Trần Vấn Lệ
Trời Đã Vào Thu
Em ạ, hôm nay trời đổi mùa
Sáng, anh thức dậy đã gần trưa
Hết Hè, ừ nhỉ Thu đang tới
Trời ủ ê buồn như sắp mưa!
Trời ủ ê buồn, chi cũng buồn
Nhìn qua hàng xóm nhớ và thương
Ai đi đâu mất, xe đâu mất
Thấy rớt đầy sân, vàng, lá vàng…
Trời đã vào Thu, có nghĩa là
Chúng ta đang ở tuổi…đang già!
Lạ ghê, Non Nước hoài non nước
Có trách móc người ở rất xa?
Nhiều kẻ đi xa có trở về
Thấy gì? Đẹp nhất vẫn là Quê?
Thấy gì? Cao ngất, nhà cao ngất
Trên phố, ăn mày vẫn bước lê…
Anh bước xuống giường, anh ra sân
Ném cơm cho quạ, chúng chờ ăn
Em đâu không ném về yêu quý
Biển Bắc hay là đang biển Nam?
Mình giống như chim, đã lạc bầy
Cái gì nắm chặt ở trong tay?
Tuổi Xuân, tuổi Hạ, chừ Thu nữa
Hồn sẽ lìa thôi, chiếc lá bay…
Hồn sẽ lìa, ta sẽ tự do
Thương ơi, lúc đó những bài thơ
Anh làm, em đọc và em khóc
Trời đã vào Thu…Ánh Nguyệt mờ!
.
Một Bài Thơ Tự Do
cuộc đời này có nghĩa
dẫu đó là
chỉ một chút thời gian…
Em nhìn kia
cây đã nhuốm vàng
mùa Thu tới
đời có gì đâu mới?
Người ta đi tu với lòng mong đợi
không phải để gặp được một người đúng nghĩa tri âm
mà một đời sau xa xăm
không chắc gì người xưa hiện hữu!
Người ta sống rất cần tha thứ
bởi vì người ta có tội…làm người!
Em cứ đến trễ
Và em chịu mở lời:
“Xin tha thứ cho tôi
Bởi vì đường đi trắc trở”
Không ai nỡ giận em đâu
Kinh Vô Tự là cuốn sách không có
Lời Mở Đầu
Cũng không có chữ nào nơi trang cuối!
Hãy coi như con chim hạc vàng đã bay đi khỏi bầu trời này,
nó về đâu, đừng hỏi
Hoàng Hạc Nhất Khứ Bất Phục Phản
Mây trắng thì…ngàn năm cứ bay!
Người xưa nhớ Quê Hương, tìm đường về quê, không thấy
Chỉ thấy chiều chiều khói sóng mênh mông!
Em của anh ơi, yêu quý vô cùng
Em cứ đến trễ để anh tu tới chết!
Không có gì tự sinh, không có gì tự diệt
Cái còn đây là Tình Yêu, thôi em!
.
Một Bài Thơ Tân Hình Thức
Đêm nay, em ạ, trăng là Nguyệt
Rằm, Tết Trung Thu, Nguyệt của Rằm
Nếu Mạ đừng sinh con gái nhỉ
Thì đời đâu có Nguyệt Giai Nhân!
Đêm nay, em ạ, em duy nhất
Ngự trị bầu trời một trái tim
Anh hỏi tại sao trời đất rộng
Mà lòng anh chỉ hướng về em?
Đêm nay thì cũng đêm năm ngoái
Năm ngoái, bài thơ Nguyệt diễm kiều
Em sáng rực trên đèo Ngoạn Mục
Muôn đời anh chỉ một người yêu!
Đêm nay, con dốc Bà Trưng đó
Những trụ đèn, em ạ, đang nghiêng
Nhớ em mười sáu trăng như nụ
Mười bảy Trời ơi…anh mất em!
Đêm nay, nghĩ tới đêm mười sáu
Trăng vẫn tròn trong chiếc nón thơ
Em ở vườn cau sau bước Ngoại
Rồi sau, sau mãi bóng con đò…
Đêm nay, nghĩ tới đêm mười bảy
Em lấy chồng rồi, tiếc lắm sao!
Cây bưởi, cây bòng hoa tím rịm
Vườn cà anh dạo nát ca dao!
Hỡi Diễm Lệ em, Kiều diễm lệ
Hỡi người con gái của Đơn Dương
Vườn cau Nam Phổ mùa Thu mới
Ai nhỉ ai chờ ai héo hon?
Tôi làm bài thơ tạo cái hình
Từ vầng trăng sáng giữa mông mênh
Biết mình hư ảo đời hư ảo
Ai cấm lòng tôi thương nhớ Em?
Trần Vấn Lệ
Bài thơ đọc muộn , trung thu đã qua nhưng trăng thu trong thơ vẫn lung linh ám ảnh
Trung Thu là ngày Tết mà ngày Tết là ngày vui, chúc ThanhThanh lúc nào, ngày nào cũng vui-như-Tết!
Kim vô tự còn thơ vô tự ? Thơ anh chưa vô tự nhưng đã gần vô tự vì chưa đọc thơ đã biết giọng điệu thơ tình ý thơ.
Xưa nay và mai sau, người ta tôn quý nhà sư Tam Tạng vì ông bỏ công khó lặn lội qua xứ Tây Trúc gặp Phật thỉnh Kinh vê. Khi gần tới nơi về, Thầy trò (Tam Tạng, Ngộ Không, Bát Giái và Sa Tăng) cùng qua sông mà quên cái giỏ đựng Kinh nằm dưới nước, do đó khi lên bờ, sực nhớ, mở ra “kiểm tra” thì hỡi ơi…không còn chữ nào! Cái tích Kinh Vô Tự có từ lúc đó. Nguyễn Du phải nức nở khen: Vô Tự Kinh Thị Chân Kinh! Sách không có Chữ nào mới là Sách vậy! Kinh có nghĩa là cuốn sách. Điển cũng đồng nghĩa đó. Lâm Ngữ Đường phụ họa thêm: Viết văn là lấy Chữ ghép thành Câu, lấy Câu ghép thành Đoạn, lấy Đoạn ghép thành Chương, lấy Chương ghép thành Sách. Nhưng Viết văn hay thì làm ngược lại: Rút Sách thành Chương, rút Chương thành Đoạn, rút Đoạn thành Câu, rút Câu thành Chữ…và rút Chữ để chỉ còn tờ Giấy Trắng, Đó là làm Nghệ Thuật!
M. Phạm ơi, tôi cảm ơn M. Phạm nhiều, Nhờ M. Phạm tôi thấy mình cần phải “Tư Duy”. Ờ nhỉ Tư Duy là cái gì nhỉ? Bức xúc quá đi…
Thưa huynh TVLệ,
Khi Đức Phật chứng đắc quả đã “Đáo bỉ ngạn” thì kinh không còn là kinh nữa, tự không còn là tự nữa,… Lúc đó kinh chỉ còn là ‘Kinh vô tự’ đối với Ngài và những vị Bồ tát mà thôi; còn tất cả “Kinh hữu tự” mà Ngài đã viết ra là để truyền lại cho những bậc Tu sĩ Tăng Ni Phật tử… sau này, theo đó mà tu hành luyện tập để đạt được đến mức tuyệt đỉnh tối thượng của “Sắc tức thị Không; Không tức thị Sắc” trong Bát nhã Tâm kinh của Đạo Phật và nhờ đó, nhờ con thuyền Bát nhã ba la mật (accomplished sớm hoặc qua nhiều đời nhiều kiếp.. tu hành tùy vào nhân duyên, “trí tuệ”… của những vị tu tập học..) đó mà ta có thể dùng để sang được “Bờ giác bên kia” tức là ĐÁO BỈ NGẠN (qua tới bờ bên kia); lúc đó mới tốt nghiệp và được cấp văn bằng tu học vị cao nhất của Phật giáo mà nhà Phật gọi là “Nhất nguyên Hàm sĩ” = Chánh quả Bụt Degree = Phật tượng = Không kinh = Không sách = Không tự = Không chữ = Không sinh = Không diệt = Không vui = Không buồn = Không sướng = Không khổ = Không cao = Không thấp = Không hay = Không dở = Không có = Không không = Không v.v… = Tánh không = Phật = Niết bàn.
Hihi, chỉ là chút “mạo muội”, chút “ăn giỗ nói dóc” với quynh cho vui thôi; có điều gì sai thất lễ, xin đại huynh bỏ qua, coi như RB chưa viết “còm” cho những bài thơ hay này của quynh vậy. Xin thành thật cảm ơn và chúc huynh luôn vui trẻ khỏe yêu đời và thương người…
P.S. “Tất cả các Bụt trong quá khứ, hiện tại và vị lai nhờ nương vào phép thực tập tuệ giác qua bờ mà đạt tới chánh giác toàn vẹn.”
‘Vì vậy ta nên đọc lên câu Linh chú sau đây để tán dương tuệ giác qua bờ:
“Gate, gate, pāragate, pārasamgate, bodhi, svaha!”’
