Feeds:
Bài viết
Bình luận

Archive for Tháng Hai, 2023

” Quy Nhơn bé nhỏ “

Mai Văn Hoan

.

Ôi Quy Nhơn , “Quy Nhơn bé nhỏ “ !

Sao mãi giờ ta chưa biết Quy Nhơn

Có xa chi từ đây đến đó

Ta như nghe ai đó dỗi hờn

.

Ôi Quy Nhơn ,” Quy Nhơn bé nhỏ “

Con đường nào ai vẫn thường qua ?

Ngôi nhà nào hiện ai đang ở ?

Xin Quy Nhơn chỉ giúp cho ta !

.

Ôi Quy Nhơn “ Quy Nhơn bé nhỏ “

Ta khát khao gặp được Quy Nhơn

Cùng với ai đuổi bắt còng gió

Chạy tung tăng trên sóng dập dờn

.

Ôi Quy Nhơn , “ Quy Nhơn bé nhỏ “

Ta muốn lên Ghềnh Ráng cùng ai

Đi cùng ai đến bên ngôi mộ

Thắp nén nhang tưởng niệm thiên tài

.

Ôi Quy Nhơn , “ Quy Nhơn bé nhỏ “

Sao chiều nay cứ vang vọng Quy Nhơn

Biển Quy Nhơn con sóng nào vừa vỗ

Ta như nghe có tiếng dỗi hờn

.

Ôi Quy Nhơn , “ Quy Nhơn bé nhỏ “

Vâng , thế nào tôi cũng đến Quy Nhơn !

Read Full Post »

Đào Thị Thanh Tuyền

.

Tôi có thói quen mỗi cuối năm dọn dẹp lại bỏ đi nhiều thứ, những thứ tồn đọng, lưu cữu từ năm này sang năm kia, lấn cấn, bỏ thì thương, vương thì tội. Năm ngoái thấy tiếc, không nỡ bỏ đi, năm nay lại lôi ra, cân nhắc, đắn đo.

1. Những cuốn sổ ghi chép đời nảo đời nào từng chi tiết lụn vụn, lặt vặt như thưởng tết bao nhiêu, mua sắm thứ gì… Đó là tôi đã đoạn tuyệt nhiều với quá khứ rồi, từ cái thời bao cấp khó khăn, mua bình sữa, cái nôi, thau tắm… tôi cũng ghi sổ hết để so sánh một bên là lương tháng mấy chục đồng, một bên là chi phí cho một đứa bé – thường là cao hơn rất nhiều. Rồi lẩn thẩn, mình lấy đâu ra tiền chi dùng ngần ấy năm? Để rồi ký ức tuôn về ào ạt muốn ngộp thở. Tôi nhất quyết nói lời chia tay quá khứ. Hủy hết. Giữ lại nặng lòng quá! Có ai ngồi tỉ mẩn ngoài mình để nhớ thương, bồi hồi?

Năm nay tôi quyết thanh lý gọn sạch những cuốn sổ ghi chép đã ố vàng đi nhiều. Đa phần là sổ công tác ghi nội dung các cuộc họp, lịch làm việc, linh tinh… Mấy năm trước tôi cố giữ lại, giờ lướt qua lần nữa tôi thấy chẳng để làm gì. Nếu căn cứ so sánh thời giá qua các giai đoạn thì đã có nhà kinh tế, sử học… Ai cần đến tôi?

Tiếp đến tôi lôi chồng vở cũ thời còn làm việc, theo học các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ. Lần lại những trang vở cũ tôi hiểu ra lý do mình giữ nó bao nhiêu năm là vì… chữ viết đẹp quá, và vở thì rất sạch. Tôi lại tiếc lần nữa, chần chừ một lúc, cuối cùng quyết định không lưu nữa.

Tuy nhiên, có những thứ mỗi lần giở ra luôn khiến tôi dừng lại thật lâu. Đó là những lá thư của ba, của anh, của bạn bè mà ngày ấy, thư đi tin lại trong nước cũng phải đến hai tuần là nhanh. Quá khứ tái hiện từng khuôn mặt người, cái cách cầm cây bút và đánh tay viết như thế nào.

Dáng ba ngồi bên bàn viết, lưng thẳng, đầu hơi nghiêng. Ba viết nhanh, chữ hơi khó đọc. Những năm đó tôi đi học xa. Ba kể chuyện gia đình, động viên tôi học hành và luôn trong những lá thư ba ghi cho tôi bao nhiêu tiền kèm câu dặn dò: “Đồng tiền khó kiếm lắm, con giữ lấy mà tiêu dè sẻn”.

Cảm xúc đẩy lên cao, tôi vội vàng xếp những lá thư của ba và chuyển sang xấp thư của bạn bè. Những câu chuyện kể vu vơ, nỗi buồn thời tuổi trẻ, băn khoăn về tương lai… Những dòng chữ quen thuộc quá khiến tôi cảm giác mình đang ngồi trong lớp học, xung quanh bạn bè cắm cúi ghi chép.

Tôi thích nhìn cách mỗi người ngồi viết, quan sát và cảm nhận, để thấy không ai có chữ viết giống ai, cũng như mỗi người mỗi tính, mỗi cuộc đời khác nhau mà mãi sau này, trải nghiệm nhiều tôi mới hiểu hết.

2. Tôi nhớ không nhầm thì mãi đến năm 2000, tôi mới bắt đầu sử dụng email. Và từ đó, những lá thư viết tay gửi qua bưu điện ngày một ít rồi hết hẳn. Không còn thư viết tay nhưng mối quen biết nhiều và đa dạng hơn. Tôi cũng như nhiều người bây giờ gõ phím máy tính hay thao tác hai ngón tay cái trên điện thoại nhoay nhoáy, nhanh hơn viết tay. Thậm chí, có khi tôi lười, bật chức năng giọng nói trên điện thoại, chuyển thành văn bản cho mau thấy!

Một ngày, bỗng nhiên thèm đọc chữ viết tay của bạn bè quá, tôi email cho hai người bạn ở nước ngoài quen qua thế giới ảo. Nội dung, tôi ngỏ ý muốn biết được chữ viết của bạn. Để “làm tin”, tôi lấy giấy ra và viết hai “lá thư” với nội dung, chào bạn, bạn khỏe không, đây là chữ viết của mình, gửi lại cho mình xem chữ viết của bạn với. Tôi vẽ kèm theo các icon mặt cười, trái tim… Tôi viết bình thường, không nắn nót, nhưng chữ vẫn còn đẹp và sạch sẽ, dễ đọc.

Mở ngoặc, ngày xưa nhiều bạn bè biết tôi viết chữ đẹp. Một thời gian dài trong hai năm từ 1984 đến 1986, rảnh rỗi sinh nông nổi, tôi mua giấy carô, mực tàu, ngòi bút lá tre… về đóng thành cuốn rồi kẻ nhạc và chép đến ba tập nhạc dày, hệt như bản in. Đến nỗi, bây giờ mỗi lần giở ra, thằng con trai của tôi cứ há hốc miệng không thể tin được là có những bản nhạc chép tay đẹp như thế, từ mẹ.

Tất nhiên là tôi chụp hình “

” vỏn vẹn hơn hai mươi chữ, kèm vào email gửi đi.

Tôi nhận thư trả lời ngay sau đó mà tôi hình dung ra được bạn đang ngồi trong văn phòng, trước máy tính và cười ngất.

Nội dung thư hồi âm đều giống nhau, kiểu như, mấy chục năm rồi, bạn không viết tay mà suốt ngày ngồi gõ phím nên chữ viết kinh khủng lắm, như cua bò, không thể đọc được. Bây giờ cầm lại cây bút thật khó khăn.

Vậy là tôi không có được cái diễm phúc đọc “nét chữ” để biết “nết người” ở thời đại công nghệ rào rào gõ phím.

3. Tôi thích nhất khoảng thời gian giáp tết, mỗi ngày tranh thủ lúc rảnh tôi xách xe chạy rong, tạt qua chợ tết, chợ hoa, hàng trang trí… Nơi tôi thường ghé lại là chỗ ngồi của mấy anh viết câu đối tết mà tôi hay gọi là “hàng chữ”. Có lần tôi chụp được tấm hình hai đứa bé khoảng ba, bốn tuổi, một bé hai tay bế con chó con, đứng say sưa nhìn anh chàng “thầy đồ” ngồi trên chiếc chiếu rộng, viết chữ thư pháp. Trên cái bàn nhỏ, linh tinh các thứ, bút, giấy, mực…

“Hàng chữ” không đông người đến nhưng năm nào cũng có. Người mua mang về những dòng chữ hy vọng đem lại may mắn, sung túc cho cả năm, người bán cũng muốn chia sẻ chút tài mọn, kiếm ít đồng tiêu tết.

Mấy năm trước đọc báo thấy lao xao chuyện cấm không cho các “thầy đồ” viết chữ trên phố ngày tết ở Văn Miếu, Hà Nội. Vẫn còn lưu trên internet khi tìm thông tin này trên Google. Có những tựa bài báo đọc lên thấy chạnh lòng, như: “Ông đồ cắp chữ chạy khi bị đuổi khỏi vỉa hè”.

Đọc kỹ thông tin cũ mới thấy, để giữ gìn trật tự đô thị, các “hàng chữ” được dời vào khu quy hoạch với các tiêu chuẩn a, b, c, d cho “thầy đồ”. Nhưng, từ khi đi vào quy hoạch thì lại ít người lui tới.

May quá, thành phố tôi ở chưa quy hoạch chuyện này nên tôi hy vọng tết năm nay vẫn còn được lang thang ngắm các “thầy đồ” viết chữ.

Bây giờ mấy ai còn ham cầm đến cây bút và viết ra thành chữ?

Read Full Post »

Đà Lạt

Phạm Minh Châu

.

Xuống phố

Con đường mỗi sáng

Mưa bay

Thành phố như mơ

Đèn đường

Đêm

Vẫn thức

Lãng đãng

Sương giăng mờ

Thành phố

Cao cao thấp thấp

Buổi sớm

Ẩn hiện trong sương

Vẻ đẹp như tranh thủy mặc

Ôi! Đà Lạt

…Thiên đường.

* Giải ba cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật “ Lâm Đồng chào thế kỷ

XXI” không có giải nhất. T6/2000.

Read Full Post »

Hôn xin đừng nhắm mắt

Trịnh Sơn

tôi sẽ nói dù chỉ vài lời
chẳng thể nào im lặng
chúng ta còn lại gì nếu ánh sáng biến mất
trong nấm mồ sum vầy mặt trời mặt trăng mặt đất
mặt sáng tươi thiên thần mặt lạnh lùng quỷ dữ
mặt yêu thương mặt oán thù
mặt cười mặt khóc
mặt trẻ mặt già
mặt khôn mặt dại
mặt trái mặt phải
kể cả những vì sao ngỡ như 0 có mặt
trong câu chuyện bất tận mặt mặt mặt mặt nào cũng cố thể hiện mình
kể cả khi vắng mặt

chúng ta còn lại gì nếu nấm mồ thức giấc sau muôn trùng 0 1 1 0 0 0 thì 1
nấm mồ đòi 1 khuôn mặt
để rửa
để có cái mà soi trước gương
để có cái mà vác ra đường
mỗi đêm về ném lên giường

dẫu thế nào tôi cũng phải nói
dù chỉ vài lời

cho đến khi em nhận ra trong vòng tay mình là 1 nấm mồ
rên rỉ cùng em đêm từng đêm là 1 nấm mồ
trên khóe môi người
tình còn có mặt

ts.

Read Full Post »

Phá

Truyện ngắn của JOSEPH CONRAD

Hiếu Tân dịch

.

Joseph Conrad (Józef Teodor Konrad Korzeniowski) nhà văn Anh gốc Ba lan (1857- 1924). Tác phẩm chính: Chiến thắng (Victory, 1915) Lord Jim, 1900, Tên mật vụ (The Secret Agent, 1907) Một kẻ bị ruồng bỏ (An Outcast of the Islands, 1896), Cuộc đọ kiếm (The Duel), Heart of Darkness, 1899, (Nostromo,1904)

Conrad được coi là một trong những nhà văn viết tiếng Anh hay nhất, là người có phong cách văn xuôi bậc thầy đã đưa những xúc cảm bi kịch của những xứ sở ngoài Anh vào văn chương Anh.

ND

***

Người đàn ông da trắng tì cả hai khuỷu tay lên mui ở khoang đuôi thuyền, nói với ông lái:

“Chúng ta sẽ nghỉ qua đêm ở ngôi nhà của Arsat trong khoảng rừng trống. Bây giờ muộn mất rồi”

Người Mã lai chỉ lầm bầm điều gì không rõ và tiếp tục nhìn cắm xuống dòng sông. Người da trắng tỳ cằm lên hai cánh tay khoanh đặt trên mui thuyền và đăm đăm nhìn luồng nước rẽ trôi phía sau thuyền. Ở cuối con đường thẳng trong rừng bị cắt ngang bởi ánh lấp lánh gay gắt của sông, mặt trời hiện ra chói lòa giữa bầu trời quang đãng, lơ lửng trên dòng nước phẳng lừ sáng loáng như một giải kim loại. Những cánh rừng âm u xám xịt đứng im lặng bất động hai bên dòng nước rộng. Dưới gốc những cây to cao chót vót, những cây cọ nipa không thân mọc lên từ bùn bên bờ thành những cụm lá to rộng rậm rạp, che trên những xoáy nước màu nâu cuồn cuộn. Trong không khí im lìm từng thân cây từng chiếc lá, từng cành, từng tua của những cây leo, từng cánh của những bụi hoa nhỏ xíu.. dường như đang mê đi trong một cảnh bất động hoàn toàn và cuối cùng. Không vật gì động đậy trên mặt sông ngoài tám mái chèo nhịp nhàng khỏa lên xuống làm nước bắn tóe; trong khi ông lái mạnh mẽ và đột ngột vung tay chèo đều đặn sang phải sang trái vạch thành những đường bán nguyệt lóe sáng trên đầu ông. Nước bị khuấy tung bọt trắng trong tiếng kêu róc rách. Và chiếc thuyền chở người đàn ông da trắng, bơi ngược dòng sông trong sự náo động ngắn ngủi do nó tạo ra, dường như đang tiến vào một xứ sở mà ngay cả ký ức về chuyển động cũng đã bị phai mờ vĩnh viễn.

Người đàn ông da trắng, lưng quay về phía mặt trời đang lặn, ngắm nhìn khoảng trống trải mênh mông phía cửa biển. Trong ba dặm cuối cùng của nó, con sông đang ngập ngừng và lờ lững bỗng như không cưỡng nổi sự dụ dỗ từ vẻ phóng khoáng của một chân trời rộng mở, lao thẳng ra biển, lao thẳng hướng đông – cái phương đông neo đậu cả ánh sáng và bóng tối. Đằng sau thuyền, một nghịch âm mơ hồ không rõ rệt, như tiếng kêu liên hồi của loài chim, nhảy cóc trên mặt nước êm và mất hút trong cái im lìm như nín thở của cảnh vật, trước khi vào được đến bờ.

Ông lái dấn mái chèo xuống dòng nước, và giữ nó bằng cánh tay cường tráng, thân người ông nhao về phía trước. Tiếng nước réo ùng ục, và khúc sông đang thẳng bỗng nhiên như xoay đi quanh tâm của nó, những cánh rừng đu đưa nửa vòng và ánh tà dương chiếu chếch mạn thuyền bừng lên rực rỡ, in những bóng người mỏng manh và vặn vẹo trên thuyền thành những vệt dài lên mặt nước sông lấp loáng. Người da trắng quay lại nhìn lên phía trước. Hướng thuyền đã đổi thành vuông góc với dòng sông, và cái mũi thuyền chạm đầu rồng bây giờ nhằm thẳng vào một khe hẹp trong những bụi cây chằng chịt bên bờ sông. Nó lướt qua, chải qua những cành cây con buông rủ từ trên xuống, và biến mất khỏi dòng sông giống như một loài lưỡng cư mảnh mai dời khỏi mặt nước bò lên hang ổ của chúng ở trong rừng.

– 2 –

Con rạch nhỏ giống như một đường hào: ngoằn ngoèo và sâu một cách khó tin, đầy bóng tối ảm đạm dưới một dải hẹp màu xanh dương trong sáng của bầu trời. Mênh mông cây rừng vươn lên cao ẩn mình sau những diềm hoa của những bụi dây leo. Đó đây, bên bóng đen lấp loáng của mặt nước, những bộ rễ xoắn xuýt của những cây cao hiện ra giữa những mảng dương xỉ, đen và tăm tối, oằn oài và bất động, giống như những con rắn bị tóm giữ. Những lời lẽ cộc lốc của mấy người chèo thuyền bị dội lại vang lên giữa những bức tường thực vật dày đặc và tối xẫm. Bóng tối rỉ ra từ giữa những bóng cây, qua mê lộ rối rắm của những kênh rạch, đằng sau những tán lá lặng tờ hình thù kỳ quái; bóng tối bí mật và không gì thắng nổi, cái bóng tối tỏa hương thơm và độc địa của những cánh rừng dày kín mít.

Những người chèo thuyền dùng sào chống ở đoạn nước nông. Con rạch mở ra thành một giải rộng, một cái phá trì trệ lờ đờ. Những cánh rừng lùi xa khỏi bờ đầm lầy để lại một giải cỏ lau bằng phẳng màu xanh nhạt, đóng khung lấy màu xanh dương được phản chiếu của bầu trời. Một tảng mây xốp màu hồng bồng bềnh trên cao, để hình ảnh với sắc màu thanh nhã của nó trôi dưới những chiếc lá nổi trên mặt nước và những bông hoa sen ánh bạc. Một ngôi nhà nhỏ ngất ngưởng trên những chiếc cột cao hiện ra đen ngòm phía xa. Cạnh nó, hai cây cọ nibong cao vút trông như tách ra khỏi cảnh rừng làm nền phía sau, hơi nghiêng trên mái nhà bờm xờm, những tán lá dày của chúng ngả xuống như che chở, gợi một nét dịu dàng buồn bã.

Ông lái giơ mài chèo lên chỉ: “Arsat có nhà. Tôi trông thấy chiếc thuyền của anh ấy buộc giữa các hàng cột”

Những người chân sào chạy dọc mạn ngảnh nhìn qua vai cái mục tiêu của một ngày hành trình. Nếu có thể được, chắc họ đã muốn nghỉ đêm ở một nơi nào khác chứ không phải trong cái phá nổi tiếng về những chuyện ma quái và huyền hoặc này. Hơn nữa, họ không thích Arsat, trước hết vì anh ta là người lạ, và cũng vì anh ta sửa chữa cái nhà sập sệ này và trú ngụ trong đó, tuyên bố rằng anh ta không sợ sống giữa những hồn ma thường ám những nơi hoang vắng. Một người như thế rất có thể làm chệch đường đi của thần số mệnh bằng những lời lẽ báng bổ hay bất cẩn, trong khi những con ma quen thuộc của hắn không dễ bỏ qua những người khách trọ qua đường này, mà chúng đã nóng lòng chờ đợi từ lâu để trút lên họ những cơn giận hiểm ác đối với người chủ của chúng. Người da trắng không lo sợ những chuyện loại đó, họ là những người không có tín ngưỡng và họ liên kết với Chúa Quỷ, người dẫn họ qua những hiểm nguy vô hình của thế giới mà không bị hại. Trước những lời cảnh báo hợp lý, họ có thái độ tự đắc hoài nghi rất khó chịu. Vậy còn biết làm thế nào với họ?

– 3 –

Họ nghĩ vậy, và đè cả sức nặng thân người lên đầu những con sào. Chiếc thuyền lớn lập tức trườn đi êm ru không một tiếng động, về phía giải đất trống của Arsat, cho đến khi nghe những tiếng lộp cộp của những con sào ném xuống, và những tiếng rì rầm cất lên “Lạy đức Ala!” đó là lúc nó đụng nhẹ vào những cọc gỗ cong queo dưới chân ngôi nhà.

Những người chèo thuyền nghếch mặt lên kêu chói tai: “Arsat! Ơ Arsat!” Không có ai ra. Người da trắng bắt đầu trèo lên chiếc thang thô dẫn lên sàn nứa trước cửa nhà. Người lái thuyền nói giọng bực bội: “Chúng ta sẽ nấu ăn trên thuyền và ngủ trên nước”

“Đưa cái chăn và cái giỏ của tôi đây” Người da trắng nói giọng khô khan. Anh ta quỳ trên sàn để nhận cái bọc. Chiếc thuyền bị đẩy ra, và người da trắng đứng dậy, đối diện với Arsat vừa mới từ chiếc cửa thấp của ngôi nhà chui ra. Đó là một chàng trai trẻ khỏe, với bộ ngực nở và đôi cánh tay cuồn cuộn bắp thịt. Anh không mặc gì ngoài một chiếc xarong, để đầu trần. Đôi mắt to, ôn hòa của anh nhìn người da trắng chằm chằm, hăm hở, nhưng giọng của anh điềm tĩnh khi anh hỏi, mà không cần chào.

“Anh có thuốc không, Tuân[1]?”

“Không” Người da trắng giật mình nói “Không. Nhưng sao, ở đây có người bệnh à?”

“Vào mà xem” Arsat trả lời, vẫn với giọng bình thản và hơi quay người, lại chui qua chiếc cửa nhỏ. Người da trắng bỏ rơi cái bọc của mình, đi theo. Trong bóng tối mờ mờ của chỗ ở, trên một chiếc ghế dài bằng tre, một người phụ nữ nằm ngửa duỗi dài dưới một tấm chăn rộng bằng vải bông đỏ. Cô ta nằm ngay đơ như chết, nhưng đôi mắt to mở rộng lóe lên trong bóng tối, trừng trừng nhìn lên những rui mè gày guộc trên mái nhà, bất động và không thấy gì. Cô ta đang sốt cao và rõ ràng là bất tỉnh. Đôi má hơi trũng xuống, đôi môi hé mở, và trên gương mặt còn trẻ có điềm xấu, cái vẻ cứng đờ, cái vẻ chìm sâu trong vô thức của một người sắp chết. Hai người đàn ông đứng nhìn xuống cô trong im lặng.

“Cô ấy ốm đã lâu chưa?” Người du khách nói.

“Đã năm ngày đêm tôi không ngủ” Người Mã lai nói chậm rãi. “Đầu tiên cô ấy nghe có những tiếng gọi cô ấy từ dưới nước và vùng ra khỏi tôi lúc ấy đang giữ chặt cô ấy. Nhưng hôm nay từ lúc mặt trời lên cô ấy không nghe thấy gì nữa. Không nghe thấy cả tiếng tôi. Cô ấy không nhìn thấy gì nữa. Không nhìn thấy cả tôi”

– 4 –

Anh ta im lặng một lúc, rồi khẽ hỏi:

“Anh Tuân, liệu cô ấy có chết không?”

“Tôi sợ thế” Người da trắng nói buồn rầu. Anh biết Arsat đã nhiều năm nay, ở một nơi xa xôi từ những thời gian rắc rối và nguy hiểm, khi đó người ta không coi nhẹ tình bạn. Và từ khi người bạn Mã lai này của anh bỗng dưng đến ngụ trong túp nhà trên cái phá này với một người đàn bà xa lạ, đã nhiều lần anh ngủ lại ở đây, trong những chuyến đi xuôi ngược trên sông. Anh thích người bạn này, anh ta biết cách giữ trung thành trong hội đồng và biết cách sát cánh bên người bạn da trắng chiến đấu không hề sợ hãi. Anh thích anh ta, có lẽ không nhiều như người ta thích một con chó cưng, nhưng dù sao anh vẫn thích anh ta đủ để giúp đỡ mà không vặn hỏi, để đôi khi giữa những cuộc theo đuổi mục đích của mình, có một thoáng nghĩ về người đàn ông cô độc và người đàn bà tóc dài với bộ mặt gan góc và đôi mắt đắc thắng, họ sống ẩn náu với nhau trong rừng, đơn độc và sợ hãi.

Người da trắng ra khỏi lều đúng lúc để nhìn thấy cảnh mặt trời lặn như một đám cháy lớn bị dập tắt dần bởi những bóng tối mau lẹ và lén lút nổi lên như những đám hơi nước đen mờ phía trên những ngọn cây, trải ra trên bầu trời, phủ mờ ánh đỏ ối của những đám mây trôi và ánh chói lọi của ngày đang dần tắt. Phút chốc tất cả các vì sao hiện ra cao tít phía trên cái nền đen xẫm của đất, và cái phá mênh mông này bỗng nhiên lấp lóa những ánh sáng phản chiếu giống như một mảnh vá hình ôvan của trời đêm ném xuống màn đêm của một vùng hoang vu thăm thẳm và vô vọng. Người da trắng lấy ra từ chiếc giỏ bữa ăn tối, và vơ lấy mấy que củi rải rác trên sàn, nhóm lên một ngọn lửa nhỏ không phải để sưởi mà để có chút khói để xua muỗi. Anh quấn chăn và ngồi tựa lưng vào vách sậy của túp lều, đăm chiêu rít thuốc.

