Truyện ngắn của Ái Duy
Khi đi ngang qua một bức tường cũ kỷ, đổ nát và xiêu vẹo để bước vào gian nhà chính, chị Nghi hơi dừng lại một chút rồi nói với tôi: “Ngày xưa, nó là một bức bình phong rất đẹp”.
Chị Nghi là đồng nghiệp, mới quen tuần trước khi tôi bắt đầu về nhận nhiệm sở ở cái trường tiểu học heo hút ven sông này. Chị năm mươi ba tuổi, chưa lập gia đình, mặt khô choắt lại, lông mày thưa thớt và tóc trên đỉnh đầu đã chớm hói.Tôi theo chị về nhà để thu xếp một chỗ ăn ở bởi nhà trường không có khu tập thể, cán bộ giáo viên ở lại đều được xã ưu ái gởi về tá túc nơi các hộ dân có điều kiện ở quanh đó.Thấy tôi đồng ý không ngại ngần chị Nghi mừng lắm.
Sau bức bình phong là một cái nền đất khá cao nhưng bị lồi lõm, sụp lở và dựng trên nó là vô số cột lớn cột bé sứt mẻ; chị Nghi nhìn qua tôi phì cười: “Không phải ở đây đâu, qua cái sân này nữa kìa!”
Tôi đi sau chị, bắt đầu cảm thấy sờ sợ cái khung cảnh rộng lớn nhưng đổ nát, hoang tàn và có phần âm u này. Qua thêm dấu tích của một bức bình phong và một cái nền nhà cũ nữa thì mới tới nơi cư ngụ của chủ nhân đương đại. Đó là một gian nhà nhỏ, dài nhưng hẹp và thấp lè tè, tường đất rệu rã, mái ngói âm dương đen sì, cửa gỗ hở toang hoác với những chấn song chạm trổ bị gãy gần hết. Bậc tam cấp lên xuống đã biến mất và thay vào đó là mấy viên đá ong.
Trên đường về nhà chị đã kịp vắn tắt gia cảnh cho tôi nghe. Chị là dân địa phương gốc, ở chung với bà chị ruột nay đã ngoài bảy mươi và cũng không lập gia đình như chị, họ hàng không còn ai, kinh tế phụ thuộc đồng lương giáo viên và dăm chục cây ăn trái trong vườn.
– Ủa…bà chị của chị đi đâu? – Tôi nhìn quanh quất khi thấy chị Nghi thản nhiên tra chìa vào ổ khóa.
– Ở trỏng.
Chị hì hục lôi cánh cửa gỗ bị xệ một bên ra rất khó khăn.
Trong cái ánh sáng nhá nhem của bóng chiều tà, tôi kịp nhìn thấy một vật thể gần giống với hình dáng con người đang phủ phục trên nền đất, vật thể lạ đó bắt đầu cử động khi tôi la lên một cái “á” và nó tiếp tục phát ra những âm thanh ư ử nhuần nhuyễn có cung bậc hẳn hoi. Mùi khai nồng xộc lên.
– Đói bụng rồi hả chị Ử? Thắp đèn lên dùm chị chút, em gái. Ui chà, ướt hết quần rồi!
Tôi đánh diêm, cố kiềm đôi bàn tay đang run bần bật của mình. Dưới nắm tóc bạc phơ thả rũ rượi vừa được chị Nghi vén lên là một khuôn mặt nhăn nheo mốc trắng với đôi mắt vô hồn, cái miệng dúm dó há to nhễu nhão với một cái lưỡi đỏ và nhọn thè ra thụt vào theo những tiếng rên ư ử đang phát ra.Chiếc áo cánh bị bật tung nút bày ra một cặp vú như hai trái mướp khô dài thõng thượt.Tuy nhiên,cái nhìn ngây dại của bà cụ lại khá hiền lành và có phần âu yếm làm tôi sớm định thần lại. Chị Nghi lột phăng cái quần ướt của bà ra, lau lau dọn dọn. Sau đó, tôi vội vàng dành phần đi ra nhà sau nấu cơm.
Vườn nhà chị Nghi rộng lớn nhưng thưa thớt cây trái, cây nào còn sống cũng mang vẻ tiêu điều, nhẫn nại. Hàng rào xiêu vẹo chỗ bằng dây kẽm gai rỉ, chỗ bằng cây thuốc dấu. Một cái giếng đá rất to nhưng lại cạn trơ bày ra cả đá sỏi cỏ dại dưới đáy. Dăm tiếng sột soạt nhanh và gọn trong các lùm cây xa xa. Hai, ba đứa trẻ ù té chạy ngang vườn, bên kia hàng rào. Thoáng thấy bóng người, chúng vừa la bài hãi vừa ré lên cười “Bà Ử, bà Ử kìa” làm tôi phải quay ngoắt đầu ra sau.
