.Lê Minh Hà
Anh thấy những chiếc lá nhỏ ở các chậu cây em đặt bên cửa sổ xao động. Và vệt nắng nhảy nhót trên tường. Chắc là gió. Gió thổi từ những vòm cây ngoài đường vào. Những con đường Sài Gòn cây cao bóng cả, cũng như phố, Hà Nội ngày xưa.Sài Gòn có bao giờ yên. Nhưng căn phòng của chúng ta rất yên lặng. Có cái gì giông giống sự im lặng trấn ngự những ngôi nhà tập thể ở Hà Nội khi người lớn đi làm trẻ con đi học, nơi chúng ta từng sống. Nếu bảo là yên ả…
Anh nghe tiếng xô chậu vọng qua cái giếng trời từ nhà dưới lên, tiếng đàn bà cười từ tầng trên vọng xuống. Những người đàn ông hàng xóm đang ngồi ở mảnh sân bên dưới cầu thang chung lúc này đang làm gì? Nhấc vòi nước tiếp tục rửa xe máy? Gầy lại cái lò than cho người đàn bà của họ bắc ấm nước pha cà phê bán đầu ngõ? Cũng không khác gì Hà Nội ngày chúng mình ra đi phải không?
Căn nhà của chúng ta im lặng quá. Các con đi học xa. Em cũng đi công tác vắng nhà. Những ngày này người giúp việc không cần qua lại. Chỉ còn anh. Và những con chuột rúc rích trên tấm lưới ngăn khoảng không ở giếng trời giữa các nhà. Sẽ không lâu nữa đâu, anh sẽ chẳng còn cảm nhận được gì, anh sẽ chỉ còn là một tấm ảnh, từ bức tường này nhìn bóng nắng xộc xệch dần trên bức tường kia để đoán thời gian đang trôi tới đâu. Đoán thôi, không còn bị nó dồn nén. Không còn phải cảm thấy thời gian sống mà như là đã chết.
Xin lỗi.
Người đàn ông đi vào bếp. Không có một cái bát rếch nào trong bồn rửa. Những chiếc cốc xếp gọn trên bàn ăn. Mặt sàn nhà tắm khô ráo. Người đàn ông giơ tay. Cánh cửa tủ lạnh tủ đá mở ra. Vẫn đầy thức ăn, từng món, từng món. Dù nhà không có người. “Vẫn như ngày còn anh sao?” Một tiếng thở dài thoát ra từ lồng ngực, hòa vào không khí và bóng tối của căn bếp, bay lên rồi tan đi. Không ai nghe được tiếng thở như tiếng rên ấy. Nhưng không phải vì không có người. Người đàn ông biết rõ, từ lúc đó, xuôi tay, nhắm mắt lại, mình có thét lên cũng không một ai nghe được nữa. Nhưng anh cũng biết rõ, ngay cả lúc còn đang sống anh là người không thể thét lên. Giá mà anh có thể thét lên.
Anh có cảm giác như mình là một gốc cây trút lá một lần cuối. Anh không biết có thể giữ chiếc lá nào cho những đứa con của mình. Cũng không hiểu những đứa con có cần một chiếc lá như thế không, lưu lại hơi hướng người cha mà lúc sống chúng không cảm thấy hơi ấm. Anh biết điều đó, ngay cả khi con anh nằm bên anh đêm đêm. Chúng không biết rằng hơi ấm của chúng, từ lúc còn sặc sụa mùi nước đái, hoi hoi mùi sữa mẹ và nồng nàn mùi mồ hôi thơ trẻ tới lúc tỏa mùi đàn ông mới lớn đã làm nóng rực trái tim từng ngày cứ muốn nguội đi của người cha. Cả tiếng mẹ chúng rủ rỉ bảo ban bọn trẻ, từng ngày, từng ngày… “Em, em không biết em mới là người trói anh lại thế gian này đâu.”
