.
“THẦY TÔI” TẬP THƠ CÓ NHIỀU ĐIỀU LẠ…
Tạp Bút
MANG VIÊN LONG
.
Đọc tập thơ thứ 5 của Trần Bảo Định – Tập “Vợ Tôi” (Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ – năm 2014), tôi nhận ra “điều lạ” về một cuộc tình giữa “Chàng & Nàng”; từ “thuở đầu xanh”, cho đến ngày “ bạc tóc” – đó là một tình thương yêu giản dị, không câu nệ hình thức mầu mè, mà lòng hy sinh cho nhau thì vô bờ; trải dài theo bao tháng năm chiến chinh gian khó, và ngay cả những ngày tháng lận đận bộn bề lo toan sau 75…Tuy vậy, đọc “Thầy Tôi” (tập thơ thứ 2 – Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ – năm 2013) – tôi lại càng nhận ra nhiều điều lạ hơn về “mối tình” giữa ông Thầy “lạ” và cậu sinh viên “lạ” trong thời chiến, cũng như thời bình…
Về người Thầy:
“Cha Hoàng giáp, bảng vàng
Thầy cậu ấm, con quan
Học Thiên Hựu, Khải Định
Tuổi thơ sống rất sang
Đất nước cắt chia đôi
Lòng đau đáu, ngậm ngùi
Miền Nam – Thầy lạc bước
Trong lửa bỏng, dầu sôi”
Thầy Nguyễn Khắc Dương (1) theo học Triết học Trường Đại Học Sorbone và về nước năm 1965. Dù đang là giáo sư, là Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Viện Đại Học Đà Lạt; nhưng:
“Gia tài Nguyễn Khắc Dương
Một chiếc radio thường
Một bàn máy đánh chữ
Một tấm lòng yêu thương”
Cuộc sống và con người Thầy:
“Khoa trưởng, Trường Văn khoa
Giáo sư không mái nhà
Sách và quần áo cũ
Tạm bợ tháng ngày qua”
Hình bóng người Thầy kính yêu ấy đã khắc in trong tâm trí bao lớp sinh viên Đà Lạt:
“Lủi thủi một mình qua cổng viện
Lang thang nắng xế rớt sân trường
Đi trên sỏi đá hồn đau điếng
Ruột xé gan bầm nhớ cố hương
Tâm tình riêng tư của Thầy đã được sự đồng cảm chia sẻ sâu sắc của trò:
“Thầy tôi thầm khóc đêm khuya vắng
Đau tận cùng đau cõi thế gian
Đôi mắt ẩn sau tròng kính trắng
Cưu mang, chăm sóc, giúp tha nhân”
Những người học trò nghèo, có hoàn cảnh khó khăn – đã luôn đặt niềm tin yêu nơi người Thầy tốt bụng; đã “Tâm Tình” (trang 33):
“Những chàng sinh viên bụi
Vừa học, vừa kiếm ăn
Đói nghèo sống lầm lũi
Quê nhà biệt mù tăm
Bám thầy những khi đói
Tâm sự lúc vui buồn
Nơi dừng chân mệt mỏi
Thầy quán trọ tình thương
Xem sinh viên như bạn
Trao đổi trí thức nhau
Tình người không giới hạn
