CHẾ DIỄM TRÂM
Một buổi sáng trung tuần tháng tám, trời đất Phan Rang vốn được tôn danh là “sa mạc Đông Dương” lại chợt mát mẻ như vừa bước ra từ giấc mơ êm ái. Con đường trắng sữa chạy giữa hai hàng cây xanh khoảng chừng bốn chục cây số đưa chúng tôi đi tìm nghệ nhân làm đàn và tấu lên giấc mơ Chapi.
Nghe, chắc đến gần trăm lần, bài hát Giấc mơ Chapi mà chưa hề chạm mặt cây đàn nổi đình nổi đám của nhạc sĩ Trần Tiến. Nên khi Đài Phát thanh – Truyền hình Ninh Thuận đánh tiếng qua anh Đình Hy – Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ninh Thuận, chúng tôi gồm một số nhà văn, nhà thơ đang tham gia Trại sáng tác Văn học các tỉnh Nam Trung Bộ 2014 lên đường đến thôn Do, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn để tận mục sở thị nghệ nhân người Raglai Chamaléa Âu tạo tác cây đàn Chapi.
Con đường đóng bêtông từ Quốc lộ 27 rẽ trái lên xã Ma Nới khá tươm tất, chuyến xe chẳng mấy chốc đã đến địa phận của xã. Không gian thật khác với thành phố đầy nắng và đầy gió, cây cối hai bên đường xanh um trên những triền đất đỏ. Cả tài xế và phóng viên cũng chưa biết chính xác đường đến nhà ama Âu nên phải ghé qua trụ sở Ủy ban xã, nhờ một anh thanh niên dẫn đường. Đang là sáng ngày đầu tuần nhưng trụ sở xã có vẻ thưa vắng – “Họ đã sống một cuộc sống yên bình” (Trần Tiến).
Từ Ủy ban xã phải đi ngược lại một đoạn ngắn, rồi rẽ vào nhà một cụ già sáu mươi tuổi, nhỏ nhắn, râu tóc nghệ sĩ phong trần. Chúng tôi thấy vui vui khi trên hai cây bàng non hai bên hiên nhà, hai khóm lan rừng đang độ khai hoa. Một vạt hoa mười giờ đang vào giờ rún rẩy nở bông. Chủ nhân ngôi nhà nhỏ lãng mạn sao đâu!
Bước vào hàng hiên đã thấy ba ống tre không đều nhau tăm tắp, dài ngắn khoảng đâu năm tấc, đường kính phải hơn chục phân. Nhìn những phoi tre dang dở ngổn ngang, tôi hơi ngỡ ngàng, đây là những cây đàn chúng tôi đang đi tìm đây sao?
Trong khi mọi người ngắm nghía trầm trồ ba cái bằng khen của nghệ nhân Chamaléa Âu, cây sáo bầu và cái tù và, ama đi thay bộ trang phục dân tộc mình. Ông dẫn chúng tôi ra sau vườn, mời ngồi trên chiếc chiếu làm từ những cây sậy bện cài hờ hững trải dưới tán cây mít già để bắt đầu làm một cái đàn Chapi trong cái nhìn háo hức của mọi người. Những người phụ nữ và những đứa trẻ trong làng lần lượt đến và ngồi xung quanh.
Ống tre đã được chặt từ trên rừng về, rồi để hơn tháng trời cho khô. Một cái dao nhọn được mài sắc và sáng ngời từ một cây sắt tròn như ngón tay, vừa để đục lỗ trên thân đàn, vừa để khẩy lên dây đàn và vót những cái chốt để nâng dây đàn, cả gọt những mảnh tre cật để nối hai sợi dây đàn thành cặp một. Có lẽ khó nhất là khâu “bắt lên dây”, vì vỏ tre già rất dễ đứt, mà đứt dây là bỏ luôn cây đàn. Ống tre để làm đàn Chapi phải là tre gai lấy trên núi Đá Trắng, tre dưới thung không lên âm được.
Từ sân sau vườn nhà, ama Âu chỉ cho chúng tôi hướng rừng tre gai mà ông thường lang thang tìm kiếm những cây đàn dày vò giấc ngủ. Muốn đi và về kịp trong ngày, phải thức dậy từ bốn giờ sáng để năm giờ lên đường, mười giờ sáng mới tới nơi. Dọn xong gai góc đã là trưa đứng bóng, lựa và chặt xong mấy ống tre vác về cũng phải chiều buông.