Người đàn ông lướt vào căn phòng của hai vợ chồng, căn phòng người vợ đã rời đi nhường cho anh và thằng út. Anh thấy mình bao đêm đang cố lắng lấy một tiếng động từ phòng vợ anh nằm. Anh thấy mình văng vật thân xác rệu rã bên thằng cu vừa vào tuổi lớn, thấy mình đang chờ đợi. Bước chân người đàn bà gần lại bên cánh cửa, xuống cầu thang, tiếng vòi nước chảy, tiếng những chiếc cốc chạm vào nhau khô khốc rời rã. Anh thấy mình tìm kiếm một mùi hương nồng nã từng ngày phai nhạt, trong tủ, trong chăn nệm. Những đêm trắng giữa thành phố sôi động này kinh khủng hơn cả những đêm lính nằm bên nhau, nhớ. Thằng nhớ phố. Thằng nhớ núi. Anh nhớ một tỉnh lị và một mái nhà ngói sạm, trĩu xuống vì bụi và mưa nắng. Anh tưởng thế? Hay là những mái nhà những góc sân những khoảng trời tuổi ngây ngốc ấy thật đều thấp và nhỏ bé? Nên khi lên Hà Nội học anh thấy mình như một cái cây thoát cớm, trổ lên bừng bừng. Những từng trải đòi phải ngồi xuống, vắt lại, viết ra. Những khao khát đi và biết. Những ham muốn yêu và tin. Niềm tự tin, thật sự là tự tin. Tất cả, rào rạt trong anh, phồng căng trong anh, làm anh chỉ muốn hét lên. Đấy là khi chúng mình biết nhau. Em mười sáu. Phố thâm nghiêm nơi anh ngày ngày đi làm qua cũng thành mười sáu tuổi. Anh để ý thấy mình không còn thích ngắm những thân cây gốc xù xì rễ gộc trồi lên vỉa hè mà chỉ muốn ngửa mặt nhìn lên. Xanh thật là xanh. Cao thật là cao. Gió nổi trong vòm lá thật mạnh mẽ, tưởng chừng có thể theo gió mà bay đi. Anh, một thằng đàn ông tỉnh lẻ, học xuất sắc chẳng cần thế lực gì cũng có ngay một chỗ làm ở Hà Nội. Anh, một nhà văn vừa xuất hiện đã được giới chữ nghĩa công nhận. Khi đó, anh còn chưa biết mình có những năng lực khác. Nhưng chỉ thế cũng đủ làm cho bất cứ người đàn ông nào tuổi anh tự tin và kiêu hãnh rồi phải không? Và vì thế, khi anh nhìn thấy em lần đầu tiên bên gốc cây già trước cửa cơ quan, anh đã bình tĩnh ngắm em công khai và thấy mình hạnh phúc. Niềm hạnh phúc thấy mình xứng đáng với những gì tốt đẹp nhất dù có thể là không bao giờ có. Ngày đó mới lạ lùng làm sao, chẳng có gì ngoài một cái giường đơn, chiếc va li tã, cái xe đạp cà tàng, nhưng phồng căng khát khao và hạnh phúc, phải, cả hạnh phúc.
Có thể vì thế mà chị yêu anh chăng? Một tình yêu thật khác thường, không phải giữa một người con gái Hà Nội đã trưởng thành với một người đàn ông nhà quê thành đạt. Đấy là tình yêu một cô bé Hà Nội dành cho một người nghệ sĩ biết mình tài danh, tự tin mình sẽ còn đạt tới nhiều đỉnh khác trong đời. Ngày đó anh là thế. Ngày đó, anh không hề có cái mặc cảm của một người đàn ông gốc quê cho rằng được một người con gái như thế yêu và cưới được cô là may mắn. Chúng mình xứng đáng với nhau. Anh xứng đáng với nỗi mê đắm của em, với sự tế nhị của em. Em có thấy niềm tự tin đó ở anh to lớn đến thế nào không? Nó khiến anh bình thản hoàn toàn trước đám bạn con trai con gái Hà Nội mới lớn thông minh và tinh quái của chị. Anh buồn bực nhưng cũng hoàn toàn bình tĩnh trước bố mẹ chị, những đồng nghiệp đáng kính của anh. Anh tin anh sẽ làm cho con gái họ hạnh phúc. Niềm tin ấy mới ngây ngô và xót xa làm sao.
