CHẾ DIỄM TRÂM
Ngân thề là sau này nếu có lấy chồng, sinh con gái thì sẽ không bao giờ nhắc chữ ế trước mặt con. Kệ, cứ để nó thích sao làm vậy, không lấy chồng thì có sao đâu chứ!
Mẹ Ngân thích đọc truyện Nam Cao lắm, có cái truyện Chí Phèo mẹ đọc hoài, nhất là cái đoạn tả thị Nở. Bao giờ đến cái đoạn đó mẹ cũng đọc to lên cho ba nghe: “Ngoài ba mươi tuổi, thị vẫn chưa có chồng. Ở cái làng Vũ Đại này, người ta kết bạn từ khi lên tám, và có khi có con từ lúc mười lăm; không ai đợi đến năm hai mươi đẻ đứa con thứ nhất. Cứ tình hình ấy thì ta nói quách: thị Nở không có chồng.”
Mẹ sốt ruột, mẹ nhắc khéo, mẹ thương con gái mẹ ba mươi tuổi vẫn chưa lấy chồng.
Có lần, nhỏ Hòa bạn thân, chụp hình Ngân mặc cái áo vàng cúc sáng trưng “up” lên mạng, hai đứa ngồi coi cười hí hí, mẹ liếc nhìn rồi bình luận: “Con gái tui coi cũng được đó chớ!”. Ngân chưa kịp phổng mũi, mẹ đùa tiếp: “…mà sao ế đui ế điếc!”. Nhỏ Hòa lại đem câu của mẹ lên Facebook, cả thế giới biết Ngân ế khổ ế sở, ế thảm ế hại.
Soi gương, Ngân tự thấy mình cũng dễ thương, nhỏ Hòa cũng nói mày đẹp mà. Nhưng Ngân không thanh minh thanh nga gì hết, Ngân thấy cái số mình nó sao đâu, đường yêu đương là cái số con rệp.
Năm Ngân học lớp 12, có một kẻ kẹp bài thơ trong sổ đầu bài. Hồi đó, Ngân được cô cho làm lớp phó học tập, sáng sáng lên văn phòng lấy sổ mang về lớp, cuối buổi trả về văn phòng. Giở ra, bài thơ tả mái tóc dài như dòng suối huyền, ngắm từ phía sau đến biếng ăn mất ngủ. Bài thơ kiểu con cóc, không có gì là hay ho. Ngân để bài thơ nguyên trong sổ, cô vô lớp mở sổ đầu bài thấy bài thơ đem đọc lên cho cả lớp nghe. Cả lớp cười nghiêng ngả [dù chẳng có gì đáng cười, hồi trẻ ai cũng dễ cười thiệt]. Cô giáo Ngân có biệt tài nhớ mặt chữ học trò nên tìm ra thủ phạm ngay. Cô tỉnh queo gấp bài thơ lại, mở sổ điểm rà lên rà xuống làm cả lớp thót tim. Cô gọi: “Thành Long lên bảng!”. Một bài toán Lý không hề dễ nhưng Long làm vèo vèo, mười điểm coi như nằm trong tay. Không ngờ, cô nói: “Em đọc bài thơ Suối tóc đi! Đọc thuộc mới được điểm mười!”. Cả lớp đớ ra. Không ngờ, Long đọc thuộc thiệt. Thế là lộ ra tác giả bài thơ. Từ đó, Long được bọn con gái biến thành tâm điểm. Vừa học giỏi các môn tự nhiên vừa có tâm hồn lãng mạn [với bọn học trò, hễ làm được thơ, dù là thơ con cóc là lãng mạn hết] sao mà không mê cho được! Ngân từ đó cũng thích thích nhìn Long giải toán trên bảng vì sau sự kiện bài thơ, Long giải bài tập Toán, Lý, Hóa càng lúc càng siêu.
