.
Truyện ngắn của Đào Thị Thanh Tuyền
1. Mùng mười tết, ngồi trong quán cà phê, Quyên hỏi Tuấn, chừng nào vô Sài Gòn? Tuấn nói mà mắt vẫn chăm chú vào màn hình điện thoại: “Tối mai”. Quyên hỏi tiếp: “Trang đi rồi, ông vào đó làm gì?”. Tuấn đặt điện thoại lên bàn, không trả lời ngay mà nhấc phin cà phê ra khỏi ly, lấy gói đường xé bỏ vào rồi cầm muỗng khuấy tan. Tuấn làm công việc này một cách cẩn thận, kỹ càng, chậm rãi và dứt khoát. Bỏ từng viên đá vào ly, đảo qua lần nữa, đặt cái muỗng xuống dĩa lót, Tuấn nhìn Quyên:
“Còn một phần dự án tui phải làm cho xong. Đàng hoàng, uy tín như tui, không thể bỏ của chạy lấy người. Sao lại có ý nghĩ rằng tui vào Sài Gòn vì Trang? Mọi người nói nhiều về chuyện này hôm gặp mặt mùng Năm rồi, đừng nhắc nữa có được không?”.
Giọng Tuấn vẫn trầm và dịu dàng không lộ vẻ khó chịu nhưng đủ cho Quyên hiểu, với Tuấn, Trang đã là quá khứ! Bạn thời đại học yêu rồi xa nhau vạn lý do. Bốn năm ra trường, đủ để ước mơ, tham vọng và mục đích biến đổi theo môi trường, hoàn cảnh, suy nghĩ. Dường như Trang đã không còn trong danh sách bạn bè của Tuấn trên facebook nữa kia. Tự nhiên, Quyên thoáng chút ưu tư khi nhớ về một Tuấn vững chãi, rộng rãi, bao dung, vị tha, một thời là chỗ dựa tinh thần cho nhiều bạn bè. Giọng nói không nhấm nhẳng nhưng lời lẽ nặng nề vậy hoàn toàn không phải của Tuấn. Không lý vì Trang?
Tuấn ngả đầu ra lưng ghế, duỗi dài chân lười biếng, uể oải:
“Kế hoạch tháng Sáu mình về. Không phải mỏi gối chồn chân mà bà già muốn vậy!”.
“Ông có ý định thi công chức lần nữa?”
“Thôi, đã rớt một lần, mình không có duyên với sơ mi trắng, cổ cồn, mỗi cuối năm xoay vòng kiểm điểm, ba năm đến hẹn lại lên lương. Ghế thơm chưa chắc đã đến phiên, cơ hội thăng tiến hên – xui, lại thêm bon chen, đấu đá”
“Ông tính đường về chưa?”.
“Bà già tính giùm. Tui sẽ làm tốt để ông bà già không thấy tui vô dụng và người nhận cũng hài lòng”.
Quyên nghiêng đầu nhìn Tuấn:
“Phải bạn tui, lớp trưởng lớp chuyên toán, tốt nghiệp loại giỏi đại học Bách Khoa không?”
Quyên định nói tiếp Trang là gì mà khiến biến mất một Tuấn năng nổ, nhiệt tình chỉ mới cách đây vài tháng, nhưng cô kịp dừng lại.
“Tui chưa mỏi mệt, bà đừng làm tui mất hăng hái. Thôi, bà cứ yên vị cái ghế công chức. Sáng tà tà cà phê, ăn sáng rồi vào cơ quan, mai mốt lập gia đình, có con, chiều kiếm cớ chuồn về sớm đón con, tranh thủ các khóa tập huấn để đi chơi, nạp thêm đươc kiến thức gì thì tốt, không cũng chẳng sao. Phụ nữ chỉ cần ngoan, hiền vậy. Xông pha trận mạc dành cho nam giới”.
“Đừng làm tui mủi lòng vì mình an phận quá mỗi khi nghĩ tới bạn Trang”. Lại Trang. Lời nói tên bay làm sao níu lại bây giờ khi Tuấn ngoắc tay gọi tình tiền và dợm đứng lên.
Quyên nói lời xin lỗi vì không ý tứ.
