Quế Sơn
Hai
Đèn chuyển xanh và người đàn bà băng qua đường. Nàng nhìn xuống đất khi đưa chân bước, vì trời vừa tạnh mưa và những chỗ trũng trên đường nhựa còn đọng những vũng nước, như để tưởng nhớ cơn mưa đầu xuân bất chợt này. Nàng có dáng đi thanh lịch, nhờ hợp với cái váy bó sát của bộ đồ màu đen. Nàng thấy các vũng nước và bước tránh.
Khi sang tới vỉa hè bên kia, nàng đứng lại. Người qua lại xuôi ngược, làm buổi chiều muộn đầy lên với những bước chân về nhà, hay dạo chơi. Người đàn bà thích được cảm thấy thành phố trôi qua mình, và nàng cứ đứng đó một lúc, ngay giữa vỉa hè, ngẩn ngơ như một người đàn bà vừa bị người tình đột ngột bỏ rơi ngay chỗ đó. Không làm sao cam chịu được.
Rồi nàng quyết định rẽ phải, và bắt đầu bước theo dòng người đi dạo cùng hướng. Nhẩn nha, nàng đi dọc các cửa tiệm, kéo chặt khăn quàng vào người. Dù luống tuổi, bước đi của nàng vẫn chững chạc và tự tin, mái tóc bạc như cao quý hẳn ra nhờ dáng điệu trẻ trung. Bạc, búi gọn lại sau gáy bằng một lược kẹp tóc màu đen, lược của những cô gái trẻ.
Nàng dừng chân trước một cửa hàng điện máy, và đứng một lúc nhìn chăm chăm bức tường đặt hàng máy truyền hình la liệt, một cách vô ích, hình ảnh của cùng một người đọc tin thời sự. Nhưng độ đậm nhạt trong màu sắc lại lôi cuốn nàng. Bắt đầu một cuốn phim về một thành phố nào đó đang có chiến tranh, và nàng lại cất bước. Nàng băng qua Calle Medina rồi qua cái quảng trường nhỏ Divino Soccorso. Khi đến trước Galleria Florencia, nàng quay người lại để ngắm toàn cảnh ánh sáng trải dài qua lòng tòa nhà và đổ ra, phía bên kia, đại lộ 24 tháng 7. Nàng đứng lại. Ngước mắt tìm cái gì đó trên cái cổng tò vò bằng sắt chỉ dấu lối vào chính. Nhưng nàng chẳng tìm được gì. Đi vài bước vào bên trong Galleria, rồi chặn một người đàn ông lại. Nói lời xin lỗi, và hỏi ông ta tên chỗ này. Người đàn ông trả lời. Nàng cám ơn và chúc ông một buổi tối tốt đẹp. Người đàn ông mỉm cười.
Thế là nàng bắt đầu đi dọc theo Galleria Florencia và vào một lúc trông thấy cái ki-ốt nhỏ, cách nàng chừng hai chục thước, nhô ra từ bức tường bên trái, trong một khoảnh khắc gây chướng mắt so với bóng dáng gọn đẹp của tòa nhà. Đó là một trong những ki-ốt bán vé số. Nàng đi tiếp một chút nhưng đứng lại khi cách cái ki-ốt đó vài bước. Nàng thấy người đàn ông bán vé số đang ngồi đọc báo. Ông ta đặt tờ báo trên cái gì đó, truớc mắt, và đọc. Tất cả các vách của ki-ốt đều bằng kính, trừ cái tựa vào tường tòa nhà. Bên trong người ta thấy được ông bán vé số và đủ thứ băng giấy nhiều màu treo từ trên cao xuống. Mặt tiền có một cái lỗ cửa nhỏ thông qua đó ông bán vé số giao dịch với khách hàng.
Người đàn bà đưa tay vuốt ra sau món tóc bị trễ xuống trước mắt. Nàng quay người lại và trong một lát đứng nhìn chăm chú một thiếu nữ đẩy chiếc xe trẻ em có mui từ một cửa tiệm đi ra. Rồi nàng nhìn lại lần nữa cái ki-ốt.
Ông bán vé số vẫn đọc báo.
Người đàn bà đến gần và cúi người về phía cái lỗ cửa.
– Chào ông, nàng nói.
Người đàn ông đưa mắt lên khỏi tờ báo. Ông sắp sửa nói gì đó nhưng khi thấy khuôn mặt người đàn bà thì dừng ngay, ánh mắt không đi xa hơn. Ông ngồi im như thế, cứ nhìn mặt nàng.
– Tôi muốn mua vé số.
Người đàn ông khẽ gật đầu. Nhưng sau đó thốt ra điều chẳng ăn nhập gì.
– Bà chờ có lâu không?
– Không, nhưng tại sao?
Người đàn ông lắc đầu, tiếp tục nhìn nàng đăm đăm.
– Không có gì, xin lỗi, ông nói.
– Tôi muốn mua một vé, người đàn bà nói.
Thế là người đàn ông xoay người và đưa bàn tay mầy mò những băng vé số treo sau lưng.
Người đàn bà chỉ một cái, dài hơn những cái khác.
– Cái đó…tôi có thể lấy một vé từ cái băng đó không ?
– Băng này à?
– Ừ.
Người đàn ông xé tờ vé số. Ông liếc nhanh hàng số rồi gật đầu tỏ vẻ đồng tình. Ông đặt nó lên cái ván kệ giữa ông và người đàn bà.
– Số này hên đó.
– Ông nói sao?
Người đàn ông không trả lời vì đang dò xét khuôn mặt người đàn bà, như thể tìm kiếm cái gì trên đó.
– Ông nói số này hên à?
Người đàn ông hạ ánh mắt xuống tờ vé số :
– Phải, nó có hai số 8 đối xứng nhau và cộng lại thì bằng nhau.
– Nghĩa là sao?
– Nếu bà vạch một cái ngay chính giữa hàng số thì tổng số những con bên phải lại bằng tổng số những con bên trái. Thường thì hên lắm đó.
– Mà làm sao ông biết?
– Nghề của tôi mà.
Người đàn bà mỉm cười.
– Nghe có lý lắm.
Nàng đặt tiền lên ván kệ.
– Ông đâu có mù, nàng nói.
-Xin bà nói lại.
– Ông đâu có bị mù, đúng không nào ?
Người đàn ông bắt đầu cười.
– Đúng, tôi không mù.
– Lạ nhỉ…
– Nhưng tại sao tôi lại phải mù ?
– Thì những người bán vé số bao giờ cũng mù mà.
– Thật à?
– Có lẽ không phải bao giờ cũng mù, nhưng thường thì thế…tôi nghĩ thiên hạ thích họ mù.
– Nghĩa là?
– Tôi không rõ lắm, tôi tưởng điều này có liên hệ với cái chuyện cho rằng vận may rủi là mù quáng.
Người đàn bà nói xong rồi bật cười. Nàng có tiếng cười ròn tan, không chút mệt mỏi bên trong.
– Thường thì họ già lắm, và họ nhìn xung quanh mình như những con chim vùng nhiệt đới trong cửa kính tiệm bán thú nuôi.
Nàng nói điều này một cách rất tự tin.
Rồi thêm :
– Ông, ông thì khác.
Người đàn ông nói rằng quả thế ông không mù. Nhưng già thì đúng.
– Ông bao nhiêu tuổi rồi?
– Tôi bảy mươi hai, người đàn ông nói.
Rồi thêm :
– Tôi thích làm việc này, chẳng rầy rà gì, việc tốt mà.
Ông nói khẽ. Bình thản.
Người đàn bà mỉm cười.
– Dĩ nhiên. Tôi không có ý nói rằng…
– Công việc này, tôi hài lòng.
– Chắc thế rồi.
Nàng cầm tờ vé số và bỏ vào chiếc ví đen trang nhã. Rồi nàng quay người lại một lát như thể để soát lại cái gì, hay xem có người đứng chờ sau lưng không. Sau cùng, thay vì chào và bỏ đi, nàng nói một điều.
– Không biết ông có ưng đi uống với tôi một ly không?
Người đàn ông vừa mới bỏ tiền vào két. Bàn tay còn giữa khoảng không.
– Tôi à?
– Vâng.
– Tôi…Tôi không thể.
Người đàn bà nhìn ông.
– Tôi không đóng cửa ki-ốt được, tôi không thể bỏ đi bây giờ, tôi chẳng có ai để…tôi chẳng…
– Chỉ một ly thôi.
– Tiếc quá…thật tình tôi không thể đi được.
Người đàn bà khẽ gật đầu, như thể nàng đã hiểu. Nhưng sau đó nàng lại cúi người về phía ông và nói:
– Đi với tôi.
Người đàn ông vẫn nói:
– Thôi bà ơi.
Nhưng nàng lập lại :
– Đi với tôi.
Thật lạ lùng. Người đàn ông gấp tờ báo lại, bước xuống ghế đẩu. Ông gỡ kính. Bỏ vào cái túi vải màu xám. Rồi rất cẩn thận, bắt đầu đóng ki-ốt. Ông nối các động tác với nhau, cái này sau cái kia, rất chậm chạp, lặng lẽ, như thể đây là một buổi tối bình thường. Người đàn bà đứng chờ, yên lặng, như thể việc này chẳng dính dáng gì đến nàng. Thỉnh thoảng có người đi qua và ngoái đầu nhìn nàng. Vì nàng có vẻ lẻ loi, và nàng đẹp. Vì nàng không trẻ, và nàng có vẻ lẻ loi. Người đàn ông tắt đèn. Ông hạ cái cửa sắt nhỏ và khóa lại sát đất. Ông đã mặc một cái áo khoác mỏng, hơi lùng thùng trên vai. Ông lại bên người đàn bà.
– Tôi xong rồi.
Người đàn bà mỉm cười với ông.
– Ông biết chỗ nào ta có thể đến không?
– Ngả này. Có quán cà phê không ai làm phiền ta đâu.
Hai người vào quán, tìm được một bàn trong góc, và ngồi đối diện nhau. Họ gọi hai ly rượu vang. Người đàn bà hỏi anh hầu bàn thuốc lá. Thế là họ bắt đầu hút. Rồi họ nói chuyện phiếm, và nói về những người trúng số độc đắc. Người đàn ông nói thường là những người này không giữ bí mật được, và khôi hài nhất, người đầu tiên họ nói lộ ra bao giờ cũng là một đứa con nít. Chắc là có một bài học trong chuyện này, nhưng ông chẳng bao giờ tìm ra nó là bài nào. Người đàn bà nói điều gì đó về những chuyện có mang bài học và những chuyện không mang gì cả. Hai người tiếp tục nói chuyện một lát như thế. Rồi ông nói rằng ông biết nàng là ai, và tại sao nàng đến đây.
Người đàn bà không nói gì. Nàng chờ.
Thế là người đàn ông nói tiếp.
– Nhiều năm trước đây, bà đã thấy ba người đàn ông giết cha bà, một cách lạnh lùng. Tôi là người duy nhất, trong số ba người đó, còn sống.
Người đàn bà nhìn ông, chăm chú. Nhưng ta không biết nàng đang nghĩ gì.
– Bà đến tận chỗ này để tìm tôi.
Ông nói một cách bình thản. Không bồn chồn, không gì hết.
– Bây giờ, bà đã tìm ra tôi.
Rồi hai người im lặng một lúc, vì ông không còn gì để nói, và nàng không nói gì.
– Khi còn bé, tôi tên là Nina. Nhưng tất cả đã chấm dứt vào cái ngày đó. Không ai còn gọi tôi cái tên đó nữa.
-…
– Tôi thích lắm: Nina
-…
– Bây giờ tôi có đầy những tên. Khác rồi.
