Nguyễn Đức Tịnh Trí
Nghe đến cái tên xóm Cầu Muối là người ta nghĩ ngay đến cái nghèo, từ nghèo sơ sơ cho tới nghèo dữ dội, nghèo dai dẳng, gia truyền, từ đời cha xuống đời con qua đời cháu. Và trong cái xóm nghèo đó, nếu được hỏi chắc cả xóm sẽ nhứt trí nhường cho má con bà Phú lãnh giải nhứt. Nhà bà Phú nghèo rớt mồng tơi, nghèo không biên giới. Nói nào ngay, cũng mới suy sụp gần đây thôi. Mấy năm về trước, gia đình bà Phú cũng như bà con lối xóm, nghèo bình thường. Hai vợ chồng làm quần quật từ sáng tới tối mịt thì vừa đủ ăn, đủ mặc, con Chi cũng được quần áo lành lặn cắp sách tới trường. Trời khiến con người ta mất cái nầy thì đặng cái nọ, con Chi học hành sáng dạ, lại biết lễ biết nghĩa, biết thương ba má nên họ có một gia đình êm ấm được lòng bà con lối xóm. Con Chi sáng đi học, chiều về phụ má bán hàng ngoài chợ, cuối tuần theo ba đi chùa. Ông Phú khi thì cùng với Tiến, con bà Năm ở cuối xóm, chăm lo mấy luống rau cải, mấy dây khoai lang, giàn bầu bí trên khoảng đất trống sau chùa, khi thì sửa cái mái nhà, dãy hàng rào, trong lúc Chi phụ nấu ăn, giặt áo quần hay tắm rửa cho mấy đứa nhỏ mồ côi chùa nuôi.
Nếu ngày nào như ngày nấy, tuần nào cũng như tuần nấy đều đặn trôi qua như vậy thì gia đình bà Phú đã giống như một gia đình bình thường trong xóm, và bà Phú chắc cũng đã không có ao ước nào cao xa hơn.
Chuyện bắt đầu từ khi ông Phú bịnh.
Hồi trẻ ở dưới quê, hai người thương nhau vì ổng dễ chịu lại vui tánh. Bà Phú thương nhất là ổng hiền, hiếu thảo với cha mẹ, còn cái chuyện nhà ổng nghèo, hình như bà Phú không bao giờ nghĩ đến. Mỗi lần có dịp đi ngang qua nhà ổng, mà nếu ai để ý sẽ thấy ngày nào bà Phú cũng phải có chuyện để đi ngang, bả thường liếc vô, mong thấy ổng, để rồi mắc cỡ đỏ mặt, chân bước mau hơn mà lòng thì muốn chậm lại. Mối tình tưởng đã hiền lành êm đềm như con sông nhỏ chảy qua làng, từ từ gặp nhiều trắc trở sóng gió. Chuyện bà Phú không nghĩ đến lại là chuyện quan trọng nhất. Nhà bà Phú khá giả, bà Phú được ăn học. Đối với làng quê thời đó bà đã có thể được gọi là con nhà danh giá. Bà lại còn có một khuôn mặt phúc hậu mà người dễ tánh sẽ cho là đẹp. Đã có hai ba gia đình môn đăng hộ đối ngắm nghé. Công dung ngôn hạnh như bà Phú thì ai mà không vừa lòng. Vừa lòng nhứt hơn hết phải kể chính là ông bà bá hộ, ba má bà Phú. Ông bà đánh giá cao con gái mình nên hân hoan ra mặt, chờ coi rể của mình sẽ tới cỡ nào cho xứng. Trong trí tưởng tượng của cả hai ông bà đã không bao giờ có hình ảnh rể như ông Phú. Khi biết được lòng dạ của con gái, ông bà giận lắm. Cô con gái rượu của ông bà đã làm ông bà mất mặt với bà con dòng họ. Mất mặt lắm. Thất vọng lắm.
