Chế Diễm Trâm
– Con gái của ba không thể đi xe lửa! Phải đi máy bay!
– Nhưng con thích đi thử một lần! Với lại bay ra Nha Trang, ngồi chưa nóng chỗ đã phải leo xuống! Con muốn đi xe lửa mà ba! Ba!!!
– Nhưng con không được đi một mình!
– Vậy con đi với ai? Mẹ đang đi công tác rồi!
– Ba bố trí chị Thu đi với con!
Chị Thu là thư ký ở công ty ba. Chị Thu đã khô như ngói mùa nắng lại dữ dằn như bà chằn, mới nghĩ tới đã không thoải mái chút nào, vậy mà phải đi chung cả một quãng đường dài ư? Dù có thể, lên tàu đã lăn ra ngủ khì, trời bảnh sáng là vừa tới nơi như lời nhỏ Dung, bạn Thư nói. Hay Thư yêu cầu chị Thu đặt hai phòng? Tới Nha Trang, cứ việc việc mình mình đi, cho chị ta ở khách sạn một mình cho đáng đời. Nhưng như vậy sao đành? Mà Thư thì thích đi chơi với nhỏ Dung biết bao! Dung sau khi tốt nghiệp Đại học, về quê xin việc. Dung rủ, mày ra đây đi, tao dẫn mày đi bụi. Với lại, thực tình Thư muốn đến nhà Trung, theo cách bất ngờ nhất, xem Trung cảm động như thế nào?
Trung lớn hơn Thư một tuổi, là “gia sư” kèm Thư ôn thi Đại học. Năm Mười hai, Thư dự định thi khối D nhưng học môn Toán xoàng. Trung là cháu họ của cô Minh làm cùng cơ quan với mẹ. Cô Minh khen Trung hết lời, nào hiền lành, nào học giỏi, khiến mẹ yên tâm gửi lời mời Trung đến nhà, tuần ba tối giúp Thư ôn Toán.
– Ba ơi, ba! Con lớn rồi! Ba làm ơn đừng coi con là trẻ con nữa đi ba!
Nói rồi là Thư nhảy vô lòng ba ngồi, thế là ba đành chìu. Không là Thư nhỏ mấy giọt nước mắt hay phụng phịu bỏ vô phòng úp mặt vô tường, thế nào ba cũng thua. Nhưng để cho Thư đi xe lửa cho biết, ba biệt phái chú Ngoạn, tài xế của ba đi mua vé giường mềm, khoang bốn giường, mà phải là tầng một cho an toàn. Buổi chiều đưa Thư ra ga, ba dặn đi dặn lại, vô tới nơi là phải điện thoại cho ba liền nghe chưa? Gần tới nơi phải gọi điện cho con Dung ra đón, không được tự tiện đi taxi, coi chừng cái mặt ngố quá, mẹ mìn bắt cóc, nghe chưa?
Khỏi nói cũng biết, Thư dạ, gật lia lịa. Ba mà đổi ý là xong! Thư đã vạch kế hoạch trong đầu, Thư sẽ nhờ nhỏ Dung chở đến nhà Trung, diện kiến ông bà ngoại Trung rồi ngồi đong đưa trên chiếc xích đu cũ, chiếc xích đu hay xuất hiện trong câu chuyện của Trung về những buổi trưa trốn ngủ, say sưa với Những kẻ khốn khổ, Không gia đình, Túp lều của chú Tom…
Mẹ anh Trung mất khi anh học lớp Năm. Mẹ anh ra đi đột ngột sau mấy ngày nhập viện vì nghi là sốt xuất huyết. Đến khi mẹ mê man không còn biết gì nữa, bác sĩ mới kết luận bị sốt rét ác tính. Thời gian đầu sau khi đưa tang mẹ xong, Trung suốt ngày chui sâu trong góc phòng, sau lỉnh kỉnh bàn ghế, tủ giường. Ba đi làm cả ngày, nhà nội ngay sát cạnh nhưng ông nội đã già, lại nặng tai nên Trung cứ im ỉm một mình một phòng.
