Huỳnh Ngọc Nga
(Thương kính nhớ Ba)
Tôi là chị cả của đàn em tám đứa, tuy không phải con đầu lòng nhưng anh hai tôi mất lúc chưa kịp lên ba nên tôi được cha mẹ cưng chìu nhiều lắm. Má tôi chăm sóc cho tôi từng ly, từng tí đã đành mà ba tôi cũng lo cho tôi không thiếu một thứ gì từ lúc tôi còn nhỏ dại cho đến khi vào đời như bao người khác.
Má tôi kể, ba tôi thương con cái hơn tất cả mọi thứ trên đời, và theo những gì tôi đã trải qua, lời má tôi không phải là lời quá đáng. Đứa trẻ lên ba, lên bốn nơi tôi là một đứa trẻ èo uột xanh xao, đau ốm liên miên, tiền bạc ba đi làm chỉ đủ để mua thuốc cho tôi vậy mà ba vẫn cưng chiều tôi chứ không một lời than thở. Rồi các em tôi lần lượt chào đời, nhân số gia đình tăng lên nhanh chóng, nhà bị cháy bởi binh biến loạn Bình Xuyên, chúng tôi phải dọn về ở chung với nội bên kia vùng Chánh Hưng, thời gian nầy ba bị mất việc bởi sự vu khống của đồng nghiệp, má thay ba tảo tần buôn bán nuôi đàn con nheo nhóc. Lúc đó tôi đã lên chín, lên mười, má tôi chợ búa bận rộn liên miên, ba thay má lo cho chúng tôi từng buổi ăn sáng, ăn trưa, chiều về có má tôi đãm trách việc ẩm thực cho cả nhà. Làm chị cả, tôi cũng lăng xăng đôi chút phụ giúp việc gia đình cho mẹ cha, ba tôi ngoài việc sở làm ngày trước, còn rành nấu ăn không thua gì những ông đầu bếp các khách sạn, nhà hàng, nhờ vậy dù má tôi vắng mặt lo chuyện bán buôn, tôi cũng đuợc ba dạy nấu nướng rành rẻ như bao cô con gái khác. Ba thương chị em chúng tôi đồng đều trong tính xuề xòa, bao dung, ít khi ba dùng roi vọt hoặc la mắng chúng tôi, nhưng cũng không phải vì vậy mà vắng phần giáo dục. Cùng với má tôi, ba dạy chúng tôi cách ăn nếp ở, nếu má dùng lời lẻ để hướng dẫn chúng tôi thì ba ưa đem những thực tiễn trong đời để làm gương cho chúng tôi theo đó mà noi, tấm gương đó thể hiện trong cách ba đối xử với gia đình, bè bạn và chung quanh, nhẹ nhàng nhưng linh động và vì vậy cách giáo dục đó đã len vào tim óc chị em tôi thành một thói quen cho đến mãi bây giờ.
Vào cuối thập niên sáu mươi, ba tôi được thu dụng vào làm trong Cty Điện Lực Saigon, tôi và Yến, cô em kế tôi cũng tìm được việc làm, cuộc sống gia đình dễ thở hơn nên má tôi thôi không nhọc nhằn buôn bán nữa. Ba má tôi tuy nghèo nhưng thương yêu nhau hết mực, lúc còn quán xuyến chợ búa, má tôi không cậy tay làm ra tiền để lên mặt với chồng, ba tôi không ỷ thế trưởng gia đình để lấn đáp vợ hiền, chưa bao giờ tôi nghe ba tôi nói một tiếng chưởi thề trong gia đình như đa số các ông chồng trong xóm, đi đâu ba má tôi cũng đi có đôi có cặp dẫn theo lủ con tám, chín đứa lúc thúc nối đuôi. Bà con lối xóm cũng như quyến thuộc nội, ngoại hai bên đều coi gia đình ba má tôi như một hình ảnh mẫu mực của tình yêu thương chồng vợ. Dám cưới, đám hỏi nào của người quen ba má tôi cũng được mời làm đại diện hai họ để cô dâu chú rể theo đó lấy hên và bắt chước. Tuy nhiên, cũng phải nói một điều là ba tôi lúc còn trẻ khá đẹp trai, khi đứng tuổi cũng phương phi chửng chạc nên tiếng đồn gần xa nói rằng ba tôi có sao đào hoa chiếu mạng. Thật hư không biết, chị em tôi chỉ biết rằng ba tôi ít khi vắng mặt trong những buổi cơm nhà ngoại trừ các buổi tiệc do bạn bè lôi kéo mà ba tôi vẫn thông báo trứơc cho má con tôi khỏi phải đợi chờ. Ba tôi tính rộng rãi, bao dung, khi nghèo hay lúc đầy đủ vẫn không bao giờ keo kiệt với chung quanh, chị em tôi vẫn thường nhớ những ngày rằm tháng bảy, ngày Tết nguyên tiêu, khi không còn túng thiếu ba tôi hay mua gạo để phân phát cho bà con nghèo trong xóm, ba thường nói “mình ăn thì hết, người ăn thì còn “, còn đây là còn tình nghĩa, còn âm đức để lại cho con cháu mai sau.
