Nguyễn Trí Ba Cưng, vua quậy xóm trên bị di lý về xã về tội đánh người và phá hoại tài sản công dân. Cả thị trấn Tài Phú dỏng tai nghe ngóng. Để thử xem chuyến nầy ai có thể bao che cho vua quậy. Đừng có tưởng lớn tuổi, cố cựu và gia đình có tí quyền chức rồi muốn làm sao thì làm, thời buổi nầy dân tình đã biết thế nào là lệ luật rồi, thuở phép vua thua lệ làng đã lùi vào quá vãng. Say thì có sách trị say, đừng có mượn ba giọt ruợu rồi cứ trời ơi đất hỡi mà phá phách. Bốn Đương, vua quậy xóm dưới, bạn nhậu của Ba Cưng kể: – Tao với ổng chia tay ai về nhà nấy rồi, đi ngang đám hỏi, không biết nghĩ sao tuôn vô phá tanh bành. Bà mẹ nó… bàn ghế ly chén nát như tương tàu. Đám hỏi của người ta bảy tám mâm lễ, ổng đập nát hết. Tao đâu dám vô can. Can, chắc bây giờ tao cũng có mặt ở xã quá. Ổng đấm vô mặt chú rể một phát, thằng kia bất ý bị xịt máu tùm lum. Quan viên hai họ bị một trận tháo chạy nháo nhào. Tay quay phim được lịnh của chủ nhà cứ thoải mái quay. Đảm bảo chuyến nầy Ba Cưng đền đừ luôn. Mụ nội nó, cái cảnh Ba Cưng bị tụt cái quần đùi lúc bị té mà chiếu lên màn hình chắc ba quân thiên hạ Tài Phú nầy có chuyện cười hết năm nay. – Đúng là hậu quả của ba xị đế. – Không phải của đế đâu, chả giả say qua ải đó. – Giả thiệt gì, đám hỏi nguời ta mà phá là… – Rồi cũng như mấy vụ trước thôi. Đền, phạt là hết phép. – Ông với Ba Cưng riết rồi… – Tao sao mậy? Tao có làm gì thiên hạ đâu? – Nhưng ông quậy vợ con thì thua chi Ba Cưng. Nói thiệt với ông, bà Viễn má con Thảo hiền, chớ gặp tui, tui cho Ba Cưng một cây vô đầu cho đi đa khoa luôn. Chưa thấy ai tệ như ổng. Tao thấy Ba Cưng bức xúc cũng có lý. – Có lý cái con khỉ. Ba Cưng có coi con Thảo là con không mà bây giờ bắt bẻ. Hôm trước ổng có nói với tui, tui xạc vô mặt rằng từ ngày con nhỏ ra đời đến nay là hăm tám năm, ông có cho nó ly sữa nào không mà đòi nó kêu bằng cha và mời ông tham gia đám hỏi. Ông mà quậy quọ coi chừng nó chạt vô mặt thì đừng có trách. Vậy mà cũng tới để ra chuyện, không biết còn cái khỉ mẹ gì nữa mà ỷ thế ỷ thần. Để xem Ba Cưng là ai mà dám phá đám hỏi người ta. Xứ sở nầy, đám hỏi quan trọng gấp trăm lần đám cưới à. Tại sao phá? Nghe qua là có dính dây mơ rễ má gì đây và ỷ thế nữa, thế gì vậy cà? Mà nếu có thì cũng thế thần nào đứng về phe bọn say sưa quậy quọ? Đúng không? Xưa kia, lúc còn chiến tranh, cha của Ba Cưng có cái xe tải loại reo nhì máy bảy, chuyên vào rừng Long Mỹ đưa củi về đổ cho mấy lò than ở Tài Phú. Thị trấn được kiểm soát bởi ông Cộng Hòa, trong rừng ông Việt Cộng tổ chức mít tinh chống Mỹ Ngụy. Rừng thiếu thuốc và lương ăn. Ông Sanh, cha Cưng, tư cách chủ xe, tiếp tế mong cái khai thác lâm sản. Vụ nầy tương đối nguy hiểm, ông Cộng Hòa mà biết được là mọt gông liền. Chưa kể lâu lâu mấy anh trong rừng về Tài Phú nắm tình hình đều qua đêm tại nhà ông Sanh. Không mưu mô là gia đình ông Sanh đi đứt. Hồi đó thị trấn Tài Phú không gọi tổ hoặc xóm mà gọi vùng. Nơi ông Sanh cư ngụ gọi hai tên là Vùng Mười Xóm Chợ trong tổng mười một vùng của Tài Phú. Vùng Mười là nơi tập trung lính Cộng Hòa người dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Thái Đen, Thái Trắng vân vân. Con em họ nối nghiệp cha đủ tuổi là vào lính. Đứa nào không vào lính thì làm du côn. Ai đến Vùng Mười Xóm Chợ sợ lắm lắm. Ai không sợ người đó xem như chì thứ dữ. Xóm xiếc gì đâu mà toàn xì ke xì coọc, chứa thổ đổ hồ loạn xị ngậu, đánh lộn đánh lạo thôi thì hết biết. Ông Sanh có hai thằng con trai, thằng lớn tên Lộc. Thuở ấy Tài Phú có một căn cứ Mỹ, sáng nào GMC của Mỹ cũng chạy vô Long Mỹ đổ rác sinh hoạt. Lộc ta trốn học theo chúng bạn đu đeo xe rác bị té gãy tay. Bệnh viện dã chiến Mỹ giải quyết gọn lẹ bằng cách cưa cụt tới nách, giang hồ xóm chợ gọi Lộc Cụt. Nhờ cụt tay nên Lộc chăm chỉ học hành, được cái mười hai cho đến ngày giải phóng. Thằng thứ hai tức Ba Cưng, đầu têu lêu lổng, ăn rồi đi chơi, Vùng Mười Xóm Chợ nó khét tiếng xã láng sáng về sớm. Tháng ba năm bẩy lăm, chộn rộn dậy dậy lên. Thiên hạ khắp nơi thôi thì chạy, chạy, chạy. Tài Phú cũng chạy. Tiên sư cuộc đời, ông Sanh chửi đổng. Chửi cũng phải thôi. Cái xe đang ngon lành bị lột đến phải nằm ụ, nhìn xế thiên hạ chở người di tản vào trong hốt vàng cả bao bố còn mình chịu sầu. Tức cha chả là tức. Ông Sanh nằm trên võng thở dài còn hai thằng con và thằng lơ tên Cu Bum đi ăn hôi ở mấy nhà giàu di tản, hàng hóa chúng mang về chứa đầy nhà trước nhà sau. Sanh ta không buồn không vui, chắc lưỡi có còn hơn không. Dân không tiền di tản tụ tập đi hôi của kẻ bỏ chạy, con mình chôm chỉa âu cũng bình thường. Tài Phú giải phóng. Trong rừng ra mấy anh ghé ông Sanh. Mấy thằng du côn xóm chợ nhìn nhìn ngó ngó rồi phán. Mẹ ơi, bây giờ mới biết cha Sanh ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản. Và cờ xanh đỏ ngôi sao vàng cũng từ nhà ông Sanh phát tán ra. Thoạt tiên Sanh ta lo sốt vó, cứ như năm bẩy hai Cộng Hòa tái chiếm là thấy bà. Ai ngờ giải phóng thiệt tình luôn. Và tất nhiên trong đội ngũ những gia đình thực sự có công với cách mạng có ông Sanh. Nhưng chuyện tiếp tế để lấy công xem ra không thấm so với chuyện thằng lơ xe. Thằng vô gia cư không cha mẹ nầy, sau giải phóng được ông Sanh nhận làm con nuôi. Năm bảy chín ưng lên nó viết quyết tâm thư xin đi bộ đội. Cha chả, giữa cái lúc dầu sôi lửa bỏng, thiên hạ trốn nghĩa vụ hà rầm, nhà có người tình nguyện đi Cam Pu Chia uýnh Khmer Đỏ là bảnh ác liệt luôn. Năm tám mốt, đơn vị báo về đồng chí Nguyễn Văn Bum hy sinh khi làm nhiệm vụ. Vậy là giữa nhà ông Sanh có cái bằng Tổ quốc ghi công. Cái uy vùng trưởng nhờ vụ liệt sĩ nầy mà lên tận trời xanh. Thuở ấy người biết việc thời ít nhưng cơ quan đoàn thể đủ loại được hình thành, nào thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi vân vân và vân vân. Là gia đình có công. Riêng Lộc có chữ nên được đề cử là đoàn trưởng thanh niên Tài Phú. Hốt nhiên tệ đoan cũ biến mất. Vùng Mười Xóm Chợ hiền như bao vùng khác. Thanh niên trai tráng không dính vô lính, hoặc lính đã cải tạo mà chưa vợ con thì vào đoàn thanh niên. Những kẻ mà, trước kia, từng rượu chè cờ bạc trai gái hút xách bây giờ tập trung tại trụ sở ủy ban nhân dân sinh hoạt chính trị và đờn ca sáo thổi vui ơi là vui. Và ở đây, Ba Cưng, con trai thứ Vùng Trưởng Vùng Mười, em trai của trưởng đoàn thanh niên gặp người đẹp tên Hương. Hương, đẹp lắm. Trước cô có cặp kè với một anh sĩ quan triều cũ. Tay nầy ăn ở như vợ chồng với cô được cái bụng bốn tháng. Tưởng sao, ai ngờ anh quất ngựa truy phong. Hương ôm mối tình hận. Hận mình, hận cả đời. Đời? Ít nhiều ai cũng có hận chút chút. Thuở ấy như Hương thiên hạ dè bỉu lắm, nào là đồ chửa hoang, đồ hư hỏng. Đẻ xong cô giao con cho ba má, đi làm. Vào đoàn thanh niên, nhan sắc và cái vẹn toàn của một con làm say cả chục anh, nhưng không anh nào tranh nổi với anh Cưng. Đã đẹp trai, thêm nhà có công, và giàu mới là cái đáng kể. Có reo nhì máy bảy, của thiên hạ tụ về qua cái vụ đi hôi, không giàu là sự lạ. Tình thiệt mà nói, dân Vùng Mười thoáng lắm vụ nhân duyên. Lính tráng mà, hầu hết họ cũng rổ rá cạp lại. Già Sanh cũng y khuôn nên con trai lấy ai cũng được. Vậy là Cưng Hương tấn tần giai ngẩu. Đám cưới tuy đơn sơ nhưng nhiều ý nghĩa. Đơn giản là không cưới cho nhanh bụng Hương vun lên lần nữa thì thậm nguy. Đúng là con người ta nó sướng ở cái số. Năm bẩy tám mùa vụ thất bát, cả nước ăn bo bo độn mì. Những năm bảy chín, tám mươi, tám mốt chiến tranh ì xèo, thiên hạ chạy ăn