Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Một 27th, 2023

Người đàn bà đi tìm

Tác giả: Đào Hiếu.

*

Có một người đàn bà

Ngủ quên bên chậu hoa

Đêm rớt giọt sương trên mắt.

*

Anh biết em không bao giờ khóc.

Người đàn bà trẻ mặc áo đen trong công viên.

Tìm kiếm những ngọn gió.

*

Ngọn gió từ đâu về?

Trong buổi sáng tĩnh lặng.

Em như cánh én bay

Thanh thản.

*

Mùa Hạ vừa qua đi

Em tìm gì trên cỏ ướt?

Những ngọn gió rách nát, lao xao, rối rít.

Những ngọn gió ngại ngùng.

Cũng giống như anh ngại ngùng khi em hỏi:

“Nhìn thấy gì trên mặt người đàn bà

Read Full Post »

Mai anh lên Tây Bắc

Nguyễn Vĩnh Tiến.

.

Mai anh lên Tây Bắc

Tìm củ cải đỏ cho em.

Em còn bé tí Mùa Xuân ạ

Ở trong chuỗi ngày không tên

Em theo phía nắng ấm lớn lên

Cùng lộc cùng mầm

Cùng khái niệm đỉnh cao của ngọn núi âm thầm

Cùng khái niệm rộng dài của con sông từ suối …

.

Ru em Mùa Xuân bé xíu

Ru em trong cõi dịu hiền

Mà anh chắt chiu từ khổ đau, nén chịu

Anh chắt chiu đen trắng thanh đạm từ muôn vạn sắc màu…

.

Mai anh lên Tây Bắc

Lại tìm mua bắp ngô vàng cho em

Lại uống rượu men lá môi em …

Hai đứa mình quấn nhau bằng tiếng khèn…

..

Em còn bé tí Mùa Xuân ạ

Tặng em cả một con đường đèo

Em làm dây đeo

Chiếc hộp tình yêu xúc xắc …

“Mai anh lên Tây Bắc”

Khai bút Xuân.

22/1/2023

Nguyễn Vĩnh Tiến.

Read Full Post »

Elena Pucillo là nhà văn người Italia, từng dạy tiếng Pháp và văn minh Pháp tại ĐH Milano, Italia. Hiện bà đang dạy tiếng Italia tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và văn hóa Pháp tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Bà sáng tác truyện ngắn, tùy bút, tản văn bằng tiếng Italia. Tác phẩm của bà đến với bạn đọc việt nam nhờ những bản dịch tiếng Việt của chồng là nhà văn Trương Văn Dân.

Vợ chồng bà thường về thăm quê chồng Bình Định. Có cơ hội được chuyện trò cùng bà nhiều lần nhưng tôi vẫn bất ngờ khi thấy bà thuần thục thứ tiếng Việt phong vị xứ Nẫu. Bởi khi nhắc về Bình Định, nữ nhà văn như hăm hở, say sưa hơn, nhiệt thành sẻ chia về những nơi bà từng đặt chân đến, những con người bà từng gặp. Giáp Tết, tôi kết nối cùng nhà văn Elena Pucillo để nghe bà chia sẻ đôi chút xúc cảm về văn chương, về đất và người quê chồng. Bà hào hứng nói luôn, tôi vẫn hay nói với bè bạn với tất cả tự hào: Tôi là con dâu xứ Nẫu…

* Cái duyên mắc míu của bà với Bình Định đã tự rất lâu, thưa bà?

– Phải bắt đầu từ đâu nhỉ. Phải nói rằng, hầu như mọi sự kết nối của tôi với vùng đất Bình Định bắt nguồn từ mối duyên cùng chồng tôi. Lần đầu gặp anh ấy là từ năm 1972, khi anh ấy là du học sinh vừa đến Italia để học ngành Hóa và Công nghệ dược. Có thể nói cuộc gặp của chúng tôi là do định mệnh. Đến giờ chúng tôi đã quen nhau được 50 năm rồi. Tưởng như một tình cờ nhưng kéo dài cả một đời người…

Anh Dân là người Tây Sơn nên tôi trở thành con dâu đất Tây Sơn. Vì cả hai vợ chồng tôi đều viết văn nên ngoài gia đình chồng, bà con, các anh em trong gia đình thì chúng tôi còn quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở Bình Định, như nhà văn Huỳnh Kim Bửu, Mang Viên Long, Cao Văn Tam, Đào Hiếu, Lê Hoài Lương, Mai Thìn, Nam Thi, Trần Như Luận…, đến các nhà giáo, nhà nghiên cứu như Lê Nhật Ký, Trần Xuân Toàn, Châu Minh Hùng… Vợ chồng chúng tôi luôn có nhiều lý do để trở về Bình Định.

Nhà văn Trương Văn Dân và vợ Elena Pucillo.

* Hầu như các sáng tác của bà đều được chồng chuyển ngữ?– Tôi có viết một số bài cho các báo và tạp chí ở Italia nhưng các sáng tác truyện ngắn và tạp bút được xuất bản ở Việt Nam thì đều được chính anh Dân dịch sang tiếng Việt. Tính đến nay, tôi đã xuất bản được 3 tập truyện là Bóng của ngày, Một phút tự do và Vàng trên biển đá đen. Riêng tập Một phút tự do vừa được in lại bằng nguyên tác tiếng Italia Un Istante di libertà, do nhà xuất bản Calibano ấn hành năm 2019 (trong khuôn khổ Giải thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2016, tác phẩm Một phút tự do (tập truyện ngắn, tùy bút của Elena Pucillo Truong (Italia), bản dịch của Trương Văn Dân được Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh trao tặng thưởng – NV).

* Bà dành khá nhiều sự quan tâm về phụ nữ và văn hóa Việt?

– Đúng vậy. Tôi gắn bó với Việt Nam đủ lâu để thấy mình thực sự hòa vào cuộc sống nơi đây. Và hiểu nhiều hơn về người Việt, nhất là có nhiều đồng cảm với phụ nữ Việt. Bởi thế, từ nhiều năm trước, tôi đã tổ chức nhiều hội thảo ở Italia về Việt Nam với các đề tài “Vai trò phụ nữ và tầm quan trọng của họ trong gia đình Việt Nam”, “Tết Việt Nam, phong tục và truyền thống”, “Đổi mới, phát triển kinh tế Việt Nam sau khi chiến tranh chấm dứt”.