Bẵng đi một tháng, một hôm, Ngân nhận được một lá thư hộc bàn, trách người có suối tóc sao hờ hững, không hiểu cho nỗi niềm rối bời khi ngắm dòng suối đổ trên bờ vai. Đọc xong lá thư, Ngân đảo mắt quanh quất, bất chợt thấy Long tia Ngân rất lạ. Chẳng lẽ mái tóc đó là của Ngân ư? Ngân hổng dám ngoái lại sau lần nào nữa nhưng thấy nhột nhạt sau lưng kinh khủng.
Lá thư thứ hai trong hộc bàn sau đó một tuần vẽ hình một trái tim có đôi cánh thiên thần đang bay lên chấp chới, dưới ký tên “Long”. Vậy là bắt đầu… thích Long. “Love story” đang khởi đầu đẹp đẽ, tự nhiên một hôm, đang ngồi giảng bài tập cho Ngân, Long mắc một sai lầm không thể thứ tha. Giá mà Ngân đã ba mươi như bây giờ thì cái “tội tày trời” của Long lúc đó đã được hóa giải. Đằng này, khi người ta đôi chín, người ta quá khờ, người ta không hiểu đó là một chuyện tự nhiên của con người, đó là do con người ta vì căng thẳng khi ngồi với bạn khác giới nên không thể kiểm soát được… Thế là mắc cỡ, mắc cỡ đến mức không muốn nhìn mặt Long. Ngân thấy Long sao mà “thô thiển”. Thế là tan thành mây khói.
Ngân đậu đại học, xa ba mẹ, tàu xe khó khăn, mỗi năm chỉ về nhà dịp Tết và nghỉ hè. Nhớ nhà, bọn Ngân chơi trò gia đình. Tự dưng, một lũ trứng gà trứng vịt mà đứa thành ông nội, đứa thành bà nội, rồi bác, rồi cha, rồi mẹ, rồi anh hai, chị ba, em út… loạn cả lên. Ngân được gọi là út ít vì hay nhớ nhà khóc nhè. Phương tuy người thành phố và khác khoa nhưng cũng xin nhập vào gia đình. Phương được làm bác vì đi học muộn hai năm.
Bác Phương tỏ ra thương út Ngân nhất. Mẹ anh ấy có nghề làm những con búp bê bằng ống trúc nhỏ để gắn móc khóa xe đạp bỏ cho các cửa hàng mỹ nghệ. Phương tặng Ngân búp bê nhiều đến nỗi trong phòng, rồi cả lớp Ngân ai cũng có con búp bê móc khóa. Ngân còn đem về tặng mẹ, mẹ thích và khen khéo lắm.
Hè năm thứ ba, một lần, anh Phương vượt mấy trăm cây số vô nhà Ngân. Ba mẹ hỏi cháu vô thăm bà con à, anh dạ nhưng đến lúc anh xin phép về, ba Ngân hỏi nhà bà con của cháu ở đâu để bác chở về giúp thì anh ngắc ngứ. Khi Phương đã về, mẹ “rất Sherlock Holmes”: “Em ngó bộ thằng Phương nó thích con Ngân nhà mình, anh à. Anh có thấy cái túi nó đeo không, không có bộ đồ nào trong đó đâu. Hổng có thăm bà con gì hết, giờ mà anh ra ga hay bến xe, anh sẽ thấy nó đang xếp hàng mua vé đi về. Nó nhớ, nó vô thăm con Ngân!”
Ngân đỏ mặt, giờ thì Ngân hiểu lòng anh Phương chứ có bao giờ thấy anh ấy thổ lộ gì đâu. Chỉ thấy mấy chủ nhật, trường nghỉ học anh vẫn vô ký túc xá… ngồi im re. Xe đạp của Phương mấy chị cùng phòng mượn chạy ra chợ hay vù lên doanh trại bộ đội hò hát, có khi tận trưa mới trả về khổ chủ. Rồi có mấy lần Ngân sốt, anh Phương đem cháo vô ký túc xá, nói của mẹ bác nấu đó, Ngân ăn đi cho mau khỏe. Cũng có lần Phương rủ Ngân về nhà anh chơi nhưng Ngân rụt cổ: “Cháu sợ mẹ bác…”. Thế là thôi, không thấy anh rủ rê nữa.
