-ja-ma trước khi chui vào mền. Vợ chồng tôi cũng ráng bắt chước con. “Ngày mai mình sẽ đi chơi thành phố. Giờ ráng ngủ lấy sức đã nghe,” tôi nói to. Vậy mà thằng con tôi, vì tính tò mò muốn biết truyền hình Anh mặt mũi ra sao, lại bật TV xem, dò từng đài để tìm phim hoạt hình nào đó, lấy cớ là chưa thể ngủ được. Nhưng chưa đầy nửa giờ sau thì cu cậu đã ngủ lăn quay, màn hình TV vẫn sáng trưng, tôi phải ngồi dậy ra khỏi giường để tắt máy vì không thấy cái “remote” rớt ở đâu.
Thật tình mà nói, tôi không muốn ở khách sạn xa trung tâm như thế này, dù đó là một thành phố nhỏ. Thoạt đầu, khi lên kế hoạch chi tiết cho chuyến đi cách đây hai tháng, tôi cố tìm chỗ trọ trong trường cũ của mình hay trong các colleges khác. Tôi biết trường tôi thường có vài phòng riêng, giá “hữu nghị”, dành cho khách mời hay cựu sinh viên mỗi khi họ đến Cambridge nhưng khi tôi vào trang web của trường để giữ chỗ thì tiếc thay, người ta đã đặt trước hết rồi. Tôi chặc lưỡi, mùa hè mà ! Rồi tôi vội vàng vào trang web của tổ chức làm dịch vụ cho thuê phòng trong các colleges khác thì cũng gặp phải tình trạng tương tự. Các colleges này, mùa hè sinh viên đi vắng, phòng ở bên trong colleges trống nhiều, nên họ muốn kiếm thêm tiền dành cho việc tu bổ cơ ngơi bằng cách cho khách du lịch thuê các phòng trống đó; dĩ nhiên, tiện nghi và dịch vụ thì không thể nào bì với các khách sạn, nhưng được cái nó có giá phải chăng chứ không hẳn là rẻ lắm, phần lớn nằm ngay hay cận kề trung tâm thành phố, và nhất là hưởng được cái không khí là lạ hiếm có trong các tòa nhà cổ kính và yên tĩnh có tuổi thọ hàng mấy trăm năm! Còn các khách sạn trong phố mà tôi tìm thấy trên mạng thì có giá cực kỳ cao vào mùa này, còn cao hơn cả những khách sạn cùng hạng, cùng những tiện lợi dựa theo địa điểm, ở thủ đô London, một trong những thành phố nổi tiếng đắt đỏ nhất thế giới.
Clare College (lập năm 1326), một trong những colleges cho du khách thuê phòng
sinh viên vào mùa hè.
Tôi tự an ủi mình, dù sao thì theo lời chỉ dẫn trên mạng của khách sạn là từ đây đi vào phố có đến hai đường xe buýt, trên dưới 20 phút là đến; hơn nữa, dù tờ tạp chí Mỹ danh tiếng Forbes (thường dành cho giới doanh nhân Mỹ giàu có) năm 2010 đã gọi Cambridge là “one of the most beautiful cities in the world”[9], tôi thừa biết là khi trời tắt nắng thì phố xá trở nên vắng vẻ, các cửa tiệm, các trung tâm thương mại, các colleges đều đóng cửa, chỉ còn các tiệm ăn, pubs (khá nhiều), một hai tiệm nhảy, vài rạp hát, rạp chiếu bóng là sáng đèn…
Dù gì đi nữa, nó chỉ là một thành phố đại học nhỏ trầm lặng, nhịp sống hàng ngày thong thả từ hàng trăm năm nay (nhưng không quê kiểng, dù đồng quê bao bọc tứ phía), chứ không phải một thành phố thương mại, tài chánh hay công nghiệp với những ngôi nhà chọc trời cao ngất và xe cộ, dân chúng đêm ngày đi lại như mắc cửi; con phố chính nhộn nhịp nhất ban ngày của nó thì không dài hơn đoạn đường Đồng Khởi từ Nhà hát Thành phố đến bờ sông Sài Gòn; và dù năm 2013 có đến 5 triệu 362 ngàn du khách đến đây nhưng đại bộ phận (gần 85%) là khách ngày[10], sáng đến chiều đi. Mùa hè, ban ngày các đường phố khu trung tâm tràn ngập du khách, nhất là hai ngày cuối tuần, rồi khoảng từ 4 đến 5 hay 6 giờ chiều, họ lần lượt rút đi, trả lại sự yên tĩnh cố hữu cho thành phố. Buổi tối phần lớn cư dân thường sinh hoạt ở trong nhà, ăn tối, xem TV hay gì đó… rồi đi ngủ. Vả lại, đi du lịch với thằng con còn nhỏ, tôi không thể la cà nơi này, chỗ nọ sau khi ăn tối được, thường phải về khách sạn để cho cặp giò mọi người nghỉ ngơi sau một ngày lội bộ tham quan điểm này, chỗ kia.