– Tôi nhớ lại ban đầu là một thứ cô nhi viện. Không gì khác. Rồi có một người đàn ông tên là Ricardo Uribe đến và đưa tôi đi. Ông là dược sĩ ở một cái thị trấn nhỏ nằm sâu trong miền quê. Ông không vợ, không gia đình, không có gì cả. Ông kể với mọi người tôi là con gái ông. Ông đến ở nơi đó vài tháng trước. Người ta tin ông. Ban ngày ông giữ tôi ở phía sau tiệm thuốc. Khi vắng khách ông dạy tôi học. Tôi không biết tại sao nhưng ông không thích tôi ra ngoài đi chơi một mình. Có điều gì phải học, con có thể học với cha, ông nói. Tôi mười một tuổi. Buổi tối ông ngồi trên trường kỷ và bắt tôi nằm dài bên cạnh ông. Tôi ngả đầu lên đầu gối ông và nghe ông nói. Ông kể những câu chuyện lạ lùng về chiến tranh. Những ngón tay ông vuốt ve mái tóc tôi, theo chiều này rồi chiều kia, chậm rãi. Tôi cảm thấy dương vật ông, dưới lớp vải quần. Sau đó ông hôn trán tôi một cái và để tôi đi ngủ. Tôi có một phòng riêng cho mình. Tôi giúp ông dọn dẹp tiệm thuốc và nhà cửa. Lo việc giặt giũ và bếp núc. Ông có vẻ là một người tử tế. Ông lo sợ nhưng tôi không biết về chuyện gì.
…
Một buổi tối ông cúi xuống hôn lên miệng tôi. Ông cứ hôn tôi, như thế đó, và cùng lúc luồn tay dưới váy tôi và khắp chỗ. Tôi, tôi không làm gì cả. Và rồi, đột ngột, ông tách ra xa, bật khóc và xin tôi tha lỗi. Ông bỗng có vẻ khiếp sợ. Tôi, tôi không hiểu. Vài hôm sau ông cho tôi biết ông đã tìm được cho tôi một người hôn phu. Một thanh niên ở Rio Galvan, cái thị trấn lân cận. Anh làm thợ nề. Tôi sẽ lấy anh ngay khi nào đủ tuổi. Tôi đi gặp anh, ngày chủ nhật sau đó, ở quảng trường. Anh đẹp trai, cao và gầy, rất gầy. Anh đi lại chậm chạp, có lẽ vì bệnh, hay cái gì đó tương tự. Chúng tôi chào hỏi nhau, và tôi trở về nhà.
…
Đó là một chuyện như bao chuyện khác. Sao ông lại muốn nghe?
Người đàn ông nghĩ cách nói của nàng thật lạ. Như thể đó là một hành vi nàng không quen thuộc. Hay như thể đó không phải tiếng mẹ đẻ của nàng. Nàng vừa tìm chữ vừa nhìn vào khoảng không.
– Vài tháng sau, một buổi tối mùa đông, Uribe rời nhà đi đến Riviera. Một thứ quán rượu nơi người ta đánh bạc. Uribe đến đó hàng tuần, bao giờ cũng vào một ngày, thứ sáu. Lần đó, ông chơi bạc tới khuya. Rồi ông thấy mình nắm trong tay bốn con bồi, trước mặt là số tiền đặt cao hơn số ông thấy được trong một năm. Chỉ còn ông và bá tước Torrelavid sát phạt nhau trong canh bạc này. Những người khác chỉ đặt một ít tiền rồi bỏ cuộc. Nhưng ông bá tước vẫn kiên trì. Ông ta cứ tiếp tục tố. Uribe tin chắc vào những con bài của mình và ông tố theo. Hai người đã đến cái giây phút mà các tay bạc mất đi ý thức về thực tại. Và xảy ra chuyện ông bá tước đem cái fazenda [1] Belsito của mình ra tố. Thế là cả quán rượu im hơi lặng tiếng. Ông có đánh bạc không?
– Không, người đàn ông nói.
– Vậy thì tôi không nghĩ là ông có thể hiểu được.
– Thử xem nào.
– Ông sẽ không hiểu đâu.
– Có hề gì.
– Mọi thứ đều ngừng lại. Và có một sự im lặng mà ông sẽ không hiểu đâu.
Người đàn bà giải thích rằng fazenda Belsito là cái fazenda đẹp nhất trong toàn vùng. Một con đường chạy giữa hai hàng cam lên tận đỉnh đồi, và từ đó, từ ngôi nhà, người ta có thể nhìn thấy Đại dương.
– Uribe nói ông chẳng có gì đáng với Belsito để đặt theo. Và ông để xuống bàn các lá bài của mình. Viên bá tước nói là Uribe bất cứ lúc nào cũng có thể đem cái tiệm thuốc tây ra đặt cuộc, và rồi ông ta bắt đầu cười như thằng khùng, và vài người trong đám người có mặt ở đó cũng bắt đầu cười theo. Uribe cười mỉm. Bàn tay ông còn nằm trên các lá bài. Như thể để nói lời từ giã với chúng. Viên bá tước làm nghiêm, nghiêng mình ra trước, phía trên bàn, nhìn thẳng vào mắt Uribe và nói :
– Thế nhưng, bạn có một đứa bé gái xinh đẹp mà.
Uribe không hiểu ngay tức khắc. Ông cảm thấy ánh mắt mọi người đổ dồn vào ông, và ông không suy nghĩ được. Viên bá tước làm cho tình thế đơn giản đi.
– Belsito đổi lại con gái bạn, Uribe à. Một đề nghị đàng hoàng đấy.
Và ông ta đặt sấp lên bàn năm lá bài, ngay dưới mũi Uribe.
Uribe chằm chằm nhìn chúng, nhưng không đụng đến.
Ông lẩm bẩm cái gì đó, nhưng chưa bao giờ có ai kể được với tôi ông nói cái gì.
Rồi ông đẩy các lá bài của ông về phía viên bá tước, đẩy chúng trượt trên mặt bàn.
Viên bá tước đưa tôi về nhà ông ngay trong đêm đó. Ông làm một điều không thể ngờ. Ông đợi mười sáu tháng, và khi tôi mười bốn tuổi, ông lấy tôi. Tôi đẻ cho ông ba đứa con trai.
…
– Đàn ông, thật khó mà hiểu họ. Viên bá tước chỉ thấy tôi có một lần, trước đêm đó. Ông ngồi ở quán cà phê và tôi đang đi băng qua quảng trường. Ông hỏi người nào đó:
– Con bé này là ai vậy kìa?
Và người ta nói cho ông hay.
Bên ngoài trời lại bắt đầu đổ mưa, đến nỗi quán cà phê đầy người. Phải nói to mới hiểu được nhau. Hay ngồi xích lại gần hơn. Người đàn ông nói với người đàn bà là cách kể chuyện của nàng thật lạ lùng: như thể nàng kể chuyện cuộc đời một người nào khác.
– Ông muốn nói gì thế ?
– Như thể chẳng có gì quan trọng đối với bà.
Người đàn bà nói là trái lại, mọi sự đều quan trọng đối với nàng, quá là đằng khác. Nàng nói nàng luyến tiếc ngay cả những chuyện nhỏ nhặt nhất đã xảy ra với nàng. Nhưng nàng nói ra điều này với cái giọng cứng rắn, không u sầu. Người đàn ông không nói gì một lúc, đưa mắt nhìn thiên hạ xung quanh.
Ông nghĩ đến Salinas. Một buổi sáng, người ta tìm thấy ông nằm chết trong giường của mình, hai năm sau chuyện Roca đó. Cái gì đó không ổn ở tim, người ta nói. Rồi sau lại có tiếng đồn tung ra là viên bác sĩ riêng đã đầu độc ông, mỗi ngày một ít, chầm chậm, suốt mấy tháng trời. Một cơn hấp hối chậm rì. Ghê sợ. Người ta điều tra vụ việc này nhưng không tìm ra manh mối gì. Viên bác sĩ tên là Astarte. Ông ta đã kiếm được một ít tiền, trong thời chiến tranh, nhờ thuốc bào chế chữa sốt và nhiễm trùng. Chính ông ta đã phát minh thuốc này, với sự trợ giúp của một dược sĩ. Thuốc bào chế mang tên Botran. Viên dược sĩ tên là Ricardo Uribe. Vào giai đoạn phát minh đó, Uribe làm việc ở thủ đô. Chiến tranh chấm dứt, ông bị vài chuyện rắc rối với công an. Trước hết người ta tìm thấy tên ông trong danh sách những nhà cung cấp thuốc cho bệnh viện của Linh Cẩu, rồi có người nói đã thấy ông làm việc ở đó. Nhưng nhiều người cũng nói rằng ông là một người tử tế. Ông ra trình diện để qua các cuộc thẩm vấn, giải thích mọi chuyện, và khi được thả ra, ông khăn gói bỏ đi, đến một cái thị trấn nhỏ ẩn sâu trong vùng quê phía nam đất nước. Ông mua một tiệm thuốc tây, và bắt đầu hành nghề trở lại. Ông sống một mình với đứa con gái còn nhỏ tên là Dulce. Ông nói là mẹ nó đã mất từ nhiều năm trước. Mọi người tin ông.
Ông đã che giấu Nina như thế, đứa con gái sống sót của Manuel Roca.
Người đàn ông nhìn xung quanh mình nhưng không thấy gì. Ông đắm chìm trong những suy tư.
Tính tàn bạo của trẻ em, ông nghĩ.
Chúng ta đã đảo lộn trái đất một cách bạo liệt đến nỗi chúng ta đã đánh thức tính tàn bạo nơi trẻ em.
Ông xoay người thêm lần nữa về phía người đàn bà. Nàng nhìn ông. Ông nghe tiếng nàng nói :
– Có thật người ta gọi ông là Tito không?
Người đàn ông gật đầu.
– Cha tôi, ông chưa bao giờ gặp, trước đó?
-…
-…
– Tôi biết ổng là ai.
– Có thật ông là người đầu tiên bắn cha tôi không?
Người đàn ông lắc đầu.
– Có gì là quan trọng…
– Ông hai mươi tuổi, hồi đó. Trẻ nhất. Ông mới chiến đấu được một năm. El Gurre xem ông như con mình.
Rồi người đàn bà hỏi ông còn nhớ không.
Người đàn ông cứ nhìn nàng. Và cuối cùng, chỉ trong cái khoảnh khắc đó thôi, ông thực sự thấy lại, trên khuôn mặt nàng, khuôn mặt cô gái nhỏ đó, nằm dài dưới đó, hoàn hảo và chân chính, tuyệt vời. Ông thấy đôi mắt đó trong đôi mắt này, và cái sức mạnh kỳ lạ bên trong sự bình thản của cái sắc đẹp mệt mỏi này. Cô gái nhỏ: nàng đã xoay người lại và đã nhìn ông. Cô gái nhỏ: nàng ở đó, bây giờ. Thời gian có thể gây chóng mặt biết bao. Mình đang ở đâu thế này? người đàn ông tự hỏi. Ngay đây hay dưới đó? Mình có bao giờ ở trong một khoảnh khắc mà không phải là khoảnh khắc đó?
Người đàn ông trả lời là ông nhớ. Ông không làm gì khác, bao nhiêu năm
qua, chỉ nhớ và nhớ mọi chuyện.
