Du ký về Cambridge, Anh Quốc, của QUẾ SƠN
H.1 St John’s College, từ Cổng chính đến tòa nhà cuối (góc trên tay mặt)
ST JOHN’S COLLEGE, NGÔI TRƯỜNG CỦA KIM DUNG (tiếp)
Đang bước chậm trên lối đi dẫn đến Nhà Nguyện Mới, The New Chapel, của St John’s College thì chúng tôi thấy một nhóm người nam phụ lão ấu đủ cả, từ bên trong một tòa nhà đi ra, hướng về phía cổng chính. Trông họ như ba thế hệ, ông bà, cha mẹ và con cháu cùng đi du lịch, và tôi nghĩ họ là người Nhật vì đứa bé trai trạc tuổi con tôi đội cái mũ lưỡi trai phía trước có in hình mặt trời đỏ trên nền trắng. Khi đến gần chúng tôi, họ, tất cả, không ai bảo ai đều dừng lại, đứng nép sang một bên dù lối đi đủ rộng để mọi người đi ngược chiều nhau mà không thấy lúng túng. Tôi vừa mỉm cười gật đầu chào họ, vừa nói to, thank you, hai ba lần. Vợ và con tôi cũng nói cám ơn theo.
Đi ngang họ xong, con tôi quay đầu ngoái nhìn cái ba-lô khá to trên lưng thằng bé Nhật, cũng có in hình cờ mặt trời, buột miệng hỏi:
— Sao họ được ở trong này vậy ba?
— Ba nghĩ trường này mở cho du khách thuê phòng sinh viên đang trống vào mùa hè.
— Sao mình không thuê?
— Ba đã cố tìm, trên mạng đó, hai tháng trước đây, nhưng không có trường nào còn phòng. Quá trễ. Ba quên mất là có hàng triệu du khách đến cái thành phố này chớ ít sao. Đáng lẽ mình phải đặt phòng trước cả nửa năm thì may ra… nhất là mùa hè nữa.
Vợ tôi vừa đi, vừa lên tiếng, giọng có vẻ cảm phục:
— Sao người Nhật họ lịch sự thế không biết!
Tôi ngần ngừ một lát rồi cũng chép miệng:
— Người Anh cũng lịch sự có kém đâu em, tôi nói. Sáng nay có ông già tỏ ý muốn nhường mình lên xe buýt trước vì thấy mình đi chung với con nít, nhưng anh vừa lắc đầu vừa nói cám ơn, em không thấy sao?
Vợ tôi gật nhẹ đầu rồi nói tiếp:
— Anh thấy người Anh và người Nhật có giống nhau không?
Tôi vội hỏi ngay lại:
— Nói chung chung thôi hay sao?
— Sao anh rào đón chi vậy! (Cười). Nói chung chung chứ nói riêng riêng thì làm sao mà nói được chớ. Anh đừng ngại em bảo anh vơ đũa cả nắm, chính em hỏi thế mà.
— Được rồi…, tôi nói. Cả hai đều là dân ở đảo.
Thằng con tôi bỗng phì cười:
— Cái đó ai chẳng biết ba! Con nhìn bản đồ cũng biết liền mà.
Tôi cảm thấy hơi cụt hứng, dừng bước, chưa biết nói tiếp ra sao thì vợ tôi vội lên tiếng:
— Để ba nói hết đã, nghe chưa?
Thấy thằng nhỏ bị bịt miệng rồi tôi mới mở miệng nói liền một hơi:
— Cả hai thường có cùng khuynh hướng tâm lý nghĩ mình không giống ai… Đây là nhận xét của một người Anh sống lâu năm ở Nhật: Cái dân Nhật này thực lạ kỳ, hễ gặp một người Anh nói giỏi tiếng Nhật thì họ vui lắm, mở miệng khen rối rít, khen thực tình chứ không phải xã giao đâu. Nhưng khi gặp một người Anh nói tiếng Nhật y chang như họ thì họ tỏ ra e dè, bước lùi một bước, nghĩ cái người Anh này phải là bất bình thường, thần trí bị “chập mạch” hay sao đó mới nói được như thế!
— Ghê vậy hả anh? vợ tôi chép miệng. Còn… chắc có chuyện khác nữa, phải không?
— Có cho đủ cặp chớ. Đây là nhận xét của một người Nhật sống lâu năm ở Anh: cái dân Anh này thực là kỳ cục, khi gặp một người Nhật nói giỏi tiếng Anh thì họ cứ tỉnh queo, coi đó cũng là chuyện bình thường như họ uống trà mà pha sữa một ngày mấy lần vậy. Nhưng khi gặp một người Nhật nói tiếng Anh y chang như họ thì họ vui ra mặt, vui như được Nữ Hoàng gọi đến uống trà chung vậy, nghĩ rằng cái người Nhật này không còn là người Nhật nữa, đã biến thành một thứ giống dân gì khác!
— Ui cha!
Thằng con tôi lại xen vào:
— Ba nói con chẳng hiểu gì hết. Như chuyện mấy bác người Anh đi dạo với con chó vậy, tới giờ con vẫn chưa hiểu!
Tôi đành phải hạ giọng an ủi nó:
— Con thấy ba đầu trọc lóc như quả trứng gà rồi đó mà còn có lắm chuyện ba vẫn chưa hiểu con à. Tuổi nào, chuyện nấy mà con. Giờ thì mình thử nhìn mấy tòa nhà cũ này, xem ngày xưa họ xây có đẹp không?
Nói về kiến trúc xưa cổ của các colleges thì ai cũng thấy nó đẹp, gây ấn tượng vì sự hài hòa cổ điển hầu như đã qua được sự thử thách của thời gian, tuy chúng khá giống nhau dưới mắt du khách. Và vì sự giống nhau ít nhiều này mà sau khi đi tham quan chừng hai, ba colleges lớn thì ta cảm thấy, nói chung, là vừa đủ rồi; sự hấp thụ thị giác của ta bắt đầu bão hòa một cách khó tránh được. Ngoài ra, tôi đoán là phần đông du khách, và chúng tôi không phải là ngoại lệ, thường bằng lòng, với sự ngưỡng mộ, vừa đi, đứng, vừa trầm trồ ngắm nhìn chúng (và chụp hình nữa chứ) là cũng đủ rồi, chứ ít ai bỏ công tìm hiểu cho tường tận những phong cách kiến trúc khác nhau thường đan xen hay nối tiếp nhau trong cùng một college, hay trong quần thể các colleges nằm sát nhau, khiến ta dễ thấy nó phức tạp, rối rắm nếu không có một hướng dẫn viên chuyên nghiệp kiên nhẫn giảng giải.