 * Hẳn Bình Định đã tạo nhiều cảm hứng cho sáng tác của bà?

– (Mỉm cười) Tôi là con dâu xứ Nẫu cơ mà! Từ nhiều năm nay, Bình Định và Việt Nam đã là quê hương của tôi. Tôi được chồng và cả gia đình anh giúp hiểu thêm về văn hóa và phong tục đất nước này. Tôi biết câu ca dao Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi, nhưng như bạn thấy đấy, tôi đâu có sợ đường dài! Vì về Bình Định nhiều lần nên tôi cũng đã có cơ hội viết về Bình Định. Như tạp bút Kỳ diệu và tự hào viết về lễ hội Tây Sơn – Bình Định năm 2008; truyện ngắn Trên chuyến tàu về quê ăn Tết viết năm 2011 trong cảm hứng hồi tưởng những chuyến tàu về Bình Định dịp cuối năm, hay Kho tàng của sự im lặng viết năm 2013 sau khi thăm một ngôi chùa ở Quy Nhơn…

Khó có thể dùng phép liệt kê, vì không chỉ trực tiếp đề cập đến Bình Định mà nhiều bài viết của tôi về những chủ đề khác cũng được nuôi cấy từ cảm hứng khi tiếp xúc với đất và người Bình Định.

* Thưa bà, bà thấy đất và người Bình Định như thế nào?

– Ở đây, con người đáng yêu, cảnh vật cũng rất xinh đẹp. Khi về đây, tôi cùng chồng, có khi là những bạn văn của anh ấy hay đi thăm thú một số nơi, như: Hầm Hô, Ghềnh Ráng, Cù Lao Xanh, Eo Gió, các ngôi chùa trên núi… Đặc biệt, tôi rất thích món ăn Bình Định. Mỗi lần về Việt Nam, khi trở lại Italia tôi đều mang theo rất nhiều bánh tráng, nó ngon và tiện lợi. Tôi cũng rất thích bánh xèo Bình Định, bún chả cá, bún sứa, nước mắm… nói theo kiểu của người Bình Định hay nói, là hương vị rất đậm đà.

Người Bình Định cần cù chịu khó, chân thành và hiếu khách, dễ làm người khác cảm mến. Quý nhất là ý thức lưu giữ các giá trị văn hóa, truyền thống hào hùng của lịch sử, nhất là về thời Tây Sơn. Nên mỗi lần đến thăm Bảo tàng Quang Trung, lòng tôi đều lâng lâng xúc động.

* Hình như bà đang ấp ủ nhiều dự định?

– Tôi sắp xuất bản tập truyện ngắn, tản văn Hạt bụi lênh đênh. Tập sách gồm 10 truyện ngắn và 19 tạp bút là góc nhìn về Phật giáo của một người phụ nữ Italia sống và viết ở Việt Nam.

Đặc biệt, mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị vợ chồng tôi in chung một tập truyện. Chúng tôi đã suy nghĩ về điều ấy và quyết định sẽ in chung tập truyện như vậy, thống nhất lấy tựa là Nỗi đau ngọt ngào. Tập truyện gồm 28 truyện ngắn, 15 của anh Dân và 13 của tôi, các truyện xoáy vào chủ đề gia đình. Ngụ ý chúng tôi như tên của tập truyện, là trong gia đình có cả tình yêu và nước mắt, vì gia đình là nơi êm ấm nhất nhưng nếu thiếu “tình” thì có thể mang lại rất nhiều đau khổ hay trở thành “một nơi nguy hiểm để sống”.

Hai tập truyện này, sẽ sớm xuất bản ở Việt Nam. Và có lẽ, chúng tôi sẽ làm một buổi ra mắt sách nho nhỏ ở quê nhà Bình Định, cũng là dịp để gặp lại bạn văn, những người đáng yêu mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, kết duyên bè bạn.

* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này. Chúc bà và gia đình thật nhiều sức khỏe và bình an, đón một cái Tết đầm ấm, nhiều niềm vui.

VÂN PHI (Thực hiện)

Read Full Post »

Tần Hoài Dạ Vũ

.

Khi ta yêu nhau đời hát khúc tình nồng

Ru hò hẹn và ru lòng say đắm

Hãy tặng nhau trái tim đời đằm thắm

Gió biển về ru nỗi nhớ chơi vơi

.

Tiếng sóng chiều nay vỗ quanh ghế ngồi

Yêu chưa hết nụ hôn nồng của biển

Cả tháng ngày đã vì nhau phụng hiến

Dâng tặng người ơn phước của ngày mai

.

Dẫu đường ta đi gian khó còn dài

Phương trời lạ em cứ cười tin tưởng

Em là trang sách thơm giúp đời anh định hướng

Em ngọt lành trái tim đỏ hương yêu

.

Hãy tin đi em còn vạn buổi chiều

Câu tương hợp đời cho ta quả ngọt

Và trong lòng em chim trời vẫn hót

Vẫn yêu em phương ấy có mặt trời

.

Có anh dâng em câu say đắm rạng ngời

Dâng nhịp đập của trái tim rạng rỡ

Trao em cả bàn tay đời thương nhớ

Mùa hương yêu thơm mãi phía chân trời.

.

TẦN HOÀI DẠ VŨ

Read Full Post »

Tống cựu nghinh tân

Ái Duy

.

Một ngày cuối năm đẹp trời nọ sau vài cuộc vui trong hòa bình, người ấy bỗng dưng thú nhận với tôi điều mà anh ta tưởng và muốn rằng có thể chôn kín mãi mãi.

Lý do cho sự kiện quan trọng này là anh không muốn giấu em bất kỳ điều gì. Trước đó, tôi vẫn tưởng với người ta mình là duy nhất, đầu tiên lẫn cuối cùng còn khúc giữa cắt liệng không tính. Cũng như, tôi vẫn tưởng lòng mình mặc kệ như bãi cát sau mỗi con sóng cồn cào mùa đông, nước rút đi để lại sự phẳng lì không dấu vết nhưng hóa ra nó lại lởm chởm và nứt nẻ đến vậy. Bởi, điều ấy còn hơn cả sóng thần.