Cơm được dọn lên trong ánh đèn dầu tù mù. Tôi vừa ăn vừa lấm lét ngó qua bà chị khốn khổ của chị Nghi đang ngồi trên phản một mình, tay cầm muỗng xúc cơm nhai tóp tép như một đứa trẻ. Chị Nghi vui lắm, chắc đã lâu mới có người ngồi ăn cơm chung nên huyên thuyên đủ thứ chuyện không dứt, tôi thì cứ chờ mãi chẳng nghe chị nói năng gì về cái mình cần.
“Ử!” – Bà cụ chìa cái chén cơm bằng nhựa nham nhở vào mặt tôi. Chị Nghi lật đật dành lấy bới cơm, gắp đồ ăn rồi khen bà già rối rít “Giỏi quá, ăn hết chén này nữa nha!”
“Ử!”- Chị Nghi lại bỏ đũa, dìu bà cụ đi từng bước ra phía lu nước ngoài sân. Chị vén ống quần bà lên tận háng rồi ấn bà ngồi xuống tiểu. Chị múc nước rửa ráy, lau mình mẩy rồi cẩn thận đưa bà vào nhà. Trở lại tấm phản, bà cụ lại rên lên như trẻ con vòi vĩnh và chị Nghi à lên một tiếng vui vẻ khá to; chị chui xuống gầm phản lấy ra một cái rổ mây đen thui được cạp lại bằng đủ loại dây, phủi lấy phủi để rồi đưa cho bà cụ. Bà già ôm chầm cái rổ vào ngực, tai áp vào đó như nghe ngóng rồi toét miệng cười sung sướng, sau đó mới ngoan ngoãn ngã mình nằm xuống phản.Tôi cố nhìn vào rổ, chỉ thấy lùng bùng một mớ giẻ vụn, tự hỏi không biết có phải là một ổ chuột con trong đó.
Buổi tối ở nơi đây chấm dứt sau khi mâm cơm đã được dọn dẹp xong. Chị Nghi tấn mùng cho bà cụ rất kỹ rồi dục tôi đi ngủ. Tôi được ưu tiên ở một góc nhà khá kín đáo, nhìn xéo mới thấy cái phản của bà cụ. Chị thổi tắt phụt ngọn đèn giữa bàn, chỉ còn leo lét một đốm lửa xanh như đom đóm trên bàn thờ. Dăm phút sau đã nghe tiếng thở đều đều của chị. Gió não nuột luồn qua kẽ vách, đong đưa những cái mạng nhện phía trên xà nhà. Tôi trùm kín đầu trong cái chăn mỏng, nghe trống ngực mình còn to hơn cả tiếng ễnh ương kêu, thầm trách cao xanh đưa đẩy tôi tới chốn này.
Nửa đêm tôi thức giấc bởi một cơn mưa rào. Tiếng mưa ban đầu nghe róc rách trầm bổng trên mái ngói như dàn hợp xướng, sau, nó khoan nhặt chợt buông chợt dừng y như tiếng nhún nhảy của bước chân chim sẻ. Xào xạc cây lá bên ngoài. Tiếng cánh cửa cót két như đang đóng mở. Rồi, chắc là đang giữa cơn mê, tôi nghe tiếng cười rúc rích, tiếng mút chùn chụt, tiếng chóp chép… của ít nhất là hai đứa trẻ.
“Bà Ử!” – Tôi thầm rên lên rồi trân mình chịu đựng trong bóng tối.
* *
Sáng hôm sau khi thức giấc, việc đầu tiên là tôi nhìn qua cái phản của bà Ử. Mặt trời đã lên cao, nhà trống trơn. Phần cơm sáng được đậy lồng bàn cẩn thận.
Chị Nghi đang dãy cỏ làm vườn, quần xắn tới gối, hai bắp chân khẳng khiu. Thấy tôi chị mỉm cười chỉ vào bàn ăn. Tôi tìm bà “Ử”. Dưới ánh dương trông bà hiền từ như một bà lão nhà quê chính hiệu. Bà đang chơi với cái rổ nhỏ bẩn thỉu của mình, mân mê sờ mó, hôn hít rồi kẹp nách nó và lắc lư người như đang đưa võng theo một khúc ru vô hình. “Ử!”- nghe đầy khoái trá.
– Em đi chợ đây! – Tôi cương quyết dành phần với chị Nghi.
Mọi người mua bán trong phiên chợ hôm đó đều tròn mắt thán phục khi biết tôi từ nhà chị Nghi ra.Tôi đã phải lê la mua mỗi nơi một thứ, cá của bà chị ở cách nhà hai đám ruộng, gia vị nơi mẹ của một một cô nhỏ học trò, ăn một tô bún riêu nguội ngắt và cả một ly chè đậu đen. Sau đó tôi về nhà, thừa dũng cảm để tuyên bố với chị Nghi quyết định ra đi của mình.
Chị Nghi đón tôi ở đầu ngõ, nhìn thật lâu vào mắt tôi. Chị im lặng đỡ cái rổ trên tay tôi rồi đi vào bếp.Tôi lặt rau,chị làm cá. Hồi lâu, chị bắt đầu kể, cái câu chuyện mà tôi vừa nghe từ những người đàn bà trong phiên chợ quê.