Sự rối rắm này có một lý do dễ hiểu : các công trình kiến trúc đó không được xây lên cùng lúc mà lần lượt nối tiếp nhau theo chiều dài nhiều thế kỷ, mỗi khi trường có nhu cầu và phương tiện tài chánh mở rộng cơ ngơi, nên chúng thường mang phong cách của từng thời kỳ đó. Và trường St John’s này là một ví dụ tiêu biểu. Nó có những tòa nhà được lần lượt xây theo các phong cách kiến trúc khác nhau, nếu ta chịu khó đi thăm hết, bắt đầu từ tòa nhà xưa nhất, mang tên School of Pythagoras (xây khoảng năm 1200, có mặt trước khi trường này ra đời, nay dùng làm nơi lưu trữ tài liệu của trường) đến tòa nhà Cripps được xây sau cùng (1966-67) : trước tiên là phong cách gô-tích (gothic, từ thế kỷ 13) rồi Tân cổ điển (neo-classical, từ đầu thế kỷ 18), rồi gô-tích phục sinh (gothic revival hay neo-gothic, từ giữa thế kỷ 18), và cuối cùng là hiện đại (modernist, từ đầu thế kỷ 20).
Tôi chỉ biết đại khái thế thôi, và vợ tôi khi ngắm nhìn thì thấy nó đẹp kiểu xưa, gây mỹ cảm nơi mình, chứ không quan tâm đến lịch sử hay phong cách kiến trúc. Và may cho tôi, con tôi còn quá nhỏ để đặt câu hỏi! Bạn nào muốn biết rõ ràng hơn thì vui lòng tham khảo trên mạng hoặc sách in về kiến trúc ở Cambridge, vì cần rất nhiều hình ảnh minh họa và thuyết minh đi kèm mới nắm bắt được những sự khác biệt cũng như sự tinh tế trong những nét đẹp của nó.
Bây giờ, chúng tôi bước vào thăm Nhà Nguyện Mới khá lớn, gọi là ‘mới’ vì xây năm 1866-69 (gần một thế kỷ rưỡi rồi chớ ít sao!) thay cho Nhà Nguyện cũ (có từ thế kỷ 13 tức gần cuối thời Trung Cổ); nó được xem là một trong những nhà nguyện theo phong cách gô-tích phục sinh đẹp nhất nước Anh.
H.2 Bên trong St John’s College Chapel
Khi vào bên trong còn vắng lặng vì chưa có ai tham quan, chúng tôi ngồi xuống một ghế dài cho đỡ mỏi chân, ngẩng đầu ngắm nhìn thỏa thuê cái trần nhà lộng lẫy và các cửa kính ghép tranh màu đẹp mắt. Dĩ nhiên, mỗi bức tranh kính đó đều kể một sự tích trong Kinh Thánh nhưng tôi không rõ lắm vì không phải là người theo đạo Cơ đốc. Tuy vậy, tôi cũng nói cho vợ con biết là trong năm học, cả bảy buổi tối hàng tuần đều có một đội hợp ca của trường, St John’s College Choir, rất nổi tiếng ở Anh, khoảng trên 30 người, độ một nửa là những bé trai chưa vỡ giọng (để hát giọng kim) và một nửa kia là sinh viên của trường (để có giọng nữ trầm, giọng nam cao, và giọng nam trầm) hát thánh ca trong buổi lễ chiều tối (evensong), theo truyền thống của Giáo hội Anh (the Church of England). Mục đích của hát thánh ca là để tạo bầu không khí và nâng cao những nghi thức tế lễ và thờ phụng. Riêng ngày chủ nhật thì họ hát thêm một lần vào buổi lễ sáng nữa.
Người ngoài có thể vào nghe thoải mái, chứ không dành riêng cho sinh viên hay fellows của trường. Những “thổ công” ở Cambridge thường mách nước cho bạn bè, người quen ở xa tới chơi là nên đi sớm để có chỗ ngồi, thưởng thức âm nhạc “chất lượng cao” miễn phí, rồi “nhân tiện” làm một tour tham quan quanh nhà trường, tránh được hao túi tiền vì vé vào cửa.
Chúng tôi đứng dậy, chậm rãi đi về phía cuối Nhà Nguyện. Một đoàn du khách đông đảo, người Anh, tuần tự bước vào trong. Chúng tôi chờ cho họ vào hết rồi mới đi ra cửa. Vợ tôi lên tiếng hỏi khi chúng tôi bước trên lối đi giữa hai sân cỏ dẫn đến một tòa nhà khác:
— College nào cũng có nhà nguyện to đẹp như vầy sao anh?
— Không đâu, thường thì tất cả những colleges xưa đều có nhà nguyện, to có, nhỏ có, tùy mức độ giàu có của mỗi trường, mà nổi tiếng nhất là King’s College Chapel, còn lớn và xưa hơn cái này nhiều, ai tới Cambridge cũng đi xem nó, giống như tới Paris thì người ta phải đi xem Tháp Eiffel vậy, mình sẽ ghé xem nó sau trên đường đi; còn vài colleges khác được lập ra trong thế kỷ 20 thì không có nhà nguyện, có lẽ vì không đủ tiền xây. Trường của anh không có nhà nguyện. Ai muốn đi lễ thì ra các nhà thờ trong phố hay tới đây chẳng hạn…
— Còn các đội hợp ca hát thánh ca hàng ngày anh nói đó?
— Chỉ có các colleges lớn và giàu mới “nuôi” nổi họ, như St John’s này, hay Trinity ở ngay bên cạnh, hay King’s…
Tôi còn nói thêm là các sinh viên “ca sĩ” thường được college cho học bổng, họ được gọi là Choral Scholar; còn các cậu bé “ca sĩ” thì cũng được học bổng của trường preparatory school (thường nói tắt ở Anh là prep school, một loại trường tư dành cho trẻ em 8 -13 tuổi) trực thuộc college đó. Một chuyện ít người để ý là các colleges lớn lại sở hữu thêm một prep school, tạm gọi là trường trung học cơ sở đi, của riêng mình. St John’s đây thì có một cái mang tên là St John’s College School, nằm ngoài khuôn viên của college, nhưng không xa đây. King’s College thì có King’s College School. Từ các prep schools này, người ta tuyển mộ những cậu bé hát hợp ca, chorister, đó.
H.3 Dàn đồng ca của St John’s College
Du khách được thoải mái đi tham quan Nhà Nguyện nhưng lại không được phép vào xem phòng ăn chính của trường. Chúng tôi đành chịu, dù háo hức lắm. Đó là sau khi rời Nhà Nguyện chừng mươi phút thì có một người đàn ông đứng tuổi, tay xách cặp, có dáng dấp của một fellow, bước đến gần khi chúng tôi đang đứng lơ ngơ giữa lối đi, đưa mắt nhìn quanh để định hướng. Ông vừa mìm cười, vừa lên tiếng, giọng lịch sự:
— Tôi có thể giúp ông bà được gì đây?
Tôi cười chào ông rồi nói:
— Tôi không biết cái phòng ăn chính nằm ở đâu, và bây giờ nó mở cửa chưa?
Ông ta cười thành tiếng:
— Tôi biết nó ở đâu nhưng tôi e rằng ông bà không thể vào tham quan được. Trường không cho phép người ngoài vào xem, trừ khi ông bà được một thành viên của trường dẫn đi…
— Như ông vậy phải không ? tôi hỏi giỡn.