ĂN SÁNG : AI MUỐN MẬP NHANH KIỂU ANH KHÔNG?
Đêm đầu tiên ở Anh, chúng tôi đã ngủ say trong sự mỏi mệt và ngầy ngật, nhưng lại không thể ngủ cho tới sáng do trái múi giờ. Khoảng 4 giờ là tôi đã mở mắt và không có cách chi ngủ tiếp, vì ở Việt Nam là 10 giờ sáng rồi. Con tôi cũng thức dậy, nhưng nó còn sinh chuyện thêm là than đói bụng mà nhà hàng của khách sạn thì chưa mở cửa. Mẹ nó càu nhàu nhưng cũng đành phải ra khỏi giường lục va-li, móc đưa cho nó vài cái bánh quy mang theo từ nhà ăn tạm cho đỡ đói. Và chúng tôi vẫn nằm trong giường một đỗi lâu nhưng không ai ngủ tiếp được, dù nỗi mệt nhọc trong người chưa tan hết.
Nhìn qua cửa sổ, trời đã bắt đầu rạng sáng nhưng sương mù chưa biến hẳn, không khí có vẻ lạnh. Mặc thêm áo khoác và đội mũ, hai cha con tôi rủ nhau đi dạo trong khu phố còn ngái ngủ. Ở quầy lễ tân, tôi dừng lại hỏi thăm đường ra công viên gần đó, nếu có, và địa điểm trạm xe buýt. Đúng là có một công viên nhỏ không xa khách sạn nên chúng tôi liền tới đó, vừa đi lòng vòng, vừa ngắm những luống hoa ven đường còn ướt sương đêm. Đi dạo chán, tôi tới trạm buýt để xem bảng giờ các chuyến xe chạy vào trung tâm, vì nếu biết giờ trước thì sẽ khỏi phải ra đứng chờ lâu hay trễ chuyến. Tôi cũng bỏ công đọc qua bảng chỉ dẫn mua vé buýt bằng máy bán vé (ticket issuing machine) đặt ngay bên cạnh nhà chờ có ghế ngồi và mái che mưa nắng, vì hành khách phải mua vé sẵn trước khi leo lên xe, nếu không thì phải bước xuống.