Nửa thế kỷ trước, chỗ tôi đang ngồi đây là cơ ngơi của một vị quan Nam triều đứng đầu ở mấy cái làng liền ven sông này, danh gia vọng tộc, quyền uy giàu có nhất vùng. Trong đám cậu ấm cô chiêu thừa hưởng lộc trời có tiểu thư Phương con gái đầu, và tiểu thư Nghi, con gái út.
Dường như đầu mối sự bất hạnh ở các tiểu thư thường bắt đầu từ những chuyện tình oan trái. Phương cũng vậy. Một anh tá điền nào đó đã làm cho cô điêu đứng. Cô bị thân phụ vứt vào một cái chòi tranh giữa vườn hoang, tước đoạt hết mọi nhu cầu vật chất, đày đọa từ thể xác đến tinh thần, hoàn toàn cô độc. Bất chấp tất cả, kết quả tình yêu trong cô vẫn lay lắt ngày một lớn như khát vọng sống của chính cô. Ngày lâm bồn, cô chỉ kịp tỉnh táo để thoáng thấy mặt đứa con trai, sinh linh vô tội bé bỏng lạc loài giữa trần thế để rồi sau đó, mãi mãi chìm vào một giấc mơ mịt mù. Giấc mơ đó đã kéo dài cho đến tận hôm nay, đọng lại vĩnh viễn phút giây hạnh phúc của người mẹ lần đầu tiên được ôm lấy núm ruột của mình vào lòng.
Tôi lạnh người:
– Vậy con chỉ đâu?
Chị Nghi chỉ lắc đầu buồn bã. Cái nhìn của chị và tôi rơi vào cái rổ mây đen đủi của bà Ử.
– Nó thành Cậu Trạng rồi. Hồi đó Cậu về chơi hoài, Cậu đi trên mái nhà rồi trèo xuống cửa sổ, mà Cậu vui lắm chớ không có trách móc hờn giận gì ai đâu. Cậu vén mùng thăm từng người. Cậu nghịch xôi chuối trên bàn thờ.Cậu đòi sắm đồ cho cậu đi học. Hồi đó chị mới tám tuổi. Nghe nói Cậu chỉ được ở trên dương thế có mấy tiếng đồng hồ nên mới hiển linh như vậy…
“Xòa !” – Cái rổ mây đổ văng tung toé. Bà cụ rên lên ư ử, mếu máo bò lồm cồm trên mặt đất, lập cập quơ quào mớ giẻ vụn và cái gối con vừa rơi ra.
– Chị Ử không biết gì về số phận của con mình, và cả mình nữa. Ba ngày sau, khi hay tin thì chỉ cứ như vậy cho đến giờ.
Gần năm mươi năm dâu bể, tôi nhẩm tính; chẳng còn lại gì, chẳng còn ai.
Còn chị, chị Nghi? Tôi rất muốn hỏi như vậy.
* *
*
Hôm sau, hôm sau nữa là một ngày ba mươi âm lịch. Buổi tối, chị Nghi bày bàn giữa trời cúng vong; một bình bông, một dĩa trái cây, một dĩa bánh, một trái dừa xiêm, ba tờ giấy trắng. Chị có nói với tôi là chị cúng Cậu Trạng theo thông lệ từ xưa tới nay, ba tờ giấy trắng là đốt cho Cậu đi học. Chị hướng mặt về phía bắc, thắp nhang khấn vái liên hồi,vẻ sám hối thành kính.
Tôi lui dần vào trong, ra sau nhà lấy ấm nước đang sôi. Ở sân sau, tôi không tin vào mắt mình nữa. Ở đó cũng có một cái bàn nhỏ đang nghi ngút khói hương, bày biện y hệt như cái bàn phía trước nhà, trên đó cũng có ba tờ giấy trắng.
Đêm đó lại là một đêm không ngủ. Sáng ra sân vườn khô ráo không có dấu hiệu của một trận mưa rào, nhưng suốt đêm, tôi nghe tiếng bước chân ríu ran của loài chim sẻ trên mái ngói và những tiếng cười trong vắt xen lẫn tiếng thút thít của trẻ con.
* *
*
Năm đó tôi hai mươi tuổi, chưa có người yêu, lấy làm đau xót cho thân phận đàn bà, oán trách cao xanh cay nghiệt.
Hai mươi năm sau, tôi không sao tìm lại được cảm giác đó. Đọng lại trong tôi là những bức bình phong đổ nát, sau chúng có hai người đàn bà, một khôn một dại nhưng cả hai đều trả giá ngang như nhau…
Mình rất…rất ái mộ văn của bạn !
Hy vọng văn của mình không phụ lòng bạn. 🙂
Mot the gioi tinh chi trong mot chuyen ngan
Cám ơn nhận xét tinh ý của Hoa Cải.
Đọc lần 1 sợ,đọc lần 2 thương
Đúng là cái cảm giác này, sợ, rồi thương. 🙂