Ông ta cười to, có vẻ hơi ngượng nghịu. Tôi liền gật đầu chào với lời cám ơn nhẹ nhàng, rồi chúng tôi cất bước đi tiếp.
Tôi vừa đi, vừa nghĩ, giá như Kim Dung đại hiệp còn ở đây, thay vì ở Hongkong, thì có lẽ tôi đã đánh bạo tìm gặp ông để nhờ dắt vào xem qua năm mười phút và chụp vài tấm hình kỷ niệm với ông và cái phòng ăn có tuổi đời mấy trăm năm nổi tiếng đẹp đó. Nó được xây vào đầu thế kỷ 16 và mở rộng thêm vào giữa thế kỷ 19. Người ta kể là Nữ hoàng Elisabeth Thứ Nhất (Bà Hoàng hiện nay là Elisabeth Thứ Hai), năm 1564, đã cưỡi ngựa vào tận phòng ăn này trong một chuyến viếng thăm Cambridge!
H.4 Phòng ăn chính của St John’s College
Nhưng có một dining hall khác được nhiều người cho là thanh nhã và ấm cúng nhất trong tất cả colleges ở Cambridge là của Magdalene College. Và cũng nổi tiếng là khá bảo thủ: nó tận giờ chỉ thắp sáng bằng nến như từ xưa chứ dứt khoát không đụng đến đèn ga hay đèn điện.
H.5 Dining Hall của Magdeline College, nơi sinh viên và fellows của trường ăn formal hall mỗi tối trong năm học.
Nhưng nói về các phòng ăn xưa và đẹp mà không nói đến một trong những truyền thống lâu đời ở các colleges là Formal Hall thì chưa đầy đủ lắm. Formal Hall là bữa ăn tối trang trọng, formal dinner, dành cho fellows và sinh viên của trường, diễn biến theo những nghi thức hầu như không đổi từ xưa đến nay, ở phòng ăn chính, Dining Hall, thường được sinh viên gọi tắt là “formal” hay “hall”. College nào, bất kể xưa hay mới, đều tổ chức formal hall, thường là hai hay ba buổi tối mỗi tuần trong năm học, nhưng cũng có college tối nào cũng ăn formal hall. Không ai bắt buộc mình phải dự nó cả nếu mình không thích hay bận việc, hay túng tiền. Vì nó thường kéo dài đến hai tiếng đồng hồ hay hơn nữa. Vì nó có giá đắt hơn bữa ăn thường: ăn đến 5 món khác nhau, được nhân viên của trường phục vụ tại bàn, lại có rượu uống trước, trong và sau khi ăn nữa.
Khi viết đến đây, tôi bỗng nảy ý tò mò muốn biết ở trường cũ của tôi, Darwin College, hiện nay người ta ăn bữa formal hall ra sao nên vào trang web của trường để xem menu. Thấy ra thì vẫn ăn 5 món (five courses) tuần tự món này sau món kia như những ngày xưa tôi ở đó; và nếu chép hết các món đó ra đây thì e rằng dài quá, lại vô bổ, dễ gây hiểu lầm vì chúng chỉ là tên món ăn, chưa nói lên được điều gì hết, ví dụ như ta thấy ghi “gà quay” trong menu nhưng làm sao biết được món này mặn nhạt, ngon dở… thế nào. Vả lại, “ẩm thực ở các colleges thì không hơn ẩm thực trong trại lính bao nhiêu!”, nhiều cái mồm “cay đắng” đã từng than dài thở ngắn như thế rồi.
Vậy, xin nói cho gọn, món 1 : khai vị là xúp hay pa-tê (pâté, tiếng Anh mượn của tiếng Pháp) hay rau trộn dầu giấm, salad, đôi khi sang hơn thì có cá hồi hun khói, smoked salmon, đến từ Scotland, được cho là ngon hơn cá hồi Na Uy, …
2 : món chính là thịt (hay cá hay gà hay vịt…) ăn chung với rau, củ nấu chín;
3 : tráng miệng (bánh trái cây, tart, hay kem…); 4 : phó mát Anh (ít nhất có 3 loại khác nhau, và trong đó thường có Stilton, một loại phó mát “xanh”, blue cheese, nổi tiếng, giống như Roquefort hay Bleu d’Auvergne của Pháp, hay Gorgonzola của Ý) ăn với bánh quy (biscuits, tiếng Anh, cũng mượn của tiếng Pháp); cuối cùng 5 : cà phê và mints (kẹo bạc hà).
Lời bàn thêm: Cà phê và kẹo công nghiệp (số 5 đó), ông nội ơi, mà cũng gọi là món thì quả là đại ngôn. Nhưng đọc chơi menu của vài nhà hàng nằm trong các khách sạn 4 hay 5 sao ở London thì tôi thấy cũng rứa. Biết làm sao được!
Và giá cả cho một formal hall ở Darwin hiện nay, niên khóa 2014-15, là 14 bảng Anh (khoảng 460 ngàn đồng) cho sinh viên, và 20 bảng cho khách (mỗi người chỉ được mời tối đa 3 khách; những formal halls đặc biệt, như vào dịp Giáng sinh hay St Valentine 14 tháng 2 chẳng hạn, thì chỉ được mời một khách thôi vì số chỗ ngồi trong Dining Hall có hạn, và cũng để tránh lạm dụng). À quên, trong giá này đã bao gồm 1 ly rượu sherry (của Tây Ban Nha) để khai vị trong khi mọi người chào hỏi, đứng trò chuyện ngoài sân vườn khi trời còn sáng hay không mưa trong vòng nửa giờ trở lại trước khi vào phòng ăn, 3 ly rượu vang (của Pháp) trong khi ăn, trắng hay đỏ tùy món, và 1 ly rượu port (tức porto của Bồ Đào Nha) sau khi rời phòng ăn, đi sang một phòng khác để trò chuyện, hút thuốc… Thấy có vẻ “nguyên tắc” chi li vậy chứ mình lỡ “đắng miệng”, gọi uống thêm một, hai ly thì nhân viên vẫn vui vẻ phục vụ.
Xin nói thêm là khí hậu (lạnh và mưa nhiều) và đất canh tác của nước Anh không thích hợp cho việc trồng nho làm rượu nên hàng năm nó chỉ sản xuất, có lẽ cho vui, được một số lượng nhỏ rượu vang, wine, nghe nói giành được đâu đó 1% thị trường nội địa. Nghe nói đến English wine thì ngay cả dân Anh cũng chạy làng, vì nó vừa đắt đỏ, vừa dở tệ. Họ đành phải uống rượu “ngoại” từ mấy trăm năm nay! và họ sính nhất là rượu Bordeaux đỏ, mà trong nước Anh nó được gọi một cách trìu mến là claret.
