Sáu Quỷnh – Lê Hoàng Hựu
Thân tặng chị Sâm, anh Lộc và anh em Đạ Đờn
Sáu Quỷnh tui và anh bạn với chiếc xe gắn máy cà tàng đã quá “tuổi về hưu”, gồng mình gồng mẩy thay phiên nhau vận hết tốc lực, kim đồng hồ chỉ…bốn mươi cây số trên giờ trực chỉ Đà Lạt mà đi, bắt đầu từ lúc bình minh vừa ló dạng, ba trăm cây số chỉ có lên dốc, Đà Lạt độ cao chẵn một ngàn mét mà. Anh bạn không thích ngồi bịt bùng như trong bốn bức tường mặc dù xe khách chất lượng cao có thể phểnh râu phểnh cẳng ra cái giường nằm, muốn nhâm nhi cả bia cũng được nữa chớ, còn Quỷnh tui thì khỏi nói, chỉ nội cái tên bạn bè đặt cho đủ nói lên tất cả, gã khùng, khùng điên cán cuốc. Đôi lúc vận tốc tối đa này làm cho cả hai…chóng mặt vậy là hạ chỉ tiêu về đìu hiu ngọn gió cỡ ba chục ba mấy, cà rịch cà tang vừa chạy vừa láo liên “soi mói” coi hai bên đường có cái quán cà phê “xuân thì xuân sắc” nào hay không, nhứt là lỡ… lỡ thì mà còn mặn mòi xuân sắc, chạy…lỡ có lố cũng đạp thắng xe cho…lếch bánh quay đầu mà ghé lại, cà phê pha phin nhỏ giọt nghe hương bay thơm phức, đôi ba câu múa mép, vài nụ cười duyên, chút ánh mắt lưu luyến vậy là quá đủ cho hai kẻ lang bạt kỳ hồ, mần ăn gì ở cái tuổi xê xế chiều.
Ấy vậy mà, nghĩ cũng lạ, có lẽ Trời thương những kẻ chậm lụt, ông Bụt giúp kẻ nghèo khó, ba giờ chiều tới Đức Trọng. Cô hàng bán nước bên đường…dễ thương đôi má ửng, dáng người lưng lửng…hai con, ui gái…hai con trông mòn…hai con mắt, đưa hai cánh tay vuông góc làm kim chỉ nam. Chà anh bạn chợt nảy ý tư vấn cho bên du lịch làm những bảng chỉ dẫn bằng hình mẫu những người đẹp, thu hút khách biết mấy ta(!). “Kim chỉ nam” nhỏ nhẹ, hai con đường, một thẳng tiến qua đèo Preen, ngắm dòng thác nước mát lạnh, ba mươi cây số, một rẽ vào hướng Lâm Hà qua thị trấn Đinh Văn, qua Đạ Đờn, Phi Tô, Tà Nung sáu chục cây số là tới xứ sở ngàn hoa đó hai anh chàng lãng tử. Ôi! Lãng xẹt chớ lãng tử gì mà chọn sáu mươi, đường nhỏ quanh co khó như trèo…bờ dậu qua nhà nàng. À mà có sao, Sáu tui thấy phấn chấn hẳn ra bởi ta đi vậy cho…thấy đời nó dài, ồ lại nữa có vậy anh bạn mới nhớ ra bạn ta ở Đạ Đờn chớ, đúng là lẩm cẩm rồi, hai cái đầu chỉ biết cắm cổ đi và nhìn tứ tung chẳng nhớ nỗi chuyện gì, càng phải cảm ơn “lưng lửng ửng đôi má” nhé!