Một năm sau, chưa mãn tang mẹ, nhà Trung có thêm người: cô Hoa – một người bạn cũ của mẹ, ba nói là để có mẹ chăm sóc Trung. Cô Hoa có người con riêng tên Hoàng, cao hơn Trung một cái đầu, hay lườm và đưa nắm đấm dứ dứ. Trung càng sợ hãi, càng chui sâu trong góc phòng.
Đến khi cô Hoa sinh em bé, Trung bị sai vặt tối ngày. Làm không đúng ý cô Hoa, có khi Trung bị ăn tát, bị véo tai nhưng không dám hở một lời với ba. Tối tối, sau khi ăn cơm xong, có khi ba ngoắc Trung đến gần, Trung đều tìm cách lảng xa vì cô Hoa không vui. Những lần như vậy, ba cứ mắng con trai gì mà nhát như con gái, xem anh Hoàng mà học tập kìa!
Hồi đầu Trung kèm Thư học, thấy Thư thỉnh thoảng đưa móng tay lên miệng định cắn, Trung nhìn Thư lắc đầu ra hiệu không bằng lòng. Chỉ một cử chỉ đó thôi mà sao Thư thấy Trung già dặn như một thầy giáo thực thụ. Sau, thân thân, Thư đem ý nghĩ đó thổ lộ với Trung. Anh ấy im lặng thật lâu rồi kể Thư nghe câu chuyện những ngày sau khi mẹ mất. Hồi ấy, bao nhiêu sợ hãi, uất ức, tủi thân, Trung trút vào nước mắt và tật gặm móng tay. Mười móng tay trụi lủi, nham nhở, có khi cắn đến chảy máu nhưng ba không hay biết gì hết. Chỉ một lần, ngoại bất chợt ra thăm, ôm thằng cháu xanh mét, lấm lét, ngoại giơ đôi bàn tay Trung lên làm ầm ĩ một trận và kiên quyết dắt cháu về nuôi dạy.
Mấy dì góp thêm tiền cho ngoại nuôi Trung ăn học. Ngoại rửa tấm hình mẹ Trung thờ luôn ở nhà ngoại để Trung đỡ nhớ mẹ. Sống với ông bà ngoại là những ngày lặng lẽ nhưng êm đềm. Đó là lý do Trung không thể ở lại Sài Gòn sau khi tốt nghiệp Đại học. Ba Thư thương anh Trung lắm, ba ngỏ lời sẽ bố trí việc cho anh ở công ty ba sau khi anh tốt nghiệp nhưng Trung xin được từ chối để về quê phụng dưỡng ông bà.
Mừng Thư đậu Đại học, ba mẹ tổ chức tiệc, mời cả anh Trung lẫn cô Minh. Có mặt cô Minh, ba mẹ như thăm dò, nói sau này sẵn sàng nhận rể vì cái con Thư ngỗng đực này mà làm dâu có ngày bị mắng vốn muối mặt. Trung chỉ cúi đầu yên lặng.
Thư đậu rồi, Trung không đến dạy Thư học nữa nhưng thỉnh thoảng mẹ nấu món ngon vẫn gọi anh ấy đến ăn như người trong nhà. Anh ấy ân cần, chân tình nhưng vẫn giữ một khoảng cách nhất định. Thư càng thấy thương và quý anh, nhiều lúc cũng không biết mình xem Trung là ông anh hay mình yêu Trung nữa.
Lấy bằng Đại học xong, Trung đến chào ba mẹ Thư để về quê dù ba mẹ đã hết lời khuyên anh ấy về làm việc ở công ty ba. Mẹ có vẻ buồn nhưng ba khen anh Trung hiếu thảo và tự trọng. Hai đứa chia tay có buồn bã thật nhưng không sướt mướt, hẹn khi nào đi làm có lương, có dịp sẽ gặp nhau, không Sài Gòn thì Nha Trang. Thư đinh ninh, hóa ra mình chỉ quý Trung thôi.
