Tên thật Nguyễn Đăng Khoa,
Bút danh: Mộc Miên Thảo,
Sinh năm: 1974,
Quê quán: Nha Trang, Khánh Hòa.
Từng là giáo viên Anh văn từ năm 1996 – 1997. Sau đó làm quản lý cấp cao cho Công ty nước ngoài (công ty đóng tàu Hyundai) từ 1997-2012. Nay làm việc cho một công ty chuyên về cung ứng và Xuất Nhập Khẩu hàng hàng hải cho C/ty đóng tàu.
20 NĂM…
“Thời gian thắm thoát thoi đưa”(*)
Hai mươi năm…
mới như vừa…
hôm qua
Ngoái đầu
nhìn lại
đã… già
Tóc sương điểm bạc,
phôi pha mái đầu
Hai mươi năm…
ngoảnh nhìn… sâu
Xuân qua
chở
thuở ban đầu
thơ ngây
Tuổi thơ –
một giấc mộng đầy
Vụng về vẽ lại,
nào hay…
đã là…
Hai mươi năm –
một thoáng qua…
(*): Ca dao
(Mộc Miên Thảo, 16/4/2014)
.
THIÊN DI
Buông tay với vạt nắng chiều
Người đi để ngỏ bao điều tự tâm
Đời người có phải trăm năm?
Hay là ánh chớp, đầu cành sương rơi (1)
Tôi về ngồi đối diện tôi
Thấy đời hát khúc luân hồi phiêu linh
Tôi ngồi đối diện chính mình
Đời là giấc mộng nhân sinh vắn, dài (2)
Hiện tiền, quá khứ, vị lai
Trở về tự cõi hình hài sắc không
Chớ chăng một cuộc phiêu bồng,
Cát bụi rồi cũng một lần thiên di?
Tấm thân nầy có sá gì?
Ví như chiếc áo cởi đi chẳng màng (3)
Bởi khi khai ngộ Niết bàn
Được về cõi tịnh an nhàn tự tâm.
(Mộc Miên Thảo – 8/7/2014)
Như chút hương lòng kính tiễn người Anh, người bạn thân thương (Anh tên Phúc, họ Võ, quê: Thủ Đức – SG) “hạc giá vân du”, “thiên thu vĩnh quyết”… mong Anh thanh thản, an lạc cõi miên viễn.
(1): thể theo ý trong “Thị đệ tử” của Vạn Hạnh thiền sư:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
(2): mượn ý trong “Xuân nhật túy khởi ngôn chí” của “Thi tiên” Lý Bạch:
“Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh.”
(3) theo lời Ngài Từ Minh: “Sống như đắp chăn bông, Tử như cởi áo hạ.”
RẰM LỄ CHÙA
Hương trầm rơi nhè nhẹ
Trên tiếng chuông chùa xa
Nép mình vào hiên gió
Thoáng áo dài thướt tha
Cứ mỗi độ trăng tỏ
Thoang thoảng hương trầm bay
Tiếng kinh trong tiếng mõ
Gót hài em qua đây
Mong ánh trăng sáng mãi
Trên bốn mùa thơ ngây
Được ngắm em qua lại
Khi viếng lễ chùa nầy.
Bonus:
Hương trầm rơi nhè nhẹ
Trên đóa quỳnh nở đêm
Tiếng chuông khuya khe khẽ
Trên trăng xưa bồng bềnh
Của một thời để nhớ
Cho một ngày để quên…
(Mộc Miên Thảo – Rằm tháng 6, Giáp Ngọ)
Cám ơn Môc Miên Thaỏ thơ của bạn thâo có triêt lý sâu xa , để người đọc tự vấn lòng mình:
“Đời người có phải trăm năm?
Hay là ánh chớp, đầu cành sương rơi”
nhưng cũng nhẹ tênh, bao ưu tư, phiền muộn cho cuộc mưu sinh cũng nhẹ như không
“Tấm thân nầy có sá gì?