Một tiếng rưỡi đồng hồ chầm chậm trôi qua, thời gian “vuốt ve” con đường, xe “mơn trớn” thời gian, Đạ Đờn đây chăng? Ừ đó nằm dưới chân đèo Rờ Lôm đó, vài ngọn đồi nho nhỏ nhấp nhô lên xuống như gì gì nhỉ? anh bạn cười khà khà à như… như của nàng thiếu nữ chớm độ xuân thì khoát áo màu xanh che cái se se lạnh. Hai gã bụi đường gõ cánh cửa gỗ bạc màu đất đỏ, cửa cót két từ từ mở còn người thì… bật cái rầm, hả? có tin vào mắt mình không hả? Trời! đi đâu đây hai bạn tôi ơi!…Trà chiều nồng ấm thấm từng giọt… ngạc nhiên, Đà Lạt lạc tới Đạ Đờn do cái tội cà rởn đường gần thẳng tiến chẳng chịu đi…
Đạ Đờn, những ngọn đồi nhỏ, dòng thác nhỏ, tiếng réo rắc cũng nhỏ, cái gì cũng nho nhỏ khiêm bóng như hoa trắng cà phê ẩn ẩn hiện hiện. Hoàng hôn buông xuống không ánh nằng vàng, nó mang màu sâm sẫm, có lẽ thấm màu của cây lá. Quỷnh tui tựa người bên hòn đá nhỏ ngơ ngẩn… hình như xa xa bóng dáng của của cô nàng tung tăng tắm dưới thác nước? định bật người mà… lao tới thì anh bạn kéo lại, hết rồi tên khùng ơi, thiếu nữ ở đây hết tắm sông tắm suối rồi, còn đọng trong cái mờ mờ mơ mộng thôi, anh bạn bật cười khanh khách, không thì làm gì chỉ mấy ta với ta, trai tráng đàn ông xếp hàng dài dài đó chớ. Mà quái lạ nữa hoàng hôn có mùi thơm thoang thoảng sao? Ồ, thì ra là mùi…thịt nướng của xứ núi rừng nó bay xa là vậy, cũng như anh bạn, Sáu tui tần ngần chia tay những nhỏ về với “hương hoàng hôn” thôi.
Trải tấm bạt cạnh những gốc cà phê, bếp than hồng đỏ lửa tự bao giờ, vài tiếng xèo xèo cũng nho nhỏ của những giọt mỡ con heo rừng lai phết mật ong láng bóng đã chuyển màu cam, tiếng kêu hòa tiếng tí tách, có “hoàng hôn” nào thơm lừng và buông xuống nhanh hơn vậy nữa không chớ(?) Bạn Đạ Đờn khệ nệ ché rượu cần to dùng đặt giữa, dô (vô) dô, dô ngồi xuống đi, anh cười nói, gọi mời mà nghe liên tưởng tiếng hú, tiếng cười thì thật thà cục đất, ai khoái chỗ nào xẻo chỗ đó, nhập cuộc, không say không về. Ủa mà về đâu bạn sắp sửa…già? Thì về chỗ…bà nọ…bà kia, chứ nhà chính đây rồi. Ngon dữ hen có hông ta? Nói vui vậy chớ dễ gì, có là say ngay ba mươi giây cái chắc…Rượu cần à, Quỷnh tui nhăn mặt, đã mấy lần thử rồi, ôm hai ba ché dọc đường xe khách ghé trạm về đãi bạn bè, khoe quà Tây Nguyên, ấy vậy chẳng thấy tiếng thơm đâu chỉ thấy lạt phèo như nước lã, chà làm sao đủ vui? Anh bạn hiểu ý muốn vui ngất trời, ừ thử đi, rượu cần không bằng nước lã là rượu cần dành cho…Sì phố, có lẽ tặng để mà…đổ đi, đó là của những kẻ sì xạo, uổn cho dòng nước suối ngọt ngào bị lã đi vì hóa chất. Thì thử coi, hút một hơi tới mức cho phép, đủ một ly nước châm vào…muốn ngậm hút thêm nữa quá, rượu bạn đặt ngay bản dành đãi bạn quý, ái chà chà, một chút chua chua, một chút nồng nồng, một chút ngót ngót và sực nức mùi cơm rượu. Bạn quê, tình người chân đất dễ gì cợt đùa với tình bằng hữu. Bạn cũ, thêm bạn mới quây quần, người mái đầu trắng sơn cước, kẻ muối tiêu lấm tấm lẫn vài mái còn xanh, vài mái tóc dài óng ả dưới ánh lửa ánh trăng, rượu cần, mồi ngon, chuyện xưa chuyện nay cứ vậy mãi mê khề khà chếnh choáng, thêm tiếng đàn bập bùng, tiếng gõ nhịp trống…xoong nồi, tiếng ca tiếng hát ngút ngàn từ tiền chiến cho tới bolero. Bây giờ thì có say cũng không chịu về.
