Hồi nẵm , ông nội của Hai Vững tham gia phong trào hội kín Nguyễn An Ninh ở miệt 18 thôn vườn trầu Hốc Môn – Bà Điểm .Bễ bạc , ông cậy nhờ tía Bảy Bọ là Cai Tổng Chuột cứu giúp .Thầy Cai đồng ý với điều kiện : ông cải họ Nguyễn sang họ Ôn và đi bạn cho gia đình thầy Cai .
Năm đàng thổ dậy , chúng đốt ghe và chém ông chết .
Ôn Văn Dịch – đứa con trai duy nhất – của ông , sống côi cút một mình . Thương tình , thầy Cai che chỡ và đưa vào phục dịch nhà làng . Một lần , nhân ngày nghỉ chúa nhật , Ôn Văn Dịch tranh thủ qua nhà bà Chín Thiệt cưa và chẻ củi mướn . Trong lúc nghỉ tay xả hơi uống nước , bà Chín Thiệt tâm sự :
– Hồi trước , đất của bà rộng lên tới đầu doi rạch Bà Lý , nhưng rồi , thầy Cai Chuột lấn chiếm lần hồi mất gần hết đất . Giờ còn lại nhiêu đây , sát nách thầy Cai , chẳng biết lúc nào mất sạch .
Bà Chín than , Ôn Văn Dịch mủi lòng !
– Chắc không sao đâu bà !
– ” Dò sông dò biển dễ dò , mấy ai lấy thước mà đo lòng người ”
Bà đứng dậy , chậm rãi bước vô nhà . Ôn Văn Dịch tiếp tục lui cui cưa khúc củi .
Cuối buổi chiều , bà nói nhỏ với Ôn Văn Dịch :
– Thấy con mồ côi , bà thương . Hay là như vầy , bà cũng đơn chiếc , bà muốn gả khu đất vườn nầy lại cho vợ chồng con .
Ôn Văn Dịch không để cho bà nói dứt lời , cắt ngang :
– Nghe bà nói , con mừng lắm ! Nhưng chắc là vợ chồng con không đủ tiền mua , bà ơi !
Bà Chín trấn an :
– Bà biết , nên bà gả rẽ cho .
– Bao nhiêu bà ?
Bà Chín chắc giá : hai mươi đồng bạc Đông Dương .
Ôn Văn Dịch thưa chuyện với thầy Cai về việc mua khu vườn đất của bà chín và vợ chồng xin phép ra riêng . Thầy Cai nằm trên võng lim dim đôi mắt , trầm ngâm . Tức trong bụng nhưng không nói , bởi từ lâu thầy tính kế cướp sạch phần đất còn lại của bà Chín .
Thằng quỷ nhỏ ” kỳ đà cản mũi ” , phá hỏng kế hoạch .
– Tiền đâu hai đứa bây mua ?
Thầy Cai hỏi gặng .
Vợ Ôn Văn Dịch rón rén thốt :
– Dạ ! không dám dấu thầy Cai , tụi con chắt chiu dành dụm mấy năm nay được 8 đồng 7 cắc . Phần thiếu 12 đồng 3 cắc , ông Cả thương hoàn cảnh tụi con , đồng ý lấy quỹ làng cho mượn và trừ dần vào tiền lương của chồng con .
Thầy Cai ngồi bật dậy :
– Cả thương tụi bây , chứ Qua không thương sao ? Vợ chồng bây tệ thiệt . Không mượn Qua , đi mượn quỹ làng để bọn nó cười Qua .
Thầy Cai đóng kịch trách móc , vợ chồng Ôn Văn Dịch sợ xanh mặt .
Hôm vợ chồng Ôn Văn Dịch tổ chức ăn mừng mua được khu đất của bà Chín và ra riêng về nhà mới . Thầy Cai nói nửa chơi , nửa thiệt trong lúc rượu ngà ngà say : rồi đất bên nầy ranh giới cũng là của Qua !
Năm ấy , Ôn Văn Dịch bước vào tuổi 23 , có vợ 4 năm , chẳng thấy tăm hơi đường con cái .
Thời gian êm đềm , lặng lẽ trôi qua !
Ôn Văn Dịch tuy một chữ lận lưng chẳng có , bù lại được cái tính siêng năng , cần mẫn . Nhất là , tin tuyệt đối Cai Tổng Chuột . Sáu Chơi – vợ Ôn Văn Dịch – người phụ nữ có thân hình thon thả , chắc da , chắc thịt , đẹp người … chăm chỉ làm ăn .Sáng chồng đi , có khi tối mịt chồng mới về . Chưa kể những khi Ôn Văn Dịch nhậu ” quắc cần câu ” ngủ bờ , ngủ bụi . Sáu Chơi lắm lúc thui thủi ở nhà một mình , chằm cốp lá dừa nước bỏ mối bán . Trong thâm tâm ,Sáu Chơi thèm có được mụm con để sớm hôm hủ hỉ . Bốn năm trôi qua ,cứ trầy trật hoài chẳng có .