Tống cựu nghinh tân - Truyện ngắn của Ái Duy  - ảnh 1

Những ngày giáp tết bận rộn đang dần trôi qua càng lúc càng nhanh như chạy đua nước rút, khoảng thời gian thích hợp để từ chối các cuộc gọi, cuộc hẹn, và vùi đầu vô những công việc không tên nhưng hiện diện khắp nơi trong tầm mắt. Từ trong nhà ra ngoài ngõ xuống phố chợ. Nhặt cái chổi cái giẻ cái xô nước lên là tự khắc biến thành cô tiên mang tên Dọn dẹp cau có và xác xơ. Bước vô bếp nồi niêu chai lọ khua lên trong điệu rock and roll thần dân vua Táo như tội đồ khổ sai của chính mình. Ra đường tuyền màu hoa đào hoa cúc hoa mai nhưng nhìn ai cũng nhớn nhác như đang bị cuốn

trong một lực đẩy của vũ trụ. Nhưng thà cứ được quay cuồng như vậy đã là may. Thi thoảng điên lên khỏi dọn thừa gì vứt luôn cho khuất mắt, xe rác tháng chạp vất vả nhất trong năm.

Mỗi sáng sớm vào lúc 4 giờ 45 tôi vẫn tỉnh giấc trước đó ít phút nằm chờ nghe tiếng ting ting từ cái điện thoại, biết vẫn y hẹn với nó nơi bãi biển quen thuộc. Nó, đứa bạn gái cũ mòn. Chờ, và biết mình chờ cái gì rất cụ thể đôi khi đã là mong manh hạnh phúc. Ai chưa từng trải qua cái cảm giác sắp mở mắt ra và tự hỏi ủa mình dậy để làm gì, nhắm mắt ngủ tiếp đi chớ có gì chờ đón mình đâu thì hãy vui nhanh lên đi. Tôi với cái thói quen đi qua nhiều năm nay bốn mùa mưa nắng bão táp gió giông không thay đổi. Đúng giờ xuất hành đến từng phút, đúng bãi tắm đến từng mét ngang, đúng cả chỗ đậu xe máy trước công viên. Về nhà công việc đầu tiên là kéo màn cửa, nấu ấm nước nóng pha trà… Đôi khi sự trật tự ngăn nắp bên ngoài là để bù trừ che đậy cho sự ngổn ngang bên trong, và ngược lại. Nên chi tôi không bao giờ muốn trở thành kẻ thuyết giảng theo khuôn mẫu.

Vài khuôn mặt quen sẽ xuất hiện ở địa điểm như đã hẹn này, thân thuộc đến nỗi không cần mở miệng chào lấy lệ cũng được, chỉ đợi vắng mới hỏi. Trời vẫn chập choạng chưa sáng hẳn, nó sẽ đứng đợi tôi ở gốc cây tra bị cưa cụt mấy cành thấp rồi cùng đi xuống bãi cát. Trước lúc bình minh biển rất vắng người. Hai đứa cùng bơi ra xa, thả mình trôi lênh đênh ngửa mặt nhìn trời có sóng nước làm nệm. Ánh dương đầu ngày như hào quang rọi vào thẳm sâu tối tăm của tâm hồn xua đi tà ý. Nó khác tôi từ xuất thân cho tới tính cách đến vẻ bề ngoài. Nghĩ gì nói đó, ghét ai thì ghét ra mặt, sẵn sàng đánh trả, rượu uống được một mình, và không bao giờ lạc đường; còn tôi thì thua chắc toàn tập.

Sáng nay nó không nhắn tin, ra bãi cũng không gặp. Thỉnh thoảng cũng có ngày như vậy xong lỏn lẻn báo lại là thức khuya quá hoặc say quá ngủ quên. Nhưng rồi cả ngày cũng không thấy nó nói gì, chấm hỏi trong inbox cũng không thấy dấu hiệu đã đọc.

Mãi đến khuya tôi mới nhận điện thoại từ đứa con gái út của nó, ngập ngừng hỏi mẹ con có đi với cô không.

***

Nó đi một hơi không về nhà hai ngày liền, không liên lạc cũng chẳng để lại bất kỳ thông tin nào, bỏ một ông chồng, một đứa con gái, và một con chó bơ vơ trong căn nhà rộng. Trong bếp vẫn lủ khủ hũ lọ thịt ngâm mắm, tôm chua, kim chi và dưa món các thứ, rổ cải xanh to đùng chưa kịp muối nằm héo rũ trong góc nhà, mớ lá chuối và dây lạt cuộn tròn ném trên bàn chưa tháo ra. Trong bồn rửa còn cái nồi cơm đang ngâm nước và mỡ đóng váng trong chậu chén tô đĩa đầy ngập. Ngoài sân xe máy vẫn dựng đó, còn có cả bộ drap giặt phơi tự bao giờ đang tung tăng như diều sắp đứt dây trong nắng gió.

Tôi đâu có chịu trách nhiệm về sự mất tích này khi chồng con của nó hỏi như tra:

– Từ trước tới giờ bà ấy đi đâu cũng bảo là đi với cô, sao lại bảo không biết. Vô lý thế. Nhà thì bao việc.

– Ba bữa này ai chẳng bận, rảnh đâu mà rủ rê. Đi đâu làm gì chớ.

– Mẹ con lúc nào cũng nhắc cô. Thậm chí còn dặn sau này mẹ mà mất thì cứ gặp cô xin hình thờ là có ngay nữa là. Nghĩ sao tết nhứt ai cũng ở nhà lo công chuyện mà bỏ đi vậy trời.

– Gâu gâu gâu grừ grừ grừ… – chắc con chó không đi ăn chực nhà khác được.

Phòng riêng của nó trên lầu vẫn còn y nguyên, dây sạc điện thoại vẫn tòn teng trong ổ cắm, bộ đồ mặc nhà vắt hững hờ, cái xắc tay quẳng chỏng chơ, thấy cánh cửa tủ áo mở hé chắc cũng đã được kiểm tra nhiệt tình rồi. Cứ như chủ nhân của chúng ra đầu ngõ mua chanh ớt chớ không phải biền biệt đã hai hôm.

