Truyện ngắn của ÁI DUY
Năm lên ba tuổi Mỵ theo mẹ về ở đậu trong dãy nhà ngang sau lưng một cái am thờ Ông Hoàng Bà Chúa, nghe nói đã được xây dựng trên hai chục năm và hưng thịnh nhất là thời kỳ sau 1954, lúc lớp lớp người có tiền của rời miền Bắc di cư vào Nam. Mẹ con Mỵ trôi dạt đến xứ người không nơi nương tựa, được bà cụ Đồng là người chủ am thương tình cho ở không lấy tiền; cốt có người tin cậy bầu bạn và làm không công công việc nhà bếp mỗi khi am cúng kiếng rồi sau đó được hưởng phần còn lại. Cụ không con, chỉ có cậu con trai nuôi hiền lành tên Điền.
Mỵ còn nhỏ, chỉ nghe người lớn nói chuyện với nhau rằng Diệu Quang am nổi tiếng linh hiển xưa giờ.Trước cổng am có một cây bàng già cao ngất, tán xòe rộng qua tận bên kia đường, bộ rễ gồ ghề bò lổm ngổm trên mặt đất; được coi là biểu tượng của chốn địa linh. Mỗi buổi trưa đứng bóng hay chạng vạng tối, Mỵ mà thơ thẩn mon men ra cổng thế nào cũng bị cụ Đồng mắng cho té tát, rằng đây là giờ khắc nơi chốn linh thiêng dành cho bề trên, đàn bà con gái chớ có léo hánh tới…Cái giọng rổn rảng rền vang như chuông bể của cụ mà cất lên thì đến cả bầy sâu rọm đang mê mải với những chùm lá bàng non trên cao cũng rơi lịch bịch xuống đất. Nhưng đó lại là cái công viên tuyệt vời nhất trong tuổi thơ của Mỵ, hễ không có ai là Mỵ lại lẻn ra. Dưói tán bàng, cả một khoảng sân rộng lát gạch suốt ngày râm mát, có phần âm u những khi nắng nhạt. Trước chánh điện là cội mai tứ quí vàng bông quanh năm, rọi bóng xuống một cái hồ nước hình chữ nhật rộng hơn cái phản gỗ xây nổi cao, chính giữa là hòn non bộ bằng những tảng đá san hô gắn kết hình thù kỳ bí, lồi lõm hang hốc phủ rêu dày xanh thẳm. Từ thuở còn nhón chân để nhìn xuyên thấu đáy hồ lượn lờ từng đàn cá rô phi đen trũi cho đến mãi sau này, lúc nào Mỵ cũng có cảm giác hồi hộp rờn rợn mỗi khi một mình rón rén đến gần dán mắt vào chốn bồng lai tiên cảnh được thu nhỏ đó. Đính trên nó là những hình nhân và những con vật li ti nhỏ bằng nửa ngón tay út của Mỵ, rải đều từ trên đỉnh cho tới lấp ló trong các hang hốc đen ngòm mà có khi phải đứng hàng giờ mới phát hiện ra chỗ nấp của chúng. Thôi thì đủ thứ, từ tăng ni tiểu điệu cho tới Phật Tiên Thánh Thần, quan quân xe pháo, voi ngựa rắn rít… Trên cao là tiên giới xênh xang, xuống năm tấc là địa ngục hun hút. Có lần giữa trưa đứng bóng Mỵ nghịch nước, bẻ cây luồn vào các hang đá đo thử độ ngắn dài rồi còn thò tay khoắng dưới đáy hòn non bộ, thậm chí Mỵ đã từng nhổ mấy cô tiên và những con hạc trắng chân vàng to hơn con ruồi một tí để bỏ túi nữa. Cô bé lăn đùng ra ốm mất mấy ngày khiến cụ Đồng phải sửa lễ tạ tội, cụ còn đốt cả một hình nhân đồng nữ thế mạng. Hình như vụ quở phạt này con nhang đệ tử các nơi đều biết thì phải!