Đạ Đờn đồi phủ cà phê
Những dòng thác nhỏ vỗ về đá reo
Tình quê lặng lẽ chân đèo
Rờ Lôm uống lượn vòng vèo eo thon.
Mặt trời lên vượt qua “ngực nàng thiếu nữ”, người như được sưởi ấm từ làn hơi thở của nàng xuân, gởi lại bốn câu “con cóc” chân tình Quỷnh tui và anh bạn giã từ.
Con “trâu sắt” lại nặng nhọc cót két nài hai kẻ bụi bặm hụi hụi tá dí (phải trái) “cày” bụi đỏ.
Hết Phi Tô, qua Tà Nung lên đèo cũng uốn lượn vòng vèo những eo thon, không thua gì đèo Preen, có lẽ còn dài hơn. Đường vắng vẻ, quỳ dại nở vàng bên đường như rướn mình thêm, vươn gần hơn khoe cho người qua lại chiêm ngưỡng, nhấp nhô những đồi thông xanh, hàng hàng cây lặng yên cứ vậy mà thẳng đứng như chẳng màng chi với “thế sự” xung qung mình, gió mặc gió, mưa nắng mặc mưa nắng, từng chiếc lá kim nhỏ xíu vậy mà hợp lại thành tán lá che cả bầu trời. Bóng dáng Đà Lạt dần hiện rồi, những vườn hoa lá cỏ xanh đỏ lẫn tím vàng bạt ngàn trải ra trước mắt, “đôi rùa” bò mang thêm tính thỏ nhởn nhơ cuối cùng cũng đã đến.
Anh bạn Sáu Quỷnh có gương mặt hiền triết, bạn bè nói vui tóc bị máy bay lúc cất cánh hai bánh sau ủi hai đường tóc cháy khét chừa cho chỏm giữa, cũng kể từ dạo ấy anh bạn đâm ra hay lý cái sự…học, lý cái sự đời, sự học thì minh mông bất tận lý sự bao giờ cho tới, sự đời thì đâu chỉ như buổi ban mơi, còn có những buổi trưa mắng gắt nắng cháy, những buổi chiều mưa dầm dề, những đêm tối thời thui thủi… Dọc đường gió bụi rong ruổi anh bạn vẫn “bệnh nghề nghiệp”, vuốt “hai con đường mòn còn chỏm giữa” anh trầm ngâm, ký tự bắt đầu bằng chữ A nên hình như sự đời thường cũng bắt đầu từ đây. À, có lẽ vậy bởi Quỷnh tui hiểu ý bạn mà, vừa lọt lòng là oa oa a a khóc ré lên đó, hay thấy…cô gái đẹp là trố mắt lên mà…a…a mà á á…Đà Lạt cũng vậy chớ chi, dấu ấn kiến trúc những ngày đầu góp công làm nên thành phố thơ mộng một thuở là những ngôi nhà ván gỗ có mái hình chữ A tuyệt đẹp, người ta gọi quen là nhà chữ A. Anh bạn cười, cười mà nụ cười nghe mang mác, cuộc sống đâu dễ dừng lại. Lẽ dĩ nhiên thôi, thường tình thôi, nhà “hiền triết học” buồn là phải, bây giờ đã chuyển tới…Z rồi, nhà chữ A theo gió bụi hư vô đâu gần hết, còn vài ba cái đếm trên đầu ngón tay, ừ thay vào đó là những khối bê tông chồng lên nhau, thở theo nhịp xam xám, sương khói mờ ảo nay đã tan khuất bóng chân trời nao, còn đâu(?)