Nhà tôi nữ thạnh hơn nam nên tôi có đến bày chị em gái mà chỉ có hai đứa em trai. Ông bà mình thường nói có con gái lớn trong nhà như có hủ mắm treo đầu giùơng, không biết có phải vì thế hay không mà mới ngoài bốn mươi tuổi tôi thấy tóc ba đã bắt đầu bạc màu thời gian dù chị em chúng tôi vẫn nhớ lời giáo huấn của mẹ cha chưa làm gì vượt câu gia giáo. Vườn hoa nào cũng ong ve bướm vãn, vườn hoa nhà ba má tôi có bảy cành hồng nên ông chủ vườn lứoi giăng, tường chắn để những đoá hồng luôn mãi thắm tươi chờ đúng người trao tay gởi phận. Những ngày tôi còn đi học, ba vẫn thường xuyên đưa rước tôi, đến lúc tôi đi làm ba cũng không quên vai trò tài xế cho tôi, những chiều tan sở, chở tôi về nhà ba hay ghé vào những quán hàng để cha con lót dạ trước buổi cơm chiều. Ba sành ăn nên sành những quán ngon, tiệm tốt, tôi được ảnh hưởng từ ba nên cũng thích ăn vặt ngoài giờ. Di làm, gặp món ngon vật la, ba mua về cho vợ con ở nhà cùng thưởng thức, làm gì làm gia đình vẫn là điểm mốc trong đời sống thường nhật của ba tôi. Chị em chúng tôi được ba tôi thương yêu chăm sóc như lúc còn thơ dù đứa nào cũng đã đến tuổi thành niên. Tôi còn nhớ mãi, sau năm 1975, một buổi chiều tan sở làm, tôi đến trường học Đại học Tổng hợp học thêm sinh ngữ, xui rủi làm sao hôm đó trên đường về bánh xe đạp của tôi lại bị xì lốp mà trời lại đang mưa nặng hột. Con đường Phan đình Phùng dài thăm thẳm, làm sao tôi có thể về đến Chánh Hưng giữa trời khuya giông gió như vầy. Bên đường một cậu nhỏ sửa xe đạp còn chưa dẹp đồ nghề, tôi tắp vào để vá lốp. Những giọt nước mưa tiếp tục tuôn như thác, cậu nhỏ có lẻ mới ra nghề nên vá hoài mà bánh xe vẫn chẳng chịu phồng căng. Tôi gần như tuyệt vọng, ngó trước, ngó sau tìm một chiếc xích lô để đem xe về nhà mà chẳng thấy. Bỗng ba xuất hiện với chiếc Vespa cố hữu, ba bảo ở nhà chờ hoài không thấy tôi về nên ba phải đoán theo con đường từ trường về nhà để đi tìm tôi. Ba chạy kiếm một chiếc xích lô máy để chở tôi và chiếc xe đạp khốn khổ về nhà. Buổi tối hôm đó, bên bàn ăn muộn , chưa bao giờ tôi thấy ấm lòng dưới mái ấm thương yêu của gia đình như thế.
Tôi là chị cả, đúng ra phải lập gia đình trước các em tôi, nhưng duyên tôi chưa đến nên dù qua bao lần luyến ái câu gia thất vẫn không thành. Năm 74, em gái thứ bảy của tôi lập gia đình, em rể tôi là người Y’ Đại Lợi, họ cưới nhau qua bao ngăn trở của chị em trong nhà, nhưng tình yêu cuối cùng đã thắng và em gái tôi theo chồng đến tận phương xa, bỏ lại sau lưng mười chín năm con gái.
Qua năm 75, chiến tranh Nam Bắc đến hồi kết thúc, VN thống nhất sau hơn ba mươi năm chinh chiến tương tàn. Hậu quả của sự phân chia dai dẳng đó đưa đến cảnh đoạn lìa kẻ ở người đi giữa kẻ thắng, người bại. Bà mẹ VN thôi khóc máu xương rơi, nhưng phải đau lòng nhìn những đứa con vì chính kiến mà buồn cảnh trời tây nhớ trời đông. Em gái tôi từ phương xa diệu viễn, theo luật ra đi hơp pháp diện đoàn tụ gia đình đã gởi đơn bảo lãnh về cho cả nhà được lên đường sang Y’. Cũng phải nói là sau ngày lịch sử 30.4.75 đó, má tôi trở lại buôn bán để phụ giúp vào đồng lương khiêm tồn của ba tôi và các chị em tôi. Với tuổi đời chồng chất, má nhọc mệt hơn nhiều so với những tháng năm xưa, thêm nổi nhớ đứa con gái lấy chồng xa và các đứa cháu ngoại chỉ một lần gặp gở trong chuyến em tôi dẫn chúng về thăm lại gia đình năm 79, vì vậy tờ đơn bảo lãnh được má tôi đón nhận với cả sự hài lòng, các em tôi cũng thế, tất cả hân hoan chờ ngày lên đường sống đời viễn xứ. Chỉ có tôi và ba tôi, vâng, chỉ có hai cha con chúng tôi là ngại ngần trong đắn đo suy nghĩ chuyện ra đi nầy. Ba tôi không muốn rời xa nơi người được sanh ra và lớn lên với tình người, tình cây cỏ chung quanh, ngôi nhà chúng tôi đang ở được xây dựng bằng bao nhọc nhằn, gian khổ của ba lẫn má, đi có nghĩa là bỏ hết lại sau lưng, đi có nghĩa là chấp nhận tương lai viển vông chưa biết được nơi quê người. Riêng phần tôi, tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi sách báo, bị những trung tâm cải tạo Phát xít trong quyển Giờ Thứ Hai Lăm ám ảnh, bị những tin tức kỳ thị da màu phương tây sớm chiều chi phối. Tôi nghĩ, đất nước mình dù sao đi nữa cũng là gốc rể để nương thân, nổi trôi xứ người làm chi, khi vui họ nhận, khi buồn họ khinh. Và hơn thế nữa, tôi còn một đôi mắt, một trái tim của người trai tôi cảm mến, chúng tôi đang ở trong giai đoạn tiên khởi cho một mối tình, tôi không muốn mất đi những nụ mầm thương mến đó.
