Nguyễn Hữu Khánh
Công việc-đời sống hiện tại. Nhạt và chán. Đêm lái xe qua lại hoài một con đường. Những bóng đèn đỏ nhấp nháy phía trước. Công việc đang làm không thuộc về tôi. Nó không hề có trong sự tưởng tượng của tôi khi đến Mỹ. Ba năm làm hoài một việc. Đôi lúc sự ngạc nhiên biến thành một điều kinh khủng khi tôi nhẩm tính về mùa và ngày ở nơi đây. Nhưng rõ ràng nó đang ngự trị tôi hàng ngày hàng giờ. Mệt mõi và héo mòn. Tôi thay sự đơn điệu bằng cách chuyển qua làm ca đêm. Để tìm lại chút an ủi được ngủ muộn và uống cà phê ờ quán một người bạn. Có những người Việt Nam quen và không quen.
Tôi không hề nghĩ mình lại gặp rắc rối. Một loại rắc rối mà bạn muốn chấm dứt lúc nào cũng được và không tốn tiền nếu bạn là người đứng ngoài nhìn vào cái rắc rối của tôi. Nhưng là loại rắc rối khó khăn khi muốn dứt bỏ cùng sự hao phí ngậm ngùi, nó có thề ở mãi với bạn; trong cuộc đời bạn. Cho đến ngày một trong những dây thần kinh nhớ ở não bộ của bạn bắt đầu lâm vào tình trạng hoại tử.
Nỗi buồn chán vẫn không thay đổi như thường lệ trong tôi, đưa tôi đến quyết định không làm việc ở hảng này nữa; và khi bước chân đặt lên nấc thang thứ nhất dẫn lên office tôi nhìn thấy Salmai. Lúc đó tôi có cảm giác mình giống như một tên hết hơi sau khi cố sức bơi phải trông nhờ một chiếc phao người ta quăng xuống. Người đàn bà đã quá tuổi thanh xuân. Tôi đã nhìn thấy bao nhiêu người phụ nữ như thế trong cuộc đời đang tàn úa của tôi-Tôi dừng lại bằng một thứ tình cảm mà tôi chắc nó không khác gì ở năm tôi mười sáu hay mười bảy tuổi. Người phụ nữ trong con mắt của tôi, có một gương mặt ưa nhìn. Kéo thốc tôi lại công việc hàng ngày của hãng bằng sự chấp nhận dễ chịu. Dĩ nhiên là không đồng nghĩa với sự nhiệt tình ưa thích. Điều này chỉ hỗ tương do bởi có Salmai.
Salmai hình như là họ của nàng. Tôi cóc cần biết. Chỉ biết tôi thích gọi cái tên này ở đằng sau chữ nghĩa Siddartha, của Phạn ngữ. Nó dễ đọc và nàng biềt sỡ dỉ tôi gọi được tên nàng mà nàng không cãi chính, cũng như chưa bao giờ tự giới thiệu. Lúc đó Salmai tưởng rằng tôi lịch sự, galant, nhường bút cho nàng ký tên vào sổ với tên họ của các nhân viên in sẵn. Điều này đã khiến nàng phải trắc nghiệm xem có đúng như nàng hồ nghi hay không. Đến khi luôn bắt gặp ánh mắt tôi nhìn nàng, Salmai biết rằng mình đã suy nghĩ đúng. Lạy Chúa. Tôi chắc vậy. Và tôi thấy đời sống, công việc buồn thiu của tôi bớt ảm đạm hơn.
Ở cái xứ sở này. Không riêng gì dân tộc chúng ta tới định cư. Nó dễ làm cho anh trần trụi, lạc lõng. Làm cho anh quên mất anh là ai theo năm tháng của thời gian. Đó là điều tôi sợ nhất, nên bất cứ lúc nào tôi cũng phải dặn dò mình đừng trôi theo cái hào phóng êm đềm của nó.
Nàng biết tôi thích nàng. Vì giãn dị một điều là nàng không né tránh ánh mắt ném nhìn của tôi. Đôi lúc đi sau lưng Salmai, theo đám đông đến với công việc của hãng.
Tôi thấy những sợi tóc bạc lấp ló trong mái tóc dài đã cột thắt ngang như những người phụ nữ Việt. Chính những giây phút ấy tôi luôn nghĩ rằng mình đã già. Bắt đầu già. Dù ở thế hệ của tôi, điều này ít xảy ra trong mọi suy nghĩ. Kể cả khi lại bắt đầu tính toán cho một công việc làm ăn gì. Và trong chừng mực nào đó sự biểu lộ của Salmai cho tôi biết nàng đã nhận cái cho của tôi ở trong ánh mắt. Còn nếu không bạn sẽ nhận ra ngay. Ngay tức khắc. Hay nói theo ngôn ngữ hay thuật ngữ của thời tôi còn mài đũng quần ở trường trung học là giác quan thứ sáu thứ bảy gì đó. Hoặc giản dị hơn là trực giác của mỗi người.