Thỉnh thoảng , lão Cai Tổng Chuột sang nhà nhờ Sáu Chơi nhổ tóc ngứa .Buổi đầu , Sáu Chơi e dè , lo ngại – nhà vắng xa xóm – muốn từ chối ,
sợ mích lòng , không dám . Bằng lòng , rủi bất chợt có ai dòm ngó , thì sao ?Và , nếu lão …
Như nắm được dòng suy nghĩ của Sáu , lão cười hềnh hệch :
– Nè ! Sáu nghĩ Qua bậy bạ phải không ?
Sáu sợ , chối bây bẩy .Lão đến gần Sáu . Sáu run , mồ hôi rịn trán . Lão lấy tay vỗ đầu Sáu .
– Đời Qua không khi nào ăn ở thất đức , tía chồng Sáu , chồng Sáu ,Qua một lòng giúp đỡ . Nhiêu đó , chưa đủ độ Sáu tin Qua ?
Sáu đứng chết trân như trời trồng , toàn thân mất cảm giác .
– Thôi Qua về nha Sáu !
Quýnh quáng , Sáu chạy theo ra sân , nắm tay thầy Cai .
– Thầy trở vô , tui nhổ tóc ngứa cho thầy !
Trước còn giữ ý , giữ tứ . Sau nhiều lượt , nhiều ngày , thầy Cai không tỏ thái độ sàm sỡ , rất tử tế , rất vui … Sáu tự nhiên và dạn dĩ .
Sáu đem chuyện nói cho chồng biết , Ôn Văn Dịch chẳng những không đắn đo , không rầy , mà còn phấn khởi mừng ra mặt .
– Thầy Cai người quân tử , được thầy đến chơi và nhờ mình nhổ tóc ngứa là phúc ba đời nhà ta . Vả lại , tui một họ với thầy , mình đừng dại dột làm trái những gì thầy Cai muốn , hư việc lớn giữa hai gia đình .
Dường như lo vợ chưa hiểu , Ôn Văn Dịch nói tiếp :
– Người ta ngọc ngà , mình thua cục đất . Có đáng gì . Cả làng Trung Hòa ,thầy Cai có bước tới nhà ai đâu ? Mình nhớ chìu chuộng , để tui còn được cất nhắc , nhảy lên ông nầy , bà nọ ; cho bằng chị , bằng em .
Được chồng cởi mở tấm lòng . Từ đó , Sáu vững bụng , yên tâm .Sáu nhổ tóc ngứa bằng hột lúa và lấy ngón tay quào quào lên chỗ nhổ khiến lão phê phê vì đã ngứa . Mỗi lần như vậy , lão thường kể chuyện đời xưa , đời nay ; chuyện trên trời , dưới đất ; chuyện tiếu lâm … mắc cỡ muốn chết , cười cũng muốn chết . Riết rồi , Sáu Chơi đâm ra ghiền nghe chuyện và nhớ cái hơi hướm của lão . Thật ra , có lão cũng đỡ buồn , có tiếng cười hết cỡ của Sáu Chơi và của lão cũng ấm nhà , ấm cửa . Đôi ba ngày lão không sang , Sáu Chơi tự dưng nóng ruột , trông đứng , trông ngồi …
Cai Tổng Chuột đang sử dụng ” tâm công ” kết hợp ” kế quỷ ” , để cưỡng đoạt khu vườn mà trước đây , Ôn Văn Dịch đã mua của bà chín Thiệt . Muốn vậy , lão phải ” lao tâm , khổ tứ ” thực hiện cho được âm mưu ” quà quạ nuôi con tu hú ” .
Cái bụng Sáu Chơi là phương tiện giúp lão đạt cứu cánh . Lão thừa hiểu , tất cả đều quy về một mối : niềm tin !
Muốn có niềm tin vô hạn , phải triệt tiêu trí tuệ , đẩy mạnh bản năng ,dùng bản năng đánh sập trí tuệ , dùng duy cảm trấn áp duy lý … Và , một lập trình xảy ra : niềm tin – đức tin – cuồng tín thì con người hy sinh , dâng hiến – kể cả mạng sống của mình – Lão tự kềm chế dục tính , lời lúc nào cũng như mật rót vào tai , lão chăm sóc và cho tiền Sáu mua sắm đồ đạt trong nhà … không điều kiện .