Thú thật là suốt mấy năm ở Cambridge, tôi chưa hề bước chân lên xe buýt. Lý do thì đơn giản thôi : như phần lớn sinh viên và giáo sư ở đây, tôi chỉ đi bộ hay đi xe đạp. Thành phố thì nhỏ như cái lỗ mũi, trường tôi lại ở cách khu trung tâm hay giảng đường, thư viện chừng mười, mười lăm phút lội bộ, có khi nào đi xa hơn, như ra làng quê chơi cách đó 5 hay 10 cây số thì đạp xe một lúc là tới. Xe đạp thì thường có một cái giỏ mây gắn phía trước, dùng để đựng sách vở khi đến trường, đựng đồ ăn khi đi chợ, có khi cả hai thứ cùng lúc. Nhưng tậu xe xong thì phải để ý giữ gìn nó như giữ gìn con ngươi của mình, phải sắm thêm một cái khóa thật tốt vì trộm xe đạp là một môn “thể thao” rất được ưa chuộng ở cái thành phố được mệnh danh là “city of cycling” này nhờ tỉ lệ sử dụng con ngựa sắt nhiều nhất nước Anh. Tệ nạn này chắc là xuất hiện từ khi xe đạp ra đời cho đến ngày nay ! Các trang web du lịch thường có lời cảnh báo du khách mướn xe đạp để rong chơi ở Cambridge nên cẩn thận đề phòng kẻo mất xe mà làm mất vui chuyến đi của mình.
Một cảnh quen thuộc hàng ngày trong năm học ở Cambridge.
Khi hai cha con trở về phòng thì vợ tôi đã ăn mặc tươm tất, sẵn sàng đi xuống nhà hàng ăn sáng vì thấy đói bụng quá rồi. Tuy còn chút gió ban mai gây gai gai lạnh nhưng mặt trời đã lên khiến ai cũng muốn ăn sớm để xuống phố. Người ta đang xếp hàng dài lấy đồ ăn nên tôi vẫn ngồi ở bàn cố chờ thêm một chút. Chắc là về mặt tâm lý, tôi đã đánh mất thói quen xếp hàng rồi ! Chưa gì đã thấy ngại ! Phòng ăn có đến ba mặt tường bằng kính trong suốt nên từ chỗ ngồi tôi thấy rất dễ chịu khi đưa mắt nhìn ra bãi cỏ nhỏ xanh mướt và hàng cây đầy lá ở bên ngoài.
Tôi nhớ có lần vui miệng hỏi mấy người bạn trong một cuộc rượu :
— Ở Sài Gòn này tập trung nhiều tiệm ăn nước ngoài có lẽ nhiều nhất nước ta, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Nhật, Thái, Hàn, Singapore… đủ cả, nhưng các ông, bà có bao giờ thấy một tiệm ăn Anh chưa?.
— An English restaurant? một chị bạn ở Mỹ về buột miệng bằng tiếng Anh, như thể muốn xác nhận lại câu hỏi trước khi trả lời.
“Không.”, “Chưa bao giờ.”, “Ừ nhỉ,”…vài bạn lên tiếng. “Ngay chỗ tôi ở bên Mỹ, San Jose, cũng không thấy,” chị bạn trên nói.
— Vì sao vậy ta? ai đó hỏi to.
— Đối với khẩu vị nhiều người thì đơn giản là tại vì đồ ăn nó dở, tuy cũng có vài món nổi tiếng thế giới như roastbeef ăn với Yorkshire pudding, tôi bạo miệng làm thầy bàn. Và có lẽ vì biết tôi đã từng sống bên Anh vài năm nên họ để mặc tôi ba hoa rượu vào lời ra :
— Hay nói một cách trang trọng hơn, ẩm thực Anh không thể nào so được với ẩm thực các nước khác như Pháp, Ý, Tàu… nên họ không muốn mở tiệm ăn ở nước ngoài, dù họ có mặt nhiều nơi trên thế giới từ nhiều thế kỷ nay. Không thể nào cạnh tranh nổi. Tôi tin họ đủ thực tế để biết sự thực đau lòng đó nên…
— Họ mở English pubs bán bia đen, bán whisky thì nhiều, chị bạn ở Mỹ tiếp lời.
