Huỳnh Ngọc Nga
Torino, ngày………tháng……năm…
Mai thương,
Chị được thư cưng đã hai hôm nay, đọc tới đọc lui mấy lượt, muốn hồi âm sớm cho cưng nhưng đầu óc chị cứ ngẩn ngơ hoài, bâng khuâng chút nhớ, nhẹ nhàng chút thưong, vương vương chút buồn nên không viết lách gì được hết. Lỗi tại cưng hết đó, cưng đã biết chị làm chim thien di hơn hai mươi năm nay, chưa một lần trở lại quê nhà vào dịp đón xuân về, vậy mà cưng kể tỉ mỉ làm chi chuyện thịt kho dưa giá, chuyện dưa đỏ mứt vàng để bây giờ chị như con thạch sùng cứ thỉnh thoảng tắc lưởi thở dài, nuối tiếc một thời đã mất.
Thời xa xưa đó, ở cái tuổi mới lớn, ăn chưa no, lo chưa tới bọn chị năm nào cũng rộn ràng chờ Tết đến ngay từ những ngày đầu tháng chạp, lúc chung quanh chợ Bến Thành thiên hạ đã bắt đầu bày biện những gian hàng bán Tết. Dây cũng là khoảng thời gian má bận bịu nhiều nhất vì phải lo quán xuyến mọi việc trong nhà để “khóa sổ“ cuối năm.
Tết là dịp để mua sắm, không những chỉ dành cho ẩm thực với bao món ngon truyền thống, mà còn là dịp để nhớ nghĩa ơn, để chăm bón tình cảm trong tình yêu, tình quyến thuộc, bạn bè bằng những quà cáp trao đổi với nhau. Tết không dành riêng cho người sống mà còn là khoảng thời gian để lòng người hòa quyện cùng tổ tiên, trời đất giữa khói hương ấm cúng trong gia đình, giữa tiếng chuông chùa, chuông giáo đường ngân vọng lúc hoa nở, pháo vang đón chào phút giao mùa nhật nguyệt.
Chị vẫn thường hay xúc động khi đêm giao thừa nhìn má đốt nhang giữa bàn thiên ngoài rời, chị thinh lặng để nghe ngóng xem tiếng con vật gì vang lên đầu tiên giây phút đó rồi tiên đoán nầy nọ theo bản tánh cố hữu của bọn đàn bà chúng ta. Dêm qua nhẹ nhàng với trà bánh nhâm nhi chúc tụng trong gia đình, quanh nhau xem chương trình xuân trên TV, má ba lì xì liền cho bọn chị, không chờ đợi đến sáng hôm sau, những bao đỏ đựng lộc đầu năm mà trẻ con, người lớn gì cũng náo nức nhận để gọi là “lấy hên “ trong năm mới.
Ba ngày Tết tiếp nối là những ngày thăm viếng, chúc tụng nhau. Cải lương, nhạc kịch, hát bóng được đám trẻ nồng nhiệt chiếu cố tùy sở thích. Bầu cua cá cọp và những giải trí bài bạc nhẹ cũng được mời mọc lẫn nhau. Chị ghiền nhất chơi lô tô để nghe cô chín đọc vè những con số, nghe vè để thấy sự thâm thúy, mênh mông chữ nghĩa của dân tộc mình, đâu cần phải đổ cao, học rộng mới biết vần, biềt điệu trong ngôn từ phải không cưng? Những ngày này mà không đi chùa hái lộc thì đúng là ăn tết không trọn vẹn, thường thì chị viếng chùa dâng hương nhưng không hái lộc như bao người chung quanh, vì chị chỉ sợ ai cũng dành hái lộc hết thì cây cảnh hoa lá của chùa còn gì để chúng ta chiêm ngưỡng nữa. Chị cũng thích coi quẻ đầu năm, không phải để vin vào đó mà đi tới nhưng tính tò mò vô tội vạ của phụ nữ vẫn xui chị thĩnh lá xâm, xóc bộ bài với náo nức xem thử ba trăm sáu mươi lăm ngày sắp tới mình sẽ bước về đâu, nghe thật buồn cười nhưng năm nào cũng như năm nấy chị không làm sao tránh khỏi tiết mục nầy.
