Elena Pucillo Truong
Có những cuộc gặp gỡ trong đời đã giúp cho ta hiểu là tất cả chúng ta chỉ là những con cờ được sắp đặt và di chuyển trên một bàn cờ vô hình, như một bàn mạt chược vô tận, trong đó định mệnh, người chơi cờ duy nhất có quyền quyết định những cuộc gặp, nắm lấy cuộc đời ta rồi lôi kéo hay thay đổi dòng chảy.
Đó là điều mà tôi đã cảm nhận trong thời gian đầu ở Việt Nam, thời mà tôi đến và chỉ lưu lại một ít thời gian. Cùng với chồng tôi, trong một quán cà phê có nhà văn Nguyên Minh tôi đã gặp gỡ nhà văn nhà biên kịch kiêm đạo diễn Sâm Thương.
Chỉ cần vài phút là tôi đã biết trước mặt mình là một người kín đáo, có kiến thức, ân cần và thường quan tâm đến những người xung quanh. Anh nhìn tôi với ánh mắt thiện cảm và nói rằng anh biết nước Ý và anh rất ngưỡng mộ các kiệt tác phim ảnh theo trường phái tân hiện thực. Chỉ cần một câu mở đầu mà anh ấy đã cho tôi biết là nước Ý được biết đến ở VN là thông qua những bộ phim tân hiện thực, mà trong đó có lẽ nổi tiếng nhất là phim kẻ cắp xe đạp của đạo diễn Di Vittorio de Sica.
Như thế là tôi và Sâm Thương cùng có chung một đam mê! Bởi vì trong các bộ phim đầy cảnh nhân loại khổ đau, nhất là vào thời sau thế chiến thứ hai, các nhân vật chính vật vã đi tìm một con đường sống cho mình và cho gia đình… cũng chính là những bộ phim mà tôi yêu thích nhất.
Không phải ngẫu nhiên mà trước đây tôi đã có một bài viết về Sophia Loren, mà vì chính cuộc đời của bà ta đã là một bộ phim tân hiện thực: một tuổi thơ nghèo khó nhưng ước muốn thoát ly cuộc đời cơ cực còn lớn và mạnh mẽ hơn bất kỳ sự khó khăn nào. Và cũng chính định mệnh đã chơi một ván bài tích cực, chia cho bà những con bài quan trọng, đó là những cuộc gặp gỡ tuyệt vời với đạo diễn Vittorio De Sica và một diễn viên tài hoa như Marcello Mastroiani.
Có một định nghĩa rất nổi tiếng của người Pháp “l’école italienne de la Libération” được phát sinh từ sự khước từ loại hình cinema điện thoại trắng tức là mô hình cinema thời thượng của Ý trong những năm 1936 đến 1943. Sở dĩ gọi như thế vì thời đó, điện thoại màu trắng là biểu tượng của sự sang trọng và đẳng cấp xã hội, trái ngược với chiếc điện thoại màu đen, bình dân và rẻ tiền. Cũng có những người khác gọi đó là cinema déco vì bối cảnh được trang trí và dàn dựng theo phong cách Liberty. Phần lớn cốt truyện của phim được lấy chủ đề là một xã hội tiểu tư sản, quan hệ tình cảm của lớp trẻ hay các cặp tình nhân, trong đó sự ngoại tình được xem như một tội lỗi phản luân lý mà người ta không thể ly dị, thời đó bất hợp pháp ở Ý.
Loại hình cinema điện thoại trắng nhắm đến tính đại diện cho một xã hội sung túc, trong vài trường hợp sang trọng và xa hoa, cấp tiến, có học thức… và điều này hoàn toàn trái ngược với hiện thực của nước Ý thời bấy giờ, nghèo nàn, lạc hậu, phần lớn người dân thất học và không có việc làm… hiện thực tương phản với bầu không khí phấn khởi và vô tư mà những thước phim phi thực ấy đã vẽ nên.
Cũng chính vì lý do đó nên những đạo diễn lừng danh thời ấy như Rossellini, Visconti, De Sica… đã quyết định phản ứng với ý định phục hưng các giá trị cốt lõi của sự hiện hữu và chung sống. Để thực hiện điều này cần phải phát minh ra một ngôn ngữ điện ảnh mới có khả năng trình bày một ý thức mới và ước muốn thay đổi.
Rồi chỉ sau một vài phim là người ta có thể nhận thấy nền điện ảnh của Ý đang thay đổi diện mạo và sau đó đã nhanh chóng trở thành điểm quy chiếu của nền điện ảnh thế giới.