Tuấn khoác vai Quyên, hai người bước ra cửa quán. Chờ Quyên khẩu trang, mũ bảo hiểm, Tuấn nắm lấy tay Quyên:
“Tháng Sáu mình về”
“Hẹn gặp lại”.
Đợi Tuấn đi trước, nhìn dáng cao, gầy, lưng thẳng ngồi trên xe máy. Cả cái cách rồ ga cũng điềm tĩnh, chững chạc, Quyên thoáng nghĩ, phải chăng Tuấn không muốn nhắc đến Trang vì chạm tự ái, hai con sư tử dũng mãnh như nhau không thể chung một cánh rừng, tham vọng của họ như hai điện cực cùng dấu ngày càng đẩy họ ra xa. Có thể Tuấn sẽ về nhưng để nạp năng lượng bước đi tiếp chăng. Đời còn quá dài, biết ra sao ngày sau?
2. Mùng mười tết, mẹ gói ghém hết các thứ thành một thùng carton to đùng để Châu mang đi. Châu định nói mẹ bỏ lại bớt nhưng biết chắc mẹ sẽ bảo nhà còn ai ăn, lâu lại hư, mang vào cơ quan, của không ngon đông con cũng hết, nên cô im lặng. Có nói thêm nữa cũng không ích gì khi mẹ đã quyết, lại gợi chuyện cơ quan với tờ giấy khai tử đã soạn sẵn. Bốn số báo cuối cùng rồi tòa soạn chính thức xóa sổ. Lần đầu tiên sau ba năm ra trường và đi làm, có một cái Tết Châu nhận được nhiều tiền đến vậy. Năm trước còn không có tháng lương thứ mười ba, chút nhuận bút báo xuân ít ỏi mua vé xe về nhà và lận lưng phê pháo với bạn bè. Năm nay xênh xang, Châu định đưa mẹ một ít nhưng mẹ lắc đầu: “Con giữ lấy mà tiêu dè sau khi nghỉ việc và tìm việc mới”. Rồi mẹ nói vui: “Tiền này họ cho theo kiểu tình ta sớm muộn gì cũng hấp hối đó con!”. Châu biết, mẹ cố câu đùa, không chỉ nhìn thẳng một thực tế mà còn để xóa tan hay lơ đi đám mây u ám chực chờ đổ mưa to ở phía trước mà con đường thì dài lắm!
Tiết trời đêm xuân dễ chịu, bước lên cửa trước của chiếc xe giường nằm, qua kính chiếu hậu, Châu thấy dáng mẹ bên cạnh xe máy trông xuôi xị và rầu rĩ. Tối qua, Châu nghe mẹ nói với ba: “Biết là thất nghiệp mà vẫn phải đi. Thôi kệ, đời dài lắm thử thách, ai cũng phải qua để lớn!”.
Châu bung tấm chăn trùm kín đầu, cô cần ngủ và cần rỗng. Tới đâu hay tới đó!
3. Mùng mười tết, Hạnh dậy sớm, xỏ đôi giày ba ta chạy quanh sân thượng. Trời vẫn còn lạnh. Một góc thành phố phía xa mờ trong sương sớm, tháp chuông nhà thờ nhỏ nhoi và khiêm tốn lạc lõng giữa nhấp nhô nhà cao tầng. Chạy đủ 50 vòng, Hạnh ngồi lại bên mấy chậu hoa. Mùa xuân căng tràn sức sống tím, vàng, xanh, đỏ. Những chậu hoa Hạnh gầy lại từ đám lá xơ xác buồn hiu hôm tháng Chín khi cô trở về nhà. Đó là cách duy nhất giúp Hạnh vượt qua vô số muộn phiền đeo bám hai năm nay. Đầu tiên là cái chết của ba sau khi công ty tuyên bố phá sản. Mẹ cầm cự được thời gian rồi quyết định bán nhà, trả nợ thay ba, về quê sống với bà ngoại. Rời thành phố, mẹ buột miệng, cuối đời tay trắng là đáp số cho bài toán của ba và mẹ. Hạnh ôm vai mẹ: “Còn con nữa chi?”. Mẹ nhìn Hạnh, mắt ướt buồn: “Con là một số xác định để mẹ quyết tìm ra cách giải khác, nhưng mẹ cảm giác kẻng sắp đánh hết giờ”. Hạnh mím môi: “Con sẽ giải tiếp bài toán của ba mẹ”. Mẹ hỏi: “Con định vào Sài Gòn hay ở lại Nha Trang?”. Hạnh nói: “Con sẽ về sau khi sắp xếp xong mọi thứ”.