Nhưng buổi ăn sáng của dân Anh thì đúng là đáng nể, hầu như vượt xa nhiều dân khác, ít ra về mặt số lượng món ăn và dinh dưỡng, ngay những “lão Trư” khó tính nhất cũng phải gục gặc đầu tán thưởng, chứ không phải “cúi đầu nhận tội” như câu sáo ngữ thời thượng. Ví dụ như người Pháp mỗi sáng thường bằng lòng với vài cái bánh croissants, một bát café au lait, đôi khi thêm hai quả trứng au plat… nhưng người Anh thì không. Đây là English breakfast truyền thống gồm phần mặn : thịt ba chỉ xông khói thường chiên chung với trứng gà (bacon and eggs), trứng bỏ vỏ chần (poached egg), xúc xích loại nhỏ ăn chung với đậu tây (navy bean) hầm xốt cà chua, bánh mì nướng, cà chua, nấm (chiên hay nướng), porridge (một loại cháo ngũ cốc); rồi ăn tới phần ngọt : bánh mì sandwich nướng (toasted bread), bơ, mứt cam hay quýt nghiền (marmalade), rồi sữa chua; uống thì có nước cam ép, và trà đổ thêm chút sữa vào, hay cà phê.
Nhà hàng của khách sạn bày ra tất cả các món kể trên, nhưng không phục vụ tại bàn mà tổ chức dưới dạng “buffet”, khách tự chọn và lấy đồ ăn mang về bàn mình. “Ăn kiểu này chắc phải sắm quần áo mới quá,” vợ tôi chép miệng. “Ăn chừng một, hai tháng thì tăng cả chục kí là ít !”. Vậy mà tôi đã vô tư quất một bữa ngon lành, không từ thứ gì có đó, dù ở nhà tôi thường bằng lòng buổi sáng với một gói xôi đậu đen hay một dĩa bánh cuốn và một trái chuối. Vì đói, hay vì lâu ngày mới trở lại ăn theo thói quen cũ? Nhìn tôi ăn như hạm, vợ tôi không buồn che giấu nỗi ngán ngẫm và sốt ruột lộ trên khuôn mặt ! “Anh đã mang bụng bia rồi, giờ còn muốn nó phình tới cỡ nào nữa?” Nghe vậy, tôi bỗng dưng tự nhủ, ôi, giá gì mình có con chó để dắt đi dạo hàng ngày nhỉ !
Vừa hớp một ngụm trà pha chút sữa tươi theo cách người Anh, vợ tôi than thành tiếng :
— Khó uống quá trời luôn!
Tôi cười,
— Vậy thì, thay vì sữa thì bỏ một lát chanh tươi vào trà, uống thử xem sao.
— Thôi, em không thử nữa, vợ tôi lắc đầu quầy quậy.
— Người ta có cho đường vào trà không ba? con tôi hỏi.
— Có chớ, để bớt đắng, nhưng phần lớn người Anh uống trà không đường. Nhưng bắt buộc phải có sữa cho họ, không thì họ đình công hay xuống đường biểu tình đó.
Rồi tôi kể thêm là có một nhà văn Anh tên là George Orwell[11] từng viết cả một tiểu luận nổi tiếng về 11 qui tắc uống trà của dân mình trong đó ông bênh vực trường phái “đổ sữa sau khi trà đã pha được rót vào tách, vừa đổ vừa khuấy” chống lại trường phái “đổ sữa trước vào tách rồi mới rót trà đã pha vào sau”! với lý do khó cãi là, nếu đổ sữa sau thì ta có thể điều chỉnh số lượng sữa rót vào tách trà sao cho hòa hợp cả hai thứ, còn nếu làm ngược lại thì có nguy cơ bị nhiều sữa quá !
— Chỉ có chuyện đổ sữa trước hay sau mà cãi nhau ỏm tỏi vậy sao? vợ tôi chép miệng.
— Ừ, tôi nói. Uống trà là việc quốc gia trọng đại ở Anh, giống như tâm tư sôi nổi của người Pháp đối với rượu vang vậy, không phải chuyện giỡn đâu!
Nghe có vẻ chán, vợ tôi đưa mắt liếc nhìn đồng hồ trên tường :
— Tới giờ đón xe buýt chưa anh?