Lão biết Sáu như cá đã cắn câu , sau một năm cận kề , gần gủi nhổ tóc ngứa cho lão . Lão chậm rãi , từ từ không vội giựt cá . nhợ buông lõng , cá nuốt mồi lẫn lưỡi câu càng sâu thì hậu quả về sau lưỡi câu càng phá nát tâm can , nội tạng của cá .
Y như rằng , nhiều đêm Sáu nằm bên chồng mà cứ nghĩ đến lão .
Nhà Sáu nghèo , khi đi lấy chồng không có của hồi môn . Từ nhỏ tới lớn , không ai tốt với Sáu bằng lão , cái gì Sáu thiếu , Sáu muốn ,lão sẵn sàng giúp . Ơn sâu , nghĩa nặng , lấy chi đền đáp ? Mà có chi đáng giá đền đáp ? Sáu muốn làm vừa lòng cho lão vui ,nhưng chẳng biết làm sao để lão vừa lòng ? Chưa bao giờ lão cọ quẹt , đụng chạm thân thể Sáu – dù vô tình – lão đường hoàng hơn những người đường hoàng . Sáu hoàn toàn tin cậy lão .Suy đi , nghĩ lại , chỉ có tấm thân Sáu là đáng giá . Hay là …
– Nầy Sáu ! Qua hỏi thiệt sáu nha !
Sáu dừng tay nhổ tóc ngứa .
– Dạ ! Thầy Cai hỏi con chuyện gì ?
Thầy Cai tằng hắng , lấy giọng :
– Qua nghe nói tháng sau , thằng Dịch nó đưa Sáu lên chùa Bảy Núi để cầu tự phải không ?
Sáu đem nỗi lòng mình tâm sự cùng lão và không biết từ lúc nào , Sáu nằm gọn trong vòng tay ấm áp của lão .
– Sáu , em muốn có con với Qua không ?
Hai gò má Sáu đỏ bừng , toàn thân nóng hừng hực .
– Dạ … c…on … em muốn lắm …
Cái khoảnh khắc cảm giác thăng hoa , cứ thênh thang sải bước vào tận đáy tâm hồn Sáu !
– Sáu ơi ! Đây là đứa con cầu tự , nhớ nha em !
Trời hanh nắng vàng trải trên đầu ngọn lúa , sau cơn mưa chiều .Sáu chưng diện bảnh , mái tóc láng mướt thơm phức dầu dừa ,mặt mày tươi rói .
– Thầy Cai ơi ! tui có thai .
Lão không mấy ngạc nhiên , đầu lão gối lên bắp đùi , mặt úp vào bụng Sáu và cười rúc rích :
– Thì Qua đã nói rồi , chỉ có Qua mới đủ sức giúp Sáu thỏa mãn và toại nguyện . Mình có con với nhau , đó là ý trời !
Hai tay lão quàng lưng ôm eo ếch Sáu .
– Em thưởng Qua cái gì nào ?
Sáu cuối xuống hôn chùn chụt trên môi lão
– Thầy Cai của em quỷ thiệt !
Biết vợ mang bầu , Ôn Văn Dịch vui như tết , chạy qua
Cai Tổng Chuột báo tin :
– Thầy Cai ơi ! tui sắp được làm … tía !
Lão nhướng đôi mày , cười như bí hiểm .
– Chúc mừng ! Qua chúc mừng !
Như sực nhớ điều gì , lão quay vào nhà , rồi trở ra .
– Mà nầy , Qua nghe nói vợ chồng bây lên Bảy Núi cầu tự . Nay có kết quả , chú mầy cũng liệu đưa vợ trở lại chùa để bái tạ Phật Trời .
Rồi lão hạ thấp giọng , nói vừa đủ nghe :
– Linh thật ! linh thật !
Ôn Văn Dịch gật gù đồng thuận :
– Linh thật ! linh thật !
Lão vỗ vai và nhét tiền vào túi Ôn Văn Dịch . Dặn đi , dặn lại :
– Nhớ dùng tiền Qua cho làm lộ phí và lên chùa cúng dường .
Tội nghiệp , Ôn Văn Dịch không biết mình đang nuôi con Tu Hú !
Chiến tranh về làng Trung Hòa .
Sáu đi chợ sớm giao mối lá chằm , đạp nhầm lựu đạn do lính đồn Cây Quéo gài chưa kịp gỡ . Sáu chết khi thằng Hai Vững mới 3 tuổi .Ôn Văn Dịch gà trống nuôi con !
Phong trào Việt Minh chống Pháp nổi lên khắp nơi .
Cai Tổng Chuột bị dân trong làng bắt và giết . Hai tía con Ôn Văn Dịch bồng bế nhau tản cư . Sau Hiệp Định đình chiến , dắt díu trở về khu vườn cũ .