Nó còn có chỗ đi đâu bí mật sao, người đàn bà sáu chục ký tóc nhuộm quanh năm ruột để ngoài da ăn to nói lớn cười giòn. Nên chi không hề đọc thấy sự lo lắng ưu tư nào quanh cái sự biến mất này ngoại trừ chút bực bội hậm hực từ người thân. Nhưng cái người thân này nó cũng lạ lắm. Tiếng từ dưới nhà vọng lên.

– Mẹ mày đi chơi với cái lão mà hay nhắn tin điện thoại mỗi sáng sớm chứ gì? Bởi, bày đặt, đi biển cái gì, đi khách sạn thì có.

– Sao con biết được. Mà chú ấy bên Mỹ cơ.

– Đồ đàn bà thúi. Có giỏi thì đi luôn đừng về.

– Bố cũng đi suốt sao nói mẹ, về tới nhà là nôn mửa say vật ra.

– Mày cũng y như con gái mẹ mày…

Nghe cái xoảng của ly chén bể, chắc vì nhà đang có khách nên tạm ngưng nhẹ nhàng kiểu này thôi.

Nó kể với tôi rất nhiều lần về một đời làm vợ phí phạm, nhưng sao tôi chỉ nhớ mỗi chi tiết kinh dị có dạo đêm đêm đi ngủ ở ngay trong nhà mình nó vẫn phải thủ theo một khúc củi để sẵn bên gối nằm. Để tự vệ. Tự vệ với chính người từng đầu ấp tay gối. Gần đây nhất nó còn nói, “buổi tối không ngủ được nằm vắt tay lên trán tui hay nhớ lời bà”. Cứ tưởng là lời hay ý đẹp gì, ai dè câu tiếp “nhớ bà từng nói, đã đến mức đó thì ly dị đi càng sớm càng tốt”. Nghe mà chột dạ quá. Sao tôi có thể nói như vậy được khi đời mình xưa giờ chưa bỏ ai mà toàn khiến cho người ta chịu bỏ mình. Nhưng vì sao nó lại bỏ qua cơ hội đập đi xây lại cuộc đời làm vợ đúng nghĩa khi vẫn còn có thể? Luôn luôn, ở cái tuổi nào cũng vậy, câu trả lời thường nằm ngoài lý do bản thân dù không ai có thể sống thay mình.

Tôi thò mặt vào giữa hai tia mắt gườm nhau như đấu chưởng của thân nhân người mất tích:

– Nhà mình có báo công an không? Tôi đã gọi hỏi hết những người quen rồi.

– Tôi khắc biết xử lý. Cám ơn, cô về nhá.

– Bực bà già quá đi mất, chẳng nói chẳng rằng tự dưng bốc hơi. Vâng cô về, có gì gọi cho con nhé.

Sau lưng tôi:

– Kỳ cục thiệt, mẹ biến đi đâu vậy trời, bố, không lẽ… hay tới bệnh viện hỏi thử?

– Bày đặt. Cọp vật không chết, lẽ lẽ cái gì. Đi được thì về được.

– Nhỡ mẹ bị… Alzheimer quên đường về thì sao bố?

– Vớ vẩn, mẹ mày mà lạc. Mày đi đâu đấy con kia?

– Con kiếm cái gì cho con chó, nó đói quá hóa rồ rồi kìa.

– Chó chó chó, chó hơn người à. A lô a lô, đứa nào đấy, ừ anh mày nghe đây. Rồi rồi anh ra ngay, quán Tư Quởn hả, gọi trước đi, tết nhứt cái gì, Đ.M qua nay không có hạt cơm trong bụng.

– Bố nhớ cầm chìa khóa nhà theo đấy, về khuya đập cửa chửi bới ầm ĩ cả xóm không có mẹ ai mở cửa cho.

– Con này láo nhỉ.

– Con phải làm ca đêm đấy.

***

Tôi với nó được trận cười như điên, chắc nhờ chuốc nhau say dù tửu lượng của phụ nữ khó biết chính xác. Nó còn liên tục chùi nước mắt sống ứa ra nữa.

– Thôi tui về. Thiệt ra đêm đó nản quá tui đi bộ xuống dưới biển ngồi một mình, thèm nhảy xuống nước dễ sợ. Thì tắm chớ làm gì. Thấy bảo vệ tới dòm chừng miết nên cũng tội cháu nó đành phải đứng dậy bỏ đi. Cám ơn hai ngày đêm xả hơi cho khách không mời này nha. Xả sạch hết trọi không còn gì.

– Lỡ chơi rồi, ở lại qua tất niên đã chớ.

– Không được, mai gói bánh, 30 còn có đám giỗ. Tiếc ghê.

– Sáng đi tắm biển lại hen.

– Ờ. Vậy mà bà bắt tui ở nhà, đời nào cha con ổng chịu dậy giờ đó để mà ra biển tìm chớ.

– Về rồi giải thích sao? Ổng tưởng bà theo trai đó.

– Càng tốt. Tưởng chỉ có mấy ông theo gái thôi sao.

– Rồi đưa mông vô trước?

– Còn lâu.

Nó nhẹ hều đi về, bỏ mặc tôi nặng trịch hoang mang.

Đúng y như rằng, 30 phút sau nó nhắn “cha con lão hỏi đi đâu về đó, tui lớn tiếng nói đi chơi, xong im re hết luôn, kkkkkkk”. Tôi nhắn lại, “dọn tết vui vẻ”. Nó trả lời liền, “không thành vấn đề vì đã dọn mình xong trước rồi”. Nghe thì có vẻ hả hê lắm chỉ có điều tâm trạng này chắc cũng

không còn mới mẻ gì với nó cả bởi thường xuyên quay lại như chu kỳ.

***

Thực ra cái sự từ chối nghe điện thoại, hủy lịch hẹn, lạnh nhạt tương tác, dọn dẹp bỏ đi hoặc đoạn tuyệt các thứ… không phải và không thể nào để chấm dứt một mối quan hệ tình cảm đã có tuổi đời mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm… Đơn giản chỉ là phân vân dừng lại vì thất thế, tự ti và tổn thương của kẻ đang nắm thế thượng phong bỗng chốc phát hiện ra mình trở thành con rối từ đời nào. Không phải ai cũng nhận ra dù mơ hồ. Có người mãi mãi chấp nhận làm con rối và cùng song hành, cũng có người thoát ra nhưng lại cứ dung dưỡng nó, để nó sai khiến. Và tôi đã vứt nó đi hết lần này tới lần khác, dù đó là những con rối cứu rỗi.