Arsat chui qua cửa bằng những bước chân không gây tiếng động đến ngồi xổm bên đống lửa. Người da trắng hơi động đậy đôi chân duỗi dài.

“Cô ấy thở” Arsat nói bằng giọng trầm, chờ đợi câu hỏi. “Cô ấy thở và người nóng rực như lửa. Cô ấy không nói, không nghe, và nóng rực.”

Anh im lặng một hồi, rồi hỏi bằng giọng khe khẽ và đều đều.

– 5 –

“Tuân… liệu cô ấy có chết không?”

Người da trắng nhún vai khó nhọc và lầm bầm ngập ngừng:

“Nếu đó là số phận của cô ấy”

“Không, Tuân, nếu đó là số phận của tôi” Arsat bình tĩnh nói. “Tôi nhìn, tôi nghe, tôi đợi. Tôi nhớ…Tuân, anh còn nhớ những ngày ấy không? Anh còn nhớ anh tôi không?”

“Có” Người da trắng nói. Người Mã lai bỗng đứng dậy và đi vào. Người còn lại ngồi im bên ngoài, nghe thấy giọng nói bên trong lều. Arsat nói. “Em nghe anh. Nói đi em” Tiếp sau giọng anh là im lặng hoàn toàn. “Ôi, Diamelen!” Anh bỗng kêu lên. Sau tiếng kêu ấy là tiếng thở dài sâu. Arsat lại bước ra và sụm xuống chỗ ngồi ban nãy.

Họ ngồi im trước ngọn lửa. Không có tiếng động bên trong lều, không có tiếng động nào gần nó, nhưng xa xa trên phá họ nghe thấy tiếng những người chèo thuyền từng đợt vang vang rõ ràng trên mặt nước êm. Ngọn lửa trên mũi thuyền chập chờn ở khoảng xa. Rồi tắt hẳn. Những tiếng nói ngừng. Đất và nước im lìm trong giấc ngủ vô hình, tưởng như trên thế giới này không còn lại gì ngoài những vì sao lấp lánh chảy bất tận và vô ích qua tịch mịch của đêm đen.

Người da trắng ngó thẳng trước mặt vào đêm tối bằng đôi mắt mở to. Nỗi sợ, sự thôi miên, kích thích và kinh hoàng của cái chết – của cái chết gần kề, không tránh khỏi và không nhìn thấy, làm lắng lại những bồn chồn bất yên của đời anh và khuấy lên những suy tư mơ hồ, sâu kín nhất. Nỗi hoài nghi thường trực về cái ác, nỗi ngờ vực dày vò luôn ẩn núp trong trái tim chúng ta, chảy tan ra thành cái tịch mịch bao quanh anh lúc này – cái tịch mịch thăm thẳm và lì lợm, nó hiện ra ô nhục đáng hổ thẹn, giống như cái mặt nạ lạnh tanh và khôn dò của một thứ bạo lực phi lý. Trong sự xáo trộn mãnh liệt và phù du của cuộc sinh tồn của anh, trái đất được ôm bọc trong cái thanh bình của ánh sao biến thành xứ sở tối tăm của cuộc xung đột dã man phi nhân tính, một mặt trận của những bóng ma khủng khiếp và quyến rũ, oai nghiêm hay đê tiện, vật lộn mãnh liệt để giành giật những trái tim không được bảo vệ của chúng ta – một xứ sở không yên bình và bí hiểm, của những nỗi sợ hãi và những khát vọng không thể dập tắt.

Một tiếng rì rầm ai oán nổi lên trong đêm, một tiếng rì rầm làm ta buồn bã và sửng sốt, như thể những nỗi cô đơn vô tận của những cánh rừng bao quanh đây đang cố thì thầm vào tai anh cái khôn ngoan của sự lãnh đạm dửng dưng kiêu kỳ và mênh mông của nó. Ngập ngừng vang lên và mơ hồ trôi đi trong bầu không khí vây quanh anh, chầm chậm hình thành lời, và cuối cùng êm đềm trôi đi trong dòng chảy rì rầm của những câu nhẹ nhàng và đơn điệu. Anh cựa quậy như người vừa tỉnh ngủ, và hơi thay đổi thế ngồi. Arsat bất động và như một cái bóng, ngồi cúi gục đầu dưới trời sao, đang nói bằng một giọng trầm và mê sảng

– 6 –

‘.. vì chúng ta còn có thể đặt cái nặng nề nhất trong những phiền muộn của chúng ta ở đâu ngoài những trái tim bè bạn? Một người đàn ông thì phải nói về chiến tranh và về tình yêu. Anh, chính anh ấy, Tuân ạ, anh biết chiến tranh là như thế nào, và anh đã thấy trong thời kỳ nguy khốn tôi đã đi tìm cái chết như người ta đi tìm sự sống. Một bài viết có thể bị mất, một lời nói dối có thể được viết ra, nhưng những gì ta đã nhìn tận mắt là sự thật và sẽ còn mãi trong trí óc.’

‘Tôi nhớ’ Người da trắng lặng lẽ nói. Arsat tiếp tục bằng giọng điềm tĩnh ảm đạm.

‘Do đó tôi sẽ nói với anh về tình yêu. Nói trong đêm nay. Nói trước khi cả tình yêu lẫn bóng đêm đều tan biến, và con mắt của ban ngày sẽ nhìn vào nỗi đau của tôi và nỗi xấu hổ của tôi, nhìn vào bộ mặt đen tối của tôi, vào trái tim tan vỡ của tôi.’

Một tiếng thở dài ngắn và yếu ớt, đánh dấu một quãng ngưng hầu như không thể nhận ra, rồi sau đó những lời của anh tiếp tục chảy, không một nhúc nhích, không một cử động.

‘Sau cái thời gian mọi rắc rối và chiến tranh đều đã qua đi, và anh rời khỏi đất nước chúng tôi để tiếp tục theo đuổi các khát vọng của anh, mà chúng tôi, những người dân đảo này không thể hiểu nổi; tôi và anh tôi trở lại làm những thị vệ, những người mang kiếm đi hầu đức vua như trước. Anh biết chúng tôi đều là những người đàn ông chủ gia đình, trong một dòng tộc cai trị và hơn ai hết thích hợp để mang cái biểu trưng của quyền lực trên vai phải của mình. Và trong thời kỳ thịnh vượng Si Dendring đã ban cho chúng tôi nhiều ân sủng, vì chúng tôi trong thời kỳ đau buồn đã tỏ cho ngài thấy xác thực lòng can đảm của chúng tôi. Đó là một thời kỳ thanh bình, một thời của những cuộc săn hươu và những cuộc chọi gà, của những cuộc chuyện trò vô bổ và những cuộc cãi vã ngớ ngẩn, giữa những người đàn ông bụng căng đầy và vũ khí để han rỉ. Nhưng người gieo hạt ngắm nhìn những người trai trẻ non tơ lớn lên không sợ hãi, và những người lái buôn đến rồi đi, ra đi gày guộc trở về béo tốt đi vào dòng sông thanh bình này. Họ cũng mang đến cả những tin tức nữa. Những điều dối trá trộn lẫn với sự thật, do đó không ai biết được khi nào nên vui khi nào nên buồn. Chúng tôi nghe được tin anh cũng từ bọn họ. Họ đã thấy anh ở chỗ này chỗ kia. Và tôi đã vui mừng nghe, vì tôi nhớ những thời gian sôi nổi, tôi luôn luôn nhớ anh, Tuân ạ, cho đến khi mắt tôi không còn nhìn thấy gì trong quá khứ nữa, vì nó đã nhìn thấy con người đang chết ở đây – trong ngôi nhà này.’

– 7 –

Anh dừng lại để kêu lên bằng giọng thầm – thì mãnh liệt “Ôi, Mara bahia! Ôi tai họa!” rồi tiếp tục nói lớn hơn một chút.

“Không có kẻ thù nào tồi tệ hơn và người bạn nào tốt hơn một người anh, Tuân ạ, vì người anh thì hiểu người em, và trong sự hiểu biết thấu đáo có sức mạnh của cái thiện và cái ác. Tôi yêu anh tôi. Tôi đến nói với anh rằng tôi không thể nhìn cái gì khác ngoài một khuôn mặt, tôi không thể nghe cái gì khác ngoài một giọng nói. Anh ấy bảo tôi “ Hãy mở trái tim của em ra để cho cô ấy thấy trong đó có gì, và đợi. Kiên nhẫn là khôn ngoan. Inchi Midah có thể chết hay nhà vua có thể vứt bỏ nỗi sợ một người đàn bà của ngài…Tôi đã đợi! ..Tuân ơi, anh còn nhớ người phụ nữ che mạng và nỗi sợ của đấng quân vương của chúng tôi đối với sự khôn ngoan và tâm tính của nàng. Và nếu nàng muốn người đày tớ của nàng, thì tôi biết làm sao được? Nhưng tôi nuôi dưỡng trái tim đói khát của tôi bằng những cái liếc nhìn chớp nhoáng và những lời lẽ vụng trộm. Ban ngày tôi lảng vảng trên những con đường dẫn đến những nhà tắm, và sau khi mặt trời lặn xuống sau rừng tôi trườn qua những hàng dậu hoa nhài ở sân trong ngôi nhà của những người phụ nữ. Không nhìn thấy nhau, chúng tôi nói với nhau qua mùi hương của những bông hoa, qua màn che của những khóm lá, qua những lá cỏ dài đứng lặng trước môi chúng tôi, sự thận trọng của chúng tôi mới kỹ lưỡng làm sao, tiếng thầm thì của nỗi khao khát của chúng tôi mới e ấp làm sao. Thời gian trôi nhanh và giữa những người phụ nữ có tiếng xì xào – và kẻ thù của chúng tôi trông thấy, anh tôi mặt mày ủ rũ, và tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện giết, và đến một cái chết dữ dội. Chúng tôi thuộc loại người đã muốn là làm – giống như người da trắng các anh. Có những lúc người đàn ông phải quên đi sự trung thành và tôn kính. Sức mạnh và quyền hành được trao cho những người cai trị, nhưng tất cả mọi người đàn ông được phú cho tình yêu và sức lực và lòng can đảm. Anh tôi bảo “Em phải cướp nàng đi từ giữa bọn họ. Chúng ta hai người như một.” Tôi trả lời “Làm sớm đi anh ạ, vì ánh nắng nào không chiếu trên người nàng thì em không thấy ấm áp” Thời cơ của chúng tôi đến khi nhà vua cùng đoàn tùy tùng của ngài ra cửa sông để câu cá bằng đuốc. Có hàng trăm chiếc thuyền, và trên bãi cát trắng giữa sông và rừng, những căn chòi bằng lá được dựng lên cho những người của hoàng gia. Khói bếp trông như một làn sương lam buổi tối, nhiều giọng nói vui vẻ vang lên. Trong khi họ đang chuẩn bị thuyền để đi đánh cá, anh tôi đến nói với tôi “Đêm nay.” Tôi chuẩn bị vũ khí và khi đến giờ thuyền chúng tôi trà trộn vào đám thuyền mang đuốc. Những ánh lửa chiếu sáng rực mặt nước, nhưng đằng sau các thuyền bóng tối vẫn dày đặc. Khi tiếng reo hò nổi lên và sự kích động khiến họ như phát cuồng, thuyền chúng tôi rút ra. Chúng tôi nhúng tắt lửa và bơi thuyền vào bờ, trên bờ lúc này tối đen chỉ còn rải rác đây đó những đốm lửa than lập lòe. Chúng tôi nghe thấy tiếng những nô tỳ trò chuyện trong chòi. Rồi chúng tôi tìm ra một chỗ vắng vẻ và tĩnh lặng. Chúng tôi đợi ở đó. Nàng đến. Nàng đã chạy hối hả dọc mép sông không để lại dấu vết gì, giống như một chiếc lá được ngọn gió đưa ra biển. Anh tôi nói giọng âm u “Ra đón nàng, đưa nàng xuống thuyền.” Tôi bế xốc nàng lên. Nàng hổn hển. Tim nàng đập thình thịch bên ngực tôi. Tôi nói “Tôi giành được nàng từ trong đám người kia. Nàng đến đây theo tiếng gọi của lòng tôi, nhưng đôi tay tôi đưa nàng xuống thuyền cưỡng lại cả ý trời.” Anh tôi nói “Đúng đấy. Chúng tôi là những người đã muốn gì là làm bằng được, và có thể cự lại nhiều người để chống giữ. Lẽ ra chúng tôi nên cướp nàng giữa ban ngày.” Tôi nói “Chúng ta đi thôi.” Khi nàng đã ngồi trong thuyền của chúng tôi, tôi bắt đầu nghĩ đến những người của nhà vua. “Phải đấy, chúng ta đi thôi.”Anh tôi nói “Chúng ta bị truy đuổi, con thuyền này bây giờ là nơi trú ngụ của chúng ta, biển cả là nơi lánh nạn của chúng ta.” Anh ấy vẫn nấn ná trên bờ, và tôi van anh hãy nhanh lên, vì tôi nhớ đến tiếng tim đập của nàng bên ngực tôi, và tôi nghĩ hai người không thể cự lại cả trăm người. Chúng tôi xuất phát, bơi thuyền gần bờ xuôi dòng, và khi chúng tôi qua nhánh sông nơi họ đang đánh cá, tiếng reo hò vang dậy đã ngừng, nhưng tiếng rì rầm của những giọng người nghe như tiếng vù vù của loài côn trùng bay lúc giữa trưa. Những chiếc thuyền thả nổi, cụm vào với nhau, trong ánh đuốc đỏ rực, dưới một màn khói đen. Những con người đang nói về trò vui của mình, những con người khoác lác, tán tụng, châm chọc – những con người ban sáng còn là bạn của chúng tôi nhưng đêm đó đã là kẻ thù. Chúng tôi mau lẹ bơi thuyền qua. Từ nay trên mảnh đất đã sinh ra chúng tôi, chúng tôi không còn người bạn nào nữa. Nàng ngôi giữa thuyền, mạng che mặt, im lặng như bây giờ, không nhìn – như bây giờ – và tôi không hề hối tiếc về những gì tôi đã bỏ lại, vì tôi nghe nàng thở gần bên tôi – như bây giờ tôi đang nghe.’

