Đất võ Bình Định có nhiều dòng họ nổi danh võ thuật từ hàng trăm năm qua. Trong đó, họ Trương ở làng Kỳ Sơn có nhiều người bất bại trong những lần thượng đài.
Võ đường họ Trương ở làng Kỳ Sơn (xã Phước Sơn, H.Tuy Phước) hiện do võ sư Phi Long Vịnh, tên thật là Trương Văn Vịnh (78 tuổi), cai quản. Thượng đài từ năm 18 tuổi, đến nay đã trải qua hàng trăm trận tỉ thí nhưng võ sư Vịnh chưa một lần thất bại. “Võ phái chúng tôi có quan niệm “ăn sớm, ăn muộn thì ăn, không ăn được thì về nghỉ”, tức là nếu thấy đánh thắng thì nên đánh, nếu biết đánh không thắng thì hoãn lại, về nhà tìm hiểu kỹ đòn thế của đối phương để đánh được thì mới đánh. Người học võ phải có trí, chứ xông vào đánh bừa thì mất mạng như chơi”, võ sư Vịnh nói.
Năm 1968, võ sư Vịnh có cuộc tỉ thí với một võ sư taekwondo tứ đẳng huyền đai người Hàn Quốc (đang huấn luyện võ cho sư đoàn Mãnh Hổ) tại Gia Lai. Vào cuộc, võ sư taekwondo dùng chân đá tới tấp vào đối phương. Biết taekwondo chỉ giỏi đánh đòn xa nên võ sư Vịnh áp sát, rồi sử dụng hổ trảo, một chiêu trong Ngọc trản thần công, móc vào mạng sườn, sau đó kéo xuống bụng, đánh vào vùng gan. Võ sĩ Hàn Quốc gục trên sàn đấu. “Khi đã dùng Ngọc trản thần công thì phải ra đòn liên hoàn, không thể nương tay nếu đối thủ chưa gục ngã. Vì đây là loại đòn độc, không hạ được đối phương ắt sẽ tự giết mình”, võ sư Vịnh nói.Trong những lần thượng đài, lão võ sư Trương Văn Vịnh nhớ nhất vẫn là 2 lần hạ các võ sư ngoại quốc bằng tuyệt kỹ Ngọc trản thần công. Năm 1962, võ sư Vịnh đang dạy võ tại Vũng Tàu thì một võ sư người Khmer tên Thạch Khen, đang dạy boxing ở đó, đến khiêu chiến. Vốn coi thường võ cổ truyền Việt Nam, khi hai bên thượng đài, Thạch Khen dùng sức mạnh tấn công tới tấp khiến võ sư Vịnh gặp rất nhiều khó khăn. Được vài hiệp đấu thì võ sư Vịnh đã “dính” nhiều đòn, mặt sưng vù, răng muốn rụng… Cuối cùng, ông áp sát, dùng Ngọc trản thần công điểm vào các huyệt đạo của đối thủ khiến Thạch Khen ngã gục trên sàn đài.
Ngoài ra, võ sư Trương Văn Vịnh còn dùng Ngọc trản thần công trên đài một lần nữa vào năm 2007 nhưng không phải để hạ đối phương mà để biểu diễn, quảng bá võ cổ truyền Việt Nam. Năm đó, Tổng hội Quán khí đạo (Qwuan Ki Do) mời võ sư Vịnh sang Ý biểu diễn trong dịp khai mạc đại hội lần thứ 4 của môn phái. Ông Vịnh biểu diễn bài Ngọc trản thần công khiến hàng trăm võ sư của gần 40 nước trên thế giới thán phục. Lần đó, chưởng môn của Quán khí đạo là võ sư Phạm Xuân Tòng đích thân tặng ông 3 chữ “Đại danh sư”.
Múa võ như rồng bay
Theo võ sư Vịnh, võ đường họ Trương thờ ông Quan Thánh (tức Quan Công – Quan Vân Trường) là để nhắc nhở con cháu, đệ tử của môn phái biết trọng nghĩa khí, học võ là để hành hiệp trượng nghĩa. Hầu hết người trong họ Trương từ xưa đến nay đều học võ. “Truyền thống này có từ thời ông tổ của dòng họ là danh sư Trương Văn Hiến, tức thầy giáo Hiến, người dạy cả văn lẫn võ cho anh em nhà Tây Sơn và nhiều vị văn thần, võ tướng của triều đại này”, võ sư Trương Văn Vịnh cho biết.
