Nguyễn Đức Tùng
Thơ thường xuyên đi tìm chỗ cư trú của mình nơi vùng đất lạ. Bất kể thành tựu hôm qua ra sao, bởi tác giả nào, ngày hôm nay khi thức dậy, bạn đã thấy nó di chuyển về chốn khác. Đi đâu, không ai biết, cho đến khi có một tiếng nói cất lên từ địa chỉ văn chương mới.
Một trong những đặc điểm của thơ đương đại là sự đáp ứng, tính phản ứng. Trước hoàn cảnh, hạnh phúc, đau khổ. Thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư là câu trả lời đối với các biến động như vậy, các xúc cảm, bi kịch cá nhân và tập thể. Vì vậy, có một sự xáo trộn, và đôi khi ở mức độ lý tưởng, sự giao hòa, giữa tiếng nói trữ tình của nhà thơ và những bi hài kịch của thời đại.
Đó là một loại thơ can đảm, trước những thử thách không ai tiên đoán được. Chúng ta có thể, một cách trong suốt, nhìn thấy sự lo âu trong thơ chị không? Tôi không chắc lắm. Tôi cố gắng đi tìm nó. Nhưng có thể thấy sự thao thức, cuộc săn đuổi ý nghĩa của đời sống và tình yêu. Một số bài thơ của chị, hay đôi khi một vài câu, lưu lại ấn tượng rằng chị đang đi tìm và có lẽ trước sau cũng tìm được câu trả lời của mình. Sự hứa hẹn bao giờ cũng chỉ là hứa hẹn, chúng ta biết thế, nhưng ở một người mới xuất hiện như Nguyễn Hoàng Anh Thư, lời hứa hẹn ấy gần như một lời cam kết. Sự ao ước được truyền đi các xúc cảm và suy nghĩ của mình tới người đọc, niềm ham muốn giao tiếp và tương tác, nếu so sánh với các nhà thơ thuộc thế hệ của chị, là mạnh mẽ hơn một cách rõ ràng. Đó là một người có suy nghĩ độc lập, chắc chắn, nhưng đầy cảm hứng, một người thường xuyên đối diện với các vấn đề của xã hội mình đang sống, mà vẫn hướng về cái cao cả và sự lãng mạn. Mặc dù đôi khi vì vậy mà thơ chị thiếu sự phê phán, sự quan sát sắc sảo, cái nhìn tỉnh táo và khách quan, vốn là điểm mạnh của ngôn ngữ thơ ca đương đại. Ngược lại, chị có sự giàu có về cảm hứng, tưởng như nguồn chất liệu là vô tận. Ở một số bài thơ, nếu chị đi xa hơn, đến những điểm tận cùng, bờ vực của ngôn ngữ, bẻ gãy các tập quán, có lẽ chị sẽ có những thành công lớn hơn nữa.
Những nhà thơ mới viết hiện nay cần các nhà phê bình hơn bao giờ hết, cũng như họ cần độc giả. Cần ủng hộ họ, cần đánh giá, cần đọc, cần thưởng thức, cần khen chê. Những người như thế không nhiều, nhưng căn cứ vào tình hình hiện nay, sẽ ngày một nhiều hơn, chứ không phải ít đi. Nguyễn Hoàng Anh Thư không quên sự quan trọng của các mối tương thông giữa thơ và công chúng, sự cần thiết đối với việc khẳng định các giá trị căn bản, quyền và nghĩa vụ của ngôn ngữ. Các yếu tố tương phản, như ca ngợi và phản kháng, như lãng mạn và châm biếm, tìm cách gặp gỡ nhau trong thơ chị. Chúng có gặp gỡ được không, là tùy thuộc vào tài năng của nhà thơ, tất nhiên, nhưng còn tùy thuộc vào việc đọc của người đọc hôm nay, sự chú ý, lắng nghe, sự tiếp nhận, như những tiếng vang được dội lại và truyền đi. Tôi có một mối lo rằng, trong những điều kiện hạn hẹp về tự do xuất bản, những tiếng nói như của chị sẽ được cất lên như thế nào.
Thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư có tính hài hước và châm biếm, đôi khi bất cần, nhưng trong nhiều trường hợp, chúng kín đáo che đậy giọng nói tiếc thương. Đó là cũng là tiếng nói hoặc của phẫn nộ hoặc của chịu đựng, cam phận. Đôi khi trong một bài thơ của chị, người đọc có thể thấy cả hai cùng một lúc, nhưng đó là trường hợp các bài thơ không thành công. Câu hỏi làm thế nào để chuyển hóa những sự thật khốc liệt của xã hội mà chị đang sống, những thử thách chính trị và tinh thần, các vấn nạn lương tâm, thành ngôn ngữ của thơ ca, là câu hỏi mà Nguyễn Hoàng Anh Thư thấp thoáng đặt ra, dù chưa thường trực.
Có một cảm giác u buồn, gần như bi quan đối với tồn tại, ngấm ngầm xuyên qua một số bài thơ của chị. Có thể tôi đã nhầm, và đó chỉ là một ảnh chiếu của tinh thần trách nhiệm, lời ca ngợi tự do. Có thể tôi đúng, và trong trường hợp ấy, chị cần nhiều thời gian hơn nữa để vượt qua chúng, hay đúng hơn, để làm cho chúng, cảm giác u buồn ấy, trở thành hy vọng, trở thành người chỉ đường của thơ ca, chứ không phải ngược lại.
Những chấn thương về tinh thần, xã hội, văn hóa, từ vùng đất cố đô, sau những di chứng chiến tranh tàn bạo và cay đắng, tác hại của việc lịch sử bị che dấu, bị đánh tráo, một tuổi trẻ bị bịt mắt, trước sau rồi sẽ tìm thấy vị trí của mình trong thơ chị, một người không những không ngớt quan tâm đến các vấn đề có tính cách cộng đồng hiện tại mà còn tra hỏi lịch sử. Tôi cũng nhớ ra một điều: thơ Nguyễn Hoàng Anh Thư được viết từ căn nhà của mình. Đó là một tiếng nói từ quê nhà, không phải vì tôi là một người sống xa đất nước, mà vì đó là tiếng nói vang lên từ dòng chảy của ngôn ngữ mẹ đẻ, một từ vựng vẫn còn đầy rẫy không khí, tinh thần truyền thống, chưa bị tan vỡ, được nuôi dưỡng gần như đầy đặn. Trong thơ chị có những nguyên mẫu văn hóa cộng đồng, mặc dù, kỳ lạ thay, chúng tìm thấy tiếng nói của mình trong thơ tự do thay vì thơ vần điệu. Chúng ta có thể hy vọng mà không cần dè dặt rằng Nguyễn Hoàng Anh Thư sẽ còn khai phá những vết trắng trong ngôn ngữ, những ký ức dân tộc bị bỏ quên hay bị vùi lấp, không phải vì nhu cầu hoài niệm, mà vì để tìm thấy đường đi trong tương lai.
Tôi muốn giới thiệu hai bài thơ của Nguyễn Hoàng Anh Thư, một bài bảy chữ, khá phóng túng, và một bài tự do, tiêu biểu cho những chuyển hướng trong thơ chị. Chúng khác nhau không chỉ về hình thức.
