Hiếu Tân
Henry David Thoreau sinh năm 1817 và mất năm 1862 – 44 năm chứa đựng một cuộc đời phong phú, mạnh mẽ và độc đáo. Ông sinh ra trong một gia đình bình thường, tốt nghiệp đại học Harvard năm 1837. Ông nghiên cứu khoa hùng biện, cổ điển học Hy-La, triết học, toán học và khoa học tự nhiên. Trong cuộc đời khá ngắn ngủi của mình, ngoài những hoạt động khác, ông là nhà văn, nhà thơ, nhà triết học, nhà tự nhiên học, nhà trắc đạc, nhà sử học. Ông để lại hơn 20 tập sách, báo, tiểu luận, thơ. Suốt đời mình, Thoreau chống chế độ nô lệ, công kích đạo luật về Nô lệ bỏ trốn, bảo vệ thiên nhiên, lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ quyền tự do cà nhân . Ông viết: “Sẽ không bao giờ có một nhà nước thật sự tự do và khai minh cho đến khi nhà nước nhận thức cá nhân như một quyền lực cao hơn và độc lập, tất cả mọi quyền lực và quyền uy của nhà nước đều từ đó mà ra, và đối xử với cá nhân một cách tương ứng.” Nhiều đóng góp của ông còn có tác dụng đến tận ngày nay: ông viết lịch sử tự nhiên và triết học tự nhiên, ông đi trước trong nhiều phương pháp và phát hiện của sinh thái học và lịch sử môi trường, hai nguồn gốc của chủ nghĩa môi trường hiện đại.
Thoreau là một trong những triết gia tiên nghiệm (transcendentalism) tiêu biểu, triết gia của thiên nhiên và mối quan hệ của nó với đời sống con người. Chủ nghĩa tiên nghiệm cho rằng trạng thái tinh thần lý tưởng vượt lên trên vật chất và kinh nghiệm, nó tin rằng con người đạt được thấu hiểu chân lí thông qua trực giác cá nhân hơn là những giáo thuyết tôn giáo. Thiên nhiên là biểu tượng bên ngoài của nội tâm, là “sự tương ứng căn bản của vật hữu hình với tư tưởng con người” (Emerson, 1836.)
Niềm tin cốt lõi của chủ nghĩa tiên nghiệm là bản tính thiện của con người và thiên nhiên. Chủ nghĩa tiên nghiệm tin rằng xã hội và các thiết chế của nó, đặc biệt là những tôn giáo có tổ chức và các đảng phái chính trị, cuối cùng sẽ làm hỏng sự trong sáng của cá nhân, và tin rằng con người tốt nhất khi sống tự lực, và độc lập. Trong Walden, chúng ta sẽ thấy Thoreau đã sống triết lý này như thế nảo.
“Walden” là một hồi tưởng đầy chiêm nghiệm suy tư về quãng đời “hai năm hai tháng hai ngày” Thoreau sống một mình trong một mảnh đất rừng bên cạnh đầm Walden, “Giọt nước của Trời”, “đáng yêu hơn kim cương” trong một ngôi nhà tự xây lấy, và bằng lao động của chính đôi tay mình. Ở Walden, ông đã sống nhiệt thành say mê đầy tỉnh thức “Tôi đi vào rừng bởi vì tôi muốn sống thong dong, chỉ đối diện với những sự kiện tinh tuý nhất của cuộc sống, và xem thử tôi có thể học được những gì nó phải dạy tôi hay không, và không để đến khi tôi gần chết mới khám phá ra rằng tôi chưa hề sống. (Walden (W)– Tôi sống ở đâu và sống để làm gì?). Ông chủ trương sống đơn giản vì “Phần lớn những xa xỉ và cái được gọi là tiện nghi không chỉ không tuyệt đối cần thiết, mà còn rõ ràng cản trở việc nâng cao phẩm giá con người.” Ông mang vào rừng giấc mơ về một cuộc sống vô ưu đầy vui thú.
Walden nhấn mạnh tầm quan trọng của lối sống giản đơn, tự chủ, trầm tư, gần gũi thiên nhiên, vượt lên trên “sinh tồn tuyệt vọng” này, vốn là số mệnh của đa số người. Trong chương “Trại Baker” Thoreau kể một buổi chiều lang thang trong rừng, ông gặp mưa giông và phải vào trú nhờ căn nhà tối tăm nhếch nhác của John Field, một tá điền Ai Len không xu dính túi nhưng cần cù lao động, với vợ và con anh ta. Thoreau thuyết phục Field hãy sống đơn giản nhưng độc lập bằng cách vào rừng để thoát khỏi cả chủ đất lẫn chủ nợ, nhưng anh chàng người Ai Len này từ chối vì không sao dứt bỏ được những khao khát xa hoa và tiếng gọi của “giấc mơ Mỹ.”