Chị rời quê hương vào năm 83 sau khi vừa ăn xong cái Tết cuối cùng mang trọn vẹn ý nghĩa cũa ngày hội đầu xuân. Chị phải kể gì với cưng tâm tư chị vào lúc ây đây hở Mai? Không bao lâu nữa rồi cũng sẽ đến lượt cưng lần theo bước chị, duy có điều khác là cưng đi để xum hợp cùng chông nơi đất lạ, còn chị ngày đó ra đi với một mối tình chưa thốt thành câu, và với bao hoang mang run sợ trước một cuộc phiêu bồng. Chị tự hỏi, Tết có đến được nơi xa xăm đó cùng chị, cũng như đôi mắt người thương từ sau khung kính của phi trường Tân sơn Nhất có dõi theo chị đến suốt cả cuộc đời hay không?
Thành phố mình ngày chị đi nắng mùa xuân còn chói thang rực rỡ, phi cơ bay nữa vòng trái đất, thả chị xuống đất Y’ đúng độ đông về. Torino đón chị bằng cái lạnh buốt da, nắng hắt hiu úa chuẩn bị cho cơn mưa tuyết hôm sau. Những ngày tháng đầu tiên nơi xứ lạ, chị đã biết thế nào là vị mặn của nước mắt khóc nhớ ngôi nhà cũ, nhớ người thân, nhớ bạn bè, nhớ luôn cả những món ăn ngày Tết mà chị vừa bỏ lại sau lưng. Cuộc đời nầy, chỉ có những gì không còn nữa mình mới thấy giá trị của nó mà thôi. Cưng hảy nhớ lời nầy của chị để thương yêu, tận hưởng những ngày tháng còn lại trên quê nhà.
Việt kiều trên đất Y’ không có bao nhiêu người, tồng cộng tất cả sống rải rác khắp nơi chỉ độ khoảng hai ngàn người bây giờ, ngày xưa còn ít hơn nữa. Cưng biết không, nếu Tết may mắn nhằm ngày lễ hay cuối tuần thì “dân chúng” còn có dịp chung vui tụ họp đúng ngày. Ngược lại, thì cứ tính như mình quên coi lịch nên ăn Tết hoặc trể hay sớm hơn một vài ngày, miễn là sao cho không mất ngày đi làm của những người phải lao động bon chen cho cuộc đời cơm áo.
Những năm đầu tiên nơi đây, ba má và tụi nhỏ thường dự Tết do nhóm sinh viên Việt kiều tổ chức, bánh trái đơn sơ, vui đùa giải trí nhẹ nhàng, không có chi nhiều để thấy mùa xuân, chỉ có lòng những kẽ tha hương xích lại gần nhau mà nghe tình dân tộc, nghĩa đồng bào mặn nồng thay cho dưa hồng, pháo đỏ.
Nhưng đến khi đám em chị lập gia đình hết thì nhân số trong nhà gia tăng, ngày Tết thành ra là ngày tụ hội về nhà ba má. Thật tình mà nói, nhờ có ba má nên bọn chị còn thấy được chút hương hoa truyền thống của Tết trời tây. Giờ ba mất rồi, má như bếp lửa ấm nồng cho con cái chung tụ quy về vui Tết để nhắc nhở mình vẫn còn là người Việt máu đỏ, da vàng. Má đưa ông Táo về trời từ hăm ba tháng chạp và cúng kiếng theo giờ giấc bên VN. Con cái đứa nào không bận đi làm thì về chúc Tết má theo đúng ngày tháng trên lịch, còn bận “cày cấy kiếm cơm “ thì đợi cuối tuần chung về với nhau. Thường thì lúc nầy tiết mùa đông hảy còn lạnh buốt, Tết ở đây hiếm hoi những ngày nắng ấm, họa hoằn lắm mới thấy vài cành dã mai bên đường nở sớm, thường chì có hoa cúc, hoa hồng, thỉnh thỏang lại có tuyết rơi trắng đường thay cho xác hồng của pháo đón xuân trong lòng người viễn xứ. Má cũng làm thịt kho, dưa giá, bánh tét, cải mặn, năm nào còn trữ được những trái khổ qua trong tủ đá thì cả nhà được thưởng thức thêm món khổ qua hầm thịt, bên cạnh những món truyền thống đó là những món thông thường tiện nghi theo nơi nầy. Không dưa đỏ, mai vàng, không bao lì xì đỏ thắm, không tiếng chuông chùa ngân vọng lúc giao thừa, không có cái rộn rịp tưng bùng của không gian ngày hội mà chỉ có những nhắc nhở kỹ niệm thuở nào của Tết quê nhà, bàn lô tô cũng vắng tiếng cô chín ngân nga những câu vè dí dõm.