Mùa khai trường năm cuối, gặp lại nhau, cả hai tên bối rối, Phương hỏi:
– Ba mẹ… cháu có nói gì… bác không?
– Nói gì là nói gì?
Phương thu hết can đảm nói như hụt hơi:
– Ba mẹ có biết… anh… thích Ngân không?
Thế là… yêu!
“Love story” cũng được một năm thì ra trường. Nhà Phương một mẹ một con, anh phải chăm sóc mẹ. Ba mẹ cũng muốn Ngân về gần nhà. Mẹ nói: “Con ơi, cái thằng được cái hiền lành nhưng hiền sẽ đi với cộc. Mày như con ngỗng đực thì làm sao làm dâu người ta? Ở xa ba mẹ mấy trăm cây số, gặp cái lúc nó nổi cộc, nó lại có võ, nó đánh cho thì sao mẹ cứu con cho được!”. Ba thì nói: “Con là con gái rượu của ba, đem con đi bỏ xứ người bơ vơ, ba cầm lòng không đậu”. Ba và mẹ cùng nói: “Con lấy nó, núi đèo cách trở, rồi con rồi cái, mỗi lần đùm túm về thăm ba mẹ khổ sở, ba mẹ có muốn đi thăm con thăm cháu sao chen chân cho lọt cái tàu chợ hở con?”
Giá mà Ngân ba mươi tuổi như bây giờ và dám quyết liệt thì chuyện đã khác. Hồi đó Ngân hai hai, còn ngây ngô lắm, lại sợ cảnh làm dâu, sợ tàu xe gian nan và ngại cái người có võ Bình Định “chỉ cần tát lỡ một cái vô màng tang thì hết đỡ” như mẹ lo lắng. Thế là kết thúc một cuộc tình.
Chỗ Ngân làm không hiếm đàn ông con trai nhưng những người điềm đạm thì đã có gia đình, còn mấy đứa trạc tuổi Ngân thì nhìn tụi nó bắt sợ, đến cơ quan vuốt keo, xịt nước hoa, mới đứng gần gần đã tối tăm mặt mũi. Mà trong mắt tụi nó cũng không có Ngân “quê một cục”. Trưởng phòng của Ngân nghiêm nhưng hiền, ai sao cũng được, miễn là làm việc nghiêm túc, chạy việc. Từ già đến trẻ ai cũng quý trưởng phòng, gọi trưởng phòng là sếp. Ngân đi làm được ba tháng thì biết chuyện nhà sếp, con gái sếp đi du học ở Mỹ, vợ sếp ở Sài Gòn làm đại diện công ty gì gì đó, rồi hình như cặp với thằng thư ký non choẹt, đi đâu cũng kè kè nhau. Sếp ngày ở cơ quan, tối về tạt qua ăn cơm nhà mẹ rồi về nhà một mình.
Từ khi nghe chuyện của sếp, Ngân vừa làm vừa len lén quan sát. Gương mặt sếp lúc nào cũng bình thản, áo quần ủi thẳng chỉn chu, râu ria tóc tai lúc nào cũng gọn gàng. Không có dấu hiệu bê bối. Rất đáng mặt đàn ông. Dần dà, Ngân thích quan sát sếp làm việc, rất chăm chú, đôi môi mím chặt rất quyết đoán. Có lần, Ngân bị sếp bắt quả tang khi đang nhìn trộm, sếp mở to mắt ý hỏi có chuyện gì. Ngân cúi xuống ngay, đến khi ngẩng lên thì sếp đã chỉ dán mắt vô máy vi tính.
