Tạp Bút
Trần Minh Nguyệt
NHÀ THƠ LỚN XUÂN DIỆU – người con thân yêu của xứ Vạn Gò Bồi, Tùng Giàn – Phước Hòa, Tuy Phước đã vĩnh biệt chùng ta thấm thoát đã 26 năm ! 26 lần tôi được dịp về đây – nơi căn nhà lưu dấu kỷ niệm cuộc đời và sự nghiêp thơ ca của Ông – để dâng nén tâm hương tưởng nhớ Ông trong nỗi thương tiếc, ngậm ngùi!
Gần 70 năm có mặt với đời, và hơn nửa thế kỷ hiến dâng sự sống cho thơ ca – nhà thơ Xuân Diệu đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp nghệ thuật to lớn, và một niềm tự hào sống mãi với Quê Hương. Với 6 tác phẩm được xuất bản, hơn 470 bài thơ đã được giới thiệu- nhà thơ Xuân Diệu đã quặn lòng qua bao nỗi xúc động, đã thở vào thơ bao nhịp đập của trái tim Yêu Thương hồn nhiên và cuồng nhiệt, và đã nhỏ xuống trang thơ bao dòng nước mắt vì Quê Nhà và Dân Tộc…
Nhà thơ Hàn MặcTử lúc sinh thời đã gởi tặng cho nhà thơ Xuân Diệu tập thơ đầu tay của ông, với lời ghi tặng như sau: “ Tôi gởi tặng Anh tập thơ của tôi, vì đọc thơ Anh tôi thấy nỗi đau của tôi được xoa dịu nhiều lắm! “. Nhà văn – nhà nghiên cưu văn học Hoài Thanh cũng đã viết về Xuân Diệu gần nửa thế kỷ trước trong tác phẩm “ Thi Nhân Việt Nam “ : “ Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới; nhà thơ đại biểu đầy đủ nhất của thời đại “ . Gần đây, học giả người Nga – ông Marian Tcasep cũng đã nhận định: “ Xuân Diệu khác với các nhà thơ khác ở chỗ thơ Anh thực tế, duyên dáng và nhạc điệu du dương, thánh thót. Trong thơ Xuân Diệu là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trữ tình và tính công dân cao cả! “. Nhà thơ Xuân Diệu đã rất xứng đáng được các viện sĩ viện hàn lâm nước cộng hòa dân chủ Đức bầu là “ Viện sĩ thông tấn viện hàn lâm nghệ thuât nước CHDC Đức “ vào năm 1983, và vinh dự nhận lãnh danh hiệu cao qúy nhất của văn học nghệ thuật năm 1996 : “Huân Chương Hồ Chí Minh”
Suốt cuộc đời gắn bó với Thơ với bao đổi thay của vận nước – nhà thơ Xuân Diệu vẫn luôn trài lòng hiến dâng cho Tình Yêu, ca ngợi cuộc sống, niềm vui và đam mê sống. Viết về Tình Yêu – là nhà thơ đã ca ngợi tuổi trẻ, ca ngợi mùa Xuân, ca ngợi thiên nhiên – bởi chính đó là tổ ấm, là cái nôi của Tình Yêu dành cho đời người:
“… Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẻ, thật êm
Hôn êm đềm – mãi mãi
…Anh không xứng là biễn xanh
Nhưng cũng xin làm bể biếc
Để hát mãi bên gành
Một tình chung không hết “
( Biển )
Trong bài thơ “Tình Thứ Nhất “, nhà thơ Xuân Diệu đã từng khẳng định:
“ Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất
Anh cho em, kèm với một lá thư
Em không lấy – và tình ta đã mắt
Tình đã cho không lấy lại bao giờ “
Và chúng ta hãy lắng lòng nghe nhà thơ tâm sự như lời trần tình thẳm sâu tận đáy lòng mình qua bài “ Vì Sao “ :
“ …Rồi một ngày mai tôi sẽ đi
Vì sao? Ai nỡ hỏi làm chi
Tôi khờ khạo lắm, ngu ngơ qúa
Chỉ biết yêu thôi – chẳng hiểu gì “
Nhà thơ Xuân Diệu đã rất hồn nhiên với “ tình đã cho không lấy lại bao giờ “ và quá đổi chân thành trước cuộc sống “ Chỉ biết yêu thôi, chẳng hiểu gì “ . Qua 3 biến đổi trong đời thơ của Xuân Diệu – nhưng chúng ta vẫn luôn nhìn thấy dòng thơ Ông mãi mãi là nổi khát khao mảnh liệt đến với cuộc sống, luôn hòa nhịp giao cảm với đời – làm nên những trang thơ bất tuyệt sống mãi với Quê Nhà và Tình Người!