– Bao nhiêu năm qua tôi tự hỏi tôi phải làm gì đây. Nhưng rốt cuộc, sự thật là tôi đã không bao giờ có thể kể ra chuyện đó với ai. Tôi không bao giờ nói với ai là bà nằm dưới đó, tối hôm đó. Bà có thể không tin tôi, nhưng như vậy đó. Lúc đầu, dĩ nhiên, tôi không nói ra là vì sợ. Nhưng rồi thời gian trôi qua, và sự việc đã trở thành cái gì khác rồi. Chiến tranh, chẳng ai còn bận tâm đến nữa, thiên hạ muốn nhìn về phía trước, hoàn toàn cóc cần những chuyện đã xảy ra. Làm như mọi thứ đã bị chôn vùi mãi mãi. Tôi bắt đầu nghĩ tốt hơn là quên đi tất cả. Buông bỏ thôi. Nhưng đến một lúc nào đó thì lộ ra chuyện đứa con gái của Roca còn sống, họ giấu nó đâu đó, trong một làng quê ở miền Nam. Tôi không biết nghĩ sao về chuyện này. Với tôi, thật khó mà tin được là nó đã ra khỏi cái địa ngục đó, toàn mạng, nhưng đối với trẻ con thì biết đâu đấy. Cuối cùng thì có người trông thấy nó, và thề đúng là nó thực. Thế rồi tôi hiểu ra là không bao giờ tôi thoát khỏi chuyện này. Tôi, cũng như những người khác. Đương nhiên, tôi bắt đầu tự hỏi nó đã thấy được gì, đã nghe được gì, tối hôm đó, ở ngôi trại. Và nó có thể nhớ mặt tôi không. Hơn nữa, thật khó mà biết được cái gì xảy ra trong đầu một đứa bé, đối mặt với một biến cố như thế. Người lớn thì có trí nhớ, có ý thức về công lý, và thói thường họ ham thích trả thù. Nhưng một con bé? Trong một thời gian tôi đã tự thuyết phục mình là sẽ không có gì xảy ra đâu. Nhưng sau đó thì Salinas chết. Một cách kỳ quặc ấy.
Người đàn bà nghe, bất động.
Ông hỏi nàng có muốn ông nói tiếp không.
– Ông nói tiếp đi, nàng nói.
– Sự việc lộ ra là Uribe đã can dự vào cái chết đó.
Nàng nhìn ông không lộ vẻ gì ra trên mặt. Đôi môi nàng khép nửa chừng.
– Có thể là một sự trùng hợp, nhưng chắc chắn là kỳ quặc. Dần dần mọi người tin chắc là con bé biết chuyện chứ không đâu. Bây giờ thì khó hiểu thật, nhưng thời đó, nó lạ lùng lắm. Đất nước đang tiến về phía trước, bỏ xa chiến tranh đằng sau, với một vận tốc thật kinh ngạc, quên hết tất cả. Nhưng có một đám người không bao giờ ra khỏi chiến tranh, và họ không sao làm lại cuộc đời trong cái đất nước hạnh phúc này. Tôi là một người như thế. Bọn tôi, tất cả đều như thế. Đối với bọn tôi, chưa có gì chấm dứt cả. Và con bé đó, là một hiểm họa. Bọn tôi bàn nhiều về sự việc này. Cái chết của Salinas, quả thật chẳng ai nuốt trôi được. Đến nỗi, cuối cùng, bọn họ đưa ra quyết định, bằng cách này hay cách khác, phải thủ tiêu con bé. Tôi biết là chuyện có vẻ điên, nhưng trong thực tế, tất cả chuyện đó khi ấy rất lô gích : kinh khiếp, và lô gích. Bọn họ quyết định thủ tiêu con bé và giao cho bá tước Torrelavid làm việc này.
Người đàn ông ngừng một lát. Nhìn hai bàn tay mình. Như thể ông đang sắp xếp lại cho có thứ tự những kỷ niệm của đời mình.
– Ông ta là người chơi trò hai mặt trong suốt thời chiến tranh. Ông làm việc cho phía bên kia, nhưng ông là người của bọn tôi. Ông đi gặp Uribe và hỏi hắn là muốn ở tù mọt gông vì tội sát hại Salinas hay xéo đi mất hút và để lại con bé cho ông. Uribe là một thằng hèn nhát. Đáng lẽ hắn cứ nằm yên đó, và không một tòa án nào có thể kết tội hắn được bao giờ. Nhưng hắn sợ và trốn đi. Hắn để cô bé lại cho ông bá tước và trốn đi . Hắn qua đời chục năm sau đó, trong một cái làng nhỏ heo hút bên kia biên giới. Hắn để lại một bức thư ngắn nói là hắn đâu có làm gì và Trời sẽ truy đuổi những kẻ thù của hắn tận cửa địa ngục.
Người đàn bà quay đầu nhìn một cô gái đang cười to, cùi chỏ chống lên quày tiệm cà phê. Rồi nàng lấy chiếc khăn san mà nàng đã để ở lưng ghế khoác lên vai.
– Ông nói tiếp đi, nàng nói.
Người đàn ông nói tiếp.
– Tất cả mọi người chờ ông bá tước thủ tiêu con bé. Nhưng ông không ra tay. Ông giữ nó với ông, trong nhà mình. Người ta khiến ông hiểu là ông phải giết nó. Nhưng ông chẳng làm gì cả và tiếp tục che giấu nó trong nhà. Cuối cùng ông nói: Các người đừng lo lắng về con bé này. Và ông lấy nó làm vợ. Thiên hạ không nói chuyện gì khác, suốt mấy tháng trời, ở cái địa phương đó. Nhưng rồi người ta cũng thôi nghĩ đến chuyện ấy nữa. Con bé lớn lên, và sinh cho ông bá tước ba đứa con trai. Không ai thấy được nó bao giờ, ở cái xó xỉnh đó. Người ta gọi nó là Donna Sol, vì đó là cái tên ông bá tước đặt cho nó. Về nó, người ta kể một chuyện kỳ quặc. Là nó không nói. Không bao giờ nói. Từ hồi còn Uribe, chẳng có ai nghe nó nói ra một tiếng bao giờ. Có lẽ bệnh tật gì đó. Có lẽ nó sinh ra đơn giản như thế. Người ta sợ nó mà không biết vì sao.
Người đàn bà mỉm cười. Nàng vuốt tóc ra đàng sau, động tác như của một thiếu nữ.
Thấy đã muộn rồi, người hầu bàn đến và hỏi hai người có muốn ăn ở đây không. Ba gã đàn ông vào trong một góc tiệm và bắt đầu chơi nhạc. Họ chơi các điệu nhảy. Người đàn ông nói ông không đói.
– Tôi mời ông mà, người đàn bà mỉm cười nói.
Người đàn ông cho là chuyện phi lý. Nhưng người đàn bà cố nài. Nàng nói hai người có thể ăn bánh ngọt.
– Bánh ngọt, ông ưng nhé?
Người đàn ông gật đầu.
– Được rồi, vậy bánh ngọt nhé. Cho chúng tôi bánh ngọt.
Người hầu bàn nói chọn thế là hay. Rồi thêm là họ có thể ngồi đây lâu chừng nào tùy ý. Đừng ngại. Anh ta là một thanh niên, nói với một giọng kỳ cục. Họ thấy anh ta trở lại quày, và hét món gọi cho kẻ nào đó không ai trông thấy.
– Ông đến đây thường không? người đàn bà hỏi.
– Không.
– Chỗ này dễ chịu thật.
Người đàn ông nhìn quanh mình. Nói, quả thế.
– Tất cả mấy chuyện đó, có phải các bạn ông kể lại cho ông không?
– Phải.
– Và ông tin?
– Phải.
Người đàn bà nói khẽ cái gì đó. Rồi yêu cầu người đàn ông kể nốt.
– Có ích gì không?
– Kể đi, tôi xin ông.
– Đâu phải chuyện của tôi, chuyện của bà mà. Bà biết rõ hơn tôi chứ.
– Không nhất thiết thế đâu.
Người đàn ông lắc đầu.
Ông lại nhìn hai bàn tay.
– Một ngày kia tôi lấy tàu lửa và tôi đi đến Belsito. Nhiều năm đã trôi qua. Tôi đã ngủ được ban đêm, và những người xung quanh tôi không gọi tôi bằng cái tên Tito nữa. Tôi nghĩ là tôi đã xong chuyện, là chiến tranh đã thực sự chấm dứt và tôi chỉ còn một việc phải làm thôi. Tôi lấy tàu lửa và tôi đi đến Belsito, để nói với ông bá tước về chuyện cái cửa sập, về cô bé, và tất cả. Ông ta biết tôi là ai. Ông rất ân cần, đưa tôi vào thư phòng, mời tôi uống rượu và hỏi tôi cần gì. Tôi nói với ông :
– Đêm hôm đó, ở ngôi trại Mato Rujo, ông biết đấy?
Còn ông ta nói :
– Không.
– Cái đêm mà Manuel Roca…
– Tôi không biết ông bạn đang nói chuyện gì.
Ông ta nói thế một cách cực kỳ bình thản, dịu dàng nữa. Ông tự tin lắm. Ông không có hoài nghi gì.
Và tôi hiểu ra. Chúng tôi còn nói chuyện với nhau một lát về công ăn việc làm, và ngay cả chính trị, rồi tôi đứng lên ra về. Ông cho một chú bé đưa tôi ra nhà ga. Tôi bây giờ còn nhớ đến nó vì nó không thể quá mười bốn tuổi khi đó, thế mà nó đã lái xe hơi và người ta cứ để cho nó lái.
– Carlos, người đàn bà nói.
– Tôi không nhớ tên nó.
– Con trai đầu của tôi đó, Carlos.
Người đàn ông sắp sửa nói gì đó, nhưng anh hầu bàn đã đưa bánh ngọt đến. Lại mang thêm một chai rượu vang khác. Anh ta nói nếu họ muốn thưởng thức thì đây là rượu vang uống hợp với bánh ngọt. Rồi anh ta nói điều gì dí dỏm về bà chủ tiệm. Người đàn bà cười, và nàng cười mà đầu rung rung, điều mà nhiều năm trước đây khó thể ngăn được. Nhưng người đàn ông hầu như không thấy, vì ông đang bận theo dõi các kỷ niệm của mình. Khi anh hầu bàn đi khỏi, ông nói tiếp.
– Trước khi ra khỏi Belsito, ngày hôm đó, trong khi đi dọc theo một hành lang dài, với tất cả những cánh cửa khép kín, tôi nghĩ là ở đâu đó, trong ngôi nhà này, bà đang có mặt. Giá gì tôi được gặp bà. Chắc là tôi chẳng có gì để nói với bà, nhưng tôi ước ao nhìn lại khuôn mặt bà, sau bao nhiêu năm, một lần cuối cùng. Tôi thực sự nghĩ đến điều này khi bước chân đi trong cái hành lang đó. Và một việc lạ lùng xảy ra. Vào một lúc nào đó, một trong những cánh cửa mở ra.Và tôi, trong một khoảnh khắc, tôi tuyệt đối chắc chắn là bà sắp sửa đi ra từ cửa đó, là bà sẽ đi qua gần tôi, không nói một lời.
Người đàn ông lắc nhẹ đầu.
– Nhưng chẳng có gì xảy ra cả, bởi vì cuộc đời luôn luôn thiếu hụt cái gì đó để trở nên hoàn hảo.
Người đàn bà, cái muỗng giữa những ngón tay, nhìn hơi lâu miếng bánh ngọt nằm trong dĩa, như thể nàng đang tìm cách nào mở nó ra.
Thỉnh thoảng có kẻ đi chạm qua cái bàn và liếc nhìn hai người. Đó là một cặp lạ lùng. Họ không có những cử chỉ của hai người quen biết nhau. Nhưng họ nói chuyện với nhau gần gũi. Nàng trông như thể nàng đã ăn mặc để làm vừa lòng ông. Không một ai đeo nhẫn. Tưởng như hai người tình, nhưng có lẽ từ nhiều năm trước. Hay là anh và em gái, ai biết được.
– Ông biết gì khác về tôi? người đàn bà hỏi.