Chấm dứt chiến tranh, tình hình kinh tế trở nên bi đát và những bộ phim trong thời hậu chiến chỉ được thực hiện với rất ít phương tiện, ít nhân lực thế nhưng lại có một khả năng sáng tạo bất ngờ…
Chính đạo diễn Roberto Rossellni đã kể lại là ông đã từng đi tìm những trích đoạn phim mới có thể thực hiện bộ phim “La Mã, thành phố mở” (Roma citta’ aperta” (1945). ) trong điều kiện vô cùng khó khăn, đến nỗi ông phải sử dụng đến những thước phim câm hay quá đát.
Bắt đầu từ những năm 1944 những phim trường nổi danh của Cinecittà bị quân đội Đức trưng dụng để làm trung tâm trung chuyển tù binh nên bị xuống cấp và không còn hoạt động như xưa nên các đạo diễn không thể quay theo kịch bản trong phim trường mà phải lao ra đường phố để nắm bắt hiện thực và quay phim từ bên ngoài sau khi di chuyển đến tận nơi xảy ra sự việc.
Nếu những bộ phim trước kia được quay trong ít bối cảnh và tạo sự quan trọng cho từng diễn viên thì các phim tân hiện thực tập trung sự chú ý vào cộng đồng, vào sự tham dự tập thể mà ví dụ điển hình có thể nhắc đến là các cảnh trong phim “La Mã thành phố mở” hay tiếp sau đó trong phim “Kẻ cắp xe đạp” (1948).
Một vài nhà phê bình đã bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu thay đổi trong phim “Nỗi ám ảnh” của Luchino Visconti nhưng chắc chắn phải từ phim “La Mã thành phố mở” được trình chiếu vào năm 1946 trong lể hội ở Cannes mới làm cho nền cinema của Ý nổi tiếng và lừng danh trên thế giới.
Sau đó thì các bộ phim như “Paisa’ “(1946) của Rossellini, hai phim “Sciuscia’” (1946), “Kẻ cắp xe đạp”(1948) của Vittorio De Sica rồi đến phim “Con đường” (1954) của Federico Fellini… mới thực sự khẳng định sức mạnh của các phim tân hiện thực của Ý.
Hai phim cuối cùng “Kẻ cắp xe đạp” (1948) “Con đường” (1954) đều đoạt được giải Oscar chính là bằng chứng là thế giới đã thực sự nhìn nhận giá trị của nền điện ảnh này.
Sau đó còn có những trùng hợp để giúp chúng ta thấy rằng định mệnh đã sắp xếp những quân cờ một cách khéo léo như thế nào. Nhà viết kịch bản lừng danh cho nhiều bộ phim tân hiện thực chính là Cesare Zavattini, đã có cuộc gặp gỡ với đạo diễn De Sica và họ đã trở thành bạn để cả hai cùng hợp sức cho ra đời những thước phim ấn tượng.
Cesare Zavattini (a destra) e Vittorio De Sica.
Vì cũng chính nhờ những trao đổi với Zavattini mà đạo diễn Vittorio De Sica hiểu ra rằng loại hình cinema điện thoại trắng, của những người đàn bà lịch lãm, có cổ áo lông chồn trắng, nền điện ảnh phòng khách và những hài kịch lấy bối cảnh ở Hungari rất là tội lỗi để có thể chiếu ở Ý, một đất nước gắn liền với tòa thánh Vatican; và hơn nữa, loại hình đó quá xa lạ với đời sống của những con người bình thường, đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và hằng ngày phải vật vã mưu sinh để nuôi sống gia đình. Một hiện thực khốn khó này đã được trình bày trong phim “Con đường” của Fellini.
Sâm Thương rất yêu điện ảnh và nhất là nền điện ảnh tân hiện thực đầy tính nhân văn và dấu ấn sâu đậm này đã bàng bạc trong các truyện ngắn và sách vở mà ông đã viết và xuất bản.
07/12/2016
(Trương Văn Dân dịch và chuyển ngữ từ Nguyên tác tiếng Ý : la stessa passione )
RIP
Nhà văn Ý mà am tường và hiểu thấu đáo đời sống văn hóa của Việt Nam thật cặn kẻ, rất mến phục chị
Buồn.
Bất ngờ khi biết anh qua đời. Cầu mong anh thanh thản an nghỉ nơi vĩnh hằng.
RIP nhà văn Sâm Thương !