Người đàn ông chú mục vào tấm ảnh của chính mình phía bức tường bên kia, ngạc nhiên. Người trong ảnh không có dáng vẻ thư sinh mà người ta thường hình dung cho nghệ sĩ. Đôi vai dày, cổ ngắn, phong dáng của một đàn ông ưa hành động. Vầng trán, đôi mắt với cái nhìn thoáng một vẻ gì như khinh thị, đôi môi đam mê và dễ tổn thương. Ngay cả bộ ria rậm cũng không che giấu nổi vẻ nhạy cảm của nó. Lần đầu tiên người đàn ông chú ý đến mình. Giá mà vẻ khinh thị của mắt kia lấn át được nét nhạy cảm của môi! Hay giá mà nét nhạy cảm kia của môi làm mờ đi vẻ khinh thị của mắt. Thì hoặc là ta sẽ thành một kẻ ngạo mạn, tin vào mình và chỉ còn biết đến mình mà không ngán tranh giật với đời. Hoặc, sẽ thật nhanh chóng để cho đời đàn áp, và như thế, phải, như thế, ta sẽ không phải gồng mình làm chậm lại sự sụp đổ từ bên trong con người ta.
Thành phố này không làm hỏng anh. Thành phố này chỉ là nơi chứng kiến anh suy bại từng ngày mà quá trình từ có tới không đó thực ra đã bắt đầu từ một thành phố khác, từ một khoảng ngày tháng khác. Những ngày tháng mà khi tỉnh táo nghĩ về trong trí anh chỉ toàn những góc phố xộc xệch, những mảng tường mang hồn năm tháng tàn, những dáng người thường rất gầy, những gương mặt khổ nạn, và một bầu trời xám sáng. Đấy là hòa bình. Một hòa bình anh muốn mang vào tác phẩm của mình. Cắt thành phân cảnh. Đóng thành khuôn hình. Ấn thành chữ. Một hòa bình đáng sợ hơn cả hiểm nguy và khó sống còn hơn cả ngày chiến tranh. Một hòa bình thử thách chúng ta. Ngày tháng đó chỉ trẻ ranh mới hoang mang. Còn anh, tuổi anh, tài anh, đã đi qua nỗi hoang mang rồi, chỉ còn bất lực, bất lực.
Cứ tưởng bất lực vì áo cơm thì rồi sông có khúc, sẽ vượt, sẽ thoát. Cả nước méo mặt vì bao cấp tắc tử chứ đâu có một nhà mình. Nước nổi rồi bèo nổi. Hoặc giả như vợ chồng anh chỉ chú tâm cho chuyện áo cơm, đến lúc được bung ra thì mấy nỗi mà không khá. Nhưng mà họ là những kẻ thuộc về cái tập hợp người ta hay gọi đùa là dân tộc thưa người, thiếu những thứ không cạp được ra mà ăn, chữ chẳng hạn, nói chung là nghệ thuật… thì cũng không sống nổi. Anh muốn lo cơm áo cho gia đình bằng cái nghề anh đã chọn, đã học, đã làm, bằng những dự tính với nghề. Chao ôi. Đi xa, nghĩ cả nhà đã tìm ra đất sống, nghĩ sẽ được tung hoành. Nhưng mà có những nghề có cái tự do và khuôn khổ riêng của nó, từng người cần tới bạn nghề như người lính cần đồng đội, không thể một mình mình làm mà thành. Và đến lúc anh nhận chân ra được nỗi cô đơn cô độc trong nghề, anh đã không thể quay về với chữ. Chữ không chơi trốn tìm. Chữ biến mất trước anh. Mất. Toàn bộ hồn vía.
Người đi ngoài hành lang ngó vào khung cửa sổ luôn không khép cánh không thể thấy được bóng một người đàn ông ngồi ôm mặt. Một khuôn mặt cũng đã mất hồn vía ngay từ lúc anh còn sống. Chỉ một mình anh biết điều đó bắt đầu từ khi nào.
Ấy là lúc bật dậy sau giấc ngủ ngắn, đúng hơn là một cơn lịm dài. Người toát mồ hôi. Một thứ mồ hôi xa lạ với chính mình, át cả hơi rượu đã hả hòa cùng dịch vị, bốc mùi sợ hãi. Cánh tay anh chống xuống thành giường run bần bật, như thể nốc cà phê đặc quá liều. Không có một giấc mơ đáng sợ nào. Anh không hề mơ. Chỉ có một màn trắng nhờ rất dày tựa hồ một khối sương sa quánh đặc không thể chọc thủng như cao su, chôn trong đó là những ngày mai ngày kia của anh, những ngày anh chưa sống. Anh thấy anh là một viên chức làm việc cầm chừng, tháng tháng nhận về đồng lương đùa nhả. Anh thấy mình đang xem lại một lần nữa bộ phim anh không được làm. Anh thấy bóng vợ con anh bị ép nhỏ dần trong khối sương sa cao su ấy. Anh thấy nhân vật của anh nhận quyết định hưu lẫm chẫm bước đi bắt tay chào đồng nghiệp và hàng xóm để về quê với vợ con sau mấy chục năm làm cán bộ. Anh thấy nhân vật của anh sau bao nhiêu ngày ngồi vẽ mặt những người lính không về lủng lẳng trên một cành cây mùa trái rụng nhiều. Anh thấy nhân vật của anh ra đi. Nhưng anh không thấy mình. Ngay cả trong dáng vẻ cỗi lão lúc về hưu. Ngay cả trong dáng thanh thản lúc lủng lẳng. Mọi cách thức lên đường đều không có anh.