Một lần, nhân sinh nhật sếp, cả phòng bí mật tổ chức sinh nhật cho sếp, kịch bản như phim vậy. Có nghĩa là mọi người đến sớm, phải đến trước sếp, không mở đèn, ai nấy núp trong cánh cửa, dưới bàn, đợi sếp mở cửa thì Khoa bật đèn, Chính xịt tuyết, anh Hưng bưng bánh kem cho chị Hoa thắp nến. Ngân được phân công tặng hoa cho sếp. Rồi cả phòng hát bài Happy Birthday. Vậy nên vị trí của Ngân là núp trong cánh cửa, chỉ cần cánh cửa bật mở là ra hiệu cho Khoa.
Kịch bản của chị Hoa nói chung là hoàn hảo, chỉ quên một chi tiết là sếp mở cửa rất mạnh, nên khi cánh cửa bị đẩy vô, Ngân bị xô vô tường, chỉ kịp kêu á một tiếng rồi té bịch trong đó, không có lẵng hoa đưa cao ngang tầm mắt sếp. Sếp nghe tiếng kêu của Ngân, vội đóng cửa lại. Eo ơi, Ngân ngả chỏng gọng, tư thế chắc buồn cười lắm nên sếp bật cười ha ha làm mọi người cũng cười nghiêng ngả. Ngân quê quá, khi sếp đỡ dậy, Ngân chạy thẳng về bàn mình, lúng túng như con gà mắc tóc. Suốt buổi, Ngân thỉnh thoảng thấy sếp cười một mình. Quê ơi là quê!
Ngân làm được hơn một năm thì được chọn đi công tác cùng với sếp để ký hợp đồng cho công ty. Ngân lo, ba mẹ cũng lo. Lần đầu đi công tác ký hợp đồng với đối tác nước ngoài không lo sao được. Mẹ dẫn Ngân đến thời trang công sở sắm bộ váy mới, mẹ nói phải xuất hiện cho đàng hoàng. Buổi tối sắp xếp hành lý mai bay đi Đà Nẵng, không hiểu sao Ngân lại xếp vô vali bộ áo dài tơ tằm trắng mẹ dành dụm chắt chiu may cho hồi Ngân còn sinh viên.
Rồi cũng không hiểu sao, sáng đó Ngân không mặc bộ váy mới sắm mà chọn bộ áo dài trắng. Ngân xuống đến lễ tân, sếp đã ngồi đọc báo. Khi sếp hạ tờ báo xuống, Ngân đã đứng trước mặt sếp, chờ. Ánh mắt sếp ngỡ ngàng, giọng sếp không nhận ra: “Đẹp quá!”. Ngân thắc mắc, muốn hỏi Ngân đẹp hay bộ áo dài đẹp nhưng rồi không dám.
Hợp đồng ký xong, sếp mời đối tác dùng cơm. Ngân nói nhỏ vô tai sếp: “Còn sớm, Ngân về phòng thay đồ, sẽ quay lại ngay ạ!” nhưng sếp ngăn lại, không nên. Đến khi ngồi vào bàn, nghe đối tác khen áo dài Việt Nam đẹp thì Ngân hiểu, Ngân thầm cám ơn sếp.
Chuyến công tác gọn ghẽ ba ngày. Mai bay về, tối đó sếp nói Ngân có đi đâu, có gặp bạn bè gì thì cứ đi. Ngân nghĩ sếp đi gặp bạn nên chỉ dạ. Ai ngờ khi Ngân lang thang ra đến sông Hàn thì thấy sếp ngồi một mình ở nhà hàng cạnh bờ sông. Nhìn cách sếp ngồi một mình với ly bia, Ngân muốn khóc. Nó đơn côi làm sao. Bạn sếp đâu có thiếu, chỉ cần một cú điện thoại, bạn bè sẽ đến chở đi ngay nhưng sếp muốn ngồi một mình. Ngân định quay về trước thì bất ngờ, sếp chỉ cái ghế bên cạnh biểu Ngân ngồi xuống.