Những lúc tôi bắt gặp nàng cũng đang nhìn tôi. Tôi hiểu cha nội Exupery theo nghĩa đen hoàn toàn-Yêu nhau là củng nhìn nhau về một hướng-Anh nhìn chị. Chị nhìn anh. Một hướng duy nhất của chàng và của nàng. Từ đó mới tạo ra cái muôn đời là tình yêu. Tôi mặc kệ những thức giả, kiến giả hay cò giả bình tới bình lui về cậu nói của thằng cha đã đẻ ra câu trên. Đối với tôi nếu hướng tôi nhìn và hướng của Salmai nhìn không gặp nhau. Nó sẽ đi vào vô cực và không có chuyện gì để làm mất thì giờ của bạn.
Những lúc tôi bắt gặp nàng nhìn tôi, Salmai đã vôi che lấp sự quả tang bằng cái bối rối khả ái muôn đời của bao người phụ nữ, mà tôi đã từng hạnh phúc hay buồn rầu với họ. Tôi biết mình lại phải vướng vít, phải khốn khổ với cái tính lãng mạn của tôi. Người ta có thể lãng mạn, nhưng lãng mạn mãi và không dừng lại với lứa tuổi hiện hữu của mình thì quả thật tôi cà chớn và rất cà chớn vô cùng. Nhưng yêu nhau ai tính tuổi bao giờ. Cà chớn thì có thể còn đạo đức giả dứt khoát không bao giờ được tồn tại ở trong thằng người tôi. Song song với niềm phấn khích tôi thấy hình như có đượm chút mơ hồ một điều gì đó không may đang rình rập chúng tôi. Tôi và nàng . Đang thú vị và phiêu lưu một cách ngập ngừng với nhau . Nàng biết . Tôi cũng biết. Né tránh và không né tránh đã trở thành một xung đột trong tâm tưởng , không cần phải hỏi Salmai , tôi cũng thừa biết điều đó đang xảy ra hằng ngày khi cùng đến hãng làm . Tôi nghĩ rằng để tránh ánh mắt của tôi là công việc hết sức dể dàng nhưng Salmai lại không làm như vậy.
Mọi chuyện tình cảm luôn luôn bắt đầu như thế . Bằng cách này hay cách khác . Mọi cách . Nhưng kết cục chỉ duy nhất là tạo ra một tình yêu – đằm thắm- nông nỗi –mãnh liệt hoặc lặng lẽ êm đềm nhưng có khi thấm đẫm bi kịch . Trong tình yêu không ai dạy ai cả .Tùy theo sự cho và nhận của người đàn ông và người phụ nữ. Cách họ sống. Hoặc họ phải sống .
Salmai không được điểm bảy nếu có một ban giám khảo giám định về sắc đẹp. Không cần phải trích dẫn bất cứ một danh ngôn nào nói về cái đẹp của người phụ nữ . Mỗi một người đàn bà thật sự ra khi nói về điều này , cái đẹp của họ sở dĩ kéo thốc người đàn ông đến với họ là vì chính cái riêng biệt của họ đã được hài lòng –một ý niệm đã in sâu trong tiềm thức . Ngủ quên trong suốt một chặng đường đời của người đàn ông . Năm tháng- tuổi tác –cuộc đời. Những hạnh phúc và không hạnh phúc .Cái đẹp được nhìn khác nhau trong góc cạnh của mỗi người đàn ông .Không mãnh liệt hay hời hợt như thời trẻ tuổi . Sâu sắc của lúc tuổi trung niên . Nhưng chắc chắn không phải đồng nghĩa với hoàn thiện khi lại bắt đầu một phiêu lưu mới trong phiền muộn của tình yêu.
Ở mọi lứa tuổi , khi lại bắt đầu yêu .Dù từng yêu nhiều lần hay thậm chí yêu lần thứ hai. Người ta luôn luôn dẫm lại bước vỡ lòng của tình yêu. Trẻ thơ và nỗi háo hức . Nếu họ còn trẻ , những người trẻ và người chưa kịp già sẽ nhận ra ngay. Nếu họ già , hay không còn trẻ như tôi và Salmai, thì chính tôi và nàng chỉ tự mình nhận ra .Tỉnh táo mà nhận ra, đám đông đứng ngoài. Bởi những giới hạn của cuộc đời là một rào cản không phải là không đáng quan tâm . Hơn nữa chúng tôi là một đồng loại nhưng dị chủng. Dù cùng một màu da , cùng mở mắt chào đời ở xứ sở ôn đới .Cùng ăn một thức ăn chính là gạo. Và điều quan trọng sở dĩ kéo níu tôi vui vẻ với công việc của hãng hằng ngày là lúc tôi nhìn thấy nàng cười. Khi Salmai cười , gương mặt nàng giống như trẻ thơ . Tôi không hiểu xứ sở của nàng có bao nhiêu loại người được gọi là người Nepal-Bhutan . Trong khi đó lần đầu tiên nhìn thấy Salmai tôi thấy nàng thật sự giống người đàn bà Việt Nam hơn là giống các bạn nàng để người ta dễ dàng nhận ra nguời Nepal-Bhutan hay Ấn Độ.