– 8 –

Anh ngừng lại, nghiêng tai về phía cửa, rồi lắc đầu và tiếp tục.

‘Anh tôi muốn hét lên một tiếng để thách thức, một tiếng thôi, để cho những người kia biết rằng chúng tôi là những kẻ cướp tự do bẩm sinh tin vào cánh tay của mình và tin vào biển cả. Và một lần nữa tôi lại van xin anh vì tình yêu của chúng tôi mà hãy giữ im lặng. Có thể nào tôi không nghe hơi thở của nàng gần gũi bên tôi? Tôi biết cuộc truy đuổi sẽ đến rất nhanh. Anh tôi yêu tôi. Anh ấy nhấn mái chèo xuống nước thật êm nhẹ. Anh ấy chỉ nói “Bây giờ trong người em chỉ còn một nửa người đàn ông, nửa còn lại ở trong người đàn bà kia. Anh sẽ đợi. Khi nào em trở lại là một người đàn ông trọn vẹn, hãy quay về đây với anh, để thét lên lời thách thức. Chúng ta là con cùng một mẹ.” Tôi không trả lời. Tất cả sức lực của tôi và tất cả hồn tôi dồn lên đôi tay đang nắm mái chèo, vì tôi cháy bỏng khao khát được sống với nàng ở nơi an toàn ngoài tầm với của cơn giận dữ của những người đàn ông và mối thù hận của những người đàn bà. Tình yêu của tôi lớn quá, đến mức tôi nghĩ nó có thể dẫn tôi đến một xứ sở nơi không biết đến cái chết, miễn là tôi thoát được hận thù của Inchi Midah và lưỡi gươm của đức vua của chúng tôi. Chúng tôi chèo như điên, thở qua kẻ răng. Những mái chèo ngập sâu dưới làn nước êm. Chúng tôi ra khỏi dòng sông, chúng tôi lướt bay qua những luồng nước thông giữa những chỗ cạn. Chúng tôi đi vòng qua những bờ đá đen, vòng qua những bãi cát nơi biển thầm thì trò chuyện với đất; và ánh lập lòe của cát trắng băng qua mặt nước chớp lóe qua thuyền chúng tôi. Chúng tôi im lặng. Chỉ có một lần tôi nói: “Ngủ đi Diamelean, rồi sắp tới sẽ cần đến toàn bộ sức lực của em đấy.” Tôi nghe giọng nàng ngọt ngào, nhưng tôi không quay đầu lại. Mặt trời lên và đứng yên. Nước rơi rào rào xuống mặt tôi như mưa. Chúng tôi lướt đi trong ánh sáng và hơi ấm. Tôi không ngó nhìn lại, nhưng tôi biết đôi mắt anh tôi, ở phía sau, đang trừng trừng nhìn thẳng phía trước, để con thuyền phóng thẳng như một mũi tên của thổ dân. Không có người chèo thuyền nào, người cầm lái nào giỏi như anh tôi. Nhiều lần chúng tôi đã cùng nhau đoạt giải những cuộc đua trên chính con thuyền này. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi dồn hết sức lực như lúc này, khi chúng tôi cùng chèo với nhau lần cuối cùng. Trên đất nước tôi không có người đàn ông nào mạnh hơn và can đảm hơn anh tôi. Tôi không đủ sức quay đầu lại nhìn anh, nhưng tôi luôn nghe tiếng rít từ hơi thở của anh vang lên càng lúc càng mạnh đằng sau tôi. Anh vẫn không nói. Mặt trời đã lên cao. Ánh nắng đốt lưng tôi như ngọn lửa. Những giẻ sương sườn của tôi muốn nổ tung, nhưng tôi không còn sức hít đủ hơi vào lồng ngực nữa. Lúc đó tôi cảm thấy tôi phải dùng chút hơi cuối cùng để hét lên “Nghỉ anh ơi!” “Tốt!”Anh trả lời, giọng anh cứng cỏi. Anh ấy khỏe. Anh ấy can đảm. Anh ấy không sợ cũng không mệt. Anh tôi…”

– 9 –

Một cơn gió mạnh mà êm, một cơn gió hào sảng và từ tốn, một cơn gió làm những chiếc lá run rẩy, làm những cành cây đu đưa, xuyên qua rừng sâu rối rắm, chạy qua phá phẳng mượt nhấp nhánh ánh sao, và nước giữa những cây cột trơn nhớt mỗi lần đập vào cột lại bắn lên tung tóe. Một luồng hơi ấm mơn trớn khuôn mặt hai người đàn ông và lướt qua thành một âm thanh não nùng – một hơi thở vang và gấp như tiếng thở dài nặng nhọc của mặt đất mê mị.

Arsat tiếp tục bằng một giọng đều đều trầm trầm.

Chúng tôi kéo thuyền lên bãi cát trắng trong một vịnh nhỏ gần một lưỡi đất dài, dường như chắn ngang con đường của chúng tôi, một mũi đất dài mọc đầy cây nhô ra biển. Anh tôi biết chỗ này. Phía bên kia mũi đất có cửa vào một dòng sông. Xuyên qua rừng rậm trên mũi đất sẽ gặp một con đường hẹp. Chúng tôi nhóm lửa nấu cơm. Rồi chúng tôi nằm ngủ trên cát mịn, dưới bóng chiếc thuyền, còn nàng thì ngồi canh gác. Tôi vừa nhắm mắt thì nghe tiếng kêu báo động của nàng. Chúng tôi bật dậy. Mặt trời đã xế, và trong tầm mắt chúng tôi thấy một chiếc thuyền chiến lớn nhiều tay chèo xuất hiện ở cửa vịnh. Chúng tôi nhận ra nó ngay. Đó là chiếc thuyền chiến lớn của nhà vua. Họ đang nhìn lên bờ, và trông thấy chúng tôi. Họ đánh cồng và quay đầu thuyền chiến vào vịnh. Tôi thấy tim mình lịm đi trong lồng ngực. Diamelen ngồi trên cát và che mặt. Không có đường thoát ra biển. Anh tôi cười. Anh ấy có khẩu súng mà anh cho anh ấy trước khi anh ra đi, nhưng chỉ có một nhúm thuốc súng. Anh ấy nói rất nhanh với tôi “Đưa cô ấy chạy theo đường mòn. Anh sẽ chặn chúng lại, vì chúng không có súng tay, và đổ bộ lên đất liền ngay trước mặt một người có súng là có đứa chết chắc. Đưa cô ấy chạy đi. Ở mép rừng bên kia có một ngôi nhà của người đánh cá, và một chiếc xuồng. Anh bắn hết số đạn anh sẽ chạy theo. Anh là người chạy giỏi và chúng ta sẽ chạy thoát trước khi chúng đến. Anh sẽ cầm chân bọn chúng chừng nào còn có thể, vì dù sao cô ấy cũng là phụ nữ, không chạy được cũng không chiến đấu được, nhưng đôi bàn tay yếu ớt của cô ấy đang nắm trái tim em.” Anh ấy nấp sau thuyền. Chiếc thuyền chiến đến gần. Nàng cùng tôi chạy, và khi chạy theo đường mòn tôi nghe tiếng súng nổ. Anh tôi bắn, một..hai..và tiếng cồng im bặt. Sau lưng chúng tôi là im lặng. Giải đất ấy hẹp lắm. Trước khi nghe thấy phát súng thứ ba của anh tôi, tôi trông thấy một bờ cát thoai thoải, và tôi lại trông thấy nước: cửa một con sông lớn. Chúng tôi băng qua trảng cỏ. Chúng tôi chạy xuống mép nước. Tôi thấy một chiếc lều thấp trên bùn đen, và một chiếc xuồng con. Tôi nghe thêm một tiếng súng phía sau lưng. Tôi nghĩ “Đó là phát đạn cuối cùng của anh ấy.” Chúng tôi lao xuống chiếc xuồng, một người đàn ông từ trong lều chạy ra, tôi lao vào anh ta, và chúng tôi ôm nhau lăn trong bùn. Rồi tôi đứng dậy và hắn nằm bất động dưới chân tôi. Tôi không biết có phải tôi đã giết anh ta không. Tôi và Deamelen đẩy chiếc xuồng xuống nước. Tôi nghe tiếng thét phía sau và quay lại thấy anh tôi đang chạy qua trảng cỏ. Nhiều người đuổi bám sát sau anh. Tôi bế bổng nàng lên ném xuống xuồng rồi nhảy lao theo. Quay lại tôi thấy anh tôi đã ngã. Anh ngã rồi lại đứng dậy nhưng bọn người kia đã vây kín quanh anh. Anh ấy gào lên “Anh đến đây”, nhưng bọn kia đã đến gần anh. Tôi nhìn. Quá đông. Rồi tôi nhìn nàng. Tuân ơi, tôi đã đẩy xuồng! Tôi đẩy nó ra chỗ nước sâu. Nàng quỳ lên nhìn tôi. Tôi nói “Cầm lấy mái chèo” trong khi tôi quạt mạnh mái chèo của mình. Tuân ơi, tôi nghe anh ấy kêu! Tôi nghe anh ấy gọi tên tôi hai lần, và tôi nghe những giọng người quát lên “Giết! Đánh” Tôi không quay trở lại. Tôi lại nghe tiếng anh gọi tên tôi vô cùng thống thiết, như thể cả sự sống cùng trút ra với tiếng kêu. Tôi không hề quay đầu lại! Tên tôi.. Anh tôi! Đã ba lần anh gọi tên tôi. Tôi không sợ cho mạng sống của mình. Phải chi nàng không có trên cái xuồng đó! Và phải chăng tôi không thể cùng nàng tìm đến một xứ sở nơi không biết đến cái chết?

– 10 –

Người da trắng ngồi dậy. Arsat đứng lên: một dáng người mờ mờ và câm lặng trên đống than hồng sắp tàn. Trên phá, một màn sương mù là là trôi, chầm chậm xóa đi hình ảnh những ngôi sao nhấp nhánh. Và bây giờ một làn hơi nước trắng đang tỏa rộng che phủ cả mặt đất, trôi lạnh và xám trong bóng tối, những cơn gió xoáy tít cuốn quanh những thân cây tròn và quanh ngôi nhà này, ngôi nhà dường như đang bồng bềnh trên biển ảo mơ hồ và không ngơi nghỉ, dường như nó là vật duy nhất còn sót lại qua cuộc tàn phá của một cơn hồng thủy ma quái ngập dềnh sóng và vô thanh. Xa xa, những ngọn cây nổi bật trên nền trời sáng long lanh trông giống như một giải bờ biển tối tăm ảm đạm và gớm guốc – một giải bờ lừa gạt, nhẫn tâm và kinh tởm.

