Ngô Đình Hải
Xin lỗi con
Cha xin lỗi…
đã không cất
vào trong chiếc cặp của con ngày còn đi học
những bài thơ tình hay nhất
thay vì lời răn đe trách phạt
đã không nói
cho con nghe khi trò chuyện
những câu thơ hiền lành thánh thiện
thay vì cứ để mọc lên những hiềm tị nhỏ nhen
đã không đọc
để an ủi khi con thất vọng
những câu thơ độ lượng khoan dung
thay vì làm ngơ cho bon chen vị kỷ làm chỗ trú chân
đã không kể
vỗ về con khi buồn giận
những câu thơ của yêu thương và tha thứ
thay vì bỏ quên cho ngõ tối của toan tính hận thù
đã không ru
con trong đêm dài khó ngủ
những câu thơ ngọt ngào của dòng sông ruộng lúa
thay cho điệu nhảy quay cuồng hơn thua nơi phố chợ
đã không nhắc
khi con bước xuống đời vội vã
những câu thơ có mẹ, có cha, có anh em, bạn bè
những câu thơ có thể không là gì
so với thứ con đi tìm
nhưng chắc chắn sẽ nuôi lớn một tấm lòng
Cha xin lỗi…Xin lỗi con lần nữa…
Chân dung
Trong phòng triển lãm
người thương binh ngồi trên chiếc xe lăn
nhướng con mắt còn lại để ngắm
bức tranh vẽ chân dung người lính
mặt trẻ măng – quân phục đầy bụi bặm
súng cầm tay – ngẩng cao đầu về phía trước
màu sắc rực sáng một góc phòng
nhiều người ghé xem
ai cũng khen đẹp
không ai ngửi thấy mùi thuốc súng
không ai nghe tiếng đạn bom gào thét
không ai nhớ những căn nhà cháy và mấy cây cầu gãy
chỉ có anh ngồi
lẩm nhẩm đọc lại tên đồng đội
đám đông càng lúc càng đông
người thương binh vói nhìn thêm lần nữa
trước khi bị che khuất
rồi lặng lẽ quay lưng
chậm chạp đẩy chiếc xe lăn ra cửa
mang theo bên dưới phất phơ hai ống quần không điểm tựa
người ta đang mãi mê bình phẩm
không ai quan tâm
không ai nhận ra anh
không ai biết
người thương binh vừa gặp lại…chính mình!
Cà phê
đen không thể đen hơn/ do cà phê pha tạp/ đắng không thể đắng hơn/ bởi lòng người quá bạc
cà phê pha bằng “phin”/ có giọt đậm giọt nhạt/ tình yêu em cho anh/
trong suốt màu nước mắt…
Rượu
thơm từ những hạt gạo/ ngọt do nước dưới ao/ nồng nhờ tay em nấu/
ngày chưa tính bễ dâu
cơn say tình ban đầu/ tưởng còn mãi về sau/ đâu hay giờ rượu uống/ không say nữa mà đau…
Ngô Đình Hải
Bài thơ giàu ý nghĩa
Thơ thiên về “lí trí” vẫn có vẻ đẹp và chỗ đứng riêng của nó.
Xu hướng thơ của anh Ngô Đình Hải đang theo đuổi rất hiện đại.
Rất cảm ơn nhận xét của Đông Dương. Thật lòng tôi viết như để tâm sự với bạn bè và tìm vui cho mình, chỉ mong được bạn bè đón nhận và chia sẻ là quý rồi. Chúc bạn vui
Hình như tác giả cũng là thầy giáo thì phải ? Hỏi tò mò xíu nha !
Cảm ơn bạn đã hỏi. Rất tiếc là không phải. Tôi học Nông Nghiệp, có lẽ vì vậy nên gần với…nông dân hơn. Chúc bạn vui.
Mấy ai làm được điều đơn giản vậy…xin lỗi con !
Bạn đã gọi được là… “điều đơn giản”, thật đáng trân trọng vậy. Cảm ơn Huệ Thanh.