Ngày trước mỗi lần Tết đến là chị buồn, nói theo lối bình dân thì có thể bảo đó là lúc chị “nhớ ông bà, ông vãi “ làm sao ấy cưng biết không, nhưng bây giờ chị quen rồi nên nổi ray rứt cũng phôi pha, thêm vào đó chương trình VTV4 của VN được phát hình trên TV khắp châu Au cũng khiến chị đôi lúc hòa mình vào không khí Tết trong tưởng tượng, chị tin là rất nhiều người cũng đã xem chương trình đó để đón xuân như chị. Và nhờ khoa học, qua internet với những thư, thiệp chúc Tết trao đổi rộn ràng, chị cũng thầy mình gần hơn với những người thân, bạn bè đang cách nhau một bờ đại dương xa thẳm.
Tết năm nay người Việt tổ chức mừng Xuân tại Brescia với những trò giải trí tươi trẻ, có cả thi hoa hậu áo dài, con gái của Chữ và Thảo đựoc bầu làm A’ hậu, chút vui để ngồi lại bên nhau sau một năm dài vật lộn chuyện áo cơm, để nghe tình đồng bào, đồng hương lúc nào cũng cần cho những người tha phương viễn xứ.
Mai thương, cưng đã kể chuyện Tết bên nhà, giờ chị kể chuyện Tết nơi đây, hy vọng lá thư nầy như một món quà xuân nho nhỏ giúp cưng hiểu thêm cuộc sồng nơi xa để làm hành trang cho ngày lên đường về cùng chồng vui câu hạnh phúc. Bên ni hay bên nớ, vui hay buồn tất cả còn tùy ở thời gian và nhất là tùy ở tấm lòng yêu thương chồng vợ. Mùa xuân luôn có với những trái tim không đơn lẻ và chị mong cưng và Tuấn, em trai chị, sẽ song hành bên nhau đến suốt cuộc đời.
Cho chị kính lời chúc an khang đến hai bác và gia đình các anh chị của cưng. Chúc cưng câu hạnh phúc trong tháng ngày trước mặt. Thương.
Chi
NGA
HUYNH NGOC NGA
Torino, ITALIA, 02.02.2003
__._,_.___
Torino có phải là Turin không chị ? Viết dễ thương lắm.
Đúng rồi Duy Phúc ơi, Torino là tiếng Ý còn Turin là gọi theo tiếng Pháp, thuộc bắc Ý, đã có thời từng là cựu thủ đô Ý trong một thời gian ngắn, đã từng tổ chức thế vận hội mùa đông năm 2006, kha đẹp, Bếp rất thích thành phố hiền hòa nầy. Bạn đã có lần nào đến đây chưa?
Bài viết đuợc post lâu rồi mà vẫn có sự ưu ái của Duy Phúc làm Bếp cảm động lắm, cám ơn bạn nhiều nghen.
Chúc bạn cùng gia đình mọi an lành, hạnh phúc.
Lá thư nầy nói như tác giả đúng như một món quà xuân nho nhỏ giúp mọi người hiểu thêm cuộc sống ở nơi xa thật xa nhưng không hề tách rời khỏi nơi chôn nhau cắt rún.
Tại Bếp ra đi lúc tuổi trên 30 nên gốc rễ còn bám trên quê nhà nhiều lắm, khó phai.
Cám ơn Thanh Minh đã có những lời thân ái.
Hơi muộn để mừng tuổi nhau, nhưng chúc yên bình, hạnh phúc thì lúc nào cũng chúc nhau được hén Thanh Minh. Cho Bếp gửi bạn những lời chúc chân thật nầy nghen.
Mình thích cách viết giản dị chân chất như thế này. Ta già rồi chăng?
Làm bếp chỉ loanh quanh trong nhà, trong xó bếp nên chữ nghĩa không thể bóng bẩy được Anhuy ơi.
Thiệt tình theo ý Bếp, cáì già không tính theo tuổi nhiều lắm đâu mà tính ở tâm hồn, ở cách nhìn đời của mỗi người. Bởi vậy mới có người trẻ tuổi mang tiếng cụ non, và ngược lại người đứng tuổi hay lão niên được mênh danh “lão ngoan đồng” (hi hi..bắt chước cách kêu của Kim Dung đó Anhuy).
