Tạp bút Đào Thị Thanh Tuyền
Giáp tết năm ngoái, một cơ quan sát cạnh cơ quan tôi mang một con heo đã pha thịt về chia. Đứng trên lầu nhìn xuống khoảng sân chung, tôi thấy trên tấm bạt bày ra xương, thịt nằm phân biệt ngay hàng thẳng lối. Một người nam tay dao, tay thớt vẻ điêu luyện có nghề lắm. Mọi người xúm xít vòng quanh cười nói lào xào vui vẻ. Từng phần chia ra trông không chênh nhau mấy, có hai người phụ nữ ngồi cho vào từng bịch nylon. Ai lấy phần nào thì lấy, đòi hỏi đồng đều không dám đâu nha. Cũng chẳng ai so bì phần này nhiều, phần kia ít. Ăn nhiêu đâu, chủ yếu là vui!
Một đồng nghiệp trẻ đứng bên cạnh tôi nói, giá cơ quan mình cũng có thịt để chia? Tôi nhìn đồng nghiệp thế hệ 8X. Thời bạn sinh ra đã sắp hết bao cấp, mọi thứ tính vào lương, làm sao bạn biết được cảm giác nhận hàng phân phối và không khí vui như tết thời ấy?
Tôi kể bạn nghe, ngày xưa cơ quan đã từng như vậy, thời tôi bằng bạn bây giờ. Nhớ, khoảng đầu tháng chạp, Công đoàn cơ quan lo đi liên hệ với mấy cơ sở sản xuất nước mắm mua về cho anh em ăn tết. Bởi, mắm là nguyên liệu chủ lực cho các món ngày tết: ngoài thịt bò, ba chỉ, thịt đùi, đầu heo… ngâm mắm, còn dưa món, củ cải… Phải là mắm ngon mới nói chuyện! Ai nấy đều đăng ký ít nhất 20 lít, có người mua hơn để dành ăn cả năm. Hồi đó chưa có công nghệ rút mắm nhanh quá như bây giờ nên mắm khoảng 28 đạm thôi đã quá ngon rồi. Người dân Nha Trang tự hào vùng biển cát, con cá làm mắm mùi thơm ngót và thanh. Nghe mấy người già kể lại, hồi xưa cá nhiều và ngon có tiếng. Cả túi cá theo dòng hải lưu đi từ Phú Quốc đến Thanh Hóa, mùa gió đông bắc, cá tấp vô vịnh Nha Trang là vùng nước ấm nhờ có Hòn Tre che khuất, cá vào ở cả tuần, cả tháng. Trời động vẫn có cá.
Nước mắm càng để lâu càng ngon. Nhà nào cũng sẵn một giàn chai mắm để ở bếp hay phơi nắng. Không khí tết ở mỗi nhà cũng bắt đầu từ đây. Mấy chục chai thủy tinh súc sạch, phơi cho thật khô. Mắm mang về chiết vào từng chai. Nhìn chai mắm màu cánh gián đậm, bắt thèm nhiều món ngày tết.
Cơ quan tôi có phòng thử nghiệm kiểm hàm lượng đạm (ni-tơ) trong nước mắm. Có chỉ tiêu cảm quan mà bất cứ kiểm nghiệm viên nào cũng biết nếm để ghi kết quả. Mắm ngon phải ngọt dễ chịu, tự nhiên và có hậu. Tất nhiên, để đạt được trình cảm quan này phải có thâm niên nêm nếm ít nhất 5 năm. Mắm chở về cơ quan, để ở ngoài sân thơm lừng, chẳng ai còn lòng dạ nào ngồi làm việc, túa hết ra sân. Cánh phụ nữ thích nếm nước mắm, cứ lấy ngón tay chấm vào can nước mắm và nếm. Một chú nói vui: “Có giọt nước mắm dính trên má mình nè, ai nếm giùm coi”. Cánh phụ nữ ồ lên: “Ghê” rồi cười ào. Đúng là vui như tết.
Có nước mắm thì phải có đường. Công đoàn cũng đã liên hệ mua đường cho anh em rồi. Cuối cùng mới tới phiên thịt. Cũng phải có người dao thớt điêu luyện để làm công việc phân phối cho đều.