Ba má ông Phú cũng không chấp nhận. Ông bà giận vì bị chạm tự ái. Ông bà đâu muốn con trai mình lấy con gái nhà giàu làm chi để bị nhà gái mỉa mai khinh thường.
Không chịu được cảnh trên đe dưới búa vì cha mẹ đôi bên coi thể diện của mình nặng hơn hạnh phúc của con cái, ông bà Phú đành bỏ quê lên tỉnh, tấp vô xóm Cầu Muối. Mới đó đã gần hai mươi năm.
Hồi nhỏ Bà Phú có người bạn học cùng lớp tên Thu, về sau theo ba má dọn lên tỉnh mở tiệm buôn bán. Bây giờ gặp lại, chẳng những Thu giàu mà còn là người có địa vị, được trọng vọng vì lấy chồng là bác sĩ giỏi. Tuy trong lòng vẫn còn quí mến nhưng hai bà ít gặp nhau. Giai cấp xã hội, khoảng cách giàu nghèo đã là bức tường vô hình ngăn cách họ. Bà Thu thương bạn nhưng biết bà Phú mặc cảm nên đã tế nhị, chỉ dè dặt giúp bạn mình một cách kín đáo. Bà Phú biết chớ sao lại không biết. Hai người chỉ gặp nhau ở chùa, ở đó họ dễ tự nhiên vì tới chùa ai cũng như ai. Trời xui đất khiến sao Chánh, con bà Thu lại học cùng lớp với con Chi, hai đứa thay nhau đứng nhứt nhì trong lớp khiến bà Thu vừa ý lắm.
Mỗi khi nghĩ đến sự giàu có của bạn, bà Phú thoáng buồn. Bà tự an ủi, hạnh phúc không cần thiết là ở những ngôi nhà sang trọng, ăn ngon mặc đẹp. Tự mình thấy đủ là đủ. Tuy nghèo, nhưng vợ chồng bà thương yêu nhau, bà có một mái ấm gia đình, có một bờ vai để dựa vào, một người bạn đời chung thủy. Cuộc đời của bà như vậy đủ cho bà mãn nguyện rồi, bởi bà biết, ông trời công bằng khi xếp đặt, được cái này phải mất cái nọ. Nhiều bà hãnh diện tới tự kiêu vì chồng giàu, làm lớn. Biết đâu các bà ấy đã phải ngậm ngùi chấp nhận chồng thường xuyên đi họp rất khuya, đôi khi về nhà thoang thoảng mùi nước hoa phụ nữ, say be bét. Nhẹ hơn thì tính gia trưởng, hết lễ này đến nghĩa nọ, muốn làm đẹp mặc với bà con nhà mình mà quên bà con bên vợ, và quên luôn khả năng kinh tế gia đình có hạng. Bà Phú hãnh diện ngầm vì ông Phú không như vậy.
Rất hiếm khi ông Phú bộc lộ tình cảm nên bà Phú nhớ hoài một bữa kỷ niệm ngày cưới, ổng dúi vô tay bả cái thơ ngắn ngủn “Hồi đó mình thương nhau bằng tình yêu, bây giờ thêm tình nghĩa. Tình yêu có thể đến rồi đi mau, còn tình nghĩa là những gì mình chia sẻ suốt bao nhiêu năm qua, như rễ cây đã ăn sâu vào đất, càng ăn sâu thì càng bám chặt. Tôi cám ơn bà lắm”. Mỗi lần đọc bà cười tủm tỉm, nghĩ không biết ổng cọp dê câu này ở đâu, chắc lúc viết ổng xỉn….
Bà Phú hài lòng với cuộc sống của mình. Ngay cả con Chi, nếu sau này nếu nó có chồng nghèo mà được hạnh phúc như bà, bà cũng mừng.