Chính là câu THIỀN CHÚ “Sắc tức thị Không; Không tức thị Sắc” mà bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu (anytime, anywhere) chúng ta cũng phải cần TÂM NIỆM để nhắc nhở cho chính bản thân mình cho việc tu tập… Nhất định là phải đạt được nó thì mới mong thoát khỏi vòng luân hồi. Còn nếu chưa thể đạt được đến tâm trạng tối ưu, trạng thái tối thượng của SẮC TỨC THỊ KHÔNG của PHẬT, thì chờ tới kiếp sau Yêu và Tu tiếp. Đừng nên để mình kiếp sau thành con gà, con heo, con bò… hay là bị đày xuống tới chín tầng địa ngục chơi với quỷ.. là được rồi hihi. Thân ái kính chào quynh!
Giáng trần thấy giọt châu sa
Giật mình mới biết đây là trần gian
Trần gian dễ lấm bụi hồng
Tâm đà là Phật sắc nhìn như không
RB
Xin cúi đầu đãnh lễ!
Trăng cố quận là trăng đẹp nhất. Cũng như vậy thơ về những mối tình xa xưa là những tứ thơ tha thiết nhất.
Tưởng tượng không hà! Có thấy gì đâu! Trăng ở nơi tôi ở buồn hiu…Tuyết Hoa là cố quận…
1/TRỜI Đà VÀO THU đồng nghĩa GIÀ?!Vàng lá lá vàng bay lả tả…Như cảm cùng ta xuân đã qua…Thu đến đời nhau tâm thơ ca…Đêm nguyệt mờ sương lệ ngọc ngà…ĐỘNG giọt tâm hồn giấc mơ hoa…Cánh chim tự hỏi cây trút lá”Xơ xác cây chờ nở đơm hoa?”.2/..Ôi cứ suy tư sầu héo dạ!Lời thầm tha thiết nói hộ ra…”TỰ DO Ý nghĩ cứ buông thả…”Tình Yêu Không Lời trên môi hoa Chỉ Nở trong tim bừng nắng hạ”Mây trắng ngày xưa bay là đà…Trên núi dưới sông Chiều Tình Ca…Đêm nguyệt dằng dặc ánh trăng tà…3/TÌNH YÊU mới mẻ cứ trêu Hoa…”TINH KHÔI Thể Sắc Hoa Bướm Hoa?!”Giai nhân nguyệt bạch ôi xinh quá!Bầu Trời bật thốt tiếng Ngày xa…Trái đất thiên nhiên có người ta…Có đèo Ngoạn Mục ÁNH TRĂNG hòa…Cảnh SẮC Trần Ai Thu đẹp lạ!Vườn Cau bóng ngoại gió xưa qua…Bưởi bòng tròn trịa trắng bông hoa…Ánh sáng phả lên diễm lệ quá!Đôi Mắt mộng mơ tình chuyên chở…”Yêu đấy trái tim ai thực thà!”[Ba bài Thơ tình tứ thật lạ! Dành cho Trung Thu Bóng Trăng ngà…Tuổi nào cũng vẫn Tuổi Hoa?Lời yêu mang cả thiết tha yêu đời?]Cảm ơn Anh Trần Vấn Lệ nhiều nhiều…
Tuổi nào thì cũng Tuổi Hoa
Cảm ơn ai đó như người trong mơ!
Thơ anh tân hình thức lâu rồi dù không lập ngôn ồn ào như bao người khác anh Lệ ơi.
Người ta nói khác. Thơ của người ta mới Tân Hình Thức, mới Hậu Hiện Đại. Thơ tôi là đồ Lạc Hậu!
Cảm ơn anh Lê Văn Hiền nhìn thấy tôi bằng mắt và tấm lòng của anh.
Trời VN vào thu buồn lắm anh ơi…..
bên này buồn lắm, buồn cách của nó – rất thơ, anh ạ
Thơ lạ quá . Cứ bay lững lơ như một đám mây thỉnh thoảng sà xuống và vút lên. Đó chính thực thơ của người nghệ sĩ.
Khi đọc thơ tôi, xin đừng thở dài…
Tôi thở, mây trôi!
Trước tử sinh mà vẫn như không, dù chỉ là tứ thơ. Cái này mới thật sự là thiền.
Khung Cửa Hẹp ơi, hồi sinh tiền nghe ai khen Thiền, Đinh Hùng cười và viết báo ký tên là Thiền Đăng tức Thằng Điên, đó. Đinh Hùng đã mất nhưng nhiều người còn nhớ đến ông ấy…
Nay, tôi cũng muốn làm Thiền Đăng quá đi thôi…bởi Khung Cửa Hẹp đã mở ra để nhìn thấy Đêm Hoa Đăng!
Hôm nay là Rằm Trung Thu, Tây nói La Fête De la Tết Mi-Automne, tôi chúc KCH Tết Trung Thu vui nha, không một mình mà cả nhà, không một nhà mà cả nước…
Happy Tết Trung Thu Everyone!
Cám ơn bài thơ đã nhắc về trung thu để tâm hồn mình trong trẽo lại