Hiếu Tân
Ngày xửa ngày xưa có một ông vua..
Những câu chuyện cổ thường bắt đầu như thế. Nhân vật hàng đầu: một ông vua. Nhân vật hàng thứ hai: Hoàng tử và công chúa. Nhân vật hàng thứ ba: vân vân và vân vân..
Câu chuyện này cũng xưa như trái đất, bởi vậy, nhân vật chính của nó ắt hẳn là một ông vua. Thật vậy, bạn đã từng nghe tiếng hoàng đế Temple lừng danh chưa? Chưa à? Thế thì lạ thật đấy. Danh tiếng và vinh quang của ngài, còn ai là không biết? Hoàng đế Temple cai trị vương quốc Mythomann, xứ sở huyền thoại, nằm cách kinh thành Alexandria khoảng 700 dặm. Khỏi phải nói đó là một xứ sở thanh bình: dân chúng ở đấy một ngày không được múa hát ca ngợi đức vua anh minh của mình thì họ phát ốm; còn nếu cấm họ cả tháng, thì họ phát điên. Bởi thế, nào ai dám cấm họ? Toàn bộ kho từ ngữ mỹ miều của tiếng mẹ đẻ, họ đã vét cạn để tôn xưng vị hoàng đế của mình, chưa đủ, họ còn mượn thêm tiếng của nhiều dân tộc khác: Makedonia, Hy-lạp..Có lần một viên cận thần còn dám so sánh vua Temple với chính Apollo! Chuyện đến tai Apollo, vị thần ôn hoà này bèn nổi trận lôi đình sai một sứ giả của mình, một nhà tiên tri, đóng vai ông lão hát rong lần đến xứ sở Mythomann thực thi mật lệnh.
* Ở vương quốc Mythomann, mọi sự đang tốt đẹp thì tự nhiên đức vua ngã bệnh. Một thứ bệnh lạ lùng, kỳ quái: cứ hễ chợp mắt, dù ngủ trên long sàng hay mươi phút gà gật trên ngai ngọc, nhà vua đều mơ thấy một cảnh duy nhất: đám tang của chính mình! Trong tất cả mọi giấc ngủ dài ngắn nông sâu của nhà vua, cảnh tượng đó diễn đi diễn lại hàng ngàn lần, khiến nhà vua tâm thần hoảng loạn. Khi mọi cuộc cầu cúng đề vô công, mọi thứ thuốc thang đều vô hiệu, thì dưới chân thành bỗng xuất hiện một lão già mù nghèo khổ, tự xưng là hiểu được bệnh của hoàng đế. Nhà vua cho đòi vào. – Ta nghe nói nhà ngươi có thể chữa khỏi bệnh cho ta. Hãy chữa đi, nếu khỏi, ngươi muốn gì được nấy. – Tôi không nói là chữa được bệnh, nhưng tôi hiểu nguồn cơn căn bệnh của nhà vua. Bệnh của nhà vua chỉ có nhà vua tự chữa lấy được mà thôi. – Hãy nói đi, ta phải làm gì? – Nguồn gốc căn bệnh của nhà vua là do trên thiên giới đang có một cuộc tranh cãi về việc nhà vua có phải là người không. Có một số vị thần cho rằng nhà vua không phải là người: có thể là thần, là á thần, là quỉ, là ma, là một vật siêu phàm nào đó. Các vị thần ấy đang muốn dứt bỏ nhà vua khỏi cuộc sống loài người. Vì vậy, muốn khỏi bệnh, nhà vua phải tự chứng tỏ mình đúng là người. – Nhưng giả sử ta chính là thần thì sao? – Thì nhà vua sẽ phải trở về Cõi Thần. Và tại đó, thực sự xứng đáng là cái gì sẽ được là cái ấy, thế thôi. – Trời! ta không muốn từ bỏ cuộc sống trần thế một chút nào cả. Làm thế nào chứng tỏ ta đúng là người, nói mau! – Đơn giản lắm: nhà vua có biết nhục là gì không? – Không. Nhưng sao ngươi lại hỏi thế? – Bởi vì cái nhục chính là một tình cảm rất thông thường của con người, ít nhiều ai chả có. Nếu vua hoàn toàn không biết đến, thì ắt vua không phải là người. – Không. Hiển hách, vinh quang thì ta biết; nhưng nhục à, cái này..các triều thần của ta, các nhà thông thái của ta chưa hề nói cho ta biết. Ông lão chậm rãi hướng đôi tròng mắt đục lờ về phía các triều thần: – Vậy thì dễ lắm: nhà vua chỉ việc ra lệnh cho các triều thần nói thực những ý nghĩ sâu kín của họ về ngài, nhà vua sẽ có được cái cảm giác ấy đấy. Quần thần run rấy. Một vài người lấm lét đưa ánh mắt căm phẫn về phía lão già. Nhà vua định mở miệng thì ông già giơ tay ngăn lại: – Khoan. Trước hết nhà vua phải thề rằng sẽ không trị tội mà còn ban thưởng kẻ nào có thể làm cho nhà vua cảm thấy nhục. Vua y lời.
