..
Du ký về Cambridge, Anh Quốc, của QUẾ SƠN
H.1 Một góc phố nhỏ mang tên Market street
MỘT NGÀY RONG CHƠI PHỐ CŨ…
Ở trạm buýt, tôi vừa lấy xong vé và tiền thối từ máy bán vé thì xe đến. Nó chỉ có một tầng, sơn màu xanh lá cây, khác với xe buýt hai tầng màu đỏ tươi ở London mà người Anh gọi là imperial bus. Loại buýt sau, cùng với ca-bin điện thoại công cộng và thùng bỏ thư ở bên đường, street posting box, bộ ba này có cùng màu đỏ tươi đó, đã trở thành những hình ảnh biểu tượng của nước Anh, quen thuộc với khán giả TV khắp thế giới. Bộ ba này cũng đã xuất hiện và tồn tại ở Hongkong, vì Hongkong từng là thuộc địa Anh cho tới năm 1997 mà. Nhiều người đang đứng xếp hàng bên vệ đường lần lượt và chậm rãi lên xe. Tôi để vợ con bước lên trước, nghe tiếng tài xế mở miệng chào khách liên tục, morning, morning… rồi mới đến tôi. Buýt trông có vẻ mới, ghế rộng và sạch, sàn không có lấy một cộng rác hay thấy cáu bẩn. Vì đã quá giờ cao điểm buổi sáng, xe ít người đi nên cả ba chúng tôi thoải mái ngồi đâu cũng được.
Vé tôi chọn mua là loại vé đi cả ngày, ngược xuôi bao nhiêu chuyến không kể, vừa rẻ hơn vé lẻ nếu đi từ hai lần trở lên, vừa đỡ mất thì giờ mua lắc nhắc, có khi phải mất thì giờ xếp hàng trước máy bán vé nếu gặp lúc đông người. Ở Cambridge họ gọi loại vé này là Dayrider ticket hay Day ticket gì đó, tôi không còn nhớ rõ nữa… Trên xe không có ai bán hay kiểm soát vé. Tài xế cũng không bán vé hay có bổn phận “nhìn” vé của khách. Mua vé và kiểm tra vé đều bằng máy, một cái lớn đặt dưới đất, một cái nhỏ đặt trên xe, ngay chỗ cửa bước lên.
Dọc theo những cung đường lòng vòng mà chuyến buýt chạy qua, tôi cứ giương mắt ếch nhìn ra ngoài, moi trí nhớ để thử định vị phong cảnh, nhà cửa, công viên… đâu là đâu nhưng đành chịu, tôi đoán đó là những khu dân cư mới xuất hiện sau này, hay trí nhớ tôi đã bắt đầu xuống cấp?! Thấm thoắt 33 năm giờ tôi mới trở lại Cambridge chớ ít sao. Tôi có đi London một lần trước đây, cũng gần hai mươi năm rồi, nhưng quá bận rộn không thể xuống thăm chơi Cambridge được, dù chỉ một ngày. Eo ơi, thời gian coi vậy mà chắp cánh bay nhanh thật! Tuy nhiên, khi chợt thấy từ xa bóng dáng các tháp chuông nhà nguyện nhô cao của vài colleges thì tôi biết là xe sắp vào trung tâm. Những công trình kiến trúc làm mốc đó đâu có thay đổi gì từ hàng trăm năm nay, giống như Nhà Bưu điện hay Nhà Thờ Đức Bà ở Sài Gòn vậy, lại nằm gần nhau nữa. Chúng tôi xuống ngay sau khi xe vừa qua cầu Magdalene bắc qua con sông Cam nhỏ bé và phẳng lặng. Cambridge có nghĩa đơn giản là cầu trên sông Cam. Người Tàu gọi nó là Kiếm Kiều.
Tôi vẫn còn nhớ như in năm đầu tiên đến học ở đây, tôi may mắn được trường dành cho một phòng ở có cửa sổ nhìn ra sông, mùa đông mặt nước xám lạnh, im ắng, mùa hè nước trong xanh và rộn rã tiếng cười của du khách dạo chơi bằng chiếc đò gỗ đáy bằng, mũi vuông (a punt) ngược xuôi trên sông.