Salmai bắt đầu ăn bận theo hướng nàng cho là đẹp . Có một hôm nàng bận cái quần jean . Đó là điều từ lúc gặp nàng tôi chưa bao giờ nhìn thấy. Phía lưng túi sau quần là những viên đá trông như kim tuyến . Tôi chúa ghét kim tuyến. Điều này không hợp với thân thể đã xồ xề và kệch cỡm với lứa tuổi của nàng .Suốt buổi làm việc tôi để cho nỗi bực mình trút lên công việc .Và thật là nông nỗi khi tôi lãng tránh ánh mắt cố tình của Salmai khi nàng làng chàng , ngần ngừ , vờ vịt trước mặt tôi . Cho đến khi tan ca trở về , tôi nhấn hết ga trên chiếc xe cũ kỹ già cỗi của tôi, đêm và giá lạnh của khuya kéo tôi trở về với sự tĩnh táo. Tôi nhận ra bằng cách này tôi đã tát vào cái trân trọng của nàng .Nàng ăn bận và cho là đẹp theo gu của nàng . Tôi quên rằng mọi thẫm mỹ được nhìn theo cảm quan của từng giai cấp. Nhưng quan trọng hơn cả là ăn mặc đẹp để cho ai. Nếu không phải để cho thằng cà chớn là tôi nhìn. Cái ngu luôn luôn xảy ra với những anh đàn ông và chị đàn bà khi đang yêu là luôn luôn bắt người mình yêu phải cầu toàn theo ý muốn của mình .Cùng lúc nhận ra cái ngu vớ vẩn đó, tôi mới biết à thì ra mình đã bắt đầu lún sâu với Salmai . Lún sâu với nỗi buồn của tôi.
Tôi thật sự chưa nhận được cái cho của nàng . Tất cả chỉ là một hứa hẹn , một hứa hẹn đầy vẻ ích kỷ và đánh đố .Bởi để bắt đầu một câu nói , lời chào khi gặp nhau luôn luôn người bắt đầu là tôi . Khi trước mặt bạn bè nàng hoặc gã đàn ông có cái họ là Salmai như nàng mà có lần tôi hỏi Salmai bảo là anh nàng đứng sát bên cùng với bạn bè, luôn luôn đôi mắt nàng lãng tránh ánh mắt tôi. Làm như không hề biết tôi là ai trong cái lúc nhúc thiên hạ đầy những chủng loại dân tộc này .
Đôi lúc tôi nhìn thấy nỗi buồn trong đôi mắt của Salmai. Tôi biết chính lúc đó tôi hiểu rằng nàng cũng đã từng thả sự suy nghĩ và tự hỏi tình cảm của nàng sẽ ra sao nếu nàng cho sự phiêu lưu đang hiện hữu trở thành sự thật. Tôi chắc nàng cũng âu lo khi nghĩ đến cái giá phải trả cho việc phiêu lưu đó. Tôi tưởng tượng khi Salmai nhìn ngắm gương mặt trong gương, chăm chút một chút trước khi đi làm, sửa xua một vài lọn tóc, trong niềm phấn khích muôn đời của phụ nữ là để cho người thích mình được ngắm nhìn; rồi khi nhận ra vài sợi tóc bạc nằm lẫn trong mái tóc; niềm hưng phấn đã tắc với tiếng thở dài. Sự xung đột đã luôn luôn xảy ra, tạo thành một bức tường vô hình nhưng lại được nhìn thấy ở chính chúng tôi. Nó là một tổng hơp được tạo nên. Những giới hạn của gia đình của tôn giáo. Của cái đám đông mà nàng cũng như tôi gọi là cộng đồng và nhắc nhỡ gần nhất là lứa tuổi muộn màng của người đàn bà đã qua thời xuân sắc. Đã khiến sự buồn rầu lộ tràn trên đôi mắt. Một buồn rầu của không hạnh phúc. Điều đó tôi bắt gặp một lần khi xe tôi đậu sát xe nàng khi tan ca nàng lên ngồi trước. Trong bóng tối thu nhỏ của góc xe sau lưng ghế tài xế, ánh sáng đủ để không làm nàng e ngại khi nhìn tôi. Chúng tôi đã nhìn nhau thật lâu. Cái rười rượi buồn bã của người phụ nữ, bất cứ của một người phụ nữ nào đều nói lên một điều gì đã u uẩn. Tôi hiểu điều nàng và tôi muốn, thật là khó khăn vô chừng cho nàng nếu sẵn lòng chấp nhận tình yêu của tôi một cách công khai. Đây là lần đầu tiên một thằng người bạt mạng như tôi đã phải đắn đo ngập ngừng trước một giới hạn của cuộc đời-Cuộc đời hiện hữu ở một xứ sở không phải xứ sở của tôi. Và tôi không biết đến bao giờ cái xung đột này chỉ còn lại một tiếng chắc lưỡi hay một tiếng thở dài.Chỉ biết rằng trước bức tường chắn ngang, tôi với nàng một trong hai người thay vì phải bỏ đi, chúng tôi lại luôn đứng đó, thích thú và buồn rầu đứng đó. Để mâu thuẫn với sự xô đẫy của ý nghĩ. Để hạnh phúc với một niềm hoan hĩ phù du, bởi tưởng đã mãi mãi tắt lịm theo tuổi tác và lạnh bạc nơi xứ người.