Bỏ đi những thứ dư thừa, ảo tưởng để tìm ra những nhu cầu thật sự thiết yếu của cuộc sống; ông nhiệt liệt tán dương văn học cổ điển mà ông thích đọc trong nguyên bản cổ ngữ Hi Lạp và Latin, ông phàn nàn về cái xu hướng phổ biến [dường như ở mọi thời] tìm những thứ “dễ đọc” thay vì những tư tưởng sâu sắc nhưng mệt óc; ông mơ mở một trường đại học cho người lớn, tại đó Concord có thể mời các nhà thông thái trên thế giới đến để giảng dạy và làm “cao quý tâm hồn” người dân bản xứ (W- “Đọc”)
Thoreau suy ngẫm về cảm giác cô đơn: “cô đơn giữa đám đông nếu trái tim ta không mở”. Ông không cảm thây cô đơn vì ông thấm nhuần lợi ích của thiên nhiên trong sự giao cảm sâu xa với nó; “phương thuốc duy nhất” mà ông cần là “một ngụm khí trời ban sớm” (W– Cô đơn) Tiếng chuông nhà thờ, tiếng xe ngựa leng keng, tiếng bò rống, tiếng sơn ca, cú mèo, ếch nhái kêu, gà gáy cũng đem đến cho ông nhiều vui thú. Theo ông, việc mở rộng năng lực cảm thụ có cái lợi là giúp ta bớt nhàm chán. (W- “Những âm thanh”). Ở trong rừng, ông có nhiều khách đến thăm hơn khi ở thanh phố, tất nhiên là những khách chọn lọc, nhiểu khi nhà ông chứa được đến “hai lăm, ba chục linh hồn cùng với cả thể xác của họ” (W- Các vị khách của tôi)
Vể mủa đông, Thoreau tiêu khiển bằng quan sát thế giới hoang dã. Và khi ông kể về thú vui của mình thì ta thấy hết tài năng của một nhà tự nhiên học. Ông kể về việc ông đo độ sâu của cái đầm mà nhiều người quả quyết là “không đáy” và liên hệ với chuyện thăm dò chiều sâu đạo đức con người, về những con cá sống trong đẩm, về mầu sắc của băng (W- Đầm trong mùa đông) cũng như về sinh hoạt của các loài muông thú sống trong rừng: chim đớp ruồi, chim cổ đỏ, gà gô, chim dẽ gà, bồ câu Bắc Mỹ, chuột, rái cá, gấu trúc, rùa bùn, cáo, sóc, mèo rừng…Ông tả tỉ mỉ hành tung kì lạ của con chim lặn gavia, cuộc “chiến đấu” một mất một còn của mấy con kiến “Tôi không bao giờ biết bên nào chiến thắng, cũng không biết nguyên nhân chiến tranh là gì, nhưng suốt ngày hôm ấy tôi cứ có cảm giác mình bị kích động và tổn thương vì chứng kiến cuộc đấu đá ấy, dữ dội và đẫm máu, của cuộc chiến giữa con người trước cửa nhà tôi.” (W- Các vị khách của tôi)
Có một sự kiện nổi bật trong những ngày Thoreau sống ở Walden: Ngày 25 tháng Bảy, 1846, Thoreau bị bắt giam vì từ chối đóng thuế, để bày tỏ sự phản đối của ông đối với cuộc chiến tranh Mexico và chế độ nô lệ. “..tôi bị bắt giữ và đưa vào nhà giam vì, như đã kể ở một chỗ khác, tôi không đóng thuế cho, hay thừa nhận thẩm quyền của, cái nhà nước mua bán đàn ông, đàn bà, trẻ em, như bán trâu bò ngay bên cửa nhà Thượng viện.” (W. Làng) Sự kiện này tác động mạnh đến Thoreau. Tháng 5 năm 1849 ông xuất bản “Bất tuân Dân sự”. Chủ trương Bất tuân Dân sự của Thoreau sau này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Leo Tolstoy, Mahatma Gandhi và Martin Luther King, Jr.
Văn phong của Thoreau là sự đan xen giữa quan sát tự nhiên và trải nghiệm cá nhân, hùng biện, kiến thức lịch sử, biểu tượng ý nghĩa, chất thơ nhạy cảm, tính nghiêm cẩn triết học, và chú trọng những chi tiết cụ thể. Các nhà văn Marcel Proust, William Butler Yeats, Sinclair Lewis, Ernest Hemingway… chịu nhiều ảnh hưởng của ông.
Tuy nhiên, Walden không dễ đọc, vì ba lẽ. Thứ nhất, đây là một giọng văn xuôi cổ, ngôn ngữ nghiêm ngặt. Câu dài phức, mô tả sinh động, chi tiết, ám chỉ sâu xa, đầy ẩn dụ, biểu tượng bóng gió, lối nói giảm nhẹ, cường điệu, nhân cách hóa, mỉa mai, châm biếm, hoán dụ, cải dung, nghịch hợp; nhiều chỗ ông chuyển từ quan điểm khoa học sang quan điểm tiên nghiệm ở giữa câu. Hai là, logic của nó dựa trên một cách hiểu khác về cuộc sống, hoàn toàn trái ngược với cái mà người thường gọi là lương tri. Nghịch hợp, nghịch lí, nước đôi. Ông thích trêu ghẹo, đánh đố, thậm chí lừa bạn đọc. Ba là, nhiều khi không có từ nào có thể diễn đạt thích đáng nhiều ý tưởng không thể nói ra cho rõ ràng. Có lúc Thoreau dùng ngôn ngữ của người không biết chữ mà người đọc phải cố vươn lên mà hiểu lấy. Trên đây là ý kiến của người bản ngữ. Còn về bản dịch, ngẫm khoảng cách về thời gian, văn hóa và ngôn ngữ, bạn đọc hình dung chắc chắn không thể đọc nó dễ dàng trơn tuột. Nếu cuốn sách này “kén” độc giả, thì đó là loại độc giả không kiếm loại sách “dễ đọc.” Nhưng chắc chắn bạn đọc sẽ được đền bù xứng đáng. Bởi vì,
Nhà thơ Mỹ Robert Frost đã phải thốt lên khi nói về Thoreau và Walden: “Chỉ trong một quyển sách, ..ông đã vượt qua tất cả những gì chúng ta đã có ở Mỹ.”
NGƯỜI DỊCH
.
Henry David Thoreau “Walden – hay một mình sống trong rừng”
.