Người đàn ông không thấy mình ở thành phố có những ngày rét mướt mà ấm áp ấy nơi họ gặp nhau, không thấy mình ở thành phố cơn gió lạnh cũng chỉ như một ngón tay cù nhẹ mà anh đưa vợ đưa con tới. Em đã mong chuyến đi vào phương nam là một cuộc lên đường trở lại? Em không biết người chồng em yêu, tự hào, tin cậy mỗi ngày kinh hoàng thấy từng phần mình. Rã. Rời. Khỏi, những khao khát, những bươn trải, giao tình, những giành giật sấp ngửa cố lắm vẫn không thể nhập cuộc. Chỉ không thể vợ và con. Không thể. Mặc dù sự có mặt của anh trong nhà đến một lúc y như vô hình.
Người đàn bà không biết rằng đến lúc đó chỉ duy nhất một điều làm người đàn ông sợ. Vợ bỏ. Thế mà rất nhiều khi buốt lịm trong nỗi sợ hãi đó lại là mong ước người đàn bà của mình bỏ mình. Anh là nghệ sĩ. Anh không lãng mạn theo thói đời. Anh biết rất rõ anh không còn là người đàn ông mà vợ mình đã mê đắm. Và cay đắng. Thấy một tình yêu đẹp đến thế, từng làm sáng lên đôi mắt dịu hiền, ẩm ướt và u ẩn của người con gái Hà Nội mười sáu tuổi ngày ấy nay tàn phai. Nỗi cay đắng mạnh mẽ tới mức không thể làm anh kiêu hãnh nổi khi người con gái đó, nay là mẹ của con anh vẫn ở bên anh, vì anh. Nếu chị là một người đàn bà nhà quê tần tảo và nhẫn nhịn, và dù sao thì vẫn phải viện tới hạnh phúc của con cái mà bám víu vào cái tiếng hão huyền là có chồng thì đành nhẽ. Nhưng mà không phải thế. Anh biết vì sao em ở bên anh. Em biết anh cần em. Nhưng ở bên anh em có còn tin chút nào vào tài năng của anh sự tử tế của anh không, và hi vọng có hoàn toàn bay biến?
Không bao giờ người chồng dám hỏi vợ điều ấy. Cũng như là không dám tỏ cho chị biết anh yêu chị đến thế nào. Nếu không phải là thế, có lẽ anh đã ra đi. Như một nhân vật của mình. Đơn giản là bỏ lại, tất cả, khoác ba lô và đi, biết chẳng có mình thì vợ vẫn nuôi dạy con đến đầu đến đũa. Chị không biết, hơn một lần anh đứng dưới cái khung sắt ngăn giếng trời với nhà tầng trên, nhìn từng gióng sắt đo độ cứng và tưởng tượng mình đu đưa ở đó. Dễ dàng bao nhiêu. Cũng khó bao nhiêu. Không phải vì không tự tin, rằng nhỡ bị cứu. Đã cho nhân vật của mình sống với bao nhiêu mặt ma rồi tự treo lủng lẳng trên cành thì còn sợ cái gì. Khi nhập thân vào nhân vật của mình anh đã không hiểu ra phải cần cả mười mấy năm trời nữa mới có thể gián cách, để biết rằng không sợ chết nhưng vẫn không chết được. Người ta chỉ có thể tự rời bỏ cõi sống khi không còn thiết tha với cái gì và thấy mình đã thoát vào một không gian khác, xa lạ với bất kì ai. Anh còn em. Còn con. Chúng nó đang vào tuổi anh lúc đạt chí.