Vào Sài Gòn, việc đầu tiên Hạnh tìm một người bạn có uy tín để “sang” lại ba đứa học trò. Mới đầu niên học nên mọi thứ thuận lợi, có điều học trò buồn dữ. Hạnh kèm chúng học từ năm lớp 6 đến giờ đã ba năm. Đứa nào cũng học giỏi. Chúng góp tiền đãi Hạnh chầu gỏi, bò bía, chè tưng bừng rồi chia tay: “Mai mốt tụi em ra Nha Trang chị nhớ dắt đi ăn cua ram me nhen”. Mỗi lần từ nhà vào, Hạnh thường mang cho chúng hủ ghẹ (con) ram me mà chúng chưa bao giờ ăn cho đã, bởi Hạnh không có tiền để mua nhiều!
Chia “gia tài” cái nồi cơm điện, bàn ủi, máy sấy tóc, soong chảo, bếp hồng ngoại… cho bạn cùng nhà trọ, Hạnh quay lưng lại Sài Gòn và bước lên xe giường nằm, nhét nhạc vào tai ngủ một giấc sâu không mộng mị sau nhiều ngày tháng thức trơ mắt.
Hạnh về lại nhà xưa khi có lời ngỏ của vợ chồng người chủ đã mua lại căn nhà của ba mẹ cô nhờ trông nhà giúp hai năm. Ban đầu Hạnh từ chối vì không muốn những kỷ niệm sẽ khiến cô dễ buông xuôi hay chán nản nhưng gia đình ấy năn nỉ dữ quá, họ không biết nhờ ai và còn bởi chỗ thân tình với ba cô những năm tháng gian khó. Vẫn căn phòng nhỏ với hương thơm ngọt ngào ấm áp ngày cũ mà Hạnh cảm giác cô đơn đến tận cùng, muốn khóc thật to nhưng không thể nào khóc được!
Rồi, như có bàn tay ai kéo cô đứng lên. Đầu óc Hạnh sáng dần và nghĩ sẽ phải làm gì. Điện thoại hỏi mẹ, con khởi nghiệp làm bánh mẹ thấy sao? Giọng mẹ nhẹ như gió thoảng: “Thử sức đi con. Mẹ ủng hộ”. Cô làm sao biết được khi ấy mẹ đã suy nghĩ, bao nhiêu năm chăm con ăn học, đưa đón thêm, bớt; ngày con thi đại học một biển lo âu, con đậu mừng đến rơi nước mắt, con tốt nghiệp loại giỏi mẹ thở phào và hãnh diện. Biết con vào đời bằng nghề làm bánh từ thời bà ngoại, lao tâm khổ tứ học hành làm chi?
Cơ hội mỉm cười khi Hạnh bắt đầu có khách hàng. Và hôm nay, mùng Mười tết, sẽ có cuộc gặp gỡ ký hợp đồng một năm về những món bánh cô làm cung cấp cho chuỗi ba cửa hàng. Gần nửa năm cật lực và ướp trong mùi bột, bơ, đường, sữa, trứng… cùng hai người phụ việc, con đường phía trước nhiều khó khăn phải vượt qua. Hạnh cảm giác như có ánh mắt ba phía sau, ấm áp, khích lệ.
Hạnh đứng lên đến bên xích đu. Tự nhiên cô nhớ ba quá chừng. Ngày còn bé, ngồi lên ghế xích đu Hạnh luôn đòi ba đẩy thật mạnh, thật xa. Ký ức mon men ùa đến, nó luôn khiến Hạnh mềm lòng, yếu đuối. Hạnh vội vàng rời khỏi xích đu, cô mở nước hứng thau đầy rồi múc từng ca tưới loạt chậu cây xong cô đóng cửa sân thượng xuống nhà. Chuông nhà thờ điểm bảy tiếng, điềm tĩnh, an nhiên. Cô hy vọng một năm mới sẽ khác. Cô nghĩ đến một ngày đón mẹ về lại. Đường dài quá, ước mơ xa vời dễ thành ảo vọng!