Gánh khổ, chia sớt nhau(…)”
Trong những lần gặp gỡ thân thiết ngoài giảng đường – một ngày mùa Đông ở Lữ Quán:
“Thầy trò nhấm nháp cà phê
Bổng dưng chợt nhớ ra nghề hát rong
Ba chìm, bảy nổi, long đong
Đường Minh Mạng dốc lộn cong nẽo về
(…) Chiều nay Đà Lạt vào đông
Từng cơn lạnh buốt, áo phong phanh sầu
Mộng du, thầy mộng từ lâu
Cà phê nguội ngắt, tóc màu chuyển sương”
Và “Tâm Sự” của Thầy (trang 28) đã được “trò” ghi lại:
“Nhả tàn khói thuốc cong theo nắng
Uốn lượn, vờn quanh chở khúc buồn
Từng giọt cà phê, từng giọt đắng
Nhâm nhi hương vị ngọt hoàng hôn
Tư lự, im lìm Thầy lẳng lặng
Chiều thu Đà Lạt, nhớ Paris
Sông Seine dải lụa màu xanh thẳm
Hương sắc trời Âu tuổi dậy thì (…)”
Từ đó, những bước chân trĩu nặng ưu tư trên “Đường Khuya” (trang 22) trở về của một thời Đà Lạt và của quê hương – ngày ấy:
“Đường khuya đèn vàng vọt
Sương mù ngập lối đi
Bước chân về rét mướt
Bóng ngả khóm Tường Vi
Đường Bùi Thị Xuân vắng
Ngã Năm phố ngủ yên
Thầy rò buồn câm lặng
Nhức nhối những niềm riêng (…)”
Còn “Trò” (2) thì sao?. Hãy lắng nghe đôi dòng “Tự Sự” (trang 13):
“Tôi ở Đại học xá
Phòng số một, lầu ba
Những ngày sống vất vả
Thầy giúp đỡ, vượt qua
Nhiều khi trời trở rét
Thầy đưa áo mặc thêm
Gởi ít khoai, bánh kẹp
Ăn lót dạ qua đêm
Thầy cúi mình, cùng khổ
Sống chia đớn, sẻ đau
Lòng trong vạn lòng khó
Trọn vẹn nghĩa đồng bào (…)”
“Thầy Tôi” không chỉ vậy – mà còn thay mặt gia đình, cha mẹ trò để đi hỏi vợ – cưới vợ cho trò ( ngày18/10) trong cảnh bom đạn hiểm nguy:
‘Thầy đi hỏi vợ cho trò
Bên sông súng nổ, gọi đò chẳng sang
Đêm về ngủ tạm Trung An
Sương đồng bằng rớt, trăng bàng bạc rơi (…)”
Và ngày 20 tháng 10 năm 1974 tại vùng giáp ranh Mỹ Tho – Thầy đã vui vẻ đón “Nhận Con Dâu” (trang 36):
“Thầy nhận con dâu
Giữa đạn bom
Mỹ Tho khói lửa
Mừng Tân Hôn
Trong vườn rộn tiếng chim chèo bẽo
Ngoài bến
Nhấp nhô
Sóng vỗ Cồn”
Sau biến cố 1975 – Trò về tìm lại Thầy ở khắp nẻo đường Đà Lạt, nhưng “Mưa chiều, lệ ướt chiến bào/ con về không kịp, làm sao bây giờ/ nỗi buồn thức trắng canh thâu/ uống bao vò rượu cho sầu vơi đi…”:
“(…) Sương mù ngăn chặn lối đi
Thông reo như khúc biệt ly tiễn người
Ngậm ngùi giọt đắng, giọt rơi
Giọt kêu thảng thốt thầy ơi, hởi thầy!”
