Từ Sâm
Vào dịp kỷ niệm ngày thành lập trường, mấy thằng bạn cùng lớp tụ tập nhậu và tán phét. Xong chuyện, cả bọn ra cà phê “Bốn Mùa” ở Nha Trang nhìn các em xõa sóng để thư dãn cặp mắt bấy lâu tù túng trong bê tông cốt thép.
Nhóm tôi bằng một tiểu đội chuyên đánh quả đề thi. Thằng Chạc bắt thăm đề, nó y sao bản chính, vo hòn bi búng ra ngoài với tốc độ mắt thường không nhìn thấy. Thằng Tấn cán sự môn, giải đề được trả bằng nửa ổ bánh mì sáng. Thằng Lên làm nhiệm vụ trinh thám để luồn lách đưa bài giải đúng mục tiêu. Thằng Tú dân đặc công nòi nên lúc nào cũng chọn chỗ ngồi cạnh cửa sổ để bao quát tầm nhìn, nhận sự hỗ trợ đồng đội dễ dàng. Tôi đứng lấp khoảng trống của cánh cửa ra vào để nghi binh thầy giáo. Thằng Vường vừa giở sách vừa đánh tín hiệu chữ cái bằng tay môn Hàng hải. Thế mà vượt qua hết, qua hết và… tốt nghiệp mới oách.
Ra trường, mỗi đứa một nơi, bầm dập, nghèo khó một thời rồi tự dưng gặp lại, đứa nào cũng oai phong lẫm liệt.
Về trường bằng máy bay, bằng ô tô, đứa nào đi tàu do thích ngắm cảnh chứ không phải vì ít tiền. Thằng Chạc là Giám đốc một sở, đất đai tính bằng héc ta. thằng Lên, chuyên viên một Bộ lớn nhất nước, nó nói chẳng có miếng đất nào cắm dùi, phải ở tít trên tầng 20 của toà nhà trung tâm thủ đô, một mét vuông chỉ vài ngàn… tiền Mỹ. Thằng Tú, giám đốc ngành cấp tỉnh, đi bằng xe… của nhà mua, nhất định không đi xe biển số xanh vì sợ mang tiếng.
Chỉ mình tôi đến góp mặt bằng xe hai bánh sản xuất từ thế kỷ trước, 30 năm làm nhân viên quèn có máu văn nghệ, in tập sách mỏng như lá lúa mà phải hạ cấp chiếc xe máy từ Nhật sang Trung quốc. Đứa nào cũng có vài ba bằng chuyên tu, tại chức, chỉ có bằng đại học chuyên ngành là hệ tập trung, mà chẳng đứa nào làm đúng ngành mình học. Đứa nào cũng lao vào kiếm cho được bằng cao cấp chính trị, cử nhân kinh tế, luật tại chức, rồi chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ đã qua đào tạo về kinh tế vĩ mô, ma két ting, đầu tư trong nước, nước ngoài, vv..
Tôi cũng có thêm một bằng, bằng lái xe hai bánh, nó là phương tiện làm ăn nên tôi cố học và thi đạt loại giỏi nhưng trên bằng lại không ghi tốt nghiệp loại nào.
Các cựu sinh viên hết chuyện trong nước, chuyện thế giới, dự đoán các nước bắc Phi lập chính phủ theo mô hình nào vv… rồi tráng miệng vài chai bia cho mát cổ họng.
Một người đàn bà bịt mặt không đoán được tuổi, gày và khô như con còng biển, nhìn về phía chúng tôi, ngập ngừng, rụt rè như chào bán món gì.
Người bán sách dạo.
Vừa đến gần thì thằng Chạc lên tiếng, “sách vở gì thời nay, lui xa cho tụi tui nhờ, mà bọn bây thấy không, hôm qua báo đăng tin bọn bán dạo cho khách du lịch, bán thì ít mà chôm chĩa thì nhiều”.
Thằng Tú đế luôn, “thời này ai mà đọc sách là hơi bị hâm, chỉ có đọc nhãn “bia” gì là quan trọng nhất”. Cả bọn cùng cười.