4. Mùng mười tết ngồi trong quán cà phê Tùng nói với Bách: “Mình quyết định nghỉ việc”. Đang chăm chú vào màn hình điện thoại, không ngẩng lên, Bách nói:
“Thích thì làm, không thích thì nghỉ nếu cậu thấy điều đó đúng”.
Tùng chậm rãi:
“Mình cần thay đổi. Chẳng hiểu sao mình bỗng buột miệng nói với cậu điều mình không dự là sẽ thổ lộ”.
“Đó là nỗi ám ảnh xoay vần trong đầu cậu, phản xạ tự nhiên bật ra thôi. Mình không chú ý hay quan tâm nếu cậu không có ý định chia sẻ”.
“Mình không thích cách làm cũ và quá trì trệ của họ. Hơn nữa, áp lực giờ giấc không phù hợp với người làm công việc sáng tạo như mình; lại thêm, họ không đánh giá cao và coi trọng những ý tưởng đổi mới của người trẻ. Điều đó làm nên sự xáo trộn của cái nếp nghĩ, cách làm mà lâu nay họ vẫn cho đó là sự ổn định”.
“Cậu đã có những tranh luận gay gắt ở nơi làm việc?”.
“Tất nhiên. Và mình tự thấy phải rút lui. Họ không cần thay đổi. Tốt xấu chưa biết nhưng họ đã quá mệt mỏi vì công việc rồi!”
“Cậu định làm gì?”
“Freelance thôi. Trước mắt mình nhận làm một số dự án nhỏ. Mình sẽ tổ chức nhóm làm việc. Không ai trong nhóm bị áp lực để thỏa sức sáng tạo. Bọn mình có thể làm việc bất cứ đâu, quán cà phê, ở nhà, trong một gian bếp, ngoài bờ sông… miễn có một chỗ ngồi”.
“Cậu vẽ ra bức tranh khởi nghiệp lãng mạn quá. Mình đang chán một công việc giờ giấc cứng nhắc đây, nhưng mình ngại thay đổi, sợ biến động. Cậu được đào tạo ở nước ngoài nên cậu mạnh mẽ, quyết đoán và dứt khoát, nói là làm. Mình không được như cậu. Mà, cậu có ý định trở lại Úc lần nữa?”.
“Đó là điều mình mơ ước và khao khát nhưng xin visa quá khó khăn. Mình không nghĩ do hoàn cảnh hay môi trường mình được đào tạo; mình chỉ muốn làm việc, trong khả năng, mới mẻ, năng động, chấp nhận thử thách miễn sao là công việc mình thích”.
*
Đó là chuyện năm trước của Quyên, Tuấn, Châu, Hạnh, Tùng, Bách. Những người trẻ chưa qua ba mươi tuổi. Mỗi người một cảnh nhưng họ có chung niềm khao khát được làm việc, được thể hiện mình, được vui chơi, yêu đương… Họ chỉ mới vào đời, khởi nghiệp từ những kiến thức đã được trang bị, có người thiếu, có người thừa, có người thuận lợi, có người tự bơi, lơ ngơ, lóng ngóng…
Một năm sau. Tuấn chưa kịp về dự đám cưới Quyên thì cuối năm nghe tin vợ chồng Quyên li dị, may mà họ chưa có con. Từ Sài Gòn trở về, Tuấn làm việc trong một công ty nước ngoài, phụ trách mảng kinh doanh thị trường Châu Âu. Công việc không có gì khó khăn hay áp lực với Tuấn bởi tính ổn định của thị trường này và sản phẩm đặc thù riêng, ít cạnh tranh của công ty nhiều năm qua, lại có sự hỗ trợ từ công ty mẹ. Đôi lúc Tuấn hơi chán cộng thêm mức lương không như mong muốn. Thỉnh thoảng chút tò mò Tuấn lại vào facebook của Trang. Thời gian đầu, Tuấn cảm giác Trang hội nhập nhanh, nhiều bạn bè mới, nhưng dạo sau này Trang đặt chế độ bạn bè, vài lần thấy được mấy hình ảnh mà những người khác gắn thẻ qua Trang. Tuấn hoàn toàn không hiểu tại sao mình lại khó chịu với việc Trang đi học nước ngoài và sẽ không bao giờ về nữa. Những lần cà phê với Quyên, mỗi người một suy nghĩ, nhiều lúc họ chỉ ngồi yên lặng, thụ động, giết thời gian bằng việc bấm và lướt điện thoại!