Như bao người, sau 75 -Thầy được tập trung học tập ở Sông Mao. Trò vội vã tìm thăm. Thầy -Trò gặp nhau, bao nổi vui buồn ngổn ngang trăm mối – một ghi dấu cho ngày “gặp gỡ” sau bao ngày tháng cách xa:
“Mười sáu tháng
Trại Sông Mao
Lột trần chân tướng
Sướng đau kiếp người
Nghiệm sinh
Một chặng đường đời
Bằng bao năm sống
Cõi người thế gian”
(Cám Ơn – trang 62)
Sau bao gian nan thử thách, Thầy đã trở về:
“Sông Mao chiều cô quạnh
Đón người tù Khắc Dương
Từng bước chân khổ hạnh
Bóng ngả úa trăng rừng (…)”
Chữ nghĩa dù chín mũn
Vẫn vô lượng yêu thương
Kẻng khuya lòng nhăn nhúm
Thân gầy guộc khói sương (…)”
(Sông Mao – trang 63)
Thêm vài hình ảnh về người Thầy ngày trở về trong bài thơ “Thầy Tôi Chơi Giỡn” (trang 73) trong đôi mắt cảm thông sâu sắc của trò. Bài thơ dài 4 đoạn tứ tuyệt; xin được trích chia sẻ hai đoạn đầu:
“Quần quấn ngang đầu, lão rất oai
Veston thủng lổ, rách bên vai
Quàng thêm chiếc áo nâu quanh cổ
Đích thì thầy Dương, chớ chẳng sai
Từ trại Sông Mao về, sạch trơn
Phòng không mông quạnh, sống cô đơn
Áo cơm hai bữa thường khi đói
Chữ nghĩa cả đời, bụng trống trơn (…)”
Tháng năm lận đận, gian khổ rồi cũng đã đi qua; tình thương yêu đã trở lại – Thầy Trò sum họp, nghĩa tình gắn kết, thủy chung. Bài thơ cuối của tập “Thầy Tôi” đã được Trần Bảo Định viết vào đêm Mồng 4 tháng 11 năm 2012 có tên “Một Nụ Cười” (trang 104) đã phác họa chân dung của người Thầy kính yêu một đời; với đôi nét chấm phá dung dị, mà chân xác, cảm xúc:
“Phiếm luận cho vui khi bóng xế
Việc đời khó nói đúng hay sai
Ý Trời đã thế, đành như thế
Biết thế làm sao cưỡng lại Ngài?
Thầy nguyện tu trì nào có được
Bỏ vinh hoa, phú quí, đi tu
Con quan, rồi khổ vì quan chức
Mà kiếp đời kia chẳng oán thù
Chẳng hỏi vì sao đi cải tạo
Xem ra Thầy thích được trau mình
Thế gian đầu mục bày hư ảo
Sống tự lưu đày – ai dám tin?
Thầy vẫn là Thầy, dòng Nguyễn Khắc
Tài hoa, lãng tử, rất yêu người
Lửa tin luôn bén, tâm không tắt
Đời tám chín năm, một nụ cười!”
Trong một bối cảnh mà tình thương yêu giữa người và người ngày càng cách xa, và lòng thủy chung son sắc đang có chiều suy giảm – những trang thơ của “Thầy Tôi” như “những que diêm”, tỏa ánh sáng soi chiếu trong đêm tối mịt mờ, để tất cả có dịp suy gẫm và “nhìn lại” rõ hơn chính mình!
Cái “lạ” mà tôi nhìn thấy ở Thơ Trần Bảo Định là ở chỗ rất đáng được trân trọng ấy!
Quê nhà, ngày đầu tháng 11 năm 2014
MANG VIÊN LONG
(1)GS Nguyễn Khắc Dương sinh năm 1925 (Ất sửu) tại làng Thịnh Xá (nay thuộc xã Sơn Hòa) huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. ( Cha là cụ Nguyễn Khắc Niêm đỗ Hoàng giáp năm 1907 ( thời vua Thành Thái) từng giữ các chức vụ: Phủ Doãn phủ Thừa Thiên, quyền Tổng Đóc tỉnh Thanh Hóa…Anh của thầy là BS Nguyễn Khắc Viện, em là nhà văn Nguyễn Khắc Phê…).
.
- SV Trần Bảo Định lên Đà Lạt 1966, theo học Triết học tại Trường Đại Học Văn Khoa Đà Lạt và cơ duyên đến với thầy từ đó
Dear Xứ Nẫu,
HAPPY THANKSGIVING! Một ngày lễ lớn ở Hoa Kỳ, USA, mà RB rất, rất là thích, thích nhất trong năm. RB thành thật thân kính chúc quý ông bà, cô chú, thầy cô, anh chị em và bạn bè thân hữu một Mùa Lễ TẠ ƠN thật là đầm ấm, vui tươi và hạnh phúc!
Tạ ơn đời, Tạ ơn người, Tạ ơn… mỗi sớm mai thức dậy ta có thêm ngày nữa để yêu thương
Đây là những gì ưu ái và ưu đãi của ƠN TRÊN đã dành cho một Đất nước #1 trên thế giới đáng được nhận hưởng! Và chúng ta nên lấy đó.. để nhìn và hãy nhìn lại đất nước của chúng ta!