thiếu cái bở hơi tai. Riêng Hương chỉ lo nằm cữ. Năm năm cô cho ra ba trự. Khoái thì có khoái nhưng Cưng ta thích đứa con gái. May cho Hương, lâm bồn đứa thứ ba cô đẻ bằng dao kéo, vậy là ngưng. Ngưng là tốt rồi, đẻ nữa e rằng cô hóa thành mụ phù thủy Naina trong phim Rútxlan và Lútmila. Nhưng hậu quả là vú cô teo và eo cô sổ sể. Cưng ung dung lắm, ăn và nhậu là số dách. Tất nhiên không một bà vợ chân chính nào chấp nhận một ông chồng lấy hèm làm đạo. Hương eo sèo, óc xóc ủa xủa. Và thằng đàn ông nào không bực bội vì có một bà vợ nói nhiều. Vốn có chút du côn, ăn nói luôn có tiếng đệm tục tằn trước khi vô vấn đề, Cưng sửng cồ: – Thôi im đi cho tao nhờ, biết vầy hồi kia tao lấy cái trụ điện hơn lấy mày. Tao nhậu tiền tao chớ tiền của mày à? Nói rồi Cưng lang thang ra quán nhậu. Than thở với chúng bạn rằng mình thật sai lầm khi lấy một bà chằng làm vợ. Chủ quán nhậu bình dân là Viễn, chuyên bán cà dĩa mắm ruốc Huế và rượu đế tội nghiệp Cưng lắm. Cũng sẻ chia chia sẻ chút tâm tình để mong bán được tí ba xị đế kiếm hạt gạo qua ngày. Viễn hăm hai, trước có bồ bịch với Tùng, tự Tùng Già. Tùng cũng lăn lộn bốn vùng chiến thuật nhưng phải cái tội bép xép. Anh ta yêu đương với Viễn không biết có ngô khoai gì không nhưng đi khoe với ta bà đã lên giường với Viễn. Kể tuốt tuồn tuột. Lọt tai, Viễn cắt đứt cái rụp. Tùng Già mặt khắc khổ như con khỉ. Thời đi lính có quăng lựu đạn chết hai ba mạng thường dân, ở tù, may nhờ giải phóng nên ra dân. Bị Viễn cho de anh ta buồn lắm. Hôm đó mò tới quán nhậu ý xin lỗi để nối tình. Thấy Cưng đang tâm sự với bà chủ, nổi ghen lên Già ta sửng cồ: – Đù má làm gì ở đây mậy? Cưng ta nào biết sợ ai. Liền tương vào mặt Tùng một direct, thêm một đá. Tùng ngã ra đất, chưa đã nư Cưng chụp cây tầm vông gài cửa. May mà Viễn ôm Cưng lại bằng không Tùng đi một hơi về Quán Bà Hớn(*) rồi. Vậy thôi. Chỉ vậy thôi mà một sáng kia bạn nhậu không thấy Ba Cưng đâu nữa. Chủ quán ba xị đế Viễn cũng không tăm dạng ba hồn bẩy vía ở đâu. Ngày một, ngày hai, rồi ngày thứ mười trôi qua. Cả Tài Phú bé tẹo ra rả rằng Ba Cưng và Viễn đã ra đi không hẹn ngày trở lại. Bên chán một vợ và ba con nheo nhóc, bên vậy cho xong để thằng Tùng Già bép xép hết mè nheo. Sương phụ Hương lồng lộn lên, đến tận nhà bà mẹ Viễn mà chửi bới nhiếc móc. Mẹ Viễn là dân hàng thịt, sợ chi ai cũng mắng lại rằng mày tốt dữ ha, con tao dụ dỗ chồng người còn mày nái già cũng dỗ trai tơ. Thiên hạ cười rằng ôi giời tơ với chẳng tiếc. Năm tháng sau Viễn về lại Tài Phú với cái bụng tròn lẳn. Ba Cưng về với nhà xưa cùng vợ cái con cột. Hương ra chợ nói với bá tánh rằng: – Ông Cưng biểu tui mua cho ổng miếng thịt, đi với con Viễn năm tháng nay ở trên Pleiku xực toàn mắm ruốc ngán quá, tui nói nó toàn cà dĩa mắm ruốc lấy đâu ra thịt. Nói rồi vỗ bụng cười, cười xong nói tiếp: – Ông Cưng nói em đưa thì anh đẩy, cái bụng đó ổng nói của thằng Tùng đâu phải của ổng, thôi của ai về nấy. Đàn bà mà, ghen tuông làm cho bõ thế thôi. Nhưng không hiểu sao Cưng và Viễn không nhìn nhau. Tình cờ gặp họ đá câu Kiều khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu. Vậy là con bé Thảo ra đời. Được bốn tuổi thì mẹ nó lấy chồng khác. *** Má con Thảo đẻ như máy. Gian khó mà đẻ nhiều chỉ khổ cho con. Tám tuổi Thảo nghỉ học ở nhà trông em. Nó giỏi, vừa trông em vừa nấu cơm giặt giũ cho dượng và má. Dượng nó khó lắm, không phải là mắng, nếu cần bạt tai vô mặt. Đàn ông mà, lúc còn đeo đuổi tán tỉnh họ ra cái vẻ cao thượng ngút ngút trên cao, nào con em là con anh, nào đội trời đạp đất như anh nuôi chục người còn không nghĩa địa huống gì hai mẹ con. Tới chừng được nhau rồi, mới thấm thía đẻ một đứa là nghèo ba năm, đằng nầy những ba đứa. Tội nghiệp bé