Có mắm, đường, thịt là thấy tết. Ai nấy bận bù đầu, vừa việc cơ quan vừa việc lo tết. Sáng nào đến cơ quan cánh phụ nữ cũng than thở thức cả đêm làm món này, món kia.
Rồi không nhớ chính xác từ khi nào, những cái tết vơi dần nước mắm và biến mất luôn việc chia thịt. Ăn bao nhiêu đâu mà làm. Nước mắm đầy ngoài siêu thị, hết đâu mua đó, mua để sẵn thêm chật bếp. Làm món này món kia, nhọc công lại nhăn nhó chồng con… Riết rồi, thấy tết sao nhẹ bẫng. Chẳng phải làm gì, và thật sự chẳng biết làm món gì!
Cánh phụ nữ thong thả được khoảng 10 năm không phải đau đầu với việc lo tết thì giờ đây lại thấy băn khoăn. Thêm, mỗi ngày đọc báo thấy tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm báo động. Vậy là lên kế hoạch, tính toán cho tết. Tay nghề bao nhiêu năm xuống cấp quá rồi, nhưng cứ thử xem sao. Bây giờ thuận tiện, muốn chế biến món gì cứ vào mạng mà tra. Thất bại rồi sẽ thành công. Thậm chí, có người ở cơ quan tôi còn tự làm bánh trung thu cho nhà ăn nữa mới kỳ công! Mẹ có bày ra, con gái mới có cơ hội biết cách làm, gia đình mới thấy không khí tết. Dạy con gái cách ăn, nết ở là đây.
Làm xong lại hồi hộp không biết ngon hay dở. Dạo một vòng phố, nhìn mấy thẩu dưa món, thịt ngâm người ta bày bán về nhà ngắm lại sản phẩm “của nhà trồng”. Ngon thì phát huy, không ngon rút kinh nghiệm cho sang năm.
Trở lại tết xưa làm món này, món kia, cực mà vui. Làm vừa đủ ăn. Biết món nào mọi người tiêu thụ hết, mới là cái tài của người phụ nữ.
Và, bởi trở lại tết xưa nên mới nhớ tết chia. Một thời khó khăn mà vui vẻ. Gạn đục khơi trong, chọn cái hồn nhiên, vô tư ngày xưa để nhớ trong cái guồng quay đến chóng mặt này cũng là một cách nghĩ hạnh phúc!
Viết thú vị,tinh tế !
Những điều trong tản văn thật gần gủi,thân quen,đọc thật thích
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên.
năm mới phát tài chưa nhà văn ?
Hiếm-quí-hóa vui hòa đồng Ai cũng có Phần-Chi tranh so Công?”Chia Thịt”Mới nghe”dị òm?”Ồ! Thịt Heo-Lợn-Một món ngon bình thường trong mọi cái bình thường!?Ăn để mà Sống! Không phải”Sống để mà Ăn?”Là thế đó!Và bàn tay người Phụ nữ thật tuyệt vời! Với tài Chế và Biến hầu mong ..Thưởng thức món Ngon bình thường ấy!?
Thì ra nhà văn cũng là nhà khoa học.
Gợi nhớ một thời chưa xa !
Mỗi thời mỗi cảnh, và trong mỗi cảnh đều có cái hay cái dỡ riêng của nó,
Thời chờ sắp hàng lãnh phiếu, lãnh phần tuy cực khổ thiệt nhưng nghĩ lại thời đó chúng ta không biết phung phí, dù có giành giựt so đo nhưng tương đối vẫn ăn ở có tình nghĩa với nhau hơn.
Bây giờ, đa số đầy đủ dư thừa nên phí phạm kha nhiều trong lúc còn baonhiêu người đói khổ, “kẻ ăn không hết, người tìm không ra”
Nhưng cuộc đời là vậy mà, phải không chị Dao Thị Thanh Tuyền. Bếp thích cách diễn tả của chị,ngắn gọn, giản dị mà đầy đủ ý, đọc không thấy chán.
Chúc tác giả và gia đình 1 năm an lành hạnh phúc nha.
Hay,nhưng nghĩ lại ngán thiệt
Ơi cái thời khốn khổ.
Cái thời bao cấp sao mà ngán thế .
Ồ ngày xưa là vậy đó,bây giờ thì ê hề