Ví như chiếc áo cởi đi chẳng màng (3)
Bởi khi khai ngộ Niết bàn
Được về cõi tịnh an nhàn tự tâm.”
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị “Ho Thi Thu Thao” ạ.
Cũng có ý hay
Tho chan tinh
Moc Mien Thao,tho ban viet tuy binh di khong cau ky,nhung doc cung cam nhan duoc cai tinh cai y sau lang trong tho ban
Xin cảm ơn “Nguyendatvan” với lời động viên chân tình ạ.
Thơ bình dị,dễ gần gũi
Mình thích những recom nghiêm túc chân tình của Mộc Miên Thảo
Kính chào tất cả Quý vị, các anh/chị và các bạn,
Trước nhất, cho Khoa xin được gửi lời chào trân trọng nhất đến Quý vị, các anh/chị và các bạn trong ngôi nhà chung, thân thương mang tên “Xứ nẫu” nầy. Vì đây lần lần đầu tiên Khoa chính thức tham gia ở đây với vai trò “tác giả”, mong được nhận nhiều những hướng dẫn, chỉ bảo, nhận xét chân tình từ quý vị cũng như ưu ái bỏ qua cho những khiếm khuyết (nếu có) với thành ý cầu tiến, mong được học hỏi nhiều thêm. Cũng như tự hứa xin được đóng góp nơi đây, trong khả năng có thể, những bài viết, bài thơ nhỏ hầu góp chút vui cùng quý vị.
Cũng chính vì lần đầu tiên tham gia ở đây nhưng nhận được ở quý vị những lời ưu ái, động viên trong các nhận xét bên dưới, Khoa rất lấy làm vui và cảm kích lắm ạ!
Trên trang “Xứ nẫu” nầy Khoa đã hân hạnh được biết các bậc tiền bối như: Thầy Trần Huiền Ân, bác Mang Viên Long, Anh Nguyễn Đăng Trình, Anh Võ Chân Cửu… Và cũng một cái duyên, qua câu chuyện với anh Trình, Khoa được biết và làm quen với Anh Ngô Quang Hiển. Nay xin được tham gia chung vui cùng Quý vị và các anh/chị nơi đây.
Khoa xin được chia sẻ thêm với Quý vị và các anh/chị cái bút hiệu “Mộc Miên Thảo” (cho câu hỏi của anh/chị “Meomeo”):
Số là, sau khi viết bài thơ với cái tựa cùng tên “Hoa Mộc Miên”, Khoa bỗng thấy rất thích và có đôi lời rằng:
Bỗng nhiên thích Mộc Miên Hoa
Từ nay ta gọi ta là Mộc Miên… (Thảo)
Và chữ “Thảo” đi theo sau đó, xin bật mí rằng, là chút “rất riêng” của Khoa đó ạ.
Hôm Khoa vừa viết xong bài “Thiên Di” trên (đúng vào ngày đưa người Anh, người bạn thân thương của Khoa về cõi miên viễn), Khoa có ghé gặp Sư Giác Kiến (Tiến Sĩ, Đại Đức Giác Kiến – hiện là chủ biên tập Nội san Vô Ưu, nơi bác Mang Viên Long của chúng ta ở đây là tác giả thường xuyên, đóng góp nhiều bài viết rất hay) trong dịp ông xuống hướng dẫn lớp Tu Thiền tại Tịnh xá Ngọc Pháp – Nha Trang. Trong cuộc trò chuyện ngắn, trước giờ hướng dẫn lớp tu Thiền của Sư (Khoa không học lớp nầy), Khoa có gửi Sư xem qua bài thơ. Về, lên trang của Sư, thấy Sư có viết cho đôi dòng sau (với hình ảnh minh họa nhiều dụng ý):
“Mộc Miên
Phương
Thảo (*),
chẳng đồng.
Đã quên lại nhớ
phiêu bồng sao đâu?