Người bán sách nghe chưa hết câu đã thụt lùi rẽ hướng bước vội.
Một nhóm ông Tây bà Tây mặc rặt áo xanh lá cây sà tới. Họ xì xồ tiếng Pháp vì tôi nghe có hai tiếng “bông rua” nhưng cả nhóm như vịt nghe sấm.
Thằng Tú “nâu, nâu” xua họ đi chỗ khác. Không chịu thua, họ chuyển hướng bằng tiếng Anh, tôi nghe câu được câu chăng, đại loại là nhà hàng “thịt rừng Tô-Ly-Điếu” có gần đây không. Các ngài tốt nghiệp bằng C anh văn chỉ trỏ tùm lum rồi lắc đầu quầy quậy. Đoàn quân áo xanh đeo bám như đỉa, họ giở cuốn sách tiếng Anh có chụp ảnh màu ra làm bằng chứng. Cả đám trí thức là “nguyên khí quốc gia” ngồi như ngỗng ỉa. Không nghe, không biết thì “ai đôn nâu” cho rồi, còn bày đặt “nâu, nâu rét tâu rân” chứng tỏ không có nhà hàng đó.
Trời gieo may mắn cho các ông Tây bà Đầm. Chị bán sách chân chưa bước xa. Chiếc khăn trùm kín khuôn mặt chị, chỉ còn hai đôi mắt và có khe hở ở miệng. Chị đã nghe và thấy chuyện đã xảy ra. Chị quay lại, nói với họ tiếng Anh, tiếng Pháp. Tôi không phân biệt được giữa tiếng chị và tiếng khách vì quá giống nhau. Họ nói cười vui vẻ. Họ mua sách, chị ký tặng và ôm hôn chia tay như gặp lại bạn cũ. Với trình độ tiếng Anh vở lòng tự học tôi cũng hiểu mang máng đó là những người bảo vệ động vật hoang dã có các quốc tịch khác nhau.
Biết và để yên trong bụng, vì ngồi với các “xếp”, tôi tránh voi chẳng xấu mặt nào.
Tối hôm đó, tình cờ tôi đi cùng người bạn đến thăm bạn cũ cùng thuở cấp ba với nó. Nghe nói cô ấy không vào được đại học vì không đủ điểm môn ngoại ngữ, mấy chục năm rồi mà chưa gặp nhau.
Khi đã xong thủ tục xã giao, người bạn tâm sự, “do sức khỏe mình xin nghỉ một cục. Ở nhà rảnh rỗi. Con cái đã lớn, mình đọc sách và tự học thêm Anh văn, Pháp văn. Cứ nghĩ học để biết, chứ chẳng để làm gì, ngày trước nếu môn ngoại ngữ mình khá hơn thì đời đã khác. Thời gian làm việc, ngồi nhiều, sinh bệnh, chân tê, đi lại khó khăn, thuốc thang nhiều mà không khỏi. Chỉ có vận động, mà đúng thật, vận động trí óc và tay chân, cơn đau giảm dần. Có gầy đi nhưng khỏe ra, bệnh lặt vặt cũng mất luôn. Mình bán sách vì được tiếp xúc với người nước ngoài, nâng cao trình độ ngoại ngữ, quảng bá đất nước mình. Không làm được việc lớn như các bạn thì mình làm một giọt nước trong đại dương vậy. Sách chủ yếu là các tác phẩm văn học nước ngoài và sách Việt Nam dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp. Tiền lời có được thì giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn”.
Tôi nhận ra chiếc túi xách có những cuốn sách nhiều màu, chiếc khăn bịt mặt và chiếc áo khoác ngoài màu xanh da trời buổi sáng nay của chị ở công viên.
Một người không có bằng cấp nào.
Nha trang 02-10-2011
Những câu chuyện của anh trên xunau đều là những câu chuyện ấn tượng về nhân tình thế thái
Từ Sâm hình như có duyên với thể loại truyện vừa hài hước vừa sâu cay này
Đọc truyện thấy buồn cho xã hội mình quá. Bao giờ mời chấm dứt những chuyện không vui này?