Cụ Đồng là người mà dân trong vùng từ trẻ con cho tới người già đều kính nể, có phần khiếp sợ. Cái am này là của người chồng đời thứ ba đã quá cố lập ra và để lại cho cụ cai quản từ hơn mười năm nay. Ngoài sáu mươi, người rắn rỏi cao dong dõng, tóc đen răng đen, lúc nào ở đâu cũng môi son má phấn, quần là áo lụa, sắc sảo hơn người, uy tín lẫy lừng với giá hầu Ông Thủ Bàn. Lớn lên đi học, Mỵ rất ngại khi phải nói cho bạn bè biết nơi ở của mình và nguồn thu nhập chính của hai mẹ con bởi hầu như không mấy ai ngưỡng mộ hình thức tôn giáo được sân khấu hóa này. Mỗi một buổi hầu đồng đều được trình diễn lớp lang đàng hoàng chi tiết từng vai một từ phục trang cho tới lời thoại, bộ đi dáng đứng. Chót vót ngự trị trên cao là Tam cung Thánh mẫu, con cái của các vị đều được sắp xếp ngạch trật phẩm hàm rõ ràng theo đúng tôn ti từ trên xuống dưới: Chầu từ đệ nhất đến đệ tam, Quan lớn thì tới đệ ngũ, tiếp đến là các Cô, các ông Hoàng, các Cậu. Ngày nghỉ học,Mỵ hay rủ cậu Điền chui lên am theo ngã nhà bếp ngồi sau lưng những người đàn bà mập mạp mặc áo dài bông sực nức nước hoa để xin lộc, thường là hoa quả và những tờ tiền giấy mới tinh. Nói chung Mỵ cũng thuộc được một số vai diễn, chủ yếu là nhớ rõ giá hầu Cô Bơ, Cô Chín thì lộc sẽ là gương lược, Ông Hoàng Mười đa tình hảo ngọt thì sẽ có bánh kẹo, Cô Bé Thượng ngàn thì chỉ toàn là trái cây……, đại loại như vậy. Mỵ còn phân biệt được lời ca tiếng đàn phụ hoạ cho từng giá hầu của mấy ông bà cung văn đặng có ở sau nhà cũng chạy lên cho kịp lúc. Sau này, mỗi lần nghe những điệu hầu văn quen thuộc đó được phối âm hiện đại Mỵ lại thấy lòng mình bồi hồi xao xuyến như gặp bạn cố tri, nó đánh thức cả một quãng đời thơ ấu của cô.
Ông Thủ Bàn là một nhân vật khá đặc biệt, được hiểu nôm na như một ông từ giữ đền nơi tiên cảnh. Mỗi lần ông về người ta lại cho ghế của ông đóng khố vận đồ thổ cẩm, bôi mặt đen và nói giọng lơ lớ như người miền ngược, bộ dạng chân chất, mạnh mẽ. Những lúc ông về nơi cụ Đồng, Mỵ và mẹ hay chen tới gần cho ông nhìn rõ mặt, thế nào phần lộc được ban cũng nhiều hơn người khác. Nhưng lúc đó mẹ và mọi người quỳ lạy thành kính sợ sệt lắm, họ lắng nghe ông phán truyền bằng cái giọng dõng dạc dứt khoác, nội dung mơ hồ và bí ẩn như sấm. Đôi lần ông cũng ban thuốc chữa bệnh cho đệ tử thành tâm, nghe mẹ nói thì nhờ đó mà Diệu Quang am ngày càng thêm danh giá, cụ Đồng ngày càng được dân trong vùng ngưỡng mộ.
Tuy nhiên cụ Đồng cũng có nỗi khổ tâm riêng của mình. Người ta bảo rằng cụ có đôi gò má cao quá khổ, rằng cây độc thì không trái. Cậu Điền là đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi dưới gốc cây bàng đã được cụ nuôi nấng dạy bảo với một quyết tâm cao độ từ bấy lâu nay. Mỵ chơi với cậu từ nhỏ, một phần vì cả hai đều không có bạn, không dám mời bạn đến nhà, hơn nữa vì ít hơn cậu đến mười tuổi nên tha hồ làm nũng. Năm mười tám tuổi cậu mới học lớp đệ tứ, mặt đầy mụn, mơ thành nghệ sĩ sống đời lãng du, chơi đàn ghi ta và thổi sáo cũng thành bài bản đàng hoàng. Mỵ thích đọc ké các tạp chí văn nghệ của cậu, nghe cậu hát nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy trên căn gác nhỏ có cái cửa sổ duy nhất không gắn chấn song mở ra mái ngói nhà dưới vào những buổi tối cúp điện, thi thoảng nhảy lên chận ngang cần cổ cậu lại để bắt đổi bài theo ý mình. Khi hết chìu nổi, cậu Điền nắm ngược hai chân cô bé trong bàn tay dòng ra ngoài cửa sổ thả xuống mái ngói. Sẳn dịp Mỵ bò chơi trên mái nhà khiến cụ Đồng một phen chửi rủa mấy con mèo inh ỏi.