Giọng nói của Arsat rung mạnh trong bầu không khí thanh bình sâu thẳm:

‘Tôi đã có nàng. Tôi đã giành được nàng. Để giành được nàng tôi dường như đã phải đối đầu với cả loài người. Những tôi đã có nàng, và…’

Những lời nói của anh vang xa vào khoảng không hun hút. Anh ngừng lại và như để lắng nghe những tiếng nói ấy tắt dần ở khoảng cách xa xăm – xa đến vô vọng. Rồi anh nói, giọng âm thầm:

‘Tuân, tôi yêu anh tôi’

Một cơn gió làm anh rùng mình. Cao cao, trên đầu anh, và trên biển sương mù tĩnh lặng, những tàu lá cọ ủ rũ xạc xào một âm thanh tang tóc. Người da trắng duỗi chân. Cằm anh tì xuống ngực. Và anh lầm rầm buồn bã mà không ngửng đầu lên:

“Tất cả chúng ta đều yêu anh ấy”

Arsat bật ra thành tiếng thì thầm mãnh liệt:

“Tôi đã lo ai chết? Tôi muốn bình yên trong riêng trái tim tôi”

Hình như anh nghe thấy có tiếng động trong nhà, anh lắng tai, rồi lặng lẽ bước vào. Người da trắng đứng dậy. Một cơn gió thổi vào buốt lạnh. Những vì sao nhấp nháy mờ nhạt hơn như thể chúng đang rút lui vào chiều sâu thẳm giá băng của không gian vô tận. Sau một cơn gió lạnh là mấy giây im lặng hòan toàn và êm đềm tuyệt đối. Rồi từ sau cánh rừng đen âm u và dập dềnh như sóng hiện ra một cột ánh sáng vàng chói vọt thẳng lên trời và trải rộng ra thành hình dẻ quạt ở chân trời phía đông. Mặt trời đã mọc. Lớp sương mù dềnh lên, tan tác thành nhiều mảnh trôi lềnh bềnh và biến thành những vòng hoa tang mỏng manh bay bay, và cái phá không còn mạng che mặt, nằm, láng bóng và đen nhánh trong những mảng tối dày đặc dưới chân bức tường bằng cây rừng. Một con đại bàng trắng vụt bay lên bằng một đường bay nghiêng chậm chạp gặp ánh mặt trời chói chang nó sáng lóa lên trong khoảnh khắc, rồi bay lên cao nữa, thành một vệt tối và bất động, trước khi mất hút vào bầu trời xanh như thể vĩnh viễn dời xa mặt đất. Người đàn ông da trắng đứng trước cửa ngước mắt nhìn trời, nghe thấy từ trong nhà vọng ra tiếng lầm rầm bối rối và đứt quãng của những lời quẫn trí, kết thúc bằng một tiếng rên lớn. Bỗng nhiên Arsat nháo nhào chạy ra, hai cánh tay giang rộng, rùng mình và đứng lặng hồi lâu với đôi mắt vô hồn. Rồi anh nói:

– 11 –

“Nàng không còn sốt nữa!”

Trước mặt anh mặt trời tròn vành vạnh trên những ngọn cây, chậm rãi lên. Gió nhẹ thổi, một vẻ rực rỡ bừng lên trên phá, lấp lánh trên mặt nước gợn sóng. Rừng ra khỏi những bóng mây buổi sáng, trở nên rõ ràng khác biệt, như thể chúng đang đua nhau chạy đến gần, đột ngột dừng lại trong cái xôn xao của lá, cái đung đưa của cành. Dưới ánh mặt trời tàn nhẫn tiếng thầm thì của cõi sống vô thức như lớn hơn, nói bằng một giọng không ai hiểu nổi, quanh bóng tối lặng câm của nỗi buồn đau kiếp người. Đôi mắt của Arsat nhìn vẩn vơ rồi dán chặt vào mặt trời đang lên.

“Tôi chẳng thấy gì cả”

Anh nói giọng hơi lớn với chính mình.

“Có gì đâu mà thấy”

Người da trắng nói và bước ra đến mép sàn giơ tay vẫy chiếc thuyền của mình. Một tiếng kêu yếu đi qua phá và chiếc thuyền bắt đầu lặng lẽ trườn đi hướng về nơi trú ngụ của người bạn của những hồn ma.

“Nếu anh muốn đi với tôi, tôi sẽ đợi hết buổi sáng” Người da trắng nói, nhìn xa xa trên mặt nước.

“Không, Tuân ạ. Tôi sẽ không ăn hay ngủ trong nhà này, nhưng trước hết tôi phải nhìn thấy con đường của tôi. Bây giờ tôi không nhìn thấy gì cả, không thấy gì cả! Không có ánh sáng, không có hòa bình trên thế giới, nhưng có cái chết, cái chết cho nhiều người. Chúng tôi là con cùng một mẹ, và tôi đã để anh tôi lại giữa những kẻ thù; nhưng bây giờ tôi đang trở lại.”

Anh hít vào một hơi sâu và tiếp tục nói bằng giọng mơ mộng

“Chỉ một chút nữa thôi là tôi sẽ thấy đủ rõ để nghĩ ra – để nghĩ ra. Nhưng nàng đã chết… và , bây giờ tất cả lại tối đen”

Anh vung rộng hai tay để nó rơi xuống bên mình, rồi đứng yên với bộ mặt im lìm bất động và đôi mắt hóa đá, chăm chăm nhìn mặt trời. Người da trắng xuống thuyền. Những chân sào chạy thoăn thoắt dọc mạn, nhìn qua vai vào nơi xuất phát của một hành trình mệt nhọc. Ngồi cao trên đuôi thuyền, đầu quấn khăn trắng, người lái thuyền buồn bã thả cho mái chèo kéo lê dưới nước. Người da trắng tì cả hai cánh tay lên mái cỏ của khoang đuôi, nhìn những ngọn sóng lăn tăn lấp loáng phía sau thuyền. Trước khi con thuyền ra khỏi phá để đi vào con rạch, anh ngước mắt nhìn lên. Arsat vẫn đứng yên không động đậy. Trong ánh nắng tinh khôi sáng tỏ và xuyên thấu, anh vẫn đứng bất động trước nhà và vẫn nhìn qua ánh sáng rực rỡ của một ngày không mây vào bóng tối vô vọng của thế giới.

Bản Tiếng Việt ©: 2009 Hiếu Tân

[1] ‘Tuan’ trong nguyên bản

Read Full Post »

Nguyên Hạ-Lê Nguyễn

Những con đường mà tôi đã đặt bước chân đầu tiên đến trong thành phố này …êm ả và xanh màu lá, nó không sang trọng, không đẹp như trong huyền thoại của một bài văn tả lúc hưng phấn nhưng nó mang chút mộc mạc và êm đềm…trong tâm hồn tôi.

Buổi sáng đầu tiên thức dậy sớm để chuẩn bị đi làm, hình ảnh dễ thương của những đôi mắt tròn xoe, long lanh, ấm áp, nhìn tôi như mở lời chào người bạn mới quen, bạn tôi đã leo xuống từ những cành thông vững chãi, giương mắt nhìn người bạn mới đến, rồi nhanh nhẹn chạy lắc xắc quanh những bụi cây , bờ cỏ…

Những con sóc màu xám nâu , xuất hiện khắp mọi nơi, vì không ai đuổi bắt nên trở thành dạn dĩ và gần gũi , là hình ảnh thân thương nhất mà tôi gặp trước tiên ở vùng đất mới này, nó thường đi kèm với những cây thông mạnh mẽ, màu xanh của lá, hòa quyện với màu trời trong veo, những chân bước mỹ miều của những con Sóc nhỏ…một bức tranh mộc mạc, ít màu sắc nhưng đầy dung dị, mượt mà .

Tôi nhủ thầm….Mình sẽ chọn thành phố này để làm quê hương thứ hai của mình chăng…Tôi đã chọn thành phố này ở hướng Nam vì gần khu da đen nên giá nhà rẻ hơn phía Bắc là khu tập trung người da trắng… vật giá và nhà đất cao hơn chỗ của tôi.

Công việc và cuộc sống đưa đẩy, những đứa con có thêm bè bạn, những quen thuộc lối đi về, cho dù tại nơi này không cho tôi những kỷ niệm mượt mà trong cuộc đời nhưng vì thói quen, vì khả năng ít ỏi nên tôi cũng không rời xa nó được mặc dù cũng đã có lần tôi muốn thay đổi cuộc sống, thay đổi hình tượng cho cuộc đời mình…và tôi cũng đã có chút thành công tại nơi này. Nên tôi vẫn bám trụ cho tới ngày nay …

Trên những con đường quen thuộc ấy, vết xe tôi đã lăn bánh bao lần suốt bao nhiêu năm qua, từ lúc tôi nhìn cái gì cũng lạ lẫm, cái gì cũng muốn khám phá , như một thực khách trên một chuyến tàu trên một chuyến viễn du….món ăn nào của xứ lạ cũng muốn biết qua, nếm thử….và tôi cũng đã nếm đủ những vị đắng cay và ngọt bùi nơi vùng đất này cùng với các con tôi ở đó….

Những thân quen, những lưu luyến của cây cỏ, những việc làm quen thuộc đã từ từ thấm sâu vào từng tế bào trong cơ thể mà không thể lìa xa….ở đây không tráng lệ như những thành phố xa mà tôi nhìn thấy trong phim ảnh, không tiện nghi như Cali fornia, không rộn ràng như Texas, không đẫm sương mù như những thành phố phía Bắc Mỹ…nhưng những con người sống bình dị, ít đua đòi bon chen và ở đây, những con người địa phương ,bình dân và không kỳ thị chủng tộc như những con người sinh sống ở những nơi sang trọng mà tôi đã từng đọc biết qua sách báo và chuyện kể. ngày đầu tiên mới đến nơi này…đã qua ba thập kỷ… những người da trắng rất đông, sau họ dọn lần về hướng bắc, có lẽ vì sự kỳ thị âm thầm nên họ ra đi…những người dân Việt nghèo như chúng tôi bám trụ và sống hòa mình với người da đen và người Mexico siêng năng khốn khổ hơn người Việt( vì họ không được chính thức được nhập cư, họ không có tấm thẻ xanh như ngượi Việt mới đến, họ không được nhận vào làm chính thức tại các hảng xưởng…sau năm năm họ không được thi lấy quốc tịch Hoa kỳ…niềm mơ ước của biết bao người dân khắp thế giới về cuốn sổ gọi là ” PASS PORT ” của Hoa Kỳ…” Đó cũng chính là niềm tự hào của biết bao người Việt lưu vong …họ bỏ nước ra đi không kể đến mạng sống để chỉ mong hưởng được không khí tự do và có thể phát huy khà năng của mỗi con người và quyền bình đẳng của mỗi con người mà không một đất nước nào trên thế giới có được.., Đó chính là niềm tự hào và biết ơn của chính tôi với quê hương thứ hai mà tôi đang hiện diện.

Thời gian như khói sương…đến chẳng hạn kỳ và ra đi không thốt lời giã biệt…Ngày tôi mới đến thành phố này, tuổi thời gian còn xanh trên mái tóc, chập choạng tuổi bốn mươi, thời gian đẹp nhất của người đàn bà,…bương chải, lăn lộn, tìm tòi, khám phá…bằng tất cả mồ hôi , nước mắt của mấy mẹ con…Thời gian qua nhanh quá…tôi chưa kịp nghĩ hạnh phúc riêng tư cho mình thì…Tóc xanh đã nhuốm sương pha…các con tôi đã lớn khôn và tất cả đã lìa xa chân mẹ….

Thành phố này đã giữ chân tôi với những cột ràng không rõ nét, những gốc thông già không biết đã từng bao nhiêu tuổi, chứng kiến bao tháng ngày hụt hẫng của đôi tay chới với lúc thất thế đớn đau…và những lúc mừng vui vì một lần con tôi vui mừng báo tin vui trong cuộc đời chúng khi chúng ra trường và những ngày chúng thành hôn bên giáo đường với người chúng thương yêu gắn kết.

Bây giờ ngồi nhẩm tính lại những bối cảnh của cuộc đời mình đã đi qua…Vui buồn…Hỉ …Nộ… Ái….lạc…tôi đã có hết rồi sao…Tuổi bảy mươi đã cận kề bên song cửa, chấp chới ngoài kia như nhắc nhở chúng ta … .

Hãy lấy vào những món hàng mà ta đang phơi ngoài sân vào nhà vì hoàng hôn đã xuống….cái khoảng thời gian ít ỏi của bóng chiều ập xuống rất nhanh …giật mình thảng thốt…ơ hay bóng tà dương đang mấp mé bên đèo….

