Truyện ngắn
CHẾ DIỄM TRÂM
Lên chức bà ngoại, Miên như con thoi trên đường tàu hai hướng cách nhau non non bốn trăm cây số. Mọi thứ bị đảo lộn nhưng hạnh phúc ngời ngời. Con gái đi lấy chồng rồi về quê chồng nhưng quê chồng nó lại là bản quán của Phương, “ông huyện” Miên. Khỏi nói, Phương vui quá, cuối tuần là bay ra với con, với cháu. Miên sợ độ cao nên đành túc tắc với đoàn tàu. Những khi mua được vé nằm còn đỡ, lúc hết vé, cầu được chỗ ngồi mềm là đã may mắn lắm dù mỏi mê chết đi được.
Lần này ra, Miên định ở lại với mẹ con nó một tuần. Nhưng chưa hết tuần, Miên phải nháo nhào trở vô, thằng nhỏ ở nhà bị Tào Tháo rượt có cờ. Thằng rể ra đổi vé và trở về buồn hiu với cái vé ngồi. Miên an ủi nó, không sao đâu con, mẹ ngủ mấy giấc là tới ấy mà.
Thằng rể đưa Miên lên tàu, dúi vô tay mẹ một túi bánh trái dù Miên đã dỡ theo chai nước với hộp xôi. Tình cảm của con rể, Miên đành nhận, sau khi đã sẻ tất tần tật làm đôi, bắt nó mang về một nửa. Yên vị xong, Miên bảo con rể về đi, mẹ quen rồi, không sao đâu.
Khoảng mươi phút nữa tàu chuyển bánh thì ghế bên cạnh Miên có người lên. Một “ông” Tây rất trẻ, đẹp trai nữa chứ. Đang mong có một người nữ như mình, người mình, để nói vài câu chuyện cho đường bớt xa thì vầy đây. Sau khi xếp hành lý lên giá, ông Tây trẻ bắt đầu ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, mắt nhìn về trước vừa như bình thản vừa như căng thẳng. Miên thấy hơi áy náy vì mình thì cứ xoay trở liên tục cho đỡ mỏi trong khi cậu ta vẫn không nhúc nhích, hai cái đầu gối thẳng thớm khá là buồn cười.
Mỗi lần tàu đến một nhà ga, cậu ta thò tay vô túi móc ra một nửa tờ A4 gấp tư để rà rà cái lộ trình lần lượt các ga được ai đó in sẵn cho. Rồi lại ngồi yên đến đáng sợ. Miên đem quyển thơ ông bà sui gia tặng ra đọc cho đỡ buồn. Miên thấy hơi… phật lòng vì cậu ta vẫn nhìn thẳng về trước, chẳng tò mò liếc mắt lấy một cái. Miên bóc một trái quýt, tách đôi để chứng tỏ nó rất an toàn, đưa mời cậu ta một nửa nhưng cậu ta “Thank you!” (Cảm ơn!) rồi ngồi im. Bữa cơm trưa trên tàu, Miên lấy hộp xôi đưa đến trước mặt cậu ta ra ý mời, nhưng cậu ta vẫn “No, no” (Không, không). Thi thoảng mới thấy cậu ta mở ba lô dưới chân lấy chai nước, uống thật dè sẻn. Miên ngủ được một giấc, giật mình, thấy cậu ta vẫn ngồi thẳng. Cứ tưởng cậu ta đi gần gần, đằng này đã bốn, năm nhà ga rồi! Miên định hỏi cậu ta đi đến đâu. Mấy câu tiếng Anh giao tiếp, đại loại “Where are you going?” (Bạn đi đâu?), “Where are you from?” (Bạn đến từ đâu?), “What do you do?” (Bạn làm nghề gì?)… Miên vẫn còn nhớ. Nhưng sợ hỏi xong rồi, người ta trả lời mà mình không hiểu mới thật cam go. Rồi lỡ người ta hỏi lại y chang như thế còn bập bẹ được, chứ hỏi thêm vài câu ngoài “giáo trình vỡ lòng” ấy thì chả lẽ câu nào cũng “Sorry, I don’t understand.” (Xin lỗi, tôi không hiểu)!