Nhưng không phải ai cũng thích đi ăn formal hall đâu. Tôi vẫn nhớ đến David, một người bạn Mỹ ở một phòng cùng hành lang với tôi, lúc đầu không biết tôi cứ rủ anh ta đi ăn cùng cho vui nhưng David cứ lịch sự từ chối với lý do này, lý do nọ. Sau hai đứa thân hơn, David mới thú thật là mình bị dị ứng với những đòi hỏi cứng ngắc về trang phục và những nghi thức gò bó ở đó. Anh ta chỉ ăn có một lần đầu tiên rồi “biến” luôn cả năm.
Khi dự formal hall, sinh viên và fellows của trường, đàn ông phải mặc áo vết, (nhưng không nhất thiết phải đeo nơ hay cà vạt, trừ những buổi formal halls đặc biệt), các cô, các bà thì áo đầm dài, và mọi người phải khoác áo choàng đen, black gown, lên người (nhưng khách mời của họ thì được miễn). Không được mặc quần jeans, quần shorts, không được mang giày thể thao hay đôi dép lẹt xẹt…hay đội mũ đi ăn!
Trước khi ăn thì mọi người đứng dậy nghe ông Master (hay Mistress, hay President, tùy tên gọi hiệu trưởng) của college đọc grace (lời cầu nguyện ngắn tạ ơn, mỗi college có lời grace khác nhau) bằng tiếng La tinh hay tiếng Anh, tùy trường, rồi mới ngồi xuống… Nếu ông vắng mặt thì người presiding fellow đứng lên thay. Các fellows ngồi ở High Table. Đó là một cái bàn riêng, đặt trên bệ ở cuối phòng, thẳng góc và cao hơn dãy bàn của sinh viên, nhằm nhấn mạnh tôn ti trật tự và cũng để tránh sinh viên hóng nghe chuyện riêng giữa các thầy.
H.6 Phòng ăn chính của một college xưa có High Table dành cho các fellows ở cuối phòng. Mọi người mặc gown đen, đứng dậy nghe grace khi bắt đầu formal hall.
Nhưng ở Darwin, một college sinh sau đẻ muộn,1964, do 3 colleges xưa, St John’s, Trinity và Gonville and Caius, cùng đứng ra thành lập thì không có High Table, nhằm tạo ra sự bình đẳng và dễ tiếp xúc giữa fellows và sinh viên.
H.7 Phòng ăn chính ở Darwin College không có High Table, fellows và sinh
viên ngồi chung bàn khi ăn formal hall.
Một khi đã ngồi xuống thì không được đứng dậy đi lung tung đến chỗ này, chỗ kia mà cụng ly hay bắt tay bắt chân chào hỏi, hoặc rời phòng ăn đi vệ sinh hay hút thuốc. Dĩ nhiên, nếu bị tiêu chảy hay đột quỵ thì không ai trách mình không thể ngồi yên một chỗ. Trò chuyện với bạn bè hay với bất cứ ai khác xung quanh trong khi ngồi ăn thì không được nói to, cười to hay cụng ly leng keng. Không được mang con nít vào, không được chụp ảnh, sau này có thêm chuyện phải tắt điện thoại di động. Tất cả mấy điều này được gọi là formal hall etiquette, cùng với formal hall dress code nói trên, được phổ biến tới mọi người khi mới dọn đến ăn ở trong trường.
Tôi còn nhớ những năm tôi ở đó, thỉnh thoảng có những người bạn từ xa đến chơi Cambridge và bao giờ tôi cũng gợi ý họ ráng thu xếp ngày giờ chuyến đi của mình làm sao hầu có mặt vào tối thứ tư hay tối thứ sáu để đi ăn formal hall ở trường tôi. Vì một lý do đơn giản là đối với túi tiền sinh viên, nó rẻ hơn khá bộn nếu tôi mời họ đi ăn ở mấy nhà hàng ngoài phố, và nhất là đối với họ thì sự kiện này thuộc loại “của hiếm và lạ” nên hầu như không ai từ chối. Thật vậy, nói chung là sau đó họ có ấn tượng tốt với với bầu không khí trang trọng không thể có ở bất cứ nhà hàng nào, dù sang trọng đến mấy đi nữa, khi nhìn cảnh hàng trăm thực khách khoác áo choàng đen ngồi ăn bên ánh nến lung linh, lại vừa thoải mái vì tự do chọn chỗ ngồi chung cho cả đám bạn bè rồi rượu vào lời ra nhưng không ai cười to nói lớn. Còn các món dọn ra thì sao, ăn được không? Theo tôi nhớ thì không ai muốn nhắc đến làm gì sau đó, dường như họ muốn quên nhanh chừng nào tốt chừng nấy!
Đối với du khách bốn phương, cái Dining Hall gây ấn tượng của St John’s không phải là điểm đến cuốn hút nhất (dù sao cũng không được vào xem nếu không quen biết ai trong trường dẫn đi) mà là cây cầu có mái che, dáng mềm mại, đường nét thanh tú và mang cái tên cực kỳ lãng mạn là Bridge of Sighs (Cầu Than thở, xây năm 1831), trùng tên với cây cầu danh tiếng Ponte dei Sospiri ở Venezia (tiếng Anh: Venice; tiếng Pháp: Venise). Và người ta cũng kể là Nữ Hoàng Anh Victoria (1819-1901) yêu thích nó hơn bất cứ thắng cảnh nào ở Cambridge. Chỉ tiếc là chúng tôi, du khách, không được đi lên cầu mà chỉ có thể ngắm nhìn nó từ một cái cầu khác gần đó, mang cái tên rất chi trần tục là Kitchen Bridge[1](Cầu Bếp, vì ở gần khu nấu bếp), cũng của St John’s. Dĩ nhiên, ai đi đò trên sông Cam sẽ ngắm nhìn nó ở cả hai phía.
H.8 Cầu Than Thở bắc qua sông Cam, nối những tòa nhà Third Court với New Court của St John’s College, nhìn từ Cầu Bếp gần đó.
Cơn mưa nhỏ đã hết khi chúng tôi lên đến Kitchen Bridge. Đứng bên cầu này mà ngắm nhìn cầu kia, hai bên là những tòa nhà cổ uy nghi, phía dưới là giòng sông nhỏ với những con đò dọc đang chậm rãi ngược xuôi, rồi loay hoay chụp ảnh kỷ niệm, vợ tôi luôn miệng xuýt xoa:
— Trông đẹp như trong phim quá!
— Ừ, phải đó, tôi nói.
— Sao đặt tên là Cầu Than thở vậy anh?
— Vì người ta gọi nó theo tên Cầu Than thở ở Venice bên nước Ý, xây trước nó hơn hai thế kỷ.
— Vậy chắc là hai cầu giống nhau?
— Đâu có. Về mặt kiến trúc, cả hai chẳng có gì giống nhau, trừ cái chuyện là cả hai đều có mái che.
Con tôi xen vào:
— Ba đi Venice chưa?
— Rồi. Lâu lắm rồi. Mà tại sao?
— Sao gọi Cầu Than thở vậy ba? Nó lại hỏi.
— Ở Venice hay ở đây?
— Ở đây trước.