Sắp hết năm cũ rồi, dù sao thì xuân cứ đến cứ đi…

Read Full Post »

Nhan sắc

Nguyễn Thái Dương

.

Sài thành ạ, đâu môi hường mắt biếc
Đâu nụ cười… khểnh một hạt răng duyên
Mắt anh đắm theo dòng xe chảy xiết
Khẩu trang kia ẩn núp mấy đồng tiền?

Anh chẳng biết ngón nào khoe chiếc nhẫn 
Đôi găng vàng giấu biệt búp tay ngoan 
Anh tội nghiệp đôi chân hồng… lận đận
Thức miên man trong váy khoác điệu đàng 

Biết chẳng thể làm nên nghìn bóng mát 
Ngăn giùm em vạt nắng lúc trưa về
Anh đành ngó cả một trời nhan sắc 
Chịu lao tù trong chốn phục trang kia…

Read Full Post »

Đạo đi chơi

Phạm Văn Phương

..

Tặng cậu Thái Thành Đôn 
.
Ta có “ đạo “ đi chơi
Vui cùng nước non hoa cỏ
.
 Cái đẹp vẫn thiường sẵn có
Ẩn tàng trong đá trong cây
Đói, mệt-tìm nơi quán gió
Có hôm trời đổ mưa mây
.
 Gặp em trên dường thiên lý
Tặng ta một khóm hoa này
Nào biết ta về đâu nhỉ?
Bồi hồi tay nắm bàn tay
.
 Ngẫu gặp nguời xinh bên tháp
Thương trao mấy trang sách vàng
Chiều muộn nụ cười không tắt
Qua đồi lòng thật xốn xang 
.
.Vui cùng nước non hoa cỏ
Ô hay mua hạ đã tàn
Còn lại dăm cành phượng sót
Phố phường xe ngựa xênh xang
.
Chào người  , lên lưng ngựa sắt
Xuôi theo gió nội hương ngàn
Ta như con chim bay liệng
Như vầng mây trôi lang thang…

Read Full Post »

Ngày xuân

Âu thị Phục An

.
những mùa cũ hương bay nồng nàn xuân
ai yêu kiều dáng ngọc nhẹ lâng lâng
ai qua đường bướm xuân tình rạo rực
dường như làn mi ướt đã rưng rưng

.

ôi trần gian đắm say màu mắt em
ai hồn nhiên hát khúc mộng tình duyên
ngày thắm tươi chở đầy hương sắc lạ
ta ngẩn ngơ trộm hái chút thuyền quyên

.

em xuân xanh chở nghiêng màu tháng năm
mỗi ngày qua hương đọng chỗ em nằm
ngàn hoa thắm bay về long lanh mắt
em ngàn năm thả mộng đến lòng anh

.

mây ngập ngừng vén chân trời mơ hoa
tóc huyền nhung có bao giờ phôi pha
màu lụa nắng cầu vồng pha sắc áo
em hiền hòa ngoan ngủ giữa lòng ta.

Read Full Post »

Đường lên núi

Đào Thị Thanh Tuyền

.

Cô mở điện thoại chạm vào ứng dụng bản đồ trên màn hình. Chấm tròn màu xanh nhấp nháy di chuyển nhanh rồi dừng lại chính giữa, xác định vị trí hiện tại của cô.Chỉ có một con đường màu vàng nổi trên nền màu xanh lá cây nhạt kéo lên cao và chấm dứt tại địa điểm chùa mà cô biết là trên đỉnh núi. Có hai vùng màu xanh biển là hai hồ thủy lợi lớn trong vùng. Cô chuyển sang chế độ xem bản đồ vệ tinh. Làng mạc, nhà cửa, ruộng vườn hiện ra bên dưới. Phía trên, một màu rừng cây xanh đậm, đầy bí ẩn. Cô bấm biểu tượng chỉ đường. Trên màn hình hiện ra con số 7 km lên chùa cùng dòng chữ “Không có giao thông”. Tuy nhiên, cô biết, có tuyến cáp treo lên núi, nếu không chọn cáp treo mới phải đi hết con đường màu vàng. Còn từ nơi cô đang đứng đến vị trí cáp treo bao nhiêu cây số thì cô hoàn toàn không biết. Cô bung màn hình, càng lên cao hồ càng nhỏ dần và chấm dứt tại điểm có hai đường màu trắng mảnh hợp lại thành hình chữ V mà cô đoán là hai dòng suối. Nhánh bên trái, dòng suối vươn lên cao, thêm nhiều dòng suối nữa ngoằn ngoèo thăm thẳm giữa màu xanh đại ngàn. Nhánh bên phải dòng suối song song với con đường, xen kẽ vài đoạn màu trắng mờ nhạt, rải rác cắt ngang.

Đi hay không đi? Trước mặt cô chỉ có một con đường với những bậc cấp bằng đá hun hút lên cao. Trên bản đồ, con đường màu vàng vừa khiêu khích, vừa gợi trí tò mò, thám hiểm khám phá vừa lại khiến cô muốn bỏ cuộc. Cô đã đi bộ một quãng đường gần ba cây số để đến nơi này. Bỗng dưng, cô nhớ lại những gương mặt ỉu xìu của toán xe ôm ở trạm dừng dưới chân núi khi cô từ chối đi lên núi bằng xe máy cùng với họ và bất giác cô nhớ đến điệu bộ cười khẩy có chút thách thức của một tay xe ôm: “Cứ để chị ấy đi”. Cho đến lúc đó cô vẫn nghĩ rằng xe ôm sẽ đưa cô đến đây, nơi đường mòn tiếp giáp với đường lên núi không biết có bao nhiêu bậc cấp và dài bao nhiêu cây số. Cô còn biết, có một đường lên núi nữa từ bến thuyền, tuy nhiên thuyền cũng sẽ cập lại một điểm nào đó và bắt buộc vẫn phải đi bộ để đến nhà ga cáp treo. Điều này có nghĩa cô đã đi một quãng đường tương đương với đi thuyền (cũng có thể ít hơn vì từ dưới chân núi lên đây cô chưa thấy nơi thuyền cập bến). Và, cái ý nghĩ tiết kiệm được một khoản tiền phải thuê nguyên chuyến đò vì chỉ có mình cô với giá khá đắt khiến cô bật cười. Không phải mùa lễ hội nên thật khó kiếm bạn đồng hành!