Nhưng cậu Điền không có điều kiện để nuôi dưỡng ước mơ của mình, bà mẹ nuôi đã chọn sẵn cho cậu một tương lai chắc chắn nếu may mắn cậu trốn được quân dịch. Ưu tiên một là kế thừa vị trí người thủ am, hai là trở thành một cung văn, ba là cho đi học nghề thợ mã, toàn là nghề hái ra tiền nhàn hạ và an toàn. Hồi đó cậu Điền chưa biết cãi lại, còn cắp đít vừa chạy vừa khóc mỗi khi cụ Đồng vác chổi rượt đánh, đành gạt nước mắt chọn phương án sau cùng. Cậu đi học ở trường buổi sáng, chiều đến học nghề ở nhà ông Mẹo – vừa là chủ một cái am kế cận vừa kiêm luôn nhà sản xuất hàng mã cỡ lớn. Buổi chiều Mỵ hay đứng ở cổng đón, cậu về với người dính đầy giấy ngũ sắc, giấy trang kim, bột tre và mùi hồ dán; thấy thương cậu lắm.Tuy nhiên cậu thạo nghề rất nhanh, chỉ sau ít lâu đã được giao làm những công việc chính thuộc về những khâu hoàn chỉnh sau cùng, ví như vẽ mặt cho các hình nhân, trang hoàng chi tiết thuyền rồng, thêm vảy thêm đuôi cho linh vật… chẳng hạn. Có lần cậu làm cho Mỵ một con nộm tí hon dài bằng gang tay mặc áo dài giấy kim tuyến đỏ, cổ đeo kiềng vàng, tóc bằng sợi len nâu có thêm cái nón lá duyên dáng. Mẹ Mỵ suýt ngất xỉu vì sợ hãi khi thấy nó trong cặp của con mình, hốt hoảng đốt rụi ngay tại chỗ trước khi người khuất mặt khuất mày kịp phát hiện và quở phạt.
Năm đó chiến sự lan tràn, dân tình tan tác, dâu bể khó lường nên am đền nơi nào cũng bận rộn, khách thập phương lễ lạc cúng bái tấp nập. Cậu Điền thuộc vào dạng bị động viên, áp dụng chước đầu tiên của tam thập lục kế nên ít khi lộ diện nơi đông người vào giờ cao điểm. Ban đêm khi có tiếng xe quân cảnh thắng lại trước ngõ là Mỵ lập tức nghe tếng bò rón rén rột roạt trên mái ngói, tiếp theo là tiếng cây ổi bên hông nhà vặn vẹo xào xạt, sau đó là tiếng tiếp đất một cái thịch. Hầu như suốt ngày cậu trốn bên am ông Mẹo để làm hàng, thi thoảng về nhà rồi lại vội vã đi không kịp cho Mỵ chạy theo léo nhéo. Bỗng dưng mà Mỵ thấy cậu Điền già đi rất nhanh.