Trường nào ở dọc sông cũng có đò với cây sào dài sẵn đó cho sinh viên của mình sử dụng khi họ muốn tiêu sầu khiển hứng xuống sông chống đò (to punt), chớ không phải chèo, đi một vòng, bất kể là rạng đông hay đêm khuya, bất kể nắng sáng hay mưa chiều, bất kể đi một mình hay với người trong mộng để tìm chút hương lãng mạn cuối mùa… nhưng vui nhộn nhất là đi cùng với đám bạn nửa tỉnh nửa say sau một cuộc bia kéo dài nhiều giờ trong quán pub riêng nằm trong khuôn viên của trường (người ngoài, kể cả sinh viên trường khác, không được vào uống, nếu không được mời; lý do là bia rượu trong pub của mỗi trường bán rẻ hơn pub ngoài phố nhiều, vì được chính hội sinh viên, students’ union, của trường đầu tư và quản lý), rồi cứ tiếp tục cuộc vui trên đò, thay phiên nhau uống và chống đò, đâu phải như trên đường bộ mà sợ tai nạn hay cảnh sát huýt còi.
H.2 Đò dọc trên sông Cam
Chống đò dạo chơi trên sông Cam trở nên một thú vui được ưa chuộng từ đầu thế kỷ 20, không những đối với sinh viên mà cả du khách bốn phương nữa, và ngày nay người ta tính là trên sông Cam có nhiều punts hơn bất cứ con sông nào khác ở Anh. Hãng cho thuê punt xưa nhất nước, tên là Scudamore’s Punting Company, thì được thành lập từ năm 1910 ở ngay Cambridge đây, và hiện giờ vẫn còn hoạt động.
Và người ta cũng thường thấy, vào tháng sáu, tức là sau mùa thi, cảnh những sinh viên, từng nhóm năm bảy người, nam có, nữ có, ăn mặc thật đẹp, đem theo champagne và dâu tây, strawberries, xuống, thong dong chống con đò dọc theo giòng sông hiền hòa hầu như không bao giờ gợn sóng, tạo ra một bữa tiệc nhỏ di động trên mặt nước; đôi khi ở trên bờ ta nghe được tiếng hát nồng nàn của các chàng trai hay tiếng cười thanh xuân, hạnh phúc của các cô gái văng vẳng từ xa đưa lại…
H.3 Tháng sáu trời không mưa (Ảnh tìm thấy trên mạng)
Có lẽ nhờ sự hiền hòa của sông Cam mà không hiếm kẻ “go punting” uống rượu say ngã nhào xuống nước mà hầu như chẳng thấy ai chết! Tôi nhớ mình có lần trượt chân té ngữa xuống sông ban đêm, loi ngoi ngụp lặn dưới nước một chút rồi chỉ việc nắm lấy cây sào do đám bạn trên đò đưa tới rồi được kéo lên đò lại, chống chọi cái lạnh trong bộ quần áo ướt bằng vài hớp whisky nóng rang cả cuống họng cho tới khi tàn cuộc vui, cho tới khi con đò quay lại trường, về lại phòng riêng mà tắm rửa, thay quần áo. Coi như chuyện bình thường, không có gì mà phải tởn đến già.
Từ chỗ xe buýt đậu, chúng tôi chỉ việc băng qua đường là tới ngay bến đò Quayside nằm ngay bên cầu, chưa tới 9 giờ rưỡi mà đã thấy khá nhộn nhịp với du khách rồi, để tìm một chỗ đứng ngắm cảnh và chụp ảnh thì có một hai thanh niên lại gần, lên tiếng mời chào thuê punt đi chơi. Họ ăn nói nhỏ nhẹ và lịch sự, không có chuyện ngáng đường thô bạo hay níu kéo, kèo nài, năn nỉ ỉ ôi dai như kẹo kéo đâu, không có chuyện khách không mua thì lộ ngay vẻ hằn học hay văng ra những lời chửi rủa tục tĩu sau lưng người ta đâu. Thấy khách cười lắc đầu nhẹ là họ lảng đi chỗ khác ngay. Một người đưa cho tôi tờ rơi quảng cáo có in bảng giá rõ ràng để khách dễ lựa chọn giữa các dịch vụ khác nhau. Tôi cầm đọc và tóm tắt lại cho vợ con biết qua, và tính nhẩm luôn từ bảng Anh sang tiền đồng để họ dễ hình dung, là khách có thể thuê một chiếc đò để tự chống đi, self-hire punting, giá khoảng 700 ngàn đồng Việt Nam cho một giờ, punt này có 6 chỗ ngồi…
Con tôi buột miệng hỏi:
— Chống đò đó có khó không ba?