Nét hấp dẫn hay nôm na là cuốn hút của Salmai dàn trải nơi khuôn mặt đã kéo tôi đến với nàng. Cái rất đàn bà của nàng đã biến nàng thành nỗi buồn rầu của tôi. Một nụ cười giống như trẻ thơ, môt chút liều lĩnh ở đuôi đôi mắt huyền đen. Đàn bà đẹp thiếu gì trên cái cõi đời này. Đẹp và vô duyên. Đàn bà không đẹp còn nhiều hơn nữa. Nhưng để có một số người phụ nữ có gương mặt đầy cá tính làm bạn luôn ưa nhìn. Số này thật hiếm hoi.Và thật là khốn khổ cho bạn, khi cái điều này xảy ra và chỉ có hai người cùng nhận ra, cùng biết là sự tương hợp khiến cho họ cần phải có nhau. Cái cổ điễn của tình yêu lại bắt đầu. Tôi và Salmai. Dù tình yêu giữa nàng và tôi chưa được thể hiện một cách bình thường như bao nhiêu cặp tình nhân đã và đang yêu nhau trong cái thế giới ôn dịch hiện hữu này. Hoặc nó không được nhận biết bởi họ che lấp, vờ vịt trước đám đông. Nhưng nó luôn luôn được làm nóng, làm sống động trong cái nhìn lén lút cùng thả một suy nghĩ. Tôi hiện hữu-đứng làm việc tại nơi này, là bởi vì anh vì em. Chứ không phải cái đồng lương chết tiệt cùng cái công việc chán ngắt mổi ngày như mọi ngày. Phụ họa thêm cái kệch cỡm ngu ngốc của một vài anh chị da màu vừa được sếp Mỹ cất nhắc, đã bộc lộ một cách vội vã thói tánh ầm ỹ hoang dã của bản năng được hình thành như một tập quán bởi phong thổ của sứ xở mình. Vừa mới được khoác cho chiếc áo quyền hành, nên anh chị không hề hiểu là nó rất phù du ở cái nơi đồng tiền, lợi nhuận của hãng cùng sự hoang phí hào phóng của nó ngự trị. Bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng nói có quen biết với anh chị ngày hôm qua nhưng hôm nay thì không và sẽ được thể hiện dứt khoát bằng nụ cười, bằng những lời nói hết sức lịch sự một cách lạnh lùng
Thu vào mùa với những cơn mưa và vài cơn bão rớt. Có những cơn mưa kéo theo cái lạnh giá. Tôi bắt gặp lại một tháng giêng hai ở cố đô Huế. Trời mù và nước ẩm ướt trên những bức tường gạch lạnh giá, hoặc bàng bạc một chút Sài Gòn ở những sáng đẫm mưa. Lúc này tôi không ngủ muộn được. Thời gian ở đây luôn luôn quá nhanh với tôi. Thấy những mơ ước, những tham vọng lãng đãng trong ý nghĩ đã mỗi một ngày thêm dài ra hun hút. Lúc nào tôi cũng mong sẽ gặp Salmai ở một cửa hàng siêu thị hay bất cứ một nơi nào trong thành phố nhỏ này. Đâu cũng được miễn không phải tại hãng. Tại nơi luôn luôn ầm ỹ bởi những tiếng nói nhiều của các anh chị da đen hay gần đen, da nâu hay gần nâu kể cả da vàng hay gần vàng. Một mình nàng với tôi. Để Salmai không cần phải sử dụng cái vũ khí tự vệ làm như không hề biết tôi, làm như không có chuyện gì xảy ra giữa tôi và nàng trước mặt bạn bè cùng làm ở hãng. Dằn-chối-kìm hãm nỗi vui bằng sự lúng túng khi tôi mở lời chào lúc bước ngang qua nơi nàng làm việc. Để có lúc biết chắc rằng không có ai, không vướng bận bởi một nghi ngại nào, lúc đó tôi thấy ở đôi mắt nụ cười trẽ thơ của người đàn bà đủ nói lên hết cái nhận và cho của một tình yêu lỡ muộn. Luôn luôn điều đó cho tôi quên trông đợi hết giờ làm của hãng, nhưng lại trở về trong không gian bé nhỏ của chiếc xe là một nỗi buồn rầu với đầy đủ hương vị.