Thôi, tóm lại, im lặng là thượng sách. Với lại, Miên tự an ủi, người thận trọng thế này chắc cũng chả muốn bắt chuyện với mình làm gì. Cứ thế, Miên và cậu ta, hai thế giới cách biệt suốt cuộc hành trình. Miên hết ngủ, thức dậy đi vệ sinh, vô hỏi han, nhắn nhe con gái vài câu, rồi lại ngủ. Cậu ta vẫn ngồi, hết thò tay vô túi móc tờ giấy gấp tư lại mở chai nước nhấp chút.
Khi Miên chuẩn bị xuống tàu thì cậu ta cũng đứng lên lôi cái ba lô từ trên giá cao xuống. Ra, cả hai cùng lên và cùng xuống một ga. Lắm khi, bảy, tám tiếng đồng hồ như thế, người ta đã kịp là bạn bè, lưu số điện thoại, xin địa chỉ email, kết bạn Facebook rồi cũng nên. Đằng này sao mà xa lạ, mệt mỏi và dài dặc. Miên nhận ra sự kém cỏi của mình, tất cả là do bất đồng ngôn ngữ. Miên tự trách mình, mình là chủ nhà, cậu ấy là khách, giá mình biết ngoại ngữ thì tình hình có thể đã khác, khách có thể nhìn về mình và đất nước mình đẹp hơn.
Miên quyết định học tiếng Anh. Nhờ thằng con dạy cho thì bữa đực bữa cái. Nó kênh kiệu:
– Mẹ, với mẹ đây là lĩnh vực ngoại đạo rồi! Mà mẹ học chi cho cực vậy?
Chả biết giải thích sao cho nó hiểu. Phương cũng ngạc nhiên, ủa, em học làm gì? Cả chung cư bói không ra một bà Tây. Chợ xổm càng không, hàng cá, hàng thịt, hàng rau, hàng trái cây tất cả đều quen thân đến mức lỡ quên cái bóp ở nhà cũng có thể khuân về đầy đủ các thứ, không thiếu một thức gì. Tivi, phim ảnh thì có phụ đề rồi. Hay là mê ông Tây nào rồi? Khai ra mau!
Không biết nói sao cho Phương thuận tai. Không nhờ con nữa, rộn chuyện, Miên quyết tự mày mò trên Google vậy. Tự học mỗi ngày mười câu. Đầu tiên là những câu “Would you like…” để mời mọc tỏ sự hiếu khách. Rồi những câu hỏi đại loại “Do you love Vietnam?” (Bạn yêu đất nước Việt Nam chứ?), “Do you like Vietnamese people?” (Bạn thích người Việt Nam không?)… Rồi phải học để tự giới thiệu dù rất sơ đẳng về thủ đô Hà Nội, về di sản Huế, Phong Nha, về Đà Nẵng, Sài Gòn, về các món ăn Việt Nam, con người Việt Nam. Miên học cách tự giới thiệu về bản thân, về gia đình mình, về thành phố Miên đang sinh sống, có biển, có đảo, có ngọn tháp Chăm mấy trăm năm tuổi…
Sau vài tháng, Miên có thể lén đứng trước gương để làm những cuộc hội thoại ngăn ngắn với một người nước ngoài tưởng tượng. Không tránh khỏi chuyện nói tiếng Anh mỏi cả tay nhưng về cơ bản, cũng không tệ lắm.
Sắp Tết, Miên ra, đưa thằng cháu ngoại về trước. Cha mẹ nó đến cận Tết mới về được. Sợ lúc đó tàu đông đen, vợ chồng con cái lỉnh kỉnh, tội nghiệp thằng cháu. Thằng bé đã chập chững, thích bú bình hơn bú mẹ. Mẹ nó đi làm, bỏ con cả ngày, dòng sữa cạn dần. Ở với bà cả ngày nó chẳng khóc một tiếng. Cho ăn xong, lau rửa sạch sẽ là lăn ra ngủ. Mở mắt ra, cười với bà xong là tuột xuống bò khắp nhà. Rồi cu cậu vịn bàn ghế đứng lên, chưa kịp đứng vững đã thả tay chạy về phía bà loạng choạng như thằng say rượu. Chết cười với thằng chó con. Ở đâu thì nó cũng bám bà. Vậy thì về để ông phụ bà trông cháu, bà còn làm việc nhà. Tết nhất biết bao nhiêu là việc.