Ama Âu đang làm hai cây đàn Chapi “theo đơn đặt hàng” nhưng khi chúng tôi hỏi bán bao nhiêu một cây, ông nói “không bán đâu, ai đưa bao nhiêu thì đưa, nhưng thường là 250 ngàn một cây”. Mỗi cây đàn ông phải tỉ mẩn hết cả một ngày – những sản phẩm độc đáo, độc đáo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, không bao giờ có hai cây giống nhau hoàn toàn.
Ông kể ông học được kinh nghiệm ở “ông cậu” (người cha) từ năm mười lăm, mười sáu tuổi; đến năm mười sáu, mười bảy tuổi thì tự làm được cây đàn đầu tiên, “ban đầu chưa hay lắm”. Tính đến tuổi sáu mươi, ông không còn nhớ đã làm bao nhiêu cây đàn Chapi. Ông có vẻ âu lo vì cả làng hầu như chỉ còn ông làm đàn Chapi, và ông đang truyền nghề cho người con trai lớn nhưng xem ra “thanh niên bây giờ chỉ thích nhạc hiện đại thôi”.
Vừa chế tác Chapi, ama Âu vừa đọc thơ (“ama rành tiếng Việt từ A tới Z” – lời Chamaléa Âu). Ông thuộc khá nhiều thơ Tố Hữu, vừa làm vừa ngâm nga. Rồi ông thả hồn vào một bản trường ca Raglai; ông mô phỏng tiếng ếch kêu, tiếng gà tục tác, tiếng chim cô cô… Cả núi rừng hùng vĩ và hoang sơ châu tuần quanh cây đàn Chapi của ông.
Chúng tôi ngồi chờ xem Chamaléa Âu hoàn thành… một nửa tác phẩm – không thể chờ tới chiều vì đường về phố thị còn xa. Một nửa cây đàn là bốn dây nhưng vẫn vang lên đầy đủ những cung thanh của một dàn mã la Raglai. Người nghệ nhân hai tay ôm lấy cây đàn đi quanh ngôi nhà vách nứa, hai ngón cái khẩy cho những dây đàn rung lên những âm thanh như tiếng suối chảy, tiếng lá rừng thì thầm trong gió, tiếng chim hót, tiếng con thú tác trong rừng khuya… Ánh mắt ông xa xăm hướng về mỏm núi Đá Trắng với những đám mây mang hình đàn dê trắng nhởn nhơ gặm xanh nền trời. Một không gian sử thi rùng rùng hiện ra, diễu quanh ngôi nhà vách nứa đan hình carô lạ mắt.
Nghe tấu đàn Chapi, bất giác, tôi nhớ đến tiếng đàn đá Mà Giá lanh lảnh từ những hòn đá treo trên những sợi song mây gõ vào nhau từ sức chảy của nước trên đất Khánh Vĩnh – Khánh Hòa. Một đằng là đá, một cái là tre nhưng đều có thể làm ra nhạc với những cung thanh trầm bổng. Sức sáng tạo của con người núi rừng thật là diệu kỳ.
Thường vắt người bạn Chapi lên vai, Chamaléa Âu ngày ngày đi từ nhà ra rẫy, từ mùa rẫy này qua mùa rẫy khác. Buổi trưa trong rừng, Chapi làm bạn với những vui buồn của riêng ông; buổi tối, ông chơi đàn để “vui trong gia đình”. Và cũng như “người cậu”, khi con gà gáy sáng, ông thường đánh đàn Chapi để cả nhà thức dậy cùng với ông mặt trời. Thế mới hiểu, vì sao xưa kia, trong nhà người Raglai “Ai nghèo cũng có cây đàn Chapi / Khi rung lên vài sợi dây / đàn đã đong đầy hồn người Raglai ” (Trần Tiến). Không phải nhà nào cũng có đủ khả năng sắm một bộ mả la bằng đồng, vì vậy người dân đã sáng tạo ra cây đàn Chapi để mô phỏng âm thanh mả la sang trọng. Tám sợi dây bật lên mà như cả một dàn chiêng Char (mả la – tiếng Raglai) âm vang.