Cho đến ngày ông Phú ngã bịnh. Đồ đạc trong nhà từ từ không cánh mà bay. Cái tủ thờ, cái TV, cái radô, ngay cả cái xe đạp cà rịch cà tang cũng phải bán. Mọi chi tiêu trong nhà đổ lên vai bà Phú. Bà chạy ngược chạy xuôi, nhưng tiền vô thì ít, tiền ra thì nhiều, nợ nần như Chúa Chổm, tiền lời còn không có trả nói chi tiền vốn. Lúc kiệt quệ, không còn tiền thuốc men chữa trị cho ông Phú, bà mới thật sự thấm thía sự cay đắng của kiếp nghèo.
Sa cơ mới biết bạn hiền. Không có bà Thu, có lẽ ông Phú ra đi còn sớm hơn. Có lần bà Phú nắm tay bà Thu mà rơi nước mắt: Ơn của Thu chắc phải đợi kiếp sau chớ kiếp này lấy gì mà trả.
Bà Thu làm thinh.
Làm sao quên được ngày cuối cùng của ông Phú. Hôm đó trời mưa như trút, cái nón lá không đủ che những giọt mưa như bắn vào mặt, bà Phú vừa lau mặt vừa nói tui đi, chiều con Chi đem phở về cho ông. Miệng nói nhưng lòng bà tê tái. Trời mưa buôn bán ế ẩm kiểu nầy, tiền đâu đào cho ra. Không biết sao những giọt nước mưa lại mặn mặn. Bà nghe tiếng ông Phú vọng theo, yếu ớt, gần như chìm trong tiếng mưa, cảm ơn bà. Bà Phú rảo bước như bỏ chạy. Lòng bà ngập tràn chua xót đã không có khả năng lo cho ông thì làm sao nhận được lời cám ơn này. Trời mưa lớn lắm, mặt bà đầm đìa nước mắt lẫn nước mưa. Cám ơn bà đã là câu cuối cùng ông nói với bà, đã đi theo ray rứt bà mãi. Ông Phú cám ơn bà Phú đã theo ông hết cuộc đời mà bà lại bỏ chạy. Bà ân hận đã không nghĩ bán bữa đó để ở bên ông giờ phút cuối. Ra đi là hết, chỉ tội người ở lại mới còn đau, còn khổ. Từ nay sẽ chẳng còn ai nói những câu khôi hài dễ thương chọc bà phải cười những lúc bà đổ quạu, không còn ai cho bà chờ đi làm về để khoe bảng điểm con Chi, không còn ai lo lắng cho bà mỗi khi bà đau lưng, nhức đầu.
Bà Phú quả quyết với lòng không hối hận đã theo ông. Bà chắc chắc rằng nếu thời gian có quay ngược, bà vẫn đi lại con đường đã đi. Không đắn đo, không ân hận.
Đó là cho bản thân bà, con của bà là chuyện khác. Là má, bà thấu hiểu tâm lý của con gái mình hơn ai hết. Bà biết Chi đang từ từ bước vào con đường bà đã đi qua. Nó thương thằng Tiến, cũng giống như bà hồi đó thương ông Phú. Bà cũng mến thằng Tiến. Tánh tình nó đứng đắn, chịu khó, chịu cực siêng năng làm lụng. Ban đầu, khi ông Phú còn ở bên cạnh bà, bà không có gì để phản đối tình cảm của hai đứa. Má Tiến cũng nghèo, đồng cảnh ngộ với mình, bà đã bằng lòng như vậy. Nhưng giờ, sự cay đắng của kiếp nghèo đã làm lòng bà thay đổi. Bà không muốn con bà phải chịu khổ như bà, bà không muốn cháu bà lớn lên từ xóm Cầu Muối.