Cô hít một hơi thật dài không khí trinh nguyên của núi rừng và quay nhìn xuống con đường đã đi qua bên dưới. Thấp thoáng ruộng lúa chín vàng, những mái nhà lô nhô. Bên tay phải cô là mặt hồ mênh mông, phẳng như gương, màu nước được pha trộn khéo léo và tinh tế bởi màu mây, màu cây rừng và màu nắng. Dãy núi chạy dài uốn lượn nhấp nhô, in bóng xuống mặt nước làm nên hình ảnh đối xứng giống như một ngòi bút lá tre. Thiên nhiên sao mà giỏi xếp đặt đến vậy chứ! Cô mở máy hình và ghi lại cảnh vật trong tầm mắt. Nếu không lên núi cũng vớt vát ít ảnh đẹp. Hy vọng là thế! Một con rắn mối xẹt nhanh gây nên tiếng xoạc khô khốc rồi trả lại âm thanh của rừng với vũ điệu của cây và gió, thỉnh thoảng có lũ chim lạ kéo bầy líu nhíu ngang qua. 

Đi tiếp hay trở về? Vừa lúc cô bật câu hỏi đó trong đầu thì một giọng nói vang lên phía sau khiến cô giật mình quay phắt lại:

“Tôi đoán chị cần có bạn đồng hành để lên núi”.

Tim cô muốn rớt ra khỏi lồng ngực. Cô không nghĩ ở thời điểm hiện tại này, nơi đây, có thêm một người nữa. Cô nhìn thẳng vào gương mặt người đối diện. Trán cao, đôi mắt sáng, nụ cười thân thiện, vẻ tin cậy. Tuy nhiên trong đầu cô vẫn không ngừng đặt câu hỏi, anh ta lên đây bằng lối nào, mình đã đứng cả nửa giờ có thấy ai đâu? Từ dưới đất chui lên chắc?

“Tôi đến trước cô khoảng mười lăm phút và cố ý đợi xem có ai lên đi cùng cho vui”.

“Thế anh núp đâu tôi không thấy?”.

“Cô mải nhìn vào di động với chụp hình làm sao thấy tôi được!”.

Vậy là mình đã bị quan sát nãy giờ. Ý nghĩ đó khiến tai cô nóng ran. Có dám tin anh ta để cùng đi lên núi? Rừng heo hút thế này! Trước đó, cô ngần ngại sợ đi một mình vì không biết con đường sâu thẳm trên kia sẽ có những gì; còn bây giờ, cô lại phân vân vì làm sao dám tin một người xa lạ làm bạn đồng hành khi trước mặt bao la ẩn số. Phải đi bao lâu mới đến cáp treo. Rừng tràn đầy ánh nắng ban ngày nhưng thân cô thế yếu như vầy, có chuyện gì coi như chấm hết!

Người đàn ông chờ cô gật đầu với vẻ bình thản, không nôn nóng cũng không cố mời chào.

“Anh có rành đường lên núi không?”.

“Tôi đến đây lần đầu”.

“Vậy anh có hỏi thăm ai chưa?”.

Người đàn ông nở nụ cười vừa thân thiện vừa như trêu cô:

“Tôi cũng mù mờ hệt cô thôi”.

Bất giác, cô nói mà không suy nghĩ:

“Ừ, thì đi”. Thốt ra câu ấy cô thấy mình liều thật! Tuy nhiên, nỗi háo hức được khám phá những bí ẩn phía sau con đường bậc cấp trên cao kia khiến cô xóa tan nhanh ý nghĩ ấy. Thôi kệ, phó thác cho số phận. Liều thử một lần xem sao. Đời, không lý ai cũng xấu và đôi lúc phải biết tin người.

“Anh chờ tôi một chút nhé”.

Cô mở điện thoại di động, chụp hình màn hình có bản đồ với ý định sẽ đưa lên Facebook cho mọi người biết cô đang ở đâu. Thế nhưng cô lại bấm hủy. Sáng nay cô đã xin phép trưởng đoàn không tham dự cuộc họp để đi chùa trên núi sau khi hỏi kỹ càng đường đi nước bước. Không nên gây lo lắng cho những người thân đang theo dõi hành trình của cô. Mạo hiểm là phải biết liều và cả cứng đầu!

Đường dốc hẹp, người đàn ông đi trước, cô theo sau. Thỉnh thoảng anh dừng lại đợi vì cô đang bận rộn… bấm máy. Càng lên cao không khí càng mát mẻ trong lành, cô không cảm thấy mệt, chân bước thoăn thoắt. Cảnh trí đẹp khiến cô có ý nghĩ, cuộc sống là phải dám liều, nếu không, làm sao thấu gian nan và chạm tới chân trời mênh mông phía trước? Hết đoạn bậc cấp rồi đến đường đất, rồi đường đá… Cô và người đồng hành cứ đi mãi, đường càng lên cao càng hẹp tí, lởm chởm đá, thử thách bước chân. Có đoạn cô mất dấu người bạn đồng hành khiến cô phải gọi thật to:

“Anh đâu rồi sao tôi không thấy?”.

Từ phía trên vọng xuống:

“Tôi ở đây, hơi cách xa cô, có đoạn rất khó đi, cô cẩn thận nhé”.

“Anh đứng lại chờ tôi lên với!”. Tiếng cô vang vang trong rừng vắng.

Một con chim lạ màu đen thật to bay qua gần sát khiến cô hơi hoảng, cảm tưởng như nó có thể sà xuống đầu cô, thế nhưng khi cô trấn tĩnh lại và giơ máy hình lên thì nó đã ở khá xa. Cú bấm máy khiến cô suýt ngã bởi những bậc cấp khá hiểm trở. Cô thoáng thấy bóng người đàn ông. Đã đến nước này, cô không còn chọn lựa nào khác là phải tin tưởng vào người bạn đồng hành. Dép còn có số! Người ta cần niềm tin để tồn tại, nhưng mâu thuẫn cuộc đời ở chỗ, có hay mất niềm tin đôi khi đều rơi vào tình huống mất tất cả! Con người phải đặt cược, đánh quân bài may rủi là vì lẽ đó. 

