,
Bài viết: HỒ SĨ DUY
Cùng với tinh thần cảnh giác ấy, cùng với nỗi lo toan ấy, trong sự thầm lặng với “những bữa ăn âm thầm dưới hầm”, “ngoài vườn”, hoặc “trong bụi cây ”, đã trở thành thói quen làm việc trong đêm của con người thời kháng chiến. Trong sự thầm lặng đó, Tưởng có những kỷ niệm với Quyên, nhất là lúc con trăng bắt đầu hiện: “Dưới ánh trăng, trong sự yên lặng của cây, lá, hoa cỏ chung quanh, cả hai đã thấy gần nhau như cành với lá. Tưởng đến ngồi trên chiếc cầu tre bắc ra giữa dòng sông trông xuống bến nước xao xuyến ánh trăng, Quyên đang giúp bà Bốn rửa chén bát…” (trang 27).
Và một cảnh thật lãng mạn và đầy thơ mộng lại hiện ra:
– Trăng đẹp không anh Tưởng?
Nàng bắt đầu có những câu nói thật tươi mát của tuổi thơ, trở về với sự bình yên bên Tưởng. Rời bến nước trắng bạc ánh trăng phẳng lặng như dát lớp bạc mỏng, Quyên đến gần Tưởng, kéo một cành tre sà xuống trước mặt. Bóng đêm in đậm nét trên dòng nước, dáng Quyên và cành tre trông y như một bức tranh tàu. (Trang 28 sđd) Ở đây ta thấy thấp thoáng những hình ảnh lãng mạn, tình tứ của đôi tình nhân mang tính tiểu tư sản của một thời trong tiểu thuyết tự lực văn đoàn. Mang Viên Long, đã có lúc làm cho người đọc không khỏi không liên tưởng đến khung cảnh và nhân vật tiểu thuyết của Nhất Linh trong “Đôi Ban”, “Bước trắng”, hoặc của Thạch Lam trong “Gió đầu mùa”, “Nắng trong vườn”… Mặc dù bối cảnh tình yêu của Tưởng và Quyên được đặt trong khung cảnh của thời kháng chiến chống Pháp tại quê hương Bình Định, nhưng không gian tình yêu của họ lại là một không gian cực kỳ lãng mạn, một không gian trong lành êm ả của đôi tình nhân Quyên Tưởng như vượt thoát hẳn cái không khí chiến tranh vẫn đục, u ám và nặng nề của quê hương thuở ấy: “Tưởng nhớ những kỷ niệm thời còn nhỏ. Thật xưa và thật đẹp. Như chiếc lọ cắm hoa cổ, có hoa đẹp như có tiếng cười.” Với Tưởng, tiếng cười là tuyệt diệu nhất, vì nó có thể xoa diệu và giải quyết được tất cả. Tiếng cười của Quyên đã đưa Tưởng trở về kỷ niệm đầu tiên Tưởng gặp nàng, dẫn nàng lên gò bẩy én. Chính tiếng cười và những con chim én đã buộc chặt cả những gặp gỡ sau này của hai người. (Trang 28 sđd). Và từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” (1) đã đưa họ đến một khung cảnh bên nhau thật tuyệt với trên một thảm cỏ xanh. “Bãi cỏ có màu xanh đậm, đều. Cảm giác truyền từ gót chân, vẻ tươi mát của thảm cỏ sạch, dày, được quạt bằng hơi gió, khiến Tưởng thèm nằm. Đi từ đầu bãi đến cuối bãi, Tưởng trở lại chỗ Quyên ngồi, thả người nằm xuống và bắt đầu nhận ra mùi hoa lý của khu vườn bỏ hoang của gia đình người dượng, quyện dìu dặt trong gió. Gió vẫn thổi miệt mài trên bãi cỏ… Tưởng nhìn lên những cụm mây trắng xóa, trắng đục, bồng bềnh trên nền trời xanh… ” (trang 28-29 sđd).
