Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Mười Hai 8th, 2011

Những Bông Hoa Tím

Hồ Ngạc Ngữ

mỗi khi nhớ em
anh đi qua ngôi nhà có những bông hoa tím
buồn bã như nỗi đợi chờ một điều gì không thực
thấp thoáng đâu đó những bóng hình kỷ niệm
một làn hương tóc giấu trong nụ hôn nồng nàn
một bờ vai ngoan tựa vào lồng ngực
cơn gió lạnh tràn vào lưng anh một vòng tay ấm
lấp lánh ánh sao đêm
trong đôi mắt thắp lên  bao nỗi dịu dàng

mỗi khi nhớ em
anh vẫn biết tình yêu là điều có thực
đưa chúng ta về một hành tinh xa lạ
một thiên đàng không có mặt trời
không có nỗi khổ đau ngăn cách
nơi những hồi chuông bất tận thì thầm từ trái tim mình
ngợi ca và vinh danh tình yêu của con người
bằng ngôn ngữ loài hoa

lặng lẽ trong ánh nắng ấm nồng
những bông hoa tím
mang vẻ nhẫn nại của một tình yêu cuối cùng
trước khi chúng ta chia tay mặt đất

Read Full Post »

Tường Rêu

NAM THI

 

Cuối cùng, ông Minh cũng phải đi đến quyết định cho đập bỏ bức tường Đông rêu phủ để xây lại. Ngay từ khi bàn chuyện đại tu căn nhà cổ, con trai ông cũng đã thưa với ông ý định đó. Cảnh, con trai ông, trình bày: “ Nhà mình xây đã hơn bảy mươi năm rồi, tuy đã sửa chữa nhiều lần, nhưng chỉ làm phần mái và dặm vá tường, nền. Theo con, lần nầy chủ yếu gia cố nền móng và xây tường, vì nhiều chỗ bị sụt lún và nứt bể. Phần nhà trên không thay đổi gì, giữ nguyên hai gian ba chái, bây giờ người ta quý nhà cổ như nhà mình. Nhưng con xin xây lại nhà dưới, đưa bếp lên phía Tây, chỗ nhà bếp hiện nay xây một phòng ngủ mới để có chỗ cho con cháu về thăm dịp giỗ, Tết…”. Nghe con trình bày ông thấy hợp lý nhưng còn đắn đo: “ Ba đồng ý phương án sửa chữa của con đối với nhà trên, nhưng phần nhà dưới để ba nghĩ thêm…Dời bếp là chuyện hệ trọng về phong thủy, hơn nữa không nên tốn kém nhiều…”.

Căn nhà của ông trải qua nhiều đời cha truyền con nối, tính từ thời ông cao đến ông đã bốn đời, trước nữa thì ông không rõ. Nay đã đến lúc bàn giao cho con trai ông tức thế hệ thứ năm. Tre già măng mọc. Vả lại con trai ông đã gần bốn mươi, cũng làm giáo chức như ông, là hiệu trưởng một trường trung học ở một huyện khác trong tỉnh. Lẽ ra ông có thể giao cho con lo liệu mọi việc nhưng ông muốn giữ nguyên trạng căn bếp với bức tường Đông. Căn bếp do cha mẹ ông xây, còn lưu năm tháng chạm trên đầu tường: Juillet, 1937. Tường được xây bằng gạch thẻ, tô bằng loại hồ truyền thống là hỗn hợp vôi tôi trộn với chất nhờn của lá bông bụt quết nhuyễn và mật đường mía. Lớp hồ nay bị bóc từng mảng lớn và nhiều viên gạch bị thối rữa vì ngấm nước mưa trong hàng mấy thập kỷ. Khoảng năm 1967, chiến trận lan tới làng nầy, ông Minh đưa cha mẹ, vợ con lên sống ở quận lỵ, nơi ông đang dạy học. Mái nhà bị sạt một góc vì trúng đạn cối, riêng bức tường Đông của căn bếp thì lỗ chỗ vết đạn tiểu liên. Chính những vết thương ban đầu ấy làm bức tường ngày càng lở lói trầm trọng, đến nay thì không còn cứu vãn được. Khi hồi cư, sửa laị nhà ông Minh đã không dặm vá bức tường một phần vì muốn lưu lại dấu vết chiến tranh nhưng lý do chính là ông không muốn dùng ciment hiện đại. Ông có ý định mua vôi tôi, mật mía làm hồ để bức tường không bị “lai” nhưng lần lữa chưa kịp làm thì không còn tìm đâu ra mật mía vì sau nầy người ta trồng mía dọc hai bờ sông Côn chỉ để bán cây cho nhà máy đường, không còn nấu đường truyền thống nữa. Ông viện ra chuyện phong thủy và tốn kém chỉ để hoãn binh thôi. Thật lòng, ông muốn giữ lại bức tường. Còn nước còn tát.

