Tạp Bút
MANG VIÊN LONG
Những ngày gần cuối tháng Chạp, tôi đã có một chuyến “đi xa” vào Tuy Hòa, để thăm Thầy, thăm bạn, và học trò cũ của “một thời để nhớ”. Chuyến đi nầy “không giống” những lần ghé Tuy Hòa vội vã của những tháng năm lưu lạc, lao đao cũ. Tôi đã có hẹn với Thầy Thiện Đạo vào để dự lễ Phật Thành đạo ở chùa Phi Lai, với bạn văn, đồng nghiệp, và với học trò cũ trước khi Tết đến. Những chuyến ra đi bất chợt không hề hứa hẹn, trong nỗi bất hạnh bất an thường trực của một thời, đã tạm yên vắng!
Tôi xin ghi lại đôi điều về một buổi sáng sớm an lành, hạnh phúc ở hiên nhà anh Trần Huiền Ân, hẻm 20/3 Chu Mạnh Trinh – nơi tôi vẫn thường “dừng chân” đầu tiên khi đến Tuy Hòa từ nhiều chục năm nay; như để lưu giữ một kỷ niệm.
Mặc dầu đã thân quen anh và gia đình từ năm 1967, đã sống gần gũi anh như một người thân, gặp nhau chia sẻ tâm sự nhiều lần, nhưng tôi chưa “đủ duyên” để ghi lại một kỷ niệm nào. Lý do: cứ lần lữa hẹn, nhất là viết về một nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu – biên khảo đã có trên 50 năm cầm bút thì không thể dễ dàng chút nào. Có rất nhiều điều cần viết về anh, về đời sống cũng như về tác phẩm. Nhưng hôm nay, cảm thấy không thể “chờ đợi” lâu hơn nữa, khi chúng tôi đang cùng có một buổi sớm mai sum hợp ấm áp; tôi xin “ghi vội” đôi điều về anh.
4 giờ30 giờ sáng, vợ chồng anh đã cùng đi bộ ra ngoài để tập thể dục như mọi ngày, tuy trời đang rất lạnh. Chị hỏi “chú Long có đi không?” Tôi cười: “Tôi làm biếng, tập dịch cân kinh ở sân nhà được rồi!”
Tôi pha bình trà, một gói café G7, ra ngồi ở chiếc bàn thấp đặt sẵn bên góc hiên nhà, nhìn bầu trời Tuy Hòa còn mờ đục hơi sương; đốt một điếu thuốc đầu ngày, như ở hiên nhà mình…
Trần Huiền Ân trước hiên nhà…
Mang Viên Long: (rót một tách trà, đặt trước mặt anh Trần Huiền Ân ngồi đối diện, cùng bàn):
Không gặp lại anh gần một năm, nhưng tôi cảm thấy “sắc diện” anh vẫn không có gì thay đổi lắm. Hiện tại anh có bệnh “mãn tính” nào tiềm ẩn có thể làm “cản trở” việc sáng tác của anh không?
Trần Huiền Ấn: (hớp một ngụm trà nhỏ, cười hiền):
Tôi theo dõi đề phòng bệnh huyết áp và tiểu đường thôi. Thường xuyên tự đo kiểm tra và uống thuốc ngừa. Tuy vậy, lũ nhỏ ở gần thì “kiểm soát” ở xa thì “nhắc nhở tôi kỹ lắm!”. Chuyện bệnh đau chưa có ảnh hưởng gì nhiều đến việc sáng tác hằng ngày của tôi. Anh biết rồi, tôi đã mổ mắt cườm ba năm, đọc rất rõ – nhưng ngồi để viết không được lâu như xưa! Có khi những dòng chữ trên màn hình hơi bị nhòa và hơi mỏi mắt.
MVL: (cười chia sẻ):
Tôi cũng đã mổ mắt như anh biết, cũng “giống” trường hợp của anh vậy thôi. Nhưng được vậy là cũng vui rồi, đang bước vào tuổi 78 như anh mà hằng năm đều có tác phẩm biên khảo – nghiên cứu dày dặn để tiếp tục giới thiệu với bạn đọc, cống hiến cho Văn học, cũng hiếm đấy! Vậy, hằng ngày anh thường viết vào lúc nào?