— Không khó lắm đâu, mình loay hoay tập chừng năm, mười phút là chống đi được rồi. Sông này không có sóng, lại khá cạn, đáy có sỏi, không bị bùn, nên đò dễ được chống đi với cây sào, nó dài chừng 5 mét, con thấy họ đứng cầm dưới bến đó. Nhưng con nít chưa làm được việc này đâu.
Đưa tay chỉ một đám du khách người Đông Á đang lục tục bước xuống đò, rồi nhìn dò theo tờ rơi, tôi nói tiếp:
— Còn nếu mình chỉ muốn ngồi đò ngoạn cảnh như mấy người kia thì mua cái chauffeured punt tour, giá từ khoảng 450 đến 600 ngàn đồng mỗi khách, tùy tour gần, 45 phút, hay xa, 60 phút; punt này thì rộng, 12 chỗ ngồi, có lót gối ngồi cho êm đít đó.
Tôi cũng biết là những người chống đò cho khách đi tour này cũng làm luôn công việc hướng dẫn viên du lịch : đò đi tới đâu thì anh (chị) ta luôn miệng pha trò hay kể chuyện, nhất là lịch sử các colleges nằm dọc phía bờ Đông của sông Cam và những giai thoại lý thú về những nhân vật nổi tiếng từng sống trong đó, như khi đò đi ngang Trinity College thì họ kể chuyện trái táo rơi trúng đầu ông Isaac Newton (1643-1727), từng là sinh viên rồi fellow của trường này, hay đi ngang Trinity Hall thì kể chuyện nhà vật lý lý thuyết và vũ trụ học Stephen Hawking (1942 -…) từng ăn học ở đấy, ông này tật nguyền ngồi xe lăn, miệng không nói được, phải giảng bài bằng cái máy computer đặc biệt phát âm dùm cho, nhưng là một giáo sư cực kỳ xuất sắc, nổi tiếng từ đầu những năm 70 thế kỷ trước[1]. Phần lớn những anh (chị) này là sinh viên ở đây, mùa hè không về nhà hay đi chơi mà ở lại Cambridge làm việc kiếm thêm tiền túi.
À quên, nếu khách muốn phục vụ champagne trên đò nữa thì trả thêm khoảng 1 triệu đồng/chai, còn dâu tây tươi thì độ 200 ngàn đồng một bát riêng cho mỗi người. Không nhất thiết phải đặt mua cả hai thứ. Dĩ nhiên, giá cả có thể dao động ít nhiều vì có sự cạnh tranh của ba hay bốn hãng cho thuê punt. Nếu ta mua trước các tour này trên mạng thì thường rẻ hơn mười hay mười lăm phần trăm so với giá vé bán tại chỗ.
H.4 Quayside (từ nhìn cầu Magdalene), nơi du khách thuê punt dạo chơi dọc sông Cam.
Nhưng sáng hôm đó gia đình nhỏ bé của tôi không chọn “tour đường sông” mà chọn “tour đường bộ”, lấy cặp giò thay đò làm phương tiện di chuyển, do tôi làm hướng dẫn viên cho vợ con, hoàn toàn miễn phí. Vì tôi muốn bước chân mình tìm về phố cũ đường xưa.
Từ cây cầu Magdalene này là bắt đầu những con đường nhỏ nối tiếp nhau chạy xuyên qua khu trung tâm nhưng cứ mỗi đoạn đường ngắn chừng hai hay ba trăm thước lại mang tên khác nhau : Magdalene Street (đặt theo tên của Magdalene College, lập ra năm 1428), Bridge Street (vì trước đó nó gồm cả cầu Magdalene), rồi rẽ phải một chút là St John Street (theo tên của St John’s College, lập năm 1511), Trinity Street (theo tên của Trinity College, lập ra năm 1546), King’s Parade (theo tên của King’s College, lập ra năm 1441) và Trumpington Street (hai bên đường và đối diện nhau có Corpus Christi College, lập năm 1352 và St Catharine’s College, lập năm 1473).