Châu xin được việc làm mới sau ba tháng thất nghiệp khi vừa tiêu hết số tiền dự phòng. Công việc phù hợp với tính cách trầm, chăm chỉ, cần mẫn của cô. Không suy nghĩ gì hết là phương châm sống của Châu. Nhiều lúc Châu rất buồn nhưng cô chẳng muốn thổ lộ với ai. Có khi Châu giật mình, sẽ như thế nào nếu cứ mãi thế này. Tuy nhiên chỉ là ý nghĩ thoáng qua. Bao thứ cần giải quyết cho ngày hôm nay từ những chuyện vụn vặt như mua đôi giày, bộ váy, tập thêm điệu nhảy mới, hay đi uống nước với bạn. Mẹ thì sốt ruột việc Châu chưa có người yêu nhưng liền sau đó mẹ lại nghĩ, đường dài, biết hạnh phúc hay khổ đau?
Một năm giúp Hạnh thêm uy tín và có khách hàng mới. Mẹ từ quê trở lên phụ Hạnh việc kiểm tra nguyên liệu đầu vào. Đôi lúc nhìn Hạnh tất bật với bột, bơ, đường… mẹ cũng xót xa khi con gái không hề có một cuộc hẹn hò. Ngọt ngào hay cay đắng đều là chất xúc tác cho cuộc sống. Đời có số, nhiều khi mẹ thở ra, buột miệng vô thức như một cách giảm bớt lo lắng.
Tùng nghỉ việc ngay hôm nói chuyện với Bách ở quán cà phê bằng một email gửi cho Giám đốc. Cậu đang rong ruổi trên đường với nhiều dự định ấp ủ trong đầu và vẫn chưa tìm ra lối đi thích hợp mà cơ hội trở lại Úc để học tiếp ngành yêu thích hoàn toàn không có tín hiệu lạc quan. Trong khi đó Bách lại cảm thấy mình chậm đi trong một môi trường đều đều, ngày nào cũng như ngày nào. Thỉnh thoảng hẹn nhau cà phê, Tùng không còn nói với Bách về những kế hoạch mà cả hai lại ngồi im lặng hàng giờ, thả mình buông trôi giữa những giai điệu.
Một năm không là gì so với cuộc đời dài. Nhưng, sẽ như thế nào sau nhiều năm nữa thì họ làm sao biết được khi cơ hội và thử thách ngang bằng nhau. Bể cuộc đời chưa bao giờ dễ dàng với cả người bơi giỏi, tuy nhiên có kẻ không biết bơi lại qua được như bẫng. Nhưng, dường như đó chỉ là suy nghĩ của tôi, người kể lại câu chuyện của những bạn trẻ mà tôi quen và theo dõi từ ngày họ bắt đầu bước xuống cuộc đời. Tôi không dám chúc họ thành đạt hay hy vọng đường dài hạnh phúc. Chỉ cầu mong, mọi thứ đến và rời đi để lại sự nhẹ nhàng, thanh thản. Đời dài, nhưng điểm lại có dài lắm đâu!
ĐTTT.
Lớp trẻ đô thị phức tạp thiệt. Nhưng không có sự phức tạp cần thiết ấy thì xã hội sẽ ra sao nhỉ ?
Hệt cái thuở mình vào đời hơn 20 năm trước.
(Lâu nay đọc những lời ngây thơ mộc mạc hiền lành của Maimaiyeuthương, tôi cứ tưởng Maimaiyeuthương hai mưoi, hai mưoi mấy tuổi thôi)
“Đời dài, nhưng điểm lại có dài lắm đâu!” (câu cuối cùng của truyện)
Hay quá, tác giả ơi.