— Người ta kể là sinh viên, hồi thế kỷ 19, ở tại tòa nhà phía sau, tên là New Court, bên tay trái đó, thấy không… trên đường đến phòng thi ở phía trước, bên tay mặt đó… thì phải đi qua cầu này. Họ dừng lại trên cầu một chút để thở, rồi than luôn vì chưa thuộc bài!
— Còn ở Venice?
— Cây cầu đó, hồi thế kỷ 17, nối thẳng vào nhà tù. Người ta kể là những người bị bắt, khi bị dẫn lên cầu đó thì được phép nhìn qua cửa sổ của cầu, nhìn thành phố Venice xinh đẹp lần cuối, và ai cũng thở dài trước khi bước chân vào tù!
— Có thật không ba?
— Ôi, người ta kể cho vui vậy mà. Con mà tin thì không còn quần xà lỏn để mặc. Mấy ông bà hướng dẫn viên du lịch thường thích kể những chuyện như vậy lắm, để làm vui tai khách hàng thôi mà. Giá như có ai đó cao hứng đổi tên Đường Hòa Hưng ở Sài Gòn, con đường dẫn thẳng vô Khám Chí Hòa đó, thành Đường hay Phố Than thở thì nghe cũng xuôi tai lắm chứ bộ không à.
Tôi pha trò nhưng chẳng ai cười!
H.9 Tòa nhà New Court (bên trái) và Tháp chuông Nhà Nguyện (bên phải) của St John’s. Cầu Bếp nằm gần cái cây cao nhất (bên phải)
Từ Kitchen Bridge, chúng tôi đi xuống bãi cỏ xanh rộng mênh mông thuộc công viên The Backs, nằm bên hông tòa nhà The New Court của St John’s, định ngồi bệt xuống cỏ nghỉ chân nhưng đành chịu vì cỏ ướt đẫm nước mưa. Ngoài chuyện đứng nhìn cỏ cho mát mắt, nằm dài trên bãi cỏ xanh và mở mắt nhìn lên trời cao là một thú vui giản dị, không tốn kém gì, cực kỳ dễ chịu cho phần xác lẫn phần tâm mà lâu ngày ở Sài Gòn tôi quên mất. Tôi bỗng dưng cao hứng mở miệng:
— Người Anh có câu nói : “The best things in life are free”, và nằm dài trên bãi cỏ là một trong những cái hay, cái tốt nhất trên đời được free đó.
— Rồi còn cái nào khác miễn phí nữa không anh? vợ tôi hỏi.
Tôi ngần ngừ một lúc rồi nói:
— Tuổi trẻ, trừ những người chết quá sớm, ai cũng có tuổi trẻ mà có mất xu teng nào để mua đâu.
— Rồi gì nữa?
— Sức khỏe tốt.
— Nhưng bia rượu làm hại sức khỏe thì phải trả tiền hả anh?
Vợ tôi nói, giọng có vẻ hả hê. Tôi đành đưa mắt nhìn trời hiu quạnh rồi chép miệng :
— Hy vọng cả ngày không mưa nữa. Đi tiếp được chưa?
PHIẾN ĐÁ LƯU NIỆM CỦA KIM DUNG ĐẠI HIỆP
Trên đường rời St John’s để sang thăm một college khác, tôi cứ thấy tiếc tiếc trong bụng. Tình cờ đọc trên mạng trước khi đi, tôi được biết là vào đúng năm ngoái đây, đầu tháng 7- 2012, có buổi lễ kéo màn phiến đá lưu niệm của nhà văn Kim Dung (Jin Yong) trang trọng ở trong Rose Garden (Vườn Hồng) nằm gần Scholars’ Garden (Vườn các Học giả) của trường St John’s, và hai vườn này thì du khách không được phép vào. Buổi lễ đó có sự hiện diện của ông Vice-Chancellor (Hiệu trưởng) của Đại học Cambridge và ông Master (Hiệu trưởng) của St John’s College cũng như một số giáo sư và sinh viên. Theo chỗ tôi biết, đó là một vinh dự hiếm có đối với bất cứ nhà văn nào trên thế giới. Dĩ nhiên ai cũng biết là những nhà văn có thực tài thì họ đâu có viết vì giải thưởng này hay vinh dự kia, nhưng không ai cản xã hội công nhận tài năng và sự đóng góp của họ cho đời sống tinh thần và tình cảm của nó.
Tôi xin ghi lại đây vài chi tiết mà tôi đọc được về sự kiện trên.
Trên phiến đá cao 1,5 mét này (do Phu nhân Kim Dung, Mrs May Cha giao tặng) có khắc hai câu thơ mà nhà văn viết tiểu thuyết kiếm hiệp lừng danh này làm tặng trường St John’s năm 2005 khi ông, ở tuổi 81, trở thành sinh viên của trường. Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung (Cha Liang-Yong hay Louis Cha, sinh năm 1924), nên người Anh gọi phiến đá lưu niệm này là “Cha Stone”.
H.10 Kim Dung
H.11 “Cha Stone” trong Vườn Hồng
Hai câu thơ bằng chữ Hán đó được dịch sang tiếng Anh như sau:
The scent of flowers, the scent of books clings to the College paths;
The sound of oars, the sound of song drifts through the Bridge of Sighs.
(Signed) A student, Jinyong.
( Hương hoa, hương sách vương vấn mãi các lối đi trong trường,
Tiếng chèo, tiếng hát vẳng ngân qua cầu Than thở.)
(Ký tên) Kim Dung, một sinh viên.
(Tôi cũng xin nói ngay là vì không thể đọc hai câu thơ chữ Hán qua bức ảnh trên nên tôi đành phải dịch từ tiếng Anh, nên nguy cơ sai lạc với nguyên tác có thể khá cao. Tôi rất ý thức là dịch xong thì chỉ còn ý chính và xác chữ, chứ hồn thơ thì không biết ở đâu! Khi nào tìm đọc được chúng, tôi sẽ bổ khuyết và dịch lại sau.)
Tới đây tôi không thể không bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước sự khiêm cung sâu sắc của Kim Dung đại hiệp khi ông chỉ ghi đơn giản “một sinh viên” cạnh tên mình bên hai câu thơ khắc trên đá đó, tức là một sự việc có thể sẽ trường tồn với thời gian trong một ngôi trường có tuổi đời hơn 5 thế kỷ này. Trước khi cắp sách đi học lại vào cuối năm 2005, ông đã nhận biết bao nhiêu vinh dự từ nhiều trường đại học trên thế giới. Kể cả Đại học Cambridge này nữa, tức là trước đó vài tháng – 6/2005 – ông đã tới đây nhận bằng Tiến sĩ Văn chương danh dự (Honorary Doctorate of Letters) của trường này rồi.
Tôi nghĩ, ông hẳn đã có thể cho khắc trên đá vào năm 2012 đó, thay vì “một sinh viên” cực kỳ khiêm tốn như vậy, hàng chữ “Honorary Fellow, St John’s College” hay thậm chí “Honorary Doctor, University of Cambridge” bên cạnh tên ông, thì không ai thấy có gì là quá lố. Thậm chí không cho khắc thêm gì cả, chỉ tên Kim Dung thôi cũng được. Nhưng mà đơn giản: “một sinh viên” thì đúng là “độc cô cầu bại”!