Bước chân cô lúc này đã nặng. Nếu không cẩn thận trượt té là điều không tránh khỏi. Cô lại một lúc chu toàn hai nhiệm vụ vừa giữ vững bước chân trên những phiến đá xô lệch vừa ngoạn cảnh núi rừng để ghi lại hình ảnh đẹp. Say mê thành mê muội là lẽ thường tình, nhất là những người ghiền phiêu lưu mạo hiểm như cô.

Người đàn ông tay cầm một khúc cây dài đứng chắn ngang đường lên. Cô thót tim, bụng đánh lô tô, niềm tin chuẩn bị rơi xuống vực thẳm. Nhưng không, một nụ cười thật hiền nở ra trên môi:

“Phía trước có bụi cây um tùm chắn ngang, tôi đã hất lên rồi, cô yên tâm tiếp bước nhé”.

Cô thở ra mệt nhọc:

“Còn xa lắm không? Anh đã thấy đường dây cáp treo chưa?”.

“Chưa một dấu hiệu gì. Tuy nhiên cô yên tâm, khi thấy những sợi dây điện này có nghĩa là chúng được kéo lên núi và chúng ta đi đúng hướng”.

“Tôi ngừng lại nghỉ một chút nhé. Tôi có chai nước đây, anh uống không?”.

“Cám ơn cô, tôi chưa thấy khát. Cô cứ ngồi nghỉ mệt, tôi đi trước thám hiểm xem”.

Cô ngồi lại trên một tảng đá. Hàng thông dày, xanh mướt. Hoa rừng đủ màu sắc đẹp hoang dại, vô ưu. Bên dưới, dòng nước có màu xanh huyền ảo của hàng cây in bóng, uốn lượn, nhấp nhô. Rừng vẫn rất yên tĩnh. Cô chợt giật mình khi phát hiện gần nơi cô ngồi có một cái hang sâu, đường kính miệng hang khoảng 8 phân khiến cô hoảng sợ đứng phắt lên. Có khả năng là hang rắn chăng? Không thấy dấu vết của người đồng hành. Cô lấy hai tay che miệng và gọi to:

“Anh gì ơi, anh đâu rồi”.

Âm thanh vang dội liền được đáp trả lại:

“Cô gắng lên đi. Tôi đang đứng ở cổng rừng”.

Cô lại tiếp tục, lúc này cặp giò cô đã thấm mỏi. Tuy nhiên, cô chỉ có một con đường duy nhất là tiến tới. Đoạn đường đã đi qua bỏ lại khá xa rồi!

Con đường bậc đá rẽ nhánh, dòng nước lùi sau và cuối cùng cô lên đến một khu đất bằng có một cổng tam quan nằm giữa rừng thông. Từ đây mới chính thức đi vào rừng. Người đàn ông đang ngồi đợi cô và đứng dậy nhường cho cô phiến đá duy nhất.

“Cô ngồi nghỉ đỡ mệt rồi tiếp tục”.

“Sao anh không đợi tôi đi cùng?”.

“Tôi thấy đường đi khá bình yên và cảnh quá nên thơ. Tôi nghĩ cô cần một mình để chép lại những góc ảnh đẹp. Giữ một khoảng cách để cô không cảm thấy đơn độc. Cô sẽ vừa an tâm, vừa có chút cô đơn để làm công việc sáng tạo nghệ thuật”.

“Sao anh nghĩ tôi là người làm nghệ thuật?”.

“Tôi không nghĩ vậy. Nhưng tôi cảm giác được rằng cô đang có những cảm xúc quý hiếm khó tìm gặp lần nữa”.

Cô thoáng chút chao động nhẹ. Mấy ai trên đời có được người đồng hành tri kỷ?

Giai đoạn cam go nhất là lúc cô phải xắn quần băng qua ba đoạn suối nhỏ. Nước không xiết và suối không sâu nhưng những phiến đá khá trơn. Người đàn ông dừng lại đưa tay cho cô vịn bước qua từng phiến đá. Bàn tay khỏe và chắc chắn. Lại nghĩ, trong cuộc đời, may mắn cho ai tìm được người đồng hành tin cậy để làm chỗ dựa. Tuy nhiên chỉ là ý nghĩ thoáng qua. Hành trình vẫn còn dài, chưa thấy dấu hiệu nào cho biết có cáp treo.

Có đoạn, cô nghe tiếng máy nổ từ bên dưới vọng lên, nhưng nhìn quanh vẫn chỉ có hai người trên con đường nhỏ hẹp, kẻ trước người sau.

Một ngôi nhà bỏ hoang, xung quanh vương vãi rác của đời sống công nghiệp: hộp giấy, vỏ lon bia, nước ngọt, túi ni lông, muỗng nhựa, đũa tre… Vẫn có người qua đây, không biết họ ngừng lại vui chơi hay chỉ là dừng chân nghỉ mệt?

Lúc này hai người đã sóng đôi bên nhau. Đường đi bắt đầu rộng thênh, rừng được phát quang, thấp thoáng vài mái lá và có sự hiện diện những chiếc xe máy cùng tiếng người lao xao khiến cô cảm giác an tâm hơn. Chỉ số an toàn ở mức cao, và sự tin cậy vào người đồng hành đã được khẳng định.

Cô hỏi anh vẻ thân thiện hơn nhiều:

“Anh người đâu vậy? Tôi thấy anh không nói giọng địa phương?”.

“Tôi ở đây nhưng không phải là dân gốc”.

“Anh bảo lần đầu lên núi?”.

“Tôi dự định đi lên đây nhiều lần nhưng hôm nay mới có dịp”.

“Người ta bảo là chùa này thiêng lắm, anh có tin không?”.

“Người ta lại nói với tôi rằng đường lên chùa rất đẹp nên đi thử một lần cho biết”.

“Quả tình không bõ công”.

“Kìa, cáp treo kia rồi, cô có thấy mấy trụ cáp trên núi phía xa kia không?”.

“Ồ đúng rồi”. Cô reo lên mừng rỡ. “Vậy là cuối cùng chúng ta đã đi đúng hướng và đến đích”.