Hiếu Tân dịch
Chương 3
Đọc
Cân nhắc kĩ hơn một chút trong việc lựa chọn sự nghiệp để theo đuổi, có lẽ tất cả mọi người thực chất đã trở thành các sinh viên và những nhà quan sát, vì chắc chắn bản chất của họ và số phận của họ giống nhau là quan tâm đến tất cả. Trong việc tích lũy của cải cho bản thân và cho con cháu, trong việc tìm kiếm một gia đình hay một tổ quốc, hay thậm chí đạt được danh vọng, chúng ta là những con người có sống có chết, nhưng trong quan hệ với chân lí chúng ta là bất tử, và không phải sợ bất kì thay đổi hay tai biến nào. Nhà triết học cổ xưa nhất của Ai Cập hay Hindu nâng một góc mạng che mặt của tượng thần[1]; và chiếc áo choàng run rẩy vẫn còn nâng lên, tôi khao khát nhìn vào vẻ huy hoàng còn tươi mới, và lúc đó chính là tôi ở trong ngài táo tợn như thế, và chính là ngài ở trong tôi lúc này nhìn lại hình ảnh này. Không có bụi bám trên chiếc áo choàng đó; thời gian không trôi đi từ khi vị thần đó được bộc lộ. Thời gian mà chúng ta thực sự cải thiện, hay thời gian có thể cải thiện, không phải quá khứ, cũng không phải hiện tại hay tương lai.
Nhà tôi thuận lợi hơn một trường đại học, không chỉ để suy nghĩ, mà còn để đọc một cách nghiêm túc; và mặc dù tôi ở ngoài tầm một thư viện bình thường đang hoạt động, tôi đã rơi vào tầm ảnh hưởng của những cuốn sách lưu hành trên khắp thế giới, những dòng chữ của chúng được viết ra trước tiên trên vỏ cây, và ngày nay chỉ thỉnh thoảng mới được chép ra trên giấy. Nhà thơ Mîr Camar Uddîn Mast[2] nói “Tôi đã có cái thuận lợi này trong những quyển sách, là ngồi một chỗ mà lướt qua nhiều miền của thế giới tinh thần; tôi đã trải nghiệm cái thú được say sưa với một li rượu vang, khi uống rượu của những lý thuyết thâm thúy”. Tôi để Iliad của Homer trên bàn trong suốt mùa hè, mặc dù chỉ thỉnh thoảng tôi mới liếc qua một trang. Lúc đầu tôi lao động không ngừng nghỉ bằng tay, vì tôi phải hoàn thành ngôi nhà và xới đậu, nên không thể nghiên cứu nhiều hơn. Tuy nhiên tôi động viên bản thân bằng cái viễn cảnh đọc trong tương lai. Tôi đọc một hai trang sách du lịch nông cạn trong khoảng nghỉ giữa công việc, cho đến khi việc đó làm tôi tự thấy xấu hổ, và tự hỏi vậy chứ tôi đang sống ở đâu.
Sinh viên có thể đọc Homer hay Æschylus[3] bằng tiếng Hi Lạp mà không có nguy cơ nhiễm thói ưa xa hoa phung phí, vì anh ta ở mức độ nào đó tranh đua với những nhân vật anh hùng, và dành trọn những giờ buổi sáng cho những trang sách của họ. Những sách anh hùng ca, dù được in bằng tiếng mẹ đẻ của chúng ta, sẽ luôn là ngôn ngữ chết đối với những thời đại qua đi; và chúng ta phải vất vả tìm nghĩa của mỗi từ và mỗi dòng, đoán ra nghĩa rộng hơn nghĩa thường dùng vượt ra ngoài sự thông thái, can đảm và cao thượng mà chúng ta có. Báo chí hiện nay rẻ và nhiều, với toàn bộ phần dịch thuật của nó, đã làm được rất ít trong việc đưa chúng ta đến với những nhà văn anh hùng ca của thời cổ. Dường như họ bị cô đơn, và những chữ dùng để in họ vẫn hiếm và lạ. Đáng bỏ ra những ngày tuổi trẻ và những giờ quý giá, nếu bạn học dù chỉ vài chữ của một cổ ngữ, chúng vượt lên trên sự tầm thường của đường phố, chúng là những gợi mở và kích thích. Sẽ không là vô ích nếu người nông dân nhớ được và nhắc lại vài từ Latin mà ông ta đã nghe. Đôi khi người ta nói như thể việc nghiên cứu cổ học[4] cuối cùng dẫn đến những nghiên cứu hiện đại và thực dụng hơn, nhưng người sinh viên thích mạo hiểm sẽ luôn luôn nghiên cứu cổ học, bằng bất cứ ngôn ngữ nào mà anh ta biết viết, dù chúng cổ đến đâu. Vì cổ điển là gì nếu không phải là những tư tưởng cao quý nhất của con người được ghi lại? Chúng là những đền thờ duy nhất không bị đổ nát, và trong đó có những câu trả lời cho những câu hỏi hiện đại nhất mà Delphi và Dodona[5] chưa bao giờ đưa ra. Chúng ta cũng có thể bỏ sót không nghiên cứu Thiên nhiên vì nó đã già rồi. Đọc tốt, tức là đọc những quyển sách thật sự trong một tinh thần thật sự, là một môn luyện tập cao quý, và là môn sẽ giao cho người đọc nhiều nhiệm vụ hơn bất kì bài tập nào mà phong tục ngày nay coi trọng. Nó đòi hỏi một sự huấn luyện như của vận động viên điền kinh, ý định bền bỉ hầu như suốt cuộc đời với đối tượng này. Sách phải được đọc một cách cẩn trọng và dè dặt như chúng được viết ra. Thậm chí nói được thứ tiếng của dân tộc viết ra sách đó cũng chưa đủ, vì có một chênh lệch đáng kể giữa văn viết và văn nói, ngôn ngữ nghe và ngôn ngữ đọc. Ngôn ngữ nói nói chung chỉ là phù du, tạm thời, một âm thanh, một thứ tiếng, một phương ngữ, hầu như có tính động vật, và chúng ta học nó một cách vô thức, giống như những con vật, đó là ngôn ngữ của mẹ chúng ta. Ngôn ngữ viết là sự chín muồi và từng trải của tiếng nói, nếu tiếng nói là của mẹ chúng ta thì ngôn ngữ viết là của cha chúng ta, một sự thể hiện dè dặt và chọn lọc, quá nhiều ý nghĩa nghe bằng tai thì không hết, mà chúng ta phải được sinh ra lần nữa để nói[6]. Đám đông người ở thời trung cổ chỉ nói tiếng Hi Lạp và tiếng Latin thì không có cơ may bẩm sinh đọc được những tác phẩm thiên tài viết bằng những ngôn ngữ ấy; vì chúng không được viết bằng thứ tiếng Hi Lạp hay Latin mà họ biết, mà bằng thứ ngôn ngữ chọn lọc của văn chương. Họ không biết những phương ngữ quý tộc hơn của Hi Lạp và La Mã, mà những vật liệu trên đó chúng được viết đối với họ chỉ là giấy lộn, trái lại họ rất quý thứ văn chương rẻ tiền đương thời. Nhưng khi nhiều dân tộc châu Âu đã có được những ngôn ngữ viết riêng biệt tuy còn đơn giản của họ, đủ cho những mục đích của nền văn học đang lên của họ, thì nền cổ học được phục hưng, và các học giả đã có thể từ sự xa cách[7] đó nhận rõ được những kho báu cổ xưa. Những gì mà đám đông La Mã và Hi Lạp ngày trước không thể nghe, thì sau nhiều thế kỉ trôi qua chỉ một ít học giả đọc, và số học giả ngày nay vẫn còn đọc chúng còn ít hơn nữa.