Mình thích cụm từ cà phê “trong suốt màu nước mắt…”
Cảm ơn Minh Văn VDS. Nhưng chắc chẳng có ai thích “màu trong suốt” này đâu phải không bạn?… Chúc vui
Viết hay,có nét rất riêng so với các tác giả khác mà mình vẫn thường đọc
Cảm ơn hgc đã quá khen. Lần nào về quê thăm bạn cũ, trong cơn say, tôi cũng đều xin được bạn hát cho nghe câu vọng cổ xưa lắc này: “lá thu rơi tại trời xui gió chướng, người xa người bởi con tạo lá lay, tôi vẫn là tôi trên đường đời muôn lối, xòe bàn tay mà sợ kỷ niệm bị chôn vùi…”. Thôi thì tôi cứ xin được viết trong cái tình quê mùa của mình mà vui vậy. Chúc bạn vui
Thơ thiên về lí trí. Nhưng cũng hấp dẫn người đọc
Cảm ơn nhận xét của Viết Đào. Bài thơ nào cũng đều bắt nguồn từ cảm xúc. Diễn đạt cảm xúc đó như thế nào là do ở người viết. Với tôi, viết mà được người đọc đón nhận là đủ hạnh phúc rồi…
Một tác phẩm văn chương mà có nhiều cách hiểu khác nhau là một điều bình thường. Chỉ sợ nhất là chỉ một cách hiểu,một cách tiếp nhận
BNgan nói đúng. Xin cho phép tôi miễn bàn thêm. Cảm ơn bạn nhiều lắm.
Viết thật sâu sắc.
Bạn làm tôi mừng và…lo! Cảm ơn Kim Huy. Chúc vui nhiều
Kính mời bà con nghe khúc nhạc nổi tiếng nhứt cùa Ravel.
Nó hơi dài, hơn 16phút. Nhưng xin nghĩ tình 4 người nhac sĩ violoncelle nầy phải học sặc gạch mới được lên ngồi đây, và để đàn 16 phút nầy, 4 người chắc phải dợt chung với nhau ít ra cũng cả chục lần:
Thơ hay quá.đọc thấy giàu thêm một tí
Không ươm mầm yêu thương mà chỉ lo nung nấu lòng căm thù nơi thế hệ trẻ thì hậu quả bi đát cả ” cha ” lẫn ” con ” đều gánh chịu là lẽ đương nhiên. Hối lỗi còn kịp chăng? Thơ Ngô Đình Hải luôn canh cánh nỗi ưu tư về thời thế.
Chị Tranthicotich kính mến . Tôi là nhà giáo đã 35 năm đứng trên bục giảng. Dù đã nghỉ hưu 3 năm nay,nhưng giáo dục thế hệ trẻ ,nhất là trẻ con vẫn là mối ưu tư của tôi. Chị nói thật đúng,có một thời kỳ nền giáo dục chỉ biết dạy trẻ con sự tàn bạo mà không dạy chúng sự yêu thương,cho nên hậu quả mà xã hội ngày nay đang gánh chịu đã quá rõ Vì vậy khi đọc bài thơ của anh NDH tôi đã phải buộc miệng “giá như các nhà hoạch định giáo dục…” Đó là ý nghĩ nghề nghiệp chân thành của một người đau đáu với sự nghiệp dạy học mà mình đã
…nhiều năm gắn bó. Nhân đây tôi xin chân thành xin lỗi anh Nguyển Hữu Khánh nếu đã có những suy nghĩ nông cạn hời hợt. Xin lỗi chị HPL đã vì tôi mà bị “vạ lây” Thân kính.
@tranthicotich + Đào Trí
Nhà văn Nguyễn Trí gửi cho tôi một truyện ngắn mới viết, có đoạn người cha buộc lòng phải giết đứa con nghiện ngập, biểu tôi đọc đi rồi đặt cho cái tựa… Tôi đọc xong và tôi ngớ người vì đau. Nguyễn Trí moi ruột gan của mình ra mà viết, và tôi cũng chỉ viết được bài thơ này tặng bạn. Hắn có buồn tôi, tôi chịu. Người trẻ đã phải chịu cái sai từ người lớn. Thôi thì xin “Cho tôi cúi đầu xin lỗi em” (Bửu Ca-NVTPHCM 18/8/2015) vậy… Cảm ơn hai bạn đã chia sẻ. Chúc vui.