Thảo, nó phải chu toàn cho em. Mười tuổi phải đi coi em bé cho một bà cô giáo lấy tiền phụ mẹ nuôi em ăn học. Bà giáo tội nghiệp quá kèm cho biết cái cộng trừ nhân chia, đọc được vài quyển sách thiếu nhi. Còn Ba Cưng? Thật khốn kiếp, hắn không ngó ngàng chi đến con bé. Lại nói: – Xin phép đi, con nhỏ đó là con thằng Tùng Già, em không dám nhận. Tùng Già thì bảo với vợ rằng: – Đù má, tao cũng cầu xin con Thảo là con tao. Nhưng mà cả Tài Phú nầy nhìn qua ai cũng nói cái mặt nó y tạc ông Sanh, con tao cái chỗ nào? Có đứa con giỏi vậy mà để đi làm nuôi con người khác, thằng Cưng đúng ăn chất thải chuồng heo. Vợ Tùng cười: – Nhận cho con Viễn nó đập quần vô mặt à? Nhỏ Thảo nghe hết, nhưng nó đâu cần. Mười tuổi đã biết ở đợ kiếm tiền. Mười bốn đi phụ bán quán cơm. Mười sáu tuổi nó nói với má: – Má lấy hết tiền rồi con lấy cái gì để lớn hả má? Viễn giật mình, ngộ rằng mình đã lợi dụng con quá lắm. Về cô trả lời khi chồng hỏi tiền: – Tui không lấy tiền của nó nữa, phải để cho nó lo thân với chớ. Có rượu vô – dân Vùng Mười Xóm Chợ, không một ông nào không rượu – chồng tế lên đầu vợ: – Đù kịnh, mày coi nó hơn tao à? Vậy thì đi theo nó mà sống. Nghe lọt tai Thảo về nói với cha dượng rất lịch, dân ở đợ lâu năm lịch lắm: – Dượng đâu có nuôi con ngày nào, còn con nuôi con của dượng mười hai năm nay. Dượng kể rằng cho con ăn học. Đến lớp hai mà cũng học sao dượng? Nếu vậy dượng tính đi hết bao nhiêu con xin trả. Ông dượng im thít. Xấu hổ quá mà. Thảo tiếp: – Dượng đừng chửi má con. Dượng lấy má con vì tình, nay sao chỉ vì tiền không vậy? Mười sáu tuổi vậy là bản lĩnh chứ không chơi. Cô hơn hẳn ba thằng anh – nếu ba thằng con trai của Ba Cưng có thể gọi là anh của cô – một cái đầu. Không hở môi những trêu ghẹo của chúng, cô nói với bạn: Mình thất học, nhưng chưa làm điều chi vô học. Cô gặp Ba Cưng thường xuyên nhưng không ngó tới một gã lúc nào chân nam cũng đá chân chiêu trên đường. Điên lên một hôm say say hỏi: – Mày phải biết tao là cha mày chớ? Cô nhũn nhặn: – Chú có nuôi con ngày nào mà xưng cha. Chú say rồi về mà ngủ đi. |
***
Khi Thảo mười sáu thì ông già Sanh đã thôi làm vùng trưởng và bác nó, ông Lộc Cụt cũng đã về vườn sau một thời gian dài là chi chi đó trong Thị Trấn. Lộc hét ra lửa quá nên bị lửa đốt. Ai cũng tiếc và cũng ghét cho thái độ sống của Lộc. Anh ta không hề biết phận mình được chiếu cố từ những thành tích gọi là may mắn của thời cuộc và cái uy liệt sĩ. Từ đoàn thanh niên Lộc được chuyển qua quản lý thị trường. Chợ Tài Phú mười đã hết chín buôn bán hàng lậu, ngày nào Lộc cũng ra chợ truy tìm và bắt bớ. Phải chi anh ta làm ăn đúng đắn thì chẳng nói chi, đằng nầy ai chung chi thì cho qua, ai không chung thì liệu thần hồn. Lộc quên rằng cỡ một triệu lính Cộng Hòa còn vù, năm mươi tám nghìn lính Mỹ trang bị tận răng còn bỏ xác tại Việt Nam. Lộc bị mắt thần chiếu tướng. May mà ai đó còn thương tình ít nhiều là gia đình liệt sĩ và một thời tiếp tế nên cho Lộc về dọn vườn nuôi gà đá… Rượu sớm trà khuya. Đang ngâm câu buổi thất chí hóa thân làm con cú, bỗng nhiên, có đô la từ Mỹ gửi về theo đường dây đen. Tài Phú bán tín bán nghi. Nghi gì? Thời chiến tranh kẻ đông người tây chuyện quá thường, nhưng ông Sanh có ai là người thân ở xứ cờ Hoa nhỉ? Vụ nầy lạ à. Tài Phú nhỏ bằng bụm tay, lý lịch của nhau, thiên hạ nắm rành rẽ còn hơn nhà của chính mình. Và cái ghen ăn tức ở khiến họ kháo đủ chuyện. Một hôm Tám, thường gọi Tám Tàng kể:
– Tao mời thằng thường gửi tiền cho ông Sanh vô quán cà phê Nam Sơn làm ly đen, hỏi thăm mới biết người gửi tiền cho ông Sanh ở Cali. Là ai bây biết không?
– Nói đi, không là tao tương vô mặt mày, bày đặt đố với điếc.
– Là thằng cu Bum.
– Ai?
– Nó nói cu Bum.
– Trời đất ơi.