Thân ái,
RB
Bài thầy tôi hay quá, rất chân tình, đầy cảm xúc.
Thay mặt Tác giả – cám ơn Qang Dũng! Khỏe không? Chúc vui vẻ nghen!
Những cựu sinh viên Trường Đại Học Văn Khoa Dalat, lập ”Qũy thầy Nguyễn Khắc Dương” – Một GS Khoa Trưởng đến tháng 4/1975: gia tài chỉ có 1 chiếc Radio, 1 bàn đánh máy chữ, trên 300 đầu sách, mấy bộ quần áo cũ, không có 1 căn nhà! ( chuyện khó tin trong thời nay – nhưng có thật trong thời xưa ).
Thầy bây giờ đã vào tuổi 90, sống neo đơn – ơn trên cho khỏe –
Học trò cũ, chú Trần Bảo Định: làm thơ, bán thơ để gom góp chút tiền cho Thầy.
Chuyện khó tin thời nay – nhưng có thật trong thời nay. Song, anh là ”sản phẩm của cái thời xưa”.
Những chi tiết trên tôi có được, từ bà cô ruột học ở Văn Khoa Dalat cùng thời
chú Định, chú Phan Long Côn.
Cả nhà tôi cảm động, trân quý tấm lòng của cô chú ”học trò” đi trước. Tôi đã photo tập thơ ra 50 bản để tặng bạn bè. Bởi chúng tôi là những cô thầy giáo thời nay.
Xin lỗi, những ”quan giáo dục” bây giờ. khi đọc thơ ”Thầy tôi” đã nghĩ gì?
Và, chắc chắn họ cũng có Thầy trước khi thành quan!
Cảm ơn Thầy Phan Long Côn ( Hiệu Trưởng Trường Trung Học Duy Tân, Phú Yên), cảm ơn Thầy Mang Viên Long giới thiệu tập thơ ”Thầy tôi” của nhà thơ Trần Bảo Định, nhân ngày nhà giáo 20.11.
Thăm Hương Cà Mau! Thời nay – cũng có “Thầy” như HCM, cũng thật “lạ”! Rất trân quý việc làm của HCM & những tình cảm ưu ái đặc biệt dành cho Thầy NKD – V/c nhà thơp TBĐ – Thầy PLC & Tôi…
Bạn đọc nào cần có Thầy Tôi – xin liên hệ với HCN …
Chúc HCM & gia đình vui vẻ!
Mừng ngày nhà giáo 20.11
Tôi chúc Thầy Mang Viên Long vui khỏe, vượt qua bịnh tật.
Chúc gia quyến thân tâm thường lạc!
Anh Mang Viên Long thân,
Tôi cảm ơn bài viết của anh về ”Thầy tôi”
Chào Võ Xuân Phương, Hai Thanh.
Tập thơ ”Thầy tôi” NXB Văn Hóa&Văn Nghệ phát hành tháng 3.2013 và đã bán hết cuối năm 2013.
Phần lớn ACE cựu SV Viện Đại Học Dalat và một số ACE cựu SV Văn Khoa VĐH Saigon đã mua. Tất cả số tiền bán sách nộp vào ”Qũy thầy Nguyễn Khắc Dương”, do ACE cựu SV Văn Khoa Dalat thành lập.
Đầu năm 2015, sẽ tái bản với phần in các bài viết của ACE cựu SV Văn Khoa từng học Thầy Dương.
Hai bạn cần, xin gửi địa chỉ về Xứ Nẫu – Ngô Quang Hiển, sẽ nhận sách tặng bằng photo.
Rất cảm động khi được 2 bạn tìm đọc tập thơ ”Thầy tôi”. Xin cảm ơn 2 bạn.
Chúc 2 bạn vui khỏe.
Chào Anh Trần Bảo Định! Cám ơn lời chúc lành của Anh!
Gởi Anh – Chị lời chúc an vui!
Tôi tin tưởng vào việc làm của anh & ACE – và nhiệt tình ủng hộ!