Với bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, với thảm cỏ mịn màng, với người yêu bên cạnh, tình yêu giữa Tưởng và Quyên, tưởng chừng như đang thoát ly thực tại, một thực tại không phải là những nụ hôn, hoặc cái nhìn âu yếm của đôi tình nhân, nhưng họ muốn thoát ly cái thực tại, của thực tại ấy, để cho tình yêu thăng hoa vào một thế giới thần tiên mộng mơ miên viễn nào đó…
Tuy nhiên, lại một thực tại trước mắt đã níu kéo họ về trong cái nhìn đau khổ của cuộc đời: “Cảnh tượng hiện ra trước mắt, đơn giản và ghê rợn”. Cái cảnh “ông Hương Nhâm đang quì trên tảng đá ong” với thân hình “già sọm gầy gò”, “chao đi chực ngã”. Cái cảnh của “người con trai nằm dài, úp mặt xuống đất bên người vợ cũng bị trói và hai đứa con”. Cái cảnh “Ông Năm Lé cầm roi nhịp nhịp” điều khiển toán nông dân lục lạo… Rồi tiếng ông Nam Lé quát tháo… Rồi tiếng khóc sụt sùi, “tiếng khóc đã quá khan” của ông Hương Nhâm, trộn lẫn tiếng ồn của đám người chung quanh… Tiếp đến là hình ảnh của ông Hương Nhâm: “Chợt lảo đảo, ngã lăn xuống khỏi tảng đá ong, nằm có quắp…” tiếng người con dâu thét lên, tiếng ngọn roi của Năm Lé quất xuống, tiếng ông Hương khóc khàn hẳn…”
Bỗng một tiếng kêu thương tâm, từ đám đông bên ngoài:
“Trời ơi! Tội nghiệp!” Rồi tiếp theo là mệnh lệnh của Năm Lé vang lên: “Ai nói tội nghiệp đó? Anh em ra bắt đem vô xử tội mau, lẹ lên!”… (trang 30 – 31 sđd).
Có thể nói từ đầu đến cuối câu truyện “Một thời…” Mang Viên Long đã dẫn dắt người đọc vào một tình yêu thật đẹp giữa Quyên và Tưởng, mà ông gọi là “Một thời để yêu”, nhưng tình yêu ấy đã trải qua một chặng hành trình dài, nối tiếp giữa những tương phản của tối và sáng, giữa thực và mộng, giữa hạnh phúc và đau thương, giữa êm đềm lãng mạn và kể cả giữa những xót xa ray rứt của thân phận nhân vật trong truyện. Hình ảnh đấu tố ông Hương Nhâm ở xóm Thạch Tĩnh, chính nơi quê hương của tác giả, là một hình ảnh có thật, không một chút hư cấu. Và đó cũng là một cảnh tượng “ghê rợn” hiện ra trước mắt như một màng đen hãi hùng làm xóa đi vầng sáng của một tình yêu lãng mạn giữa Quyên và Tưởng. Tình yêu của họ đã đi vào dang dở, chia xa, khi Tưởng ra đi tập kết miền Bắc, bỏ lại Quyên nơi quê hương cũ đầy ngổn ngang và đổ vỡ… Khi mà hình ảnh của bà Bốn, người u già đảm đang, trung hậu và nghĩa tình với gia đình Tưởng, một chứng nhân trước bao hoàn cảnh đổi thay của gia đình và thời cuộc, một nguồn an ủi cho cuộc đời của Tưởng và Quyên cũng đã không còn nữa! Cuộc sống đạm bạc, giản đơn với những bữa cơm“Bốn cái chén, bốn đôi đũa, một đĩa rau dền, một tô mắm cua, một nồi canh rau má, một rổ khoai mì, một xoong cơm ghé bắp…” Cuộc sống như thế, tưởng chừng như đã yên phận cho Quyên khi nàng không muốn biết thêm bất cứ một điều gì nữa, vì nó sẽ làm cho nàng lo lắng, khổ tâm. Những ước muốn ấy cũng bỗng dưng tan biến trong tiếng kêu thương: “Trời ơi tội nghiệp!” … Tội nghiệp không chỉ cho một thân hình “già sọm”, gầy gò, chao đi, chao lại khi đang bì quì trên tẳng đá ong rồi chợt chao đảo, ngã lăn, “nằm co quắp”… mà “tội nghiệp” còn là tiếng kêu cho số phận tình yêu dang dở của Quyên và Tưởng!