– Trời đất cái con khỉ khô. Thằng Bum đi K rồi vượt qua Thái Lan, nó đào ngũ chớ có chết chóc gì đâu.
– Nhưng có giấy báo tử mà?
– Chắc có gì sai ở đây. Năm đó thương vong nhiều, chuyện nhầm lẫn thường lắm. Vụ nầy bể ra ông Sanh tiêu cái liệt sĩ, thêm cái truy thu tiền đã hưởng bấy lâu nay cũng nhiều nhiều à.
– Nhằm nhò gì với ổng.
– Nhưng mà nhục nhã chớ mậy.
– Con khỉ khô. Tuốt bên Mỹ, đào ngũ có cho kim cương thằng Bum cũng không dám về, ai đâu rảnh mà truy vụ nầy. Mà có chi mà nhục, ông Sanh đâu có khai liệt sĩ, tự động đưa đến nhà ổng mà.
– Tao không nói vụ đó, tao chỉ muốn nói tới là bấy nay cha Sanh làm ra cái vẻ là nhà đạo đức thứ thiệt.
– Mẹ… con Thảo giống ổng như hai giọt nước còn không nhận, ở đó mà nhục nhã với đạo đức.
Bé Thảo cũng tương đối xinh xắn. Nó liếc qua thế sự và nhân gian, nhận ra vì gian khó con người đã hóa ngợm và đười ươi. Mấy thằng rắp tâm bắn sẻ Thảo toàn loại đàn ông chí lớn thì nên, đàn bà chí lớn thì nên cạo đầu. Thảo qua thì hai mươi, thì hăm lăm. Già là chắc nụi.
Kinh tế Tài Phú khởi sắc nhờ đám trẻ tìm vào Nam kiếm sống. Một vài đứa lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc và nên bà thấy rõ. Tài Phú vô thiên vô lủng đại học, cao đẳng, cỡ cấp ba cấp hai lấy đấu mà đong lấy xe mà chở cả tháng ròng vẫn không hết. Thảo cũng vậy, cô có bất cứ thứ gì thiên hạ có. Một thứ cô chưa có, đó là chồng. Bạn nói với cô:
– Mày vô Sài Gòn với tao, tao giới thiệu cho một anh ngoại, không rượu chè như ý mày luôn.
Cười cười, Thảo theo bạn vào phố Bác. Ở đó cô không ngoại kiều Việt kiều gì sất. Thảo quen một anh trai Đông Nam Bộ. Anh đưa ba má về Tài Phú và đám hỏi đã bị Ba Cưng phá tanh bành.
***
Cả Tài Phú nghiêng nghiêng ngó ngó, thử coi ông chính quyền xử lý vụ nầy ra làm sao?
Kể cũng chẳng chi nghiêm trọng, phá của mình thì vợ con sắm lại, còn của thiên hạ thì è cổ ra mà đền. Nộp cái phạt là xong. Tuổi lớn rồi, gia đình tuy chẳng còn chi quyền chức, nhưng cái giấy khen có công với cánh mạng sờ sờ trên tường nhà ông Sanh, ít nhiều thiên hạ cũng phải nể nang chớ, phải không?
Vậy là cánh công an mời cả hai gia đình lên giải quyết sự cố. Đại khái kiểu tình làng nghĩa xóm, bán anh em xa vân vân và vân vân. Mong đôi bên lấy cái dĩ hòa vi quý làm trọng. Đã thống kê thiệt hại và ông Nguyễn Văn Cưng phải đền cho gia đình ông bà Lê Thị Viễn chừng đó chừng kia tiền. Gia đình bà Viễn không chấp nhận lối giải quyết đó. Họ cho rằng ông Cưng đã phá hủy một nếp văn hóa cổ truyền của cả một dân tộc, không thể giải quyết kiểu phá rối trật tự trị an kiểu bình thường. Công an hỏi:
– Chớ bây giờ chị Viễn muốn làm sao? Chúng tôi chỉ có thể giải quyết bằng cách nầy còn văn hóa hoặc phá hoại văn hóa thì đâu có lệ luật gì để xử hoặc noi theo.
– Tôi không biết – bà Viễn nói – Nhưng chỉ thế nầy thì rõ ràng chính quyền đã bao che cho ông Cưng rồi.
Ra về. Đợi ông Cưng bồi thường ư? Chuyện khó à. Bà Hương ngoảnh mặt, ba thằng con trai vợ con ra riêng rồi, ai làm nấy chịu, chúng không biết. Thảo đưa bên chồng ra nhà nghỉ bình dân, tạm qua biến cố rồi tính tiếp.
Ở nhà bà Viễn bật đầu đĩa lên, cái phim ông Cưng phá đám hỏi được mở hết công suất. Thập phương Vùng Mười Xóm Chợ vừa xem vừa ngả nghiêng cuời, cái đoạn ông Cưng tụt quần đùi thòi ra cái nhỏ của thằng lớn được truyền miệng từ đầu trên xóm dưới. Bảy mấy gần tám chục tuổi là ông Sanh nghe bạn già kể lại mà thiếu cái lên máu. Lập cà lập cập chống cây gậy kêu cháu nội là con của Lộc Cụt hỏi chuyện.
Lộc có hai con trai cũng dạng trời thần. Chuyện ông chú – vua quậy xóm trên – phá đám hỏi con em chúng có nghe nhưng chẳng quan tâm. Đùng một phát nghe thiên hạ kháo chú nó tổng ngổng lên phim. Lập tức năm anh em con chú con bác tụ lại ở quán nhậu bình dân. Đang khề khà chén chú chén anh thì Thảo từ nhà nghỉ bình dân về ngang. Thằng lớn nhất con Ba Cưng, đã ba lăm và một vợ hai con gọi:
– Ê Thảo, vô đây tao biểu coi.