Vậy mà càng xa, Thư càng nhớ Trung. Thường chỉ nhắn tin cho nhau buổi tối, ban ngày Trung phải đi làm. Nghe anh ấy nói, tuy chưa có việc chính thức và không hợp chuyên môn lắm nhưng cũng ổn. Còn việc gì thì Trung chỉ “ờ, ờ, cũng thú vị lắm, em!”.
Thế là Thư xin ba đi Nha Trang. Lên tàu lúc chiều tối, lòng dạ nửa hăm hở nửa rối bời. Lần đầu đi xa một mình mà, lại là đi xe lửa! Mẹ đi công tác rồi nên ba chở Thư đi ăn cơm, còn mua thêm bánh mì, chai nước bắt nhét vô ba lô, sợ con gái đói, khát. Cũng khó ngủ thiệt vì tàu lắc lư và xùng xịch lắm luôn! Đang cố ru giấc ngủ thì Thư nghe giọng ai đó cất lên:
– Cà phê, nước ngọt, nước suối đây!
– Mời quý khách dùng cà phê, nước ngọt, nước suối đây!
Giọng nghe quen lắm! Giọng con trai, sao nghe quen vậy? Ai?
– Cà phê, nước ngọt, nước suối đây! Mời quý khách dùng cà phê, nước ngọt, nước suối đây!
Ui trời, phải giọng anh Trung không? Anh Trung đi bán nước trên xe lửa sao? Công việc “cũng khá thú vị” là đây ư?
Thư nhảy vội ra cửa khoang buồng, nép người nhìn về phía đầu toa. Một bóng áo xanh đường sắt đang lúi cúi lấy nước cho khách nhưng không còn hồ nghi gì nữa: đúng là Trung! Vậy ra, Trung làm trên tàu, làm cái công việc chẳng liên quan gì đến cái bằng kỹ sư bách khoa. Vậy mà Trung từ chối công việc ổn định ở công ty ba Thư không chút lưỡng lự!
Thư vật ra giường, xoay mặt vô tường, trùm mũ kín đầu để Trung không nhận ra mình. Sợ anh ấy xấu hổ. Khi Trung đẩy xe hàng ngang qua chỗ Thư, Thư nằm im thít, giả bộ ngủ say. Trung đi qua rồi, Thư lại nhảy xuống, nhìn theo lưng Trung cho đến khi anh ấy đã sang toa khác.
Thư về chỗ nằm của mình, một niềm thương dâng lên làm Thư nức nở đến nỗi cô nằm giường đối diện phải buột miệng:
– Cháu ơi! Cháu có sao không?
Thư lắc lắc đầu cho cô ấy yên tâm. Thư tự trách mình sao vô tâm đến độ Trung làm gì mình cũng không biết. Trung khổ đến thế sao? Liệu gặp Thư trong hoàn cảnh này, Trung sẽ ứng xử ra sao? May mà Thư biết sớm chứ không ngày mai, Thư và nhỏ Dung chạy đến nhà Trung đã không gặp anh ấy rồi.
Đang không biết tối nay như lệ thường sẽ nhắn tin cho Trung như thế nào để Trung không biết là Thư đã biết tất cả thì lại nghe giọng Trung từ đầu kia đang đẩy xe quay lại. Thư lật đật quay lưng ra, lấy mền trùm kín mít, giả tảng đang ngủ.
Bỗng, Thư thấy một giọng nói rất gần:
– Cô gì ơi!
– Cô bé ơi! Cà phê không nào?
– Thư ơi! Cà phê đi!
Thư đành mở mền, Trung đứng đó, cười rất tươi, đưa một tay ra vừa như muốn bắt vừa muốn kéo Thư ngồi dậy. Thư bật dậy, nước mắt đầm đìa:
– Anh Trung! Sao anh ở đây?
Trung cười:
– Thư ngạc nhiên hả? Bình thường mà Thư! Em đi đâu đây? Sao đi một mình? Ba mẹ đâu em?