Bếp không sợ già (vì luật trời đất chạy đâu cho khỏi), chỉ sợ tâm hồn mnìh cằn cổi với thời gian thôi.
Vì những lẻ đó, Bếp chúc Anhuy tâm trẻ mãi không già để Ò ó o vui vẻ trọn năm nay nghen.
Bình an dưới thế cho người thiện tâm. Năm mới vui nhé chị.
Ca Dao cũng vậy nghen, câu nói của Chúa dành cho tất cả những ai có tâm lành .Cám ơn bạn và mong Gà đem trứng vàng, hạnh phúc đến cho Ca Dao năm nay nha.
Chi Huynh Ngoc nhga la mot nha van nhan hau va luon yeu men que huong Viet Nam. Cau mong chi co nhieu sang tac hay va hay hon nua.
Gần tết Nguyên tiêu, Bếp lại nhận được thêm “lì xì” hậu hỉ” của Hoa Nguyen nữa rồi. Cám ơn bạn hiền nghen, những năm sau này Bếp đôi lúc sợ hãi vì thấy mình hình như đang từ từ mất gốc khi sau hơn 34 năm xứ người, những bài viết, những hồi tưởng là cách Bếp bấu víu vào đó để đừng đánh mất nguồn cội VN của mình.
Lời động viên tử tế của Hoà Nguyễn khiến Bếp cảm động lắm, hi hi…độ rày Bếp bị Facebook ” rù quến” cứ cắm đầu vào cell mà quên thời gian lặng lẽ trôi không cho Bếp còn rãnh viết lách gì nữa. Để đáp tạ sự ưu ái của bạn Bếp sẽ cố gắng trở lại bàn phím để gõ bài mới thửxem sao. Cầu trời Bếp còn chút “nội công, ngoại lực” để chống chọi cùng Fcb.
Chúc Hoa Nguyen cùng gia đình đón Têt Nguyên Tiêu thanh an và năm mới nhiều may mắn,hạnh phúc nghen.
Viết cảm động.
Thiệt hả Xuân Toàn, Bếp cứ tưởng chuyện của Bếp chỉ là chuyện riêng tư nhỏ nhoi chắc khó làm nao lòng người khác. Viết hơn mười mấy năm rồi, bây giờ đọc lại Bếp cứ tưởng như mới viết hôm qua.
Cám ơn Xuân Toàn đã ghé. An vui trọn năm Gà nghen Xuân Toàn.
Đọc vừa buồn buồn vừa âm ấm, chị HNN ơi!
Hi hi..thôi, Tết đừng nghe buồn Chế ơi, chỉ là một chút hoài vọng xa xăm thôi mà. Hơn 34 năm rồi chị chưa về ăn Tết bên nhà lần nào hết, mong lắm nhưng chắc khó đi mùa Tết vì mùa nầy phải ở nhà để đại gia đình đầy đủ cho má chị vui. Cứ tính như ở đâu có mẹ là có Tết cũng hạnh phúc rồi đó cưng.
Chúc xuân muộn chị Nga ơi.
Xuân trọn tháng giêng mà Nụ Tầm Xuân, ít ra cũng là xuân trong lòng, bởi vậy đâu có muộn.
Bếp cũng đáp lại bạn hiền mọi an bình trong năm Gà nầy nghen. Cám ơn thêm vì đã ghé thăm.
Một gia đình vẫn giữ gìn được nếp nhà dù ở xứ lạ quê người là điều thật khó, chỉ biết nói là ….. hay quá.
Kim “lì xì” cho Bếp lời bình tử tế đầy khích lệ làm Bếp thấy tết dài thêm rồi đây, cám ơn nghen Kim.
Những gì Bếp và gia đình các em có được vì may mắn còn có Má Bếp đó Kim à, Má Bếp là đầu tàu đưa cả bọn về hướng cũ của miền tâm linh dân tộ, chứ nếu không chăc cũng “mất gốc” trôi ra biển Địa trung Hải lâu rồi.
Ò ó o ò o…Kim và cả nhà ănTết đến hết tháng giêng và có một năm gà bình an, hạnh phúc nghen Kim.