Anh bạn học tiểu học trường dòng Lasan, mang máng nhớ con đường, mang máng nhớ ngôi trường trên ngọn đồi cao chót vót giữa rừng thông bạt ngàn, nhớ lại mỗi lần được xuống phố thấy xa tít mù, có lẽ bước chân nhỏ, đôi mắt nhỏ trẻ thơ nó vậy và lại mang máng nghe chừng còn ông giáo già chung sống với cái nhà kho phía sau trường cho tới bây giờ. Chạy lòng vòng tìm lại, cái mang máng làm ẩn ẩn hiện hiện ngôi trường, giông giống cái này, giông giống cái kia, trên đồi cao trên đồi thấp, lúc gần lúc xa cuối con đường, nhà cửa kín mít không như ngày ấy, đường thêm đường, lớn nhỏ chằng chịt, mấy ai còn nhớ dấu tích cũ xưa. Thầy giáo già bao giờ một lần được gặp lại, dủ chỉ một câu, con học trò cũ của thầy.
Lên xuống tìm thầy… trò mỏi lưng, ghé cà phê bên hồ Xuân Hương nhâm nhi ly… rượu chát. Rượu vào người lâng lâng mà lời thì nghèn nghẹn, với Sáu tui ở cái xứ này bất kể lúc nào cũng có thể lai rai được với ly vang ly chát và phải nhấm chầm chậm cho rượu từ từ lưu thông như cái thời gian chầm chậm đi qua, ngã lưng trên đồi cỏ lắng nghe tiếng thông reo đôi khi thấy nó dường như ngừng hẳn lại. Ngắm phố xá người qua kẻ lại, khách du lịch dập dìu, Quỷnh tui chỉ những cô gái xinh xinh, tà áo dài trắng khoát áo len xanh đẫm với đôi má ửng hồng, có lẽ là học trò, thấy dễ thương quá, chính gốc dân Đà Lạt là đây, đôi má hây hây khi nắng lên. Ấy vậy mà không lay được bạn “hiền triết”, nỗi buồn chất nỗi buồn, anh bạn bật ra “con cóc”:
Đạt Lạt hết nhà chữ A
Hỏa xa răng móc…bỏ ta…theo chồng
rồi cười méo xẹo nhưng rụng răng, xe lửa bánh răng cưa chạy đường đèo về Phan Rang Tháp Chàm giờ đã bị “gã” về bên trời Tây mất tiêu, còn cái ga chẳng thể biết chừng nào “ngã ngựa”, mấy thanh sắt “xấu xí đen thủi đen thui” chẳng thể biết chừng nào bị cho vào “chảo” mà nung thành sắt để đổ bê tông, nay mai đôi má hây hây ấy chẳng thể biết có còn không (?) lùng bùng lỗ tai quá, Quỷnh tui muốn té nhào xuống hồ, có té xuống chỉ tội cho cái mặt hồ phẳng lặng. Nói tới đây anh bạn chợt bật đứng dậy, đi, đi đâu? chà chưng hửng chưa, rượu còn chưa vơi một nửa mà, bỏ cái món khoái khẩu nữa chừng sao? Anh bạn lôi ra đi, hai kẻ thuộc tiếp người cổ lỗ sĩ đi tìm một chút gì để nhớ để còn một chút gì lưu luyến ở xứ sở ngàn hoa.
Đà Lạt có xe thổ mộ đón đưa người đi dạo quanh hồ Xuân Hương và vài nơi nữa, Sáu tui và anh bạn thua gì, dạo một vòng quanh thành phố với con “ngựa sắt” cọc cạch, lên dốc cao nó “thở” è è muốn khựng lại, giựt giựt muốn hất cái đầu như con ngựa dẫm chân chuẩn bị tung vó hí. Chà Quỷnh tui hổng biết những cô nàng thở ra sao, ra hương ra hoa gì hông chớ bộ hành lên xuống riết kiểu này người ta nói phía trước tấn công phía sau phòng thủ thì quả là không sai chút nào, công thủ toàn điện thì còn gì bằng, “thắng trận” là cái chắc, biết bao “anh hùng ngã ngựa” bởi mấy vụ này đây (!).