— Ừ nhỉ, tôi gật đầu vì thấy 8 giờ rưỡi rồi, mình đi bây giờ là vừa đó. Nhưng em uống xong trà đã chứ?
— Không ! vợ tôi lắc đầu rồi đứng dậy. Hai cha con tôi đứng lên theo, vội vã rời nhà hàng để bắt kịp chuyến xe vào phố.
King’s Parade, con phố chính một ngày không mưa. Bên tay mặt là King’s College
QUẾ SƠN
(Phần 2:
* Kim Dung “đại hiệp” lại cắp sách đến trường ở tuổi 81, xong luận án tiến sĩ về sử học ở tuổi 86. (St John’s College)
- The Eagle, quán rượu ưa thích của Watson và Cricks, những người đã khám phá ra “bí mật của đời sống” (hay cấu trúc DNA).
- Cây cầu Toán học (The Mathematical Bridge) ở Queens’ College có phải do Isaac Newton thiết kế không?
v.v.)
[1] Sở dĩ tôi chọn đi hãng Qatar vì lý do đơn giản là nó rẻ nhất vào thời điểm tôi mua vé đi London (rồi về lại Sài Gòn là từ Paris, chứ không phải từ London, người ta gọi loại vé này là ‘open jaw’), chứ trên thị trường hiện nay thì lúc nào cũng có cả chục hãng để ta chọn lựa, ví dụ như hai hãng quen thuộc là Vietnam Airlines (bay thẳng) và AirFrance (đổi máy bay ở Paris) đều có đường bay Sài Gòn-London.
[2] Phi trường mới đã bắt đầu hoạt động chính thức từ ngày 30- 4-2014, với tên mới là Hamad International Airport.
[3] Theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới thì Qatar có tổng thu nhập quốc dân tính theo đầu người (GNI per capita) cao nhất thế giới : 128.530 US$, ví dụ, hơn gấp đôi nước Mỹ (53.750 US$), hơn gấp 25 lần Việt Nam (5.070 US$), cùng năm 2013. Xem: http://data.worldbank.org/indicator/NY.GNP.PCAP.PP.CD
[4] Hiện có 31 colleges hợp thành Đại học Cambridge, có cái xưa nhất (Peterhouse, lập ra năm 1284), có cái mới nhất (Homerton, lập ra năm 2010). Các colleges có toàn quyền trong việc xét tuyển sinh viên và fellows (bao gồm giáo sư và giảng viên) cho mình, cũng như tổ chức việc ăn, ở, sinh hoạt xã hội, cấp học bỗng, tài trợ nghiên cứu… cho sinh viên và fellows của mình. Họ xưa nay cũng độc lập về tài chánh, có college cực giàu (như Trinity College, một trong những đại địa chủ hàng đầu nước Anh, với đất đai có giá trị ước tính đến 800 triệu bảng Anh), có college với lợi tức vừa trên mức đủ sống . Trinity College này cũng rất danh giá về mặt học thuật, từng mang lại 32 Giải Nobel cho Đại học Cambridge (trên tổng số 88 Giải Nobel đã nhận được, tính đến 2010); Thái tử Charles của Hoàng gia Anh đã học ở đây, cũng như 3 gián điệp người Anh nổi tiếng, làm việc cho Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh, là Kim Philby, Guy Burgess và Anthony Blunt. Bạn đọc muốn biết thêm chi tiết, xin xem : http://en.wikipedia.org/wiki/Trinity_College,_Cambridge và : http://en.wikipedia.org/wiki/University_of_Cambridge
[5] Ở Anh, hàng năm người ta vặn đồng hồ thêm 1 giờ vào lúc 1 giờ sáng ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 3, bắt đầu thời kỳ BST (British Summer Time), và vặn lùi lại 1 giờ vào lúc 2 giờ sáng ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 10, trở lại giờ GMT (Greenwich Mean Time) như trước. Giờ Việt Nam thì GMT +7, mùa hè thì BST + 6.