Tôi cố gắng kiên nhẫn. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời đầy tai tiếng, dĩ nhiên đã xảy ra suốt thời gian tôi sống nơi xứ sở mình. Dù là một tai tiếng trăng hoa mà một bất cứ một anh đàn ông nào có chút máu ăn chơi cũng lấy làm an ủi khi hoài niệm. Không một chút tiếc rẻ là đã bỏ phí một phần đời đáng kể ở giai đoạn đẹp đẽ của người đàn ông. Tôi nhớ Al Pacino trong Scent of a woman. Tôi chịu thằng cha này quá dù có đôi phim cốt truyện không được hay ho cho lắm, cha nội vẫn diễn xuất sắc vô cùng. Một scene khiêu vũ trong phim nói trên, đã nói hết tâm hồn và diễn xuất hết cỡ của diễn viên. Tôi không biết đến bao giờ tôi mới nhảy được một điệu tango lã lướt và lãng mạn đến như vậy. Tôi nhớ các đêm vũ trường lúc tôi mới xong trung học, điệu tango và những cú triu hồi tôi còn trẻ mà tôi tự hào với bạn bè chẳng là cái nghĩa địa gì so với cha nội Al Pacino. Người thiếu nữ và người đàn ông đứng tuổi. Vì lý do gì đó mà mắt ông ta không còn nhìn thấy nữa. Ông ta nhìn bằng đôi tai, cảm nghĩ được suy đoán bằng khứu giác. Người thiếu nữ ngồi chờ bạn trai, cái hăm hỡ tràn đầy của nàng đã tỏa mùi trong chờ đợi và mùi hương đã làm dậy trong tiềm thức của người đàn ông khiếm thị một thời sành sỏi để biết chắc rằng những người đàn bà tỏa hương vị này luôn luôn sẽ rất nồng nàn, rất quyến rũ khi được ôm nàng trong tay. Al Pacino diễn đạt thể hiện được cái khó tánh của một tay ăn chơi từng trải. Tôi nhìn thấy tình yêu thóang chốc và nỗi tiếc nuối dần dà, muốn nấn ná của người thiếu nữ khi bạn trai nàng đến rước. Nhưng dù sao đó cũng là phim, không phải cuộc đời. Chỉ giông giống cuộc đời mà thôi. Nó hoàn hảo bởi được sắp sếp. Do đó nó chỉ đưa thêm thi vị cho cuộc sống. Làm cuộc sống bớt đi nỗi nhàm chán, người ta thêm mơ ước dù chỉ thoáng chốc, hơi buồn rầu và ra đi lúc thức giấc ngày hôm sau. Chỉ đủ để không gây một thở dài, một thất vọng não nề như cái tàn nhẫn của cuộc đời. Dù đó là cuộc đời được người ta luôn luôn muốn ôm lấy và tìm kiếm.
Lúc này đôi khi tôi luôn tự hỏi-khi người ta lớn tuổi người ta đâm ra nhút nhát hay sao. Đó là những lúc khi nhìn lại tôi biết câu trả lời chính xác thực ra là Salmai đã có một tầm ảnh hưởng trong con người bạt mạng của tôi. Những người thiếu nữ, những người đàn bà đã đi qua trong cuộc đời mà thượng đế trao tặng cho tôi, tôi cho rằng đó là cách ngài chuộc lại lỗi lầm vì bắt tôi phải hiện diện ở cõi đời này. Những mội hôn, những thân thể hừng hực của đam mê, những nhìn ngắm các vưu vật mà tạo hóa ban tặng trên thân thể người phụ nữ. Tôi đã hoan lạc và khổ đau. Đã hạnh phúc hoặc không hạnh phúc. Có bao nhiêu tàng cây, bao nhiêu nóc đình thờ mái phố, bao nhiêu dòng sông, bao bờ tường gạch đẫm mưa sớm chiều, tôi đã phải gởi nỗi buồn rầu của mình trên đó. Tôi không nhớ hết bao nhiêu lần. Vừa đủ để thấy rằng đối với tôi, có những người đàn bà lúc nào cũng là một mới mẽ, một khó hiểu cũng như mơ hồ luôn kèm theo một bất trắc. Salmai là một trong những người phụ nữ đó. Và chung qui hết mọi điều nói trên, kẻ mở màn cho thú đau thương luôn luôn là tôi. Nhưng đây là lần đầu tôi đễ cho sự kiên nhẫn, điều réo gọi đứng chờ đợi quá lâu. Tôi phải bước qua chứ không cùng nàng đứng nhìn bức tường chắn ngang đó. Dù sau đó có thể không dừng lại, phải bỏ đi với mệt mỏi u uất buồn rầu. Sao cũng được.