Lòng vòng, lên xuống, ý dà…ngang ngã năm Đại học, ngôi trường Đại học ẩn mình trong những rặng cây, ngôi trường nổi tiếng là đẹp. Những bâng khuâng ẩn mình chợt ùa về, những ký ức đẹp khó phai mờ trong tâm trí, ước gì có cây đũa thần cho ngược thời gian trở về tuổi đôi mươi như ngày nào, ba bốn đứa “chiếm” bùng binh chơi trò bốc thăm bốn góc mà ngồi ngắm các nàng đi học, xui rủi cho đứa nào phải ngắm đồi cỏ giờ đã thành sân gôn, “ngứa” cái cổ ngéo nhìn lại bị bắt phạt trả tiền cà phê. Ngồi ngắm rất “anh hùng” vậy chớ có dám hó hé tiếng nào, gặp những ánh mắt “dữ dội” lại vội né đi, phải chi dám liều mình nói đại chí ít một lời, ôi! con nhà ai mà đẹp mà xinh quá, con gái giả ngại bẽn lẽn, có đâu nờ nhưng mấy ai không khoái khen. Và một lần sau nữa trở lại đã “oai phong dạn dĩ” lên…đôi chút, gặp cô gái đã biết xuýt xoa, ở đâu ra mà như tiên giáng trần, biết đóng giả lóng ngóng vờ hỏi đường về và hỏi luôn nhà nàng, hỏi nhà chi vậy mấy anh? Ừ…thì để đặng mà cảm ơn…ba mẹ sinh người gì mà xinh quá thể. Nghe đúng điệu chớ, nỡ nào không cho, à thì nhà em ở đó đó, đường tê tề…vậy là ào ào nhào tới nhằm ngay cái địa chỉ nhà dành cho người…khuất bóng, quay lại tìm thì nàng đã…”vỗ cánh bay về trời”, có lẽ vừa vỗ cánh vừa cười khúc khích. Hỡi ơi, cũng không đùa được với cái đẹp cái hiền hậu đâu nghe(!). Từ cái tuổi đôi mươi ngày nào đó Quỷnh tui cũng kịp…mang máng nhớ ra, ừ! có một quán cũ không tên trước hiên nhà chữ A ngày nào, bởi chị chủ nhìn thoáng cũng xít soát hơn đôi chút đôi mươi, cũng hây hây đôi má, cũng tấn công phòng phủ đầy đủ trong đôi mắt…khiêm nhường, không biết quán có còn không, đã lâu lắm mới trở lại còn gì. Tiếp tục…lòng vòng để đến…à, đường Hai Bà Trưng…
Một ngày Đà Lạt nắng đẹp. Ơn Trời! quán mì Quảng không tên vẫn còn đó. Gọi là quán nhưng thật ra chỉ là vài cái bàn nhỏ kê sát nhau trước hiên một căn nhà gỗ nhỏ. Đã gần trưa, vẫn còn đông khách, hai kẻ cổ lỗ đành ngồi phía bên ngoài. Gắp cọng mì lên mà nắng rọi xuyên qua, cọng mì vẫn mềm mại, rau sống vẫn tươi rói, bắp cải xắt sợi nhuyễn, những cọng giá đậu xanh cọng thon thon nhỏ, húng lủi lá đồng tiền be bé…và mùi hương là lạ có một nét riêng riêng, phải chăng giống như giọng nói nhè nhẹ, một chút Huế, một chút Quảng, một chút miền Nam, một chút đâu đó pha trộn nghe thật ngọt ngào của người Đà Lạt(?)