[6] Dài khoảng 150 km, rộng khoảng 40 km, được Nhà nước Anh chỉ định là Area of Outstanding Natural Beauty.
[7] Một bảng Anh, nói chung, bằng khoảng 35.000 đồng Việt Nam mùa hè năm 2013. (Tỉ giá ngoại tệ, như các bạn biết, thì trồi sụt hàng ngày, ngay cả hàng giờ.)
[8] Dân số thành phố Cambridge lên đến gần 124.000 người năm 2011.
[9] Danh sách 12 thành phố đẹp nhất thế giới của báo Forbes (không sắp hạng): Tokyo, Paris, Cambridge, Sydney, Florence, Venice, Cape Town, Vancouver, London, New York, Chicago và San Francisco.
[10] Xem: http://www.cambridge-news.co.uk/Number-tourists-visiting-Cambridge-rises-million/story-23033721-detail/story.html
[11] 1903-1950, tác giả những tiểu thuyết nổi tiếng toàn cầu như “Animal Farm” (Trại súc vật), “Nineteen Eighty-Four” (Năm 1984)…
Hành trình trên Không và dưới Đất…dài mệt mỏi -dài với bao nhiều điều”Mắt thấy tai nghe…”Và Ý nghĩ hơn thế nữa…Có cảm giác tâm hồn TG đang chật chội và trái tim không phút nào ngơi ?Cảm giác là như vậy khi đọc một mạch bài viết trên Dường như nguyên nhân là môi trường cảnh quan sống ?Có một cái gì đấy như là ..Nhàm chán?Dường như chật chội không thoải mái là vậy???
Cám ơn bạn aitrinhngoctran đã bỏ công viết “com” khá dài.
Em đã đọc đến hai lần đó anh Quế Sơn
Cô Nguyệt Mai đọc chi mà dữ rứa? Tôi chỉ muốn viết nhẹ nhàng, kể chuyện đi chơi mà.
Ai đã từng nếm mùi ”bia lên cơn”, đâu còn dám làu bàu bia Tây, vàng hay đen, chai, lon hay draft đều là thiên đàng cả. Bia Ănglê thì OK rồi.Hồi qua UK, tôi lạc vào vùng Leitz (hay Lead,.. gì gì đó, lâu quá rồi 14 hay15 năm, quên cách viết). Đại loại dân vùng đó nói tiếng Anh tôi nghe không ra, viết tiếng Anh tôi không hiểu (chắc là thổ ngữ), nhưng bia thì quá đã.. Còn đồ mồi, đồ ăn của Ănglê thì từ hơi tệ đến quá tệ, chắc là tệ nhất Châu Âu quá. Anh QS đừng vì ám ảnh dĩ vãng mà binh đồ ăn Ănglê đó nghe… Vtt
Tôi nghĩ thành phố anh đến hồi đó là LEEDS, khá lớn, nằm phía bắc nước Anh. Mỗi vùng họ đều có giọng nói riêng, như giọng Huế, giọng Cần Thơ … ở ta vậy. Vùng bắc nước Anh lại dùng thổ ngữ riêng nữa, nên mới mệt chứ.
Về đồ ăn Anh thì tôi có giải thích sơ qua trong bài viết trên rồi,(đoạn Tại sao không có English restaurant ở Sài Gòn), nên anh đừng lo tôi “vỗ tay” nó. Bia đen Anh thì tôi đã thấy có bán trong siêu thị Metro ở SG.
Cám ơn anh VTT đã bỏ công viết lời “còm” dài.
Viết văn hay hèn chi dịch rất hay.
Cám ơn bạn Hoa Dien Vy đã có lời ưu ái với người viết.
Dài mà đọc vẫn cuốn hút
Cám ơn lời “com” của anh Thanh Huy.
Một du ký độc đáo
Cám ơn lời ưu ái của bạn Minh Nguyên.