Rồi thôi buồn cũng cũ
Mai mốt rồi thôi buồn cũng cũ
Mộng chút rong rêu phủ lại mình
Rồi cũng ngày qua mùi gió chớm
Trong tàn thư cũ mùa đau thương
Em thôi gác lại điều thương nhớ
Dựa dẫm lời ca một nỗi buồn
Đợi người canh sương về đếm lá
Khỏa bên đồi xanh tuổi đôi mươi
Mai mốt rồi thôi buồn cũng cũ
Em chớ đùa vui mộng giữa ngày
Tóc mai trổ nhánh ngày tím biếc
Xin đừng rót mộng màu thủy chung
Đành em một nhánh vàng cúc cũ
Vàng tươi rực nở cuối thu tàn
Người sẽ đi qua không ngoái lại
Nhìn nhau thật rõ cọng đông tan
Mai mốt rồi em, chớm trăm năm
Đường liêu xiêu lạnh đường buốt căm
Chờ nhau, kẻ canh sương ngày ấy
Thu xếp một ngày chuyện cỏ cây
Rồi sẽ bình yên, tất bật gió
Hồng hoang yên lặng giữa giấc mơ
Thiêu hủy bài thơ
Tựa như bạn đánh rơi
từng con số thật nặng
như giá xăng
từng cây số được xếp chồng trong túi áo
Tựa như bạn đánh rơi phụ âm cuối
sự mát lạnh từ vầng trăng
và đêm chẳng thể viết thành lời
sau giấc mơ
trăn trối
Tựa như chiếc bóng nằm nghiêng trên lưỡi cuốc
trong giấc mơ của cha
xới lên từng giọt mồ hôi
tựa như nhọc nhằn từng nụ cười
bạn không thể đánh rơi
nỗi lo của mẹ
Thiêu hủy bài thơ
và rút từng lời nói
của thời gian
như sáng nay đã khuyết một góc đường
có chùm trạng nguyên vừa trụi lá
bạn sẽ đổ lỗi cho một số lý do
về cái máy tính bị tắt nghẽn
và bạn sẽ biết
tình yêu cuộc sống
lớn hơn mười ngón tay
hơn sự phàn nàn
về số tiền lương ít ỏi mà bạn nhận cuối tháng
bạn hãy chấp nhận
tham gia với đám đông
để đi tìm cầu vồng
mọc sớm
Thiêu hủy bài thơ
tựa như điều bạn đang đợi chờ
và không thể nói
tôi đang rơi
vào cơn buồn ngủ
Bạn có thể nhận xét rằng thể thơ không chỉ là hình dạng của ngôn ngữ mà còn là cấu trúc của ý, tứ. Mặt khác, tôi không rõ lắm Nguyễn Hoàng Anh Thư có yêu thích thần thoại, có đọc chúng nhiều không, đặc biệt là của các nước khác. Nhưng trong thơ chị, thấy thấp thoáng dấu vết của thần thoại, và tôi ước gì, lẽ ra, được thấy chúng nhiều hơn nữa. Làm nghề dạy học, nhà thơ chắc sẽ có nhiều cơ hội giao tiếp với tuổi mới lớn, đó là môi trường của những giao tiếp đầu tiên, khởi thủy, sự hình thành các mầm mống mang tính quyết định đối với số phận. Chị đã khai thác các chất liệu trong đời sống thực của mình như thế nào? Có ý thức ra sao đối với việc này? Chúng ta vẫn chưa thấy nhiều các yếu tố hứng khởi, vui chơi, chúng ta muốn thấy nhiều hơn nữa sự linh động và tinh nghịch của tuổi trẻ, về mặt ngôn ngữ và thẩm mỹ. Thơ và phê bình thơ đương thời Việt Nam, trong không khí tràn ngập các quảng cáo ồn ào, sáo rỗng, các niềm tin bầy đàn, vui mừng nhận ra một khuôn mặt mới, tiếng nói mới, tuy hãy còn cần thời gian để định hình hơn, nhưng đã mang yếu tố độc đáo, riêng biệt, không những về ngôn ngữ mà cả về nội dung xã hội, không những trữ tình cá nhân mà còn bao gồm những thách thức của thế hệ mình.