Mong có dịp gặp lại!
MVL
Mình ra tiệm sách Fahasa,nhưng không thấy bán cuốn này anh Mang Viên Long ơi
Hai Thanh mail cho Sáu Nẫu – nhờ “mách giúp’ – chắc …trúng! Vậy nhé!
Tôi muốn mua tập thơ “thầy tôi” của Trần Bảo Định thì tìm ở đâu? Chúc anh khỏe
Chào anh Võ Xuân Phương! Tôi sẽ liên hệ với anh TBĐ – nếu còn, sẽ gởi tặng Anh nhé! Ở Saigon, anh có thể ghé vài hiệu sách lớn – như Hà Nội – Phương Nam, chắc có! Chúc Anh ngày 20.11 vui vẻ! MVL
Long huynh,
Giữa cái lạ của hai tập thơ Trần huynh xuất bản, còn có cái lạ đồng cảm giữa tình bạn của hai anh nữa. anh có nhận ra điều nầy không?
Đọc bài viết anh diển dẫn về tập thơ Thầy Tôi của Trần huynh , tiểu muội thấm thêm được tình người của những bậc thầy, bậc huynh trưởng như các anh để vững tin hơn rằng đạo đức vẫn còn giữa thời buổi đầy ma quái nầy..
Cám ơn các anh nhiều lắm.
Thăm Tiểu muội! Cám ơn Tiểu muội đã “nhận ra” điều lạ ấy! Tôi vẫn nghĩ như TM thôi – “vững tin hơn rằng đạo đức vẫn còn giữa thời buổi đầy ma quái nầy..” Có niềm tin vậy – mới có hy vọng & nổ lực …
Chúc TM & gia đình vui vẻ & HP!
Những câu thơ thật tình nghĩa
Tôi cũng như như Thanh!
Ngay cả việc dành cả một tập thơ để viết về người thầy mình kính quý, mến thương cũng đã “lạ” rồi. Và như nhà văn Mang Viên Long nhận định: “Trong một bối cảnh mà tình thương yêu giữa người và người ngày càng cách xa, và lòng thủy chung son sắc đang có chiều suy giảm – những trang thơ của “Thầy Tôi” như “những que diêm”, tỏa ánh sáng soi chiếu trong đêm tối mịt mờ, để tất cả có dịp suy gẫm và “nhìn lại” rõ hơn chính mình! Cái “lạ” mà tôi nhìn thấy ở Thơ Trần Bảo Định là ở chỗ rất đáng được trân trọng ấy!”… Tôi rất đồng cảm với tác giả bài viết này và xin chúc nhà thơ Trần Bảo Định ngày càng mang đến nhiều “điều lạ” cho những người đã yêu quý thơ anh…
Chào Nguyenhaithao54! Cám ơn Bạn đã đồng cảm với người viết & tác giả!
Chúc Thảo ngày 20.11 vui vẻ!
Chúc mừng thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Kính chúc các thầy cô luôn đủ tâm – trí – lực để ngày càng cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”!
Riêng thầy Mang Viên Long ngày càng có thêm nhiều sáng tác hay và giá trị.
Chào Nguyễn Đỗ! Cám own Bạn đã gởi chucsd rất ý nghĩa đến Quý Thầy Co! Riêng tôi, cũng “vui ké” với anh em thôi! Mời NĐ ghé vào trang nhà tôi một chút nhé:
http://mangvienlong.vnweblogs.com/
Chúc Bạn vui vẻ!
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam em xin kính chúc thầy Mang Viên Long lời chúc tốt đẹp nhất.
Chào Thanh Thủy!
Cám ơn Em nghen!
Chúc Em & gia đình mọi điều an vui!
Mời em ghé vào “nhà” thăm một chút:
http://mangvienlong.vnweblogs.com/
Cám ơn chú Định lại một lần nữa khiến những vần thơ của chú Định trở nên nổi bật, làm tăng thêm xúc động trong lòng người thưởng thức.
Tịnh nghĩa thầy trò, tình bạn của các chú thật đáng qúy.