THÂ: (ngẫm nghĩ):
Thường bắt đầu từ giữa buổi sáng – tức là hơn 8 giờ giờ. Xế chiều và buổi tối tiếp tục viết một lúc nữa. Tóm lại, là viết lúc cảm thấy “yên” mà khỏe; chứ không phải “đợi có hứng” như một số người đã nói vậy. (cười) Buổi tối, tôi viết ít thôi…
MVL (nhâm nhi hớp trà):
Tôi nhớ một lần ghé thăm tòa soạn Vấn Đề ở 38 Phạm Ngũ Lão, gặp nhà văn Mai Thảo, trong lúc chuyện trò, tôi có hỏi thăm, anh làm công tác biên tập, quan hệ nhiều, nhưng vẫn có nhiều tác phẩm dày dặn được xuất bản – vậy có lẽ anh thường viết về ban đêm? Nhưng anh có vẻ ngạc nhiên, đáp:“Ban đêm thiên hạ nghỉ ngơi, vui chơi, mình “dại” gì ngồi cặm cụi một mình?”(cười) Khi hoàn cảnh ngặt nghèo không thể ngồi yên ban ngày để viết, tôi chỉ còn thời gian ban đêm. Nhưng từ khi được thư thả, tôi nghiệm thấy lời anh Mai Thảo là có lý… Thật ra, chuyện viết ban ngày hay ban đêm, viết lúc nào – còn tùy ở thói quen và hoàn cảnh của mỗi người, phải không anh?
Tôi nghĩ, anh đã có ròng rã trên 50 năm cầm bút, viết – như một cây bút chuyên nghiệp, thì anh đã có “thói quen” vậy rồi! Nhất là về sau, khi anh chuyên viết biên khảo và nghiên cứu, thì sự cần mẫn và cẩn trọng là hai điều kiện cần ban đầu. Tôi cũng nghĩ như anh, nếu “đợi hứng” để viết một cái truyện (hay một bài tiểu luận, tạp bút) thì có thể sẽ… rất lâu! Tôi nhớ, đến nay, anh đã xuất bản được 29 tác phẩm – trong đó có 4 tập thơ, 8 tập truyện ngắn, và 17 tập biên khảo – nghiên cứu; vậy thì thời gian nào anh viết đều đặn những bài tạp bút, phiếm đàm – nhàn đàm, cho các báo (…)?
THÂ (cười):
Là những lúc tôi chưa có thể tiếp tục viết sách, vì nhiều lý do, nên tự cho mình được thư giãn – nhưng lý do gần gũi là “có hẹn & bị thúc nhắc”, hay cảm thấy cần ghi nhanh một số ý tưởng mới nào đó…
MVL (đốt một điếu thuốc – cười):
Vậy là vừa được “thư giãn” vừa có tiền…
THÂ (do dự):
Đó là một “cái nghiệp”, nhưng đó cũng là niềm vui – niềm vui lớn hơn…
MVL:
Anh viết mỗi bài tốn bao nhiêu thời gian? Mỗi bài cần mấy trăm chữ vậy?
THÂ:
Tôi thường viết và cả đọc lại, không hơn vài giờ! Ý tưởng, tư liệu đã sẵn có, chỉ ngồi lại và viết thôi! Bình thường, theo yêu cầu là 900 chữ!
MVL:
Có thể hơn chứ, nếu cảm thấy rất cần thiết?
THÂ:
Nhưng nếu thấy quá cần thiết, thì cứ viết thêm, nhưng không được thêm nhiều. Giới hạn của trang báo tập cho mình viết cô đọng, không thể lan man, tùy tiện, nên lâu dần quen. Tôi có “kinh nghiệm”, bôi đỏ những dòng “thừa chữ” trước khi gởi đi. Trang báo dành cho chuyên mục còn chỗ, họ sẽ dùng hết! Còn không, họ sẽ biên tập ngay đoạn mình “bôi đỏ” phòng khi không còn “đất”, cho đỡ mất công người phụ trách, nhất là không để “khó xử” cho đôi bên!
MVL (cười):
Tôi nghĩ, cách viết ngắn gọn, cô đọng mà sâu sắc mới lạ, luôn là cách viết tốt nhất cho những bài tiểu luận, tạp bút. Đó là một kinh nghiệm hay! Theo tôi biết, mỗi dự thảo cho cuốn sách nghiên cứu hay biên khảo, nếu được Hội VHDG xét duyệt, chấp thuận – sẽ được tài trợ để hoàn thành. Mỗi năm anh nhận được tài trợ cho mấy cuốn?
THÂ (đưa tách trà lên, chậm rãi hớp từng ngụm):
Tùy theo công trình dự định sẽ hoàn thành được xét, có năm một, có năm hai cuốn! Sự hỗ trợ đã thật sự giúp cho tác giả có điều kiện hơn, để hoàn thành tác phẩm đúng thời gian. Viết biên khảo – nghiên cứu cần nhiều tư liệu, cần điền dã tại chỗ để thu thập tư liệu mới, ghi ảnh v.v.. Ngoài khoản tài trợ để hoàn thành tác phẩm, khi sách được xuất bản, cũng được chi trả nhuận bút. Nhưng chỉ được nhận 2 cuốn sách biếu thôi!