Đừng ngại chị à. Tôi bị cự là đúng rồi chớ không oan ức gì đâu. Tôi dốt thơ thiệt đó chị.
Thân kính, Linh
Cảm ơn anh/ chị Đào Trí đã chia sẻ. CT nghĩ rằng trách nhiệm thuộc về “chúng ta ” chứ không riêng gì ngành giáo.
Việc có vẻ xa rời với thơ NĐH. Theo tôi, sao lại xin lỗi. Người cha xin lỗi con không thể giũ bỏ tất cả lỗi lầm của mình, và con mình vì đó mà ngộ ra. Viết cho đọc thì được, cảm nhận và giáo dục không ổn:
– Nền văn hóa lâu nay của mình không cho phép người cha rạp mình xin lỗi con.
– Việc cò lổi và xin lổi tôi nhớ một câu chuyện thế này : Người cha nói với con ( có khi mình nên hiều ngược lại, quyền hành ) : Khi nào con mắc một lỗi lầm thì con đóng một cây đinh trên tấm ván này, sau khi con xin lổi vì lổi lầm đó, con rút cái đinh nó ra. Một thời gian, người cha chìa tấm ván nói với con : VẪN CÒN NHỮNG LỖ ĐINH. xin hãy đừng mắc lổi con, hay có mắc, mà dường như đều là sơ suất, hãy bỏ qua. Chuyện nghe như trời Tây, tôi không thích.
Thơ hay quá
Cảm ơn phhuy. Mong gặp lại bạn ở những bài thơ khác. Chúc vui.
cảm nhận bài thơ hay nhưng thú thật không dám bình loạn vì sợ quá!!!!!!!!!!!
Tôi vui vì làm thơ mà có được người đọc, và sẽ vui hơn nữa nếu được bạn chia sẻ ý kiến. Tôi tin rằng nếu có thể san sẻ với nhau những buồn vui của cuộc sống để thấy nhẹ lòng hơn, thì quý biết chừng nào. Những bất đồng nếu có, chính là cơ hội cho tôi nhìn lại mình. Tôi trân trọng và cảm ơn tất cả những gì bạn bè viết cho mình. Và nếu bài viết của tôi có làm phát sinh những “định kiến” không hay về nhau, xin hãy khép lại…Bạn nói “sợ quá!!!!!!” khiến tôi thấy mình có lỗi…Chúc bạn vui.
Viết hay,sâu sắc.
Tôi xin lỗi trả lời chậm. Mãi mới tìm được…chỗ của bạn. Cảm ơn vhuy đã đọc. Chúc bạn vui
Đọc một bài thơ, nên đọc một cách tử tế. Không phải cái lối đọc hời hợt cởi ngựa xem hoa một cách nông cạn. Để nắm bắt ý tại dù ngôn ngoại của tác giả. Rồi xem cách trãi, xếp, đặt ngôn ngữ của họ. Đưa đến cái cảm nhận đầu tiên trước khi cho một lời tán thưởng hay khuyến khích. Cái gì mà… hoạch định chiến lược. Cái gì mà… bản chất thật sự của nền giáo dục. Có vè nhạc đi đằng nhạc hát đi đằng hát. Đứa con trong bài thơ này, nó đang trong tình trạng tự hữu ngã bước sang tri ngã. Nói tốm lại giãn dị cho dễ hiểu với một ít người đọc thơ theo lối nói ở trên. Cái giai đoạn phát triển, sự nhận thức mới về thân thể, về mọi thứ mới lạ chung quanh nó. Nó không còn là con nít. Thân thể nó có đứa đã như BB hoặc Olivia Hussey. Cha tôn trọng ý muốn của con. Nhưng cha xin lỗi không thể để cho con trôi theo ý thích của con được. Con phải xin lỗi cha vì cha đã trải đời. Cha xin lỗi con vì lúc giai đoạn những mơ ước của con mà cha không thực hiện nổi vào hoàn cảnh lúc đó. Và thay vì được xoa dịu vỗ về, hứa hẹn lại bằng những lời răn đe trách phạt. Có nhiều khó khăn bủa luới chực chờ xé nát đời cha khi tranh sống. Vì cha hiểu đủ, thấm thía mùi đời để luôn nhắc cho con biết rằng, thì, là… Còn nếu con do phải vào thế bị ép chứ lòng không phục, với sự biện hộ, phân trần hoặc tệ hại hơn nữa là không can đảm để nhận lỗi. Thì cha biết chắc rằng con sẽ không còn một cơ hội để xin lỗi cuộc đời (chứ không phải không dám chắc) . Làm gì có hạnh phúc cao hay hạnh phúc không cao. Chỉ đơn thuần là có hạnh phúc hay không dù vui hay buồn. Cũng như không có nổi khổ nào lớn hơn nỗi khổ nào. Và cha xin lỗi con, vì đó là những điều con chưa đủ hiểu, đủ biết, đủ để thấm thía.