Thảo đứng lại, cô nhìn những guơng mặt đỏ ké vì rượu. Rồi bước tiếp. Cả năm rời bàn nhậu, chúng vây Thảo vào giữa:
– Đù má… mày có muốn tao đốt nhà mày không? Có muốn tao rạch mặt mày bằng dao xắt thịt không?
…?
– Mày về nhà dẹp ngay cái vụ chiếu phim, không dẹp là chiều nay tao san phẳng cái nhà mày.
Thảo nghe và cô không hiểu chuyện chi đang xẩy ra. Tới nhà, cô thấy ông Sanh và Lộc Cụt đang đứng ở sân. Bà má đang chỉ tay ra ngõ:
– Tôi không tiếp mấy người. Thằng Cưng quậy phá nhà tôi, làm lỡ duyên con gái tôi, tôi chiếu phim cho cả ba quân thiên hạ xem đó. Ông về mà dạy con ông.
Bà Viễn có vẻ đắc thắng với đòn đánh của mình. Nhìn qua Thảo hiểu ngay sự cố. Cô bước đến chào ông Sanh và Lộc Cụt rồi lên tiếng:
– Mấy đứa nhỏ tắt máy đi. Con mời ông và chú Lộc vào nhà.
Mấy đứa em có vẻ nể nang chị, cái đầu đĩa dừng ngay lập tức. Bọn vô công rồi nghề vội vàng cáo lui. Người lớn đối diện nhau trên bàn trà. Một lơn lớn khác là chú rể cũng có mặt. Nói vậy chứ anh ta từ trong Nam ra, bị vố nầy ai không hãi, sát cánh bên vợ vẫn cứ chắc ăn hơn. Thảo lên tiếng:
– Có gì ông và chú cứ nói.
Nhưng người lớn chả ai cất tiếng cả. Đôi bên biết nói gì bây giờ đây? Kẻ phá nhà, bên chiếu phim cuổng trời, suy ra xấu đều hết. Nhưng vì đâu nên nỗi nhỉ? Và nếu có nỗi gì thì phải xé toạc ra chứ im lặng là để hận lại cho con cháu đời sau. Chưa chi hết mà bầy anh trai đã đòi đả thương em gái… Nói đi. Sao không nói? Được rồi vậy thì Thảo nói:
– Con thấy má với dượng chiếu cảnh xấu của ông Cưng là không phải tí nào hết. Má đã cho hành động của ông Cưng là vô văn hóa, thì bây giờ má lại gấp ba lần hơn. Nếu một người nào đó có chút tự trọng họ sẽ tự sát, hành động này đã gần với sát nhân. Có những người danh tiếng, chỉ vì vậy mà thân bại danh liệt, và kẻ chủ mưu phải ngồi tù. Nhưng mà thưa ông và chú – Thảo quay sang ông Sanh và Lộc Cụt – Má con có làm như vậy cũng phải thôi, chú Cưng đã phá hoại tài sản gia đình con, phá hủy hôn nhân của con. Hành động đó một ngàn lần sai, ông và chú đây biết hết, nghe hết và thấy hết nhưng vì sao lại ngoảnh mặt ngơ đi? Vì sao vậy, chú và ông lý giải con nghe với.
Cả hai cùng yên lặng. Đừng tưởng nó thất học mà dốt. Đời sống và sự khó khăn đã dạy con người ta khôn hơn rất nhiều. Con Thảo nêu ra một câu hỏi nghe dễ mà thật khó để trả lời. Họ yên lặng cũng phải thôi. Vậy rồi cô nói tiếp:
– Mọi người ở Tài Phú nầy ai cũng rõ con là cháu ông Sanh, ông Cưng là cha, ông Lộc là bác ruột. Vậy mà chỉ có gia đình ông là không nhận ra. Vì sao vậy? Ông và chú có thể trả lời cho con rõ không? Đôi khi con rất tủi thân, nhưng rồi tất cả chai lì bởi thời gian. Nó trở thành một tất nhiên của cuộc sống. Sự tất nhiên nầy kéo dài cho đến hôm nay. Nay con lấy chồng thì ông Cưng tới quậy phá. Ông và chú tới để thương lượng xin đừng phát tán đoạn phim có thể làm xấu cả dòng họ nhà ông. Thế gian có những điều thật nghịch lý, nhưng có lẽ nghịch lý nhất là chuyện của ông, của chú Lộc, của con và ông Cưng. Con nói vậy ông và chú nghe được không?
…
– Con hăm tám tuổi rồi, khổ nên thất học. Nhưng đời sống đã dạy cho cái biết để tồn tại. Con xin hỏi ông và chú Lộc muốn gì ở con?
…
– Sao ông và chú yên lặng vậy? Muốn con hủy cái đĩa phải không? Chuyện đó không lớn, con sẽ hủy ngay trước mặt ông và chú. Lâm – Thảo gọi thằng em – Mở máy mang cái đĩa lại đây cho chị.