Tôi đọc một lần. Ngày hôm sau đọc lại lần nữa, chỉ đọc câu này thôi (như thể mình chưa hiểu gì nhiều). Rồi đọc lại hôm sau nữa, cũng chỉ câu này thôi… (như thể cứ nhìn đi nhìn lại một bức ảnh đen trắng rất đẹp!)
Những mảnh ghép ký ức đã làm cho tác phẩm thêm sức nặng
một nguồn lực văn chương mới mẻ và dồi dào lắm bạn ơi
Cuộc sống ngỗn ngang nhiều lo toan ám ảnh quá
NHỮNG THÂN PHẬN ĐAN XEN CHỒNG CHÉO LÀM NÊN MỘT BỨC TRANH CUỘC ĐỜI PHỨC TẠP MÀ PHONG PHÚ VÔ CÙNG
Cuộc đời đa dạng mà. Đây chỉ là góc nhỏ bé tí. 🙂
Tác giả nên thưởng thức bản nhạc vàng nầy lại để cảm thấy chút dễ chịu nhẹ nhàng thoải mái vậy và cũng để nhớ nhớ lại một thời.. nhe. Cảm ơn đã cho đọc bài viết về “bọn trẻ” đã và đang bước vào đời… để chúng có thể thấy được sự quý giá đến cỡ nào của “sự tự do.. và sự tự lựa chọn..” của mình dưới một đất nước với “những ngài trọc phú ‘dỏi gian’ biết thu tiền vào”. Chúc vui.
Chỉ chừng một năm trôi
Là quên lời trăn trối
Ai nuối thương tình đôi
Chỉ chừng một năm thôi
…
Thân ái!
Cám ơn Rong biển. Chỉ chừng một năm thôi mọi thứ sẽ trôi vào quên lãng, nhưng “Chỉ là một năm thôi” mọi thứ vẫn tiếp tục và đời luôn là c’est la vie. :}
Cuộc sống dồn dập , căng như dây đờn
Với những người trẻ khao khát thì là áp lực.
Đúng là Đào thị Thanh Tuyền, không lẫn vào đâu được, một năm trôi qua hay bao tháng ngày đi nữa những mẫu chuyện của Tuyền luôn làm trăn trở người đọc.
Hy vọng ngoài đời Tuyền có cuộc sống an bình hơn những người trong truyện nghen.
Là chuyện có thật của những người trẻ mà mình biết. Trẻ thì làm sao mà bình an được vì đời dài quá mà?
Viê`1t ngày càng hay bạn ơi !
Mùng một Tết điểm lại một nắm qua…Những người trẻ bạn bè trang lứa nhau Mỗi người một hoàn cảnh Sống-Làm việc Nam như Nữ đều bận rộn tính toan Mỗi người theo đuổi một mục đích riêng Chuyện tình cảm trai gái không thiếu vắng Nhưng tất cả không ngoài nhu cầu Ấm Êm!-Của vấn đề Công Việc thuận lợi và Hạnh phúc Tình cảm?Qua bài viết”Nổi bật hai nhân vật Tuấn và Trang?”
Tuấn và Trang cũng như nhiều bạn trẻ khác trên đất nước này: hoang mang có, hăm hở có, tò mò có, dấn thân, thử thách… Họ còn nhiều thời gian để chạy đường dài. Cầu mong họ có sức mạnh để chịu được những lực cản cuộc đời.
Đọc nhớ bạn bè quá. Giờ tứ tán, không biết bao giờ gặp lại. Không biết giờ mọi người ra sao.
Ai cũng có một thời tuổi trẻ, nhỉ!
Những mảnh đời,những thân phận rất hiện thực
Vâng, nhà văn chỉ là người quan sát và ghi chép lại cuộc sống thôi.
Cuộc sống hiện đại là như vậy đó chị nhà văn ui !
🙂
Một lứa “bên trời lận đận
Vô tình vào đọc cũng bị lây cái….chán chường.
Boring – già hay trẻ đều bị. Nhưng hy vọng nó không tồn tại lâu.
Ngỗn ngang cùng cái ngỗn ngang của thời gian và cuộc đời. Viết hay
Cám ơn lời khen. 🙂
Như một tiếng thở dài
Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ??????????
🙂