Cần ghi nhớ có người đã khởi đầu như một ngôi sao, nhưng rồi cuối cùng ngôi sao ấy mờ dần. Buông viết hẳn, hoặc còn viết, nhưng không thể lấy lại được sức chiếu sáng ban đầu, bởi nhiều lý do. Văn học Việt Nam chứng kiến quá nhiều những thí dụ nản lòng như thế. Nhu cầu sáng tạo ở một người được nuôi dưỡng không những bằng nhu cầu nội tại, sự giàu có nội tâm, mà còn bởi niềm sợ hãi rằng không còn sáng tạo tức là suy tàn, già trước tuổi. Tôi tin chị sẽ tiếp tục viết, trong những hoàn cảnh khó khăn riêng của chị, và đi đến cùng con đường của mình. Căn cứ vào đâu? Tôi chẳng có căn cứ nào cả. Nhưng tôi tin vào những chữ của chị.
Nguyễn Hoàng Anh Thư, với sự giới thiệu của nhà thơ Ý Nhi, cũng vừa nhận giải thưởng thơ lần thứ nhất, năm 2016, của Văn Việt, một giải thưởng cao quý. Khó có thể có một khởi đầu nào khác thuận lợi hơn. Từ Huế, nơi chị sinh sống và giảng dạy, tiếng nói mới đã cất lên. Sông Hương vẫn chảy chậm, trước đây và sau này vẫn thế, nhưng đó chỉ là bề mặt, bên dưới là một dòng chảy khác và, quan trọng hơn, một chiều sâu khác chưa ai biết hết.
Chiều sâu của đất nước chúng ta.
Nguyễn Đức Tùng
Mùa Phục Sinh 2016
Từ facebook vào trang ni và đọc thơ và bình thơ Anh Thư. Phải nói thơ N.H.AT quá đặc biệt. Sáng tạo & mạnh mẽ vô cùng.
Tác giả có nhiều bài thơ hay. Đầy sáng tạo.
NH.AT thuộc lớp nhà thơ mới, nhà thơ dấn thân
THƠ-Tiếng Lòng sầu thương KHẮC KHOẢI…Tâm tư ngóc ngách LỜI giải bày…Hạnh phúc -Khổ đau -Vui Buồn BỘC BẠCH…Và không thiếu CHẤT TÌNH lãng mạn…Thơ như một kẽ LANG THANG…TÌM những vùng đất MỚI để NHÌN …Để THẤY Cái Đẹp muôn vẻ ĐA DẠNG Để HÒA vào làn hơi CẢM HỨNG Nhưng Thơ Anh Thư với Cuộc Sống…”KHÔNG Phê Phán-Châm biếm-Kình chống”Chỉ CA NGỢI đẹp trong Chiều CHUỘNG ĐẸP trong CHỌN LỌC dễ thương ĐẸP trong thấp thoáng BUỒN CHỊU ĐỰNG”Dù Đôi Mắt Nghĩ Suy BÃO ĐỘNG!”Quan sát SẮC SẢO-TỈNH TÁO-KHÁCH QUAN”Nghĩa là LÝ Có nhưng Nghiêng TÌNH….Trong khi Thơ Nay CẦN đả phá Thường…PHẢI BIẾT cả Xấu để TINH TƯỜNG…THẤU ĐÁO Cuộc Sống để THƠ CÒN”Âm hưởng CÁI MỚI Sắc Màu LINH ĐỘNG…”Nhận dịnh về Thơ Anh Thư TRONG”Nguyễn Đức Tùng là sự TIN TƯỞNG”Trong Anh Thư-Tình yêu Nuôi Dưỡng MẠCH MÁU dòng chảy Yêu Thương…Từ nơi sinh đất Huế-Sông Hương …Từ nghề Giáo đi ra Cuộc Sống….Anh Thư sẽ là ”Cây BÚT Thơ”KHÔNG NGỪNG….?[Tiếp tục VUI MỪNG tưng bừng?]
Hình như chị mới nhận giải về thơ năm 2016?
Thơ rất đáng đọc