Chia tay Chamaléa Âu, chia tay Ma Nới, mặt trời đã gần đứng bóng. Càng tới đỉnh trưa, những rặng núi càng tan mờ trong màn nắng rung rinh, dòng Suối Tiên trắng trẻo uốn lượn càng thì thầm, những cánh rừng trắc thẳng càng biếc um… Đường cái không bóng người, những chú bé chăn cừu biến đâu trong lá, chỉ có bọn cừu nhẩn nha hai bên vệ đường. Cái vắng vẻ của núi rừng là sự tự do tự tại: “Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn Chapi…”
Đến với Ma Nới, với Chamaléa Âu lần này là lần đầu, là hữu duyên. Chúng tôi đã vui, rất vui nhưng khi chia tay, không khỏi vương vấn buồn. Vui vì mừng cho ông vừa đoạt giải Nhất trong Liên hoan các dân tộc thiểu số huyện Ninh Sơn với cây đàn Chapi đã thành một huyền thoại. Song, vẫn còn đó trăn trở của chính ông, một trong số ít những nghệ nhân còn sót lại biết làm và trình tấu đàn Chapi, khi “một nghệ thuật sắp mất tích” mà lớp trẻ còn khá thờ ơ…
Ôi, chúng tôi gần như đã chạm tới giấc mơ của Chamaléa Âu khi người con trai trưởng trong tám người con của ông đang dần theo cha viết tiếp những bản tình ca rừng già nhưng vẫn thích nhạc hiện đại hơn. Chúng tôi dường như phần nào đã giải mã Giấc mơ Chapi của người nhạc sĩ tâm huyết khi cây đàn Chapi “không còn cô đơn”. Và trong mỗi chúng tôi vẫn nao nao một giấc mơ Chapi ngày mai…
Tôi yêu Chapi không còn cô đơn, không buồn, không vui..
Tôi yêu Chapi chợt thấy nao lòng, vì một giấc mơ, ôi Chapi…
CDT
Trại Sáng tác Ninh Thuận
Tháng 8/2014
Nhớ nhạc sĩ Trần Tiến đã có bản nhạc hay về cây đàn này. Cảm ơn tác giả đã viết rõ thêm
Thú vị khi đọc những gì Chế viết.
Em cảm ơn anh Trần Bảo Định bỏ thời gian đọc những gì em viết. Em kính chúc Anh khỏe luôn!
Đọc truyện của chị, thú vị!
Cảm ơn chị Cao Thị Hoàng!
Ôi ai giải mã giùm cuộc đời tui. Chế chăng ?
Ui, Chế có thể làm bà thầy bói đó.
Lâu rồi chưa đọc truyện của chị Trâm. Đang ngóng đây
Đang chuẩn bị ra một tập truyện ngắn. Việt Cường ủng hộ Chế nhen.
Nhạc cụ dân gian chỉ thăng hoa trong môi trường diễn xướng của nó chứ như ông hàng xóm khu phố mình ở khi đi du lịch mua về nhà tập thổi thử thì nó chỉ ọ ọe trông thiệt buồn cười chế ơi !
Dạ, hihi.
Có nhiều bài viết về đề tài này rồi nhưng bài này đậm chất văn hơn
Cảm ơn bạn!
ama Âu ở Ma Nới.Với cây đàn Chapi tuyệt vời thanh âm!Đàn bằng ống tre kết đan…Tre đôi tăm tắp song hàng kề nhau.Lổ tròn trên thân như Sáo.Bốn dây đàn khảy cho bao thanh âm..Tre lấy trên núi Đá Trắng .Tre dưới thung lũng tiếng vang không bằng.Vào rừng chọn tre gian nan!Suối Tiên,rừng Trắc dọc ngang băng xuyên…Lấy đúng phơi khô làm nên.Cho đàn Chapi nghe êm ái tiếng…Chapi đó Đàn Tre rừng.Khác với Đàn Đá miền vùng Khánh Hòa.Khác với Chiêng Char-Mả la?Khác hẳn Sáo Bầu,Tù Và..kiểu dáng?Chapi giấc mơ tiếng đàn…Sẽ không lẻ loi âm thầm cô đơn…?
Tôi yêu Chapi không còn cô đơn, không buồn, không vui..
Tôi yêu Chapi chợt thấy nao lòng, vì một giấc mơ, ôi Chapi…
Ôi cô mình yêu dấu đây nà. Em chào cô
Ôi, đọc mà nhớ những ngày lang thang ở vùng đất này.
Anh Nguyễn Trọng Thi có lên xã Ma Nới huyện Ninh Sơn không? Xanh tươi anh ạ!
Chính Trần Tiến đã làm cho cây đàn chapi trở thành huyền thoại.
Đúng vậy!