Dù chúng ta có thể ngưỡng mộ đến đâu tài hùng biện lâu lâu có dịp bùng ra của nhà hùng biện, thì những lời cao quý nhất được viết ra thường ở xa đằng sau hoặc bên trên thứ ngôn ngữ nói trôi tuột qua ấy như bầu trời đầy sao đằng sau những đám mây. Có những vì sao, và có những người có thể đọc chúng. Các nhà thiên văn mãi mãi bình luận và quan sát chúng. Chúng không phải là những hơi thở giống như hơi thở đầy hơi nước và những cuộc nói chuyện hằng ngày của chúng ta. Cái gọi là sự hùng biện trong diễn đàn thường được thấy là phép tu từ trong nghiên cứu. Nhà hùng biện tràn ngập cảm hứng trong một dịp nhất thời, và nói với đám đông trước mặt ông, với những người có thể nghe ông; nhưng nhà văn, cuộc sống điềm đạm hơn của họ là cơ hội của họ, mà đám đông gây cảm hứng cho nhà hùng biện có thể làm cho họ sao nhãng, họ nói là nói với nhân loại thông minh và lành mạnh, với tất cả những thời đại có thể hiểu họ.
Chẳng đáng ngạc nhiên khi Alexander[8] mang Iliad theo ông trong những cuộc viễn chinh trong một chiếc tráp quý. Một lời được viết ra là một di tích quý báu nhất. Nó là thứ vừa thân mật hơn với chúng ta, vừa phổ thông hơn bất kì tác phẩm nghệ thuật nào khác. Nó là tác phẩm nghệ thuật gần gũi nhất với bản thân cuộc sống. Nó có thể được dịch ra mọi thứ tiếng, và không chỉ được đọc mà còn thật sự được thở bằng tất cả những môi người; – không chỉ được thể hiện trên toan trên bố hay trên đá cẩm thạch, mà được khắc vào hơi thở của bản thân cuộc sống. Biểu tượng của suy nghĩ của một người cổ đại trở thành lời nói của một người hiện đại. Về những tượng đá cẩm thạch của Hi Lạp, hai nghìn năm đã truyền vào những tượng đài của văn chương của nó chỉ một màu thu vàng chín hơn, vì chúng đã mang bầu không khí trong sáng và thiên đàng của chính nó vào mọi mảnh đất để bảo vệ chúng khỏi sự gặm mòn của thời gian. Sách là kho báu của thế giới và tài sản thừa kế xứng đáng của các thế hệ và các dân tộc. Sách, những quyển xưa nhất và hay nhất, đứng một cách tự nhiên và đàng hoàng trên các kệ sách của mọi nhà. Chúng không có lí do gì để tự biện hộ, nhưng trong khi chúng khai sáng và nâng đỡ độc giả thì lương tri của anh ta không từ chối chúng. Tác giả của chúng là một tầng lớp quý tộc tự nhiên và hấp dẫn của mọi xã hội, và hơn mọi vua chúa, họ ảnh hưởng lên loài người. Khi một nhà buôn dốt nát và kiêu ngạo nhờ công việc kinh doanh thành công mà giành được nhàn rỗi và độc lập, và được chấp nhận vào giới giàu sang, chắc chắn cuối cùng ông ta sẽ quay sang những giới có tri thức và tài năng, cao hơn nhưng khó vào hơn, và nhận ra sự dở dang của văn hóa của ông ta, sự phù phiếm và thiếu hụt trong sự giàu có của ông ta, và hơn nữa chứng tỏ sự nhìn xa của ông bằng những nỗ lực cho con cái của ông cái nền tảng văn hóa trí thức mà ông cảm thấy rõ sự cần thiết của nó, và như vậy ông trở thành người sáng lập gia đình.