Tôi cảm ơn bạn đã đọc. Cũng không có gì lớn lao đâu. Mỗi người có một cách đọc của riêng mình, và với tôi thì thơ là để “cảm” chứ không phải để “mổ xẻ” hay “phân tích”…Thế nên xin cứ “tùy nghi mà đọc”…Chúc bạn vui.
hìhì… xin lỗi vì cảm động sản nên đã nói bậy bạ khiến bạn Nguyễn Hữu Khánh bực mình. Công nhận tôi dốt thơ lắm, không có khả năng xem cách trãi, xếp, đặt ngôn ngữ… của thi sĩ đâu.
Liên quan đến thi phú, xin hứa từ nay sẽ trở lại đúng vị trí của mình: dựa cột mà nghe.
Mong bạn bớt giận.
Linh
Ông Newton nhìn quả táo rơi khởi phát nên những ý niệm ban đầu về định luật Newton.Lực đẩy Archimedes cũng tình cờ tìm ra khi ông Archimedes đang tắm . Ông Đào Trí đọc bài thơ cảm nhận lòng thương yêu sâu xa bên trong của bài thơ và ông có lẽ là một nhà giáo nên ông suy tưởng đến nền giáo dục hiện nay. Thơ cũng như những thể loại văn chương khác có nhiều cách hiểu,cách tiếp cận khác nhau. Trước đây,thú thật khi đọc xong truyện ngắn của Thạch Lam viết về những cô gái ăn sương trong một đêm trừ tịch,tôi không thể nào dám muối mặt quay trở lại cái thế giới ấy để lần nữa dẫm đạp lên những phận đời đau thương bất hạnh,sa cơ thất thế,chìm lấp dưới vũng lầy và tôi ao ước tất cả mọi người đều đọc truyện ấy để chúng ta có cái nhìn khác về những con người ấy ,thế giới ấy. Nếu chỉ một cách hiểu và chỉ một loại công chúng “cao cấp” như quan niệm của một số người thì thơ và nhiều loại hình khác nữa cũng sẽ “chết” ít ra là trong lòng công chúng phổ thông như chúng tôi
Tôi thì nghĩ ngược lại người hời hợt
không phải là bạn Đào Trí,vì theo tôi cảm nhận thơ và tiếp nhận thơ đâu chỉ đơn thuần phân tích ngữ nghĩa văn bản mà có vô vàn cách cảm khác nhau tùy theo hoàn cảnh tâm trạng của người đọc
Có nên xin lỗi con không ?nên quá đi chứ
Chào Hoa KH. Tôi không dám lạm bàn, chỉ xin từ câu hỏi đó mà hỏi lại mình: Ta nhân danh cái gì để không cần phải xin lỗi con cái? Là cha mẹ thì luôn luôn đúng và không bao giờ phạm lỗi chăng? “xin lỗi” cũng như “cảm ơn” là cái tất nhiên phải có trong đời sống một con người. Tôi được dạy như vậy từ bé, và tôi không hề thắc mắc chút nào về điều này. Xin lỗi có nhiều cách, bằng lời nói, bằng hành động…Tôi có thể không sai, không lỗi, nhưng tôi… thiếu sót. Tôi có thể đúng, nhưng tôi áp đặt cái đúng không phải lúc….tôi vẫn thấy cần phải xin lỗi. Đôi khi, với tôi im lặng cũng là một cách xin lỗi, một cử chỉ âu yếm, vỗ về sau những lúc nóng giận cũng là…xin lỗi! Và rất thật lòng, tôi xin lỗi con tôi như đã từng xin lỗi chính cuộc đời mình vậy! Cảm ơn Hoa KH nhiều lắm. Chúc bạn vui.