Cuộc đời của mỗi con người như một dòng sông chảy xuôi…êm ả và luân lưu. có khúc rộng, khúc nông sâu, nhưng rồi cũng có hồi xuôi ra biển lớn, những vết hằn trên má, trên môi cũng không xóa nhòa được vết cắt của thời gian….Khoa học và sự sáng tạo của con người cũng giúp chúng ta ” Níu ” lại một chút tháng năm hao hụt nhưng tâm hồn và thực chất trong ta có làm xóa nhòa hết những vết nhăn của thời gian không ????

Mỗi khi nhìn những con sóc nhỏ chạy quanh sân vườn, tôi ao ước hòa chung vào cuộc đời vô tư không thấy tuổi thời gian hằn lên thân thể và cuộc đời chúng…làm sao biết đượcchúng sinh ra từ bao giờ và ra đi tự lúc nào??? Quanh quẩn với những ưu tư về cội nguồn và sự ra đi của một con sóc và tuổi thọ của một cây thông…những hình ảnh thân quen và theo tôi suốt những năm tháng đã qua trong thành phố lạ mà nay đã là thành là thành phố của tôi…màu lá xanh vẫn mờ nhạt trong tâm thức mỗi ngày, mỗi khi rời xa thành phố … ngồi trện máy bay nhìn xuống…qua khung cửa kính của thân bay khi thấy những rừng lá xanh đậm màu quen thuộc, màu lá của thành phố tôi đang sống xanh đậm màu hơn những nơi khác mà máy bay đi qua…

Thành phố Atlanta, một thành phố không sang trọng trong mắt nhìn của mọi người, thủ phủ của người da đen, chính tại nơi này đã vươn lên sự đấu tranh của người da đen vượt qua gông cùm của những nhà quí tộc da trắng…đem lại sự công bằng của quyền được làm người…đôi lúc gặp bạn bè , có người vẫn thường bảo tôi :” tại sao lại sống ở đó ? nhiều người da đen “..tôi thầm nghĩ :

Mình còn có được cái quyền ấy sao…một con người sống từ một quốc gia nhược tiểu, trôi giạt nơi xứ người….tha phương cầu thực…mình lại có cái quyền được kỳ thị kẻ khác sao ta …? “

. Nhưng thực tế ở đây tôi không nhận ra mình bị kỳ thị chủng tộc, sự khinh rẻ của những con người nhiều tiền lắm của…Ở đây tôi thấy mình vẫn hiên ngang trước mọi người và trong công việc giao tiếp hàng ngày đôi lúc những người dân bản xứ lại bảo với tôi rằng : – Mày có kỳ thị tao không ??? _

Tại sao mày kỳ thị tao ??? Tôi đã từng ôm họ vào lòng, ngỏ lời xin lỗi vì đôi khi những ngôn ngữ dị biệt đã làm hai bên hiểu lầm nhau, những tâm hồn bình dị , mau quên và xuề xòa, có những người da đen hiền lành dễ thương, lúc nào cũng mang nặng nỗi buồn và mặc cảm mình là người da đen bị kỳ thị sắc tộc.. . Nhưng cũng vẫn coi chừng vì cũng có nhiều tệ nạn mà ở nơi nào cũng có…chỗ làm việc của tôi, hầu hết phục vụ cho người da đen, nhưng tôi cũng chưa gặp những tình huống nào không giải quyết được, và đôi lúc họ còn sợ những người da màu coi thường họ. .

Họ có biết đâu, trong tấm lòng của những người da màu chúng ta, sống nhờ trên đất nước này…thì chúng ta làm sao hơn được ai đâu mà nói chi những lời sang trọng ấy với ai ….

Nhưng đó là trong tâm thức của mỗi con người, cũng có những người trong chúng ta lại cho mình là cao trọng hơn tất cả thì đó cũng là quyền của mỗi người…

Đã có lần tôi chứng kiến những rẻ khinh của một người da Trắng, khi họ mua một món hàng và khi có người da đen vào đứng cạnh và cũng muốn mua món đó…người da trắng lặng lẽ bỏ đi.trong khi họ đã trả tiền món đồ đó… trong tiếng réo gọi của kẻ bán hàng,

Những cái quay lưng, những cái nhìn xa lánh, lạnh lẽo thiếu tình người…ngay cả những lớp trẻ thế hệ con cái tôi…Sau khi thành đạt ở chốn này…chúng đủ lông đủ cánh cũng lìa xa vùng đất này bỏ lài ‘ Bà già tôi” trong căn nhà hoang vắng …Chúng chuyển về nơi đô hộicho tương lai sáng sủa hơn …Tôi vẫn hoan hỉ mừng vui cùng các con trong niềm đau và sự tủi buồn từng đêm đối diện với căn phòng đơn lẻ…

Các con cháu tôi cũng theo bước chân những gia đình người da trắng dọn về những vùng cao, và những căn nhà rất đắt tiền.

Rồi sau đó cũng có những gia đình người Việt nhiều tiền lắm của dọn theo họ…Sự sinh tồn mãi luân lưu…chỉ còn lại những người già xưa cũ âm thầm trong những căn nhà …của ngày mới đến…

Tôi không làm được như nhiều kẻ tài ba khác… nên bám trụ lại nơi này Tôi đã từng chứng kiến những cảnh đau lòng mà chúng ta chỉ biết âm thầm cúi mặt , bút mực nào tả hết đoạn trường của kẻ lưu vong …

.Ngày trước còn có những nơi có bảng cấm người da màu không được vào một số các nơi giải trí và nhà hàng sang trọng …ở thành phố này tôi chưa bao giờ nhìn thấy.

Thành phố Atlanta là nơi đã cưu mang mấy mẹ con tôi từ những ngày mới đến đất nước này sau một thời gian hưởng trợ cấp tại Hawaii … Bây giờ các con tôi đã thành đạt, những đứa cháu tôi lần lượt ra góp mặt với đời…cũng tại nơi này, một vùng đất quen thuộc với gia đình tôi, tôi đã hít thở không khí tự do.mà không bị coi là mình ” Bị kỳ thị ” khi ra đường hay trong công sở…tại nơi này , chốn thân quen của tôi gần mấy chục năm qua .

Những luyến lưu của con người, cây cỏ, thú vật và những ngọn gió bình yên thổi mát những tháng năm yên ắng của buổi chiều tà… thành phố có những nét gần giống Đà lạt của quê nhà, nhưng không có màu đất đỏ làm lấm gót chân thành phố có bốn mùa rõ rệt và thân quen mỗi con đường mà tôi đã bước qua….Những cây cỏ trong vuồn sau sân trước do chính tay tôi vun quén…Tôi muốn ở lại chón này cho tới ngày tôi ra đi mãi mãi…

Bây giờ tôi chỉ mong sao cuộc đời tôi sẽ được như cuộc đời của con sóc nhỏ , quẩn quanh bên những rặng thông già vững chãi, yên ổn về nơi xa mờ của của thành phố bình yên, một quê hương thứ hai … cho đến ngày nào tôi được trở về quê hương thực sự của mình, .Ở đó tôi sẽ gặp lại những người thân, mồ mả cha mẹ, gặp lại những bạn bè tôi ở đó ..và nhất là gặp lại người tôi mến yêu còn ở đó…

Mỗi ngày đứng bên trong cánh cửa nhìn ra ngoài, cảnh vật bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, rõ nét và êm ả , cho dù thành phố này không nhiều những bông hoa thắm tươi diễm lệ , không có những trung tâm giải trí to lớn, nhưng ở đây đã giúp tôi dưỡng nuôi những đứa con tôi lớn khôn., hoàn thành mộng ước đời tôi, âu .cũng là hạnh phúc lắm thay .

Xin cám ơn thành phố đã cưu mang tôi, thành phố xanh màu lá , xin cám ơn quê hương thứ hai đã dưỡng nuôi mẹ con tôi :

Mùa Xuân.. ôi..

.

.Những cành cao xanh lá

Mỗi bước chân …ghi kỷ niệm mỹ miều

Nỗi cô đơn pha nhạt với nắng chiều

Hoàng hôn phủ ….mình ai thơ thẩn nhặt….

Cám ơn thành phố cho tôi góp mặt

Những thành công và kỷ niệm nhạt nhòa

Thành phố ấy muôn đời tôi nhớ mãi …

Những ơn cao mà thượng đế đã ban

Quê hương thứ hai đã phải cưu mang

Là tôi đó … ân sâu …niềm khát vọng…

Atlanta Tháng Hai 2023

Nguyên Hạ- Lê Nguyễn

Read Full Post »

Con sẽ về

Trần Dzạ Lữ

.

Con sẽ về dù ngăn sông cách núi(*)

Huế không còn thấy hạt gạo de xưa(**)

Nhưng thơm thảo đến ngàn năm lòng Mạ

Khi ngang hồn rưng rức tiếng ầu ơ…

.

Trên chuyến tàu đậu lại ngọt giấc mơ

Con băng băng qua Trà Am quỳ gối

Đứa giang hồ quy cố hương xưng tội

Bất hiếu này xin Mạ thứ tha cho !

.

Bốn mươi năm đất cũ dang tay chờ

Vậy mà con đi tha phương biền biệt

Bể dâu lắm người ơi, xin thưa thiệt

Bởi óc cùn, chí đụn giữa ngu ngơ…

.

Con sẽ về tắm lại dòng sông thơ

Rất soi bóng kinh thành lúc có Mạ

Người con gái Công Tằng còn thỏ thẻ

Lời như chim? hay lạc bến xa bờ?

.

Sẽ thanh tẩy lòng con nơi thu Huế

Đẹp như chuông thánh thót buổi ưu đàm

Sẽ vô ưu tháng ngày nơi cố xứ

Kệ dương gian còn chộn rộn, tranh giành…

.

Trần Dzạ Lữ

(*) Lấy ý câu nói của Nguyễn Bá Học: Đường đi khó ,không khó vì ngăn sông cách núi/Mà khó vì lòng người ngại núi, e sông…

(**) Gạo De An Cựu nổi tiếng ngày xưa

Read Full Post »

Bửu Nam

.

1- TỪ THƠ PHẢN CHIẾN ĐẾN TẠP BÚT VÀ THƠ TRỮ TÌNH CHIÊM NGHIỆM

Nguyễn Công Thắng trước 1975 thường làm thơ phản chiến , kêu gọi hoà bình và thể hiện tình tự dân tộc .

Thơ của ông thường đăng trên các tờ báo của học sinh sinh viên tranh đấu và nổi tiếng nhất là bài thơ “Đứa bé và ổ bánh mì” thường được in lại nhiều lần trong các tuyển thi ca của phong trào đô thị .

Bài thơ này với giọng thơ cay đắng chua xót , xót xa,mỉa mai về một lối học vẹt ,tố cáo sự bất công của xã hội đối với trẻ em nghèo và nêu thực trạng của một đất nước bị chiến tranh tàn phá.

Sau 1975, ông làm thơ ít đi mà chuyên viết về tạp bút có hơi hướng chính luận , báo chí trong hai tập “Con mắt dọc đường” ( Nxb Trẻ,2008)và “Vẩn vơ nơi ga xép “ (Nxb Trẻ 2018)nêu lên nhiều vấn đề xã hội văn hoá mang tính thời sự và có giọng tranh luận, hoặc khơi gợi được nhiều sự suy nghĩ của độc giả.

Tuy vậy, thơ ca gắn bó suốt đời của ông . Nó nói lên nỗi lòng của ông , tâm sự về những trăn trở, thao thức của tâm hồn ông về nhiều mặt của đời sống riêng cũng như đời sống xã hội bề bộn, ngổn ngang chung.

Nhiều bài thơ của ông đã đăng trên các trang văn nghệ của các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ và sau này ông gởi đăng nhiều chùm thơ có chất lượng nghệ thuật tới các tạp chí văn nghệ có uy tín như Tạp Chí Sông Hương, Tạp chí Thơ của Hội Nhà Văn.

Những bài thơ này được ông gom lại trong tập thơ “Ngồi thấy xa xăm và các bài thơ khác” ( Nxb Hội Nhà Văn, 2016 )( NTXX)

2- “NGỒI THẤY XA XĂM VÀ CÁC BÀI THƠ KHÁC”: TẬP THƠ KẾT TINH MỘT ĐỜI NGƯỜI LÀM THƠ

Tập thơ NTXX này là kết tinh của một đời làm thơ của Nguyễn Công Thắng, nó được chọn lọc và tinh tuyển để không có bài nào dở hoặc trung bình. Chỉ vọn vẹn có 29 bài, nhưng tập thơ “Ngồi thấy xa xăm và các bài thơ khác” lại thể hiện một thế giới thơ độc đáo với một bút pháp riêng , điêu luyện trong cách sử dụng và vận hành ngôn từ một cách ma mị trong một thứ nhạc điệu riêng của tâm hồn ,gây được xao xuyến trong lòng người đọc.