Thằng Hai Vững ngủ mớ , trở mình . Ông thức dậy , vấn thuốc rê hút .Đầu óc dãn ra , nghĩ xa , nghĩ gần , sợ rằng : vật đổi sao dời … Biết đâu một lúc nào đó , họ Ôn dùng tiền bạc và thế lực xâm lấn và cưỡng chiếm vườn đất của mình thì sao ? Mình có chết đã đành , tội thằng Hai Vững ở lại sẽ không có cục đất chọi chim . Tuổi càng cao ,
ông càng hiểu rõ bản chất cướp đất với ” mưu ma , chước quỷ ” của tía con Cai Tổng Chuột .
Ông quyết định đào kinh phân định ranh giới đất .
2.
Ôn Văn Bọ – con trai – của Cai Tổng Chuột , được ban hội tề và cấp trên cất nhắc lên chức Xã Trưởng . Đồng thời , là người thừa kế toàn bộ điền sản của dòng họ Ôn .
Nghe xong kế hoạch đào kinh phân ranh đất của Ôn Văn Dịch ,Xã Trưởng Bọ trong bụng như mở cờ . Từ lâu , Bọ muốn trồng cây lấn ranh chiếm đất , nhưng không có cớ trồng một cách hợp lý , hợp tình để ngày sau hợp pháp hóa . Bây giờ , Ôn Văn Dịch dẫn xác tới , đúng là ” ma đưa lối , quỷ dẫn đường ” .
Xã Trưởng Bọ làm bộ mặt hầm hầm giận dữ , đứng dậy vỗ bàn :
– Việt Cộng xúi làm loạn , phải không ?
Nghe mấy tiếng ” Việt Cộng xúi làm loạn ” , Ôn Văn Dịch sợ ” xanh đít khỉ , muốn té đái trong quần .
– Dạ thưa ông Xã Trưởng hỏng có , hỏng có !
Ôn Văn Dịch chưa hoàn hồn , Xã Trưởng Bọ dịu giọng :
– Nói thì nói vậy thôi , tui không giúp anh thì giúp ai . Ông già lúc còn sanh tiền , thường dặn dò tất cả anh em nhà tui phải hết long với anh . Mình cùng một họ Ôn mà !
Ôn Văn Dịch nghe bùi và đã cái lỗ tai .
Xã Trưởng Bọ ân cần mời trà , mời thuốc Ôn Văn Dịch . Hai anh lúc đăm chiêu , lúc cười tâm đắc . Cuối cùng cả hai đi đến nhất trí : Bọ đồng ý cho Ôn Văn Dịch đào kinh phân định ranh đất kéo ra nối rạch Bà Lý . Đổi lại , Ôn Văn Dịch đồng ý cho Ôn Văn Bọ trồng cây dừa nước suốt tuyến kinh để chống sạt lỡ . Xác định ranh giới là cây dừa nước . Đồng thời , ở trên bộ – đường ranh đất – tiếp
giáp phía Tây , Ôn Văn Dịch phải cho Ôn Văn Bọ trồng tre . Xác định ranh giới là hàng tre .
Vì từ đời cha đến đời con lệ thuộc – thâm căn cố đế – và
hiện tại hoàn toàn yếu thế , Ôn Văn Dịch ngậm bồ hòn làm vui ,nhân nhượng và chịu thiệt .
Mọi việc được Ôn Văn Bọ viết ra giấy trắng , mực đen , thành tờ giao kèo đôi bên cam kết . Dốt chữ , Ôn Văn Dịch điểm chỉ vân tay làm bằng .
Hai gia đình từ đó , giữ hòa khí , hữu hảo như xưa .
Một hôm , thằng con trai lớn – Hai Sâu – của Bọ , hỏi tía :
– Tiá trồng dừa nước , trồng tre chi mà tối om cả vườn nhà mình ? Đốn bỏ bớt đi tía .
Nghe thằng Hai Sâu hỏi , Bọ mỉm cười :
– Đó chẳng qua là ý nguyện ông nội của con , tía thực hiện theo thôi .Sau nầy , khi tía mất đi , con mới hiểu vì sao ?
Bọ không quên nhắc nhỡ thằng con :
– Đừng ăn hiếp và chơi kèo trên với thằng Vững nha ! Nó một giống ,một dòng cùng con đó !
Để tre nẩy măng qua đất Ôn Văn Dịch , Xã Trưởng Bọ cho đào đường mương sâu phía bên đất nhà . Thời gian chính là yếu tố quyết định cho kế sách ” tre nẩy măng ” .
Tre ngày càng phát triển , măng ngày càng nẩy ra .Xã trưởng Bọ cắt măng đem cho khắp xóm .
Cây dừa nước phát triển nhanh . Chưa tới 20 năm , mà nó de ra hơn nửa mặt kinh , xuồng ghe qua lại rất khó .