Lâu lắm rồi mới thấy có khách phương xa đến cầu xin được ban phép chữa bệnh. Ban đầu cụ Đồng từ chối nhưng đôi vợ chồng người Tàu ở tận một tỉnh cao nguyên ấy cứ khẩn thiết van nài cứu mạng đứa con gái duy nhất mới mười bảy tuổi đầu bỗng dưng mắc bệnh đàng dưới, dở điên dở tỉnh, không ăn không nói không cười, tuy cũng chẳng gào la hay cởi đồ đi lang thang. Họ đã mang cô đi qua không biết bao nhiêu thầy bà nhưng vẫn hoài công. Cô điên được gởi lại cùng với một bà vú to và khỏe như gấu sẵn sàng đè ngửa cô ra mỗi khi cô lên cơn và ba rương đồ đạc kếch sù. Cụ Đồng nhường cho khách quí hẳn gian buồng phía trên thông với cửa sau lên chánh điện, chuyển giường của mình xuống nhà dưới, sát cầu thang gỗ dẫn lên phòng cậu Điền. Cô điên mặc bộ đồ bộ bằng lụa nền trắng bông xanh, tóc dài buộc lại sau vai, ngồi đờ đẫn trên cái rương gỗ chẳng nhìn ai cho dù ai cũng nhìn cô, đang nói về cô. Mỵ thấy ai cũng mừng rỡ lăng xăng thu dọn tuy mỗi người thể hiện có khác. Mẹ Mỵ được giao khoán phần nấu ăn, cụ Đồng thì không biết đang nói cái gì mà thấy cha mẹ cô điên vâng dạ cúi đầu sát đất, còn cậu Điền thì lâu lâu lại liếc cô điên một cái mặt ưng ửng đỏ. Chắc là cô điên có nhìn thấy Mỵ đang thập thò sau khung cửa sổ, cái đầu xinh xinh của cô hơi nghiêng nghiêng, mắt chớp khẽ. Mỵ hãi quá thụp xuống luôn, nghe người ta nói cô bị quan ngài nào đó đòi bắt về cõi trên làm thê thiếp, cha mẹ cô người trần mắt thịt lỡ buông lời xúc phạm nên bề trên quở phạt trút giận lên đầu cô gái. Khi lên cơn mặt cô phồng đỏ, nước mắt dàn dụa răng nghiến trèo trẹo, từng đường gân thớ thịt hằn lên như đàn ông.
Hôm đầu tiên người ta điệu cô lên chầu hầu Ông Thủ Bàn về nơi xác cụ Đồng, khi thấy Ông bậm môi giậm chân chỉ cả bó nhang cháy dở vào mặt, cô bèn chồm tới kêu lên the thé vẻ như muốn ăn thua đủ khiến hai ba người xúm lại vật ngã cô xuống, chỉ nghe tiếng cười sằng sặc bị chẹn lại đâu đó. Cả Mỵ và cậu Điền cũng có mặt, không nghe cậu cười hay bình phẩm như mọi khi.
Cô điên ở được một tuần thì Mỵ không còn sợ, còn lạ cô nữa. Khi tỉnh táo cô ngồi bên song cửa mơ màng nhìn ra vườn hồng tỷ muội hoặc chải đầu tết tóc cho mấy con búp bê mà Mỵ chỉ thấy trong mơ. Cô bé đâm ra thích mon men tới gần ngắm nghía, nghe ngóng xem cô điên làm gì, nói gì bất kể những lời răn đe cuả mẹ và cụ Đồng. Quả thực cô điên không giống một bệnh nhân, ít nhất là lúc ánh mắt vô hồn của cô chạm phải cái đầu tóc bum bê của con bé đang nhô lên ngang khung cửa sổ. Rồi cô nhoẻn miệng cười khiến Mỵ lạnh xương sống, muốn bỏ chạy mà hai chân cứ khuỵu xuống. Sang đến lần thứ hai, thứ ba thì Mỵ bắt đầu đứng thẳng lên, thậm chí còn bụm miệng cười khúc khích khi cô điên cầm con búp bê dứ dứ về phía Mỵ như dọa dẫm. Sau nữa,vào giờ Mỵ hay xuất hiện cô điên đến tựa cửa vẻ chờ đợi, tuy vẫn không nói lời nào nhưng vẻ tươi tỉnh nghịch ngợm. Cuối cùng Mỵ cũng chịu ăn chung với cô một quả táo, mượn con búp bê tóc vàng của cô về chơi ít hôm, gật đầu khi cô đưa ngón tay lên môi suỵt suỵt. Nghe chuyện bí mật của Mỵ và cô điên, cậu Điền chỉ cười lớn rồi thở dài lặng lẽ.