Người đàn ông cũng muốn hỏi nàng cùng câu đó. Nhưng ông bắt đầu kể, và ông hiểu ra là ông thích kể, là có lẽ ông đã chờ bao nhiêu năm nay cái giây phút để kể này, chỉ một lần rồi thôi, trong cảnh tranh tối tranh sáng của tiệm cà phê, với ba nhạc công, trong một góc nhà, đang chơi nhịp ba-bốn của những điệu nhảy đã thuộc lòng.
– Độ mười năm sau, ông bá tước qua đời trong một tai nạn xe hơi. Bà ở lại với ba đứa con, Belsito và mọi thứ khác. Nhưng họ hàng trong nhà không thích thế. Họ nói là bà bị điên và không thể để bà ở một mình với ba đứa con trai. Cuối cùng họ đưa vụ việc ra tòa và quan tòa kết luận là họ đúng. Thế là họ buộc bà rời khỏi Belsito và giao bà cho các bác sĩ, trong một viện điều dưỡng ở Santander. Đúng vậy không?
– Ông nói tiếp đi.
– Hình như các con bà đã làm chứng chống lại bà.
Người đàn bà nghịch với cái muỗng nhỏ. Nàng gõ lên mép dĩa nghe leng keng. Người đàn ông nói tiếp.
– Vài năm sau bà bỏ trốn, biệt tăm luôn. Có người nói bạn bè đã giúp bà trốn đi và họ che giấu bà ở đâu đó. Nhưng những người quen biết bà lại nói là, thế nhưng, bà làm gì có bạn. Người ta truy tầm bà một thời gian. Rồi họ bỏ cuộc. Không ai nhắc đến bà nữa. Nhiều người tin chắc là bà đã chết. Người điên biến đâu mất hút, nhiều hơi đâu mà kể.
Người đàn bà ngước mắt rời dĩa bánh.
– Ông có con chứ? nàng hỏi.
– Không.
– Vì sao?
Người đàn ông trả lời là phải có niềm tin ở thế gian để có con.
– Trong những năm đó tôi còn làm ở nhà máy. Tận trên miền Bắc. Người ta kể tôi nghe chuyện đó, về bà, về cái bệnh viện tư và việc bà bỏ trốn. Họ nói với tôi điều rất có thể xảy ra là bà đã nằm dưới đáy sông, hay dưới chân vách núi, ở một nơi mà sớm hay muộn một kẻ cầu bơ cầu bất sẽ tìm thấy bà. Họ nói với tôi là mọi sự đã xong rồi. Phần tôi, tôi chẳng nghĩ gì cả. Điều đã gây ấn tượng mạnh nơi tôi là chuyện bà trở nên điên dại, và tôi bây giờ nhớ lại là mình đã tự hỏi bệnh điên nào bà có thể mắc phải: bà vừa đi khắp nhà vừa la hét, hay đơn giản là bà chỉ im lặng, trong một góc nhà, ngồi đếm những thanh gỗ lót sàn, kẹp chặt trong bàn tay một sợi dây thừng nhỏ, hay cái đầu một con chim cổ đỏ. Thật là kỳ quặc cái ý nghĩ người ta tạo ra trong đầu về những người điên, khi người ta chẳng biết họ chút nào.
Rồi ông ngưng một lúc lâu. Xong, ông nói :
– Bốn năm sau chú el Gurre chết.
Ông lại im lặng lần nữa, hơi lâu. Tưởng như cái việc kể tiếp bỗng dưng trở thành khó khăn khủng khiếp đối với ông.
– Người ta tìm thấy chú với một viên đạn sau lưng, mặt gục trong đống nước phân, trước chuồng ngựa của chú.
Ông ngước mắt nhìn người đàn bà.
– Người ta tìm thấy một lá thư ngắn trong túi áo chú. Trong lá thư này có viết một cái tên đàn bà. Tên của bà.
Ông đưa tay viết nhẹ trong không khí.
– Donna Sol.
Ông buông tay xuống bàn.
– Đúng thực là chữ viết của chú ấy. Chính chú đã viết cái tên này. Donna Sol.
Ba người nhạc công, ở phía sau, đã bắt đầu đánh một thứ luân vũ, kéo lê nhịp và chơi rất nhẹ.
– Từ ngày đó, tôi bắt đầu đợi bà.
Người đàn bà đã ngửng đầu và nàng đang nhìn ông chăm chú.
– Tôi đã hiểu rằng không có cái gì có thể chận bà được, và một ngày kia bà cũng sẽ tìm đến tận tôi. Tôi không bao giờ tin là bà có thể giết tôi bằng cách bắn sau lưng hay gởi đến một thằng cha nào đó chẳng hề biết tôi. Tôi biết, từ ấy, rằng chính bà sẽ đến, và bà sẽ nhìn thẳng mặt tôi, và trước hết bà sẽ nói chuyện với tôi. Bởi vì tôi là người mở cái cửa sập, tối hôm đó, và sau đó đóng nó lại. Và việc này, bà chẳng quên đâu.
Người đàn ông còn chờ một lát, rồi nói một điều duy nhất mà ông còn muốn nói.
– Tôi đã mang trong lòng cái bí mật này cả cuộc đời tôi, như một bệnh tật. Tôixứng đáng được ngồi đây, với bà.
Rồi người đàn ông lặng thinh. Ông cảm thấy trái tim mình đập nhanh, tận đầu các ngón tay, và tận trong thái dương. Ông nghĩ là mình đang ngồi trong quán cà phê, đối diện với một bà già điên mà ngay bất cứ lúc nào cũng có thể đứng dậy và giết mình. Ông biết mình sẽ không làm gì cả để ngăn chận nàng.
Chiến tranh đã xong rồi, ông nghĩ.
Người đàn bà nhìn quanh và thỉnh thoảng liếc nhìn cái dĩa trống. Nàng không nói gì, và từ khi người đàn ông ngừng kể chuyện, nàng cũng ngừng nhìn ông. Nàng trông như một người đàn bà ngồi ở bàn, một mình, để chờ đợi ai đó.
Người đàn ông ngả người tựa vào lưng ghế. Bây giờ trông ông có vẻ càng nhỏ thó và mệt mỏi. Ông quan sát, như thể từ xa, ánh mắt người đàn bà lang thang khắp tiệm cà phê rồi trên bàn: dừng lại khắp nơi, ngoại trừ ở ông. Ông nhận ra là mình vẫn còn mặc cái áo khoác trên người, liền thọc sâu hai bàn tay vào túi áo. Ông cảm thấy cổ áo hơi siết nơi gáy, như thể ông đã bỏ đá cục trong túi áo. Ông nghĩ đến đám người xung quanh, và ông thấy thật lạ lùng là không ai, vào ngay lúc này, có thể nhận ra chuyện gì đang xảy đến. Trông hai người già ngồi ở bàn, thật khó mà hình dung là họ có thể làm bất cứ điều gì, vào khoảnh khắc chính xác này. Vậy mà, như thế đó. Bởi vì nàng là một bóng ma, và ông, một người đàn ông mà cuộc đời đã kết thúc từ lâu lắm rồi. Ông nghĩ, nếu thiên hạ mà biết như thế thì ông sẽ sợ.
Rồi ông thấy đôi mắt người đàn bà trở nên long lanh.
Ai biết được nó đang ở đâu, vào lúc này, cái giòng suy tưởng của nàng, ông tự hỏi.
Khuôn mặt nàng bất động, không lộ ra vẻ gì cả. Chỉ có đôi mắt nàng là như vậy.
Đấy là khóc sao?
Ông còn nghĩ là ông không muốn chết ở đây, trong tiệm cà phê này, dưới mắt nhìn của đám người có mặt.
Rồi người đàn bà bắt đầu nói, và đây là những gì họ nói với nhau.
– Ông Uribe cầm lên các lá bài của ông bá tước và chầm chậm nặn ra từng lá giữa các ngón tay. Tôi không tin là vào lúc đó ông ta nghĩ đến những gì ông ta đang mất. Nhưng chắc là ông ta nghĩ đến những gì ông ta không ăn được. Tôi có đáng gì đối với ông ta. Ông ta đứng lên và lịch sự chào từ giã mọi người. Không ai cười, không ai dám nói một lời. Một tay đánh xì phé như thế, họ chưa từng thấy lần nào, ở miệt dưới đó. Bây giờ xin ông nói tôi nghe: tại sao câu chuyện này lại ít đúng thực tế hơn câu chuyện ông kể cho tôi?
-…
-…
-…
– Cha tôi là một người cha tuyệt vời. Ông không tin tôi à? Và tại sao chứ? Tại sao câu chuyện này lại ít đúng thực tế hơn câu chuyện của ông?
-…
– Dù ta cố hết sức sống một đời duy nhất thôi, những người khác vẫn thấy ra cả nghìn đời khác trong đó, và chính vì lý do này mà ta không thể nào tránh được đau khổ.
-…
– Tôi biết mọi chuyện về tối hôm đó, vậy mà hầu như tôi không nhớ gì, ông biết không? Tôi nằm dưới đó, tôi không thấy nhưng tôi nghe được điều này, điều nọ, và những điều tôi nghe sao thấy phi lý quá, tưởng như một giấc mơ. Nó hoàn toàn tiêu tan trong đám cháy đó. Con nít có năng khiếu đặc biệt để quên. Nhưng người ta kể lại cho tôi sau đó, thế là tôi biết hết mọi chuyện. Họ có nói láo với tôi không? Tôi không biết. Tôi không bao giờ đủ sức tự hỏi mình chuyện này. Các ông tiến vào nhà, chính ông bắn cha tôi mà, rồi Salinas bắn cha tôi, và cuối cùng thì el Gurre thọc nòng súng trung liên vào họng ổng và làm đầu ổng nổ tan tành bằng một loạt đạn thôi, ngắn ngủn và khô khốc. Làm sao tôi biết chuyện này? Chính hắn đã kể ra. Hắn thích kể chuyện này lắm. Hắn là đồ thú vật. Các ông, tất cả, đều là thú vật. Bọn đàn ông các ông bao giờ chẳng thế, trong chiến tranh, làm sao Trời dung đất tha cho các ông được chứ?!
– Thôi bà ơi.
– Ông nhìn ông đi, ông có vẻ một con người bình thường, ông mặc trên người cái áo khoác sờn cũ và khi gỡ kính ra thì ông cẩn thận cất vào cái hộp màu xám của nó. Ông chùi miệng trước khi uống, những cửa kính ở cái ki-ốt của ông thì sạch bong, khi băng qua đường thì ông thận trọng nhìn trái, nhìn phải, ông là một con người bình thường. Vậy mà ông đã thấy anh tôi chết tức tưởi, chỉ là một thằng bé với một khẩu súng nơi tay, một loạt đạn, thế là xong và ông đứng ở đó, và ông chẳng làm gì hết, ông hai mươi tuổi, trời ơi là trời, ông đâu phải là một thằng già lụ khụ, ông là một thanh niên hai mươi tuổi, vậy mà ông chẳng làm gì hết, ông làm ơn giải thích cho tôi nghe làm sao mọi việc lại có thể như thế? Ông có một cách giải thích cho tôi là quả vậy, một sự việc tương tự có thể xảy ra, nó không phải là cơn ác mộng của một người bệnh, là một việc đã thực sự xảy ra, ông có chịu nói cho tôi làm sao lại có thể như thế không?
– Chúng tôi là chiến binh.
– Ông muốn nói gì thế?
– Chúng tôi chiến đấu trong một cuộc chiến tranh.
– Chiến tranh nào? Nó đã hết rồi, chiến tranh.
– Chưa hết đối với chúng tôi.
– Chưa hết đối với các ông à?
– Bà có biết gì đâu.
– Thế thì nói cho tôi những điều tôi không biết.