Nói xong câu đó cô lại suy nghĩ, mấy ai trên đời có điều kiện cùng nhau đi đúng hướng để cùng đến đích? Con người ta vốn dễ lầm đường, lạc lối; đôi khi chỉ một chi tiết vô cớ, vụn vặt cũng khiến tách thành hai phiến rời đối nghịch. Cô nhìn thấy trên đỉnh núi xa mờ kia những trụ cáp treo thẳng đứng và mái nhà ga màu đỏ dần hiện ra rõ hơn.

Đường đi càng lúc càng thênh thang, bằng phẳng. Đã có người qua lại nhộn nhịp.

“Họ là những công nhân làm đường. Người ta đang hoàn thiện con đường cho xe đi thẳng lên núi”.

“Có đường xe chạy lên núi sao?”.

“Cô không biết à? Ngay tại trạm dừng chân, nếu muốn, cô thuê xe ôm chạy một mạch lên nhà ga cáp treo”.

Cô ngỡ ngàng và chợt hiểu ra gương mặt cùng giọng nói thách thức của tay xe ôm khi cô quyết đi bộ lên núi. Con đường đã đi qua quá khó khăn, nhiều khúc khuỷu, gập ghềnh và những điều bất trắc hoàn toàn có thể xảy ra. Sao cô gan và liều thế nhỉ!

Người bạn đồng hành bỗng nói:

“Chắc cô mệt rồi. Cô vào nhà ga cáp treo nghỉ mệt chờ đến lượt. Chào cô nhé, tôi sẽ tiếp tục đoạn đường lên núi, có lẽ chỉ khoảng hai cây số nữa thôi. Nếu may mắn, tôi và cô sẽ gặp nhau trên đỉnh núi”.

“Sao anh không đi cáp treo? Tôi chắc chắn đường sẽ rất gian nan đấy, vì có thể bị bỏ hoang từ khi có cáp treo”.

Anh đổi cách xưng hô, nghe thật khách sáo:

“Tôi vẫn muốn thử thách. Đã lên đến đây rồi, thêm vài cây số nữa thấm tháp gì so với những cây số đã đi trong cuộc đời? Nếu không may mắn gặp chị lần nữa, tôi cầu mong chị được hạnh phúc. Tôi rất quý chị ở chỗ quyết đặt niềm tin vào cuộc sống mặc cho mọi thứ đều là ẩn số. Không phải ai cũng như chị”.

“Anh có thể cười nhạo và cho tôi là nhẹ dạ”.

“Ồ không, chị là người rất can đảm và lạc quan. Tôi đang cần hai điều đó”.

“Có quán đây, tôi mời anh ly nước rồi anh hãy đi tiếp”. 

“Cám ơn chị. Tôi và chị sẽ đi hai con đường khác nhau rồi nhưng rất hy vọng sẽ gặp lại. Chị đi thẳng, còn tôi rẽ qua phía kia và sẽ tiếp tục con đường nhỏ với những bậc cấp bằng đá, nghe bảo rất dốc”.

Cô nhìn theo phía sau người đàn ông. Cái dáng cao, đầu thẳng, lưng thẳng, vai rộng, sải dài những bước tự tin từ từ khuất sau một khúc quanh.

Lên đến đỉnh núi, tham quan chùa xong cô nán lại rất lâu vừa để chụp hình vừa cố ý chờ người đàn ông. Quá trưa, mãi đến khi loa thông báo chuyến cáp treo cuối cùng vì đã hết khách tham quan cô mới quày quả đi xuống.

Rời cáp treo, cô xuống núi bằng phương tiện xe máy, chỉ mười phút là đến trạm dừng dưới chân núi. Tay xe ôm nói với cô:

“Chị giỏi thật đấy. Đi bộ đường rừng phải đến bốn cây số, chưa kể đoạn đường đất”.

“Ban sáng mấy anh không giải thích cặn kẽ làm tôi cứ nghĩ là đi xe ôm hết đoạn đường đất rồi cũng phải đi bộ lên núi. Nếu biết xe máy lên thẳng nhà ga cáp treo tôi đã không lội ngần ấy cây số đường rừng”.

“Nhưng bù lại chị được thưởng ngoạn cảnh đẹp”.

Cô vẫn kịp giờ họp buổi chiều. Đồng nghiệp hỏi: “Chùa đẹp không chị?”. Cô đáp: “Chùa cổ kính, từ trên đỉnh núi nhìn xuống cảnh đẹp mê hồn và đường lên núi quá tuyệt vời!”. Tuy nhiên, cô biết có kể chi tiết hành trình gian nan buổi sáng, cô bạn đồng nghiệp cũng khó tưởng tượng ra những cảnh huống ấy và tin đó là sự thật!

Tối hôm sau, khi cô đóng, mở lướt qua vài trang báo mạng, cô dừng lại một đoạn tin ngắn: “Vào lúc… giờ,  ngày…  trên đường lên đỉnh núi, những người đi rừng phát hiện một người đàn ông có lẽ bị trượt té khi băng qua suối, chấn thương đầu nằm bất tỉnh. Do đường núi hiểm trở, việc cứu và đưa nạn nhân về bệnh viện khá khó khăn, người đàn ông đã chết trên đường. Từ khi có cáp treo, đường bộ lên đỉnh núi rất hiếm người đi lại do cây cối um tùm, nhiều đoạn suối sâu, đá tảng trơn trượt. Các bạn trẻ đi dã ngoại lên núi cần lưu ý”.

Cô bàng hoàng, vội vã mở thư mục hình ảnh “DUONG LEN NUI”, rê chuột vào file hình cuối cùng coi ngày, giờ. Tấm hình được chụp trước thời điểm người ta phát hiện ra người đàn ông nằm bất tỉnh khoảng ba giờ. Có lẽ nào là người bạn đồng hành hôm đó? Tại sao cô không có cả một tấm hình chụp người ấy từ phía sau? Cô nhớ lại bàn tay mạnh mẽ nắm lấy tay cô đưa qua suối cùng những bước sải dài tự tin. Người ta có thể vượt vạn dặm đường đầy cam go, thử thách nhưng vĩnh viễn dừng lại trước một đoạn suối nhỏ chắn ngang. Cuộc sống luôn chứa nhiều bí ẩn và bất ngờ. Nếu hôm đó cô không đi cáp treo mà tiếp tục cuộc hành trình với người đàn ông ấy? Cô rùng mình không dám nghĩ tiếp nữa…

ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

Read Full Post »