Những người không học những tác phẩm kinh điển trong ngôn ngữ mà nó được viết chắc chắn sẽ có kiến thức rất không hoàn hảo về lịch sử của loài người; vì một điều đáng chú ý là không có bản ghi chép nào của chúng bằng bất kì một thứ tiếng hiện đại nào, trừ phi bản thân nền văn minh của chúng ta có thể coi là một bản ghi chép như vậy. Homer chưa bao giờ được in bằng tiếng Anh[9], cả Æschylus cũng vậy, thậm chí Virgil[10], – những tác phẩm thanh tao và tinh tế và đẹp như bản thân buổi sáng; những nhà văn sau này, cho dù chúng ta nhất trí về thiên tài của họ, hiếm khi hay chưa bao giờ sánh được vẻ đẹp trau chuốt và hoàn hảo của những kì công văn chương hùng vĩ và suốt đời của những người Hi Lạp La Mã cổ đại. Họ chỉ nói về việc quên những người chưa bao giờ biết họ. Sẽ là khá sớm để quên họ khi chúng ta có học vấn và thiên tài cho phép chúng ta chuyên tâm vào hiểu họ. Thời đại sẽ trở nên thật giàu có khi những di sản mà chúng ta gọi là Cổ điển, và những Bản thảo còn xa xưa hơn và cổ điển hơn nhưng vẫn còn ít được biết đến của các dân tộc, sẽ được tích lũy hơn nữa, khi Vatican[11] được chất đầy những Vệ đà[12], và Zendavestas[13] và Kinh Thánh, với những Homer những Dante[14] và những Shakespeare, và tất cả các thế kỉ tới sẽ kí thác thành công những chiến tích của chúng vào diễn đàn của thế giới. Với một chồng như vậy chúng ta có thể hi vọng cuối cùng sẽ trèo lên được thiên đường.
Tác phẩm của những nhà thơ vĩ đại chưa bao giờ được loài người đọc, vì chỉ những nhà thơ vĩ đại mới có thể đọc chúng. Chúng chỉ được đọc như kiểu đám đông đọc những vì sao, nhiều lắm là theo cách tử vi, chứ không phải theo cách thiên văn học. Phần lớn người ta học đọc để phục vụ những nhu cầu vặt vãnh, như học mật mã để giữ tài khoản và không bị lừa trong giao dịch kinh doanh, nhưng việc đọc như luyện tập trí tuệ cao quý thì họ biết rất ít hoặc không biết gì; tuy nhiên đấy là nói đến việc đọc, theo một nghĩa cao quý, chứ không phải thứ ru ngủ chúng ta như một niềm khoái trá và chịu bỏ đi những khả năng xuất sắc hơn để ngủ trong lúc đó, mà là thứ chúng ta phải đứng nhón gót để đọc và dành những giờ thao thức và tỉnh táo nhất của chúng ta cho nó.
Tôi nghĩ, đã học được những chữ cái, chúng ta nên đọc cái tốt nhất trong văn học, chứ đừng suốt đời cứ lặp lại hoài a, b, c và những từ một âm tiết, như ở lớp bốn và lớp năm, ngồi ở hàng ghế đầu tiên và thấp nhất. Phần lớn mọi người thoả mãn với việc đọc và nghe đọc, và lâu lâu được thuyết phục bởi sự khôn ngoan sáng suốt của một cuốn sách tốt, Kinh Thánh, rồi sống vô vị trong phần còn lại của cuộc đời, và tiêu tan những khả năng của họ trong cái gọi là việc đọc dễ dàng. Trong Thư viện Cho Mượn của chúng tôi có một tác phẩm nhiều tập có tên là Sách Dễ Đọc (Little Reading), mà tôi cho là nhắc đến tên một thành phố tôi chưa từng đến[15]. Có những người, giống như những con chim cốc và đà điểu châu Phi, có thể tiêu hóa tất cả những thứ này, thậm chí sau một bữa ăn ê hề thịt cá rau quả, vì họ không chịu để cái gì uổng phí. Nếu những người khác là những cỗ máy cung cấp những thức ăn tạp này, thì họ là những cái máy để đọc nó. Họ đọc câu chuyện thứ chín nghìn về Zebulon và Sophronia[16], và họ đã yêu như chưa từng có ai yêu trước đó, và con đường tình yêu đích thực của họ cũng chưa bao giờ suôn sẻ[17], dù chạy và vấp thế nào, họ cũng sẽ đứng lên và tiếp tục! Một kẻ bất hạnh khốn khổ nào đó đã trèo lên một gác chuông như thế nào, lẽ ra hắn không bao giờ nên leo lên đến tận gác chuông như thế; và sau khi đã đưa hắn lên đó một cách vô ích, nhà tiểu thuyết vui vẻ rung chuông lên cho cả thế giới kéo đến để nghe. Ôi trời! Làm thế nào cho hắn xuống được. Về phần tôi, tôi nghĩ rằng tốt hơn họ nên biến tất cả những nhân vật đầy khao khát của thế giới tưởng tượng ấy thành người chong chóng, như trước đây họ thường đưa các nhân vật lên các chòm sao, và để họ bay trên ấy cho đến chán và không bao giờ xuống nữa để quấy rầy những người lương thiện bằng những trò tinh quái của họ. Lần sau mà nhà tiểu thuyết rung chuông tôi sẽ không nhúc nhích cho dù nhà họp cháy rụi. Điệu nhảy Tip-Toe-Hop[18] một truyện thời Trung Cổ, của tác giả nổi tiếng ‘Tittle-Tol-Tan’ (Một chút-và-Không chút nào) xuất bản mỗi tháng một phần; được đặt mua từ trước với số lượng lớn kinh khủng. Tất cả những truyện đó họ trợn tròn mắt đọc, với sự tò mò và thèm thuồng thô thiển, và tọng tất cả vào diều, đúng như một thằng bé bốn tuổi ngốn ngấu cuốn Lọ Lem bìa mạ vàng hai xu của nó, mà như tôi thấy, không có chút thay đổi nào trong cách diễn cảm, hay biết rút ra chút ý nghĩa đạo đức nào. Kết quả là cái nhìn mờ mịt, sự bế tắc trong tuần hoàn và một sự tê liệt tổng thể, suy sụp toàn bộ các khả năng trí tuệ. Cái loại bánh gừng[19] này được nướng hằng ngày và chuyên cần hơn bánh mì trắng hay bánh nâu trong hầu hết các lò nướng, và tìm được một thị trường bảo đảm hơn[20].