Lúc hai bà cháu lên tàu, khoang bốn giường mới có một người nước ngoài nằm giường đối diện. Anh ta vẻ như đang ngủ hay đang nghe nhạc. Khi thằng rể mở cửa, anh ta gỡ miếng băng che mắt, nhìn, rồi tiếp tục lim him với cái headphone trong tai. Đôi mắt xám tro có vẻ lãnh đạm. Nhưng Miên vẫn chủ động: “Hi! Nice to meet you!” (Xin chào! Rất vui được gặp bạn!). Anh ta bật dậy, nhìn bà cháu Miên rồi mỉm cười: “Hi! Glad to see you too.” (Xin chào! Tôi cũng thế.) Con rể ngó Miên lạ lẫm, chắc nó nghĩ mẹ hôm nay sao dạn ghê.
Giữ thằng cháu trên tàu thật khổ, nó hiếu động kinh. Bắt nó nằm yên, ngồi im là không thể nhưng để nó đi thập thững khi tàu đang chạy thì thật nguy hiểm. Miên đề nghị được đóng cửa khoang buồng để thằng bé loay hoay trong chừng hai mét vuông giữa hai dãy giường. Anh ta vui vẻ: “Oh, yes, yes!” (Ồ, vâng, vâng!).
Đến phiên thằng bé làm phiền ông khách láng giềng. Nó mon men sang giường anh ta, rờ rẫm, kéo tấm mền rồi cười. Miên phải xin lỗi và lần nào anh ta cũng mỉm cười: “No problem!” (Không sao!). Miên thầm cảm ơn người bạn đồng hành. Phải chăng đây là dịp hy hữu để thực hành cái giáo trình khổ luyện hơn nửa năm? Đúng là trời thương, ở đây không có ai, ngoại trừ thằng cháu ngây thơ không biết chút gì!
Miên bắt đầu hỏi anh ta người nước nào. Ngạc nhiên và hoảng hốt ngay câu đầu tiên nhận được: “I’m French.” (Tôi là người Pháp). Hèn nào cách phát âm lơ lớ, không khá hơn Miên là mấy. Ôi thôi rồi, tiếng Pháp Miên chưa học, đành bỏ dở hội thoại thôi. Bỏ công mấy tháng dùi mài tiếng Anh!
Người bạn đường hăm hở lôi từ cái ba lô dưới gầm giường một thứ mà Miên phải thầm cảm ơn anh ta lần nữa: con chút chít màu đỏ tuy không còn mới nhưng vẫn đẹp, khi bóp nhẹ vô bụng, tiếng nhạc bài “Happy New Year” thánh thót vang lên. Anh ta ân cần đưa trước mắt thằng cháu của Miên, rồi nhìn Miên như thanh minh: “Made in France”. Ôi trời, hình như anh ta đọc được nỗi lo âu của Miên về xuất xứ món đồ chơi. Anh ta thật tâm lý, với cả cháu và cả… bà ngoại!
Thằng cháu Miên chỉ còn mối quan tâm duy nhất là món đồ chơi lạ mắt, lạ tai. Miên được ngồi yên, thả ánh nhìn qua cửa sổ. Mùa xuân khẽ chạm vào đất trời, những cánh đồng lúa xanh thời con gái, những vạt hoa trẩu trắng đang thay đổi sắc diện cho những cung đường tàu hun hút. Đi tàu mùa này có lẽ là đẹp nhất. Màn mưa bụi li ti dưới ánh mặt trời yếu ớt làm cho nền trời đùng đục, xốp đến đỗi như phải vin vào khung cửa sổ. Cuối chân trời, cầu vồng như ẩn như hiện, huyền diệu như một cổ tích.