– Em… đi thăm nhỏ Dung bạn em! Rồi… thăm anh luôn!
– Vậy sao? Sao không báo trước anh ở nhà đón? Ngoại anh cũng muốn biết bé Thư xinh đẹp thế nào đó!
Sao mà Trung tự nhiên thế không biết, sao Trung có thể làm như không có chuyện gì xảy ra?
Trung nói:
– Thư chờ anh chút nhen!
Trung gọi điện thoại nhờ một chị xuống đẩy xe hàng về căn tin. Chị ấy xuống, nháy nháy mắt cười với Trung ra vẻ à thì ra là vậy. Chị ấy đi rồi, Trung cười:
– Nào, hai anh em mình cười cái nào! Có gì đâu mà bé Thư chảy nước mắt vậy? Công việc này thú vị lắm đấy, ngoại xin mãi anh mới có chân ở đây đó. Chưa xin được việc mà chê việc ngoại xin, ngoại buồn, Thư hiểu không? Ngoại nói, việc làm nào cũng tốt, miễn là lương thiện!
Vẫn là Trung, vẫn là sự hiếu thảo vô tư lự, vẫn là sự tự tin, điềm đạm mà gần cả năm nay Thư thiếu vắng.
– Sao anh nhận ra em?
– Anh nhận ra Thư từ nãy kìa. Cái đôi dép này, cái áo ấm có mũ này anh dắt Thư đi mua mà! Nhưng thôi, cứ đi bán cho xong, quay lại chắc chắn em vẫn còn đây. Hà hà…
Trung ơi, hóa ra anh vẫn nhớ từng chi tiết, anh vẫn nhớ em sao? Tự nhiên, Thư bật cười mà nước mắt thì ràn rụa. Lần đầu tiên, Thư úp mặt vô vai Trung.
Bây giờ, Thư đã là cư dân của thành phố biển xinh đẹp, hiền hòa. Thư và Trung ở cùng ông bà ngoại. Trung và Thư thuê văn phòng, mở công ty riêng. Hai tên sản xuất được cô búp bê xinh đẹp, năm vài lần lên xe lửa vượt gần năm trăm cây số vô thăm ba mẹ.
Cứ thế đi, khi nào ông bà ngoại trăm tuổi, cả hai lại tính tiếp…
CDT
Đọc lại vẫn thích Chế ạ
Cảm ơn Thanh Thanh nhiều nhiều, 🙂
De viet don gian ma xuc dong nhu vay kho lam do
Thank anh/bạn Huy Kim!
Những câu chuyện đơn giản này có giá trị như những bài học ….. một tâm hồn cao thượng phiên bản CDT
Nói thật, Chế sợ lắm rồi những câu chuyện éo le, đọc xong khóc không ra khóc, buồn không ra buồn, bần thần, lăn tăn mãi… Đời đã mệt mỏi, đọc cái chi nhẹ nhẹ nhàng nhàng để còn tin yêu…Boke nhỉ?
Co khi nao day la mau nhan vat co that ngoai doi
Có đấy bạn Thủy, 😍
Cách viết của cô thật nhân hậu.
Cảm ơn Mùa Thu đã đọc và có nhận xét.
Tác giả rất hay khi tạo ra những tình huống dí dõm mà rất nhân văn
Nói vậy là chị / bạn Tuyết Hoa đã đọc ít nhất là hai truyện của Chế rồi. Vui quá và cảm ơn chị / bạn nhiều nhiều!
Kiếm tìm ở đâu mẫu người ấy chị Chế ơi.
Mẫu không cho tiết lộ danh tánh, Nụ Tầm Xuân ơi!
Anh chàng này mới đúng là bạch mã hoàng tử giữa đời thường.
Em cảm ơn anh Khungcuahep đã đọc. 🙂
Câu xin Troi Phat cho con nguoi con re nhu Trung. DDoc ma phat them.