Nhưng, như đã nói, tình yêu thương dành cho gia đình của ba tôi đã quyết định chuyện ở hay đi, thương má tôi bao năm dài vất vả làm thân cò lặn lội nuôi chồng, nuôi con, thương những đứa con tuổi trẻ luôn mộng mơ chân trời xa lạ, “quốc hội gia đình“ nhóm họp và đa số thắng thiểu số, chuyện ra đi là “quyết nghị“ sau cùng. Từ đấy, tôi thấy ba bươn bả hơn trong chuyện giấy tờ xuất cảnh cũng như thấy ba suy tư hơn trong những lúc vắng rổi ngồi nhìn từng gốc ổi, gốc mận trong sân nhà. Tôi thì lòng dạ xốn xang, đi không nở mà ở cũng không đành, nhưng ở làm sao được khi gia đình tất cả đều sẳn sàng mọi thứ để lên đường. Trước ngày đi, sau khi đã sửa soạn bao nhiêu hành lý, từ giả xa gần quyền thuộc thân quen, tôi và ba ngồi trước balcon nhìn vuông sân nhỏ của ngôi nhà mà trăm chiều vương vấn. Ba nói,” gốc mận hông đào nầy năm tới mình hết hái trái nó rồi con hả”. Tôi cười để không khóc, tiếp thêm nổi niềm của ba “không biết đất đai bên Y’ có trồng được mấy cây bông móng tay đủ màu, cây bông giấy của nhà mình không hén ba “. Cha con tôi nhìn những sợi mồng tơi xanh ngát đang quấn quít leo trên hàng dậu xương rồng, nhìn cây ổi, cây hoa sứ trắng, gốc mai vàng cạnh bàn thiên rồi cha một câu, con một câu cả hai cùng chắc lưởi trong nổi bâng quơ nghi ngại những ngày tương lai sắp tới. Vuông sân nhỏ như căn nhà không lớn lắm của gia đình tôi nhưng những thứ nhỏ bé đó là cả nữa đời gian truân của ba với má tạo thành, là cả một thời ấu thơ chị em tôi trải bước , chỉ có sỏi đá vô tình mới dững dưng trước lúc phủi tay bỏ tất cả mà đi. Tôi buồn và tự nghĩ, nếu không có ngày 30.4 thì làm gì có chuyện đoàn tụ để phải chia xa như vầy. Nhưng tính lại cho đúng thì đất nước nầy có ai đuổi xua chúng tôi đâu mà than với thở, chiến tranh nào cũng có thắng bại lúc sau cùng và chiến tranh của quê hương tôi thì ai thắng ai bại cũng là chủng tộc da vàng, con cháu Rồng Tiên làm chủ mảnh đất hình chữ S nầy, thế sao lại ra đi. Sau chiến tranh dĩ nhiên phải có những phân chia cách biệt, chuyện bình thường như trong tất cả mọi cơn chinh chiến, thà khổ trên quê nhà còn hơn bị rẻ rúng khinh khi nơi xứ người. Danh nghĩa tự do mà muôn người ra đi hô hào đề xướng dù có thật cũng không bằng những thương yêu nguồn cội quê nhà. Nhưng thôi, chuyện đã xong, giờ chỉ mong tương lai đời viển xứ của chúng tôi được yên bình là đủ rồi.
Chúng tôi đến Y’ vào những ngày lập xuân, trời còn vương vương lạnh, cảm giác đầu tiên là sự ngở ngàng sau phút vui mừng đoàn tụ với gia đình em gái tôi. Nhân số chúng tôi đông nên em tôi không thể để tất cả ở chung, thế là phải chia thành nhiều nhóm ở nhiều nơi. Từ đang chung nhau dưới một mái nhà, chúng tôi phải chia lìa hai ba người một địa chỉ khác nhau, tôi thấy nổi buồn hiện rõ trong mắt mọi người, nhưng phải chấp nhận thôi, không thể đòi hỏi quá nhiều em gái tôi, lo cho cả gia đình mười một người trọn vẹn đâu phải là điều dễ dàng trong một sớm, một chiều. Nhưng rồi mọi việc cũng êm ả trôi qua, các em khác của tôi dưới sự giúp đỡ của vợ chồng em tôi lần lượt tìm được công ăn việc làm, và như duyên trời đưa đẩy, các cô con gái của ba má tôi cũng lần lượt lập gia đình và tôi là người tiên khởi. Hai em trai tôi, theo tháng năm sau đó cũng vợ con đầy đủ với người.