Hồi xưa bà quyết chọn ông Phú, dù phải trả bất cứ giá nào. Bây giờ bà nhứt định cản con Chi, dù có trả bất cứ giá nào!
oOo
Thường thường đàn ông con trai phải có ít nhất một trong ba điều kiện để gây thiện cảm với phái nữ. Đẹp trai, con nhà giàu, hoc giỏi. Điều thứ ba làm con Chi để ý đến Tiến. Số là Chi biết Tiến đã lâu rồi, biết mặt vậy thôi, chứ Tiến hơn Chi ba bốn tuổi nên Chi chưa bao giờ nói chuyện. Trong chùa không khí trang nghiêm, việc ai nấy làm, đâu ai rãnh để mà nghĩ vu vơ, vớ vẫn. Ngồi làm thức ăn trong bếp, không nhớ bà nào nhìn ra sân thấy mấy ông đang làm việc chợt nói tội nghiệp thằng Tiến, đậu vô đại học rồi đó chớ, mà nhà nghèo không có tiền đi học. Vậy thôi, câu nói như gió thoảng mây bay, ai nói đó quên đó, chớ Chi thì nhớ, tự nhiên có thiện cảm, bắt đầu để ý đến Tiến. Chi muốn làm quen, coi Tiến như một người anh học giỏi. Trong lớp có gì bí, về nhà có sư phụ, còn gì hơn.
Nhìn bên ngoài Tiến có vẽ khô khan, khắc khổ, nhưng nói chuyện với Tiến, Chi khám phá ra Tiến là người sống nội tâm, nhiều tình cảm, có cái nhìn bao dung về cuộc sống, về con người. Nhiều khi Chi lấy làm ngạc nhiên vì Tiến hơn Chi chỉ vài ba tuổi mà có kinh nghiệm sâu sắc hơn Chi nhiều lắm trong chuyện sống sao cho phải đạo làm người. Có thể nói trước vì tài, sau vì đức Chi càng ngày càng thấy gần Tiến hơn.
Lần lần rồi Chi cứ chờ tới cuối tuần. Mà cũng ngộ, nhiều khi không có bài gì để hỏi, Chi cũng trông riết tới chủ nhật, phải chi đừng có thứ sáu, thứ bảy. Một lần, chỉ vì mấy miếng cơm cháy mà Chi phát hiện ra tình cảm mình dành cho Tiến khác thường. Nấu cơm cho nhiều người ăn thì tránh sao khỏi có cơm cháy. Đừng có coi thường, đây mới thật sự là cao lương mỹ vị, sâu sắc tận đáy nồi. Đang đói bụng mà có một miếng cơm cháy rưới lên chút dầu chiên đậu hủ, chút chao, chút ớt, lủm vô miệng, cơm cháy giòn, chao béo béo, ớt cay xé lưởi, ngon không thua gì đi ăn nhà hàng đâu. Chi thường để dành cho Tiến mấy miếng cơm cháy. Bữa đó nhìn Tiến ăn, tự nhiên Chi đỏ mặt vì một ý nghĩ chợt thoáng qua, phải mà được nấu cơm cho Tiến suốt đời… Tim của Chi đập mạnh khiến Chi tự hỏi, vầy có phải là yêu hay không? Xưa nay có yêu ai bao giờ đâu mà biết!
Quen nhau cũng được lâu, Chi mới dám hỏi không học đại học anh có buồn không? Hình như bị chạm vết thương lòng, Tiến làm thinh lâu lắm rồi mới nói nửa thiệt nửa chơi: “Chắc đây là duyên số, nhờ không học đại học anh mới được gặp Chi. Có buồn cũng không có tiền đi học, buồn làm gì. Ai cũng có lúc bị gặp chuyện không như ý mà. Phải chấp nhận, mới sống vui được em ơi”.
Nhờ câu này mà về sau Chi có một gia đình hạnh phúc.
Tiến làm việc nhiều. Ban ngày đi làm ở nhà máy tối tối phụ ông Bảy đạp xích lô, cuối tuần còn dạy kèm toán lý hóa cho mấy người em trai của cô bạn học cùng lớp là Huyền Trân. Gia đình Huyền Trân quý Tiến lắm. Mà hình như từ bà con lối xóm cho đến mọi người lớn nhỏ trong chùa, ai cũng có thiện cảm với Tiến, nhất là ông bà Phú nên Chi an tâm đã chọn đúng người.