Những quyển sách hay nhất không được đọc bởi ngay cả những người được gọi là những người đọc có trình độ. Văn hóa của Concord chúng ta là gì? Trong thành phố của chúng ta gần như không ai có sở thích tìm những tác phẩm hay nhất, hoặc rất hay, ngay cả trong văn học tiếng Anh, là thứ tiếng mọi người đều đọc được. Ngay cả những người đã tốt nghiệp đại học và những người được coi là có học vấn rộng ở đây và nơi khác, cũng thật sự rất ít hoặc không quen với văn học cổ điển Anh, còn về sự thông thái của nhân loại được ghi lại – văn học cổ điển Hi La và Kinh Thánh – mà tất cả những ai biết đến chúng đều có thể tiếp cận, không đâu có lấy một cố gắng nhỏ nhất để làm quen với chúng. Tôi biết một người thợ rừng, tuổi trung niên, mua một tờ báo Pháp, không phải để xem tin tức như ông ta nói, vì ông ta ở trên trình độ đó, mà là để “theo sát thực tế”, ông ta gốc Canada; và khi tôi hỏi ông coi việc gì là tốt nhất ông có thể làm trong thế giới này, thì ông nói, ngoài việc đó ra, là duy trì và bổ sung vốn tiếng Anh của ông ta. Điều này gần giống với những gì những người đã tốt nghiệp đại học làm và muốn làm, và họ đặt mua một tờ báo tiếng Anh cho mục đích đó. Người vừa mới đọc xong một trong những quyển sách tiếng Anh hay nhất sẽ tìm xem có bao nhiêu người có thể cùng anh ta nói chuyện về nó? Hay giả sử anh ta vừa mới đọc xong một tác phẩm cổ điển Hi Lạp và La Mã trong nguyên bản, những tác phẩm mà ngay cả những người bị coi là vô học cũng ca ngợi, anh ta sẽ không thể tìm thấy ai để nói về nó, mà đành im lặng. Tất nhiên, hiếm có giáo sư nào trong trường đại học của chúng ta, nếu đã làm chủ được những khó khăn của ngôn ngữ ấy, cũng làm chủ được một cách tương ứng những khó khăn trong cái sâu sắc của một nhà thơ Hi Lạp, và có được sự đồng cảm để truyền cho những độc giả tỉnh táo và quả cảm; còn đối với những Bản Kinh thiêng liêng, hay những Thánh Kinh của nhân loại, trong thành phố này ai có thể nói với tôi ngay đến tên của nó? Hầu hết mọi người không hề biết rằng không chỉ Hebrew mà dân tộc nào cũng đều có bản kinh của mình. Bất kỳ người nào trên đường đi của mình cũng sẽ dừng bước để nhặt một đồng đô la bạc; nhưng kìa trước mắt chúng ta có những lời bằng vàng mà những người khôn ngoan thông thái nhất thời cổ đã thốt ra, và giá trị của chúng đã được sự khôn ngoan của các thời đại kế tiếp nhau bảo đảm với chúng ta; thế mà chúng ta chỉ học để đọc được đến những cuốn Dễ Đọc, những cuốn sơ đẳng và lớp một, và khi chúng ta rời ghế nhà trường, từ cuốn sách “Dễ Đọc” và những sách truyện cho trẻ em và những người mới bắt đầu; và những sách chúng ta đọc, đến những cuộc nói chuyện, những suy nghĩ của chúng ta, tất cà đều ở trình độ rất thấp, chỉ xứng đáng với những người pygmy, những người lùn.
Tôi khao khát làm quen với những người thông thái hơn những người mà mảnh đất Concord này đã sinh ra, mà tên tuổi hiếm khi được biết ở đây. Hay là tôi sẽ chỉ nghe tên Plato[21] và không bao giờ đọc sách của ông? Như thể Plato là người cùng thành phố tôi mà tôi không bao giờ gặp, người láng giềng sát vách mà tôi chưa bao giờ nghe ông nói hoặc chú tâm đến sự thông thái trong những lời nói của ông? Nhưng thật sự là thế nào? Những cuộc đối thoại[22] của ông, chứa đựng những gì là bất tử ở ông, nằm trên giá sách bên cạnh, và tôi chưa bao giờ đọc chúng. Chúng ta kém giáo dục, sống thấp kém và dốt nát; và trong khía cạnh này tôi thú nhận tôi không thấy có sự khác biệt lớn giữa cái dốt của những người đồng hương không biết chữ của tôi, với cái dốt của người chỉ học đến mức đọc được những gì dành cho trẻ em và những người kém trí. Chúng ta nên vươn lên ngang tầm với những giá trị của thời cổ đại, nhưng một phần trước hết bằng cách biết chúng giá trị như thế nào. Chúng ta là giống người nhỏ bé, và chỉ bay vút lên trong những chuyến bay trí tuệ của chúng ta, cao hơn một chút so với những cột báo hằng ngày.