Truyện đọc hay ghê.
KIm Yến khen mà tôi thấy như uống một ly cam vắt không phải trả tiền, cám ơn nhé. Chúc ngày 8/3 kéo dài đến hôm nay
Chuyện thường ngày nhưng đọc thấy thấm và đau lắm
ở đầu cũng có anh Kiệt à, như vậy mới là xã hội chứ, nhưng mà ờ nước khác họ ít, còn mình bằng cấp giả nhiều quá như là cơn dịch bệnh nên lây lan tùm lum rồi
Thang giá trị trong xả hội bây giờ đão lộn lung tung. Tiền mới là số 1
Đúng rồi đó anh Champa tiền là số 1 và bằng cấp là số 2
Cảm ơn bài viết hay! Đọc và suy gẫm.
Cám ơn a Băng Sơn, lời khen của anh là như liều thuốc quí đó anh. Chúc a khỏe nhé, ne61o có ra nha trang mời anh cafe cho vui Đt 0913478580
Một người không có bằng cấp nào lại làm cho những người nhiều bằng cấp phải xấu hổ !
xã hội chỉ sính bằng cấp thì bộ óc chẳng có gì cả phải không anh Alibaba vì người ta chú trọng đến cái bằng mà chẳng cần phải học chuyên sâu gì cho mệt, như không có bằng đố ai thăng tiến được nào
Anh TS có biệt tài ghi lại chuyện thường ngày thành cái mắc lại trong lòng bạn đọc.
TS chỉ là người ghi chép bằng văn xuôi mà thôi chứ chẳng nghĩ ra hư cấu nào cả, xung quanh mình nhiều chuyện lắm, cám ơn anh Lạc An nhé
Truyện của Từ Sâm bao giờ cũng được đẩy lên đến tận cùng !
diephoa khen làm TS cảm động quá
Cuộc sống phức tạp quá anh Từ Sâm ơi
Đúng là cuộc sống quá phức tạp, chỉ có miếng ăn của người nghèo là đơn giản thôi
Anh Từ Sâm thân mến,
Tôi rât thích đọc bài của anh vì bài nào cũng chua chát những đăng cai của xã hội, của cuộc đời.
Chuyện anh kể hôm nay cũng nằm trong đường hướng đó. Thế gian nầy vàng thau lẫn lộn, chiếc áo không làm nên thầy tu, giá trị con người không nằm trong nghề nghiệp họ mang.. Vu vơ một chút, chúng ta có thể đổ thừa cho số mệnh được không?
Cám ơn bài viết ngắn mà đầy xúc tích. Chúc anh viết hay hoài.
Chào anh Từ Sâm!Bài viết nêu thực trạng xã hội hiện đạiCó i chút so sánh.. .Văn kể nhẹ nhàng …Nhưng không kém sâu sắc đầy ngụ ý..Tôi mạn phép có vài suy nghĩ khách quan của thực tế..[1/Đây là 1 cá nhân gặp may trong thời buổi cần ngôn ngử ngoai..Được nâng cao giá trị trong tầm nhìn 1 số người 2/Thực chất..Đó là…Cá nhân” cận” sách,ham học hỏi cho riêng bản thân Và cho tốt nghề hiện tại… Gặp khách nước ngoài là dịp tốt có lợi Nâng cao giao tiếp !Một. sự cầu tiến cần thiết Nếu được nhiều người như cô ấy.Văn minh …lịch sự ..hiểu nhau Tất cả sẽ là mỹ quan thân thiện trong mắt người nước ngoài?Cô ấy bán sách dạo ấy… Thật đáng quí và trân trọng!Và…Cũng cảm ơn bài viết của anh..Sẽ o là tầm nhìn của 1 số người Mà nhiều hơn nữa..Chào thân mến!
Cám ơn anh nhoctrinh có nhận xét rất hay
Cám ơn lời động viên của chị Ngoc Nga, TS mong một lần gặp chị, chúc chị khỏe đẹp