Đọc tản văn của chị HNNga cứ nhơ nhớ mãi cái tết xưa ngày ấy, đầy ý nghĩa và thi vị vô cùng
Chỉ có người xưa mới thấy Tết xưa là thi vị thôi Phú Phong à, lớp trẻ bây giờ Tết là để đi du lịch. Bắt họ lạy ông bà, thăm người trưởng thượng, ngồi đánh lô tô nghe đọc vè chắc chúng ta sẽ được nghe “Tết xưa chán quá”. Nói chi xa xưa, cứ nghe nhạc Tết cũ ngày xưa sẽ thấy khác xa 100% nhạc Tết thời đại bây giờ, bạn nhận ra không? Nói chung, “mỗi thời mỗi tuổi, mỗi buổi mỗi đời” đúng như ông bà mình nói mà.
Cám ơn đã ghé, mồng 8 nhà Bếp hết bánh mứt rồi, Phú Phong nhận lời chúc muộn thôi nghen, chúc bạn và cả nhà năm mới an lành, vạn sự như ý nha.
Bài viết thật thú vị giúp người đọc hiểu thêm đời sống tha hương, tết tha hương và nỗi lòng những người cố quận.
Theo thời gian cũng bớt buồnXuân xa rồi đó Nguyễn trọng Thi, chứ hồi trước Tết về là “đứt ruột”, bây giờ thét quen nên Tết là lo…ăn, cũng ồn ào lắm, nhưng chỉ trong một ngày thôi, qua ngày sao dẹp để trở lại bình thường cho tụi nhỏ đi học, đi làm.
Nói chung chung, ở đâu âu đó để nhẹ cái đầu, chỉ có người già sống lâu với kỷ niệm là buồn nhớ nhiều thôi.
Cám ơn bạn đẽ ghé, hơi muộn để chúc xuân, nhưng cũng xin chúc NTThi cùng cả nhà một năm an lành, hạnh phúc nha.
Ở bên ni nhớ bên tê. Ở bên tê lại nhớ bên ni. Chúc bên ni bên nớ một mùa xuân đầm ấm may mắn .
Cám ơn Hoa Cải bên ni, bên nớ của Bếp giờ tiết lạnh đông hàn, nhờ lời chúc xuân đầm ấm của Hoa Cải mà nghe ấm lòng lám đây.
Mồng 7 còn chúc nhau được không Hoa Cải, nếu được nhận giùm một năm Gà đẻ trứng vàng, Gà gáy câu vạn sự như ý nghen.
Chi viet cam ddong qua.
Gan dday co nguoi nhac dden chuyen bo Tet ta, chuyen qua Tet tay, em ngac nhien tot ddo.
Em so la em khong co quyen co y kien, khong con dduoc phep noi toi chuyen trong nuoc, cho em rat muon phan ddoi.
Em ddong y Tet co ddi ddoi voi nhung hu tuc, nhung ddau kho cho nguoi von dda co cuoc song kho khan, nhung Tet cung gan lien voi QUE HUONG, TRUYEN THONG, ONG BA GIA TOC.
Neu trung cau dan y, em khong ddanh long nao bo.
Chi uoc sao bot dduoc nhung hu tuc ton kem qua vo ly, toi nghiep cho nguoi ngheo.
Va mong quy ong bot uong ruou, bot o ngoai dduong vui voi nhau.
Uoc gi may ong chuyen niem vui qua cho vo con trong nha, dan vo con ddi choi….
Dì Tư nó nói đúng chóc ý chị.
Hôm nọ đọc ý kiến của người đòi bỏ Tết chị cũng bắt giựt mình, không hiểu người đó ăn cái gì mà quên nước mắm đến nổi đòi bỏ Tết vậy hổng biết.
Nhưng thôi cưng à, chị tin hể nước Việt còn, dân việt còn thì Tết không bao giờ mất vì nó là đặc trưng, đặc tính của hai chữ Việt Nam mà.
Đề nghị cách ăn Tết của cưng cũng hay lắm, hy vọng mấy ông ma men bớt nậu ít ra trong mấy ngày nầy để dẫn bà xã đi thăm bà con.
A, mà Trí Tết có dẫn cưng đi đâu không vậy? Ông xã chị chỉ đưa chị đến má chị ăn Tết rồi về, ảnh tu “sách” nên ở nhà đặng “tụng” sách cưng à.
Chị thăm Trí và mấy đứa nhỏ, chúc cả nhà an vui năm mới nghen.
Mong chị Hai bên nớ ăn tết vui vẻ. Bên ni em cũng ăn tết vui tươi lắm. Why not? Thân chúc chị Hai và gia đình có những New Year Ta và Tây vui vẻ đầm ấm hạnh phúc an lành… Thật ra Tết Tây hay là Tết Ta không khác nhau là bao.. Tết nào cũng là tết, Đạo nào cũng là đạo chị Hai ơi hihih.