Sang tuần thứ hai thì cô điên ngoan ngoãn nghe lời cụ Đồng lên ngồi xếp bằng bên chánh điện mỗi khi hành lễ, không lắc lư đong đưa hay quắc mắt dữ tợn nữa, biết tự ăn uống, tự thay đồ, biết chải đầu soi gương. Bất ngờ một đêm thanh vắng Mỵ nghe cô hát, tiếng hát ẻo lả len lỏi qua vườn hoa bên hông nhà trồng đầy ngâu và hồng tỷ muội, xuyên đến dãy nhà ngang của mẹ con Mỵ thì chỉ còn rơi rụng lại một ít nhưng cũng đủ cho cô bé nhận ra được những giai điệu quen thuộc từng nghe vào những đêm tối trời trên căn gác tù hãm của cậu Điền. Mỵ len lén chạy qua vườn hoa, phóng hai bước một trên cái cầu thang gỗ tìm cậu Điền. Cậu đang đứng chồm qua cửa sổ, người căng như sợi dây đàn, nhác thấy Mỵ cậu đưa vội ngón tay lên môi sụyt suỵt,bộ dạng y hệt cô điên hôm trước.
Tuy nhiên bệnh tình cô điên khi thăng khi giảm,trồi sụt bất thường. Bình thường ai cũng bảo cô ngày càng đẹp ra và nhu mì, dịu dàng như một thiếu nữ khuê các, thậm chí cô còn biết bẻn lẻn đỏ bừng mặt khi có người khen mình tuy vẫn không bắt chuyện, trả lời với ai. Ấy thế nhưng mỗi khi người nhà của cô xuống thăm dò, tiếp tế lương thực tiền bạc thì y như rằng suốt ngày hôm đó cô lăn ra nằm bẹp dí trên sàn nhà, đầu bù tóc rối, môi miếng tím ngắt sùi cả bọt mép; cụ Đồng có giận dữ quát tháo cỡ nào cũng mặc.
Được hơn một tháng thì gia đình cô tỏ ra khá sốt ruột, họ quyết định cuối tháng này sửa lễ cúng tạ rước cô về.Trước ngày cúng ba hôm, thấy cậu Điền đã chở về một xe ba gác chất đầy hàng mã, trong đó đẹp nhất, nổi bật nhất là cặp hình nhân đồng nữ to bằng người thật, áo dài khăn vấn xanh đỏ, hài kim tuyến. Mỵ lăng xăng bên cậu Điền, ngắm khuôn mặt trắng bệch bằng giấy bồi chợt phát hiện reo lên ”A, sao mặt hai con búp bê này giống cô điên quá ta!” .Không như mọi khi, cậu Điền gạt Mỵ qua một bên, lầm lì nặng nề lôi từng giỏ cần xé xuống. Bất đồ cậu khựng lại, cái nhìn phóng qua vườn hồng. Mỵ chỉ kịp thấy một cái bóng trắng thấp thoáng lướt qua khung cửa sổ.
Buổi lễ được ấn định vào đúng ngọ hôm sau, gia đình cô điên sẽ xuống trước chín giờ sáng cùng ngày. Ngày hôm trước cô điên bỏ ăn, thẩn thờ quanh quẩn bên khung cửa sổ, ai cũng e ngại. Buổi tối Mỵ đi ngủ sớm, không nghe tiếng hát mỏng mảnh của cô len sang, cũng chẳng có tiếng tí tách của ghi ta trượt qua mái ngói. Trong giấc mơ Mỵ thấy con nộm có khuôn mặt trắng bệch giống hệt cô điên đang bốc cháy phừng phực, những mảnh tàn giấy nương theo gió lãng đãng bay lên cao rồi vữa ra tan loãng như bụi. Khi ấy cô điên bằng xương bằng thịt vụt đứng thẳng lên như người vừa được tái sinh khiến ai nấy trầm trồ thán phục.
Hôm sau là một ngày đáng nhớ nhất trong đời của Mỵ và của ít nhất là hai người nữa: cô điên và cậu Điền. Hai người đã biến mất trước khi trời sáng tỏ.
Bỏ mặc mọi người đang xúm lại cãi vã chửi rủa ầm ĩ đổ lỗi cho nhau, Mỵ buồn bã đi lên căn gác nhỏ của cậu Điền, ngắm nhìn cái ghi ta cũ kỹ còn treo trên vách. Rồi cũng y như cậu, Mỵ kéo ghế tới đứng nhón chân chồm qua cửa sổ. Sau cái mái ngói tróc lỡ đen sì bám đầy rêu mốc, cô bé nhìn thấy rất rõ khung cửa không có rèm che bên cạnh vườn hồng, quả thực nếu có cô điên đang ngẩn ngơ ngồi đó thì đúng là một bức tranh tố nữ tuyệt đẹp.