* Toàn bộ triều thần sợ hãi và tức giận lão già quái ác đã ra cho họ một thử thách quá sức. Cứ nghĩ đến việc phải tự mình nói những lời xúc phạm vào mặt nhà vua, họ đã thấy chân tay bủn rủn, ruột gan cuộn cả lên. Bệnh tình nhà vua thì mỗi lúc một thêm nặng. Ngay giữa ban ngày im ắng, nhà vua cũng quát bảo tìm xem đứa nào cả gan thổi kèn sáo đưa ma, nhìn mặt thằng hề của triều đinh, vua lại tưởng là quỉ sứ. Đã thế, trong lúc chờ đợi, lão già quỉ quái cứ tì tì kể ra những cảnh khủng khiếp ở Cõi Thần xảy ra với những kẻ không phải là thần. Nào là kẻ lúc còn sống khao khát được nổi danh bạo chúa, đã đốt trụi cả một kinh thành. Bây giờ ở Cõi Thần, hắn mang một cái bụng khổng lồ, luôn phải uống cạn một hồ nước rồi lê bụng lặc lè đến phun dập lửa một cánh rừng đang cháy. Cứ hễ quay đi thì rừng lại bùng cháy, hắn hối hả chạy đến bên hồ nước đã đầy như cũ, hễ hắn tạm dừng chân thì xung quanh lại vang lên “cháy”, “cháy”. Công việc ấy, hắn phải kéo dến vĩnh cửu. Nào là kẻ lúc sống tham quyền đã giết quá nhiều anh em bè bạn của mình. Ở Cõi Thần, hắn phải xây một lâu đài, cứ mỗi viên gạch hắn cầm lên lại biến thành một thủ cấp của nạn nhân trừng trừng nhìn hắn. Lâu đài xây xong nhưng số gạch bao giờ cũng thừa ra lại biến thành đống đầu lâu gào lên: “Còn tôi nữa”, “còn tôi nữa”. Lâu đài sụp tan và hắn bắt đầu lại từ đầu, cứ thế đến vô cùng . Ruột gan nhà vua như lửa đốt. đã ba ngày rồi, lần lượt từng viên quan lớn bé đứng lên sỉ nhục nhà vua, nhưng thật tai hại, chưa một ai thành công cả. Những lời sỉ nhục nghe gần giống như lời ca ngợi: – Tâu đức vua, cung điện của bệ hạ tuy là một công trình tuyệt mỹ những cũng chưa hẳn đẹp nhất hoàn cầu. Viên Tể tướng tâu. – Trận đánh năm ngoái, thắng lợi của quân ta chưa hoàn toàn mỹ mãn. Vị nguyên soái nói. – Trí thông tuệ của hoàng thượng, thần e có đôi khi còn lầm lẫn. Nhà thông thái trình. – Mùa màng năm nay, thần e dân chúng ít tươi hơn năm ngoái. Viên quan thu thuế bẩm. Vua ngơ ngác quay sang ông lão mù: – Trẫm không hiểu như thế có phải là nhục không? – Tôi xác nhận như thế không có gì là nhục cả. Thế là hàng đại thần đã không làm nên trò trống gì. Những câu nói của họ chỉ nhắc bá quan nhớ đến hai nhà buôn phương xa bị treo cổ vì đã dám chê cung điện nhà vua là xấu xí, đến cuộc bại trận ê chề tơi tả khi đem quân đi cướp nước người năm ngoái, đến vụ chết đói năm vạn dân vì sưu cao thuế nặng năm nay, đến cuộc hành hình sứ thần La mã, kẻ dám cười vua là ngu dốt. Các quan bé hơn lời lẽ có mạnh bạo hơn, nhưng vẫn chưa có ai đủ sức dâng cho vua cái cảm giác nhục nhã cần thiết nọ. Sang ngày thứ tư, vua phải ra lệnh kẻ nào không làm nhục được vua sẽ bị cách chức, và người đầu tiên có lời lẽ hạ nhục được đức vua sẽ được phong tể tướng. Các quan tướng hăng lên, bắt đầu dùng những tiếng “tên vô lại”, “kẻ sát nhân”, “thằng đểu” để mắng vua, nhưng nét mặt nhà vua vẫn thản nhiên. Có viên quan lên sỉ vả hàng giờ, kể lể việc nhà vua giết anh ruột của mình, cướp ngôi anh, cướp vợ anh ra sao, và dùng những lời lẽ thậm tệ nhất để thoá mạ nhà vua. Vua ngồi yên, chỉ hơi cau mày, lẩm bẩm. – Thế là thế nào nhỉ? Thì bây giờ ta đã chả được làm vua đây sao? Và nàng đã chẳng làm Hoàng hậu đó là gì? Còn thằng anh ta, thì nó mục xác từ đời nào. Cuối cùng có một viên võ quan đẹp trai đường hoàng bước lên trước mặt nhà vua, dõng dạc: – Nàng nguyên phi kiều diễm của nhà vua có nói rằng mỗi lần vua đến, nàng có cảm tưởng phải ôm ấp một con lợn hôi thối. Nhà vua tái mét, hỏi thất thanh: – Làm sao mày biết? – Nàng mới mói với tôi đêm qua. – Ở đâu? – Trên giường tôi. Mặt vua cắt không còn hạt máu, ngài chỉ viên võ quan, giọng khản đặc: – Chém chết thằng này cho ta. Nhưng ông già mù đã giơ tay ngăn lại: – Không! Anh ta sẽ là tể tướng. Nhà vua đã được cứu sống. Đúng, bây giờ thì tôi đã tin nhà vua là người thực. Vua ngã sấp mặt xuống đất, rên lên: – Trời ơi, ta được làm người với cái giá này ư?
* Tối hôm ấy trong bữa tiệc mừng vua khỏi bệnh, nhà vua tự tay rót mời ông lão mù tiên tri một cốc rượu đỏ sẫm. Ông già đón lấy uống cạn, bỗng ngã quay ra, chết. Vua truyền mang xác ra ngoài. Nhưng khi quân lính xô đến thì chỗ ấy chẳng còn gì cả. Mà chỉ còn…xin thề chẳng nói ngoa, chỉ còn độc một nụ cười ngạo nghễ. |
30- 12- 1989
Sùng bái lãnh tụ… nguyên cặp!
Hiện trên mạng internet Trung Quốc đang lan truyền với tốc độ kinh khủng một vài ca khúc có lời tụng ca ngây ngô như sau:
“Trung Quốc có Cha Tập/ Hùm lớn ông cũng đập/ Không sợ trời sợ đất/ Ta mơ được gặp ông
Trung Quốc có Mẹ Bành/ Những nhành hoa tươi xanh/ Hãy dâng tặng cho bà/ Chúc những lời đẹp nhất/ Để gia đình nở hoa/ Để đất nước thăng hoa/ Cả thế giới hoan ca.”
__________________________
Lượm trên FB Nguyễn Đình Bổn
CẢ NHÀ XEM: TÔI KHÔNG HỀ CÓ BỊA ĐẶT NHÉ!
Viết thâm thúy nhưng các vị vua có đọc không anh ơi !
Các vị vua không bao giờ đọc. Chứng cớ là truyện “Ông vua ở truồng” Andersen viết đã lâu rồi, mà ngày nay vẫn không thiếu những ông vua ở truồng.
Tiếng cười đả kích không bao giờ là cũ.
Viết thật độc đáo
Nghĩ lại Cụ Hiếu Tân thiệt là thâm sâu
Độc !
Đọc chỉ có cảm giác buồn
Cháo Hiếu Tân,
Với một người ”sức khỏe không cho phép…”Vậy mà, viết như ”Từ Hải & ẩn sĩ’
Thế mới kinh! Hay và độc đáo.