– Chúng tôi có lòng tin vào một thế giới tốt đẹp hơn.
– Ông muốn nói gì thế?
-…
– Ông muốn nói gì thế?
– Chúng tôi không thể trở lui được, một khi thiên hạ bắt đầu tàn sát lẫn nhau, người ta không trở lui nữa. Chúng tôi đâu có muốn lâm vào cảnh ấy, chính những người khác đã khởi đầu, sau đó thì phải như thế thôi.
– Một thế giới tốt đẹp hơn, có nghĩa là sao ?
– Một thế giới công bằng, trong đó người thấp cổ bé họng không phải đau khổ vì cái ác của người khác, nơi mà ai ai cũng có thể có quyền hưởng hạnh phúc.
– Và ông, ông tin vào chuyện này?
– Dĩ nhiên là tôi tin, tất cả chúng tôi đều tin, chuyện có thể làm được mà, và chúng tôi biết cách làm .
– Các ông biết à?
– Bà thấy có vẻ lạ lắm sao?
– Phải.
– Vậy mà chúng tôi biết. Và chúng tôi đã đấu tranh cho cái thế giới đó, để có thể làm những gì là đúng.
– Bằng cách bắn giết ngay cả con nít sao?
– Phải, nếu cần.
– Hả, ông nói gì lạ thế?
– Bà không thể hiểu được đâu.
– Tôi đủ sức hiểu mà, ông giải thích và tôi sẽ hiểu được.
– Như đất ấy.
-…
-…
-…
– Ta không thể gieo nếu không cày trước. Trước tiên phải vỡ đất ra.
-…
– Phải trải qua một thời đau khổ, bà hiểu không?
– Không.
– Có rất nhiều thứ chúng tôi phải huỷ diệt để có thể xây dựng những gì chúng tôi muốn, không có cách nào khác, chúng tôi phải đủ sức đau khổ và gây ra đau khổ, kẻ nào chịu đựng đau khổ giỏi nhất sẽ chiến thắng, ta không thể mơ ước một thế giới tốt đẹp hơn và nghĩ rằng thiên hạ sẽ cho không chỉ vì ta đòi hỏi nó, những kẻ kia không bao giờ nhượng bộ đâu, ta phải chiến đấu thôi, và một khi đã hiểu điều này thì đâu có gì khác nhau giữa người già hay em bé, giữa bạn hay thù, ta đang vỡ đất mà, phải như thế thôi, và không có cách nào làm việc này mà không đau đớn. Và khi mọi sự có vẻ ghê tởm quá thì chúng tôi đã có niềm mơ tưởng của mình che chở cho, chúng tôi biết là cái giá phải trả dù cao đến đâu, cái phần thưởng sẽ cực kỳ lớn lao, bởi vì chúng tôi chiến đấu không phải vì một nắm tiền, hay vì một thửa ruộng để cày, hay vì một lá cờ, chúng tôi chiến đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn, bà có hiểu ý nghĩa của việc này không? chúng tôi đang mang trở lại cho hàng triệu con người một cuộc sống đàng hoàng, và cái khả năng được hạnh phúc, được sống và chết với phẩm giá, không bị chà đạp hay bị khinh miệt, chúng tôi chẳng là gì cả, nhưng họ, họ là tất cả, hàng triệu con người mà, chúng tôi có mặt là vì họ, thế đấy, dù một đứa bé gục chết bên tường, hay mười đứa, hay một trăm, việc phải làm là vỡ đất ra và chúng tôi đã làm việc này, hàng triệu đứa bé khác trông chờ chúng tôi làm và chúng tôi đã làm, có lẽ bà nên…
– Ông tin thế thật à?
– Đương nhiên là tôi tin.
– Sau bao nhiêu năm nay ông vẫn còn tin thế à?
– Tại sao tôi lại không nên tin?
– Chiến tranh, các ông thắng mà. Thế giới này, theo ông, có vẻ tốt đẹp hơn không?
– Tôi không bao giờ tự hỏi mình điều đó.
– Không thật vậy đâu. Ông đã tự hỏi mình điều đó cả nghìn lần, nhưng ông sợ trả lời. Như ông đã tự hỏi mình cả nghìn lần chuyện ông làm tối hôm đó ở Mato Rujo, chuyện đánh nhau tiếp trong khi chiến tranh đã chấm dứt, chuyện ra tay giết một cách thản nhiên một người mà ông chưa hề thấy mặt, không cho người ấy cái quyền được xét xử ở tòa án, chỉ đơn giản giết ông ta, vì một lý do độc nhất là ông đã bắt đầu giết người từ trước đó rồi và không còn đủ sức để ngừng tay. Và trong bao nhiêu năm đó, cả nghìn lần ông đã tự hỏi tại sao mình nhập cuộc, đi vào cuộc chiến này, và trong suốt khoảng thời gian đó ông đã lật đi lật lại trong đầu cái ý tưởng về một thế giới tốt đẹp hơn để khỏi phải nghĩ đến cái ngày người ta mang đến cho ông cặp mắt của bố ông, và để khỏi phải thấy lại tất cả những con người bị sát hại mà, vào thời đó cũng như hôm nay, đầy ngợp trí nhớ ông, như một kỷ niệm không thể nào chịu đựng nổi, đó là lý do thực sự, lý do độc nhất khiến ông chiến đấu, bởi vì ông chỉ có chuyện này trong đầu thôi, trả thù, bây giờ ông nên có đủ sức nói lên cái tiếng này, trả thù, ông giết để trả thù, tất cả bọn ông đều giết để trả thù , việc này có gì đáng xấu hổ đâu, đó là phương thuốc độc nhất chống đau khổ mà người ta có, là tất cả những gì người ta tìm thấy để khỏi trở nên điên loạn, là chất ma túy giúp người ta đủ sức chiến đấu, nhưng ông không bỏ được nó nữa, nó thiêu đốt toàn bộ cuộc đời ông, nó mang đến đời ông đầy dẫy những bóng ma, và để sống còn trong bốn năm chiến tranh ông đã đốt cháy cả cuộc đời ông, ngày nay ông không còn biết ngay cả…
– Không thật vậy đâu.
– Ông không còn nhớ ngay cả cuộc đời là gì.
– Còn bà, bà biết gì về cuộc đời?
– Tôi à, tôi làm sao biết gì về nó, rõ ràng thế phải không? Tôi chỉ là con mụ già điên, đúng không nào? Tôi không thể hiểu được đâu, tôi là con bé con vào thời ấy, tôi mà biết cái gì về cuộc đời? Để tôi nói ông nghe chuyện tôi biết, tôi nằm trong một cái lỗ, dưới đất, ba người đàn ông đến, bắt giữ cha tôi, rồi sau đó…
– Đừng nói nữa.
– Ông không thích chuyện này à?
– Tôi không hối hận gì cả, chúng tôi phải chiến đấu và chúng tôi đã chiến đấu, chúng tôi đâu có nằm nhà đóng kín cửa sổ chờ chiến tranh đi qua, chúng tôi đã trèo ra khỏi cái lỗ của mình dưới mặt đất và đã làm những gì phải làm, sự thật là vậy đó, tất cả phần còn lại thì ngày nay bà tha hồ nói gì thì nói, bà có thể tìm thấy trăm thứ lý do mà bà muốn, nhưng ngày nay thì khác rồi, phải ở trong cuộc mới hiểu được, bà chỉ là một cô bé hồi đó, không phải lỗi của bà, nhưng bà không thể hiểu đâu.
– Thì giải thích cho tôi đi, tôi sẽ hiểu mà.
– Bây giờ tôi mệt mỏi lắm rồi.
– Chúng ta có thì giờ, bao lâu cũng được, ông giải thích đi, tôi nghe mà.
– Tôi xin bà, hãy để tôi yên.
– Tại sao?
– Bà hãy làm cái gì bà phải làm, nhưng để tôi yên.
– Ông sợ gì nào?
– Tôi đâu có sợ.
– Thế thì là cái gì?
– Tôi mệt mỏi lắm.
– Về chuyện gì?
-…
-…
– Tôi xin bà…
-…
-…
-…
– Tôi xin bà…
Rồi người đàn bà hạ ánh mắt xuống. Nàng ngả người ra sau, tách xa bàn, tựa vào lưng ghế. Nàng đưa mắt nhìn quanh, như thể lúc ấy nàng chợt khám phá mình đang ở đâu. Người đàn ông vẫn ngồi: hai bàn tay xiết chặt, ông vặn vẹo các ngón tay, thế thôi, còn thì ông hoàn toàn bất động.
Ở cuối quán cà phê, ba người nhạc công chơi các bài hát của một thuở nào xa xôi. Ai đó đang nhảy.
Hai người vẫn như thế một lúc, lặng thinh.
Rồi người đàn bà nói gì đó về một ngày hội cách đây lâu lắm rồi mà nàng đã được một ca sĩ danh tiếng mời nhảy. Thấp giọng, nàng kể rằng khi đó ông ta đã già nhưng di chuyển cực kỳ nhẹ nhàng, và trước khi bản nhạc chấm dứt ông giải thích cho nàng là số mệnh người đàn bà đã viết sẵn trong cách nhảy của người đó. Rồi ông ta nói là nàng đã nhảy như thể nhảy là tội lỗi.
Người đàn bà cười và lại bắt đầu nhìn quanh mình.
Rồi nàng kể chuyện khác. Về tối hôm đó, ở Mato Rujo. Nàng nói là khi thấy tấm cửa sập bị kéo lên, nàng không thấy sợ. Nàng đã xoay người để nhìn mặt tên thanh niên mới lớn đó, và mọi sự trông có vẻ tự nhiên, ngay cả hiển nhiên đối với nàng. Nàng nói rằng một cách nào đó nàng thích điều này xảy ra. Rồi anh ta hạ tấm cửa xuống, và thế là, phải, nàng thấy sợ, một nỗi sợ lớn nhất đời nàng. Bóng tối trở lại, tiếng động của những cái giỏ một lần nữa kéo lê trên đầu nàng, những bước chân của tên thanh niên xa dần. Nàng cảm thấy lạc lõng. Và nỗi sợ hãi cùng cực này chẳng bao giờ rời bỏ nàng nữa. Nàng im lặng một lát rồi nói thêm rằng đầu óc của trẻ con thật là lạ lùng. Tôi nghĩ là vào giây phút đó, người đàn bà nói, tôi chỉ ước ao một chuyện thôi: anh chàng đó đem tôi theo cùng.
Rồi nàng tiếp tục nói những chuyện khác, về trẻ con và về nỗi sợ nhưng người đàn ông không nghe gì cả vì ông đang cố gắng gom góp chữ nghĩa để nói ra một điều mà ông ước cho người đàn bà biết. Ông ước nói được với nàng là trong khi nhìn nàng, tối hôm đó, nằm cuộn mình , dưới cái lỗ, quá ngăn nắp và quá trong sạch –trong sạch– ông đã cảm nhận một thứ gì thanh thản trong tâm hồn mà từ đó về sau ông chẳng tìm lại được nữa, hay có lẽ một vài lần thôi, khi ngắm một phong cảnh hay nhìn đăm đăm ánh mắt của một con thú. Ông ước giải thích được cho bà thật đúng cái cảm xúc này nhưng ông biết là hai chữ thanh thản không đủ để diễn đạt những gì đã đến trong tâm ông, vậy mà trong đầu chẳng có cái gì khác xuất hiện, ngoại trừ có lẽ cái ý tưởng là ông như thể đứng trước một cái gì vô cùng hoàn hảo. Tựa bao lần khác, trong quá khứ, ông cảm thấy là khó biết chừng nào khi tìm tên cho những điều đã xảy đến cho ông trong thời chiến tranh, như thể có bùa yểm khiến những người còn sống thì không thể kể ra, và những người biết kể ra thì số phận không cho sống. Ông ngước mắt về phía người đàn bà và thấy nàng đang nói, nhưng ông không nghe nàng nổi vì các suy nghĩ trong đầu lại cuốn hút ông lần nữa và ông thấy mệt mỏi quá đỗi không sao cưỡng được. Thế là ông ngồi đó, dựa người vào ghế, và chẳng làm gì nữa cho tới lúc ông bật khóc, không hổ thẹn, cũng không đưa tay che mặt, hay tìm cách làm chủ bộ mặt nhăn nhó thảm hại của mình, để mặc những giọt nước mắt chảy dài xuống tận cổ áo sơ-mi, lăn trên cổ ông, trắng và không cạo kỹ như cổ mọi ông già trên thế gian.