Tấm lòng thiết tha cao khiết ấy đã thể hiện rõ nét trong bài thơ Ông viết sau 30 năm được trở lại Quê Ngoại :
“ …Ôi biển Qui Nhơn, biển đậm đà
Thuyền đi rẽ sóng, sóng viền hoa
Cám ơn quê má muôn yêu dấu
Vẫn ấp yêu hoài tuổi nhỏ ta “
Và quê Mẹ Gò Bồi, Tùng Giản, Tuy Phước đã sống mãi trong thơ Ông với tuổi thơ dong ruổi đó đây, với bao kỷ niệm đằm thắm ngọt ngào bên Mẹ không bao giờ quên:
“ …Buổi chiều trong bếp nấu cơm
Má đang lặt rau, lửa nhè nhẹ cháy
Một buổi chiều trong vườn sạch lá
Đất còn mang dấu chổi quét ban mai “
Bài thơ “ Đêm Ở Tuy Phước “ là một trong những bài thơ viết về Quê Nhà hay nhất của Ông : Tuổi thơ, kỷ niệm, hòai vọng, ước mơ đã ùa về trong Trái Tim nồng nhiệt thương yêu của Ông như bao đợt sóng thân thương của xứ Van Gò Bồi thuở nào ngày đêm vẫn rì rào mời gọi :
“ Đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ
Những con dế cùng tôi thức suốt năm canh
Thức những ngôi sao, thức những bóng cành
Đêm quê hương thương cái hương của đất
…Ngủ không được bởi gió nồm từ biển lên cứ nhắc
“ Trọn mình anh đã nằm giữa lòng tôi
Khi má anh sinh ra
Anh dã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi
Nên thơ anh tới giờ vẫn còn đậm đã thấm thía “
… Đêm ngủ ở Tuy Phước để mà không ngủ
Thức với quê hương như vậy đã vừa đâu
Xin thơ ta được thức mãi về sau
Với Tuy Phước, ngày nào còn đất nước “
Sau những năm tháng đất nước được hoàn toàn thống nhất – dường như nhà thơ Xuân Diệu đã dành trọn thời gian viết về quê nhà, viết về Miền Nam, để khơi dậy những tình cảm, những kỷ niệm sâu sắc đã từng được ấp ủ, thao thức của mình. Đó là những hình ảnh đã được Ông chắt lọc qua nhiều năm tháng, để chỉ còn lại những gì thực sự là máu thịt, là rung động cho thơ.
Ông đã tâm sự:
“ Hãy để cho tôi được giả từ
Vẫy chào cõi thực để vào hư
Trong hơi thở chót dâng trời đất
Cũng vẫn si tình đến ngất ngư “
Nhà thơ Xuân Diệu của chúng ta đã “ si tình “ đến “ hơi thở chót “ – theo nghĩa, đây là một “ khối tình lớn “ mà suốt đời Ông đã tận tụy hy sinh cho Quê Hương và Dân Tộc!
Khái quát về cuộc đời và thơ của Xuân Diệu – nhà thơ Thanh Thảo đã viết rất chân tình:
“ Anh quen sống như người nghèo đi chợ
Tính chi li từng phút từng giây
Khoèo câu thơ như thuở nhỏ khoèo me
Dọc phố hè Quinhơn lắm bui!(…) “
Sau 26 năm ngày Xuân Diệu đi xa – hôm nay, ngày 18 tháng 12 năm 2011 – Tôi, người may mắn được sinh ra cùng quê hươngTuy Phước – kẻ hậu sinh yêu quý thơ Ông – thành kính tưởng nhớ Ông với đôi vần thơ góp nhặt trong sự nghiệp thi ca đồ sộ của Ông – để tỏ lòng ngưỡng mộ và tri ân, là những thế hệ tiếp bước Ông trên cùng quê hương Tuy Phước thân yêu. để cùng góp phần nhỏ dựng xây cho Quê Nhà ngày càng thêm khởi sắc, và giàu đẹp.
Xin kính dâng lên Người chút lòng của người em nhỏ đồng hương nhưng rất nặng tình nhân ngày giỗ thứ 26 của Người :
“ Bóng Người dù đã khuất xa
Nhưng tình còn mãi, đậm đà ngàn năm
Thơ Người là ánh Trăng Rằm
Sáng soi khắp nẽo tối tăm cuộc trần
Thơ Người “ thức mãi về sau “
Tháng năm hồ dễ thay mầu Trái Tim! “
Tưởng nhớ nhà thơ Xuân Diệu
Nhân ngày giỗ thứ 26
Phước hòa, ngày 18 tháng 12 năm 2011