Ngoài sự khiêm cung ra, tôi đoán ông cũng muốn bày tỏ lòng yêu mến ngôi trường mà ông đã sống trong đó gần 5 năm như một sinh viên bình thường. Ông David McMullen, giáo sư hướng dẫn của ông, khi trả lời báo chí sau buổi bảo vệ luận án tiến sĩ (ngày 12-9-2010), nói rằng Kim Dung sống chung với các sinh viên khác trong trường, dùng bữa chung với họ ở phòng ăn, mỗi tuần đều dự buổi thảo luận giữa các nghiên cứu sinh, có tính cách thân thiết, gần gũi với các bạn đồng môn trẻ hơn ông hơn nửa thế kỷ…[2]
Nhưng tại sao Kim Dung tiên sinh lại xách cặp đi học khi tuổi đã cao, “nhân sinh bát thập cổ lai hy” mà, khi danh vọng khoa bảng đã tràn đầy như vậy? Trước khi ông ghi tên học ở St John’s College, ông đã được trao tặng, không kể Đại học Cambridge, những vinh dự sau đây: Honorary Fellow ở St Antony’s College, và Wynflete Fellow ở Magdalen College, cả hai thuộc Đại học Oxford, và Honorary Fellow ở Robinson College, thuộc Đại học Cambridge. Ở Trung Quốc thì ông được phong Giáo sư danh dự, Honorary Professor, ở các trường Đại học Bắc Kinh, Triết Giang, Nam Khai, Tô Châu, Thanh Hoa, Hongkong và Tứ Xuyên (Ai còn nhớ thời kỳ truyện chưởng của ông bị cấm ở Trung Quốc không? Những năm 1970 đó!); và Đại học British Columbia ở Canada cũng phong ông làm Giáo sư danh dự nữa.
Chính trong buổi lễ nhận bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Cambridge trang trọng nói trên (6-2005), trước một cử tọa gồm hàng chục Giải Nobel và giáo sư hàng đầu thế giới, ông đã bày tỏ ý nguyện muốn đi học lại ở chính đại học Cambridge này để trở thành một tiến sĩ thực sự chứ không chỉ “danh dự” thôi, tức ông biết mình sẽ phải mất 4 hay 5 năm cật lực làm nghiên cứu sâu về một đề tài nào đó cho luận án tiến sĩ của mình theo những tiêu chí học thuật khắt khe.
Đây là lời ông nói trước báo chí: “Tôi học vì kiến thức chứ không vì bằng cấp…”, và ông muốn nêu gương để chứng minh rằng câu tục ngữ “Không bao giờ là quá già để học” là đúng[3]. Hoàn thành chương trình cao học, ông tiếp tục làm luận án tiến sĩ (Ph.D.) sử học, chú tâm nghiên cứu về sự nối ngôi của các Đông cung Thái tử thời Thịnh Đường và bảo vệ nó thành công ở tuổi 86 (tháng 9 năm 2010). Sau đó ít lâu, ông Hiệu trưởng St John’s College đến Hongkong để trao ông quyết định phong ông làm Honorary Fellow của trường.
Thế là từ rày về sau Kim Dung đại hiệp được phép đi trên cỏ!
HEFFERS: MỘT NHÀ SÁCH TRÊN TRĂM TUỔI
Thoạt đầu, trên đường đi bộ đến Trinity College tôi không nhớ đến nó. Nhưng khi thấy nó bên kia đường, gần như đối diện với cái cổng vào bề thế của Trinity College, tôi liền chỉ cho vợ con thấy rồi băng qua đường để chụp ảnh. Đó là một nhà sách mà sinh viên nào ở Cambridge cũng từng đặt chân vào, vì nó có đủ các loại sách giáo khoa đại học hay sách nghiên cứu của bất cứ bộ môn nào. Và vì nó nằm ngay trung tâm thành phố, từ năm 1876. Tôi nhớ mình có thói quen đạp xe đến đây hầu như hàng tháng để xem mặt mũi hay đọc thử vài trang các sách mới ra lò, thư viện đại học chưa có, sau khi đọc trên báo những bài điểm sách hay phê bình tích cực về chúng. Hiện nay Heffers đã trở thành một nhà sách tổng hợp bán đủ loại sách chứ không còn chuyên về sách đại học như trước nữa, và dù mặt tiền trông không có gì “hoành tráng” lắm, nó cũng khoe rằng kho sách của nó có đến 300.000 cuốn sẵn sàng thỏa mãn mọi yêu cầu của người mua, từ sách nhi đồng cho đến sách nghiên cứu đủ mọi lãnh vực, từ sách dạy câu cá ngoài biển đến sách dạy tu luyện lửa tam muội trên dãy núi tuyết Himalaya…
H.12 Nhà sách Heffers ở địa chỉ này, 20 Trinity Street, từ năm 1876
Chúng tôi chỉ đứng bên ngoài chụp vài tấm ảnh chứ không vào bên trong nhà sách, dù qua cửa kính tôi thấy họ bày biện sách rất bắt mắt. Tôi sợ vào đó rồi con tôi sẽ mê mải xem sách cho con nít, vợ tôi sẽ mê mải xem các đồ lưu niệm và chúng tôi sẽ không đủ thì giờ đi tham quan nơi khác. Cần gì, hôm sau chúng tôi sẽ quay lại để mua, chứ không muốn xách nặng hay vướng tay lúc này.
Chúng tôi lại băng qua đường lần nữa, về phía cái cổng chính đồ sộ củaTrinity College, láng giềng của St John’s. Đến nơi mới thấy rõ là cổng đóng kín, chỉ có một ông gác cửa đứng bên ngoài. Tôi tỏ ý muốn vào trong nhưng ông lịch sự giải thích là trường đóng cửa ngày hôm nay vì đang bận tổ chức một sự kiện gì đó. Chúng tôi đành phải đi tiếp sang King’s College cách đấy không xa.
Đến đây, tức mới đi được chừng một ba chương trình tham quan, nhưng tôi đã cảm nhận là hầu như chẳng có gì thay đổi ở khu trung tâm thành phố này; trước mắt tôi, cảnh cũ hầu như còn y nguyên, thấy sao mà quen thuộc, mà gần gũi đến vậy. Và người ngoài phố thì vẫn đi lại thong thả trên vỉa hè, xe đạp vẫn từ từ leng keng dưới lòng đường. Nhịp sống trông vẫn khoan thai, đời sống trông vẫn thanh bình như thuở nào. Tôi thực sự có cảm tưởng mình mới xa Cambridge đâu như năm ngoái thôi, chứ không phải ba mươi ba năm đằng đẵng. Dĩ nhiên, những người bạn xưa thì không còn đây nữa, họ cũng đã rời đi sau khi học xong. Và nhiều khuôn mặt của một thời tuổi trẻ đó giờ đã chìm khuất dưới lớp mù sương của bao ngày tháng trôi xa, và ngay cả tên của một số người trong bọn họ, giờ tôi cũng không tài nào nhớ nổi!