Người đàn bà im bặt. Nàng không nhận ra ngay là ông khóc, và bây giờ không biết phải làm gì. Nàng nhỏm tới một chút và thầm thì gì đó, rất khẽ khàng. Rồi theo bản năng nàng quay nhìn các bàn khác và thấy hai gã thanh niên ngồi gần đấy đang nhìn người đàn ông, và một trong hai người lại cười. Thế là nàng quát anh ta một câu gì đó, và khi anh ta quay về phía nàng thì nàng nhìn thẳng vào mắt anh ta và nói, thật to:
– Xéo đi.
Rồi nàng rót rượu đầy ly người đàn ông và đẩy lại cho ông. Nàng không nói gì nữa. Lại tựa người vào lưng ghế. Người đàn ông vẫn khóc. Thỉnh thoảng nàng liếc nhìn xung quanh, những tia nhìn dữ tợn như một con thú cái đứng canh trước hang của các con mình.
– Hai người đó là ai thế? bà chủ quán đằng sau quày rượu hỏi.
Người hầu bàn hiểu là bà ta nói đến hai ông bà già ở bàn đầu kia.
– Không có chuyện gì đâu, anh ta nói.
– Mày biết họ à?
– Dạ không.
– Ông già ấy khóc, khi nãy.
– Tôi biết.
– Họ không say chứ?
– Dạ không, không có chuyện gì đâu.
– Nhưng nói tao nghe sao họ đến đây để…
Người hầu bàn thấy chuyện khóc trong quán cà phê thì có hại ai đâu. Nhưng anh ta không nói gì. Đấy là chàng thanh niên có giọng phát âm kỳ cục . Anh ta đặt lên quày ba cái ly không rồi trở lại giữa các bàn.
Bà chủ quán quay về phía hai ông bà già và nhìn họ một lúc.
– Bà này chắc hồi trước phải đẹp lắm…
Bà ta nói oang oang điều này, dù chẳng có ai nghe.
Thời trẻ bà mơ mộng trở thành diễn viên điện ảnh. Mọi người đều nói bà là một cô gái đầy tự tin, và bà thích ca hát và nhảy múa. Bà có giọng hay, không độc đáo nhưng hay. Rồi bà gặp một tên làm nghề chào hàng mỹ phẩm đưa bà về thủ đô để chụp hình quảng cáo cho một loại kem dùng vào ban đêm. Bà gởi các tấm hình đó về nhà trong một bì thư kèm theo ít tiền. Trong mấy tháng bà thử làm ca sĩ nhưng không xong. Những bức hình quảng cáo thành công hơn. Dầu sơn móng tay, son môi, và có lần một thứ thuốc nhỏ chống đỏ mắt. Điện ảnh, bà đã từ bỏ rồi. Người ta nói phải ngủ với mọi người, và bà không muốn làm chuyện này. Một ngày nọ bà biết tin người ta đang tìm xướng ngôn viên truyền hình. Bà đi quay thử một đoạn. Vẻ tự tin, giọng hay tuy thông thường đã giúp bà vượt qua ba vòng tuyển chọn đầu tiên rồi cuối cùng thì đứng thứ nhì trong số các cô bị loại. Họ nói bà có thể chờ, và có lẽ sắp có một chỗ làm. Bà chờ. Cuối cùng là sau hai tháng bà thành xướng ngôn viên cho các chương trình phát thanh, ở Đài Tiếng nói Quốc gia số một.
Một ngày kia bà quay về nhà.
Bà tìm được một tấm chồng xứng đáng.
Bây giờ bà có một tiệm cà phê, ở trung tâm thành phố.
Người đàn bà -ở bàn đầu kia- nghiêng người một chút về phía trước. Người đàn ông đã nín khóc một lát trước đó. Ông rút từ túi một cái khăn mùi xoa to và lau nước mắt. Ông nói:
– Xin lỗi bà nghe.
Sau đó hai người không nói nữa.
Như thể, với nhau, họ không còn gì để hiểu.
Vậy mà vào một lúc nào đó người đàn bà nghiêng mình một chút về phía người đàn ông và nói:
– Tôi phải hỏi ông một chuyện hơi ngớ ngẩn.
Người đàn ông ngước mắt nhìn nàng.
Người đàn bà có vẻ rất nghiêm trang.
– Ông có muốn làm tình với tôi không?
Người đàn ông vẫn nhìn nàng chằm chằm, bất động và lặng thinh.
Thế là người đàn bà trong một khoảnh khắc thấy sợ là đã không nói gì, là chỉ nghĩ đến câu nói đó mà không thực sự nói ra được. Vậy nên nàng lập lại, chậm rãi.
– Ông có muốn làm tình với tôi không?
Người đàn ông mỉm cười.
– Tôi già rồi, ông nói.
– Tôi cũng vậy.
-…
– …
– Tôi rất tiếc, nhưng chúng ta đều già rồi, người đàn ông còn nói.
Người đàn bà nhận ra mình đã không nghĩ đến điều này, và nàng chẳng biết nói gì hơn . Rồi một ý nghĩ khác hiện ra trong đầu, nàng nói:
– Tôi không có điên.
– Bà mà có điên đi nữa thì cũng chẳng sao. Thật vậy. Chẳng sao đối với tôi cả. Nhưng không phải chuyện này.
Người đàn bà suy nghĩ một lát rồi nói:
– Ông đừng lo, ta có thể đến một khách sạn, tùy ông chọn. Một khách sạn không ai biết.
Thế là người đàn ông tỏ vẻ hiểu ra một điều gì đó.
– Bà muốn tôi và bà đến khách sạn? ông hỏi.
– Phải. Tôi thích thế. Đưa tôi đến một khách sạn đi.
Ông nói chậm rãi:
– Một phòng khách sạn.
Ông nói như thể phát âm ra những tiếng này ông sẽ dễ dàng hình dung ra nó hơn, cái phòng đó, và thấy được nó, để hiểu ra mình có thích chết ở đó không.
Người đàn bà nói ông không phải sợ.
– Tôi không sợ, ông nói.
Tôi sẽ không bao giờ sợ nữa, ông nghĩ.
Người đàn bà mỉm cười bởi vì ông im lặng và đối với nàng, đó là cách nói ừ.
Nàng tìm cái gì đó trong túi xách tay, rồi lấy ra cái ví tiền và đẩy nó trên bàn về phía người đàn ông.
-Ông trả tiền với cái này. Ông biết không, tôi không thích đàn bà trả tiền trong tiệm cà phê, nhưng tôi mời ông nên tôi muốn trả. Ông cầm đi. Rồi đưa lại tôi khi ra ngoài.
Người đàn ông cầm lấy cái ví.
Ông nghĩ đến một lão già trả tiền với một cái ví bằng vải xa tanh, màu đen.
Họ băng qua thành phố trong một cái ta-xi trông có vẻ mới tinh, vẫn còn lớp nhựa mỏng phủ trên các mặt ghế. Người đàn bà nhìn qua cửa kính suốt chuyến xe. Đó là những con đường nàng chưa từng thấy bao giờ.
Họ xuống xe trước một khách sạn mang tên California. Cái biển hiệu chạy thẳng đứng từ dưới lên theo bốn tầng lầu của tòa nhà. Làm bằng những chữ màu đỏ nối đuôi nhau bật sáng. Khi từ “California” sáng đầy đủ thì nó nhấp nháy một lát, rồi tắt hết và bắt đầu lại từ chữ đầu tiên. C. Ca. Cal. Cali. Calif. Califo. Califor. Californ. Californi. California. California. California. California. Bóng tối.
Họ còn đứng đó một lúc, bên nhau, nhìn khách sạn từ bên ngoài. Rồi người đàn bà nói, ta vào thôi, và đi về phía cửa ra vào. Người đàn ông bước theo.
Anh chàng ở quày lễ tân nhìn giấy tờ của họ rồi hỏi họ có muốn một phòng đôi không. Bằng một giọng rất thờ ơ.
– Phòng nào cũng được, người đàn bà trả lời.
Họ lấy một phòng nhìn xuống đường, ở tầng ba. Anh chàng ở quày lễ tân xin lỗi là không có thang máy và tình nguyện mang các va-li lên.
– Không có va-li đâu. Bọn tôi đánh mất rồi, người đàn bà nói.
Anh chàng cười. Đó là một người tử tế đấy. Nhìn theo hai người đi khuất sau cầu thang và không nghĩ ác về họ.
Hai người vào phòng và không ai đưa tay bật đèn. Cái biển hiệu, bên ngoài, hắt ánh sáng đỏ yếu ớt, chậm chạp lên những bức tường và các đồ vật. Người đàn bà đặt túi xách tay lên ghế và đến gần cửa sổ. Nàng kéo những tấm màn cửa trong suốt và nhìn xuống dưới đường một lát. Vài chiếc xe hơi hiếm hoi chạy qua, không vội vàng. Trên bức tường ngôi nhà đối diện những cửa sổ sáng đèn kể lể những buổi tối trong gia đình, hạnh phúc hay bi thảm – như thường lệ – của cái thế giới nhỏ nhoi này. Nàng quay người lại, cởi chiếc khăn quàng và đặt trên cái bàn nhỏ. Người đàn ông chờ, đứng giữa căn phòng. Ông tự hỏi mình có nên ngồi xuống giường, hay có lẽ nên nói gì đó về nơi chốn này, ví dụ như nó không tệ chút nào. Người đàn bà thấy ông đứng đó, với chiếc áo khoác trên người, mang vẻ cô đơn và ở ngoài thời gian, như một nhân vật điện ảnh. Nàng đến gần ông, cởi nút cái áo khoác rồi trụt qua hai vai ông, buông rơi xuống đất. Hai người gần nhau quá đỗi. Họ nhìn vào mắt nhau, và đó là lần thứ hai, trong đời họ. Rồi ông, chậm chạp , cúi người xuống nàng vì ông đã quyết định hôn môi nàng. Nàng không cử động và nói khẽ: Đừng lố bịch. Người đàn ông ngừng ngay, và đứng như thế, người hơi nghiêng về phía trước, cảm thấy tận trong tim một cách chính xác là mọi sự chấm dứt ngay lúc đó. Nhưng người đàn bà chầm chậm đưa hai cánh tay lên và tiến tới một bước ôm lấy ông, lúc đầu còn dịu dàng rồi thì với một sức mạnh mãnh liệt, đầu ngả lên vai ông, toàn thân rướn lên dán chặt vào mình ông. Đôi mắt người đàn ông vẫn mở. Ông thấy, trước mặt ông, cái cửa sổ có ánh đèn nhấp nháy. Ông cảm thấy tấm thân người đàn bà đang ôm chặt ông, và hai bàn tay nàng nhè nhẹ lùa trong mái tóc ông. Ông nhắm mắt lại. Đưa vòng tay ôm người đàn bà. Và với tất cả sức lực của một kẻ già nua, riết chặt nàng vào người mình.
Khi bắt đầu cởi bỏ quần áo, nàng vừa cười vừa nói:
– Ông đừng mong thấy kỳ quan nghe.