Lâu quá vắng chị Hai trên Xứ Nẫu nhớ lắm. ‘Thank you and wishing you and family a great TẾT 2017, Year of the Rooster. Best wishes. Love your writings. Keep it up and keep writing. Peace.’ Quý mến!
Chị tưởng chỉ có Rong trôi trên Biển thỉnh thoảng xa bờ bến Nẫu, ai dè bây giờ đến lượt chị làm người xa mới về. Thiệt ra lúc sau nầy chị tệ lắm cậu à, bị cái facebook nó rù quến khiến chị hết giờ nhớ chung quanh. Tết như tiếng gọi của phong tục trở về, chị rón rén tìm lại xứ Nẫu đây, may phước vẫn còn người đón chị, trong đó có cậu đó, cám ơn nghen hiền đệ,
Tết tây hay ta, Tết nào cũng ăn uống, họp mặt nhưng trên ý nghĩa hơi khác, Tây mừng năm mới, ôn năm cũ. Ta cũng vậy, có điều thêm chuyện nhớ tổ phụ ông bà, chuyện giao hòa trời đất. cái hay của ta là làm gì cũng nhớ cội nguồn, chị nghĩ vậy đó .
Nhưng thôi, tùy tâm ý mỗi người mà nhìn Tết. Hôm nay đã đến ngày hạ nêu rồi (mùng 7), chắc gì có cây nêu mà hạ trong thời buổi nầy, chúng ta chỉ nói như nói chuyện đời xưa thôi.
Dù hơi muộn, ngu tỷ cũng chúc hiền đệ và gia đình một năm an lành, vạn sự như ý nghen. Chị em mình cùng hứa, đi đâu thì đi cũng phải về xứ nẫu nghen đệ. hi hi..cậu Hiển cười lên đi cho răng vàng sáng chói.
Cầu chúc chị và gia quyến một mùa xuân an lạc, và…… viết ngày càng hay.
Chip tử tế và dễ thương làm sao khi chúc Bếp ..viết ngày càng hay. Hi hi..hơn nữa năm nay Bếp có viết gì mới đâu né, bị facebook làm hư đầu óc, choáng thời gian hết rồi, toàn bài cũ gửi cậu Hiển không đó thôi.
Nhưng được lòng tin yêu của Chip, Bếp hứa sẽ cố gắng “sửa mình” hầu có bài mới cho Chip và mọi người phê phán giùm nghen.
Cám ơn Chip đã ghé viếng chúc Tết, bánh sáp đi, bánh quy lại, Bếpcũng chúc Chip năm Dinh Dậu lúa thóc đầy bồ, trứng vàng đầy rổ nha.
Bên Ni,bên Nớ Cách Ngăn! Bên Đó.bên Đây -Một khoảng TRỜI CHUNG Chị ở Xa Xôi Nhớ Thương…TRÁCH YÊU Em đây-Quê Hương CỨ KỂ…Dưa GIÁ,dưa ĐỎ….MÙI VỊ…Chị như THẠCH SÙNG nghe cứ TẮC LƯỠI…TIÊNG TIẾC Ngày Xưa CÁI THỜI…Còn ở BÊN NỚ CHUNG VUI CÓ EM…TẾT NHỨT Ăn Chơi linh đình…ĐỦ TRÒ Bày Vẻ LÀM MÌNH Nôn Nao…ĐI CHÙA hái LỘC Xem ”SAU…”?Coi QUẺ bói toán THỂ nào CÓ VƯỢNG?Có THỊNH như với Ý MUỐN…XÓC BÀI Lô Tô ĐƯỢC KHÔNG Hồi Hộp…THÁNG TẾT Ở lại CHƠI SUỐT…Phi Trường Tân SƠN NHẤT đợi…Chờ Em gái Chị mòn mỏi MẮT TRÔNG…Về Ý vẫn còn mong ngóng…”Em VỚI Tuấn sẽ BƯỚC CHUNG CON ĐƯỜNG ….HẠNH PHÚC?”TRỜI…CHỊ NGA!!!…THƯƠNG….YÊU….!!!
le ngọc duyên hằng ơi,
Gõ tên nàng mà nhớ antran ngoctrinh hết sức đó nghen. cách chia sẻ góp ý của hai người giống nhau ơi là giống.
