Đinh Lan
Năm 1962.
Tôi mới sinh.
Ngoại là người rớt nước mắt ôm con vào lòng và chăm chút yêu thương mặc cho mọi người lắc đầu ngao ngán. Con sinh ra mới có bảy tháng hơn, do mẹ bước hụt chân cầu thang và sổ ra một đống bùng nhùng… Đứa bé sơ sinh là tui hồi ấy chỉ nhích hơn một ký mốt, da bụng mỏng tang- nhìn thiếu điều phơi hết ruột gan- không có lồng ấp không có bất kỳ biện pháp y tế tiến bộ nào hổ trợ, không một ai tin tôi có thể sống sót. Ngoại dùng hai chai sữa loại mà con nít dùng để bú bình , pha nước ấm kẹp hai bên nách để giử ấm.và quấn tôi trong khăn ròng rả mấy tháng trời…Cái miệng nhỏ xíu không đủ sức ngậm vú mẹ và không thể nút được núm vú bình -ngoại đã kiên trì bơm từng giọt sữa , giọt nước đầu đời , nuôi tôi lớn khôn .Qua cái ”đốt” ấy tôi lớn lên bình thường và có phần lanh lẹ hơn hẳn những đứa bé cùng tuổi cùng năm.
Mậu thân 1968.
Tui 6 tuổi được Ngoại dắt tay chạy giặc .
Gần Tết ”Việt Cộng” pháo kích ầm đùng, ngoại kéo con hòa theo dòng người giữa đêm đi tránh đạn bằng cách chạy ào vô nhà thương tỉnh.( ai đó phao tin -nhà thương và trường học thì sẽ an toàn , ”mấy ổng” chừa ra ).
Leo nheo nằm ngồi la liệt giữa trời và lóc nhóc người là người đầy hành lang bệnh viện , ngồi thấy những vệt sáng lóe lên và tiếng pháo tiếng đạn hú rền giữa trời đêm tui sợ quá ôm Ngoại khóc thét lên : ” Đi dìa ngoại ơi ! dìa nhà mình, ngọai không được chết, ngoại phải ở hoài với con !”…
Giải phóng 1975.
Ngày 30 tháng tư con mười ba tuổi, lần đầu thấy bộ đội ào vô thị xã, người của ”mấy ổng” trong tù ùa ra tiến vào dinh tỉnh trưởng, người chiến thắng đi rầm rập- người thất trận lấm lét, sợ hãi bám víu trong những căn nhà đóng kín cửa -con vô tư chạy theo hò hét trong khi ở nhà ngoại ruột gan như lửa đốt không dám chạy xa , tìm kiếm ngóng chờ con trong vô vọng…rốt cuộc khi ôm được con sau cả buổi con ham vui chạy chơi mất biệt -ngoại mừng rớt nước mắt còn con thì tỉnh bơ :
” Trời đất ơi ! ngoại chờ làm chi -con chạy theo ”mấy ổng” …vui lắm !”. Phải gặp người khác là ăn đòn tét đít…!.
Năm 1979.
Cả nhà dắt díu nhau về vườn.
Đất nước nhiều khó khăn.
Tui đang tuổi phổng phao nhưng miếng ăn càng ngày càng hiếm.
Sâu rầy… mất mùa …nhà tui không có ai làm ra tiền, đến bữa… cơm xới lên khoai vàng hơn gạo, ngoại cứ đùn đẩy nhường hết cho tụi tui .
Lớn thêm một chút tui đi học nghề…mới đầu còn mỗi ngày mỗi về- sau thì cả tuần, sau nữa cả tháng -giờ ngồi nhớ lại tui mới biết mình vô tâm bỏ ngoại vò võ trông ngày trông đêm.
Ngoại nhịn ăn nhịn mặc, dãi dầu mưa nắng tằn tiện nuôi con. Mỗi lần về con cứ thao thao kể về những cái nhà to, cái xe đẹp chạy đầy đường phố, và vô tư hứa ” bữa nào con dẩn ngoại đi cho biết Mỹ Tho Sài Gòn ” …ngoại chỉ cười móm mém:
–Tổ cha bây ! tiền đâu mà đi ! lỡ lạc đường -mất luôn con chắc ngoại hết sống !…
….Rồi tui đi lấy chồng.