Ông nội của võ sư Vịnh là ông Trương Hổ và em trai Trương Ninh đều là những người giỏi võ nghệ. Ông Trương Hổ có 3 người con để lại tên tuổi trong làng võ thuật là Trương Văn Cẩn, Trương Hoàng (Ba Chăm), Trương Xuân Ba (Sáu Hòa). Trong đó, ông Trương Hoàng là một trong những người thầy của võ sư Hà Trọng Sơn (biệt danh Hùm xám miền Trung). Ông Trương Xuân Ba cũng từng đoạt cúp vô địch Đông Dương thời Pháp thuộc.
Võ sư Trương Văn Vịnh được cha là võ sư Trương Văn Cẩn truyền thụ võ nghệ từ nhỏ. Sau đó, ông Vịnh học thêm võ từ 2 người bác là võ sư Trương Xuân Ba và võ sư Trương Hoàng. Võ sư Vịnh kể: “Năm 1970, trong chương trình giao lưu võ thuật với các võ sư nổi tiếng trong nước và quốc tế, tôi biểu diễn bài Ngọc trản thần công quyền cước biến hóa trên một chiếc chiếu nên được họ khen là “Phi Long”, tức rồng bay. Từ đó, tên Phi Long gắn liền với cuộc đời tôi. Khi dạy võ, tôi lấy tên võ đường của mình là Phi Long. Nhưng sau này nhiều võ đường cũng lấy tên Phi Long nên tôi chuyển thành Phi Long Vịnh”.
Các con trai của võ sư Trương Văn Vịnh là: Trương Trọng Khiêm, Trương Trọng Hải, Trương Trọng Hùng, Trương Trọng Vinh, Trương Trọng Quang đều biết võ nghệ. Trong đó, võ sư Trương Trọng Hùng đã mở lò võ riêng và Trương Trọng Hải cũng đang dạy võ cùng với cha. Cháu nội, cháu ngoại của võ sư Vịnh đến nay đã hơn 20 người và cũng đều được học võ. “Trong học võ, “cha truyền con nối” thì đương nhiên nhưng mấy đứa không ham thì chịu chứ làm sao mà bắt ép? Nhưng các cháu của tôi rất ham luyện võ, bất kỳ khi nào có thời gian là chúng luyện với nhau. Thấy các cháu ham luyện tập vậy nên tôi cũng yên tâm, dòng họ võ nhà họ Trương rồi sẽ có thế hệ kế nghiệp xứng đáng”, võ sư Vịnh nói.
Theo võ sư Trần Duy Linh, HLV Trường Năng khiếu thể dục – thể thao Bình Định, ngoài dòng họ Trương ở Kỳ Sơn, dòng họ Trương ở thôn Phú Thiện, xã Mỹ Hòa, H.Phù Mỹ (Bình Định) cũng có nhiều người thi đỗ cử nhân võ thời triều Nguyễn, như: Trương Đức Giai, Trương Đức Lân, Trương Trạch… Trong đó, ông Trạch chính là thầy dạy võ cho ông Trương Thanh Đăng, sau này làm chưởng môn phái Sa Long Cương. Ông Giai có biên soạn tập sách võ vẫn còn đến ngày nay đang được ông Trương Đức Hồng cất giữ. |
Hoàng Trọng
Nguồn thanhnien.com.vn
Cảm ơn tác giả bài viết. Mình được biết thêm nhiều điều.. Cũng cảm ơn Nguyễn Ngọc Thơ đã giảng giải thêm.
Mình cũng …cám ơn NB đã quan tâm tìm hiểu về Xú Nẫu!
@Xin chia sẻ thêm cùng Tác giả và Bạn đọc XN một chút thiển ý về “NGỌC TRẢN QUYỀN”_Một trong những bài quyền bí truyền của Võ Tây Sơn_Bình Định (Thời Tây Sơn):
“NGỌC TRẢN QUYỀN”_Được ví là bộ quyền “tâm pháp” đầy biến hóa, mềm mại như “múa”, nhưng khi triển khai cận chiến, thì “nhu_ cương” phối hợp theo một thể liên hoàn “nội tam hợp”_(TINH, KHÍ, THẦN) và “ngoại tam hợp”_(THỦ, NHÃN, THÂN) nhuần nhuyễn khuất phục đối thủ_ Chủ động bộ pháp né tránh, tự tin phản đòn điểm vào sơ hở trên người đối thủ, cần dứt điểm “nhanh_ gọn” để thắng!
