Chế Diễm Trâm
XƯƠNG RỒNG
Dù không phải cây xương rồng trên cát
Vươn thân gai chống chọi nắng gió khô cằn
Dòng nhựa trắng bật trên vết thương sứt sẹo
Chở che cát bằng màu xanh bi tráng trập trùng
Dù không phải hoa xương rồng dung dị
Bạo liệt màu mê man sắc nắng trời
Từ gai sắc đơm những bông hoa đa sắc
Nhỏ và khiêm cung, nhỏ nhưng kiêu hãnh vô ngôn
Dù không phải trái xương rồng kỳ diệu
Tưởng sống hết đời hoa sẽ lặng lẽ gieo mình xuống bão cát
Lại đơm trái tụ sinh vị thuốc quý
Tận hiến một đời rưng rưng như sương
Càng chưa phải hạt xương rồng bất tận
Rơi lên cát khô cát nóng cát lầm
Rồi những cánh tay bàn chải lại vươn lên khao khát
Lặng lẽ ra hoa, kết trái, buông từng hạt vào cát mênh mông
Xin ao ước được là cây xương rồng trên đồi cát
Xin ao ước mình là hoa xương rồng đỏ thẫm
Khi hết đời hoa được là trái xương rồng
Âm thầm thả lên cát những hạt mầm nối tiếp
Như dân tộc Cham ẩn nhẫn mấy trăm năm khắp rẻo cát thùydương…
CDT
TRÁI XƯƠNG RỒNG
Như thanh thoát dáng lưng ong từ mương cái đội lu nước về làng
Như réo rắt làn điệu dân ca
Như inh ỏi tiếng kèn xaranai vào nghi lễ múa bóng
Như dập dồn điệu trống baranưng trên đồi cát bay mờ dấu chân qua
Xương rồng là cái đẹp thẳm sâu dẫu tận cùng đau khổ
Xương rồng là giai điệu dân ca da diết dẫu tận cùng khổ ải
Xương rồng là tiếng kèn, tiếng trống bừng bừng dẫu tận cùng bi thiết
Xương rồng là Cham kiêu hãnh dẫu kiệt cùng cô đơn
Sa mạc nóng bỏng xương rồng vẫn tồn tại và sinh sôi
Biết chắt hạt sương đêm thành dòng nhựa trắng
Biết ra hoa, kết trái rồi thả những hạt khô nối tiếp
Như lịch sử Champa chưa bao giờ ngừng dẫu ba thế kỷ đi qua
Mẹ tự tay gieo một nhánh xương rồng
Trong những ngày tận cùng mất mát
Như lời nguyện cầu Yang dang tay tái tạo
Như cầu xin Yang xoa dịu nỗi đau không thể nói thành lời
Như thung lũng xương rồng ba mùa trái đỏ
Mùa nắng,mùa khô và mùa không mưa
Trái xương rồng vẫn ngọt dẫu nắng thiêu bất tận…
CDT
Dân tộc Chăm có thêm một nhà thơ tài hoa.
Chế là Cham một nửa thôi, bạn ơi.
Mình thích bài thơ này, không biết tác giả có phải người chăm không, nhưng cốt cách chăm rất đậm nét.
Hình như tác giả là người Chăm, vì chỉ có người Chăm mới viết da diết thế?