Câu chuyen nhe nhang, ddon gian nhung de thuong vo cung.
Cam on tac gia.
Đời vẫn có chuyện vui chứ anh Trần Định. Vì truyện này có nguyên mẫu đó anh.
Chị Huỳnh Phương Linh đang kén rể ạ? Chúc chị có được rể quý.
Em cảm ơn chị.
Hoi buon, vi chi khong co dduoc vinh du ken re. Chi khong co quyen gi het em a. Chung no dan ve, chi chi co the chap nhan thoi.
😍😍😍
Chuyện cổ tích giữa đời thường .
NHƯ là cổ tích, nghĩa là nó có thật đó bạn Xuân Toàn.
Đời không có gì vui đọc truyện này cho an ủi chút xíu về một cuộc sống đẹp.
Đời vẫn có chuyện vui chứ anh Trần Định. Vì truyện này có nguyên mẫu đó anh.
Câu xin sao xa hoi minh co cang ngay cang nhieu nhung chuyen that nhu vay. Cung xin cac “cay viet” no luc gioi thieu them nhieu manh chuyen co tich dde gop phan gioi thieu mat ddep cua xa hoi , cung co long tin vao con nguoi voi nhau.
Chị Huỳnh Phương Linh nói chí phải.
Chế Diễm Trâm viết dễ thương quá
🙂 Thank Kim!
Câu chuyện vuông tròn nhưng cách xử lý khéo léo nên không cũ.
Cảm ơn anh Nguyễn Văn!
Ấm áp tình người.
Em học được từ các bậc huynh trưởng, trong đó có anh HT.
“Tình người ấm áp”. Không mà phải chấp nhận Chế viết cái gì cũng hay hết; phải cảm phục cô giáo Chế. Truyện viết không thừa không thiếu, không rộng không hẹp… Quá PERFECT and WONDERFUL! Rất hấp dẫn, lôi cuốn, cảm xúc, xúc động và ĐẸP tuyệt vời. Thank you so much, Chế. Hôm nào xin cô giáo cho phép huynh Hiếu Tân và RB vào lớp chuyên văn của cô dự vài tiếng “thính phòng văn học” để học hỏi… văn tài của cô. Hay là cho RB mua “bản quyền”. Thành thật & Quý mến!
Cho RB xin lỗi. Nói “chấp nhận” thì quá chủ quan. Phải nói CÔNG NHẬN thì mới đúng là khách quan. RB thành thật xin lỗi quý đọc giả.
Anh Rong Biển lúc nào cũng động viên đàn em. Trân quý những tấm lòng!
Xin nói nhỏ hình trên là cô em đó xinh chưa ?
Hình [bóng] không nói lên được gì cả Minh Thư ơi! 🙂
Một câu chuyện thật ngọt ngào cô ơi.
Cảm ơn Minh Thư nhé!
Ngoại muốn anh rong đời…Nếm đủ vị mùi đời…Mới thực thụ nên người Bằng đôi chân cứng cỏi -Sống tự lập mới giỏi? Không ỷ lại dựa hơi…Chỗ sẵn cho mà ngồi …LỤY người -khổ suốt đời!? Khi có gia đình rồi…Tự tin sẽ NUÔI NỔI”Cô Vợ tính TIỂU THƯ?”Sẽ PHỤC anh vậy đó!…Chuyện tình anh và Thư”Cứ như là CỔ TÍCH”Đến nhau ”YÊU và QUÍ”Đó dây KẾT chặt chẽ …Không có sự KHINH THỊ???
Hãy cứ như cổ tích để thấy tin vào cuộc đời, chị Lê Ngọc Duyên Hằng nhỉ?
(Nhưng xin mở ngoặc: câu chuyện này có nguyên mẫu đó chị!)
Lối viết đơn giản nhưng dễ thương.
Cảm ơn bạn Mai Hoa.
Truyện nhẹ nhàng cảm động nhân hậu. Giọng văn tròm trịa . Hay.
Cảm ơn Bình Minh!