Những năm đầu tiên lo việc cưới hỏi cho chị em chúng tôi, ba má tôi bận rộn liên miên, rồi những đứa cháu ra đời đem thêm niềm vui cho cặp vợ chồng già. Nhưng, những khó khăn tinh thần ập đến, không phải với má tôi mà là với ba tôi. Má tôi người dễ dãi, sống đâu cũng được, ăn ở cách nào cũng xong, Y’ hay Việt gì miễn người được gần gụi chồng, con là má tôi thấy hạnh phúc rồi. Vốn tính bương chải giỏi nhờ những năm buôn bán ở quê nhà, má tôi cũng gia nhập nhanh chóng chuyện giao tiếp chung quanh nơi xứ người. Nhưng ba tôi, sự khốn đốn bắt đầu bằng hai chữ “tự do “, ba tôi chỉ tự do trên đất nước ông thôi, cho dù nơi đấy bao nhiêu người đã thở than là thiếu hai tiếng quý báu đo; tự do đi đứng nơi nầy, nơi nọ một mình không sợ lạc đường lạc phố vì thiếu ngôn ngữ đàm thoại với chung quanh, tự do ăn uống những món ăn ba tôi ưa thích không cần phải chạy “qua tây, qua tàu” mới tìm được những hương vị đặc biệt quê nhà, tự do vui đùa dăm ba câu với những anh con rể, với những đứa cháu mà không sợ chúng ngẩn ngơ như chú Mán xuống đồng bằng và nhất là tự do vui đùa nhậu nhẹt chén chú chén anh với những người bạn của ba. Nếu với người phụ nữ, chồng con là trên hết thì với người đàn ông ngoài gia đình họ cũng rất nặng chữ bạn bè. Ba bắt đầu nhớ những ngày đến sở, nhớ quán bên đường, nhớ bạn bè xưa, nhớ tiếng rao hàng khuya trong những đêm mưa rơi rả rít, nhớ từng câu vọng cổ, từng bản nam ai. Tất cả những thứ tầm thường ấy làm sao ba đem theo sang đây cho được, ngôn ngữ Y’ với tuổi đời chồng nặng lên vai làm sao ba còn đủ tinh mẫn để nhớ khi nào chào buổi sáng “buon giorno “, khi nào chào buổi chiều, buổi tối “buona sera, buona notte “. Hàng xóm thì gặp nhau gật đầu chào khi có khi không, không còn những ngày giổ gọi mời nhau rối rít, không còn những ngày tết chúc nhau câu vạn phước an khang. Cháu con thì mỗi tuần họp lại một lần, ba nhìn chúng tôi chí choa chí choé như nhóm chợ với đủ chuyện trên trời dưới đất, nhưng không có chuyện nào cho ba để ba tìm lại được khôngkhí ngày xưa. Di ra đường thì phải nhờ con hay rể, ba nhớ chiếc xe Vespa thân thiết của ba ngày nào như nhớ tình nhân. Cuộc sống nơi đây với ba có tai như điếc, có chân như cụt, tất cả phải nương vào người khác để có được những ngày hôm sau.
Ba muốn trở về thăm lại VN, và ước muốn đó được má đồng tình, năm 1988 ba má tôi cùng trở về chốn cũ, nhưng ngôi nhà xưa đã thay chủ mới, gốc mận, cây ổi, cành mai , cây sứ tất cả đã bị san bằng để biến khuôn sân vuông vườn hoa trái nhỏ nhà tôi ngày nào thành lò đường sệt màu nâu sẫm. Ngày trở lại Y’, má vẫn bình dị hồn nhiên như xưa, nhưng ba đang đi dần vào câm nín, ba ít nói, ít cười, ngồi đâu ngồi đó suy nghĩ đăm chiêu. Những món ăn ba thích cũng bị hạn chế dần vì chứng bịnh tiểu đường đang bắt đầu thâm nhập. Ba như đang sống một mình dù chung quanh có má và em trai tôi luôn tận tình phục dịch. Có hôm ba bỏ nhà không báo trước với ai một lời, ba leo lên xe buýt đi một mình đến đầu trạm xe cuối của một tuyến đường, leo xuống nhìn công viên với tượng đài nuớc sủi, từng đàn bồ câu tụ nhóm tìm mồi, ba đứng giữa công viên một mình, nhìn trời, nhìn đất để nghe sự cô đơn lan tỏa giữa đất trời rối ba leo lên xe hoành trở về nhà. Rồi một lần khác, vào buổi chiều,ba cũng bỏ nhà đi không báo trước như thế, ba đi đến khu chợ Porta Palazzo để tìm mua vài món ăn VN, nhưng khi trở lại ba lên lầm xe buýt, xe không trở về nhà nên ba xuôi ngược lên xuống nhiều lần trên các tuyến đường chắng chịt của thành phố, không biết ngôn ngữ Y’, không mang điện thoại cầm tay theo, ba hoàn toàn bị lạc. Cả nhà chờ hoài không thấy ba về túa nhau đi tìm, báo động cả cảnh sát lẫn nhà thương vẫn không thấy tăm hơi ba đâu, giữa lúc mọi người lo sợ cho ba thì đúng gần 2 giờ khuya ba nhấn chuông cửa vào nhà, mọi người thở phào qua cơn hoảng hốt và bắt đầu gìn giữ, theo dõi ba kỹ càng hơn. Nhưng tình thương yêu, chăm sóc của má tôi và chị em tôi không đủ lấp bằng nổi cô đơn trong lòng ba, ba lại muốn về VN lần nữa. Về thì cũng được đi, duy má tôi sợ nơi quê nhà những món ăn thích ý không làm ba tôi hạn chế được sẽ có hại cho sức khoẻ của người. Bịnh tiểu đường đang biến chứng để kéo theo bịnh tim, bịnh thận đã làm ba tôi phải kiêng cử thực nhiều thức ăn, thức uống; thuốc men gia tăng làm ba tôi thêm bực bội vì người vốn sợ thuốc và không ưa bác sĩ, nhà thương.
Những năm sau cùng, ba tôi thường nhắc với tôi về những người bạn cũ của ba, hầu như tất cả đã chết trước ba theo tin tức từ quê nhà gửi qua, ba dặn tôi nếu ba chết đừng chôn ba ở nghĩa trang xứ Y’ vì ba sợ lạnh lắm và không quen tiếng Y’ để “nói chuyện “ với những láng giềng trong nghĩa địa ở đây. Có lẻ ba nghe sức khoẻ mình không ổn nên mới có những câu dặn dò như thế, tôi vừa sợ, vừa buồn thương ba mà chẳng biết làm sao để giúp ba qua cơn sầu nảo đó, cuộc đời nầy, khó khăn vật chất còn dễ san bằng, chia xẻ nhưng sức khoẻ và tinh thần thì phần ai nấy giữ. Tôi nghĩ bịnh tình ba với khoa học hiện giờ không phải là hết cách chữa, nhưng hình như ba không tha thiết sống nên chẳng chịu thuốc men gì.