Dân nghèo trong xóm , trong làng , sử dụng toàn bộ cây dừa nước : xé lá hoặc chằm cốp lợp nhà , bập dừa chẽ làm lạt và giúp sắp nhỏ tập bơi . Trái dừa nước tách lấy cơm dừa ăn tươi , làm rau câu hay nấu chè cúng Phật .
Bà con lối xóm ăn măng tre , tận dụng cây lá dừa nước trở thành thói quen và gần như đó là , một nguồn lợi được Xã Trưởng Bọ ban phát .
Trước tình hình phức tạp , nhiều lần Ôn Văn Dịch trao đổi và xin Bọ cho đốn phần tre , phần cây dừa nước lấn kinh , lấn đất . Lần nào , Bọ cũng đem cái nghĩa cùng họ , cái tình ý ” môi hở răng lạnh ” , ” bán bà con xa , mua láng giềng gần ” … khéo léo từ chối .
Cũng có lúc hai gia đình ” cơm không lành , canh không ngọt ” , Bọ lu loa , kể lễ hơn Tào Tháo : nào là đời trước chí tình cưu mang giúp đỡ , đời sau đùm bộc hết lòng . Đến cái họ hiện tại của Ôn Văn Dịch cũng là họ dòng tộc nhà mình ban cho … Những lần như vậy ,Ôn Văn Dịch như nuốt phải gân gà Dương Tu , nhả không xong ,nuốt không xong , lủi thủi bỏ về lặng lẽ .
Rồi tre nẩy măng cứ nẩy , dừa nước de ra kinh cứ de .Một bộ phận bà con trong xóm được hưởng lợi từ măng tre , cây dừa nước , nên im lặng hoặc hùa theo Bọ .
Trong gia đình Ôn Văn Dịch , không thống nhất quan điểm trước sự kiện đất bị xâm lấn . Người kiên quyết đấu tranh , kẻ ” dĩ hòa vi quí ” và thậm chí có ý kiến rằng : nếu nhượng một chút ít đất cho Bọ , để đổi giữ hòa hiếu giữa hai gia đình như xưa thì cũng được lắm chứ !
Làm căng nhau , chỉ có lợi bọn xấu bên ngoài ( ? )
Xét cho cùng , cũng là họ Ôn cả .
Ôn Văn Dịch nuốt uất ức vào lòng . Bởi ông biết dòng tộc mình chẳng phải họ Ôn và cái âm mưu chết tiệt kia , có từ thời Cai Tổng Chuột .
Đời người như áng mây trôi ! Theo thời gian , Ôn Văn Dịch và Ôn Văn Bọ lần lượt về với ông bà .
Và , việc tranh chấp ranh đất vẫn còn nằm chình ình ra đó .
3.
Hòa bình !
Từng hộ gia đình tiến hành kê khai và đăng lại diện tích đất đai , điền thổ , theo thông cáo của chính quyền mới .
Ôn Văn Sâu – tên gọi Hai Sâu – con trai Xã Trưởng Bọ , ngồi rung đùi uống rượu một mình . Hai Sâu tắm tắc khen thầm , ông già lúc sinh thời – coi lù khù – vậy mà độc thiệt . Có lẽ , trong cuộc đấu tranh sinh tồn , người ta lấy cái thâm làm phương tiện thực hiện cái ác và cái ác , giúp đạt được mục đích chiếm hữu vạn vật ?
Bề ngoài dòng họ Ôn sống duy cảm , đạo đức để dấu những mưu mô , xảo quyệt bên trong . Ông nội và tía thường dạy : cái áo không làm nên thầy tu , nhưng nó có thể làm mù thiên hạ !
” Kê khai và đăng ký lại đất đai , điền thổ ” …Hai Sâu cười khanh khách :
– Cái ta mong , không cần chạy rong cũng đến . Đây là thời cơ có một không hai , giúp ta cưỡng chiếm một phần đất … mà cũng có thể , thâu tóm luôn khu vườn đất của Ôn Văn Vững , quy về một mối .
Hai Sâu ngã lưng ra sau ghế , rít một hơi thuốc lá thật sâu , nhả khói bay vòng tròn chữ O , cuộn tròn … cuộn tròn … như cuộn tài sản người khác về tay mình .
– Tuyệt ! tuyệt !
Hai Sâu tự sướng !
Ở nhà quê , tháng mười chưa cười đã tối . Hai Vững nằm trên chiếc chõng tre , lăn qua lộn lại không ngủ được . Hai nghĩ : trăm cái lýkhông bằng một tí cái tình , dù gì thì mình với Hai Sâu và gia đình cũng là chỗ thân tình nhiều đời , cùng họ , sống cận kề nhau , nên năm lần bảy lượt , Hai chịu nhục , nhịn nhường để giữ hòa khí đôi
bên . Càng chịu nhục , càng nhịn nhường , Hai Sâu càng lấn tới , càng ngang ngược .