Đĩa phim được đặt lên bàn. Thảo đẩy qua cho Lộc. Cô tiếp tục:
– Chuyện lớn là cái tồn tại trong tâm của ông và chú chứ đâu phải đĩa phim nầy. Hôm nay con sẽ nói những suy nghĩ, những luận bàn của đời dành cho gia đình ông. Những điều nầy con thu thập từ thiên hạ, không hề có gì của con cả. Bởi khi ông là vùng trưởng của vùng nầy con còn chưa có mặt ở thế gian. Người ta nói cho con biết ông không hề là một người thật sự có công với cách mạng dù ông có tiếp tế rất nhiều thứ trong thời gian ấy. Họ bảo rằng ông bỏ tiền để mua giấy hoãn dịch vì lý do gia cảnh. Rừng là mạch sống nên ông tiếp tế hàng như một hình thức để mua đường. Sau thống nhất, cách mạng đã ghi công ông, cho ông làm cán bộ, nhưng ông đã ảo tưởng mình là kẻ thật sự có công. Thiên hạ bảo ông đã tự cho mình là người của cách mạng sau vụ chú Bum nào đó tử trận. Ngày nay mọi chuyện đã đi vào quá vãng, ông không còn tại vị và họ đã dùng những lời chua chát nói về ông, bảo ông là cơ hội, là ba mươi tháng tư, là cách mạng ăn theo. Và kết luận rằng ông Sanh không coi mày là cháu vì ổng tưởng ổng là nhà, không có loại cháu lộn sòng. Nghe vậy chú có buồn không hả chú Lộc?
– …
– Hồi con đi ở cho nhà cô giáo Linh. Cô có dạy phải gọi anh của cha bằng bác, gọi chú là hỗn, nhưng con không gọi bác vì không ai xem con như tộc họ. Chú thông cảm. Thiên hạ cũng nói là nên thông cảm cho chú, chú không thể xem con là cháu vì chú là một ông cách mạng nửa mùa. Nếu cha của chú ảo tưởng thì chú lại nửa mùa. Họ kể, hồi mới giải phóng, có tí chữ nghĩa và thêm có công như chú hiếm lắm. Họ bảo chú làm đoàn trưởng thanh niên Tài Phú nhưng không hiểu biết bất kỳ một chủ nghĩa nào, chú chỉ biết làm theo lệnh. Họ kể trong một buổi họp chú đã điểm vào những người lính chế độ cũ mắng rằng các anh là thứ ăn bơ thừa sữa cặn của Mỹ, các anh là lính đánh thuê, cầm súng bắn lại anh em mình… Họ hỏi mày có biết vì sao bác Lộc mày bị cụt tay không? Bác mày đu xe rác Mỹ để kiếm bơ thừa sữa cặn mà ra vậy. Khi được chuyển qua quản lý thị trường, vì ăn bất chính nhiều quá nên bị cách mạng thứ thiệt tẩy chay, bác mày tiêu vong cái nửa mùa, bất đắc chí nên con ổng ổng còn coi pha huống thứ hoang dã. Con nghe và chỉ cười, bởi những điều đó đâu có quan hệ gì với con. Người ta còn bảo, sở dĩ ông Sanh không xem mày là cháu vì ổng sợ. Sợ cái gì? Thuở chiến tranh lính Cộng Hòa ông không theo vì sợ chết, không theo cách mạng vị sợ khổ, không nhận mày là cháu vì sợ mất danh dự. Ít nhiều cũng đã nầy nọ, từng lớn tiếng nói về đạo đức danh dự, nhận cháu hoang chả khác nhổ vào mặt mình. Và thằng cha không nhận con thì mắc chi ông Sanh hay Lộc? Thiên hạ thật là đa sự phải không ông và chú?
Ngừng một lát cô nói tiếp:
– Nhưng đó chỉ là những luận bàn về con người, về ứng xử, có khi vì tị hiềm nên không đáng để quan tâm, nhưng có cái nầy họ nói mà đớn đau lắm chú Lộc à. Họ bảo cái tài sản mà ngày nay cả gia đình chú và ông Cưng có là của phù vân, của ấy một ngày kia nó sẽ chạy. Họ kể trên con lộ lớn ngày xưa, có rất nhiều tiệm vải của nguời Ấn. Khi chộn rộn họ sợ tên bay đạn lạc nên tìm phương di tản. Những người không có cơ hội đi đã ăn hôi hết của họ. Sau nầy đất nước lâm khó khăn, thiếu cái ăn người ta còn nhịn được, nhưng cái mặc thì không thể thiếu. Ai có cái mặc sẽ hóa Thạch Sùng… Rồi họ cười lớn mà rằng sẽ có một ngày Thạch Sùng chết vì cái mẻ kho…
– …
– Ông Cưng phá nhà cháu là sai, má cháu chiếu phim sỉ nhục ông Cưng càng sai hơn. Chú và ông có thể nắm cái đĩa nầy, kiện má và dượng cháu về tội phát tán văn hóa phẩm đồi trụy. Ông và chú có quyền làm điều đó để bảo vệ thanh danh nhà mình. Con cũng quên nói cho chú và ông đây chuyện vừa mới xẩy ra ở quán nhậu đầu hẻm. Hai anh con trai của chú Lộc và ba anh con của cô Hương đã mắng và đòi hành hung con, con nhờ chú về nói với họ xin đừng đụng đến con. Con và họ chẳng oán thù chi cả. Vả lại cha chú họ đã có hành vi không phải với người khác, đã không phục thiện còn hành xử kiểu côn đồ là sao? Con cũng thông báo là tuần tới chúng con sẽ tổ chức cưới tại ngôi nhà nầy. Con mong là hôm đó ông Cưng nên đối xử cho có chừng mực. Nếu không…
Ông và chú Lộc biết chú Bum đang ở đâu không? Ổng ở Sài Gòn, sau những năm tháng tha hương ổng trở về, nhưng không dám về đây, vì sợ. Sợ gì ông biết không? Chú Bum sợ cái bằng liệt sĩ trên tường nhà ông sẽ bị lột xuống…
Ngôn ngữ nhân vật vẫn là thế mạnh của nhà văn Nguyễn Trí.