Quỷnh tui bắt chuyện, chỗ này không phải chỗ cũ, nhớ chị bán phía bên kia đường? Chị chủ quán cười hiền hậu, đúng rồi, đây là chỗ…thứ tư, nhưng cũng chỉ quanh quanh đây thôi, có lúc bên kia đường, có lúc trên trên một chút. Sáu tui nhớ ra ngày đó mỗi lần lại với gánh mì Quảng còn bứt mấy bông quỳ vàng, xoay xoay như con gái, hoa quỳ dại cả một dãy dài nở rộ. Hoa cỏ và tiết trời nhẹ nhàng dịu mát dễ làm con người ta mềm lòng, làm sao nóng giận được với nó chớ. Anh bạn lại ca bài ca…chữ A và chị kể, ngày trước chỉ toàn nhà chữ A thôi, đưa tay chỉ những căn nhà mới, bây giờ thì xây lại hết rồi, chị cũng không còn trước hiên khi…những chữ A bị dỡ, đây căn này cũng sắp sửa đây, chị cười, một chút buồn buồn trong đôi mắt người cựu sinh viên Văn khoa Đà Lạt một thời phải bỏ ngang những ước mơ mà lam lũ với cuộc đời, một người mẹ trẻ với đứa con côi cút, cái ông bạn đời “cà chớn bỏ đi hoang” quá sớm đâu đó dưới suối vàng, đi biền biệt không bao giờ trở lại, suối vàng sâu thăm thẳm. Đà Lạt cũng có suối vàng nhưng chỉ còn dòng nước lẫn màu đất đỏ… Căn này cũng chuẩn bị dỡ, rồi thì sao? anh bạn hỏi, chị tiếp lời, chị sẽ chuyển tiếp, chắc là phía dưới, chỗ nào còn ngồi được thì ngồi, bây giờ không còn lo toan mưu sinh như trước nhưng quen quá với quang gánh này, với bà con con thân thuộc, không nghỉ được. Quá quen? Chừng đâu hai mươi mấy ba chục năm chớ mấy và Quỷnh tui nhìn lại thấy đôi gánh cũ sờn treo trên vách, có lẽ đã nhiều đôi như thế rồi, thầm nghĩ gọi quanh gánh mì Quảng của chị cựu sinh viên nghe coi bộ hay hơn cái quán nhiều.
Ừ nhỉ, anh bạn lại…lý cái sự học, có những điều rất ư đơn giản, chỉ là quá quen thôi! anh bạn cười tươi rói như…rau, nụ cười của đứa trẻ hồn nhiên như vừa được ăn ngon…tô mì Quảng. Quỷnh tui cười theo biết anh bạn chỉ nói vậy thôi chớ còn rất nhiều điều, chỉ đơn giản thôi đâu cần nhiều lời.
Còn đó chứ, những quan gánh “đỏ” ven đường, những con người, còn đó chứ, những lý do cho Sáu Quỷnh tui và anh bạn, hai kẻ mộng du, mông lung với những con đường lòng vòng khúc khuỷu.
” …những ngọn đồi nhỏ, dòng thác nhỏ, tiếng réo rắc cũng nhỏ, cái gì cũng nho nhỏ khiêm bóng như hoa trắng cà phê ẩn ẩn hiện hiện. Hoàng hôn buông xuống không ánh nằng vàng, nó mang màu sâm sẫm, có lẽ thấm màu của cây lá.” Không phải là hay mà là quá hay! Ước gì mình viết được thế này.
Xem như đã đi phượt miền đất lạnh
Góp được một chút xíu vậy là Quỷnh em vui rồi. Càm ơn Nguyên Thanh hén!
Dalat qua ánh nhìn tạp nham bút mơ màng thật
Dalat vốn vậy mà. Sáu Quỷnh chỉ là một sợi nhỏ trong đám mây mơ màng. Cảm ơn An Huy!