Nhớ hôm đám tang của tía – Ôn Văn Dịch – thay vì Hai Sâu đến chia buồn và thắp nén hương tiễn người quá cố . Đằng nầy , Hai Sâu đến gây sự và làm áp lực việc tranh chấp ranh đất . Hai Vững nan nỉ thiếu điều muốn lạy , Hai Sâu mới chịu ra về .
Nguy hiểm hơn , đến nước nầy , vợ con Hai Vững xào xáo , tranh cãi và chia rẽ trầm trọng . Bà vợ trách ông :
– Tui cảnh báo lâu rồi , ông có nghe đâu . Nước tới chưn mới nhảy .
Thằng Bạo – trai trưởng – té nước theo má :
– Giờ thì nước tới háng mới nhảy !
Nghe má và anh Hai xỉa xói tía , Út Hén buông rỗ rau đang hái dỡ ,nhảy vô bênh tía :
– Nước tới háng mới nhảy , nhưng tía sẽ nhảy cú đẹp .
Thằng Cúi – trai thứ ba – mặt lỳ lịch , da tai tái , nói chầm chậm :
– Khi nhà mình cần thứ gì đều nhờ cậy chú Hai Sâu . Rắc rối trong
nhà ngoài ngõ cũng xin ý kiến chú Hai … Bây giờ đụng chạm quyền lợi một tí , cả nhà muốn ” phản thùng ” coi sao được .
Im lặng . Không gian buổi chiều như nghẹt thở . Thằng Cúi nói tiếp :
– Theo tui , chẳng có gì mà làm ầm ỷ ! Chuyện tranh chấp ranh đất đã xảy ra từ thời ông nội , không có gì mới (?) . Chỉ cần cả nhà ngoan ngoãn nghe lời của chú Hai Sâu , mọi chuyện sẽ ” êm ru bà rù ”.
Một họ Ôn với nhau , chút ranh đất thấm tháp gì ? Cần thì , ta giao luôn đất đai cho chú Hai quản , miễn chú bảo bộc và nuôi gia đình mình là được rồi .
Út Hén lắng nghe anh Ba nói mà sôi trong bụng . Tại sao anh nỡ buông những lời phản trắc , độc địa như vậy ? Hay là …Út Hén không dám nghĩ tới …
Ông Hai Vững , thừa biết lòng dạ từng đứa con của mình !
Đêm về khuya , trời se lạnh . Tía má và Út Hén còn ngồi bàn bạc chuyện nhà . Đánh âm mưu lấn chiếm đất của Hai Sâu , bây giờ hoặc không bao giờ .
Ông Hai Vững kể toàn bộ sự việc gia đình từ thời ông cố , ông nội đến bản thân ông cho vợ và con gái biết . Rồi ông thở dài :
– Ông cố , ông nội con Út , đích thị họ Nguyễn . Thời cuộc tao loạn và nhiễu nhương , nên phải dựa họ Ôn thay tên , đổi họ mà sống .
Ông nghẹn lời , dừng giây lát . Út nóng ruột :
– Tía thì sao ?
– Tía chính thức họ Ôn , không họ Nguyễn . Tía con Tu Hú chứ chẳng phải con của Qùa Qụa . Tội nghiệp ông nội Ôn Văn Dịch !
Út Hén chen vào :
– Tội nghiệp bà nội nữa chứ tía !
Má Út Hén nghe qua câu chuyện , như người trên trời rớt xuống :
– Ở với mình mấy chục năm , đẻ cho mình 3 đứa con , tui có biết gì đâu . Thương dòng họ mình quá !
Được vợ con đồng cảm , ông huỵch tẹt việc Ôn Văn Sâu khống chế và rún ép trong vấn đề tranh chấp ranh đất . Hai Vững bị Hai Sâu bắt bài : má Vững lấy ông nội Hai Sâu đẻ ra Vững – theo vai vế – Hai Vững là chú ruột Hai Sâu , em cùng cha khác mẹ với tía Hai Sâu .
Có lần Hai Sâu nói thẳng với Hai Vững :
– Chẳng lẽ chú , cháu đập đầu nhau giành đất ? Hay chú muốn cháu lật bài tẩy thân thế chú trước bàn dân thiên hạ ?
Má Út Hén chép miệng :
– Thật là , oan gia nghiệp chướng ! Trời Phật , Thánh Thần đâu không
cứu khổ , cứu nạn người ngay ?