Thế giới trong truyện ngắn “Ảo và sợ ” thật
Chào Anh Nguyễn Trí!Đúng là sôi động náo nhiệt của ”Vùng Mười Xóm Chợ”Với từng ấy nhân vật.Cũng rất đặc biệt,tạo bộ mặt Xóm,đầy ấn tượng rất riêng Và cũng rất thường của con người ta gọi là..Xóm bình dân,xóm Nhà lá.Xóm nghèo nhiều tệ nạn.Mà có vậy ,mới có cái chuyện, để mình đọc phải không?..Ai đời..Cổ bày hòi chưa kịp hỏi đã tung tóe Tự tung tự tác vì..Ba Cưng say!Đủ chuyện xảy ra chồng chéo,chằng chịt những người liên quan với Ba Cưng.Với những mối tình ”Rổ rá cạp lại”.Những éo le trắc trở vui buồn có đủ cả!Nhân vật chính đầu là Ba Cưng .Giữa và cuối vẫn là ”Bé Thảo”-Đứa con ”hoang đàng chi địa”..Thiên hạ hay nói vậy khi..Những người đàn Ông xưng Ba.Thương mới thế!? Theo tôi nếu đóng vai là Bé Thảo-Cứ nhận hết! Chẵng cần phải nói giọng cay đắng”Ông có nuôi tôi ngày nào..”-Có Ba nhiều thương mình-Ít nhiều cũng đoái hoài nghĩ tới..Cũng là phúc rồi?Không cần phải bắt bẻ vặn vẹo lổi phải chi hết…Còn việc… hỏi bị phá thì bỏ hỏi cưới luôn.Cưới ai còn trong câu hỏi tiếp..Kỳ sau đoán chắc,mà không..Có thể”Thảo cạo đầu đi tu cho xong chuyện.Kẽo bị di truyền Kiếp con hoang-Tội nghiệp đời Mẹ ,đời con của nó nữa..Phải không Anh Trí?”
Nhu mot truong thien tieu thuyet
Tính cách của cô Thảo rất ấn tượng,nhưng với trình độ lớp 2,lại sống trong môi trường ấy,liệu có phù hợp không
Cuộc sống trong truyện không mới,cách viết cũng không mới,nhưng người đọc vẫn phải bồn chồn dõi theo mạch đập của từng số phận người được khắc họa trong đó
Đang bệnh mà đọc truyện này càng bệnh hơn, nv Nguyễn Trí ơi. Bệnh vì tình đời trong truyện. Có khen cũng bằng thừa. Mình chỉ tiếc, giá như lời lẽ cô Thảo “bình dân” hơn một chút, nói theo kiểu người ít học một chút, cá nhân mình sẽ càng thích hơn nữa.
Giá như đừng để nhân vật Thảo trực tiếp phát ngôn quan điểm tác giả như ở cuối truyện thì truyện sẽ ấn tượng hơn !
Đẻ lộ quan điểm là tác giả bị bại trận rồi. Cám ơn anhuy.
Tác gia xây du’.ng du’~kiê.n không ho’`i ho’.t ddâu.
Dù ddi o’? ddo’. , nhuung o’? ddo’ cho mô.t cô giáo, thì vì thuong, cô giáo có ddiê`u kiê.n ddào ta.o Tha?o mà.
DDáng le~ muô´n dduoc ddoc pha?i mua sách. Tôi chi? ddo.c miê~n phí o’? ddây, ca?m thâ´y áy náy vo’´i tác gia? lä´m.
Râ´t cám o’n. Tôi thuong thu’´c bài ba.n viê´t tu’`ng cái dâ´u châ´m, dâ´u phê´t. Râ´t cám o’n.
Lene Huynh Phuong Linh
Sao gởi kèm tranh minh họa không được?
Anh Nguyễn Trí viết truyện nào cũng “ác chiến”.
Bạn ròm Lê Tùng Quan anh Sáu Nẫu biết đó, vừa vẽ minh họa một truyện của anh NT nói sẽ đăng trong Văn Nghệ Đồng Nai, không biết có phải truyện này không?
Doc that met cai dau,nhung viet that hay ve cai xa hoi chuyen tiep vua nhi nho vua don dau
Viet trông có vẻ bổ bả nhưng chỉ có cách viết ấy mới đẩy câu chuyện đi đến tận cùng
Là cả một thế giới !
Vân Hạ nói đúng, Cả một thế giới
Bai cua Nguyen Tri khi doc xong luc nao Bep cung co tieng tho dai di sau. Noi theo kieu “bình dan hoc vu” thi “cuoc doi nay sau bo sao nhieu qua, kho cho nhung nguoi vo tinh lien quan den nhom sau bo do ma thoi.
A, anh Nguyen Tri oi, may cai bang liet si bay gio co treo ca chuc tam cung dau thay duoc cai gi, ong Bum trong chuyen lo xa vo ich roi do anh oi.
Cho Bep hoi them dieu nay “O dau ma anh co duoc nhung chuyen “cay, dang mùi doi” de viet hay du vay?
Ở đây ư? Anh Nguyễn Ngọc Thơ à. Ở trong đời sống của chúng ta anh ạ