Mà nè bạn hiền của tui ơi, chữ ở đâu mà bình bài của ai cũng tuôn ra như suối vậy? Hôm nào nàng làm một bài thơ riêng của nàng cho mọi người bình “đáp lễ” đi .
Vui Tết trọn tháng, an vui trọn năm nghen lê ngoc duyên hằng.
Người Việt xa xứ thường giữ được cái tết cổ truyền hơn người trong nước. Cũng giống như khi sang Lào tôi đã từng ăn phở do một bà cụ người Hà Nội sống ở đây hơn 50 năm . Vị phở còn ngon hơn phở Bát Đàn. Tết cũng vậy. Người Việt hải ngoại chơi tết còn cổ truyền hơn cả cổ truyền.
Hi Hi…D Diep nói vậy rủi người lớn, người giữ truyền thống trong nước nghe được là bị giận đó nghen. Ở đâu cũng có những người thích làm “cách mạng” (đổi mới) chứ không riêng gì trong nước hay hải ngoại. Có điều như Bếp đã nói, khi xa người ta nhớ, lúc mất người ta tìm.
Người Việt xa quê, xa những gì không còn trong tầm tay nên nhớ mà giữ Tết, giữ hương phở truyền thống đó thôi. Như Bếp lúc còn ở VN rất ghét ăn cari, bánh bao, bánh ít, vậy mà qua Ý rồi tự nhiên nhớ những món đầu ngỏ ngày xưa đó, nhưng có đâu nữa mà ăn, vây là phải học làm,học nấu các thứ đó,đành lăn vô bếp thôi.
Cám ơn D Diep đã ghé thăm và góp lời, được cùng chia sẻ bao điều mình nghĩ cho nhau cũng là hạnh phúc đầu xuân với Bếp. Cám ơn bạn nhiều và chúc D Diep một năm an lành cùng gia đình nha.
Tôi cũng là người khắc khoải nhớ hương vị Tết xưa. Như tác giả. Vì cái tết hiện đại quá nhạt.
A, vậy là Duy Nguyên cũng thuộc “đợt sóng cũ” như Bếp rồi, sóng cũ nên mới thấy Tết bây giờ nhạt nhẽo.
Sự thật theo Bếp nghĩ thì vạn vật thay đổi theo thời gian, chỉ có cái cơ bản là đứng vững. Thời của mình chưa có vi tính, internet nên Tết theo những gì thích nghi với truyền thống , còn bây giờ tân tiến, thế hệ “đợt sóng mới” họ sống bằng “cơ” nhiều hơn “tâm” nên lớp cũ bọn mình thấy nhạt đó thôi. Ông bà mình nói “mỗi thời mỗi tuổi, mỗi buổi mỗi đời”, quan trọng là cơ bản vẫn lấy Tết làm điễm mốc cho văn hóa Việt để hễ nói đến Tết là biết của nước Việt, người Việt.
Thôi mà, Duy Nguyên, đừng than một thời đã mất nữa, cứ nghĩ là mình sống cho ngày hôm nay và cất giữ ngày hôm qua như ngùời ta cất giữ vật cổ vào viện bảo tàng đi bạn. Vào được viện bảo tàng là quý lắm, chúng ta được sống qua thời quý hiếm đó, sung sướng lắm thay, đúng không Duy Nguyên?
Ò ó o, cục cục tác…năm mới bình an, gà trống gáy to, gà mái đẻ trứng vàng, gà con chóng lớn cho tất cả mọi nhà và cho cả Duy Nguyên nữa nghen.
Nhiều người nói rằng muốn tìm phong vị tết xưa phải qua khu Phúc Lộc Thọ ở xứ USA, giờ chẳng lẽ nói những trang viết đậm không khí mùa xuân cổ truyền cũng phải tìm đọc văn của những người đang sống ở nước ngoài chăng? Nhưng có lẽ điều này có phần đúng. Vì hồn tết xưa được họ lưu giữ rất kỹ trong ký ức và thể hiện bằng niềm thổn thức của kẻ thiếu quê hương. Đọc và thấy rưng rưng cùng họ.
Khá lâu rồi Bếp mới trở về xứ Nẫu, gặp lại tên những bạn thân quen ngày nào thường ghé thăm góp lời, góp ý bài viết mà nghe cảm động vô cùng.