Có thể nói thế giới thơ của ông gắn liền với tâm thức thơ đầy nỗi niềm tâm sự của kẻ bị lưu đày ở thế gian, lưu lạc phương xa mưu sinh trong một nghịch cảnh xã hội nhiều biến động. Tâm thức thơ này bị đẩy đưa vào một cõi nhân gian đầy bất trắc phấp phỏng ,và trong cõi người ta này, nhiều ảo tưởng thời thanh xuân của ông bị vỡ tan .

Cho nên tập thơ này của ông , thơ của một người đã già , đã gần đất xa trời, cuối đời ngồi chiêm nghiệm hồi nhớ lại những quãng đời mình đã sống, đã thở , đã mơ , ngay cả một thời trẻ dại xa lắc .

3- VỀ HÌNH THỨC VÀ CÁC THỂ THƠ ĐƯỢC SỬ DỤNG

Về hình thức thơ, Nguyễn Công Thắng sử dụng nhuần nhị và tài hoa các thể thơ cố định 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, thơ lục bát, ( trong đó hai thể thơ lục bát và thơ năm chữ được ông hay dùng). Nhưng điểm nổi bật nhất là ông thích sử dụng thể thơ tự do và chính thể thơ này cái tôi trữ tình chiêm nghiệm của ông tung hoành thoải mái và thể hiện được nhiều nỗi lòng của ông nhất và chính các bài thơ thuộc thể này có đóng góp mang tính cách tân so với các thể thơ cố định.

Về cấu trúc các thể thơ trong tập NTXX ,ta có thể nhận thấy qua thống kê như sau :

-Thơ bốn chữ (1 bài , “Nhiều khi thấy núi”)

-Thơ sáu chữ ( 3 bài,”Mùa thu chết- giã biệt”, “ Về với biển”, “ Từ biệt “)

-Thơ bảy chữ (1 bài,”Đêm nghe sông chảy”)

-Thơ lục bát (5 bài, “ Một mai én nhỏ”, “Đồi núi ngập ngừng”,”Bởi vì”,”Một mình”, “Điệp khúc ru người “)

-Thơ năm chữ (10 bài,” Nhủ thầm trên bước chân”,”Hoa quỳ dại ở Đơn Dương”,” của Tiếng vỗ một bàn tay”,”Chờ em chiều cuối năm” …) đặc biệt trong đó là chùm thơ ngắn 5 chữ “Ngày tháng Huế”( “Cổ thành”,”Bên sông”,Đường áo trắng”, “Hương oanh trảo”, “Trên đồi”, “Mưa qua cầu”)

-Thơ tự do (13 bài, mỗi bài thường hai ba trang, như các bài: “Ban mai thong thả, “Tình khúc “,Người chơi kèn Sa Xô và cơn sốt đen”, “Ngồi thấy xa xăm “, “Blues mưa”,Trò chuyện với đại bàng con”,”Lệ đỏ”,”Bài hành cuối năm Tuất”,”Em và hoa trái”, “Có một ngày vui như thế “, “Khúc nguyện cầu-hạn mặn”,”Xin lỗi,hoa dại”,”Cà phê đen mùa đông”…)

Ngoài ra, có thể nói, thủ pháp sử dụng các điệp ngữ , điệp câu và từ láy tạo nên một điểm nhấn của tính nhạc đặc biệt trong thế giới thơ Nguyễn Công Thắng

4- “CỦA TIN CÒN MỘT CHÚT NÀY…”

Mở đầu tập thơ NTXX là một bài thơ lục bát ngắn 6 câu , “ Một mai én nhỏ “,nhưng là một lời tâm sự đầy tiên cảm về lẽ mất-còn, sự có-không của cuộc đời và thế gian. Nhà thơ tự ví linh hồn mình mình như một cánh én nhỏ trong mùa xuân rộng lớn cuộc đời, một ngày nào đó ,én sẽ lìa đường bay để đến với cõi vĩnh hằng vô tận và tập thơ như một lời chiêu hồn , gọi hồn :

“một mai lạc phố quên đường ,theo con én nhỏ tìm phương mà về,một mai rồi một mai kia,thôi con én nhỏ đã lìa đường bay,

một mai rồi một mai này,tìm con én nhỏ giữa ngày mộng du”

Đây là một bài thơ đầy triết lý chiêm nghiệm mang tính bản thể,nó như được phóng vọt từ cõi vô thức thẳm sâu của cái tôi trữ tình nhà thơ . Với cách sử dụng điệp ngữ thời gian phiếm chỉ một mai ( 6 lần) , biểu tượng chim én ( 3 lần), quên (2 lần), tìm (2 lần), thời gian phiếm chỉ đối lập “rày”, “kia”, phối hợp giữa lạc (phố), quên ( đường) , tìm phương, tìm quên và “cõi mộng du” ,bài thơ dù chỉ 6 câu đã mở ra nhiều cách đọc, và trở nên lung linh đa nghĩa . Tính đa nghĩa cũng là bản chất thế giới thơ của thi sĩ này.

Kết thúc tập thơ cũng là một bài thơ lục bát “ Điệp khúc ru người” đầy nỗi niềm tâm sự mang âm hưởng ca từ của Trịnh Công Sơn và thơ lục bát của tập Lửa Thiêng ( Huy Cận)

“ ru người lạc mấy tao nôi,bơ vơ câu hát, bồi hồi nhịp đưa, ru người phiêu bạt cuối mùa,về nghe lá đổ vườn xưa ngập lòng,ru người qua cuộc bão giông ,còn đây vạt nắng ươm hồng ngày mai, ru người thao thức đêm dài,dịu dàng mưa nhỏ rơi ngoài mái hiên, ru người mắt đẫm lệ phiền,nhân gian thôi cũng một miền xót thương”

Sáu điệp khúc ru người cũng là sáu điệp khúc nhà thơ ru mình qua cuộc bão giông và phiêu bạt thế gian để đọng lại hình ảnh của cái tôi thẳm sâu của nhà thơ “mắt đẫm lệ phiền” và “xót thương cho cõi nhân gian” đã từ biệt, khép lại hồn một tập thơ .

Thơ đối với thi sĩ là thế giới còn lại lắng đọng trong tâm thức để :

“ tôi còn ngồi giữa cỏ cây, vu vơ hát tặng tháng ngày đảo điên(…) ,tôi còn ru mãi tình thơ, dù thời xanh chỉ một thời thoáng qua(…)bỏ quên ngày tháng phiêu bồng, tôi còn ở lại giữa miền nhân gian” ( bài lục bát “bởi vì”)

Đôi khi,nhà thơ đã dự cảm: “về trong bụi đỏ sương ngàn, cõi trăm năm bỗng bàng hoàng mây qua” ( bài thơ lục bát “ đồi núi ngập ngừng”)

Nguyễn Công Thắng đã từ giã cõi thế gian tháng 12 năm 2021 của năm rồi, năm năm sau khi tập thơ NTXX này được ấn hành.

Thơ lục bát của Nguyễn Công Thắng điêu luyện không kém gì thơ của Huy Cận, nhưng rõ ràng mang một dấu ấn riêng vì thế giới thơ của ông đã trải qua tâm thức hiện sinh và đã phần nào chịu ảnh hưởng của thơ lục bát của Bùi Giáng, Hoài Khanh, Nguyễn Đức Sơn … một kiểu thơ lục bát về thân phận con người .

5- THƠ 5 CHỮ , 6 CHỮ , THƠ CỦA SỰ CHIÊM NGHIỆM TRONG CÕI LẶNG “BUỒN TỚI BAO GIỜ “

Thơ năm chữ cũng là kiểu thơ thi sĩ ưa thích, nó thể hiện sâu xa sự chiêm nghiệm từ một thế giới cảm xúc lắng đọng được kết tinh :

“nhè nhẹ nhè nhẹ thôi,bụi lên mờ ký ức,tiếng đàn xưa đã bặt,giữa huyên náo chợ đời(…)nhè nhẹ nhè nhẹ thôi, lá khô ngoài hiên vắng,người ngồi im với bóng, môi đau đã xa lời,nhè nhẹ bàn chân ơi “ ( bài thơ”nhủ thầm trên mỗi bước chân”)

Hoặc đầy tính triết lý chiêm nghiệm thiền , mang tính dự cảm về cái chết để lại sự lẻ loi cho người vợ yêu dấu trong bài thơ “ Tiếng vỗ một bàn tay”:

“vỗ vào đêm thinh lặng,nghe một tiếng thở dài(…) vỗ mây xa biền biệt,rớt lại tiếng hư không (…), vỗ bàn tay lẻ đôi, nghe vọng về tiếng khóc “

Các vùng đất Đơn Dương và Huế , nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống và sáng tác, cũng là vùng đất thẩm mỹ đối với thơ 5 chữ của Nguyễn Công Thắng, tuy nhiên ông chú ý những nét hết sức đặc biệt của các vùng đất đó. Chẳng hạn vùng Đơn Dương ông ghi lại ấn tượng cảm xúc hoa quỳ vàng:

“thoáng rồi xa xa mãi,Đơn Dương ơi Đơn Dương,rực vàng hoa quỳ dại,chiều vàng trôi trên đường(…) Đơn Dương ơi Đơn Dương, thoáng rồi xa biền biệt,trái thông rơi ngẩn ngơ,miền hoa quỳ tha thiết, để bâng khuâng bây giờ”( Hoa quỳ dại ở Đơn Dương)

Riêng Huế là nơi Nguyễn Công Thắng đã từng sống hơn mười năm , từ thời học lớp 12 C Quốc Học, cho đến 4,5 năm ở Đại Học và 4 năm dạy ở trường ĐHSP Huế, gốc gác thân sinh của Thắng cũng là người Huế gốc , vùng Kim Long, nên ngày tháng ở Huế đối với ông trở thành một ký ức thẳm sâu . Ông đã viết 6 bài thơ 5 chữ ngắn, 4 câu, mang tên chung là “Ngày Tháng Huế”, dù mỗi bài đều có nhan đề riêng. Chẳng hạn như bài “Cổ Thành” dưới đây, ông khắc họa nét nhấn “màu rêu thẩm cổ tích”và “tiếng chim rơi trong cô tịch cổ thành”:

“chiều nào như chiều xưa,rêu thẩm màu cổ tích,tiếng chim rơi cô tịch,vang động cả miền xanh”

Hoặc hình ảnh và màu sắc thật đẹp trong bài “đường áo trắng” : “đường xanh thơm lá ngọc, áo trắng về như mây,phượng đỏ

bừng nắng hạ,đường tương tư thở dài”

Mưa cũng là đặc sản Huế trong bài thơ” Mưa qua cầu”

“mưa mù sông mù phố,qua cầu lạnh bàn tay,buồn mưa không vuốt kịp ,để trôi theo sông dài”

Bài thơ 6 chữ “Về với biển” là bài thơ ghi lại quãng thời gian ông sống và dạy học ở Đại học Sư Phạm Quy Nhơn năm 1981,cũng là bài thơ khá hay ,tâm sự nỗi lòng : “từ ấy ta về ở biển, buồn vui gởi lại phố xưa,hay đâu nhiều đêm bãi vắng, sóng xô buồn tới bao giờ”

6- THƠ TỰ DO, SỰ TUNG HOÀNH NGANG DỌC THOẢI MÁI CỦA CÁI TÔI HOÀI NIỆM VÀ NHỮNG CẢM XÚC LIÊN TƯỞNG ĐỘC ĐÁO CỦA THI SĨ

Thơ tự do là thể thơ Nguyễn Công Thắng ưa thích , chiếm đến 13 bài trong tập thơ NTXX , chính tính tự do dài ngắn không đều của các câu thơ, sự dàn trải kéo dài văn bản,cho phép kết hợp tính truyện với tính thơ,ít bị vướng bận bởi vần điệu ,nên nhà thơ bày tỏ được nhiều nỗi lòng và ngỏ được cõi tâm sự .

Một phần khác,thể thơ này rất phù hợp để thể hiện thế giới hoài niệm như tên bài thơ được lấy để mang nhan đề chung của tập thơ , bài “Ngồi thấy xa xăm “ dưới đây . Bài thơ này rất dài chiếm đến 5 trang giấy và chia làm 14 khổ thơ . Có thể nói đây là bài thơ hay và để đời của Nguyễn Công Thắng, nó vừa mang tính kép: cảm xúc hoài niệm về thế giới tuổi thơ trong lúc tuổi đã xế chiều,kết hợp với tính chiêm nghiệm sâu xa về sự thật đời sống trong giọng điệu u hoài.