Út Hén rót cho tía tách nước trà , nói như giảng giải :
– Ông Trời , ông Phật cho người ta phần tâm hồn , phần xác thì bỏ mặc .Phần xác mới là phần cực kỳ quan trọng . Yêu thương nhau cho cái ăn , cái mặc ; không cho cái ăn , cái mặc , sao gọi yêu thương ?
Má Út Hén đâm ngang :
– Thì đó , ông bà thường nói : miếng ăn là miếng tồi tàn , mất ăn một miếng lộn gan lên đầu !
Út Hén nói tiếp :
– Thần , Thánh ? Thần thì nhiều , Thánh hiếm hoi ! Đức cao trọng vọng mới mong được Thánh , người đời gọi Thánh Đức . Thần cần có ít nhiều phù phép , người đời gọi Thần thông . Mà tía ơi , Trời Phật hay Thánh đức , Thần thông , cũng không ngăn nổi cái gien họ Ôn đi cướp
đất thiên hạ . Chỉ có tía mới cứu được tía và dòng tộc họ Nguyễn thoát Ôn , trở về cội nguồn và giữ đất của ông cha để lại .
– Nhưng tía lo sợ …
– Tía sợ cái gì ? Sự thật hoàn toàn thuộc về tía và sự thật ấy , tự nó chống lại âm mưu , hành động lấn ranh , chiếm đất của dòng họ Ôn từ xa xưa , chứ đâu đợi đến bây giờ .
Má Út Hén chen vô :
– Con nó nói phải đó ông !
Nghe vợ nói , ông quay sang con gái út :
– Thiệt tình , tía chẳng biết tính sao để đối phó với Hai Sâu .
Út Hén bày kế :
– Sáng mai , tía họp anh Hai Bạo , anh Ba Cúi , nói rõ sự thật và những uẩn khúc giữa dòng tộc mình với dòng tộc họ Ôn , giữa ranh giới đất hai bên và âm mưu thâm độc của Hai Sâu trong vấn đề xâm lấn đất . Gia đình mình phải đoàn kết , thống nhất , tránh tình trạng” trống đánh xuôi , kèn thổi ngược ” .
Tía Út Hén băn khoăn :
– Anh Hai mầy thì được rồi , tía chỉ ngại anh Ba mầy.Không khéo nó thông tin cho thằng Hai Sâu biết , rắc rối to .
Út Hén giọng tin tưởng :
– Tía đừng ngại . Nói cho cùng , anh Ba cũng là xương thịt do tía má tạo ra , tận đáy lòng của anh ấy , vẫn lắng đọng hình bóng tía má .
Anh Ba ngã theo Hai Sâu , vì Hai Sâu mua chuộc và cho anh ngậm bồ hòn . Nhả bồ hòn , tự khắc anh quay về gia đình . Điều đó , chắc chắn Hai Sâu không nghĩ tới .Sương đêm là đà ngọn cây trong vườn , bất giác Hai Vững rùng mình .Út Hén say sưa nói :
– Bà con lối xóm họ bảo với con : ai mà không biết họ Ôn trồng tre nẩy măng , trồng dừa nước lấp mặt kinh để ngày sau chiếm đất . Nghiệt là tía bây họ Ôn , thằng Hai Sâu họ Ôn , dòng họ tranh giành , người ngoài cớ gì xía vô . Tía mầy phải la làng thì làng mới cứu . Sao không lôi cổ nó ra tòa , chí ít thì cũng phải đưa ra đoàn thể phân định đúng sai và hòa giải .
Má Út Hén ủng hộ ý kiến con gái :
– Nước đến háng rồi ông ! Hãy dũng cảm nhảy cú đẹp cho chòm xóm và má con tui coi !
Tiếng gà gáy rộ trong xóm . Trời sắp sáng .
Như ngộ ra điều gì , Hai Vững cười phá tan đêm tối :
– Vứt mẹ cái họ Ôn vào sọt rác !
CTH viết rất thời sự mà thâm thúy
Em cảm ơn Ca Dao đã dành thời gian đọc ” Chuyện nhà Hai vững ”.
Viet rat hay Chỉ tiếc nhịp điệu truyện đều đều, thiếu những cao trào để tạo thành giọng điệu.
Em ghi nhận và khắc phục những lời anh Hùng nhắc nhở .
Cảm ơn anh ,
Tính cách bộc trực , thẳng thắn của nhà văn .
Cháu mừng gặp chú Định .
Mong chú khỏe .
Viết hay,nhưng lồ lộ quá,kín đáo tí nữa thì càng giá trị hơn
Cảm ơn anh nhắc nhở , em sẽ khắc phục .