Trên một mảng tường lở cách mặt đất gần một mét, có mọc một cây bồ đề gần hai mươi năm tuổi rồi, nếu lâu lâu ông không tỉa bớt cành chắc nó đã sum sê lắm. Lúc đầu ông Minh định chặt bỏ nhưng ông nghĩ nó vô hại, chỉ sống ké phần ngoài của tường. Kể từ đó ông cắt tỉa, tạo dáng cho cây như đối với hàng chục cây bonsai đủ loại của ông. Gốc cây bồ đề ngày càng lớn, bộ rễ tua tủa, có cái to bằng ngón chân cái. Cây bồ đề đó có đủ ba yếu tố của nghệ thuật cây kiểng là “cổ, kỳ và Mỹ”. Nó đã được hơn hai mươi năm tuổi nên cũng khá “cổ”. Nó mọc trên tường, từ vết thương chiến tranh thì hẳn là “kỳ” rồi, còn “mỹ” tức cái đẹp là do bàn tay ông chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng.

Dưới chân tường là một hang chuột, có từ ngày gia đình ông hồi cư vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Bao nhiêu cố gắng xóa bỏ cái hang chuột nầy đều bất thành vì nó được lũ chuột láu lỉnh đào âm dưới đất chân tường, luồn vào trong nhà, thông ra ngoài bằng nhiều ngách, lấp cửa hang nầy thì hôm sau chúng trổ cửa khác, đổ hàng thùng nước cũng không ăn thua. Cuộc chiến giữa chuột và người kéo dài hàng chục năm, lũ chuột chịu nhiều tổn thất nhưng chúng vẫn bám trụ ở đó qua nhiều thế hệ. Cho đến nay, ông Minh đành chấp nhận sống chung với chúng. Hằng ngày ông vẫn thấy hai con chuột cống ra vào kiếm ăn ngay cả khi ông ngồi uống trà hay nằm tòn teng đọc sách, báo trên võng mắc dưới gốc cây xoài quỳ cạnh nhà. Quen dần, chúng giống như con chó, con mèo ông nuôi trong nhà, như cặp cu đất trưa nào cũng gáy trên đọt xoài, có khi ông còn vất ít cơm thừa cho chúng ngay trước miệng hang.

Từ khi về hưu, trừ những khi mưa dầm, lụt lội hằng ngày ông Minh quanh quẩn dưới bóng cây xoài quỳ, cành che phủ một góc bức tường Đông. Một bộ bàn ghế đá rửa để ông thù tạc với bạn bè. Một cái võng trân đã cũ móc giữa gốc xoài và trụ bê-tông hàng rào B40 để ông nghỉ lưng sau khi tưới vườn rau, cắt tỉa cây kiểng…Ông ngắm bức tường thay đổi theo mùa mưa nắng. Mùa khô hạn, thảm rêu biến mất, để lại những mảng, vệt màu xanh xám đậm nhạt khác nhau, nhìn kỹ sẽ lộ ra những bức tranh thủy mặc. Chỗ nầy là dòng sông chảy, núi xa mờ trên nền trời lớp lớp mây vần vũ. Chỗ kia là biển khơi dậy sóng, chỗ nọ là hình một đạo sỹ với tà áo bay bay… Bắt đầu cuối thu, khi có những trận mưa đầu mùa là thảm rêu hiện ra mịn màng như nhung, bắt đầu từ chân tường lan rộng lên, nối kết nhiều mảng nhỏ, rồi màu xanh biên biếc phủ gần nửa bức tường… Lá cây bồ đề hình trái tim cũng chuyển từ màu vàng nhạt sang xanh ngắt. Những sợi rễ đâm dài xuống tận mặt đất để hút no nước và chất dinh dưỡng dự trữ cho mùa khô hạn năm sau. Bầy chuột đông hơn, chiều tối kéo ra vườn kiếm ăn. Nếu chúng không tách bầy, hoặc bị dịch bệnh hay săn bắt có lẽ dân số đã tăng cả đàn cả đống.