Ngày hôm nay vào lúc gần tan ca, mặc kệ gã Leader gần đen lúc nào cũng muốn tôi là một cỗ máy. Tôi làm một động tác như máy scan của tôi gặp rắc rối để đến nhờ Salmai hướng dẫn. Bằng thứ tiếng Anh ba năm đến nước Mỹ tôi nói chuyện với nàng, với tất cả đòn phép của tôi.
_Có thể tôi sẽ không làm việc ở đây nữa, Salmai.
_Tại sao?
Nàng hỏi lại với một âm giọng chừng như hốt hoảng. Tôi thấy lòng mình đầy tràn một điều mà tôi đã từng sống trong bao đoạn đời cũ.
_Tại vì Salmai. Em là nỗi buồn của tôi.
Tôi không hiều vì sao mình lại nói trơn tru, mạch lạc bằng giọng tiếng Anh giã cầy của tôi. Ít phút trước khi tôi chuẩn bị tỏ tình với nàng, tôi nghĩ câu này đầy chất sến, sặc mùi cải lương. Salmai không cười nữa, nàng nhìn ngước xung quanh bằng một cái nhìn nghi ngại, dè chừng và buồn rầu.
_Em hiểu! Đủ thời gian để hiểu và đối với em điều này thật hết sức khó khăn.
_Tại sao?
_Tại vì em là người Bhutan anh không phải là một người Bhutan. Xin lỗi em muốn nói có cái khác biệt. Anh có thể được, nhưng với em khó khăn rất khó khăn. Hơn nữa chúng ta đã không còn trẻ nữa. Đó mới là điều quan trọng.
_Em đang nói dối! Em có yêu tôi hay không?
_Vâng! Em yêu. Nhưng em không thể. Em rất tiếc. Salmai là họ theo chồng chứ không phải là họ theo gia hệ. Em xin lỗi em đã nói dối. Nhưng anh đừng nghĩ việc-…đừng nghĩ.
Nếu bạn là tôi, ngay lúc đó chỉ trong hai giây bạn sẽ có một cảm giác hình như không khí đang vỡ vụn. Bức tường đã được tôi phá bỏ. Nhưng tôi không được đi thằng tới trước mặt nàng, ôm nàng và hôn lên niềm u uất lộ tràndù sau đó tôi cũng vẫn phải bỏ đi.
Tôi nhìn sâu vào đôi mắt huyền đen của Salmai. Chiến tranh và cuộc nội chiến giữa nhà vua và đám người theo Maoit. Những đổ vỡ tan tác, số phận của bao người thiếu nữ dưới thời chuyên chế được sắp xếp quyết định theo của hồi môn của tục lệ, của gia đình hay ở bất cứ nơi nào chiến tranh hiện diện và những điều này luôn luôn dập tắt tình yêu của các người thiếu nữ khi họ bắt đầu lớn. Khi một điều gì của riêng tây, của đích thực tâm hồn trong mỗi con người tạo hóa đã cho dù đàn ông hay đàn bà, có lúc thức dậy hoan lạc với điều mà chính trái tim họ muốn dù thời gian cùng số phận đã kìm hãm, đúng hơn khóa trái điều mà họ hiểu là tình yêu đó.
Salmai cố gắng lắm, chính những điều buổn bã tai ương mà nàng từng đối diện trong cuộc đời đã giúp cho nàng để những giọt nước mắt chỉ được phép viền quanh đôi mắt. Tôi phá bỏ bức tường đó để bắt giữ tình yêu của tôi. Nhưng Salmai muốn giữ lại bức tường đó. Salmai muốn tình yêu của nàng nhảy múa, hát reo trước nó chứ không thể nào bước qua được. Bởi vì nàng hiểu rằng phá bỏ, bước qua nó sẽ trở thành một tai ương, một điều phi lễ. Một trầm trọng trước mắt cộng đồng của nàng, với cái dân tộc vừa mới thoát khỏi chế độ phong kiến, quân chủ đầy ấp những phong tục điều răn cho người phụ nữ. Dỉ nhiên tôi nghĩ cho sự nghiêm khắc của tôi cùng với bao điều mà giống dân châu á của tôi cùng cảm nghĩ.
Tôi thấy mình không cần gì ở đây nữa. Tôi nói với nàng một câu nói mà tôi chưa hề chuẩn bị. Tôi muốn về nhà và không bao giờ tôi trở lại nơi này nữa. Ngang khúc quẹo cua đường dẫn lên office, tôi quay lưng nhìn Salmai. Gương mặt nàng đột ngột thoát trông như một bức tượng, cùng đôi mắt được nàng buông thả, không e dè bất chấp chỉ thể hiện một điều nuối tiếc bởi nỗi tan nát mà nàng tưởng không bao giờ xảy ra hay lường trước.