Không phải tất cả các cuốn sách đều tối tăm như những độc giả của chúng. Trong sách có thể có những lời nói đúng vào tình cảnh của chúng ta, mà nếu chúng ta có thể thật sự nghe và hiểu, sẽ tốt lành hơn buổi sáng hay mùa xuân của cuộc đời chúng ta, và có thể rọi một ánh sáng mới lên bề mặt của sự vật cho chúng ta. Đối với nhiều người việc đọc một cuốn sách đã mở ra một thời kì mới trong đời. Cuốn sách đó tồn tại cho chúng ta đôi khi sẽ giải thích những điều kì diệu của chúng ta và bộc lộ những điều mới. Những gì lúc này không thể thốt ra chúng ta sẽ thấy được thốt ra ở nơi nào đó. Cùng những vấn đề làm chúng ta bất an, khó hiểu và hoang mang cũng đã có lần xảy ra với những người khôn ngoan, tất cả không có ngoại lệ, và mỗi người đã trả lời chúng, theo khả năng của mình, bằng lời và bằng cuộc đời mình. Hơn nữa, với hiểu biết chúng ta sẽ học được cách nhìn rộng mở. Một người làm thuê cô đơn trong một trang trại ở ngoại ô Concord, người đã được tái sinh và mặc khải, cho rằng vì thế cần phải sống lặng lẽ và xa lánh mọi người, có thể không tin vào điều này; nhưng Zoroaster[23], cách đây nhiều nghìn năm, cũng đi con đường ấy và có cùng trải nghiệm ấy, nhưng vì thông thái ông biết rằng nó là phổ quát, và đối xử khoan dung với láng giềng của ông, và thậm chí được coi là đã phát minh ra và thiết lập tình bác ái giữa những con người. Vậy hãy để cho anh ta cảm thông một cách khiêm nhường với Zoroaster, và qua ảnh hưởng rộng mở của tất cả các đấng bậc, với chính Jesus Christ, và để “nhà thờ của chúng ta” với anh, không còn cần thiết nữa.
Chúng ta hãnh diện rằng chúng ta thuộc về thế kỉ mười chín và đang sải những bước nhanh nhất so với mọi dân tộc. Nhưng hãy xem thành phố này đã làm ít ỏi thế nào cho văn hóa của chính nó. Tôi không nuốn nịnh những người cùng thành phố với tôi, cũng không muốn họ nịnh tôi, vì điều đó sẽ chẳng giúp cho họ hay tôi tiến bộ. Chúng ta, giống như nhưng con bò đực, cần phải chọc bằng gậy nhọn mới bước đi. Chúng ta có một hệ thống trường công tương đối nghiêm chỉnh, những trường chỉ dành cho tuổi đồng ấu; nhưng chỉ trừ Lyceum[24] đói gần chết trong mùa đông, và gần đây một thư viện mới bắt đầu một cách yếu ớt do nhà nước khởi xướng, không có trường nào cho người lớn chúng ta. Chúng ta chi tiêu cho hầu như bất kì đồ ăn hay thuốc men thể xác nào, nhiều hơn cho thức ăn tinh thần của chúng ta. Đây là lúc chúng ta phải có những trường học ngoài công lập[25], để chúng ta không bỏ học khi trở thành người lớn. Đây là lúc mà các thành phố là các trường đại học, mà những dân thành phố đứng tuổi là thành viên các trường đại học, có thời gian nhàn rỗi – nếu họ khá giả, tất nhiên – để theo đuổi những nghiên cứu tự do trong phần còn lại của cuộc đời. Thế giới có nên vĩnh viễn bó hẹp trong một Paris hay một Oxford không? Các sinh viên không thể lên tàu tại đây và lĩnh hội một nền giáo dục tự do dưới những bầu trời của Concord sao? Chúng ta có thể thuê một Abelar[26] để giảng cho chúng ta không? Than ôi, bận chăn nuôi gia súc và giữ kho, chúng ta bị cách li với giáo dục quá lâu, và việc học tập của chúng ta đã bị bỏ bê một cách đáng buồn. Trong nước này, làng ở một số khía cạnh nào đó chiếm vị trí của quý tộc châu Âu. Nó phải là người bảo trợ nghệ thuật. Nó đủ giàu có để làm thế. Nó chỉ thiếu sự hào hiệp và tinh tế. Nó cần tiêu tiền đủ cho những thứ mà nhà nông và nhà buôn coi trọng, nhưng nó được coi là Không tưởng[27] khi đề nghị chi tiêu cho những thứ mà những người thông minh hơn biết là có giá trị hơn nhiều. Thành phố này đã tiêu mười bảy nghìn đô la cho một toà thị chính, nhưng có lẽ nó không tiêu nhiều đến như thế nuôi sống trí tuệ, cái thật sự cốt lõi để đưa vào trong toà nhà ấy, trong hằng trăm năm. Một trăm hai mươi lăm đô la hàng năm đóng cho một Lyceum vào mùa đông là khoản chi tiêu có ích hơn bất kì món tiền tương đương nào được quyên góp trong thành phố. Nếu sống trong thế kỉ XIX, tại sao chúng ta không hưởng lấy tất cả những thuận lợi mà thế kỉ XIX đem hiến cho chúng ta? Tại sao cuộc sống của chúng ta cứ phải có tính chất tỉnh lẻ? Nếu chúng ta đọc báo, tại sao không bỏ qua chuyện tầm phào của Boston và lấy ngay tờ báo hay nhất thế giới? – chứ không bú cái núm vú cao su “báo của các gia đình trung lưu” hay lướt qua Olive-Branches[28] ở New England này. Hãy để những phóng sự của tất cả những xã hội có học đến với chúng ta, và chúng ta sẽ thấy chúng có biết gì không? Tại sao chúng ta lại để cho Harper & Brothers và Redding & Co.[29] lựa chọn cho chúng ta đọc cái gì[30]. Nếu như một người quý tộc có thị hiếu được trau dồi, bao quanh anh ta những gì tạo nên văn hóa của anh ta – tài năng – học vấn – trí tuệ – sách – tranh – tượng – nhạc – các giáo khoa triết học – và những thứ tương tự, thì hãy để cho thành phố chúng ta cũng làm như vậy, không chỉ giới hạn ở một nhà sư phạm, một mục sư, một người kéo chuông nhà thờ, một thư viện của giáo khu, và ba ủy viên hội đồng thành phố, bởi vì những tổ tiên hành hương[31] của chúng ta đã có lần đi qua một mùa đông lạnh lẽo trên một tảng đá hoang vu với những thứ này. Hành động tập thể đang theo tinh thần của những thiết chế của chúng ta, và tôi tin tưởng rằng một khi những hoàn cảnh của chúng ta thịnh vượng hơn, những biện pháp của chúng ta sẽ hay hơn của nhà quý tộc. New England có thể thuê tất cả những nhà thông thái trên thế giới đến đây để dạy nó, và chu cấp nơi ăn chốn ở cho họ[32] trong toàn bộ thời gian, và không hề là tỉnh lẻ nữa. Đó là trường phi-công lập chúng ta cần. Thay vì những nhà quý tộc, chúng ta hãy là những thành phố quý tộc của những con người. Nếu cần, bớt đi một cây cầu bắc qua sông, chịu khó đi vòng một chút, và lao ít nhất một nhịp cầu qua cái vực tối tăm hơn của ngu dốt bao quanh chúng ta.