– Đep qua! (Đẹp quá!)
Người bạn đường của Miên thốt lên. Miên quay lại. Ơ, hóa ra anh ta nói được tiếng Việt. Đôi mắt màu tro không còn lặng lẽ nữa, nó vừa ánh lên sững sờ vừa lim dim ngây ngất.
– Bạn biết tiếng Việt ư?
– Mẹ toi la nguoi Vieẹt. (Mẹ tôi là người Việt.)
Một kiểu tiếng Việt lơ lớ nhưng không hề làm gián đoạn câu chuyện của hai người. Aron kể về người mẹ đã mất của anh, và anh đang trên đường về thăm quê mẹ. Anh muốn tìm về nhà thờ họ của mẹ, dù anh chỉ có mấy ngày nhân chuyến công tác ngắn ngủi tại Huế.
Bữa trưa, Miên mời anh ta ăn bánh tét mang theo, anh ta hỏi Miên về cách gói, cách nấu bánh tét. Miên kể về Tết Việt Nam, dù cũng phải mỏi cả tay để nói cho một người Pháp hiểu vì Aron biết tiếng Việt mới phiên phiến thôi.
Khi bế thằng cháu xuống tận sân ga trao lại cho Miên, Aron nắm lấy tay Miên lắc lắc:
– Chị thạt thanh thiẹn!
– Ý Aron là tôi rất dễ gần phải không? Vậy Aron phải nói là “thân thiện”!
– Hon phai! Thanh thiẹn, saint, saint! (Không phải! Thánh thiện, thánh thiện, thánh thiện!)
– Tại sao?
– Nhò chị mà toi hỉu thèm vè que huong mẹ toi, vè nhõn nguoi mẹ Vieẹt Nam! (Nhờ chị mà tôi hiểu thêm về quê hương mẹ tôi, về những người mẹ Việt Nam!)
Miên cảm ơn Aron. Cả hai rơm rớm chia tay.
Đó là chuyện của mùa xuân hai năm về trước. Tết này, gia đình Miên đón khách quý đến xông đất: hai vợ chồng Aron từ Hà Nội bay vô miền Nam ăn Tết. Gia đình nhỏ của con gái Miên cũng về ăn Tết với ba mẹ và em. Sáng mồng một, thằng cu con mặc cái áo dài khăn đóng xanh, ôm con chút chít trong lòng, chạy ra chạy vô để đợi chờ vị khách đã tặng nó con búp bê Pháp, kỷ vật thời thơ bé của anh.
Kia rồi, vợ chồng Aron tay trong tay, người vợ ôm một đôi gấu trúc bông, con gấu mẹ cõng con con, cúi xuống trịnh trọng trao cho thằng cháu Miên. Rồi Aron nhấc bổng thằng cháu yêu. Cả ba cười rộn rã trên lối gạch Bát Tràng đỏ son giữa hai hàng mai đang nảy bông vàng rực dẫn vào nhà. Xuân đã tràn về.
Miên thầm cảm ơn cái giáo trình tiếng Anh tuy chưa được thực hành bài bản nhưng chính nó đã cho Miên sự dạn dĩ cần thiết để bắt chuyện với một người nước ngoài xa lạ, làm cho người bạn tốt ấy tin yêu sự thân thiện [không phải thánh thiện, ai lại vơ vô mình tính ngữ cao đẹp ấy, kỳ chết!] của dân tộc mình… Thanks for the English course! (Cảm ơn giáo trình Anh ngữ!)
CDT
Nhờ đọc bài này mà mềnh có đông lực học lại tiếng Anh. Cám ơn nghe.
Chúc Nụ Tầm Xuân có động lực “xanh biếc” mãi với cuộc đời.
Hì hì cũng đang muốn học tiếng Anh.
Chúc Nẫu Nhà Quê học hành tấn tới!
Trãi nghiệm thú vị. Kinh nghiệm này thật khó truyền lại cho người khác há.
😊