Thương nhiều thì lo nhiều, có lần Chi nhỏ nhẹ góp ý, năn nỉ Tiến phải giữ gìn sức khỏe, bớt làm việc đi! Tiến nghiêm giọng trả lời:
– Anh phải kiếm tiền để dành cưới vợ
Chi vừa mừng vừa ngượng:
– Có ai thương anh chưa mà anh đòi cưới?
– Anh nghe nói mấy bà má xóm Cầu Muối khó tính lắm, hể anh nào thương con gái người ta là họ đòi cưới liền. Anh có thương một cô ở xóm Cầu Muối, vừa đẹp, vừa hiền mà học giỏi nữa. Anh thấy ba má cổ chịu anh rồi đó, còn cổ có chịu không thì cổ chưa nói.
Chi mắc cỡ bỏ đi một nước.
Thời gian gần đây Chi cảm thấy Tiến có cái gì là lạ. Vẽ mặt Tiến đăm chiêu, suy tư và ánh mắt buồn sâu thăm thẳm. Đôi khi bắt gặp đôi mắt Tiến trộm nhìn Chi như muốn nói điều gì. Chi hơi lo lo, sợ sợ.
Rồi cả tuần nay không thấy Tiến đâu, cuối tuần cũng không đến chùa.
Rán làm cho hết việc, Chi tới nhà Tiến. Nhìn nét mặt nghiêm trọng của bà Năm Chi biết có chuyện gì khác thường. Bà Năm run run nói: “Thằng Tiến vượt biên với Huyền Trân rồi, con quên nó đi”.
oOo
Bà Phú đã thực hiện được điều bà tự hứa với lòng sau khi ông Phú mất. Chi không còn sống cảnh nghèo, cháu bà đã không sinh ra từ xóm cầu Muối. Thấm thoát mà đã hơn mười năm trôi qua. Bà Phú giã từ xóm Cầu Muối lên phố ở với vợ chồng Chi từ lúc bà có đứa cháu ngoại đầu lòng. Chi vừa được thăng chức lên trưởng phòng nhân viên làm bà Phú hãnh hiện lắm và thầm cảm ơn bà Thu. Bà biết, đây chỉ mới là bước đầu thôi, Chi sẽ còn tiến xa hơn nữa.
Sáng sáng ẵm cháu ra sân, nắm bàn tay nhỏ xíu mềm mại của nó vẫy vẫy ba má đi làm, bà Phú cảm ơn trời phật đã không phụ lòng bà. Bà ước phải được ông Phú chia sẻ với bà những giây phút này, chắc ông Phú cũng sẽ mãn nguyện lắm… Nghĩ tới ông Phú bà chạnh lòng nhớ thương ông bà phú hộ. Đến từng tuổi nầy bà mới hiểu được cha mẹ mình. Giờ bà đã làm được điều mà ba má bà ngày xưa phải chịu thua. Cũng một chuyện đó, trong vai người con, bà đã không chìu theo ý cha mẹ, nhưng trong vai người mẹ bà đã có cách khiến cho con gái phải theo ý mình. Đời sao có nhiều mâu thuẩn!
Sau bao nhiêu năm ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, cuối cùng bà Phú cũng được thảnh thơi tuổi già. Thỉnh thoảng bà trở về xóm Cầu Muối, ghé tạt qua chợ thăm bạn bè xưa. Thời giờ còn lại bà hủ hỉ với cháu ngoại. Nó giống con Chi hồi nhỏ như in, phải cái nó được sạch hơn, thơm hơn. Nó làm cái gì cũng thấy thương, ngay cả đút cơm, nó không chịu ăn, khóc lóc xô bà đi, bà cũng thấy thương sao là thương.