MVL (cười lớn):
Như vậy họ nghĩ, tác giả chỉ có 1 người bạn sao?
THÂ (cười, đồng cảm):
Nếu nhiều bạn, cần sách để tặng, thì tác giả phải “mua” thêm thôi! Quy định xưa nay vậy rồi. Có cuốn, tôi phải mua thêm trên vài mươi cuốn…
MVL (nhìn lơ đãng ra khoảng sân nhỏ, yên vắng):
Anh “cảm thấy” thế nào với tình trạng sinh hoạt phê bình hay “điểm sách” hiện nay?
THÂ (ưu tư):
Tôi nhận thấy những bài viết thuộc lãnh vực nầy đều có thể nằm một trong ba trường hợp: 1/ Để thù tạc, khen tặng lẫn nhau. 2/ Để “trù dập”, chơi nhau. 3/ Để “chiếu lệ” hay lấp đầy trang báo…Những bài viết tâm huyết, trung thực – có lẽ chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp!
MVL (chia sẻ):
Tôi rất đồng cảm với anh về “cảm nhận” chân tình nầy! Trong một bài viết ngắn về tình trạng “phê bình văn học” được viết khá lâu, tôi cũng đã có “tâm sự” đôi điều như vậy; chúng ta cũng chỉ mong cho sinh hoạt VHNT được trong sáng, tiến bộ, nghiêm túc – đúng như yêu cầu, nhiệm vụ của nó. Có như vậy, trước hết, bài viết mới có giá trị trung thực, được tất cả tin tưởng, trong công việc “hướng dẫn” dư luận; và sau đó mới hoàn thành được thiên chức là “nâng cao”, làm phong phú cho sinh hoạt văn học nói chung trong tương lai… Tôi nghĩ, sự thiếu vô tư, thiếu công bình, hay thiển cận, phân biệt và nhất là nạn “phe nhóm” cục bộ, luôn luôn làm cản trở cho sự phát triển của văn học, và “gây tác hại” cho tác giả không ít ở hiện tại cũng như ở tương lai…
THÂ (nâng tách trà, uống một ngụm nhỏ – khẽ cười):
Muốn đổi thay “nếp cũ” cũng không thể dễ dàng…
MVL (nhìn lên mảng trời ngoài sân, phía trên bờ tường, ánh sáng đã rõ – một mầu xanh mát dịu):
Tôi rất vui vì có một buổi sáng ấm áp, hạnh phúc được “đối ẩm” với anh, không thể nào quên! Chúc anh và gia dình được mọi điều an vui nhân dịp năm mới đến, và mùa xuân dang về… Rất mong được có thêm những lần trò chuyên thân tình cùng anh!
Từ trái sang: Mang Viên Long & Khánh Linh & Chị Minh Quân & Trần Huiền Ân
(ảnh chụp tại Tuy Hòa, năm 1973)
Tuy Hòa, những ngày cuối năm
26 tháng 01 năm 2015
(Mồng 7 tháng Chạp – Giáp Ngọ)
MANG VIÊN LONG
”Còn Viết được là còn Vui?”Thân Bệnh-Tâm Không vẫn Tươi mỗi ngày?-Thầy vẫn thế!-Em ngồi ngây…Gặp ngoài là vậy khác đây nói hoài!Em sẽ ngồi nghe không cãi…Nghe Lợi hơn cả,khác đây nói nhiều!Kính Thầy…xin chiêu một ngụm trà dưới mái hiên Nhà..Mơ được vậy thôi mà!Xin Thầy bỏ quá cho..
Chào aitrinhngoctran! Lâu quá không “gặp” Em? Mấy ngày cuối năm chắc em rất bận? Xim mời Em tách trà nóng – buổi sáng ở hiên nhà! Chúc Em & gia đình An Lành!
Cùng ngụ cư ở đất Phú trời Yên mà chưa có dịp “Một buổi sáng dưới hiên nhà ” ấm áp như vậy.
Chào V Học! Có lẽ có, mà Bạn không nhới hết? Sao không đến thăm anh THÂ nhỉ? Chúc vui vẻ!
Cháu chào chú! Gặp gỡ bạn bè , ôn lại những kỉ niệm đã qua. Cuộc gặp gỡ cuối năm thật là đậm tình. Chúc chú luôn an lành, may mắn trong cuộc sống
Thăm Minh Nguyệt! Cám ơn MN đã đọc & chia sẻ! Chúc cũng muốn lập lại câu Cháu đã chúc ở đây: “luôn an lành, may mắn trong cuộc sống”!