Viết du ký mà rất nghiêm cẩn,rất bổ ích cho người đọc
Cám ơn bạn TYH.
Mô tả ngôi trường dang tiếng ấy chỉ để thêm “thèm ” anh Quế Sơn ơi !
Đọc Phần 2, bạn Kim Giang sẽ thấy Kim Dung đại hiệp xách va-li áo quần qua đó “ở” 5 năm !
Xứ mù sương qua ánh nhìn của anh dễ thương quá
Cám ơn anh Nguyen van Hung đã viết lời “com”. “Dễ thương” ? Có lẽ vì tôi uống bia đen Anh quá nhiều. Khi “tỉnh” thì có lẽ thấy khác đi !
Tác giả rất am tường nước Anh,viết hay
Cám ơn lời khen của bạn Vivio.
Chỉ loanh quanh sau “lũy tre làng” đọc du ký của anh Quế Sơn cũng phần nào được mở rộng tầm nhìn. Mong được một lần trong đời được lãng du như vậy.
Rất mong bạn V-Hoc sớm được toại nguyện.
“Tro lai truong xua dau da troc” that hay, ra’t “la that”, tinh te’ sau sa’c.. va co’ chu’t di’ dom do’ anh Que Son hihi. RB that han hanh biet them ve nuo’c Anh va anh… qua bai viet. Xin cam on huynh nhieu, lau qua’ khong gap! Chu’c quynh luon khoe manh, nam mo’i an te’t vui ve va co’ nhieu bai vie’t/tho van hay cung nhu co’ nhieu ta’c pham dich gia’ tri. A quen, hom nao RB cung phai ba’t chuo’c huynh vie’t mot bai nhu the nay nhung vo’i tua de la ‘Tien (dua) con vao (Dai hoc) truong xua dau xanh lai’ hihi. Me’n chao huynh!
Cám ơn anh Rong Biển.
Trở lại trường mà “đầu xanh lại” thì ai chẳng muốn trở lại hàng ngày!
Viết đọc không ngán anh Quế Sơn ơi
Chúc anh có thêm nhiều chuyến đi vui nữa nhé
Cám ơn lời khen và lời chúc của bạn Nha Trang 68.
Hãng hàng không Qatar phải ưu ái mời anh Quế Sơn làm khách Vip suốt đời
Bài viết hấp dẫn,nhiều thông tin hay về nước Anh già cũ mà vẫn hiện đại
Nếu hãng này đọc “Xứ Nẫu” thì may ra tôi có được một vé giảm giá 10% đi thăm nước Congo tận châu Phi chơi. Hình như ở đó cũng có Tết nữa!
Cám ơn bạn Lyly về lời “com” rộng lượng.
Lần đầu đọc Quế Sơn viết, tôi ngac nhiên lắm. Thỉnh thoảng thấy tên anh, nhưng tưởng anh chỉ còm cho vui thôi. Không ngờ cũng là một ngòi viết có hạng. Hy vọng được đọc thêm.
HPL
Vâng, chị Linh sẽ đọc Phần 2 của bài du ký này không lâu đâu.
Những cảm nhận về xứ mù sương rất tinh tế.
Cám ơn lời khen của anh (chị) Khungcuahep.
Ủa, Bếp tưởng Quế Sơn là du học sinh Ý như các bạn VN du học sinh trước 75 ở đây, ai dè cậu là cựu Cambridge sao? Vậy là le lói hơn Bếp tưởng rồi.
Chỉ mới là phần 1 nhưng QS đã cho mọi người thấy được phần nào sắc thái của nước Anh và người dân nơi nầy. Cậu viết ký sự hay như dịch vậy đó.
Chờ được viếng Anh quốc phần 2 của cậu nghen .
Chúc cả nhà cậu ăn tết vui vẻ, một năm Mùi tràn đầy hạnh phúc nghen.
Cám ơn lời chúc Tết và lời ưu ái của chị Nga.