Khi nằm trên người nàng, ông vừa cười vừa nói:
– Bà đẹp vô cùng.
Từ phòng bên cạnh vang đến tiếng rađiô, chỉ vừa nghe được. Nằm ngửa, trên cái giường rộng, không mảnh vải che thân, người đàn ông nhìn chằm chằm lên trần nhà, tự hỏi không biết mình choáng váng vì mệt, hay vì rượu vang đã uống. Bên cạnh, người đàn bà nằm im, đôi mắt nhắm, người quay về phía ông, đầu ngả trên gối. Họ nắm lấy tay nhau. Người đàn ông ước gì nghe nàng nói nữa, nhưng ông hiểu rằng chẳng còn gì để nói, và bất cứ lời nói nào đều lố bịch, vào giây phút này. Bởi thế ông lặng thinh, để cho giấc ngủ làm lẫn lộn các ý tưởng trong đầu, và mang về ông cái kỷ niệm mờ nhạt về chuyện đã xảy ra, vào tối hôm đó. Đêm, bên ngoài, thì huyền bí, và thời gian mà trong đó ông đang tàn lụi thì vô biên. Ông nghĩ ông phải biết ơn người đàn bà này, bởi vì nàng đã cầm tay dẫn dắt ông đến tận chỗ này, từng bước một, như mẹ dắt con. Nàng đã làm việc này một cách khôn ngoan, và không vội vã. Bây giờ, những gì còn lại phải làm sẽ không khó khăn gì.
Ông siết chặt bàn tay người đàn bà đang nằm trong bàn tay ông, và nàng bóp tay ông đáp lại. Ông muốn xoay người về phía nàng để nhìn nàng nhưng rốt cuộc ông chỉ buông tay nàng ra và trở mình nằm nghiêng, lưng quay về phía nàng. Ông có cảm tưởng đó là điều nàng trông chờ ông làm. Điều gì đó như một cử chỉ để nàng được tự do suy nghĩ, và một cách nào đó cho nàng chút ít cô đơn để nàng quyết định về hành động cuối cùng. Ông cảm thấy giấc ngủ sắp sửa mang ông đi. Và ông thoáng nghĩ, tiếc là mình đang trần truồng bởi vì người ta sẽ tìm thấy ông như vậy, và mọi người sẽ nhìn ngó ông. Nhưng ông không dám nói ra điều này với người đàn bà. Thế là ông xoay đầu một chút về phía nàng, nhưng không đủ để thấy nàng, và nói:
– Tôi muốn bà biết tên tôi là Pedro Cantos.
Người đàn bà lập lại từ từ.
– Pedro Cantos.
Người đàn ông nói:
– Phải.
Rồi ngả đầu xuống gối lại và nhắm mắt.
Nina thầm lập lại trong đầu cái tên này một lúc lâu. Nó trượt đi, không va chạm, như một hòn bi. Trên một cái khay nghiêng.
Nàng quay người để nhìn cái túi xách tay, để trên ghế, gần cửa ra vào. Nàng định đi lấy nó, nhưng nàng không ngồi dậy, vẫn nằm trên giường. Nàng nghĩ đến cái ki-ốt bán vé số, anh chàng hầu bàn ở quán cà phê, cái ta-xi với ghế ngồi còn phủ các lớp nhựa. Nàng thấy lại Pedro Cantos khóc, hai tay thọc sâu trong túi áo khoác. Nàng thấy lại ông khi ông vuốt ve nàng mà không dám thở. Ta sẽ không bao giờ quên cái ngày này, nàng tự nhủ.
Rồi nàng trở người, nằm sát Pedro Cantos hơn, và lập lại động tác đã khiến nàng còn sống. Nàng co mình sau lưng ông: nàng co hai đầu gối lên tận ngực: nàng đặt hai bàn chân lên nhau đến mức cảm thấy đôi chân gắn bó trọn vẹn với nhau, hai bắp đùi nhẹ nhàng giao nhau, hai đầu gối như hai cái tách đặt trên nhau một cách thăng bằng, hai mắt cá chân sát bên nhau : nàng co vai một chút và chắp hai bàn tay, luồn vào giữa hai đùi. Nàng nhìn mình. Thấy một bé gái già. Mỉm cười. Cái vỏ và con vật.
Rồi nàng nghĩ rằng, dù cuộc đời là không thể hiểu được, rất có thể là ta trải qua nó với một ham muốn vô song là trở lại cái địa ngục đã tác tạo ra ta, và an trú bên người, một ngày nọ, đã cứu vớt ta khỏi địa ngục đó. Nàng cố tự hỏi sự trung thành phi lý ấy với sự khủng khiếp do đâu mà có, nhưng nàng nhận ra là nàng không có câu trả lời. Nàng chỉ hiểu được là không có gì mạnh hơn cái bản năng tìm về nơi chốn mà người ta đã vùi dập ta, và lập lại cái khoảnh khắc đó năm này qua năm khác. Bằng cách chỉ nghĩ rằng cái gì đã cứu vớt ta một lần thì có thể cứu vớt ta mãi mãi. Trong cái địa ngục lê thê y hệt như cái địa ngục từ đó ta đến. Nhưng bao dung một cách bất ngờ. Và không lấm máu.
Bên ngoài cái biển hiệu lần tràng hạt với ánh sáng đỏ. Tưởng như ánh lửa chập chờn một ngôi nhà đang cháy.
Nina tựa trán vào lưng Pedro Cantos. Nàng nhắm mắt lại và thiếp ngủ.
(Dịch xong tháng 7/2006)
1 Fazenda (tiếng Bồ Đào Nha) : ấp lớn chuyên về trồng trọt hay chăn nuôi, gồm cả dinh cơ của chủ.
Đọc một hơi thật thú vị. Tác giả và dịch giả đều tài.
Xin cám ơn lời ưu ái của bạn Người Nhơn Lý.
Cũ mà mới đơn giản mà sâu sắc.
Tuy “đọc một hơi thì mệt lắm”, vậy mà cuối cùng anh Tu Quang vẫn đọc xong.
Chị HUYNH NGOC NGA ui,
Cám ơn chị đã bỏ nhiều thì giờ viết lời bình rất dài và đúng đắn về cuốn “Không Lấm Máu”.
Có lẽ chị chưa biết là nhà văn Ý A. BARICCO rất được yêu thích ở Việt Nam từ gần 15 năm nay, khi ông được giới thiệu lần đầu tiên ở nước ta qua cuốn “LỤA” (“SETA”), đúng như nhà văn trẻ Nguyễn Vĩnh Nguyên đã viết: “Alessandro Baricco đã làm say đắm bạn đọc Việt Nam qua tiểu thuyết Lụa”.
“LỤA” được Nxb Trẻ ấn hành đầu năm 2000 (nay đã tuyệt bản), với hình bìa có chữ “Lụa” cổ do bậc thầy thư pháp Nhật, Toba CHIBA, phóng bút.
Trang mạng Xứ Nẫu có giới thiệu “Lụa” nhưng chỉ có vài chương ngắn:
xunauvn.org/2012/05/26/lua-2/
Nhưng chị Nga có thể, nếu thích, đọc TOÀN BỘ tiểu thuyết “LỤA” (bản dịch năm 2000 của Nxb Trẻ, chỉ 120 trang thôi) trên trang mạng của bác Vũ Ngọc Thăng (người đã dịch nhiều tiểu thuyết của Italo CALVINO từ nguyên tác tiếng Ý, đã được xuất bản ở VN) theo đường Link này:
quesonlua.wordpress.com
Bác Thăng còn “khuyến mãi” cho người đọc những bản nhạc của Giuseppe Verdi, Bach, Mendelssohn, Stravinsky… do bác ấy chọn lọc.
Hảo bằng hữu ơi,
, Bếp có tới 2 quyển của Baricco dịch tiếng Việt được chính tay tác giả đề tăng bằng tiếng Ý (quyển Lụa và Đại Dương Biển) rồi
..
Ngoài ra, con bé Elisa của Bếp nó đọc toàn sách của nhà văn cánh tả nầy không hà.
Cậu Thăng nhà ta lúc nầy làm việc năng nổ lắm, nào dịch sách, nào nhạc và đang khuyến khích bạn bè học Thiền nữa đó.
Nhạc Verdi, Bach, Beethovan, Stravinsky, Brhams, Bếp có đủ toàn bộ (hi hi..của ông xã mua chứa đầy tủ). Khi nào hiền hữu sang Ý thăm bạn bè cũ nơi đây, cứ đến nhà Trang, Chữ, Ninh các cậu ấy sẽ dẫn bạn đến nhà Bếp tha hồ nghe nhạc và đọc sách …của ông xã Bếp mua.
Kỳ Bếp về VN vừa qua, lúc đó hiền hữu đi Nhật phải không? Tiếc là chị em mình không gặp để biết nhau vì chúng ta đều là bà con Ý..ẹ ( Bêp chỉ gặp Ý ..e Dân và Ý không ẹ Elena mà thôi).
Cám ơn hiền hữu nhiều về những đóng góp trên trang xứ nẫu cho Bếp và mọi người cùng thưởng thức nghen.
Cám ơn chị về lời mời “đọc sách và nghe nhạc” ở nhà chị ở Torino.
Đúng vậy chị Nga, khi chị về Sài Gòn lần vừa qua thì tôi đã ở Kyoto rồi ! Đáng tiếc thật.
Chắc chị không để ý chứ cuốn “Lụa” (“SETA”) của Baricco có đến 2 bản dịch tiếng Việt. Một là của tôi, Nxb Trẻ ấn hành năm 2000, nay đã tuyệt bản, và không thể tái bản vì một công ty khác, Nhã Nam, nắm bản quyền dịch.
Bản dịch thứ 2 là do công ty Nhã Nam nói trên ấn hành năm 2007.
Trên website của bác Thăng thì có bản dịch (đầy đủ) của tôi, cũng như có lời nói đầu của chính Baricco, theo Link:
quesonlua.wordpress.com
Mong chị và gia quyến luôn được vui, khỏe.
Nếu vậy thì Bếp sẽ vào website của cậu Thăng để đọc bản dịch của hiền hữu vậy.
Chúc bạn và gia đình vạn sự an lành, công việc hanh thông.
Chị Nga ui,
Tui tin rằng chị sẽ không cảm thấy mất thì giờ hay bực mình khi đọc “Lụa” trên website của bác Thăng đâu. Tình trạng sách dịch ở nước ta rất bát nháo, người đọc chịu thiệt thòi và tức tối khá nhiều…! Chị đọc câu này (trong 1 bài báo năm 2013) thì rõ:
…”Khi bước chân vào kệ sách, chỉ một tác phẩm mà hàng loạt phiên bản na ná nhau với các dịch giả, nhà xuất bản khác nhau thì độc giả chẳng khác nào bị đánh đố. Nếu độc giả không biết gì về tác phẩm gốc thì càng dễ nhầm tưởng đây là những tác phẩm khác nhau, chưa kể nhiều sách được xuất bản với tựa và thiết kế rất khác nhau .
Tuy thế, bà Quách Thu Nguyệt (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ) lại không lo lắng lắm về việc đánh đố bạn đọc: “Một tác phẩm nhiều người dịch sẽ thêm chọn lựa cho độc giả. Bạn đọc thừa thông minh để biết uy tín của dịch giả, nhà xuất bản để chọn bản dịch nào tốt cho họ. Điển hình là tác phẩm Lụa (Alessandro Baricco) có rất nhiều nơi phát hành nhưng độc giả luôn tìm kiếm bản dịch của dịch giả Quế Sơn để đọc. Tôi cho rằng đây là cơ hội để những nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách chọn lựa dịch giả để tạo uy tín cho thương hiệu của mình”.