Cuối năm 2000, ba tôi bị những cơn động tim ác tính phải vào bịnh viện cứu cấp. Bác sĩ bảo phải mổ gấp mới mong ba tôi qua khỏi, cuộc mổ thành công nhưng chứng tiểu đường đang ở vào giai đoạn chót hoành hành thân thể ba tôi, nhà thương đành chịu phép, má tôi và chúng tôi tuyệt vọng nhìn ba tôi trong cơn mê thiếp ròng rả cả tháng trời trước lúc ba tôi thực sự vĩnh viển lìa xa chúng tôi. Từ lúc mổ tim đến lúc thở hơi cuối cùng, ba tôi tuyệt nhiên chẳng một lần hồi tỉnh để trối trăn lời nào với vợ con. Xác thân ba được hỏa táng thiêu thành tro chờ ngày được chánh quyền sở tại cho đem về với gia đình. Các em tôi, đứa muốn sau nầy mua cho ba một vuông gạch nhỏ của nghĩa trang nơi đây để sớm hôm gần gủi; má tôi muốn khi lấy được thân tro ba ra ngoài thì đem rải xuống một giòng sông nhỏ có chiếc cầu đá bắc ngang tại thành phố Torino nầy, nơi ba má tôi vẫn thường đến viếng vào những ngày nắng đẹp, vì theo ý má tôi đó là nơi yên tỉnh, nước sông rồi sẽ tuôn ra biển đưa linh hồn ba về với quê hương. Riêng tôi, tôi vẫn biết thân tứ đại con người là hư ảo, sống ở thác về, về với hư vô, dù thân tro ở Y’ hay ở VN linh hồn ba tôi chắc cũng đã tìm về chốn cũ, nhưng nhớ lời ba tôi dặn dò năm nào, tôi ao ước má tôi và các em tôi suy nghĩ lại để khi nào được đầy đủ điều kiện hảy đưa tro tàn ba trở lại VN rồi hoặc rải thân tro đó xuống bến kinh Đôi nơi ngôi nhà xưa một thời ba nương náu, hoặc đem tro đó vào chùa cho ba nghe câu kinh tiếng mỏ hàng ngày, những câu kinh mà lúc mất đi ở quê người không có sư thầy nào tụng được cho ba. Nếu thế gian nầy là phù phiếm, ít ra cũng cho chúng tôi có một lần làm chuyện tín ngưỡng đó, để ba vui như lời ước nguyện, để chúng tôi tròn câu hiếu đạo cho ba một chuyến trở về như ngày nào ba đã vì chúng tôi mà phải ra đi.
Hôm nay trời xuân ấm áp, ngoài balcon các chậu hoa đang chớm nụ khai mùa, tôi nhìn cây bông giấy còn trơ cành trụi lá, nhớ cây bông giấy trước sân nhà và chạnh nhớ đến ba tôi, kể các bạn nghe về người trong ngày lể CHA 19.3 như kể chuyện nữa đời người phiêu bạc, chút nhắc nhở u hoài về bóng dọi Thái sơn như khói hương vọng tưởng cha hiền.
HUYNH NGOC NGA
Torino, ITALIA – 18.03.2005
Người cha nào hình như cũng Cao hơn non thái trong trái tim của con mình.
NH Phương nói rất đúng, núi non nào đo đươc tình phụ tử, phải cao hơn là cái chắc.
Và theo Bếp, tình cảm không cần cân, đong, đo, đếm hay so sánh với bất cứ vật thể nào vì nó mênh mông vô hình trong trái tim chúng ta. cũng không cần ngày 19.3 hay ngày Vu Lan tụi mình mới nhớ ơn cha, nghĩa mẹ. Tất cả chỉ là hình thức làm dấu ấn cho quan niệm về cách sống con người, cho các chương trình giáo dục học đường để con trẻ noi gương người đi trước mà học hỏi tiếp tục cất bước đi sau. Nếu không thì chúng ta cũng hoá như muôn vàn động vật vô tình trong cõi ta bà nầy rồi. Không bitế NH Phương có đồng quan điễm với Bếp không?
Cám ơn NH Phương đã ghé viếng non Thái, chúc vui khoẻ và tình thương gia đình của bạn tràn đầy mênh mông
Ai có cha và cũng đã từng làm cha hẵn sẽ xúc động khi đọc tùy bút về cha xúc động này.
Bếp sắp đi ngủ vì đã 3 giờ khuya rồi, những lời còm của Xuân Thì chắc sẽ cho bếp chiêm bao thấy Ba của Bếp cho mà coi.
Cám ơn lời khích lệ dễ thương.
Chúc bạn mọi an lành, vui khoẻ.
Nhiều chi tiết trong câu chuyện thật giống với tính cách của ba mình. Ông ra đi đã lâu. Đọc rất nhớ ông.
Vậy rõ ràng là những người Cha Việt Nam họ có cùng một mẫu số rồi Minh Sơn ơi. Mẫu số của thương yêu đành cho gia đình, con cái. Và bếp với bạn cũng cùng chung một cảnh huống buồn là mồ côi cha. Vậy thì bạn cứ nhớ người đã mất đi, đó là nghĩa tình phụ tử và là bổn phận của kẻ làm con phải không Minh Sơn.
Cám ơn sự đồng cảm và chúc bạn mọi thanh an.
Tình yêu thương của chị dành cho Bác trai thắm đẫm. Đọc đi rồi đọc lại ba lần mà vẫn còn thấy thiếu thiếu nên lại đọc thêm lần nữa. Cảm ơn chị Huỳnh Ngọc Ngà đã trao cho bạn hữu một nụ hồng yêu thương dành tặng người Cha tuyệt vời.