Rượu không chấm dứt được những đêm không ngủ, không giải thoát được ai bao giờ. Nhưng rượu có thể làm quên. Rượu làm máu người đàn ông loãng ra và tim đập mạnh mẽ như thời trai trẻ. Rượu làm người ta thêm bạn. Song hóa ra người bạn rượu dễ chịu nhất phải là người không nói. Tìm đâu? Đã rất nhiều chiều anh ngồi cùng với mấy cậu cùng cơ quan, nghe toàn những chuyện đấu đá vặt và hi vọng hão. Lại có lúc anh ngồi với mấy anh chàng bảo vệ và xe ôm đầu ngõ. Họ cởi mở và giản dị, giản dị đến thành đơn giản, những mánh khoé ở đời đầy sức sống của họ không giúp gì anh cả, bởi vì anh không thể áp dụng. Giá mà chữ nghĩa không dằn dỗi bỏ đi, những câu chuyện của họ sẽ là nguyên liệu tươi rói để anh viết. Truyện ngắn. Kịch bản. Có thể là tiểu thuyết. Anh chưa viết tiểu thuyết bao giờ. Nhưng bây giờ. Còn ngồi với đám văn nghệ sĩ như mình, nhiều khi chỉ muốn say lập tức. Mà cứ tỉnh, để thấy thằng thành công nhiều khi mới nửa mùa và đáng tởm làm sao. Để thấy những thằng chưa thành công mới đáng trọng và tội nghiệp làm sao. Trong lúc cần phải sống, phải tăng tốc bon chen thì cả lũ lại khư khư khối mộng về nghệ thuật, để cho nó kéo tuột mình xuống dốc. Dập. Vỡ. Tan nát. Rồi đến một lúc không phải chỉ là đời sống của chính mình và gia đình mình tan nát. Khối mộng kia cũng tự nghiền nhỏ cùng niềm kiêu hãnh. Rượu như ngày sống. Bệ rạc. Nhạt hoét.
Lần uống đáng sợ nhất là lần anh ra Hà Nội, vô tình gặp lại bạn cũ khi nhảy lên một chiếc xe ôm. Ngày anh học lấy thêm bằng cho nghề mới ở Ba Lan có chơi với một anh bạn ngành khảo cổ. Bây giờ, ông tiến sĩ khảo cổ đứng đầu đường khảo mặt người để mời mọc một cuốc xe. Hai thằng ngồi đầu gối quá tai bên chai rượu lậu cười như pháo.
Anh nhớ nhà khảo cổ gốc Hà Tĩnh. Người đất chó ăn đá gà ăn sỏi nhưng đời sinh viên lại sống ở xứ anh em ăn chơi nhất khối xã hội chủ nghĩa rồi chuyển tiếp sinh làm phó tiến sĩ luôn, đẹp trai lắm, trong sáng lắm, cả tin lắm. Khác anh nhà trường rồi chiến trường rồi mới lại nhà trường.
Ông tiến sĩ khảo cổ vân vê mãi hai nửa hạt lạc đã bong vỏ, khàn khàn ngữ điệu trọ trẹ “đụng như thệ la sai” bao nhiêu năm xa quê chỉ phấn đấu sao cho không đổi:
– Ông làm nghệ thuật. Tôi dân khoa học. Bới đất lật cỏ thôi nhưng cũng y như cái nghề của ông, muốn bới lật ngoáy đào gì thì cũng phải có tiền. Tiền… Đèo mẹ… Tiền. Mà có tiền rót cho đề tài thì cũng phải biết thúc cùi chỏ vào mặt nhau mới đến lượt mình. Bao cấp ngắc ngoải, ông bảo mấy thằng chỉ biết học thì làm thế đéo nào mà ra kế hoạch ba với bốn. Cha tôi tuổi tác rồi lòng khà lòng khòng rồi vẫn phải vác cày ra đồng. Mạ tôi đau quanh năm. Tôi có thằng em học rất giỏi, giỏi hơn tôi nhiều đang đại học ở Hà Nội này này, ngày nào cũng bế lưng bụng cơm kí túc xá lên giảng đường. Vợ cũng giỏi, định hai đứa mà đẻ hai lần tòi ra hẳn ba. Lương như đùa nhả, không tạm thời làm ngựa người thì nuôi thế đéo nào được một đống người.