“Chớ chăng một cuộc phiêu bồng / Cát bụi rồi cũng một lần thiên di?”
(*) Ở đây Khoa muốn chú thêm cho rõ. Chữ “Phương Thảo” nầy lại là một sự trùng lập thú vị và, Khoa cảm thấy như một “duyên” kỳ lạ. Bời nơi Sư thực hành, tu tập (trên Buôn Ma Thuột), được Sư thầy – Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Dũng – gọi bằng cái tên thân thương, mộc mạc: “Phương Thảo Am”.
Đôi lời dong dài, mong đã bộc bạch chút nào cái bút hiệu của riêng Khoa đến Quý vị nơi đây và Khoa xin kết thúc phần comment của mình ở đây ạ.
Một lần nữa, xin chân thành cảm ơn những lời ưu ái, động viên của các bác, các anh/chị “Hoa Dien Vy”, “Alibaba”, “Đình Nguyên”, “Chip”, “buungo”, “Meomeo”, “Nguyên Đỗ”… và mong được học hỏi thêm.
Xin kính chúc mọi người một ngày mới an vui cho một tuần làm việc hiệu quả, thành công.
Nguyễn Đăng Khoa (Mộc Miên Thảo)
PS: Chào anh “Dinh Nguyen”, ta đã gặp nhau ở đâu rồi ạ?
Nha Trang cũng nhiều người làm thơ hay
“giấc mộng nhân sinh vắn dài..”cũng đã là một thi ảnh hay
Xin cảm ơn chia sẻ của bác “Chip” ạ. Đọc hai câu thơ của Lý Bạch, Khoa rất thích nên mượn ý và viết theo như vậy ạ. Trong “Xuân nhật túy khởi ngôn chí” ông viết:
“Xử thế nhược đại mộng
Hồ vi lao kỳ sinh”
Ở đời như giấc chiêm bao,
Cái thân còn đó, lao đao làm gì?
(Tản Đà dịch lục bát)
Đã biết kiếp người là mộng lớn
Sao còn lận đận mãi chưa thôi
(Bùi Khánh Đản trong thất ngôn)
Xin chia sẻ góp vui cùng bác ạ. Chúc bác vui.
Chào NDK,lại gặp bạn nơi đây và những bài thơ “man man sầu vạn cổ “
Cảm ơn lời động viên, ưu ái của anh và xin anh bật mí cho tí chút rằng… ta đã gặp nhau ở đâu rồi vậy ạ?
Không dùng từ “sắc sắc không không ” mà có không không sắc sắc
Xin được cảm ơn Anh/chị và được nghe Anh/chị khen như vậy… còn gì vui hơn ạ. Khoa sẽ cố gắng hơn.
Mình thích thái độ cẩn trọng khi làm thơ của bạn,lấy ý của ai dù một chữ cũng ghi chú đàng hoàng.
Dạ, xin được cảm ơn “Hoa Dien Vy” ạ. Đồng quan điểm với Anh/chị.
Mộc Miên là hoa gạo,nhưng cỏ mộc miên là cỏ gì tui cũng không biết bạn ơi ?
Cũng là một loại cỏ dại
Xin được trả lời rằng đó là một kết hợp riêng của tác giả bạn ơi – vui lòng xem phần bộc bạch của Khoa trên đây và xin trích góp thêm thông tin cùng bạn và cả nhà về loài hoa nầy trên trang của dịch giả Huỳnh Chương Hưng với một bài thơ chữ Hán rất hay như sau ạ:
目极牂牁木乱流
低枝踠地入端州
最怜三月东风急
一路吹红上驿楼
Mục cực Tang Ca Mộc loạn lưu
Đê chi uyển địa nhập Đoan Châu
Tối lân tam nguyệt đông phong cấp
Nhất lộ xuy hồng thướng dịch lâu
Được ông chú rằng:
Bài thơ gửi gắm niềm vui thích trước cảnh tượng tráng lệ của hoa Mộc miên. Hai câu đầu tả cảnh hoa Mộc miên nở rộ:
– Tang Ca 牂牁 là tên dòng sông thời cổ
– Mộc 木 chỉ hoa Mộc miên sắc đỏ
– Uyển 踠 là cong, uốn khúc
– Đoan Châu 端州 tên châu
=> Đưa mắt hướng về dòng sông Tang Ca ở xa, mặt nước phản chiếu bóng của hoa Mộc miên đan xen nhau tạo thành làn sóng đỏ. Từng đoá từng đoá hoa to lớn trĩu cành sà xuống đất kéo dài mãi đến Đoan Châu.