Tại Mắt Biếc chưa biết cái tật hay già chuyện cũng như cách viết con cà con kê của Bếp đó thôi, Bếp cố sửa đổi hoài mà tính cũ không chừa nổi, đáng giận thiệt hén. Nhưng được Mắt Biếc cho thêm chữ dễ thương vào làm Bếp thích chí quá nên chắc có lẻ không thèm thay đổi nữa, để được…dễ thương ấy mà. h hi…
Nói giởn cho vui, Bếp sẽ cốgắng tìm những đề tài ngắn gọn hơn cho Mắt Biếc và các bạn đở mệt vì đọc bài dài quá nghen.
Cám ơn sự tử tế khích lệ và chúc bạn mọi an lành trong cuộc sống.
Minh Ngfuyên ơi, Minh Nguyên ơi, bạn làm Bếp sụt sịt vì cảm động lẫn thích ý vô cùng với lời khích lệ quá ư dễ thương của bạn rồi đó nghen. Được tất cả sự ưu ái của Minh Nguyên và các bạn thật lòng Bếp càng nhớ Ba của Bếp và cám ơn người nhiều hơn nữa vì chính Ba là động lực đã cho Bếp cảm xúc viết được bài viết trên.
Và bây giờ thì cám ơn đọc giả tử tế tuyêt vời Minh Nguyên nghen.
An bình và vui khoẻ nghen bạn hiền của Bếp.
Em thích cách viết của chị dù hơi có dong dài một tí nhưng dễ thương và xúc động
Phải nói là truyện không có gì ghê gớm, nhưng đọc xong em thấy nhớ ba mình ghê gớm.
Chuyện quả thậtvrất bình thường trong đời sống thế nhân với sống/chết, vui/buồn, được/mất, nóu chung chung là hỉ, nộ, ái, ố đời thường. Nhưng đối với Bếp lúc Ba của Bếp mất là một biến cố vô cùng ghê gớm, dù thời gian đã lâu, nổi buồn cũng phôi pha, nhưng cứ nhớ lại là lòng Bếp nghe buồn khôn tả.
Nụ Tầm Xuân đã nghe nhớ cha của bạn ghê gớm thì chắc dã hiểu niềm đau, nổi buồn của Bếp thế naào rồi phải không?
Cám ơn sự đồng cảm của bạn. Chúng ta cùng cầu nguyện cho Cha mình và cùng hết lòng thương con cái mình để nó cũng thương mình như mình đã thương Cha Mẹ mình nghen Nụ Tàm Xuân.
Bài của chị làm em nhớ cha mình.
Cám ơn dì Ba, cưng nhớ Ba cũng là cách khích lệ tinh thần của chị đó.
Thăm cả nhà và vui khoẻ nghen cưng.
Đọc rất xúc động
Thanh Minh đã đem xúc động của bạn ảnh hưởng đến Bếp với lời còm tử tế rồi đó. Nói gì đây ngoài hai tiếng cám ơn và chúc bạn mọi an bình trong cuộc sống.
Chị Nga ơi Người Cha ở trên cao thật cao chắc sẽ mĩm cười chị nhỉ .!
Bếp hy vọng Ba Bếp đã đi đầu thai vào một nơi bình an, hạnh phúc hơn trong kiếp vừa qua T&T à.
Cám ơn T&T đã ghé thăm, chia sẻ.
Vui khoẻ, an bình nha.
Rất cảm động chị Nga ơi.
Thiệt hả Nguyễn Hoa? Vậy là bạn cũng đã làm Bếp cảm động vì có người đồng cảm rồi, cám ơn nghen.
Nguyễn Hoa vui khỏe và thương Cha của bạn nhiều hơn há.
Có một vài lỗi sai chính tả chị ạ
Viết hay.Như một nén tâm linh về nguồn non thái.
Cám ơn lời tử tế của Hẽm Nhỏ. Bếp chỉ ghi lại những cảm nghĩ thật lòng về người cha không còn nữa của Bếp mà thôi. Và đúng là như một nén hương gữi cho người quá vãng.
Bếp cũng xầu hổ nhận lỗi vụng về chính tả làm nhiều người nghe khó chịu khi đọc, nhưng thiệt tình cho Bếp phân giải đôi lời, không những với Hẽm Nhỏ mà còn với tất cả những ai có lòng ghé thăm Bếp : thứ nhất Bếp dốt chính ta như đa số người Nam “dung dề” (vụng về) dù đôi lần cố gắng nhưng không có thì giờ để mở tự điển ra dò lại mà chỉnh sửa. Một đôi khi Bếp có năn nỉ cậu Hiển xem lại và sửa giùm, nhưng có khi quên dặn và chắc cậu ấy cũng bận lu bu chuyện nên quên.
Thôi đành mong chữ đại xá của bạn bè, có thương thì nương cho Bếp, cười xòa và chỉ giáo giùm để Bếp nhớ mà học hỏi mà tránh các lỗi đó trong những lần viết sau. Bếp thật lòng mong, ươc ao bạn đọc thật lòng hướng dẫn chỉnh sửa giùm, được như vậy Bếp cám ơn bạn đọc nhiều lắm lắm.
Hẽm Nhỏ vui khoẻ và sẳn sàng chỉ giùm những lỗi sai để Bếp sửa lại nghen.
Ở nước ngoài lâu năm mà viết như thế này là quá tốt rồi chị ơi.
Khi nào Bếp còn nghĩ mình là người Việt thì vẫn phải cố gắng viết chữ Việt cho đúng Thượng Hiền à. Tuy nhiên, vì cuộc sống lúc nào cũng vội vàng nên đôi khi lực bất tòng tâm vì vậy cứ sai hoài dù lòng không muốn. Đành tìm cách học hỏi thôi và Bếp thật lòng cám ơn tất cả những ai chỉ sai giùm cho Bếp.
Cám ơn thật nhiều sự rộng lượng, tử tế của Thượng Hiền nha.