“Chỉ có sự thương yêu và thương yêu con người mới là bản chất thật sự của nền giáo dục”
Có cách nào khiến cho mọi người đọc được câu nầy hay không?
Tôi thấy không cần chờ các nhà hoạch định chiến lược giáo dục.
Tôi nghĩ, mình có thể tự bắt đầu ngay trong nhà mình, ngay với con mình. Nếu người người, nhà nhà đều dùng tình thương để dạy con mình thì cơ hội con cháu mình được hạnh phúc đương nhiên sẽ cao hơn. Cần gì chờ ai.
Giá như các nhà hoạch định chiến lược giáo dục đọc bài thơ Cha xin lỗi con,biết đâu họ sẽ có suy nghĩ khác về cách giáo dục con người chăng.Chỉ có sự thương yêu và thương yêu con người mới là bản chất thật sự của nền giáo dục.
Tôi chỉ nghĩ đơn giản là biết đâu có những câu thơ bên cạnh, người ta dễ lắng lòng và dễ tha thứ cho nhau hơn chăng? Cảm ơn Đào Trí. Chúc vui.
Bài thơ Xin lỗi con rất nhân văn anh Hải ơi.
Cảm ơn những chia sẻ rất ưu ái của T&T. Chúc bạn vui.
”Xin lỗi con ”Cha không dịu mềm!Để cho con Tấm Lòng bình yên ”Chân dung”đây !-Hành động Người Lính Được ca ngợi đổi bằng hy sinh ”Cà phê” nước mắt cà phê ”phin”Chấm dứt đen bạc một cuộc tình?”Rượu”thơm say có tay em nâng Hêt rượu say đau rượu tay dang ?
Cảm ơn những lời còm như…thơ của aitrinhngoctran. Chúc bạn vui.
Cafe đắng quá đắng !
Chẳng phải Lam Thanh vừa thêm vào một chút đường cho ly cà phê đắng đó sao? Cảm ơn bạn.
Cha xin lỗi con. lạ à nhen!
Nói lời xin lỗi khó hơn lời biện hộ, phân trần hay trách cứ để chứng minh lỗi là do ở đối phương. Theo tôi tưởng tượng, chỉ bậc cha mẹ mới đủ trải đời mà thấy lỗi của mình, và cũng đủ can đảm để nhận lỗi. Tôi tưởng tượng con cái nếu xin lỗi, biết đâu do ở vào thế bị ép phải nói chớ trong lòng không phục, vì chưa đủ thấm thía mùi đời để thấy mình lỗi chỗ nào. Lời xin lỗi của cha mẹ dễ khiến người ta tin là THẬT, là từ thành tâm. Đây cũng chỉ là ý riêng của một mình tôi. Không dám chắc là trúng.
@Do Nguyen
Cảm ơn bạn đã đọc. Nói một cách “bông lơn” như bạn, xin được hiểu là bạn chưa hề làm điều này với con bạn bao giờ!…Thật đáng tiếc!…
@ Huỳnh Phương Linh.
Thật ra tôi chỉ mong nói với con mình khi nó bước xuống đời “những câu thơ có thể không là gì / so với thứ con đi tìm / nhưng chắc chắn sẽ nuôi lớn một tấm lòng” và chỉ vậy thôi! Cảm ơn chị đã quan tâm. Chúc chị vui.