Có thể hiểu “Ngọc Trản quyền” đại khái như sau:
_ “NGỌC”: như “chén ngọc” trong sáng, phản chiếu sự vật được thể hiện qua ý niệm “tâm pháp công”, thường thường người có cái tâm đức độ và có trí tuệ triển khai, vì nó ẩn chứa những đòn “độc hiểm” dễ chết người…
_”TRẢN”: là ý niệm san bằng mọi trở ngại trong lúc giao đấu_ khuất phục “đối thủ” qua cách sử dụng phối hợp “tay_chân và thân” uyển chuyển, hóa giải khóa đòn đánh của đối thủ…
*Vậy “NGỌC TRẢN QUYỀN”_Là một trong những bí quyết võ công thời Tây Sơn(Nguyễn Huệ) còn được lưu truyền! Nó ẩn chứa quyền pháp “âm_ dương” tương hợp “hư hư thực thực” để thủ thắng!
+Sau đây là bài thiệu được lưu truyền:
NGỌC TRẢN QUYỀN (HÁN_NÔM)
*Phiên âm:
Ngọc Trản ngân đài
Tả, hữu tấn khai thập tự
Luyện diệp liên hoa
Đả sát túc, tọa hồi mai phục
Tấn đả tam chiến
Thoái thủ nhi linh
Hoành tả, tọa “bạch xà lan lộ”
Hữu hoành sát “thanh long biên giang”
Phụ tử tương tùy
Hồi tàng “địa hổ”
“Song phi quyền dực”
Hạ bàn đoản tả
Hồi tiểu, tọa khai cung
“Huỳnh long quyển địa”
Tấn, đả song quyền
Hoành tả, phục “hạc khai linh”
Trực tiền quyển địa
Tấn tả song quyền
Hướng hậu, đả thập tự
Diện tý
Hồi “tẩu mã giang tiên”
Bái tổ, lập như tiền!
………………………………………………….
*Dịch nghĩa:
Chén ngọc đai vàng
Đánh qua trái_ phải theo thế chữ thập
Tập theo lối lá liền hoa kiểu hoa sen
Đá sát chân, ngồi lui rình « mai phục »
Tiến đánh ba lần
Nhảy lui về hai tay thủ chắc(sắc sảo)
Xoay trái, ngồi theo thế « rắn trắng qua đường vẹt cỏ »
Chém ngang phải thế « rồng xanh qua sông »
Triển khai thế cha con nương tựa vào nhau
Quay về thế « rắn hổ đất » núp
Đá hai chân theo kiểu « chim cuốn cánh »
Hạ bộ đá vẹt phía trái
Lui về, ngồi xổm dang rộng cánh
Triển khai « rồng vàng » cuốn đất
Tiến đánh mạnh hai đấm
Xoay trái phục thế « hạc điểm phơi cánh »
Đánh trực chỉ phía trước
Tiến lên đánh hai đấm tiếp
Lui về sau, đánh thế chữ thập
Mặt nhìn thẳng hướng bắc
Quay về thế « tiên ông cỡi ngựa qua sông »
Bái tổ, như bộ trước !
………………………………………….
Tổng chào các Anh Chị Xứ Nẫu!Cảm ơn Bài viết của Anh Hoàng Trọng!Văn -Võ VN nói chungMột đất nước bị đô hộ trường kỳ..Nền văn hóa bị ảnh hưởng rất nhiều!Con người cũng bị đồng hóa từ những tập tục lề lối xã hội..Về Võ thuật chắc chắn phải có một điều là vay mượn ít hoặc nhiều/Cả các từ gọi..Đòn Thế,Quyền cước trong Võ Thuật?Thí dụ đòn”Hổ trảo” có trong võ Thiếu Lâm tự.Cho nên..”Cuộc đời là sự vay mượn?Quan trọng vay những cái đẹp,mượn những cái hay để kết hợp chọn lọc làm của riêng mình?Ai dám tự hào của Ta nguyên thùy ….Nhất là vềVõ Thuật?Võ VN dùng nhu thắng cương giống như tính cách dân tộc nhược tiểu của Ta Nhưng o hèn!Đánh” xáp lácà”tìm sơ hở của kẽ địch mà áp đảo..Có được nền Võ Thuật riêng của VN LÀ ĐIỀU ĐÁNG TỰ HÀO?Đồng thời cũng không quên những Võ sư đại tàiDù Ta biết rằng Họ Trương không phải Họ người Việt?Cảm ơn một lần nữa, người đưa bài viết trên, cho Xứ Nẫu thưởng thức rất hữu ích..
TUYỆT CHIÊU
Mạch võ BĐ tôi tin rằng sẽ mãi tuôn chảy không bao giờ dứt
Đọc mà thấu đáo thêm võ thuật nước nhà.
Một đất nước văn hưng, võ thịnh thì lo gì chuyện vững an bờ cỏi.
Cám ơn tác giả bài viết kha công phu nầy.