Hai câu cuối bộc sự lộ hào tình đắc ý:
– Lân 怜 tức “ái” 爱
– Cấp 急 là nhanh
– Hồng 红 chỉ hoa Mộc miên
– Dịch lâu 驿楼: thời cổ, nơi tạm thời nghỉ chân của các quan viên khi đi lại.
=> Đáng yêu thay ngọn gió dương xuân tháng 3 tràn tới, thổi bung những đoá hoa Mộc miên, nở đỏ tươi suốt cả đoạn đường đi đến dịch lâu.
Và ông có phần trích và chú thêm về loài hoa nầy như sau:
Trích:
Theo truyền thuyết của người Hải Nam 海南, ngày xưa tại Ngũ Chỉ sơn 五指山 có một người tộc Lê 黎 tên là Cát Bối 吉贝, vì để cho bà con trong làng được an cư lạc nghiệp, ông đã thống lĩnh dân tộc mình ngoan cường chống lại quân địch xâm lược, và đã nhiều lần đánh bại sự tiến công của địch, được mọi người xưng tụng. Nhưng về sau có một tên phản đồ mật báo cho quân địch, Cát Bối trên núi bị bao vây trùng trùng lớp lớp, và đã bị trúng tên tử vong. Chẳng bao lâu, nơi ông hi sinh mọc lên một cây Mộc miên to lớn, tấm thân khôi ngô của ông hoá thành thân cây mọc hiên ngang, những mũi tên biến thành cành nhánh, còn những giọt máu tươi hoá thành những đoá hoa sắc đỏ. Để tưởng nhớ ông, người đời sau đã gọi cây đó là cây Anh hùng 英雄. Từ đó “Anh hùng” trở thành biệt danh của cây Mộc miên.
Ghi chú:
MỘC MIÊN 木棉: còn có nhưng tên khác như Phan chi hoa 攀枝花, Hồng miên thụ 紅棉樹, Gia bạc miên 加薄棉, Anh hùng thụ 英雄樹, Cát bối 吉貝, Phong hoả 烽火, Ban chi 班枝, Quỳnh chi 瓊枝.
– “Phong hoả” có gốc từ Nam Việt Vương Triệu Đà 趙佗, vì hoa đỏ nở đầy cả cây giống như lửa nên ông đặt tên như thế.
– “Cổ bối” 古貝 là dịch âm từ tiếng Phạn Karpassa.
– “Cát bối” 吉貝 có lẽ dịch âm từ thổ ngữ Nam Dương là Ceiba. Tên gọi này chỉ loại Mộc miên Ceiba Pentandra ở Java.
– “Quỳnh chi” chỉ loại Mộc miên ở đảo Hải Nam (Quỳnh là tên gọi khác của Hải Nam).
– “Anh hùng thụ”: tên gọi này do bởi trong rừng, ngọn của cây Mộc miên thường vượt cao hơn các cây khác.
(Nguồn: http://zh.wikipedia.org/wiki)
– Từ điển Trung Việt của nhà xuất bản Khoa học xã hội giải thích là cây gạo.
(theo: Dịch giả Huỳnh Chương Hưng/Quy Nhơn viết đăng ngày 16/02/2014).