Sếp và Ngân ngồi yên ngắm đèn dây trên cầu chớp tắt liên tục. Rối mắt, Ngân thả ánh nhìn về mặt sông rải rác loang những vệt ánh sáng đỏ rung rinh nhưng thấy lòng bình yên kỳ lạ. Sếp hỏi Ngân có thích ngồi đây chờ xem cầu quay không. Ngân dạ không cần đắn đo. Có sếp, Ngân không thấy sợ khi ở nơi lạ. Sếp hỏi Ngân uống gì, Ngân trả lời không cần suy nghĩ: “Dạ, bia!”. Sếp nhìn Ngân, lần thứ hai, Ngân bắt gặp ánh nhìn này, sáng nay là một, giờ là hai. Sếp nói:
– Ngân lạ thật! Ngân hay đem đến cho tôi bất ngờ. Sáng nay thì dịu dàng nữ tính, tối nay lại xốc nổi như trẻ con.
– Sao lại xốc nổi ạ?
– Vì Ngân có thể say, khi say sao Ngân tự chủ được, hiểu chứ?
– Nhưng Ngân muốn chú xem Ngân như một người bạn!
– Bạn thì cà phê nhé?
Bia được dẹp đi, cà phê bưng ra. Ngân thấy ấm áp, tin cẩn lạ.
Sếp hỏi:
– Ngân biết gì về tôi?
Ngân làm như rành rẽ:
– Ngân biết chú đang cô đơn, chú không hạnh phúc.
– Sao lại bất hạnh khi tôi có những đồng nghiệp dễ thương như Ngân?
– Thế nào là dễ thương ạ?
– Là vì tôi mà… té ngửa sau cánh cửa…
Trời, sếp ơi là sếp, chuyện gì không nhớ lại nhớ chuyện hôm sinh nhật. Sếp nói hôm đó chắc Ngân đau lắm, nhìn cái mặt sắp khóc rất đẹp.
Từ hồi nẩm cho tới lúc đó, chưa ai khen Ngân đẹp ngoài nhỏ Hòa bạn thân. Long hồi đó còn quá trẻ con, anh Phương hồi đó hiền quá, ít nói. Giờ sếp khen Ngân đẹp. Sáng nay là lần thứ nhất nhưng không có chủ ngữ, hiểu là cái áo đẹp cũng được nên không chắc lắm. Còn lần này thì rõ rồi. Tự dưng nước mắt Ngân cứ chảy xuống nửa vì tủi thân nửa vì hạnh phúc.
Sếp không hỏi tại sao Ngân khóc, sếp chỉ lặng lẽ ngước lên nền trời đêm đang sà xuống thật gần. Cái dáng ngồi hơi ngửa ra sau, hai cánh tay đút hờ hững túi quần, thật nam tính. Ngân thấy một cái gì thao thiết trong lòng. Bỗng nhiên sếp hỏi Ngân muốn nghe hát không. Dĩ nhiên là Ngân muốn. Lần đầu tiên nghe sếp hát, trầm ấm: “Khi người yêu tôi khóc trời cũng giăng sầu, cho từng cơn mưa lũ xoáy trong tâm hồn. Khi người yêu khóc, thành phố buồn tênh…”([1]). Ngân thấy ngây ngất, chưa bao giờ Ngân thấy rõ lòng mình như thế.
Trời rắc mấy hạt mưa. Sếp và Ngân rời quán, vội vã ra về. Nhưng về đến trước khách sạn, chẳng thấy mưa đâu. Sếp thở dài tiếc quá. Ngân hỏi chú tiếc gì, sếp nói tiếc không được thức với Ngân chờ cầu quay. Trùng với ý nghĩ Ngân lúc đó một cách kỳ lạ.
Nghe Ngân kể, mẹ trợn mắt, ôm ngực như có ai đấm một cú vào tim. Mẹ nói: “Tội nghiệp con!”. Mẹ lo Ngân sẽ khổ khi gửi trái tim không đúng chỗ. Sếp có vợ con, vợ sếp trên danh nghĩa chỉ đi làm ăn xa, hai người đâu có bỏ nhau đâu. Ngân chỉ lớn hơn con gái sếp vài tuổi. Mẹ dứt khoát, nhà người ta đã lung lay vậy, không vun vào thì thôi, đừng có đang tay phá đổ con à, thất đức lắm.