Chị viết “…le lói…” có phải có cùng nghĩa như ông Xuân Diệu viết không :
“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt,
Còn hơn buồn le lói suốt năm canh” (bài thơ “Giục giã”) ?
Ở Torino, anh chị và hai cháu ăn Tết VN thế nào?
Hi hi cậu thích “le lói” theo nghĩa nào cũng được.
Nghĩa của nhà thơ Xuân Diệu cũng cho thiên hạ thấy ánh sáng trong đêm chứ đâu có mù hơi tăm tối đâu nè.
Còn một nghĩa le lói khác nữa, nghĩa nầy đắt giá lắm nghen. Le lói như những viên kim cương đính trên vương miệng nữ hoàng Anh đó cậu….Ban ngày hay ban đêm gì những viên kim cương đó cũng đều lấp la, lấp lánh “le lói” cho thiên hạn biết đó là “cái niềng đầu của Nữ hoàng”
Hoặc le lói như ánh sáng trong đêm của con đom đóm cũng hay vô cùng, vì trong đêm đen chỉ có mình nó “le lói” nhất,, đúng không?
” le lói” của Bếp tặng cậu là lời khen chứ không phải tiếng chê đâu mà cậu ngại.
Tết năm nào gia đình Bếp và các em Bếp cũng kéo nhau về nhà má Bếp cúng kiến lạy bàn thờ ông bà rồi “ăn nhậu” y như lúc còn ở VN, chỉ thiếu không khí và khung cảnh quê nhà thôi cậu à. Nếu câu không chê bài cũ, xin cứ tự nhiên vào danh mục tên của Bếp đọc bài Chung MỘt Mối Tình nói về Tết của Bếp tại Ý rất rõ ràng ((cậu Hiển post hồi năm ngoái đó cậu).
Biết bao giờ mà được đến những nơi này anh Quế Sơn nhỉ. Thôi thì tạm bằng lòng bằng cách đi du lịch qua mạng internet vậy !
Ở Anh hay Mỹ, du ký (travel writing) khá phổ biến, có những tác giả có sách bán đến cả mấy trăm nghìn cuốn. Cái hay của họ là, ví dụ như cục gạch thì ai cũng thấy, nhưng họ viết sao đó mà người đọc thấy cục gạch nó cử động…
Cám ơn Hoavangmaydo đã viết lời “com”.
Dịch giả Quế Sơn ơi ,anh làm mọi người mê nước Anh mất
Eo ơi, đó không phải là ý định của tôi khi viết bài du ký này.
Nhưng tôi tin “mê” là một cảm giác đáng quý, bạn BNgan à.
Đọc thích…và cũng thích đến nước Anh !
Cám ơn bạn Nguyễn Hoàng. Thật ra, các nước khác như Pháp, Ý… cũng có nhiều cái hay lắm.
Sao không là đầu đã bạc ?
Một du kí hay !
Cám ơn lời ưu ái của anh (chị) Bic.
Tôi còn tóc đâu nữa để mà bạc, trọc như quả trứng gà. Người Anh gọi cái đầu như thế là “egghead” đó !!!
Đọc du kí rất thú vị vì có cảm giác được đi du lịch ké cùng tác giả
Mong bạn có dịp đi du lịch thật rồi đọc lại du ký, thấy nó còn thú vị không?
Nếu thấy không còn thú vị nữa thì biết tác giả thất bại đó.
Những góc nhìn về nước Anh rất tinh tế
Cám ơn lời khen của bạn Trang Thanh.
Viết thật hấp dẫn . Qua bài viết người ta dễ hình dung ra một bà đầm Anh già nua và duyên dáng vô cùng
Cám ơn anh Minh Văn.
Viết thật hấp dẫn nhà văn ơi
Cám ơn anh Nguyễn Hiền.
Tôi cũng từng đến nước Anh vài lần mà khi đọc bài này cũng thấy sự hiểu biết của mình về nước Anh còn hời hợt quá.
Ngả mũ trước sự khiêm tốn của anh.