Hồi hè vừa rồi em đi ngang qua nhà anh thấy tiệm sửa khóa không còn nữa. Buồn.
Chào Gò Găng! Hơn 3 năm nay – khi phát hiện bị bệnh Tim nặng – tôi “truyền nghề” cho cậu con rễ (vốn là Ks cơ khí) – “về hưu” ở tuổi 67! Cậu cứ vòa hỏi – Cháu sẽ phone cho tôi (hay cho biết địa chỉ nơi tôi “trụ trì” – chỉ cách nhà cũ khoảng 800m thôi, nếu muốn ghé lại uống trà xanh!). Vậy nhé! Chúc Năm mỚi vui vẻ!
Chúc anh năm mới vạn sự như ý
Vẫn mong một lần ghé hiên nhà người sửa khóa viết văn.
Rất mong! Hôm nào thuận tiện – cứ ghé nghen! Chúc mọi điều An Vui!
Có cảm giác rất nhiều người quí nhà văn Mang Viên Long và Trần Huyền Ân
Chào Mai Huỳnh! Có lẽ, vì chúng tôi…đều già! Anh THÂ hơn tôi 7 tuổi! Cả hai đều thuộc “cổ lai hy” mà! Nhân đây, xin được gởi cắm ơn tất cả bà con & thân hữu XN vậy! Chúc mọi người đều An Vui để còn gặp nhau dài dài…ở đây!
Hiên nhà anh ở chốn nào để những người yêu mến anh có cơ duyên tìm đến thưởng trà anh Long ơi ?
Hiên nhà tôi ở Xóm Kẹo Ph Bình Định. Đến đường Thanh Niên hỏi “Xóm Kẹo” thì ai cũng biết. Ở đầu hẻm, hỏi nhà MVL – cũng dễ thôi! Sáng nào tôi cũng pha ấm trà & tách cafe G7, ngồi chờ Bạn Nhỏ! Và mấy ông bạn láng giếng cũng thường ghé nhâm nhi trà sớm để ra ruộng! Mời Cậu & thân hữu ghé tệ xá cho vui nhé!
Anh MVL đã vui lòng cho địa chỉ rõ ràng như vậy thì tôi xin ghi lại, có dịp nào đi ngang Bình Định sẽ ghé thăm anh. 13 năm trước tôi từ Qui Nhơn có đi lên Bảo tàng Quang Trung nhưng vì không quen biết anh (trên mạng) nên không dám đường đột !
Mô Phật! Quế Sơn còn trẻ – sao “kỹ tính” vậy nhỉ? Rất mong Cậu ghé chơi!
Chúc vui vẻ nghen!
Em cũng mong có lúc uống trà dưới hiên nhà của anh Mang Viên Long. Không biết bao giờ !!!!!!
Dễ thôi – Mai ạ! Anh rất mong có bạn hữu ghé cùng nhâm nhi trà choi vui mỗi sáng kla mà! Chỉ ngại “đường sá xa xôi” & lòng người cách trở mà thôi!
Bài viết ngẫu hứng mà độc đáo,giúp người đọc hiểu thêm chuyện bếp núc của nhà văn.
Kính chúc anh năm mới an vui
Chào Lhungcuahep! Cảm ơn KCH đã đồng cảm! Năm mới rồi, hãy nên khungcuamo cho bạn hữu vào thăm thoải mái nhé! Chúc vui vẻ!
Hì hì em cũng ráng theo lời khuyên của anh. Kính chúc anh năm mới vạn an.
Chào Khungcuamo! Vậy nhé! Cứ “mở cửa” là vui vẻ thôi!
Bài viết dễ thương anh Long ơi. Năm mới an lành anh nhé!
Chào Thu Thủy! Được em khen – chiều nay chắc anh phải ăn thêm 1 chén cơm nữa đấy! Chúc Em & giư đình an lành!
Long huynh kính mến,
Vui nhiều khi thấy bài huynh vì biết anh vẫn khoẻ. Cái vui thứ hai là đọc để biết thêm cuộc sống đơn giản mà đầy ắp tình nghĩa của anh và các bạn anh.
Cho muội gửi lời thăm chi (dù chưa biết), kính chúc anh chị cùng các cháu một an8m an lành, hạnh phúc.