Thời gian nghệ thuật của bài thơ “Ngồi thấy xa xăm “được lồng ghép giữa hiên tại và quá khứ, nó lại gắn với không gian thiên nhiên qua ánh nhìn trẻ thơ. Nó cũng gắn kết với không gian xã hội với nhiều kiểu người gây ấn tượng cảm xúc mạnh trong tâm trí nhà thơ tuổi nhỏ như “ông già đẩy xe kem sống lưu lạc không vợ con”,”cô hàng xóm có giọng nói ngân nga”,”ông giáo già khuôn mặt khắc khổ”,”anh gù dở hơi nhảy lò cò mua vui””,anh nghệ sĩ ghi ta ốm o ca bài mùi mẫn”. Bên cạnh đó là thế giới người thân, với những hình ảnh “anh tôi tập hút thuốc, nhổ giò, cái mền đắp chung thiếu trước hụt sau”,”mẹ tôi ngồi dịu dàng đơm lại khuy nút áo bị đứt”,ba tôi ngồi gối đầu nặng trĩu gánh gia đình, gởi nỗi nhớ nhung trong ánh nhìn thiết tha vào đám mây trắng bay về cố xứ… Cấu trúc thời gian nghệ thuật bài thơ chia làm hai lớp : từ hiện tại trở về với quá khứ, với cái hình ảnh “tôi thấy” ( thật ra ,là tôi hồi nhớ, tôi hồi tưởng) , lặp lại trong 9 khổ thơ. Bên cạnh đó,lớp thời gian từ quá khứ trở về với hiện tại với cái nhìn và giọng điệu chua xót, thế giới trẻ thơ vỡ tan với cái chết, sự tàn lụi đau buồn với hình ảnh giờ một ông già ngồi lại lặng yên nhớ lại một quá khứ không xa,mang vẻ sầu muộn khác: cái thị xã miền Trung buồn hiu đêm vọng về tiếng súng với nỗi bơ vơ đám trẻ lớn lên thời chiến, cô gái hàng xóm đã trải đời , giờ như một bông hoa tàn rũ,chàng nghệ sĩ ốm o đã trở thành kẻ nát rượu, anh tôi đã chết trong chiến tranh, mẹ tôi cũng đã không còn để đơm trong bàn tay ấm chiếc nút áo đứt lìa…

Các đoạn lặp : ngồi lặng yên và xa xăm trải dài, phía sau đôi mắt mệt mỏi,phía sau sương khói, phía sau muộn phiền, tôi thấy..ở khổ 1 và khổ 12 tạo nên một kiểu nhạc điệu hồi tưởng rất hay . Cái thế giới trẻ thơ là một thế giới kỷ niệm dịu ngọt trong cuộc đời đôi khi cay đắng , phong ba. Ở thế giới đó, tụi dứa dại, và đám cây mắc cỡ cũng sống như con người với thủ pháp nhân hoá, ở thế giới đó ,cái tôi trữ tình như được vũ trụ hóa , tôi nhập vào gió, vào đám dứa dại, vào hoa mắc cỡ, vào lũ chuồn chuồn, vào những trái ổi non, vào lũ bong bóng mưa tung tăng ca hát trước hiên nhà và tâm hồn trẻ thơ nhà thơ cũng như xanh non cùng lũ ổi và ca hát cùng lũ bong bóng. Cái thế giới đẹp đẽ với con sông trong lành và tôi đang ngụp lặn, với cánh đồng mía Quảng Ngãi ngút ngàn, mùa ép mía cả đất trời thơm tho.

Dù tất cả thế giới thơ trẻ đó đã biến mất không tăm tích ,nhưng sâu thẳm trong tận đáy ký ức cái tôi nhà thơ,thế giới đẹp đẽ trẻ thơ đó vẫn hiện diện đâu đó trong cái bóng kỷ niệm thân yêu.

Bài thơ tự do “Người chơi kèn sa xô và cơn sốt đêm”, có cách dùng từ mới lạ như cơn sốt đêm, cơn sốt đỏ bầm, nỗi buồn và tiếng kèn khê khét , bức tường câm,đặc biệt cái tôi trữ tình của người thi sĩ nhập thân vào người nghệ sĩ, nhập thân vào ánh đèn màu, nhập vào tiếng kèn sa xô thổi thổn thức , quay cuồng trong đêm ngột ngạt tạo nên một không khí thơ mới lạ phảng phất kiểu thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền những năm 59, 60 của thế kỷ trước .

Mỗi bài thơ tự do của Nguyễn Công Thắng đều thể hiện một kiểu tâm trạng,một khoảnh khắc riêng của cái tôi trữ tình và có một giọng điệu riêng.

Chẳng hạn bài “ Ban mai thong thả” thể hiện một kiểu tâm trạng yên bình trong khoảnh khắc ban mai thong thả,ở cái tuổi đã lục tuần, uống với bạn bè một tách trà, trò chuyện trong tĩnh lặng, nói những lời nhẹ nhàng làm ấm lòng nhau , thay những lời ồn ào làm đau lòng nhau thuở trước.Đó là lúc tâm hồn đánh thức khóm tường vi để thấy vầng sáng ấm khuôn mặt và linh hồn ban mai hiển hiện trong vị hương trà thơm hương núi đồi và hương tường vi trước sân, vầng sáng ấm áp trên khuôn mặt bạn bè… Tuy vậy cái thế giới bình yên , tĩnh lặng đó rất mong manh, một lúc nữa dòng đời hối hả ùa tới, cơn gió lo âu thổi qua và tất cả biến tan. Bài thơ như là một sự kêu gọi hãy trân trọng lưu giữ khoảnh khắc bình yên hạnh phúc đáng quý trước khi nó biến mất.

Mỗi bài thơ tự do của Nguyễn Công Thắng có một cái hay riêng. Bài “Có một niềm vui như thế” ghi lại khoảnh khắc bạn bè tuổi xế , tóc chớm bạc tự bao giờ,gặp gỡ nhau bên ly bia , nhắc lại một trời kỷ niệm, thời sáng trong như lá non tươi xanh tháng Giêng,nhắc lại nỗi thiết tha kỳ vọng của năm xưa , giờ thành chuyện chắp vá không đâu của người đãng trí… Cạn ly để nhớ những người bạn đã bỏ đi, những người bạn đã mất, nhắc lại chuyện giấc mơ thanh xuân, đau xót đã chưa thành hiện thực , để chỉ cười, để chỉ thương nhau , để thấy một ngày quá vui bên nhau ngật ngưỡng nhưng vẫn thấy nhói lòng . Các điệp ngữ “thôi,cạn ly này để nhớ mình có một thời như thế”, hoặc lặp đi lặp lại câu “một ngày vui đến nhói lòng” tạo một giọng điệu xót xa khi thế giới ảo tưởng vỡ tan.

Nhiều bài thơ tự do hay như “Blues mưa”, Cà phê đêm mùa đông, “Tình khúc”, “Bài

hành năm Tuất …

Nguyễn Công Thắng cũng có những bài thơ tự do mang âm hưởng xã hội như “Khúc nguyện cầu hạn mặn”, hoặc bài mang âm hưởng giao hoà với thiên nhiên bị lãng quên trong thế giới đô thị hóa như bài “Xin lỗi ,hoa dại”, hoặc mang tính triết lý như bài “Đến và đi và…”

7-

TẠM KẾT : THỂ GIỚI THƠ NGUYỄN CÔNG THẮNG- MỘT HỒN THƠ ĐỘC ĐÁO VÀ TẠO ĐƯỢC NHỮNG DƯ BA

Có thể nói dù sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Công Thắng chỉ để lại một tập thơ mỏng , chỉ 72 trang, 29 bài , nhưng đa phần là bài đọc được, một số bài khá hay , vài bài hay . Tập thơ duy nhất NTXX của ông thể hiện được một hồn thơ độc đáo với vũ trụ hoài niệm và giọng thơ trữ tình chiêm nghiệm đa cung bậc, để lại nhiều dư ba xao xuyến trong lòng người đọc và gợi mở nhiều cảm xúc , nhiều chân lý đời sống được chiêm nghiệm sâu xa.

Xưa ,Nguyễn Công Thắng thường ao ước sự nghiệp thơ ca của mình để lại “một chút gì làm tin”

Thưa vâng ,theo tôi,thơ ông đã để lại những bài thơ gan ruột cho đời với nghệ thuật thơ điêu luyện, tài hoa!

-Bửu Nam-

Những ngày đầu Xuân Quý Mão

Có thể là hình minh họa về một hoặc nhiều người và văn bản

Tất cả cảm xúc:

5252

Read Full Post »

Ngày thơ & Nhà thơ

Lê Đức Dục

Kính thưa mười vạn nhà thơ trong một ngày thơ

Kính thưa trăm tập thơ mỗi ngày bình quân xuất bản

Kính thưa trăm nhà thơ chức sắc xủng xoảng

Kính thưa ngàn nhà thơ in vạn bản mỗi tập thơ

.

Kính thưa nhà thơ khoe in một trăm lẻ sáu bài thơ xuân

(In trang trọng trên bảy mươi hai tờ báo tết)

Kính thưa một vạn nhà thơ long lanh lẫm liệt

Card visit thơ in kèm theo mười chín chức danh 🙂

.

Kính thưa một vạn nhà thơ có thẻ hội viên

Kính thưa mười tám vạn nhà thơ đang khát khao có thẻ

Kính thưa đã đủ chưa hỡi vạn nhà thơ xứ sở

Áo rách thi ca, áo gấm thi hào

Và che mặt, thơ buồn nôn thơ ở ẩn

Thơ cợt đùa trêu ghẹo phận cần lao

.

Thơ quốc doanh, thơ tỉa lông tỉa cánh

Đây là nhà thơ -và thi sĩ gào to 🙂

Trên gác cũ con thạch sùng chắt lưỡi

Thơ bây giờ chắt lưỡi thiếu mẻ kho

.

Trả cho thơ về cọng rêu lá cỏ

Trả cho thơ về thăm thẳm lặng im

Móa, xin thơ đừng ồn ào như chợ vỡ

Có nhẽ nào thơ giả được kái kon tim ???

Read Full Post »

Nguyễn Kim Huy

.

Tuổi sáu mươi, tôi trở lại bản thân mình

Đứa trẻ nhà quê sinh ra da khét nắng

Miếng sữa mẹ đầu đời thơm mùi khoai mùi sắn

Chén mắm cá cơm cá nục mặn mòi mỗi bữa tôi ăn

Tuổi sáu mươi, tôi dừng lại những băn khoăn

Làm sao trả được hết ơn cuộc đời, ơn mẹ cha sinh ra, ơn những người giúp tôi khôn lớn

Và tự nhủ mình thôi nguôi giận nguôi hờn

Những ai đó có khi làm mình buồn tủi

Tôi ngồi gỡ những kỷ niệm đời tôi

Như người đánh cá chăm chú gỡ những con cá mắc lưới

Con cá to, con cá khoẻ

Càng giãy dụa càng mắc sâu

Những kỷ niệm càng đẹp, càng khắc khoải cùng nhau

Càng rối bời tấm lưới lòng tôi giăng trải

Ngày còn thơ nơi xóm nhỏ tôi mê hoa mê trái

Suốt ngày lội dọc sông Trầu

Bắt con cá rô, hái chùm dủ dẻ

Trong nắng mai lên căng ngực hít gió đồng

May lớn lên tôi không trở thành kẻ lông bông

Cũng học hành, cũng có nghề có nghiệp

Có anh em bạn bè, có vợ có con có cháu đời mai sau nối tiếp

Nhưng ngọn gió điệp trùng phóng khoáng trên cánh đồng ngợp lúa vàng xưa vẫn nhiều khi làm tôi trăn trở khát khao

Những tự do không trói buộc hồn mình

Dẫu biết nói làm sao cho nỗi niềm tôi cạn tỏ?

Nói làm sao cho cạn tỏ nỗi niềm tôi

Bài thơ này tôi viết cho tuổi sáu mươi, mai tôi thành người khác

Mai tôi hát bài ca lão giả

Bên khúc sông xưa lồng lộng gió đồng

Dọc bờ sông vẫn nở nhiều hoa trái

Bước qua đó là lòng tôi thắm lại

Tôi làm cuộc trở về nguyên vẹn những niềm mơ…

7.12.2022 – NKH

.

Read Full Post »

Older Posts »