Miên ơi, thường thường cái gì không còn bên cạnh thì người ta hay trân quý và cố gắng tạo dựng lại để đừng quên, người Việt tha hương với Tết nằm trong trường hợp đó. Nhưng thiệt tình nói gì thì nói, muốn thấy Têt đúng nghĩa chỉ thấy trên quê hương Việt thôi Miên à. Tết tha hương chỉ còn khi thế hệ xưa như Bếp còn, mai kia mốt nọ khi sóng đời phủ lấp, lớp trẻ sau nầy sẽ chẳng còn mấy ai nhớ Tết cổ truyền nữa đâu, họ sẽ hoà đồng vào nếp sống nơi họ trưởng thành để Tết chỉ còn là lời kể như một hồi tưởng mà thôi. Tết quê hương dù thay đổi sắc thái theo gian, nhưng căn bản vẫn mãi còn khi dân tộc việt còn trên đất Việt. Miên hảy cùng Bếp tin như vậy đi để nghe hưng phấn hơn cho tròn tháng Giêng ăn chơi mùa Tết.
Mứt bánh phương xa không đậm đà hương vị Việt, Bếp mời Miên nhâm nhi (tưởng tượng) cùng Bếp mấy ngày xuân và chúc bạn cùng gia đình trọn năm Gà trứng vàng đầy rỗ nghen.
Chị ơi, chị viết những điều cũ kỹ quen thuộc, em ở VN đây mà cũng chạnh lòng. Chắc giờ chị đã nguôi ngoai. Mong chị khỏe mạnh và tâm an.
Dì Ba nó ơi, tại tụi mình là lớp người cũ kỹ nên mới chạnh lòng khi nhớ đến chuyện Tết ngày xưa, chứ thời nào sống theo thời nấy thôi.
Chị đi Ý lúc 34 tuổi, bây giờ đúng 34 năm chị sống nơi đất Ý, tính ra phân nửa quê ta, phân nửa xứ người, quên thì vẫn chưa quên nhưng nởi nhớ giờ đã phôi phai nhiều rồi, có còn chăng chỉ trong ký ức. Sống đâu âu đó cho nhẹ lòng cưng à, yen tâm đi dì Ba.
Đã chúc nhau rồi, chúc thêm lần nữa cho chắc ăn là may mắn sẽ đến thiệt với cưng và gia đinh trong năm con Gà nghen.
Viết cảm động quá. Thì ra người Việt ngàn dặm vẫn mãi mãi là núm ruột của tổ quốc
Lời bình của Đông Dương là món quà dễ thương bạn tặng Bếp đó, cám ơn nhiều nha. Nếu là người Việt thật sự thì dù ở đâu, xa hay gần vẫn là con của mẹ Âu Cơ mà.
Chúc Đông Dương và gia đình mọi an bình trong năm mới nghen.
Truyện lại thấm đẫm hương vị xuân. Thứ hương vị giờ đang là của hiếm.
Của hiếm thiệt hén Mai Hoa, hiếm vì tất cả không còn mang hơi hướm đằm thắm của Tết ngày xưa, hiếm vì dù bây giờ bánh mứt ê hề, rượu hoa đầy ngỏ nhưng chỉ là cái vỏ rộn ràng để kêu rằng Tết chứ cái ruột thật sự của Tết đã bị làn sóng thời đại biến đổi hết rồi. Có muốn tìm lại chăng chỉ ngồi nghe mẹ cha, ông bà mình kể như kể chuyện cổ tích thời xưa mà thôi.
Cám ơn Mai Hoa đã ghé thăm. Chúc bạn cùng gia đình một năm an lành vạn sự như ý nha.
Giá như trang web cũng có nút bấm like như facebook chị há ! Thì em sẽ bấm like like liên tiếp mấy lần.
Thôi, thôi Mai Hoa ơi, đừng làm Bếp hết hồn khi nhắc đến facebook, thủ phạm chánh đã làm “hư” con người Bếp cả năm nay. Facebơok như xì ke, ngồi vào là quên trời quên đất, quên cơm nước chồng con, quên viết bài viết vở, quên đói sáng, đói trưa. Bếp đang lên chương trình “cai nghiện” nó đây. Ở Xứ nẫu coi vậy mà an bình hơn đó Mai Hoa.
Mai Hoa có biết rằng “tái còm” của bạn đang làm Bếp lâng lâng hạnh phúc chiếu nay không? Cám ơn nhiều “lì xì” bạn tặng nghen.