Bà Phú gần như hài lòng với tất cả, duy chỉ một điều làm bà bị cắn rức lương tâm suốt mười mấy năm qua, đó là chuyện thằng Tiến. Cho đến phút cuối trước khi giã từ cuộc đời bà mới dám thú thật với Chi : “Hồi bịnh suyển của ba trở nặng mình phải bó tay nhìn ba chết ….vì nghèo quá…. Không có ba, mẹ con mình đã nghèo còn càng nghèo hơn…. Con còn nhớ cái thời đó không Chi? Con cũng có triệu chứng suyển như ba. Bởi vậy mà má không muốn con lấy Tiến để rồi có ngày con cũng phải chết nghèo chết bịnh như ba con… Má đã lén gặp Tiến xin nó nếu thật lòng thương con thì hãy hy sinh cho con….. Tại vậy mà nó đi chớ không phải nó bỏ con. Con … có giận má không Chi? ”
Chi khóc: “Má lúc nào cũng vì con thì làm sao con giận má được. Con thương chồng, thương con của con quá má à. Con của con được no ấm là nhờ má… má yên tâm đi má, con đã quên anh Tiến từ khi về làm vợ anh Chánh rồi má”
oOo
Có người con gái nào lại không bị đau. Đau nhiều lắm, khi bạn trai tham phú phụ bần, bỏ mình đi theo người giàu có. Nằm mơ Chi cũng không bao giờ nghĩ con người Tiến lại thay trắng đổi đen mau như vậy. Chi rất hoài nghi. Từ nay làm sao tin được ai tốt ai xấu.
Đáng lẽ Chi khó quên được Tiến. Éo le thay, chính câu nói của Tiến giúp Chi chấp nhận được sự thật “Buồn làm gì. Ai cũng có lúc bị gặp chuyện không như ý mà. Phải chấp nhận, mới sống vui được em ơi”. Cho tới ngày thương Chánh thì Chi hoàn toàn quên Tiến. Ai lại không có mối tình đầu, mà thường thường mối tình đầu như một giấc mơ đẹp . Hôn nhân mới là sự thật, sống với sự thật chứ có ai lại sống với giấc mơ.
Lời trăn trối của bà Phú làm Chi xúc động vì tận trong thâm tâm lúc nào Chi cũng tin Tiến là người tốt. Biết được sự thật Chi cảm ơn lòng hy sinh cuả Tiến và cầu mong trời phật cho Tiến cũng được hạnh phúc như mình.
Bề gì bà Phú cũng đã mất rồi. Chi muốn giữ hình ảnh đẹp của má vợ trong lòng Chánh nên đã không kể Chánh nghe những lời cuối của bà Phú. Có một điều Chi không biết, là Chánh cũng muốn giữ hình ảnh đẹp của má chồng trong lòng vợ nên không cho Chi biết bà Thu trước khi mất đã trăn trối: “Má muốn con phải biết chuyện thằng Tiến. Không phải nó bỏ con Chi để theo con Huyền Trân. Chuyện nó đi là do má xếp đặt tại má biết con thương con Chi. Má đã trả hai cây vàng cho nó xuống ghe. Nghe nói bây giờ nó ở bên Ý, giàu lắm mà vẫn chưa có vợ, không chừng nó còn thương con Chi. Con phải biết chuyện này.”
Tháng 9 – 2015
Nguyễn Đức Tịnh Trí
Hao hao kiểu chuyện của Hồ Biểu Chánh,đề cao nhân nghĩa ở đời.
Dượng Tư nó ơi,
Cho chị xin lỗi đã ghé muộn màng bài viết làm quà tặng sinh nhật vợ của dượng nghen. Thiẹt tình lúc rày chị bận khùng đầu luôn, dượng và Linh biết rõ vì sao rồi nên chắc cũng không phiền chề chứ?
Đọc những lời còm của đọc giả, chị mừng thấy ngọc trong đá bắt đầu sáng long lanh, cừ chùi mài hoài đi nghen dượng, sẽ có lúc kim cương hiện rõ ràng cho bà xã hỉ hả cười vui.
Hôm
qua hai vợ chồng dượng ăn bánh sinh nhật con trai vui không?
Bước khởi đầu đến với nghiệp văn chương mà như vậy là quá quí. Mong anh tiếp tục tham gia cùng xunau.org dài dài anh nhé
Một câu chuyện bất ngờ.