Thật khoái khi nghe chàng tiến sĩ bột văng tục. Đấy là một trong các phương tiện hành nghề mới phải có của anh bạn để có quyền bình đẳng ngồi cò đậu hàng ngày trên cái xe máy chờ khách đầu góc phố cùng các đồng nghiệp xe ôm chăng? Một sự phát triển tính cách tuyệt hảo, cho cả sân khấu, điện ảnh hay văn học. Rượu ngon. Chuyện vui. Và anh nóng lòng trở về, ngồi vào bàn, viết. Nhân vật của anh đang xuất ngôn.
Nhưng người bạn của anh không thể trở thành nhân vật của anh. Chỉ vì anh ta say. Trong cơn say, anh ta bần thần:
– Tôi không phải nửa chừng đại học bị tóm cổ vào lính như ông. Tôi cạp bánh mì nhưng không đói như ông khi đại học. Nhưng thời phổ thông của bọn miền Trung bom đạn giề giề như tôi thì khổ trăm ngàn khổ. Huề. Tính ra thế hệ mình đứa nào chẳng qua hai cuộc chiến tranh hai chế độ bao cấp với không bao cấp. Tính ra ông còn hơn tôi. Tôi không thể vì cái danh tiến sĩ ngớ ngẩn mà bỏ vợ con nheo nhóc. Vợ tôi con gái Hàng Bông, nhà mặt phố nhưng hồi hòa bình lập lại cho thuê mất bố nó nhà rồi. Anh em chả ai giúp được ai, ai cũng đang méo mặt lo giảm biên. Nghĩ thế thì không hàng ngày lò dò bò lên viện ngồi thủ dâm tinh thần, tiến sĩ dám ra đầu đường làm xe ôm như tôi thế này nói thật mới là thằng giỏi. Vợ tôi không chữ nghĩa được như vợ ông, lại chậm. Cũng may.
– ?
– May. Chỉ không biết cô ấy may hay là tôi may.
Người bạn cười khình khịch, dốc tuột cái chén quả hồng rượu vào miệng, sặc, ho, ràn rụa nước mắt. Hay là anh ta khóc thật? Anh rùng mình. Nghĩ tới bao lần mình đối ẩm với bao nhiêu đồng nghiệp đồng chí xyz. Chán chuyện lừng khừng đứng lên về nhà, lầu bầu cấm cảu với vợ với con, mửa ra rượu lại tưởng mình ở trên cao mửa được nghệ thuật xuống cho cuộc đời nhạt thèo này. Ngày đuổi nhau đi, chẳng ra tỉnh chẳng ra say, nửa đêm tỉnh hẳn rởn người thấy đời như dòng sông từng ào ạt cứ mỗi ngày qua lòng lại thu hẹp, kiệt. Và chị, u ẩn, nhẫn nhịn. Và chị, dịu dàng, tươi tỉnh. Tròn vẹn công việc, ở cơ quan, ở nhà. Anh ngỡ ngàng vì sức mạnh thăm thẳm ấy. Những người đàn bà. Không có họ vun vén cho cuộc đời được như bình thường, liệu những người làm nghệ thuật như anh có thể ngồi run rẩy nói về những điều cao cả hay loay hoay chiêm ngắm những cô đơn buồn bã buồn nôn rồi tin mình cao quý? Không! Những người đàn bà! Không có họ, ngay cả cái bi kịch áo cơm ghì ta sát đất lòng mênh mang một khoảng trời cũng chẳng có cơ thành bi kịch cho bao nhiêu thế hệ trí thức nghệ sĩ đất này nhấm nhót. Những bình thường ấy lớn hơn cả những cao cả được ca ngợi. Hay là người ta ca ngợi sự cao cả chỉ là vì muốn bằng nó đạt tới đời sống bình thường này? Trong giấc ngủ vừa trở lại, anh mơ thấy một đôi bàn tay đàn bà nõn nà xoè ra, lớn dần, thô đi và một đôi mắt sáng rỡ, đau đáu, rất khác thường ở tuổi mười sáu.