Việc từ ngữ được đưa vào dạng “sai chính tả” thì có rất nhều kiểu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, có một số nguyên nhân cơ bản sau:
Lỗi sai cơ bản như cách sử dụng nguyên âm, phụ âm… thì do một số nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan như lâu ngày dùng quen rồi nên khó sửa hay do cách phát âm của địa phương ảnh hưởng…
Em sẽ cố gắng tránh những lỗi không đáng có .
Cảm ơn anh .
Tội nghiệp admin !Như em thì em đóng cửa trang web đi chu du cho sướng
lyly ơi ,
Chuyện không có gì , thế mà làm ầm ĩ !
” con nhỏ Hoàng ” bỏ dấu bậy bạ quá ! Em rút kinh nghiệm .
Cảm ơn lyly ,
Ut Hoang oi,
Cai dieu nay chac chi cung het dam gui bai vi chi cung la dan dot chinh ta (te hon cung) noi tieng. Lyly noi co ly, toi nghiep SauNau thiet tinh.
May luc sau nay chi so qua nen viet toan khong bo dau khong hà, vay cho chac an, hi hi..
Vấn đề chính tả không phải là không quan trọng – rất quan trọng –
người viết cần cẩn trọng khi viết và nhất là sau khi đọc lại .
Nhưng đó là ” tiểu tiết ” , vì có ” thầy cò ” .
Có lẽ điều đáng tiếc : Trang XN thiếu ” thầy cò ” .
Cao Thị Hoàng đừng ngài gì chuyện ” tiểu tiết ” hay chuyện ngôn ngữ
đàn bà , đàn ông . Cốt cách là Hoàng viết cái gì ? Viết cho ai ? Tại sao cầm bút
khi cuộc sống theo từng giọt mồ hôi nhỏ trên đồng ruộng để kiếm cái ăn cái mặc ? …
Tôi rất cảm thông và trân quý những mặt hạn chế của CTH .
Cảm ơn chú Dy .
Sai chính tả : lỗi tại tôi ! lỗi tại tôi , mọi đàng !
Xin đừng trách … đây là cuộc chơi , mà theo em – chơi là phải vui –
không vui , dứt khoát không chơi .
Một lần nữa , cháu cảm ơn chú .
Mấy ông anh cũng thông cảm cho em nó,mới lớp 9. Viết được như vậy là giỏi quá trời .
Cảm ơn anh thương ” con nhỏ Hoàng xứ ruộng ” mà châm chước .
Dù sao , em cũng phải cẩn trọng trong vấn đề lỗi chính tả .
Lịch sử đã từng để lại biết bao nỗi đau từ ” lỗi chính tả ” , hậu quả : chiến tranh !
Hay
Em cảm ơn anh Trần Thức .
Cao hiền muội xây dựng một cốt truyện thâm thúy . Đã có cai Chuột,nếu tác giả xây dựng thêm một nhân vật Trùm Mèo nữa thì tuyệt cú mèo .
Em cảm ơn anh Lương Viết Khiêm .
Viết chắc tay và thanh hơn khi mô tả “chuyện ấy “
Em cảm ơn himlam .
Tryện ngắn có cái để đọc
Vâng , có cái để đọc , anh Thanh Minh ơi !
Mình thấy ngay trên báo TN,TT cũng sai chính tả hà rần,thống kê của chính bộ giáo dục thì tỉ lệ giáo viên văn viết sai chính tả cũng lên đến bảy tám
chục phần trăm. Trong văn chương mạng sai chính tả càng nhiều,dấu nọ nằm kề dấu kia,bấm sơ ý một tí hỏi biến thành ngã ngay.
Trách CTH cũng tội cho cổ,nhưng điều bạn ND góp ý là đúng,admin xunau.org nên tìm cách biên tập kỹ trước khi xuất bản là ổn
Anh Sông Hà Thanh ơi ,
Anh chị góp ý rất đúng . Em sẽ thận trọng và cố gắng viết đúng chính tả .
Cảm ơn anh .
Viết độc đáo,nhất là thủ pháp chuyện nọ xọ chuyện kia
Cảm ơn anh Thanh Quang .
Chào Chị Cao thị Hoàng!Chuyện nhà chuyện cửa chuyện đất đai!Chuyện” dây mơ rễ má” dằng dai!Chuyện sâu bọ mùa màng phá hại..Chuyện canh nông ít vốn phải vay!Nợ nhà nước-không khả năng ”xù”chạy!..Chuyện Nhà Hai Vững.. Cũng bền gan chịu đựng việcbám đất..Nghĩ cũng không đến nỗi tệ hại?Thường đất phải có chủ quyền ,đứng tên chủ đất.Nếu không có ..Vậy là đất hoang ,sung vào công quỷ nhà nước là..Xong ngay!Có gì mà lo ngại?Nhưng ở đây có người giữ giùm đất..Thiệt may?
Cảm ọn aitrinhngoctran có những lời nhận xét .