Vừa qua khỏi St Catharine’s College thì ta quẹo phải vào Silver Street. Con đường ngắn này thì không có cửa tiệm nào, trừ cái quán rượu bên sông mang tên The Anchor (cái Neo) thường được fellows và sinh viên các colleges gần đó lui tới quanh năm, nhất là vào những giờ mà các pub riêng của trường đóng cửa.
H.5 Quán pub chỉ cách các colleges Queens’, Darwin, Peterhouse… chừng vài chục
bước chân.
Nhưng vào mùa hè, con đường lúc nào cũng nhộn nhịp du khách vì có cây cầu gỗ gần đó mang cái tên đặc biệt, và có lẽ duy nhất trên thế giới, là The Mathematical Bridge (Cầu Toán học) bắc qua sông Cam, tương truyền do Isaac Newton thiết kế[2], nằm trong Queens’ College, lập ra năm 1448; từ đó ta đi thêm trăm thước nữa thì gặp phải Darwin College, lập năm 1964, xây trên khu đất được giòng họ Darwin giao tặng. Đúng đấy các bạn, họ chính là hậu duệ của Charles Darwin (1809-1882), ông tổ thuyết tiến hóa, evolutionism, ra đời vào giữa thế kỷ 19 đó, hay sau này còn gọi là darwinism nữa.
H.6 Tượng Charles Darwin, được đặt trong vườn của
Christ’s College, Cambridge, nơi ông theo học từ năm 1828 đến 1831.
Từ cầu Magdalene tới cầu Toán học, tính ra khoảng hơn hai cây số một chút. Và chúng tôi sẽ dành một ngày đi theo lộ trình này cho đến trường cũ của tôi là điểm dừng chân cuối cùng.
— Hai cây số mà đi cả một ngày sao anh? Vợ tôi hỏi, giọng ngạc nhiên.
— Chứ sao! Đó là mình chỉ mới cưỡi ngựa xem hoa thôi đó. Mình chỉ đi bên ngoài xem các công trình kiến trúc xưa, chứ chưa ghé vào các thư viện của các colleges. Mấy chỗ đó chứa những bộ sách xưa, những bản thảo các công trình khoa học, những ghi chép viết tay, hay những bức họa chân dung… của các nhà khoa học, triết gia, nhà văn, giám mục… danh tiếng, đủ cả, từng theo học hay dạy học, hay làm nghiên cứu ở đại học này từ mấy trăm năm nay đó.
— Đi xem như vậy chắc mất hết cả tuần, vợ tôi nói. Nhưng ai không biết gì nhiều như em mà đi vào đó xem chắc thấy chán lắm, phải không anh?
Tôi nhíu mày một chút rồi nói:
— Có thể lắm, nhưng chán hay không chán là tùy mỗi người thôi, nếu mình quan tâm hay thích thú về cái gì đó thì mình tìm đến xem, đâu thấy chán, ngược lại là đàng khác. Anh đọc báo, biết có rất nhiều người từ Nhật cũng đến đây chỉ để nhìn vài phút cuốn “Principia”[3] của ông Newton in cách đây hơn 3 thế kỷ.
— Sách in giấy xưa như vậy mà còn giữ được à? vợ tôi nói, giọng có vẻ thán phục.
— Ừ, nó được trưng bày ở Thư viện Wren của Trinity College đó. Họ đi như đi hành hương vậy, lúc nào người ta cũng thấy du khách Nhật ở đó, nhất là mùa hè. Anh tin là họ bỏ công lặn lội từ xa đến chính là để ngắm nhìn trí tuệ mà cuốn sách xưa được trưng bày đó chỉ là biểu thị cụ thể thôi.
Vợ tôi lộ vẻ ngẫm nghĩ rồi buột miệng:
— Thôi để con nó lớn biểu nó bắt chước họ mà đến tham quan các thư viện xưa, chứ bây giờ mình có quá nhiều thứ để… rồi còn đi xem xác ướp Ai Cập ở London nữa.