Cái phong cách viết tếu táo mà vui
Cơm áo gạo tiền nay thêm… rượu nữa đã khổ lắm rồi, nên vui vui bù chút đỉnh đó mà. Cái kiểu: Xa quê nhớ lắm Mẹ hiền, Mẹ ơi Mẹ hãy…gởi tiền cho con, he he he
Dalat mình thích nhất là quán cháo trắng ,cháo đậu xanh trên đường Phan Đình Phùng. Cháo nấu nhừ ăn với cá nục kho cháy xém. Quán bán từ 8g tối đến 10 g đêm thì hết veo. Không biết bây giờ quán có còn không ?Ai biết xin chỉ giùm
Mấy năm về trước con đường này là con đường Phan… Sình Lầy (Xin lỗi cụ Phan) Quỷnh em cũng nằm zề ở đây mà sao hổng biết quán này, có lẽ cái giờ “vàng” em nó ở chỗ quắc cần câu rồi… chỉ sáng sáng ngồi cafe cóc đối diện bến xe, giờ đang xây siêu thị, để em nó hỏi lại bạn bè xem sao chị Hoa Cải nhé!
Vẫn thích cái phong cách viết tếu táo của bạn
Cảm ơn Cỏ May hén! Tếu chút cho bớt khổ, hè hè
DIA DANH DA DON NGHE SAO LA QUA
Ngay ngã ba Đức Trọng có ngã quẹo trái đi ba 30 cây số là tới Đạ Đờn, thuộc huyện Lâm Hà. Lâm Hà là huyện mới nhưng Đạ Đờn, Phi Nôm, Tà Nung, đèo Rờ Lôm… những địa danh có từ lâu đời, có lẽ có từ thời Pháp, từ những nhà Truyền giáo, tên đặt theo tiếng người dân tộc thiểu số.
Ut Quynh oi,
Mayhom ray co nhieu bai noi ve Da Lat qua, bai nao cung hay, bai nao cung thuong Da Lat nhung phai thiet tinh ma noi cach dien ta ve Da Lat cua Ut vui nhat, lam nguoi doc doc toi dau la thay ..hoa no toi do. Ut Quynh ngfoai doi teu lam phai khong? Nhung chuyen bang ngan, vuot suoi, loi duong xa cua Ut nguoi doc ..di theo thay…khoe re chu khong do mo hoi chut nao het.
A, gan toi chung ket World Cup roi, Ut cham doi nao vay? Chi tuy ban dau cham Argentina, nhung coi TV may hom ray thay Belgio va Hoa La da cung sieu qua, chi khong tin tuong lam Brasile ky nay (neu khong nho trong tai um ho). . Tu day toi ngay co tran chung ket tha ho nghe thien ha danh ca, Ut nho dung bat chuoc danh ca nghen, co ca thi ca keo socolat hay nuoc mia, mì, pho duoc roi, dung dung toi tien bac coi chung bi bac gai la do nghen.
Dạ, trước tiên chia buồn với chị Hai vì đội nhà ta “Thiên Thanh” bị cái nóng nó vật vã nên đành chia tay sớm quá, tiếc đứt ruột chị ơi! Hổng còn thấy cái chàng lãng tử hào hoa Pirlo…
Em thuộc típ người cà rửng cổ lỗ nên khoái cái vụ lãng tử lắm và khoái lang thang đây đó ngó nghiêng ngó ngửa cái đẹp, nhứt là các cô gái… hè hè chị Hai đừng quở trách vụ này tội nghiệp.
Đoán em chắc là Argentina – cũng khoái bóng đá đẹp, đôi chân nhảy múa của Messi. Vụ cá độ không có chị Hai ơi, cá chầu cafe hay nhậu nhẹt cho vui với bạn bè, dạ em cảm ơn chị Hai đã nhắc nhở!
Viết thú vị
Có phải em là đóa hoa Ly?
Mộc mạc ta gọi Hồng – Vàng ù
Giữa nắng bên em ta – thu tới
Dịu vợi hương đời hương ngát hương!