Đằng kia khoảng hành lang ngắn, sau cánh cửa, người đàn bà nồng nã tuổi bốn mươi tuyệt vọng thấy lòng mình cạn, không còn thấy ngày xưa trôi đến trong đêm dài, không còn những xôn xao vô cớ cũng như những hi vọng bâng quơ. Chỉ một ao ước mệt mỏi, rằng mình còn đủ sức giữ cho cha mẹ bình tâm, giữ cho con hồn nhiên, đủ sức bước qua từng ngày mai để thấy tương lai của con mình sáng, hơn cái tương lai của bố nó mà ngày xưa mình đã tin… đã tin… Giấc ngủ nặng nề đến trong tiếng chuột chạy lục sục trên tấm đan ngăn khoảng giếng trời với nhà tầng trên. Vào đúng lúc người đàn ông mơ về vợ thì người đàn bà cũng mơ, giấc mơ lỗ chỗ những lỗ thủng bầy chuột để lại, lấm tấm toàn những cục cứt chuột bé bé như hạt đỗ mốc mà hàng ngày ngủ dậy chị cứ phải dùng chổi vun vào xó cửa rồi hót, tránh cho những người đàn ông của chị không giẫm phải. Những người đàn ông thường vô tâm trước những điều nhỏ nhặt thế. Nhưng chồng chị chưa bao giờ là người vô tâm. Phải vì thế mà anh phải ngâm ngày tháng của anh vào rượu, để cho sức mạnh tăm tối của nó dẫn dắt anh vào một thế giới khác. Khác. Không phải là thoát.
Thoát thì chỉ có một cách duy nhất. Chết.
Cánh cửa sổ vẫn mở rộng. Ngoài hành lang chung có hai người đàn bà dừng chân lan man câu chuyện hàng ngày. Thịt cá. Rau cỏ. Hệt như ở những khu tập thể ngoài Hà Nội anh từng sống. Như thể thời gian ngừng trôi. Hay là trái đất dừng quay. Anh đứng lên, rời khỏi cái đi văng kê sát cửa. Hai người đàn bà vẫn sôi nổi trò chuyện trong lúc hững hờ nhìn qua khung cửa vào nhà anh, không ai giật mình. Anh không thể làm cho ai thấy mình được nữa. Anh chỉ còn là một luồng sáng mờ khó nhận ra trong ánh nắng chan hòa căn phòng, và khi bước vào phía bếp nơi ánh nắng dừng lại, anh thành bóng tối. Chỉ có những con chuột ngủ ngày trên tấm đan ngăn khoảng trời chung là bồn chồn. Chúng biết nhà có người.
Người đàn ông lướt trên cầu thang, dừng chân trước căn phòng chỉ mấy tháng trước anh còn ngủ, mở cửa. Vợ anh đã qua ngủ lại nơi này. Có nhiều thay đổi. Không còn vẻ bừa bộn khi anh và con còn nằm. Đồ gỗ mới sáng màu vàng ngà mềm mại.
Người đàn ông nhìn cái giường mới đóng thay cho cái giường cũ đã hóa sau khi mình mất. Không có gì ngoài tấm chăn mỏng và chiếc gối, và một cuốn sách, duy nhất cuốn sách bên cạnh là có vẻ không nghiêm ngắn, như thể tiện đọc xong rồi buông tay.
Anh ghé ngồi xuống bên này giường, ngả mình nằm nghiêng về phía có chăn gối, hít nhẹ. Cơ thể anh đã thành không trọng lượng từ ngày ra đi. Anh xoè tay, vuốt nhẹ nhàng trong không. Đường nét bờ hông, thanh mảnh khi mười sáu tuổi, đầy đặn dần lên sau mỗi lần sinh nở, và nay đã chớm đẫy đà. Bao nhiêu đêm hờ hững anh đã ve vuốt như thế trong tâm tưởng, dáng nằm nghiêng, bờ vai, triền hông.
Những ngày cuối cùng anh đã được cảm lại hơi ấm ấy, đã được nhìn lại đôi mắt u ẩn đau đáu ấy. Rất gần, rất gần, từng ngày chị cúi xuống giường bệnh anh nằm. Người đàn bà không hề biết người đàn ông đã chua xót đến thế nào. Không phải vì cuộc lên đường cuối cùng. Anh tiếc, bất lực, điên cuồng. Suốt đời được giáo dưỡng để biết chấp thuận, suốt đời bị đòi hỏi phải phấn đấu, làm theo, phải tự bóp cổ khao khát được là ta, anh chưa từng được chỉ dạy bộc lộ tình thương tình yêu của mình, trực tiếp, trực diện, theo cách bình thường nhất, trước hết là với những người thân yêu. Thế mà họ mới là thành công lớn nhất của đời anh, mà cạnh đó hào quang thành công của người nghệ sĩ anh từng đạt tới không là gì nữa. “Em như trăng trong mưa lạnh… Anh tìm về cho dịu lửa đời trai…”(1)… Lửa đời trai. Lửa. “Cầu cho con gặp được người đàn bà yêu con như mẹ đã yêu cha… ” (2)… Phút hấp hối của anh chỉ toàn những chắp nối chập chờn da diết. Sau đó là một khoảng mênh mông dịu dàng như niềm câm lặng chỉ có anh bước tới. Không bóng một ai. Anh cũng không còn bóng.