[ Nguồn: http://plo.vn/van-hoa-giai-tri/van-sach/o-at-xuat-ban-sach-het-thoi-han-tac-quyen-384740.html ]
Chú thích: Cuốn “Lụa” do Quế Sơn dịch được xuất bản lần đầu và duy nhất ở Sài Gòn năm 2000, vậy mà 13 năm sau, 2013, vẫn có người nhắc đến công khai trên báo. Âu cũng là chuyện khá hiếm đối với 1 cuốn tiểu thuyết dịch, ở trong một “rừng” sách dịch từ hơn chục năm nay.
Quả đúng như lời bạn nói, không phải dịch giả nào cũng dịch giống nhau mà thường có sự khác biệt tùy theo khả năng và phong cách dịch của người dịch.
Yên chí đi, Bếp sẽ chờ khi có thời gian thuận tiện để gõ cửa “nhà” cậu Thăng mà vào đọc Lụa dịch của bạn và kiểm chứng lời nhận xét của bài báo năm 2013 trên.
Cám ơn sự chịu khó của cậu nghen (cho phép Bếp xưng hô như vậy được không vì nếu cậu là bạn đồng khoá với Dân, Trang, Chữ, Danh, Thăng thì Bếp rất hân hạnh có thêm 1 người em & 1 người bạn (nhất là bạn văn chương) nữa. Còn nếu không được thì cho Bếp xin lổi và chỉ kêu là hảo bằng hữu thôi vậy.
Quế Sơn bằng hữu,
Bếp bận lu bu việc nhà nên bây giờ mới mở máy đọc lại phần 2 KLM và còm tiếp như lời đã hứa cho bạn đây.
Lời nói đầu của nhà xuất bản lẫn cốt chuyện đưa Bếp đến một kết luận chung cục như thế nầy:
– Cuộc đời nầy có rất nhiều người sống trong ảo ảnh khi họ nghĩ có thể “làm sach” thế giới cũ để được một thế giới mới tốt đẹp hơn như Hitler, Ponpôt…chẳng hạn hoặc vả như Salinas, El Gurre, Pedro Cantos của Không Lấm máu. Họ đã đập vỡ đất bằng máu của đồng lọại để gieo trồng thù hận vào đó chứ không phải để tạo một cái gì hoàn mỹ hơn. Không thể lấy máu rữa máu để làm sạch cuộc đời. Con người nếu có lương năng cần biết luôn chữ buông xã, tha thứ. Chỉ có tình thương mới tái lập cuộc đời.
– Bếp hoàn toàn đồng ý với lời nói đầu của nhà xuất bản Trẻ khi cho rằng Baricco dùng cốt chuyện để cảnh báo mối lên hệ giữa lịch sử một quốc gia với thân phạn từng cá thể của nơi đó.
Cứ nhìn lịch sữ Ý với cuộc nội chiến tương tàn 8.9.43 – 25.4.45 giữa hai phe Phát Xít và Partigiani (chống Phát xít) với kết quả đầy dẫy những chia rẽ hận thù của hai phe tả & hữu Ý trong chính trường (Quốc hội) thì rõ. Đã nhìn người, Bếp nghĩ chúng ta cũng có thể nghĩ đến ta trong bối cảnh lịch sữ hiện đại (nội địa/hải ngoại).
– Baricco dàn dựng đại ý, bố cục KLM khá chuẩn mực nhưng có 1 đoạn Bếp thấy hơi thừa khi nói về bà chủ quán.
Nói chung chung, cám ơn ông bạn Quế Sơn đã cống hiến cho bà con xứ nẫu một bản dịch hấp dẫn của một cốt chuyện rất người.
Bếp và bà con xứ nẫu chờ thêm bài mới của hảo bằng hữu đó nghen.
Tối hôm qua đọc truyện này mất ngũ luôn !
Mất 1g mới đọc xong,hấp dẫn lắm a Quế Sơn ơi.
Lâu lâu được đọc một truyện dịch hay
Ban dich rat cong phu anh Que Son oi
Xin cám ơn lời ưu ái của bạn tuananh.
Truyện hay quá,rất nhân văn
Bút pháp hay quá. Bản dịch cũng hấp dẫn
Cám ơn lời nhận xét của bạn Gia Huy đối với bản dịch.
Hay nhưng đọc một hơi thì mệt lắm.
Chị Huỳnh Ngọc Nga, Torino, Ý,
Cám ơn chị đã đọc.
Tôi đã tìm được trên mạng “Chú thích của tác giả” và “Lời nói đầu” của Nhà xuất bản Trẻ (Sài Gòn) khi ấn hành tiểu thuyết “Không Lấm Máu” này (2008). (Nay bản in giấy này hình như đã tuyệt bản!)
Tôi xin “copy” lại đây để cho đầy đủ.
CHÚ THÍCH CỦA TÁC GIẢ:
Những sự kiện và nhân vật trong tác phẩm này đều tưởng tượng và không dựa vào một thực tế chính xác nào cả. Các tên người, tên đất tiếng Tây Ban Nha được chọn thường xuyên là hoàn toàn vì nhạc tính chứ không có ý gợi ra một địa điểm hay thời điểm nào cho câu chuyện.
Alessandro Baricco
************************
LỜI NÓI ĐẦU
…Vào một ngày xa xưa sau khi kết thúc chiến tranh, ở một trang trại tồi tàn nơi vùng quê hẻo lánh, đã xảy ra một vụ thảm sát mà nạn nhân là Roca, người chủ trang trại đang sống với hai đứa con nhỏ. Một nhóm người lạ mặt từ xa tìm đến, kết tội Roca đã giết hại nhiều tù binh khi ông ta còn là bác sĩ trong một bệnh viện thời chiến. Roca và con trai bị hạ sát tại chỗ. Riêng Nina, đứa con gái hơn 10 tuổi, được cha kịp thời giấu xuống hầm, đã may mắn thoát chết sau khi bọn sát thủ phóng hỏa thiêu huỷ trang trại.
Năm mươi năm sau, có một cuộc gặp gỡ giữa hai người luống tuổi trong một nhà hàng ở thủ đô: người phụ nữ chính là cô bé năm xưa sống sót sau thảm hoạ, và người đàn ông – Pedro Cantos, tên trẻ tuổi nhất trong đám sát thủ, người vào phút cuối đã quyết định cứu đứa bé bằng cách không tiết lộ với đồng bọn về chỗ ẩn nấp của nó.
Cuộc đối thoại nhẹ nhàng diễn ra trong khung cảnh yên tĩnh không tiếng súng nổ và máu loang hôm nay xem ra khốc liệt hơn rất nhiều so với tấn thảm kịch năm xưa. Quá khứ được tái hiện, những biến cố kinh hoàng được giải thích từ cái nhìn của hai phía. Và cùng với việc làm sống lại quá khứ, là sự phơi bày những số phận bị vùi dập, bị huỷ diệt trong cơn lốc của tội ác và hận thù, mặc dầu chiến tranh đã thực sự lùi xa… “Đất nước đang tiến về phía trước, bỏ xa chiến tranh đằng sau, với một vận tốc đáng kinh ngạc, quên đi tất cả. Nhưng có một đám người không bao giờ ra khỏi chiến tranh, và họ không sao làm lại cuộc đời trong cái đất nước hạnh phúc này.”
… Khi đặt bút xây dựng tiểu thuyết này, Alessandro Baricco không dự định viết về chiến tranh, như lời bộc bạch của ông với độc giả The New Yorker, một tờ báo nổi tiếng ở Mỹ. Trong ý đồ sáng tác của ông, chiến tranh chỉ đơn thuần là cái nền, còn cốt truyện chính lại xoay quanh việc một đứa bé được cứu thoát nhờ chỗ ẩn nấp, đã dành suốt cuộc đời còn lại của mình để đi tìm một chỗ trú ẩn tương tự với ước ao được cứu rỗi vĩnh viễn. Tuy nhiên, khi câu chuyện nên hình nên vóc và đến với độc giả, nó đã được đón nhận như là một trong những tiểu thuyết đặc sắc viết về chiến tranh.
Alessandro Baricco đã dệt nên một tấn thảm kịch pha trộn bạo lực và máu lửa, khiến người đọc thoạt tiên có thể nhầm lẫn nó với loại truyện báo thù theo kiểu gangster. Nhưng những trang viết tiếp nối nhau đã hé lộ dần một câu chuyện nhân sinh. Đó là bi kịch của những con người, vì lỗi lầm của chính mình hay của người thân của mình, đã vĩnh viễn bị giam cầm trong mê cung không lối ra của những xung đột không hề liên quan đến mình. Đó là ám ảnh về chiến tranh cũng như tội ác và hệ quả của nó. Đó là sự giằng xé nội tâm giữa nỗi khao khát phục thù và lòng khoan dung tha thứ…
Với Không lấm máu, Alessandro Baricco đã đưa người đọc đến với lời cảnh báo nóng bỏng: mối quan hệ giữa lịch sử của một đất nước với thân phận từng cá thể trong cộng đồng ấy. Cho dẫu là quốc gia nào, ở bất cứ thời kỳ nào, những tham vọng và tội ác tập thể mù quáng đều có nguy cơ như những quả đại bác có sức huỷ diệt khó lường cho các thế hệ mai sau. Tác giả lại đặt câu chuyện trong một bối cảnh không xác định về cả thời gian lẫn không gian, phải chăng nhằm truyền đi một ẩn dụ sâu xa, rằng tội ác có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu trên hành tinh này, rằng con người trong chiến tranh thường phạm phải những lỗi lầm giống nhau, như hiệu ứng dây chuyền lây lan từ đời này sang đời khác, gây nên tấn
Trên tinh thần ấy, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm cùng bạn đọc.
Nhà xuất bản TRẺ.
Thành thật xin lỗi vì khi “Paste” đã thiếu mất cả chục hàng chót trong “Lời giới thiệu”. Xin gởi thêm cho trọn vẹn:
… thảm kịch triền miên cho toàn nhân loại ! Những chủ đề ấy làm cho cuốn tiểu thuyết chỉ vỏn vẹn có hai chương, tràn ngập bạo lực ở phần 1 và hồi hộp căng thẳng ở phần 2, với cuộc đối thoại chông chênh giữa tình thương và căm hận, lại thấm đẫm màu sắc nhân văn và mang dáng dấp của một ngụ ngôn với kết thúc đầy chất thơ, khi tình người sau cùng đã thực sự chiến thắng những cừu oán riêng tư.
Với thông điệp trên, rất dễ hiểu vì sao KHÔNG LẤM MÁU lại nhanh chóng nhận được sự đồng cảm sâu sắc của công chúng văn học và được giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới. Nhân loại vốn đã có quá nhiều trải nghiệm xương máu trong chiến tranh, giờ đây cần nỗ lực hàn gắn mọi vết thương quá khứ và cùng chung tay xây dựng “một thế giới công bằng, trong đó người thấp cổ bé họng không phải đau khổ vì cái ác của người khác, nơi mà ai ai cũng có thể có quyền hưởng hạnh phúc”.
Trên tinh thần ấy, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm cùng bạn đọc.
Nhà Xuất Bản Trẻ
Bếp mới ăn cơm xong, chưa rữa chén, mở máy thấy phần 2 KLM nên ngừng thở đọc liền một mạch.
Bây giờ Bếp phải đi xuống bếp, trả máy cho ông xã Bếp đây. Chỉ tạm còm ngắn 1 câu :
“Barrico quả đúng là thầy kể chuyện và Quế Sơn xứng đáng là thầy dịch chuyện. Bếp thích phần 2 hơn vì Không Lấm Máu.
Rồi, hẹn chiều hay mai Bếp còm tiếp nghen dịch giả.