Lần nầy là chính thiệt tui bỏ ngoại tui một mình hiu hắt. !
Năm ấy Ngoại cũng gần 80.
Nhà chồng- nhà ngoại chưa đầy 5 cây số mà vời vợi xa xôi.
Ngoại mỗi sáng vẫn còn ra chợ bán được nhúm rau -vài ba nãi chuối.
Vợ chồng trẻ ra riêng thiếu trước hụt sau- mỗi lần con về được với ngoại là ngoại lại giấm giúi cho ít tiền. túm hết nào hũ mỡ, hũ đường, nào hũ chao, nào mớ rau, con cá…( tui vô tư đón nhận -không biết đó là ngoại đã hết sức tằn tiện chắt mót để dành cho cháu mình )
Sinh đứa con gái đầu lòng- tôi về ở với ngoại được 2 tháng.
Bàn tay nhăn nheo của ngoại tắm táp lau chùi cho nhóc con đỏ hỏn bé xíu của tui. Thời gian nầy ngoại nhanh nhẹn , vui cười, nói năng bổi hổi…
Ngày tiếp này . tháng tiếp tháng.năm tiếp năm- tui vô tư không lo được cái gì cho ngoại mà cứ mặc định Ngoại là người để tui thoải mái kể lể mọi khó khăn.buồn vui .uất ức. Ngoại là người dang tay chăm lo nuôi nấng khi tui thiếu hụt ốm đau.
Nhà ngoại là nơi tui mặt nặng mày nề giận chồng tha hồ mắng mèo quát chó…
Kể sao hết những hành động nông nỗi sai lầm của tui thời trẻ người non dạ…
NĂM 1998 .
Ngoại như cây đèn cạn dầu từ từ héo khô và tắt lịm.
Ngoại không làm khổ cực con cháu một ngày nào…
Tám mươi sáu năm là hơn ba chục ngàn ngày ngoại chịu thương chịu khó .ngày nào cũng trồng rau..róc lá..dọn vườn..xắt chuối ..nuôi heo nuôi vịt nuôi gà.
Ngoại chưa một lần bước chân ra khỏi cái làng quê bé nhỏ nghèo nàn.Cho đến cuối đời ngoại cũng đã gói ghém tròn vẹn hàng rương hậu sự.Ngoại minh mẫn và thanh thản chờ ngày nhắm mắt xuôi tay. Ngoại không ăn được -tiếng nói yếu ớt lần lần …miệng chỉ thều thào nhưng còn kịp nắm tay 2 vợ chồng tôi mà dặn dò là đừng bao giờ buông nhau ra. Ngoại chỉ lắc lắc ra hiệu rồi nhẹ nhàng ngoẹo đầu- miệng vẫn mở ra không kịp khép …
Trời ơi ! chỉ đến khi đó tui mới biêt thế nào là không còn ngoại trên đời- thế nào là mất đi người tôi thương yêu nhất.
Con gái tôi được 6 tuổi cứ ngây ngô đớt đát :
–Chố ơi ! chố đừng bỏ con ! chố ơi ! chố ôm con đi-mẹ con oánh con ! Chố ơi ! sao chố không ngồi dậy ??
Tôi khóc tức tưởi- khóc như chưa bao giờ được khóc.
Ngoại ơi cả đời con chưa mua được một miếng gì ngon cho ngoại ! cả đời ngoại chưa từng biết uống một ly sữa, chưa từng biêt vô quán ăn một tô hủ tiếu,bánh canh.
Cả đời ngoại là chăm chút từng cọng rau. câu từng con thòi lòi ,bống dừa làm kế sinh nhai , không thày lay đầu trên xóm dưới.
Cả đời ngoại chưa từng có môt ngày vui trọn vẹn.
Ông Ngoại mất rất sớm chỉ kịp để lại cho ngoại một đứa con. Cả đời ngoại là hy sinh , là chất chồng lo toan , lo cho hết con rồi đến cháu.