Chúc bạn khỏe và bình an.
Chào anh Trần Bảo Định,
Với chúng ta ngày nay, sức khỏe là “..còn một chút vốn” chứ không còn là lời nữa. Vậy nên phải nói là “không cho phép sức khỏe…” cản trở ta mới phải. Chúc anh mạnh. Hẹn ngày gặp lại
Mong lắm thay!
Doc dao
Lấy từ một motif cũ nhưng viết lại rất ấn tượng
Thì đã bảo nó xưa như trái đất mà. Nghìn năm sau chắc cũng thế?
“làm người” thì…quá khó! Mà nói chuyện “làm người” thì…đau đầu anh Hiếu Tân ơi! Mấy năm trước đọc tập “Từ Hải và người ẩn sĩ” tôi đã không dám đọc cùng một lúc nhiều chuyện, mà một chuyện phải đọc rất nhiều lần. Hihihi… Khỏe không anh? Lâu không gặp! Mong là “trái tim ẩn sĩ” vẫn còn “chịu” được vài ba ly cùng bạn bè với… “nụ cười ngạo nghễ.” …Hôm nào vậy…Chúc anh vui.
Coi, mần chi ngó bộ nghiêm trọng dữ dzậy, ngodinhhai? Văn chương là để vui chơi thôi mà. Kể cũng có nhiều bạn nói giống ngodinhhai; mình thỉnh thoảng cũng mang truyện cũ ra đọc lại rồi cười khà khà một mình. Trái tim HT vẫn đập đều đều với bạn bè, hôm nào tới SG cùng nẫu
lackiu chút nghe.
Chuyện nầy Bếp có đọc đâu đó lâu rồi nhưng dưới cách viết của anh Hiếu Tân người đọc vẫn bị cuốn hút như thường.
Đúng ra, ông vua nầy cũng còn sân si lắm lắm, vì nếu ổng nhớ câu “Ở đời muôn sự của chung” chắc hổng giận ông quan dám đụng tới ái nương của ổng đâu. Nhưng như vậy thì ổng thành Phật,thành thần, thánh rồi chứ không l2 người nữa.
Vậy HUYNH NGOC NGA đã công nhận ông ta là người rồi nhé. HNN thấy không: ông này không thấy nhục vì những việc ông làm cho người khác, chỉ nhục khi “quyền lợi” của ông bị người khác đụng chạm. Kiên quyết không biết nhục một cách triệt để như vậy thật hiếm có, kể cũng là một type người đáng nể đấy chứ, HNN nhỉ.
Hay.
Nhưng chỉ sợ có những người không biết nhục là gì thì khổ đời cô Lựu.
Cám ơn Nguyenthu. Vinh nhục ở đời chỉ là qui ước, nhiều khi mình cho là nhục họ thấy là vinh, nhưng chính cái cách hiểu vinh nhục ấy là phép thử cho ta thấy ai mới đáng là người. Truyện này mình viết cách đây 25 năm rồi, nhưng bây giờ đọc lại có cảm tưởng nó còn “thật” hơn lúc viết.
Truyện là tiếng cười nhạo báng xót xa vừa hóm, sâu vừa là nỗi đau nhân thế
Đúng là ngòi bút của Hiếu Tân.!
Tác giả viết rất sâu sắc,thú vị
Cảm ơn Nguyentam đã đọc
Hi hi noi it hieu nhieu.
Hi hi..
Hay lắm tác giả ơi !
Cảm ơn Khunsa
Cái này là nói ít mà hiểu nhiều đây !
Bạn hiểu nhiều thì xin chia sẻ cho người hiểu it (nói nhiều) bạn nhé. Cám ơn vanbinh đã đọc
Đọc xưa hiểu nay phải không nhà văn Hiếu Tân ?
Người viết không dám can thiệp vào sự hiểu của người đọc, he he!
Viết thật độc đáo,tân cổ giao duyên đến mức kinh điển
Cám ơn Rio. HT thấy tân cổ có giao nhưng không được duyên lắm.
Viết thật sâu sắc mà cũng rất… chua cay !
Tức là có chút dấm ớt phải không, youme? Gì chứ ót thì Nẫu ta xài đã quá mà
Một câu chuyện ngụ ngôn ” hiện đại “.