Hồi còn học trung học ở Quy Nhơn, hễ đến nghỉ hè là ông tụ tập lũ trẻ lối xóm để kèm ôn tập bài vở và chơi với nhau đủ trò từ sáng đến chiều. Chỗ cây xoài quỳ bây giờ hồi đó là gốc vú sữa tán rộng sum sê bị bão làm trốc gốc. Đó là sân chơi của ông và lũ trẻ: đánh vụ, đánh đáo, chơi ô, đánh nẻ…Vợ ông sau nầy là một trong những đứa trẻ đó. Khi ông đã ra trường đi dạy mấy năm thì bà cũng vào trường Sư phạm Quy Nhơn, nơi ông từng theo học. Bà ra trường thì lấy ông. Dường như họ chưa từng nói một lời yêu đương vì tình yêu của họ đã có tự bao giờ, có bức tường làm chứng. Họ cưới nhau mà chẳng cần một lời tuyên bố hay đính ước. Bức ảnh đầu tiên của họ sau ngày cưới chụp trước bức tường xanh rêu ấy. Sau nầy, bức ảnh chụp với dâu, rể, cháu nội ngoại cũng lấy bức tường làm phông. Bức ảnh cuối cùng ông chụp chung với vợ trước ngày bà mất sáu tháng mười hai ngày. Bà được giải phẫu ung thư vú hơn sáu năm trước, sống thêm được gần hai năm thì mất. Hai vợ chồng đứng cạnh nhau trước bức tường rêu như hồi mới cưới, nhưng lần nầy có cây bồ đề làm cảnh. Ngay cả bây giờ, mỗi khi nằm trên võng ngắm bức tường rêu ông còn thấy hình ảnh vợ như mới hôm qua: bà chơi ô khi còn bé ở góc kia , bà mặc đồ bộ điểm hoa cà tim tím đi ra sau giếng khi mới về làm dâu …

Vợ mất, các con ở xa, ông sống một mình nhưng không cảm thấy cô đơn. Đối diện với bức tường , ông tìm thấy lại những gì đã trải qua trong gần bảy mươi năm cuộc đời của mình. Những đêm trăng sáng, ông thường ngồi trên ghế đá chơi đàn, tiếng đàn guitar của ông  dội vào bức tường loang loáng ánh trăng, rồi vang vọng mãi tận dòng sông trước nhà. Bức tường dường như lúc nào cũng lắng nghe và thấu hiểu như vợ ông thuở nào.

Ngày bức tường bị hạ, từ sáng sớm ông Minh bỏ đi thăm bạn ở làng bên. Trước khi đi ông dặn Cảnh cố cạy mảng vôi tường có khắc chìm năm tháng cha ông xây dựng nhà, Juillet 1937, để gắn lại khi tô tường mới. Cảnh biết cha mình cố tình lánh mặt để anh tự do xử lý công việc. Tuy anh không biết hết những nỗi niềm sâu kín của cha mình nhưng anh hiểu ông gắn bó với những kỷ niệm về căn nhà nầy mà bức tường rêu là gần gũi với ông nhất. Chính anh, ở tuổi bốn mươi, đã bắt đầu biết tha thiết với căn nhà tổ tiên nên đã chắc chiu mấy năm nay để về giúp cha tu sửa nó. Nhiều lần anh đã nghĩ một ngày nào đó anh sẽ trở về đây và không bao giờ muốn lìa xa nữa…

Chiều tối ông Minh đạp xe về nhà. Căn bếp đã được tháo dỡ. Bức tường Đông đã bị đập quá nửa, gạch vôi ngổn ngang trên mặt đất.

–  Sao không đập hết bức tường, làm không kịp à? Ông Minh hỏi con.

–  Không, ba. Con chừa lại đó… Cảnh đáp. Con sẽ cho thợ dùng máy cắt phần tường cũ cho thẳng , giữ lại khoảng 1,5m, cắt bớt  cho thấp xuống, rồi gia cố phần móng và xây trụ ốp hai bên cho chắc để làm kỷ niệm. Tường mới sẽ xây tụt vô trong 1,2m để làm hành lang, phần tường cũ sẽ làm bức bình phong. Con đã cho cắt cẩn thận phần tường có khắc năm ông nội xây nhà, tuy vậy nó cũng bể ra mấy mảnh nhưng có thể sắp lại như cũ khi gắn phía ngoài bình phong.

–  Thế à …Lòng ông Minh thoáng vui nhưng ông cố giữ không để lộ ra. Ông hỏi tiếp- Còn cây bồ đề?

–  À, cái nầy thì dễ mà. Con bứng nguyên gốc, rễ để ba làm cây bonsai. Thứ nầy dễ sống…

–  Còn lũ chuột? Vừa hỏi con xong, ông Minh tự thấy mình lẩm cẩm nhưng dẫu sao Cảnh cũng đã nghe. Anh cũng thoáng ngạc nhiên nhưng cố lấy giọng bình thường tường thuật lại:

–  Bức tường đổ làm động ổ, hai con chuột cống tung ra chạy, một con bị anh thợ đập chết tại chỗ, còn con kia chạy thoát. Anh giấu việc mấy chú thợ trẻ đã nướng con chuột để nhậu lúc nghỉ trưa.

–  Thế à…

Ông Minh lẩm bẩm: “ Thật tội nghiệp…”, nhưng tiếng ông nhỏ đến nỗi con trai ông đứng bên cạnh cũng không nghe được ông nói gì*

* NAM THI

06-10-2011

Read Full Post »