(còn tiếp)
QUẾ SƠN
PHẦN 4 : *** Cây táo của Isaac Newton *** King’s College Chapel *** Cầu Toán học…
H.13 Isaac Newton (1643-1727)
[1] Thật ra, chiếc cầu bằng đá này còn có tên chính thức là Wren Bridge (đặt theo tên một kiến trúc sư danh tiếng trong lịch sử kiến trúc của nước Anh là Christopher Wren, 1632-1723, người đã thiết kế nó) nhưng ít ai dùng tên này.
[2] Nguồn: zaobao.com http://web.archive.org/web/20100913211327/http:/zaobao.com/zg/zg100912_001.shtml
以盛唐皇位制度作论文 金大侠考获剑大博士学位 2010-09-12 [Dĩ Thịnh Đường hoàng vị chế độ tác luận văn, Kim đại hiệp khảo hoạch Kiếm Đại bác sĩ học vị”. Nghĩa là: Lấy chế độ địa vị của hoàng đế đời Thịnh Đường để làm luận văn (luận án tiến sĩ), đại hiệp họ Kim (tức Kim Dung) thi đậu văn bằng tiến sĩ của Đại học Kiếm Kiều (tức Cambridge, học vị bác sĩ tức là tiến sĩ).] Xin cám ơn dịch giả Nguyễn Tiến Văn đã bỏ công dịch sang tiếng Việt, không những tựa đề trên mà còn cả bài báo dài để cho tôi hiểu đầy đủ nội dung.
[3] Xem: “Octagenarian novelist wants to be student” http://www.newsgd.com/culture/art/200506230034.htm
Viết công phu quá. Rất thán phục .
Đọc trả lời comment bạn tê tê của anh Quế Sơn, tôi vô cùng kinh ngạc. Không chỉ vài dòng đáp lễ cho có, mà là hệt như một bài nghiên cứu công phu, tâm huyết. Giờ liệu còn được mấy người như anh? Một thế hệ những dịch giả vô cùng nghiêm cẩn với nghề. Kính phục.
Xin lỗi bạn vì giờ mới phản hồi. Chỉ nói ngắn gọn là xin cám ơn thật lòng những lời ưu ái của bạn.
Chào anh Quế Sơn, em rất thích những quyển sách dịch của anh vô cùng công phu. Nhất là những chú giải tỉ mỉ khoa học. Kiếm được một dịch giả như vậy thật là khó
Giờ bất ngờ với những bút ký của anh
Giờ tôi mới thấy ‘comment” của bạn HQuyNhon. Xin cám ơn lời ưu ái của bạn. Để góp phần canh tân nền văn hóa của ta, tôi nghĩ phải cần đến hàng ngàn dịch giả ra sức làm việc… tương tự như thời Minh Trị ở Nhật.
Chào anh, sáng nay mình đọc bài “Nhớ và học ở Kim Dung” thấy hay quá và tìm thử các câu khắc trên phiến đá thỉ ra blog của anh. Cám ơn tác giả bài viết rất hay. Mình chỉ biết lỏm bỏm vài tiếng Hán nhưng mày mò tìm thử thì được hai câu đã khắc trên phiến đá để gửi anh:
“花香書香繾綣學院道
槳聲歌聲宛轉嘆息橋”
Phiên âm Hán Việt:
“hoa hương thư hương khiển quyển học viện đạo
Tương thanh ca thanh uyển chuyển thán tức kiều”
Kính
Xin lỗi bạn tete đã phản hồi trễ vì tôi vừa mới biết có “comment” của bạn. Cũng xin chân thành cám ơn bạn đã tìm ra và cho biết 2 câu thơ khắc trên đá đó. Tôi sẽ tìm cách đưa vào bài viết cho đầy đủ.
Xin nói thêm là bài “Nhớ và học ở Kim Dung” đăng trên báo “Người đô thị” (24-7-2021) là lấy lại nguyên xi từ báo “Kiến Thức Ngày Nay” (số ra ngày 20-11-2018); tiếc thay, người biên tập ở báo KTNN đã tự tiện sửa hay viết theo ý riêng vài chỗ khiến tôi thấy xấu hổ. Tôi đã gởi mail rất dài đến báo đó yêu cầu đính chính. Tôi xin trích lại từ cái mail đó về 2 cái sai lớn vẫn được in lại (tôi không hề biết là họ in lại !) ở báo “Người đô thị”:
1) “Nhưng tại sao Kim Dung tiên sinh lại xách cặp đi học khi tuổi đã “đại thọ bát tuần’; Khổng Tử từng viết: Nhân sinh thất thập cổ lai hy” mà tuổi đến trường lần này Kim Dung đã vượt xa “thất thập”…”
Tôi nghĩ ai cũng biết “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” là câu thơ của Đổ Phủ.
Không có ông Khổng Tử (551-479 trước Công nguyên) nào viết câu thơ Đường (thế kỷ thứ 8) đó cả! Và tôi không có viết “đại thọ bát tuần”, mà chỉ viết “khi tuổi đã cao”
Nguyên văn tôi viết trong bài là:
“Nhưng tại sao Kim Dung tiên sinh lại xách cặp đi học khi tuổi đã cao, “nhân sinh bát thập cổ lai hy” mà, khi danh vọng khoa bảng xem đã tràn đầy như vậy?”
(Tôi tự đổi chữ ‘thất’ sang chữ ‘bát’ trong câu thơ để cho hợp với tuổi Kim Dung lúc đó, tức 81 tuổi mới đi học trở lại ở Cambridge. Tôi nghĩ mình có thể đổi một chữ như thế được vì câu thơ quá nổi tiếng, gần như một thành ngữ, độc giả có thể nhếch môi cười vì hợp với ngữ cảnh, chứ sẽ không trách mình ‘bạo gan’. Cũng vì sự nổi tiếng của câu thơ này ở nước ta nên tôi không ghi tên Đỗ Phủ bên cạnh nó hay viết thêm một chú thích ở cuối bài viết)
2) Đây là đoạn mà biên tập viên của báo “KTNN” viết thêm vào (có lẽ để kết luận bài viết): “Qua vài sự việc kể trên, Kim Dung đáng để cho tôi nhớ và học tập, nhưng chắc không học được bao nhiêu, bởi tôi là tôi mà Kim Dung là Kim Dung. Nói như người xưa, những người như Kim Dung thân vẫn mà đạo tồn”
Tôi thấy rất xấu hổ vì tin rằng độc giả chắc chắn sẽ nghĩ mình tạo ra một sự so sánh tự cao, tự đại quá sức, lại đi kèm một sự lập luận thô thiển trong cùng một câu viết! (Tôi không bàn về câu sau trong đoạn này: “Nói như người xưa, những người như Kim Dung thân vẫn mà đạo tồn.”, vì thấy nó đúng rồi.)