Mẹ lặng lẽ nhờ bạn bè ba xin việc chỗ khác cho Ngân. Ngày công ty đặt tiệc tiễn Ngân, sếp báo bệnh không đến. Ngân rời bàn tiệc lúc hơn chín giờ, Ngân muốn được gặp sếp một lần. Ngân bấm chuông đến ba lần mới thấy sếp xuất hiện ở ngưỡng cửa. Sếp lưỡng lự mở cửa cho Ngân rồi lặng lẽ đi rót cho Ngân ly nước giống như sếp đã biết trước chắc chắn Ngân sẽ đến vậy. Sếp và Ngân không nói một lời, đến khi Ngân đứng lên, làm ra vẻ cứng cỏi chìa tay bắt một lần sau cuối, mặt sếp nhợt nhạt như đá: “Xin lỗi… Ngân còn trẻ, hãy nhìn về phía trước…”
Sếp xin đưa Ngân về. Đến cổng nhà Ngân, sếp mở cốp xe, lấy chiếc hộp trao tận tay Ngân: “Xin lỗi Ngân…”. Lần thứ hai sếp xin lỗi. Sếp có lỗi gì đâu, lỗi ở số phận, tại Ngân không có duyên.
Khi Ngân mở chiếc hộp, một chiếc thiệp nhỏ nhắn rơi ra từ xấp lụa áo dài: “Ngân mặc áo dài đẹp nhất!”. Vẫn kiểu nói của sếp, hiểu theo nghĩa nào cũng thổn thức. Ngân ngắm hoài, đọc hoài và nhớ hoài cho đến bây giờ Ngân đã ba mươi tuổi. Ngân chưa thể mở lòng với ai được.
Chỉ thương ba mẹ…
[1] Nhạc Trần Thiện Thanh
Giờ mới biết cô là văn sĩ. Em chúc mừng cô nha.
Sao Biển xin hãy gọi cô là người gõ máy chữ (xưa gọi là người cầm bút), thế thôi em.
sáng nay đọc lại tự dưng thấy cám cảnh quá.
Thế là Chế…vui rồi!
Cái tựa đề độc, cách viết thì thật nhu mì.
Cảm ơn anh Nguyễn Hữu với nhận xét về “cái tựa” lẫn “cách viết” 🙂
Chỉ cần một cái nắm tay mà đôi khi cả đời ta vẫn nhớ vẫn nhung.
Anh Nguyễn Trọng Thi chắc chắn là đang nhớ…:)
Hu hu em cũng đang bị “ế” đây .
Đừng “hu hu” Cafebuon, hãy cứ “hi hi ha ha” bạn ơi!
Ừ há, cứ vậy cho đời bớt mệt mõi , ràng buộc đời nhau với người mà mình không yêu thì có nước ” khùng “.
Dâu Tây chí lý, chí tình!
Xử lý cái khó thật nhẹ hẫng là cái tài của Chế Diễm Trâm.
Truyện này không hiểu sao Chế “xử” cuộc đời Ngân nhanh thế! 😊 Cũng giống truyện “Thiếu nữ lâu năm” đã trên xunauvn.org này vậy. Nếu được, mời Mộc đọc “Thiếu nữ lâu năm” nha! Thân ái.
Người con gái trong truyện thật dũng cảm khi dám sống thật với lòng mình. của quí hiếm.
Xung quanh Chế không hiếm những “nguyên mẫu” vậy! Thời buổi này phụ nữ mạnh mẽ hơn nhiều!
Đọc xong rồi vẫn còn nhớ mãi
Nhớ Ngân hay nhớ “Ế” vậy N.G.Huy ui?
Hiếm có ai dám sống vậy cô gái ế ơi. ?
Nhiều chứ bạn Lê Văn Hiền.
Ai cũng khen rồi cô ơi. Thôi em chỉ nói em like like.
Cô chỉ còn biết thanh kiu, thanh kiu MKK!
Viết hay.
Thank Thanh Thanh!