Tôi trình bày đủ mọi thứ lý do giải thích vì sao tôi không thể làm việc ở đây nữa với manager. Tôi chia tay và đem theo những lời chúc tụng khách sáo của ông ta. Mọi thứ đối với tôi bây giờ không có gì phải quan trọng. Tôi phải nghỉ và bắt đầu nghỉ ngay từ bây giờ. Nếu không rồi có lúc hãng này cũng sẽ đuổi tôi bằng những lời nói lịch sự một cách lạnh lùng, vì tôi không thể cứ làm việc một cách miễn cưỡng với nỗi buồn mà người ta cứ tưởng là vớ vẩn của tôi.
Xuống hết chân cầu thang, tôi thấy ngay bản mặt cáo phó của gã Leader xuất hiện. Hắn hỏi tôi đi đâu đó, tôi nói tôi đi về nhà. Tôi không ưa thằng cha này. Hắn không phải là thằng nhiều chuyện. Nhưng hắn là thằng thích nói nhiều và luôn làm trò của một giống loài mà Darwin từng đem ra lòe thiên hạ. Ngay lúc đó vừa kịp hết giờ của một ca làm việc.
Mùa thu tới bắt đầu bằng nhửng cơn mưa. Những cơn mưa kế tiếp nếu có vào lúc cuối Thu tôi sẽ không còn gặp ở nơi này. Tôi cũng sẽ bước ra xe lúc đến hay lúc về, nhưng ở một bãi đậu xe nào đó, bất cứ ở đâu-nhưng nơi đây thì không-không còn. Rồi trên những tàng cây, nóc thờ mái phố, những bức tường đá của mỗi một mùa vào tháng năm sắp tới cùng nỗi hiu quạnh của đêm thắt dần bóng tối của nó trên mỗi con đường. Tôi biết thỉnh thoảng rồi tôi sẽ còn gặp lại Salmai đâu đó trong thành phố này.
Nhưng để thở, sống và nhìn thấy nỗi ngập ngừng của tôi trước bức tường-nàng cũng như tôi-Biết rằng điều đó đã là một hư ảo. Tôi bước qua và tôi đã phải bỏ đi. Dù đêm nay hay bất kỳ của một đêm nào, tôi trở về sớm muộn. Tần ngần không vội mở cửa. Trong vườn tôi, dù đêm đã là khuya, liệu có còn phảng phất dậy hương nồng thơm của một đóa hoa nào mới nở. Sớm sủa hay muộn màng.
Rất đời , rất người !
Đó là những điều khi tôi ngồi một mình với cây viết của tôi. Cám ơn Hoàng Yến Dy đã nhìn cùng tôi qua bài viết này. Rất trân trọng .
Anh Khánh thân,
Bếp đọc đuợc đôi ba chuyện ngắn của anh và ngạc nhiên thấy anh cho vào các bài viết nhiều sắc thái gần như chán chường, tuyệt vọng trong khi ngoài đời Bếp biết anh có một mái ấm rất an lành. Anh làm Bếp nghĩ anh có điều gì dấu kín bên trong tâm hồn dù biết rằng viết là bay bỗng hư cấu theo những gì mình cảm nhận, nhưng viết cũng là buông xã những điều câm nín trong tâm.
trong bài nầy Bếp tâm đắc nhất câu ” Trong tình yêu không ai dạy ai cả .Tùy theo sự cho và nhận của người đàn ông và người phụ nữ. Cách họ sống. Hoặc họ phải sống” . Đúng vô cùng.
Và phải thực lòng mà nói giọng văn anh trẻ hơn mái tóc anh nhiều lắm đó nha.
Cho Bếp gữi lời thăm chị Mai và các cháu, chúc anh và cả nhà mọi sự an lành.
Rất cám ơn sự đồng cảm của chị. Chúc mọi sự an lành chị cùng với gia đình.
Một tâm trạng thật bão dông,những dòng văn như buốt xé
Chào bạn Xaque. Tôi làm bạn phải cảm khái, nếu có ở bài viết này. Chỉ hy vọng nếu được là một chia sẽ với bao buồn vui của bạn
có những tình như hoa mà không kết thành quả mọng, và ta bồi hồi với làn hương của nó trong “vườn khuya” của lòng mình.
Cảm ơn tác giả Đoàn Văn Khánh
cảm ơn tác giả Nguyễn Hữu Khánh
Trong một thoáng. Tôi hết hồn tưởng mình là Nhất Ác Đoàn Diên Khánh. May quá bạn vừa kéo kịp tôi trở lại với tôi. Nhưng chung cho cùng thái tử Diên Khánh còn biết được mục tiêu của đời mình và đeo đuổi thực hiện dù lên tới đẳng cấp nhất ác. Và khi tôi trở lại với tôi, tôi thấy mình luôn luôn đối diện bao lỡ dỡ mộng tàn phai. Cám ơn bạn.