Cậu Điền và cô điên bỏ đi mang theo rất nhiều thứ, mỗi người ở lại mất một ít. Cứng rắn mạnh mẽ và tài giỏi như cụ Đồng cũng mất cả năm mới hồi phục, tái dựng lại uy tín. Cặp vợ chồng ngưới Tàu mà ai cũng tưởng là cha mẹ cô điên thì mất trắng nàng hầu thứ bảy mới mua về mấy ngày với một cái giá không rẻ. Còn Mỵ, Mỵ nghĩ mình thiệt thòi hơn cả bởi từ lúc đó cô đã mất đi khả năng tin vào bất kỳ một cái gì không thuộc về quyền lực có thể của con người, ngay cả khi cô phải đối diện với những sự thật không thể nào lý giải nổi.
A.D
thật bất ngờ,cảm xúc bây giờ sao khó tả quá,trong bài có một đoạn làm ký ức của mình nó lại lùa về,cảm ơn AD . hân hạnh được kết bạn vói AD.
Bút pháp của Ái Duy thật đa dạng
Văn phong rất riêng
Đây là điều mà hầu hết người viết đều mong muốn; cám ơn Dũng Sinh.
VIẾT THẬT HAY.
NHÀ MÌNH NẰM TRƯỚC MỘT ĐIỆN HẦU ĐỒNG,SAU NĂM 75,CHỦ NHÀ MỚI TIẾP QUẢN ĐEM TOÀN BỘ TƯỢNG THỜ RA ĐẬP BỎ,THẾ LÀ LÃNH HẬU QUẢ NGAY.
Không biết cái chuyện đập bỏ tượng thờ đã ảnh hưởng gì đến cái hậu quả, tuy nhiên đúng là hành vi này không hề được tán thưởng theo tập quán của dân mình. Cám ơn Quang Dung đã đọc.
Hôm qua tình cờ được đi dự lễ hội chầu văn …chợt nhớ đến chuyện này, Vừa dự vừa cười khúc khích mãi
Đọc báo thấy nói chầu văn đang được đề nghị là di sản văn hóa phi vật thể thế giới .Liệu có xứng đáng không ?
Hầu đồng đã là Di sản văn hóa phi vật thể quôc gia, còn ra thế giới thế nào là xứng đáng thì tùy thuộc vào các tiêu chí của …thế giới.
Nhưng cần gì phải khoác thêm danh hiệu để rồi đua nhau khai thác lệch lạc chẳng ra làm sao.
Có cô điên nào bị điệu ra trước công đồng không Khungcuahep? 🙂
Truyen Ai Duy phan tich tam ly nhan vat rat sac sao, day ca tinh.
Cám ơn VHoc, tác giả may mắn tiếp cận được những nguyên mẫu như vậy. 🙂
Chị Ái Duy viết văn hay quá,câu chuyện không nhiều kịch tính nhưng kết thúc rất bất ngờ
Tạo được chút bất ngờ cho người đọc mình thấy vui lắm; cám ơn Thi Thu nhiều. 🙂
Vẫy là biết thêm một cảnh giới u u minh minh.
Tiếc là tác giả chỉ phản ánh được một góc nhìn rất nhỏ. 🙂
Nhân vật được xây dựng sắc nét,bất ngờ
Cám ơn nhận xét của Nhiên. Đây cũng là điều mà tác giả nào cũng cần phải lưu ý. 🙂
Lối viết dễ hút người đọc vào những dzic dzac của mê cung.
Thiệt ra tác giả chọn cách kể chuyện truyền thống, không hiểu sao thành ra dzic dzac nữa. 🙂
Nhà văn Nha Trang viết thật hay
Cám ơn Huỳnh Song Hương, (các) nhà văn NT sẽ rất vui. 🙂
Truyện thật nhiều kịch tính bất ngờ
Chút kịch tính để bừng tỉnh khỏi mê cung đó Quy Nhơn 57. 🙂
Trình độ phê bình văn học dỡ ẹt nên chỉ dám viết là hay thôi nhà văn xứ trầm hương ơi
Dạ, vậy là quý rồi. 🙂