Ta lại thương thêm màu hoa trắng
Quý phái – thanh cao áo thiên thần
Trong ngần giọt sương và kiêu hãnh
Ta là… kẻ mạnh… lụy đôi chân!
Tặng chị (cô, em?) LyLy nhé!
Chào Hai Anh Sáu Quỷnh và Hoàng Hựu!Hai Anh di du Đà Lạt ..Bằng những lời kể ..Nghe rất là vui têu tếu..Mà sao như có điều gì ấy..Nói vậy mà không phải vậy?Một chuyến đi,,Giống công tác điều tra của phóng viên tình báo ?Và phải nói chính xác về hai Ông Anh là..Nói dí dỏm,nhưng phải để ý,mà ngẫm suy kẽo lại giật mình..Hai Ông Anh nầy nổi tiếng Triết lý cao siêu đây?
Úi dà, chẳng có triết có trúc gì đâu Ái Trinh ơi! Tào lao mía lao đó mà là câu cửa miệng bạn bè nói Sáu Quỷnh đó. Cảm ơn Ái Trinh nhiều lắm!
Dalat ẩn ẩn hiện hiện vậy mà hay
Buồn buồn ẩn ẩn hiện hiện trong cafe cũng thiệt là hay!
… “tạp nham bút” của Anh Sáu làm Đồng Hoang nhớ Đa Lạt quá , dù mới từ nơi ấy trở về …
Và thêm một chút ngậm ngùi khi đọc mấy câu:
“….mang máng nghe chừng còn ông giáo già chung sống với cái nhà kho phía sau trường cho
tới bây giờ…” “…bao giờ một lần được gặp lại, dù chỉ môt lần, con học trò củ của thầy” (CQV)
Người thầy củ của bạn anh Sáu đang dưỡng bệnh tại Sài Gòn , nếu muốn thăm Đồng Hoang sẽ
tình nguyện đưa đi…Còn cái nhà (kho) của thầy , nghe nói, sẽ bị phá đi…
Ấy dà, có lắm bất ngờ trong cuộc đời này thiệt chớ hén. Nghe anh Đồng Hoang mà em rưng rưng, sẽ liên lạc với anh bạn đang ở Biên Hòa giờ cũng đã là thầy giáo và ngậm ngùi nghe cái nhà sẽ phá. Không biết cảm ơn anh như thế nào cho đủ!
Viết thật vui mà Dalat trong tạp nham bút cũng lạ
Dạ, vui vui chút vơi bớt nỗi nhọc nhằn…cuộc đời ban cho… he he he, cảm ơn nhiều!
Thưởng Sáu Quỷnh chén rượu ” hỏa xa răng móc leo đèo ”
Dạ, em cảm ơn anh nhiều nhiều. Trân trọng một tấm lòng vì anh em!
Buổi trưa nắng gắt ,đọc thấy mát như đang ở Dalat
Ý dà, Chíp lăng xê quá làm mắc cỡ muốn chết. Nhưng mà biết chắc một người yêu mến Dalat lắm đây, Dalat sao lại không yêu mến được chớ hén(?) Cảm ơn Chíp nhiều lắm!
Cảm ơn anh Sáu Nẫu! Mà cái tranh Lê Tùng Quan vẽ minh họa cho truyện của
anh Nguyễn Trí anh Sáu ơi!
Tại vì Sáu Quỷnh gởi đến cùng lượt với tạp bút mà không một lời “thanh minh thanh nga ” thì lộn sòng là chuyện dễ hiểu phải không họa sỹ !
Sống thoải mái như vậy đời nó mới dài ra
Có lý chớ Champa hén nhưng mà lang thang khó mà không dính với cái chữ rượu nên hổng biết có dài hông nữa. Cảm ơn đã ghé tệ xá!
Cảm ơn Minh Văn! Em nó quởn quá đi lung tung nhìn tùm lum, he he he
Viết về Dalat theo góc nhìn của phượt thủ,cũng có nhiều điều đáng đọc