Đang buồn đọc càng buồn hơn
Tôi xin lỗi. Dù sao vẫn mong muốn thêm một chút hạnh phúc cho tâm hồn bạn. Dù là một hạnh phúc buồn.
Chào Anh Nguyễn Hữu Khánh!”Vườn khuya ”-Một thế giới trong một con người Nam, đầy tâm sự nỗi buồn riêng về Tình yêu, với người Nữ-Một cô gái đạo Hồi.Toàn bài kể lại tâm tư tình cảm của Anh, nhiều hơn là nói về người phụ nữ ấy!Qua nỗi lòng của Anh ấy..Ta có một sự nhận định từ Anh..Thật khó khăn và buồn ,khi mãi đi tìm, một người đồng điệu, để hòa quyện chung khúc hát TYVà khi tìm được rồi lại thấy khổ hơn lúc chưa tìm được !Vì hòa được mà không thể quyện Bởi trắc trở tôn giáo điều luật riêng của đạo cố ấy!Nỗi khổ của Cô so với Anh -vẫn nghiêng về cô dù không đề cập nhiều.Yêu không có tội.Nhưng những ràng buộc luân lý, tôn giáo, lề luật của xã hội là bức tường to lớn ngăn cách tình họ gần nhau!Vẫn là phía cô gái đạo Hồi ấy.Cái khổ chung trong vấn đề yêu đương ,của tất cả phụ nữ Hồi rất là khắc nghiệt khổ ải ,không thể tả nổi!Cái phong tục khắt khe có phần thiên vị theo cách trọng nam khinh nữ đó Đôi khi trở thành tàn nhẫn vô lý trong đạo Hồi Nhưng đức tin và lề luật bao đời của họ, đã ăn sâu vào máu ,cũng khó nói đối với Ta-Những người đã thoáng,hấp thụ ít nhiều tư tưởng Phương Tây?Yêu đương và tập tục dành cho Phụ nữ Hồi,có nhiều bó buộc họ vào khuôn khổ.Có thể ví họ như những tù nhân.Lúc nào cũng cần phải giữ ý tứ,dè dặt.Chỉ cần sơ suất buông thả sống theo ý tự do riêng của mình là sa ngã dẫn đến cái chết rất dễ dàng.Cho nên lúc nào người phụ nữ Hồi vẫn cảnh giác giữ mỉnh-Giống như chiếc áo choàng họ khoác vào người”Thật kín đáo che giấu cả mặt, nói chi là thân mình?Cho nên trong câu chuyện tâm tình ”Vườn Khuya” trên..Tình yêu của Anh dành cho cố ấy, được sự hòa- đồng thuận nơi cô-trong cái ý tứ giữ gìn riêng không dám bộc lộ!Cái quyện làm sao có được !Dù chỉ là thố lộ bằng cử chỉ thân thiện như cái nắm tay chẵng hạn,Cũng không thể được!Mặc dù cả hai đã lớn tuổi ,không phải tuổi mới lớn,mới biết yêu lần đầu!Nhưng là cả một vấn đề nan giải cho cô.Với Anh thì có thể thoải mái.Nhưng cuối cùng thì sao?Sự an toàn cho cô -Anh trở về với sự đau khổ ,ôm nỗi cô đơn riêng mình..Nên có một góc”Vườn khuya” cho Anh Mà cũng có thể của cả cô ấy nữa đó!?
Bạn đã nói hết những suy nghĩ của bạn ở bài viết này. Cám ơn aitrinhngoctran.
Cuoc song doi khi rat phu du,buon !
Ta luôn thấy rõ điều đó mỗi khi tuổi đời thêm chồng chất . Không kể dù là một sớm mai hay bao chiều tưởng nhớ. Và một của bao đêm trời đã thật là khuya.
Minh thich nhung doan doc thoai trong cau chuyen
Bạn là người nắm toàn bộ mọi ý nghĩ mà tác giả muốn thể hiện trong bài này. Cám ơn
Tâm trạng buồn quá nhà văn ơi !
Nói chung một cuộc đời với nghiệp bút nghiên. Bắt con chữ, thở lên đời sống của nó. Chúng ta phải trả giá bằng bao tâm trạng. Cám ơn sự chia sẻ của dangthanh.
Đôi khi cũng có chung tâm trạng vậy…hoang hoải,cô đơn !
Rất lâu mới gặp lại những câu chữ như một lời chào của Alibaba, Khỏe nhe
Cảm nhận được nỗi cô đơn bàng bạc trong từng con chữ
Cám ơn sự chia sẻ của Quế Hương
Vườn khuya …cô độc một mình !
Để cuộc đời thêm một lần lại hỏi…. đời tôi có ai vừa qua… Cám ơn NTH