Ngoại ơi ! cả đời ngoại không biết ngày 8 tháng 3 càng không biết cái chi là ”NGÀY CỦA MẸ”…
Những dòng cuối cùng ..
Ngoại ơi -mãi mãi ngoại là người phụ nữ con yêu thương nhất- là tấm gương cho con cháu – dạy cho con biêt thế nào là nghĩa nhân là lẽ sống làm người.
Ngoại sống mãi trong lòng con.!
Gần hai mươi năm ngoại không còn hiện diện nhưng con dành tất cả những gì con yêu quý nhất cho ngoại.
Con nợ ngoại một đời ngoại ơi !!
Ngoài hiên con bướm đen lượn tới lượn lui – con gái tôi nay đã hai mươi mấy tuổi hớn hở reo to :
–Cố về nè mẹ ! cố ơi ! cố bay vô lòng con đi ! con với mẹ con nhớ cố lắm…! ( Bao nhiêu năm trôi qua nó vẫn tin bất cứ con bướm hay con đom đóm nào bay vô nhà cũng là bà cố nó hiện thân bay về )
Nắng tháng 5 cháy đỏ -con bướm đậu hoài trong lòng bàn tay con gái !…ôi ”Ngày Của Mẹ” …!!
Viết mộc mạc nhưng đầy xúc cảm
Bài viết cảm động. Ngoại tôi mất sớm nên tôi chưa bao giờ được gọi tiếng ngoại, nhưng tôi cảm nhận được những tình cảm ấm áp mà ngoại dành cho cháu, con. Thôi thì cứ nghĩ ngoại của mình đâu đó ở nơi xa vẫn ngày đêm phù hộ cho mình. Vậy là cũng đã đủ.
Vâng ! dù Ngoại của chúng ta không còn-nhưng tình cảm yêu thương của Ông Bà luôn dành hết cho cháu con.
Xin cám ơn Bạn đã đồng cảm.
Chúc Bạn gặp nhiều niềm vui trong cuộc sống và luôn luôn có Ngoại dõi theo yêu thương phù hộ …!
Ngày của cha đọc bài viết về mẹ cũng ý nghĩa đấy chứ
Cám ơn Bạn đã đọc bài.!
Chắc là chuyện thật ?
Cám ơn Bạn nhiều ạ ! Đó là chuyện thật trăm phần trăm vì cảm xúc chợt đến- tôi viết để trải lòng .
Có một chị bạn tình cờ đọc được và gởi đăng giúp.
Xin cám ơn ạ !
Đinh Lan ở Cần Thơ phải không ?
Dạ chắc không phải. Theo tôi biết, Đinh Lan, tác giả bài nầy, là đồng hương của tôi, người Bến Tre.
Sin non từ thưở lọt lòng Khó nuôi ngoại vẫn bế bồng chăm lo.Từ nhỏ tính cháu vộ tư.Ăn rồi chạy chơi biết lo lắng gì!Chạy giặc trốn đạn tránh né?Hồn nhiên trái tim thơ trẻ ngây thơ.Chạy giặc tưởng như vô sự..Người lớn lo lắng trẻ nhỏ thấy vui!Ngoại nuôi cháu suốt một đời Hy sinh quên hết niềm vui riêng mình! Đối lại cháu rất vô tình! Chẳng chút quan tâm ngoại mình nghĩ gì?Để rồi khi ngoại mất đi! Mới ân hận thấy ích kỹ ở mình!Biết nhận hưởng thụ trọn vẹn.Chẳng biết sẻ chia tâm tình cùng ngoại!
Cám ơn Duyên Hằng đã đọc bài và góp ý nhận xét.
Con bé được Bà Ngoại yêu thương chăm chút nên cứ vô tư đón nhận .
Giờ con bé ấy lớn lên mới thấm thía nỗi đau không còn bà Ngoại bên mình nhưng dẫu sao nó rất yêu Bà của nó.
Nó đã nói lên được mọi trăn trở lẫn nuối tiếc …
Tất cả giờ chỉ là hoài niệm khôn nguôi…!!