“Một thời để yêu… ” giữa Quyên và Tưởng nếu càng đẹp bao nhiêu, thì“Một thời để nhớ… ” giữa họ cũng không kém xót xa đau đớn. Và Tưởng đã ra đi, và Quyên vẫn sống trong cảnh cô đơn, lạnh lùng: “Tất cả như còn phảng phất những vui buồn từ một dĩ vãng mười mấy năm trở lại. Mười mấy năm xa Tưởng, xa bà Bốn, xa ngôi nhà của mẹ, xa ngôi nhà cổ của Tưởng, xa cái chòi”.(trang 32 sđd) Mang Viên Long rõ ràng đã nêu lên một bức tranh hiện thực, hiện thực từ nội tâm cho đến ngoại cảnh của con người của một thời… Nhưng ta vẫn thấy tác giả không hề phê phán hiện thực ấy bao giờ!
Rời xa “Một thời để yêu và một thời tưởng nhớ” người đọc còn theo bước chân của Mang Viên Long để đi vào những mảnh đời hẩm hiu và những tình yêu dang dở cả trong thời chống Mỹ và thời hậu chiến, bao cấp. Những mảnh đời, những tình yêu ở đây cũng lắm đau thương, lắm dập vùi cho số phận con người trước thời cuộc và trong khúc ngoặt của lịch sử dân tộc, có nhiều ngậm ngùi xót xa, có nhiều dở dang bất trắc…
Đó là những cuộc đời tình ái của Viên và Mộng, trong “Dáng Mộng”, của Toàn và Thược trong “Nếu Có Một Ngày Nào”, của Khang và Kim Khánh trong “Căn Lều Của Người Anh Họ ”, của Thương và Luân trong “Chim Bay Về Đâu”, của Khánh và Kha trong “Một Thời Để Thương Yêu”, và cả Thảo và Tuyên trong “Chị Sáu Cô Đơn”… Tất cả những nhân vật trong các truyện ngắn kể trên, đều đã tạo nên những khuôn mặt trong phạm trù của tình yêu dang dở.“Dáng Mông”, một truyện ngắn nói về tình yêu của Viên và Mộng: thầy giáo hiền lành, dạy học ở một quận hẻo lánh, “Cái quận được bao bọc bởi núi, tách xa quốc lộ, con đường độc nhất đến đó phải qua đèo Thị lởm chởm những lỗ mìn được đào gỡ lên cho mỗi buổi sáng xe cộ di chuyển” (trang 69 sđd). Nơi đó, chiến tranh, chết chóc và gian nguy luôn luôn rình rập cho số phận con người. Nơi đó, về đêm cũng thường xảy ra những vụ bắt cóc, khủng bố… làm đe dọa đến tính mệnh con người. Đêm đêm, Viên cũng như một số người ở trong vùng “xôi đậu”, mất an ninh ấy thường đi ngủ nhờ vào các nhà quen ở khu vực khác, nơi gần quận, gần chi khu quân sự, nên tương đối có an ninh hơn. Tuy vậy, vẫn hằng đêm xảy ra đụng độ giữa lực lượng bên này và bên kia. Súng nổ, hỏa châu, pháo kích, ám sát, bom mìn, lựu đạn. Viên yêu Mộng, cô y tá nhân hậu, đẹp thùy mị, dịu dàng. Mối tình Viên Mộng, đẹp, chưa đi vào hôn nhân. Rồi một hôm, Mộng đưa Viên về nhà mình ở quê để ăn giỗ. Ăn cổ xong, Mộng theo người chị ra đám bắp, bẻ bắp tươi về nướng đãi Viên. Khi“Mộng vừa cột những trái bắp chọn được thành chùm, bước tới một bước thì có tiếng nổ. Tiếng nổ ngay dưới bàn chân Mộng. Rồi tiếng người chị mất hồn, réo gọi thất thanh…” Rồi tiếng thằng nhỏ giữ bò chạy đưa tin.
– Bác Hai ơi, bác Hai… Chị Mộng bị mắc mìn, mắc mìn nổ chết ngoài soi bắp.” (trang 90 – 91 sđd )
Thế là kết liễu cuộc đời mộng và cuộc tình Viên – Mộng bị dở dang.