(hết trích)
2 tuần trước khi báo “KTNN” đăng bài thì trang web của Du Tử Lê (ngày 05-11-2018) đã đăng nó, không sửa chữ nào, chỉ thêm 2 chữ (Quế Sơn) trong ngoặc ở câu đầu để độc giả biết ai viết. Tôi còn link đây: https://www.dutule.com/a9014/que-son-phien-da-cua-kim-dung
Mến chúc bạn tete bình an. Quế Sơn
Đọc truyện xứ người càng thêm buồn thật buồn.
Sự liên tưởng của bạn D-Xuan khiến người viết cũng cảm thấy áy náy.
Xin hãy xem nó chỉ là một du ký không hơn, không kém (mà thực sự nó là vậy) cho nhẹ lòng. Cám ơn bạn đã viết lời ‘còm’.
Lâu lâu đọc được một bài bổ ích.
Cám ơn bạn Hoa Sắc đã bỏ công viết lời ‘com’. Bạn đọc mà thấy bổ ích thì tôi làm sao mà không vui được.
Bao giờ trường đại học của mình được như vậy hả trời ?
Xin thành thật chia sẻ lời than của anh.
Đã đến kì 3 mà vẫn còn thấy đọc được.
Cám ơn bạn Song Hương đã bỏ công đọc cả 3 Phần bài du ký dài này…
Chi tiết về nhà văn Kim Dung thật bất ngờ
Đúng vậy, một sự bất ngờ dễ chịu và khiến ta bái phục…
Dung tu tan van chinh xac hon vi chat van hoc cua no rat cao
Cám ơn lời ưu ái (gián tiếp) của bạn Hoa daklak. Tôi chỉ muốn ghi lại một số cảm xúc cũng như một số hiểu biết, nhận xét có được trong chuyến đi chơi, đi thăm lại chốn cũ … chứ không có ý định “làm văn chương”. Nếu dùng từ “tản văn”, e rằng sẽ cảm thấy gò bó và lo ngại khi viết!
”Trở lại trường xưa đầu đã trọc!”Như Gà nòi nơi chiến trường lăn lóc…Nhìn Nhà Nguyện nhớ Dàn Thánh Ca -Ba chục…Nhìn Cầu Than Thở nhớ hồi”thoát vòng tục lụy”Nhớ Phòng Ăn,,,Nhớ Thảm Cỏ…Nhớ nhớ…Nhớ nhất Nhà nổi danh ”Đại Hiệp Kim Dung với phiến Đá Nhớ Nhà Sách chứa một lượng sách ”Khổng Lồ!”…Và cuối cùng nhớ Bạn bè đứa đi,đứa ở, đứa về nơi đâu?…”Một chuyến du lịch về thăm đầy hoài niệm!”?
Cám ơn aitrinhngoctran lúc nào cũng bỏ công viết lời “com” dài và có vần, có điệu.
Viết hay quá.
Cám ơn bạn XThien đã quá khen.
Mình khen thật lòng anh Quế Sơn ơi.
Xin cám ơn anh XThien lần nữa. Thật lòng.
Những trãi nghiệm quá tuyệt vời. Nhưng nếu Kim Dung đạt học vị tiến sĩ thì rất bất ngờ.
Kim Dung đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Đại học Cambridge vào ngày 12-9-2010 sau 5 năm học tập, nghiên cứu ở đó (ông bắt đầu với chương trình cao học, tức thạc sĩ) … như tôi có nhắc đến trong bản văn cũng như ở chú thích 2, bạn Cafebuon à. Khi đó, ông đã 86 tuổi.
Và theo truyền thống đại học anglo-saxon (Anh, Đức, Mỹ…) sau khi nhận bằng tiến sĩ xong, ông có thể đặt chữ Dr trước tên mình: Dr Kim Dung hay
cũng có thể viết một cách khác: Kim Dung, Ph.D.
Nhưng theo thiển ý, đối với một nhà văn, nhà thơ, dù lớn hay nhỏ, điều này không cần thiết phải ghi ra như thế. Vì dưới mắt độc giả, tác phẩm của họ mới là quan trọng, mới đáng để ý đến…
Cậu có thẻ ký giả chưa? Nếu chưa, đăng ký đi để viết phóng sư, cậu có khiếu về lối viết nầy lắm đó.
Cám ơn chị Nga. Chị bao giờ cũng tỏ ra ân cần và rộng lượng với mọi người.
Có thể gom lại thành một tập du kí hay,hấp dẫn người đọc.
Cám ơn lời gợi ý của bạn Miên. Lúc này thì tôi chưa nghĩ tới vì viết… chưa xong! (có lẽ hơi bị dài)
Rất bổ ích anh Quế Sơn ơi.
Vui vì biết bạn Nguyễn Hoàng Vy đọc thấy bổ ích. Nhưng cười được nữa chứ?
Một dạng du ký văn hóa hay
Cám ơn bạn Kim. Đúng vậy, du ký nghiêng về mặt văn hóa thì tôi mới cảm thấy thoải mái ít nhều khi viết.
Ghi chú ở tấm ảnh H.5, phải viết là Magdalene (College) như đã viết trong bản văn mới đúng.
(Đã viết sai là ‘Magdeline’!). Xin lỗi các bạn đọc.
Doc moi hieu vi sao ngoi truong nay luon chiem vi tri hang dau the gioi. Ngoi truong ma ai cung ao uoc duoc dat chan den do mot lan trong doi
Mong bạn Nguyễn Nguyên Anh có dịp đến chơi Cambridge. Từ tháng 5 đến tháng 10 là thời tiết tương đối đẹp nhất, nhiều nắng, ít mưa…
Đã học trường này thì đã là suya rồi anh nhỉ !
Cám ơn bạn B-Ngan đã bỏ công viết lời “com” dù tôi không hiểu ý bạn lắm.
Cám ơn muộn quá, vì bây giờ tôi mới thấy lời ‘com’ của bạn, không biết sao nó xuất hiện trễ vậy.
Những nhận xét về những nền văn hóa khác nhau rất thú vị
Cám ơn bạn Hoa. Dù có đưa ra nhận xét nào đi nữa, cái humour (u mặc) vẫn là nét chính.
Bài viết có nhiều tư liệu hay,độc đáo
Cám ơn bạn Khungcuahep. Tư liệu thì có rất nhiều, nhiều đến độ “ngập lụt” trên mạng, đọc không xuể !!!
Thich cach phan tich tam ly dan toc cua anh Que Son
Chỉ là “humour” (u mặc) thôi, bạn Hoa daklak à. Mấy từ “phân tích tâm lý dân tộc” nghe to tát quá, vượt quá khả năng hiểu biết và kinh nghiệm của tôi, thật đấy.
Du ký hấp dẫn lắm anh Quế Sơn à.
Cám ơn lời khen của anh Văn Nguyễn, tôi cảm thấy được khuyến khích để kiên nhẫn ngồi viết tiếp…
Viết hay quá. Hình cũng độc đáo
Cám ơn lời ưu ái của anh Nguyễn Đỗ Hùng. Tôi viết còn thấy khó khăn lắm, lại chậm nữa!