Kính
Huỳnh Phương Linh
hihi… Chú Mang Viên Long ơi, xin lỗi đã viết sai.
Ý cháu là cám ơn chú. “Cám ơn chú Long lại một lần nữa khiến những vần thơ của chú Định trở nên nổi bật…”
Cháu Linh
Ha ha ha…Chào H.Phương Linh! Linh nói vậy – cũng tốt mà! Đúng là nhờ anh TBĐ – tôi mới có “đôi điều” với bà con XN nhân ngày 20.11/ Chúc Linh & gia đình vui vế nghen!
Viết dễ thương,xúc động.
Chào khungcuahep! Khungcuahep – mà lòng không hẹp! OK?
”Đời tám chín năm, một nụ cười” (TBĐ) Đó là năm 2013. Năm 2014, Thầy đã là 90.
Nhân ngày nhà giáo 20.11, con kính chúc Thầy vui khỏe, vạn an.
”Mai sau cát bụi hoàn nguyên thể
Nguyện lót êm chân khách vỉa hè” (NKD)
Thầy tôi, thật tuyệt.
Cám ơn luavit đã ghé thăm & chia sẻ nhé! Chúc vui vẻ!
Tình nghĩa thầy trò vượt thời gian và bất biến.
Hồi mình học cấp sơ học (1951) trong lớp học đã treo khẩu hiệu:
”Không Thầy, đố mầy làm nên”.
đã đi vào lòng học trò thời ấy.
Điều ”lạ” là cái thuộc về hôm nay, chứ không là cái thuộc về hôm qua!
Chào Hoàng Yên Dy! Thời ấy – tôi cũng “học được” khá nhiều câu được ghi ở vách lớp – mãi đén sau nầy, vẫn nhớ hoài! Điều “lạ” cũng có thể là “hiếm thấy” hôm nay – còn hôm qua – thì…thấy nhiều! Chúc ngày 20/11 vui vẻ!
Không là điều ”lạ”, nếu ta đọc và suy gẫm kỹ tập thơ ”Thầy tôi”.
Cà hai Thầy – Trò đã vượt qua cái tình nghĩa Thầy – trò nguyên mẫu ”nho giáo”, để đến đỉnh cao của ”tình yêu” thành ”đôi bạn vong niên”, ”đôi bạn tri kỷ” như nhà giáo Phan Long Côn (cũng là bạn học của tác giả tập thơ} nhận định.
Đôi Thầy – trò ấy, đã gắn kết nhau xuyên suốt 48 năm (kể từ 1966 đến nay).
Tôi tự hỏi, cái mà ngày nay ta cho ”lạ”, có phải nguyên nhân mà cũng là kết quả của triết lý giáo dục khi xưa: Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng?
Cái ”Lạ” là bây giờ Thầy – trò không còn mấy ai được như xưa nữa.
Điều trân quý và – biết đâu – tập thơ ”Thầy tôi” sẽ sống mãi chính là chỗ đó, chứ không phải văn chương.
Bài viết của anh Mang Viên Long đã gây xúc động và gợi cho tôi đôi điều suy nghĩ…Bởi, tôi cũng là một nhà giáo!
Tập thơ thật có ý nghĩa.
Thăm Meomeo! Cám ơn đã chia sẻ!
Chào Lê thị Định Tường! Đúng như Bạn nói. “Lạ” là so với hiện tại. Còn ngày xưa – thì chắc không hiếm! Dó chính là “Tôi tự hỏi, cái mà ngày nay ta cho ”lạ”, có phải nguyên nhân mà cũng là kết quả của triết lý giáo dục khi xưa: Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng?”. Chúc Cô giáo ngày 20.11 vui vẻ!
” Nhiều điều lạ hơn về “mối tình” giữa ông Thầy “lạ” và cậu sinh viên “lạ” trong thời chiến, cũng như thời bình…” đúng là nhiều điều lạ khi đọc lời giới thiệu tập thơ
Chào Minh Văn! Mong rằng những “điều lạ” ấy – sẽ không còn “lạ” nữa, ở ngày mai!