Chúc bạn vui khỏe và mọi sự an bình.
Chỉ mới đọc lướt qua nhưng cũng rất đồng cảm với chị
Những lời Sino viết dù ngắn ngủi cũng đủ làm Bếp nghe khích lệ nhiều.
Cám ơn bạn và chúc mọi an bình, vui khoẻ nghen.
Mình đọc một mạch ,dù chỉ là những kỷ niệm cá nhân , nhưng câu chuyện làm mình gợi nhớ rất nhiều về bố mình. Tiếc là mình không đủ khả năng để viết lại những câu chuyện giữa mình và bố.Nhưng bố ơi hình ảnh của bố không bao giờ phai trong tâm tưởng của con. Mãi mãi là thế. Cao như non Thái.
Đào Trí làm Bếp cảm động, chuyện riêng tư của Bếp được bạn hiền quan tâm, ảnh hưởng như vậy thì còn hạnh phúc nào hơn. Tình thương bạn hay bất cứ ai dành cho cha đâu cân phải diễn tả trên giấy viết, chỉ tưởng nhớ thôi cũng làm ấm lòng người quá vãng và tràn đầy yêu thương tình nghĩa về cha trong bạn rồi. Đúng là “mã imãi như thế, cao như non Thai” Đào Trí ơi.
Chắc chắn Đào Trí sẽ/đang/đã là người cha tốt nha.
Thú thật đọc xong lòng mình cảm thấy buồn, rưng rưng muốn khóc. Nhớ ba và những hồi ức về ông cứ tràn về. Đúng là tình cha còn cao hơn cả non Thái.
Bếp xin lỗi đã làm Ng.Trọng Thi buồn, nhưng cũng sung sướng thấy tình cha con trở về trong ký ức của bạn. Nếu cuộc đời là những bánh xe lăn, thì con của bạn sẽ nhìn thấy tình cha nơi bạn là cao cả và thương bạn nhiều lắm đó.
Thôi, đừng buồn nữa nha. Sự tưởng nhớ cũng là hạnh phúc vì có cha trong đời đó bạn hiền à.
Ngày xưa có lẽ mình thêm yêu kính cha mẹ có thêm một phần là nhờ những câu ca dao như “công cha như núi Thái Sơn….” . Giờ lại thêm một non Thái khác . Đôi khi nghĩ lại cũng cảm thấy có lỗi với bố mình vô ngần.
Nền giáo dục ngày xưa lấy đạo hạnh làm cơ bản, khác xưa với cách dạy dỗ ngày nay lấy kỹ thuật làm nền tảng nên chuyện người thời trước nhớ “công cha như núi Thai sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” là chuyện thường, đúng như Maimaiyeuthuong nhận xét.
Khi bạn thấy có lỗi với cha bạn cũng là lúc bạn đang chuộc lại phầnnào lầm lỗi đó. Hãy “mãi mãi yêu thương” cha mẹ như cha mẹ luôn yêu thương chúng ta .
Cám ơn đã chia sẻ và chúc bạn được mọi an bình nha.
Người ta hay nhắc đến tình mẹ mà ít nói về tình cha. Đọc bài viết này tự dưng nhớ cha vô vàn.
Câu Coccoc nói cũng là câu mà má Bếp thường hỏi Bếp vì má Bếp cứ thắc mắc sao ít ai nói về cha quá vậy? Theo Bếp nghĩ chắc tại các bà mẹ lo quán xuyến chuyện nhà, chăm sóc con cái trực tiếp hơn những người cha nên các đứa con đâm ra thấy me gần hơn cha mà đua nhau viết về me,. Và cũng có thê mọingười cứ nghĩ là đàn ông ít thích được tuyên dương. ngọt ngào hơn đàn bà nên “mấy đứa nhỏ” tinh ý nhận ra và thương xuyên đem mẹ ra mà “ca” chăng?.
Bếp vô cùng sung sướng khi thấy những giòng về ba của Bếp đã ảnh hưởng đến tâm trạng nhớ cha của Coccoc cũng như vài bạn khác trong trang viêt nây. Cocco và mọi nguời làm Bêp sụt sịt rồi đây né.
Coccon đi làm cái gì tạo vui cho ba của Coccoc đi.
An bình nghen Coccoc
Ở VN mình thật là kỳ, có cái ngày lễ Cha thiêng liêng vậy mà chẳng có tờ báo nào nhắc đến.
Hổng phải vậy đâu Cafebuon à. Ngày 19,3 Lễ Cha là của châu Âu, châu Mỹ hay nói đúng hơn là của đạo Thiên chúa. Bên mình chỉ có lể Vu Lan là ngày tưởng nhớ cả cha lẫn mẹ, cũng rất hay đó chứ. tại Bếp sống ở đây, ngày 19,3 thiên hạ mua quá tặng cha rần rần nhu ngày Valentino bồ bịch tặng chocolate cho nhau vậy đó. Họ đặt ra đủ thứ ngày để buôn bán quà cáp chứ thực tình thương cha mẹ ngày nào cũng thương , chẳng lẻ đợi 19,3 mới nhớ cha sao,?
Nhưng nếu nghĩ kỹ lại, VN mình lúc sau nầy “nhập cảng” nhiều thứ của Tây, của Mỹ quá như lễ Halowing, Tạ Ơn, Tình Yêu, v.v…thì cũng nên “nhập” luôn Lễ Cha, Lễ Mẹ cho đủ bộ để gia tăng thị trường quà cáp cho thiên hạ có công ăn chuyện làm Cafebuon há?….
Vui khoẻ nha bạn hiền…
Câu chuyện chị viết dường như dành cho tất cả mọi người vì hình như ai cũng cảm thấy bóng dáng của cha mình trong đó . Cha đúng là núi Thái.