Chào Huỳnh Ngọc Nga! Xám ơn Muội đã đọc & chia sẻ cảm nhận (dù rất xa xôi). Chúc Muội & gia dình luôn mạnh giỏi & vui vẻ! MVL
Rất vui khi thấy hai nhà văn mà mình yêu thích vẫn mạnh khỏe và sáng tác dồi dào. Kính chúc hai anh một mùa xuân vạn sự như ý
Chào Đào Trí Hưng! Tôi nghe “quý danh” hơi quen! Có bà con gì với Ông Đào Tấn không? Anh THÂ vẫn vào đọc comments, nhưng “ủy quyền” cho tôi recom. Vậy xin “đại diện” cám ơn ĐTH nhiều nhé! Chúc Trí Hưng – SK & HP!
Dưới mái hiên nghe hai nhà văn nỗi tiếng nói chuyện,rất hay.
Chào Đông Dương! Chúc ngày mới An Lành!
Một tản văn rất dễ thương
Cám ơn Thi Hải đã đọc & “khen dễ thương” về buổi gặp gỡ của hai bạn…già! Chúc vui vẻ nhé!
Cuộc trao đổi trước mái hiên nhà cũng là một cách gửi gắm kinh nghiệm sáng tác của hai nhà văn lão thành . Đó là những trãi nghiệm của cả một đời gắn bò với chữ nghĩa văn chương. Em đọc mà thấy bổ ích vô cùng.
Chào Kim Phú! Bài viết cũng chỉ ghi lại một trong những buổi sáng bên hiên nhà với Anh THÂ thôi. Đó là 1 kỷ niệm. Mong rằng cũng đã “ghi lại” được đôi điều…CXhucs KP & gia đình an vui!
Mong anh khỏe và viết cũng khỏe.
OK! Thanks Em! Chúc vui vẻ!
Đọc bài viế của Anh, MMT hình dung ra một buổi sáng cuối Đông tại nhà người bạn của Anh – người MMT kính quý gọi bằng Thầy – thật thú vị. MMT ước ao có duyên, trong một dịp gần nhất được ghé thăm Thầy, nghe Thầy chỉ dạy về văn-thơ, sẽ rất tuyệt. Ao ước nhỏ đó mà đến nay chưa thực hiện được. Đọc bài Anh viết như là người thứ 3 ngồi bên hóng chuyện 2 người. Nhẹ nhàng mà thú vị làm sao. Tình bạn, tri âm, tri kỷ (hơn 47) và về già được như vậy là ước ao của nhiều người vậy.
Được xem tấm ảnh hơn 40 năm của Anh và gia đình Thầy, thật quý. Hồi ấy, ai cũng đẹp!
Lời cuối, kính chúc Anh và Thầy luôn an vui, vạn phúc vạn lành nhân dịp Xuân mới! Và, mong Anh và Thầy giữ vững phong độ sáng tác mà tuổi trẻ như MMT luôn phải kính phục.
Kính quý,
MMT
MMT viết bằng điện thoại nên có những cái thiếu như:
– chữ “bài viết” (chữ “viết” thiếu “T”)
– “hơn 47” lại thiếu chữ “năm” tức muốn nhắc đến cột mốc 2 vị quen nhau từ 1967…
Mong Anh lượng thứ.
Chúc Anh vui luôn!
Không có chi! Tôi cũng…nhiều lúc, như vậy hoài mà! Chúc vui!
Chào Mộc Miên Thảo! Có dịp về Tuy Hòa, Cậu ghé thăm anh ấy! Anh THÂ rất chân tình, giản dị, và cởi mở! Cám ơn Thảo đã đọc & đồng cảm nhé! Chúc T & gia đình mọi điều an vui! MVL
Lâu rồi mới nghe tin tức về anh Trần Huiền Ân,rất vui vì biết anh vẫn khỏe và dồi dào sức sáng tao
.Kính chúc hai anh năm mới hạnh phúc an vui.
Chào Huỳnh Hoa! Chúng tôi cảm ơn HH nhiều! Chúc an vui nhé!
Ca cau hoi va cau tra loi deu hay,nhe nhang ma sau sac
Chào Diệu Thu! Cám ơn DT & chúc vui vẻ!
Cũng là một dạng thức phê bình giới thiệu văn học sinh động.
Chào Minh Sơn! Cám ơn MS đã đồng cảm! Chúc vui vẻ nghen!
Một cuộc trao đổi của những người bạn văn thật thú vị
Cám ơn Minh Văn đã chia sẻ! Cũng chỉ để “giữ lại một kỷ niệm” thôi! Chúc mạnh giỏi!
Viết vậy đọc thấy dễ chịu lắm anh Mang viên long
Một lần gặp gỡ – như những lần gặp gỡ khác thôi! Chỉ “trò chuyện” thân tình – không …có ý gì khác! Chúc an lành!