Câu chuyện tình Viên Mộng được đặt trong bối cảnh của thời chiến, một thời chiến ác liệt đã diễn ra ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn cao điểm từ 1968 đến 1975. Sau biến cố năm 1968, quê hương miền Nam Việt Nam đã bị xé nát ra thành từng mảnh. Một cuộc chiến tranh không còn phân biệt giới hạn của chiến tuyến, chiến tranh đã len lỏi khắp mọi nơi, nhất là những vùng nông thôn thường biến thành những vùng “xôi đậu”, những vùng “da beo”, những vùng là ban ngày thuộc nên ni, ban đêm thuộc bên kia… Người dân luôn sống trong tình trạng bất an, trận chiến thường xảy ra bất cứ lúc nào. Những mìn, lựu đạn, mã tấu, lưỡi lê, pháo kích, tấn công… cùng với những thiết quân luật, giờ giới nghiêm, hỏa châu, kiểng báo động… đã là những hiện tượng đau thương “xảy ra như cơm bữa ” trong cuộc sống người dân. Nhưng rồi trong cuộc sống ấy, tình yêu vẫn nảy nở, vẫn xuyên suốt mọi hoàn cảnh, mọi mảnh đời tan thương để tồn tại trong mọi nơi, mọi lúc, theo nhịp đập của trái tim và hơi thở của con người. Tình yêu là đề tài muôn thuở của tiểu thuyết và thi ca và kể cả lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung. Nó cũng chính là bản chất cuộc sống của muôn người, muôn vật. Tình yêu, còn là một động lực uyên nguyên, xô đẩy bản thể tĩnh lặng để con người tìm đến với nhau như “chim liền cánh, cây liền cành” như một khát vọng truyền kiếp của con người, thông qua nguyện ước của người chinh phụ trong chính phụ ngâm:
“Thiếp xin nguyện kiếp sau này
Như chim liền cánh, như cây liền cành”
Còn ở Tây phương, Musset, nhà thơ lãng mạn của Pháp vào thế kỷ 19, cũng đã cho rằng:
“La Vieestun Sommeil, l/amouren est le rêve
Et vous auref vécu, si vous avef aimé.”
(Cuộc đời là một giấc ngủ, tình yêu là mộng trên gối,
Và bạn chỉ sống, nếu bạn đã từng yêu)
Và chính vì “Et vous auref vécu, si vous avef aimé” (Bạn chỉ sống, nếu bạn đã yêu) nên tình yêu đã trở thành thiết thân cho cuộc sống. Do vậy, những khuôn mặt tình yêu trong tác phẩm của Mang Viên Long được viền đậm trong nét sống thực của cuộc đời, đã được xuất thân từ hoàn cảnh chiến trang tang tóc của bom mìn, súng đạn, dây thép gai, của những đêm pháo kích, bắt cóc, ám sát, tấn công, hỏa châu rực sáng, máy bay rình rập, những đêm trong xóm làng mất an ninh, sự chết chóc luôn rình rập, đe dọa con người. Tình yêu giữa Viên và Mộng, trong “Dáng Mộng” là một tình yêu sống thực trong chiến tranh. Trong chiến tranh, thầy giáo Viên đi dạy ở một vùng huyện hẻo lánh, đã phải sống “xùng xình” để tìm chút an thân, nhưng vẫn không an thân được vì phải đối diện với súng nổ, pháo kích qua những cuộc đụng độ từng đêm giữa bên này và bên kia. Còn ban ngày thì xảy ra những cảnh mìn nổ trên quốc lộ làm tan xác xe đò, mìn nổ trên đường sắt làm lật đổ đoàn tàu, làm vỡ đầu máy, làm chết lái tàu… và mìn còn nổ ngay trong đám bắp làm tan xác Mộng, một cô y tá hiền lành vô tội, là người vợ sắp cưới của thầy giáo Viên. Câu chuyện tình giữa Viên và Mộng có đẹp chăng là ở chỗ bi thảm. Bi thảm như cái chết của Mộng, bi thảm như cuộc đời “xùng xình” của thầy giáo Viên, sống lẻ loi như con ngựa lạc bầy, như con chim lạc hướng. Ông đang sống mà không tự thấy mình được sống. Và cũng bi thảm như cảnh sống của người dân trong các xóm làng “chỉ còn lại người già và trẻ con”, vì lớp thanh niên đã bị lôi vào cuộc chiến để cầm súng cho bên này hoặc bên kia… “Xóm vắng bóng đàn ông, chỉ thấy toàn bà già, con nít. Sự sống vì thế cũng chậm chạp, già nua như những bà già ngồi trước hiên xoáy trầu – xóm làng vì thế cũng uể oải, buồn tênh.” (Dáng Mộng, trang 86)
(Còn tiếp)
HỒ SĨ DUY
Năm mới em kính chúc anh và gia đình thân tâm thường an lạc. Kính
Kính chúc anh một năm mới ngập tràn niềm vui ( tình yêu đôi lứa và tình yêu văn chương nghen anh )
Về anh Mang Viên long chỉ có thể nói ngắn gọn như thế này – Một cây bút sống bình dị,đàng hoàng
Cầu mong một năm mới sức khỏe và may mắn đến với nhà văn Mang Viên Long và gia đình.