Khungcuahep nói đúng, tất cả chúng ta ai cũng có một gọn Thái Sơn hùng vĩ để ngưỡng mộ, thương yêu. Tùy hoàn cảnh sống mà có cách đối xử khác nhau nhưng tình thương thì Bếp tin đều không sai khác (trừ những người cha vô trách nhiệm không tính vào nghen Khungcuahep).
Nếu bạn là nam giới thì chắc bạn cũng là một non Thái cao vời đối với con của bạn phải không?
Cám ơn đã ghé. Chúc bạn mọi an bình nha.
Xin phép Ngọc Sơn.
Kính mời các bạn nghe:
(Rất tiếc tôi không diễn tả được gì, chỉ đành xin kính mời nghe Ngọc Sơn)
HPL
Dì Tư nó tặng nhạc hạp tình ý với tình cha lắm. Ngày xưa có bài Ơn Đức Sanh Thành của Dương thiệu Tước cũng hay lắm, chị dạy Elisa và anh nó hát bài đó trong ngày kỹ niệm 50 hôn nhân của ba má chị đó. Nhạc xưa nghe đằm thắm và sâu lắng lắm. Cưng thử tìm và nghe đi, bảo đảm sẽ làm cưng xúc động.
Đi thăm ba chưa? Trời nắng đẹp rồi đó, hái hoa đem ra cho ba đi.
Chị Cả chăm đàn em nhỏ…Được Ba Má quan tâm đó Hạnh phúc !Tất cả những chuyện nhỏ nhặt…Con cái học hành vẫn nhất là Ba !Tình cảm sâu sắc vẫn Ba! Má hời hợt dễ tính ”sao cũng được!”…Sang nước ngoài -diện bảo lãnh Ba và Tôi-con gái lớn, càng buồn!Ba trầm cảm buồn nhớ thương!Ba mất,bởi bịnh tiểu đường.bởi nhớ…”Nỗi nhớ làm Người vò võ!Tâm trạng u hoài héo khô sầu tư!Tôi con gái cưng của Ba!Nghe hát”Công Cha như Núi Thái Sơn…”Là Tôi xót xa chạnh lòng!-”Cao như Non Thái…”Ôi công ơn Cha-RẤT NHỚ…!Mạch Văn kể như Tiếng ru ..Đều đều ,nghe rõ ,thấm dạ, hiểu ra…”Con gái thường là CỦA Cha?Con trai CỦA Mẹ -Tạo Hóa Công Bằng?
Aitrinhngoctran làm Bếp nghe thấm thía “Con gái thưòng là của cha, co trai của me”. Thường là vậy, chắc tại con gái mang hình ảnh mẹ, con trai có nét hay của cha đó thôi, sự thật cha mẹ thương con cái đồng đều, duy có đứa hạp, đứa khắc nên nhìn vào thấy có sự mất cân bằng vậy thôi.
“Cô nương” lúc nào cũng có cách còm riêng rất lạ, đọc vào không cần nhìn tên là biết của “nàng” rồi. Cám ơn sự tử tế của “nàng” nghen.
Chúc vui khoẻ và luôn đến với mọi người.
Một người cha thật vĩ đại mà người con cũng thật tuyệt vời.
Bếp nghĩ, người con nào cũng thấy cha mình thật vĩ đại. Vì thế, riêng với Bếp, Ba là số một, giống như ngày xưa Bếp thường nói “Con thương Ba Má nhất trên đời”. Chắc Song Hương cũng vậy phải hôn?
Cám ơn Song Hương đã thương Ba Bếp mà chia sẻ nghen.
Bấy nhiêu thôi cũng đủ để Bếp thương Song Hương quá chừng rồi. đó,,,.
Cao hơn non Thái , nhưng em phải cay đắng mà nói rằng đó chỉ là quan niệm của thời đại chúng mình. Còn bây giờ thì…..
Đừng trách thế hệ ngày nay, ít nhiều cũng có người hiếu đạo chứ họ không hoàn toàn hờ hững hết với mẹ cha đâu, có điều cách suy nghĩ và hành động của họ theo quan niệm mới bây giờ theo lối giải thích của giáo dục tây phương mới (để không lầm với tây phương cũ cũng gần giống như mình ngày xưa) .
Và một phần lớn cũng tại lối giáo dục của học đường ta ngày nay, bỏ chương trình đức dục, công dân giáo dục để thay thế bằng chính trị, khoa học…mà quên rằng cơ bản con người nếu đạo lý không có thì mọi thứ khác cũng chao đảo ngữa nghiêng theo. Có học phải có hạnh. Ngày xưa khi tuyển nhân tài, các vì vua thường coi người trúng tuyển khoa cử có là người con hiếu hay không rồi mới phong quan, ban chức.
Thời cuộc mà, đừng than trách rồi tự làm buồn mình Mai Hoa à. Mình cố gắng dạy dỗ con cái mình như ý mình, đó là cách giữ lữa đạo làm người cho dù ngọn lữa đó có bị dập vùi đến đâu đi nữa.
Vui khoẻ và cố gắng lên Mai Hoa, phải tin để nhìn về phía trước nghen cô nàng…
Vậy là bác cũng đã ngậm cười nơi chín suối rồi chị ạ. Câu chuyện thật cảm động.
Bếp không tin Ba Bếp hài lòng nơi chốn xa xăm đâu vì cuối cùng thì tro thân của Ba Bếp cả nhà đã quyết định giữ lại ở Torino chứ chẳng đem về VN. Nhưng thôi, khi chết đi rồi thì ở đâu cũng là cát bụi, đây hay đó đều một nghĩa vô thường, đúng không VHoc?
Cám ơn đã viếng thăm, chúc bạn và gia đình mọi sự bình an nghen.