[1] Nâng mạng che mặt của Isis, nữ thần cổ Ai Cập, là chọc thủng qua trái tim của một bí mật vĩ đại. Trong đạo Hindu, người nào nâng được mạng của Maya, ảo ảnh của vũ trụ, là trực tiếp thấu hiểu Thượng đế và bí mật của sáng tạo.
[2] Nhà thơ Ba Tư thế kỉ 18.
[3] Æschylus (525-456 B.C.): Nhà viết kịch Hi Lạp.
[4] Những môn học cổ điển: Văn, triết, sử Hi Lạp và La Mã cổ đại.
[5] Những ngôi đền ở Hi Lạp, nơi các nhà tiên tri đưa ra những lời sấm cho những ai đến hỏi.
[6] Trừ phi một người được sinh ra lần nữa, anh ta không thấy được nước Chúa (John, 3.3).
[7] Nhiều thế kỉ trôi qua, cho đến tận thời Phục Hưng người ta mới tìm thấy lại những giá trị của Cổ điển Hi-La.
[8] Đại đế của Macedon (356 -323 tr.CN): Người chinh phục đế quốc Ba Tư. Theo tiểu sử Alexander của Plutarch, Alexander nói rằng ông mang theo Iliad bên mì̀nh.
[9] Tác giả chỉ muốn nói các bản dịch chưa bao giờ truyền đạt được hết tinh thần của nguyên bản. Bản thân tác giả cũng dịch một số tác phẩm của Æschylus như Prometheus bị xiềng và Bảy tướng đánh thành Thebes.
[10] Nhà thơ La Mã (70-19 tr. CN).
[11] Vatican là nơi có những thư viện tài liệu cổ điển lớn nhất thế giới.
[12] Xem chú thích 159.
[13] Bản kinh thánh thời Ba Tư cổ đại của đạo của Zoroaster (Zarathrustra) viết bằng tiếng Avestan.
[14] Nhà thơ anh hùng ca Italy (1265-1321).
[15] Thành phố có tên Reading (đọc là redding), bang Massachusetts.
[16] Tên những nhân vật trong các tiểu thuyết tình cảm ăn khách thời đó.
[17] Nghìn lẻ một đêm: con đường của tình yêu đích thực không bao giờ suôn sẻ.
[18] Điệu nhảy trên đầu ngón chân.
[19] Gingerbread vừa có nghĩa là bánh gừng, vừa có nghĩa là lòe loẹt hào nhoáng.
[20] Thị trường của các loại sách nghiêm túc luôn luôn khó khăn như Thoreau biết rõ, sau thất bại tài chính của cuốn Một tuần trên các dòng sông Concord và Merrimack của ông, buộc ông phải quay lại nghề làm bút chì để trả nợ. Ông không phải tác giả đầu tiên chịu cảnh thất bại vì sách hay không bán được.
[21] Plato (427?-347 tr.CN.): Triết gia cổ Hi Lạp.
[22] Trong cuốn Những cuộc đối thoại của Plato, các nhân vật hỏi những câu hỏi, để Plato có dịp đưa ra những quan điểm của ông, và để cho người đọc quyết định đúng hay sai.
[23] Zoroaster (tức Zarathustra, 600 tr.CN) nhà tiên tri Ba Tư [xem chú thích 191].
[24] Lyceum là hệ thống giáo dục công ở những thành phố nhỏ của New England giữa thế kỉ XIX. Mục đích chính của nó là bảo trợ một loạt bài giảng lưu động mỗi mùa đông. Thoreau là một giảng viên thường xuyên của các lyceum như thế.
[25] Thoreau không đánh giá cao giáo dục của hệ thống trường công, kể cả các trường đại học. Quan niệm của ông về giáo dục chủ yếu là học suốt đời, một mình, với sách và những người thông thái.
[26] Peter Abelard (1079-1142): Nhà triết học và thần học Pháp.
[27] Một nơi lí tưởng tưởng tượng, mặc dầu tên gọi của nó có nghĩa là “Không nơi nào”. Nhiều người cho rằng Walden là một loại tác phẩm không tưởng.
[28] Một tờ báo của Hội Giám lí.
[29] Những nhà xuất bản nổi tiếng ở New York và Boston thời đó.
[30] Harper & Brothers xuất bản một loạt sách có tên “Tủ sách văn học kinh điển chọn lọc”, Thoreau thích tự mình chọn hơn.
[31] Pilgrim forefathers: những người sáng lập Plymouth, thuộc địa đầu tiên ở Massachusetts.
[32] Thay cho một phần lương, các giáo viên được phụ huynh học sinh chu cấp ăn ở.
[…] Nguồn: Lời Giới Thiệu Sách Của Dịch Giả Hiếu Tân […]