Chào Dat Nguyen! Rất vui nhận được lời chúc lành của Bạn! Gởi lại Bạn & Gđ lời chúc An Lành!
Kính chúc chú năm mới an lạc và nhiều may mắn
Chào Cháu!Cảm ơn nhiều nhé! Chúc Cháu vui vẻ!
Kính chúc anh một năm mới 2016 thân tâm thường an lạc.
Thăm Nguyen Trọng Thi! Cảm ơn nhé! Cầu chúc An Vui năm mới!
Kính chúc cây bút của “Những mảnh đời hẩm hiu” không bao giờ hẩm hiu.
Chào Nguyễn Văn Minh! Được vạy thì vui quá! Cảm ơn & Chúc lành!
Đọc hiểu thêm những góc khuất trong tâm hồn nhà văn Mang Viên Long.
Chào Dâu Tây! Bạn ở Dalat sao? Cảm ơn Bạn đã đọc & chia sẻ! Chúc Năm Mới An Vui nhé!
Có những đoạn văn trích dẫn thật hay.
Chào Khungcuahep! Cảm ơn E đã đồng cảm! Chúc an vui & Hp!
Xung quanh cuộc chiến vẫn bùng nổ…Tình yêu hiện ra trong đợi chờ Trong khắc khoải đầy nỗi âu lo Trong ao ước tình đẹp như mơ Trong tâm tưởng Tác giả Muốn-Được-Có Hạnh phúc đơn giản Sống Tự do Sồng hòa bình để được điều Có”Biến giấc mơ trở thành hiện thực” Nhưng đời đâu đơn giản cho nên”Văn MVL những nhân vật bất hạnh! Không như ý trong chuyện tình cảm Những tình tiết éo le nghịch cảnh!Tâm tư bức bối đầy tâm trạng Thể hiện bằng dòng nghĩ suy âm thầm Không lên án trách than xung quanh..”Bởi với Tg ”Đời Vốn vậy!”-Liền kề với Người”Số Rủi-May”Và thân phận hẩm hiu cho thấy”Người ta sống dù rất khổ đau Vẫn ấp ủ thèm khát ước ao Đó TÌNH CẢM Sống để Yêu nhau…?
Thăm aitrinhngoctran! Cảm ơn E đã “chịu khó” đọc bài viết..khá dàu của HSD.& chia sẻ! Chúc E an vui!
Tác giả Hồ Sĩ Duy thật kỳ công.
Chào T&T! Anh HSD là người BĐ – từng dạy ở CĐ & bạn của NMG! A ấy đọc “Tuyển tập Truyện Ngắn” của tôi đến 3 lần (dày gần 500 trang) & viết gần 40 trang A4 (viết tay) trong lúc bệnh tim khá nặng! Tôi rất cảm kích…Thật là 1 tấm chân tình với Văn Chương hiếm có nhỉ>
Hình như bài này đến cả mấy kì ?
Chào Duy Hải! Bài dài gần 40 trang A4 – nếu post cũng gần 5 kỳ! (trọn bài xin mời đọc mangvienlong.vnweblogs.com hay huowngquenha.com)