Người đàn ông nằm rất lâu trong ánh sáng dịu dàng sự yên tĩnh dịu dàng của căn phòng. Đúng lúc quay đầu định trở dậy, mắt anh bắt gặp một khoảng trống khiến anh chồm đứng phắt lên. Cái giường mới lệch một bên. Giường đôi, nhưng chỉ một phía có đóng bàn đêm. Một phía, thành giường giản dị, một đường thẳng, rạch ròi, dứt khoát. Chỗ anh vừa ngả mình không phải dành cho anh, không dành cho ai. Người đàn ông ôm lấy ngực. Rỗng.
Những con chuột đồng loạt thức, chạy lạt xạt lúc anh lướt xuống thang gác, nhìn sâu vào bóng tối phía cuối căn nhà rồi vươn ra ngoài khung cửa, níu ngọn gió chiều muộn, bay đi.
Người đàn ông trong bức ảnh trên bàn thờ bên kia bức tường nhìn theo, vẻ khinh thị mờ chìm trong mắt.
Đấy là cuộc tiễn đưa cuối cùng một linh hồn vào ngày cuối cùng hồn được phép quanh quẩn trên trần thế.
Berlin 15/5/2016
L.M.H
______________
(1), (2): thơ Đỗ Quang Nghĩa
Mình đọc mấy lần chưa hiểu hết nhưng thấy ý nghĩa triết học về thân phận con người trong xã hội hiện đại phảng phất trong đó
Lâu lâu đọc một truyện ngắn mà mình phải nghĩ ngợi nhiều. Một truyện ngắn mà một bạn đã bình là tử tế
Truyện ngắn Lê Minh Hà dù không có nhiều kịch tính nhưng là một câu chuyện kín đáo minh triết đầy xúc động
Cách viết lạnh lẽo nhưng thắt lòng.
thật lâu mới đọc được 1 truyện ngắn tử tế . Gần một đời dằn vật với chữ nghĩa , vẫn thấy lấp lánh kiêu hãnh của tàn phai .
Quả thật truyện rất khó đọc,nhưng ý nghĩa nhân sinh rất cao. Ai cũng phải một lần chia tay với trần thế và chúng ta sẽ ứng xữ với cuộc đời này như thế nào ?
Tác giả phân tích tâm lý nhân vật thật hay. Nhiều đoạn đan xen làm nỗi rõ những khắc khoải day dứt đang dằng xé trong nội tâm nhân vật và cũng là nội tâm tác giả.
Thế giới nội tâm hòa lẫn vào thế giới hư ảo và cất lên tiếng nói,tiếng nói của con người trước cuộc sống trước cái chết và trước những tham vọng đi tìm ý nghĩa của cuộc đời này. Một truyện ngắn hay
Mình thích đọc truyện của nhà văn Lê Minh Hà. Những câu chuyện của Hà luôn sâu sắc mà buồn xa xăm. Phảng phất trong đó là một cái nhìn rất tỉnh mà đớn đau về kiếp nhân sinh.
Viết hay quá. Đề tài lạ, mới mẽ.
LINH HỒN độc thoại cuối cùng…Ngày chuẩn bị giờ lên đường vĩnh viễn!Ánh sáng dịu dàng yên tĩnh…”Đôi mắt u uẩn”bịnh tình một mình…Lửa và Mưa trong Trăng Lạnh…Lửa thời trai dịu trong anh nhẹ buồn…Về ngắm -nghe-thấy Căn Phòng…Giường ngủ đôi -bất lực điên cuồng bởi BÓNG!”TỦ LẠNH đầy thức ăn trong…Chuột chạy hành lang TIẾNG ĐỘNG xung quanh…BỨC ẢNH trên TƯỜNG thật Thảm!ĐÔI MẮT ấy Ôi DÂNG TRÀN lưu luyến…[Nhẹ nhõm NÓI ra được TIẾNG…VĂN CHƯỢNG thật tuyệt…. Sầu miên mộng dài..?]