H.7 Bìa sách “Principia” của ấn bản đầu tiên năm 1687
.
— Vậy cũng được. Tôi gật đầu và nói sang chuyện khác:
— Ở đây anh thực sự không để ý là du khách có được vào tham quan phòng ăn chung, dining hall, dành cho sinh viên và fellows của mỗi trường không, nhưng anh biết có những phòng ăn xưa rất đẹp đó.
— Thật hả anh?
— Ừ.
Con tôi bỗng xen vào:
— Hồi xưa đi học ở đây, ba ăn ở đâu?
— Trong trường ba chứ đâu nữa. Ăn và ở đều trong trường cả.
— Phòng ăn trường ba có đẹp không ba?
— Nó không có gì đặc biệt lắm con, không đẹp bằng một góc một số phòng ăn ở các colleges xưa khác.
Tôi trả lời theo đúng cảm nhận của mình ngày trước. Dĩ nhiên, nếu những phòng ăn đang nói đây không thay đổi trong mấy chục năm qua, và tôi nghĩ chúng đã không thay đổi vì… tôi có thấy trên mạng một số ành chụp chúng sau này, trông vẫn không khác gì trước. Có lẽ tương tự như các tháp chuông nhà nguyện của các colleges mà ta thấy trong phố vậy, chúng vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Vợ tôi lên tiếng lại:
— Tại sao vậy anh?
— Vì nó mới quá, người ta thiết kế sao cho hợp lý, tiện dụng, ít tốn kém, chứ không có sự trang trí nội thất công phu, không gian thoáng đãng, và mang bề dày thời gian của các phòng ăn có tuổi đời cả mấy trăm năm.
— Ba có đi ăn ở các trường khác không?
— Có con, nhiều lần lắm. Được các bạn ba ở trong đó mời thì mới vào được phòng ăn của trường họ.
Vợ tôi đề nghị:
— Lần này anh hỏi thử người ta có cho mình vào xem qua không, nếu họ không cho thì thôi.
— Ba cứ hỏi thử đi ba, thằng con tôi khuyến khích.
— Được rồi con, tôi gật đầu.
H.8 Phòng ăn chung ở Corpus Christi College, lập ra năm 1352.
Nhưng trước khi bắt đầu tour các colleges cổ xưa nằm dọc theo con phố này (chúng là điểm đến chính yếu, nếu không nói là duy nhất, của hầu hết du khách bốn phương), tôi bảo với vợ con là tôi phải ghé qua vài phút ở Cambridge University Alumni Relations Office (Văn phòng phụ trách quan hệ với cựu sinh viên Đại học Cambridge) nằm trong tòa nhà gạch ba tầng ở Quayside, ngay trước mắt tôi. “Chi vậy ba?” con tôi hỏi. — “Để ba làm cái thẻ cho phép mình vào tham quan các colleges khỏi phải trả tiền vô cửa,” tôi trả lời. — “Chỉ mình ba được hay sao?” con tôi hỏi tiếp. — “Không, ba có thể đưa hai người khách đi cùng vào miễn phí nữa,” tôi nói. — “Sao ba biết?” — “Ba đọc trước trên trang web của đại học rồi.”
Trả lời xong tôi cất bước đi về phía ngôi nhà có văn phòng nói trên, đưa tay bấm chuông ở cửa ra vào chính, rồi quay đầu nhìn ra sau, thấy vợ con đã háo hức chụp ảnh kỷ niệm ở bờ kè, nơi có cả hàng chục con đò đang đậu chờ khách. Độ mười lăm phút sau tôi ra lại, tay cầm cái Camcard mới tinh để đưa cho con tôi xem, vì biết tính nó tò mò gì đâu, trước khi bỏ vào túi quần.
Thật ra, thời tôi theo học thì không có chuyện thu tiền vào cửa ở các colleges nổi tiếng lâu đời, thu hút nhiều khách tham quan nhất, vì có kiến trúc đẹp, lại ở ngay trung tâm thành phố, ví dụ như King’s hay St John’s đâu. (Cũng cần nói rõ thêm là nhiều colleges khác, cổ xưa và đẹp không kém hai cái kể trên bao nhiêu, nhưng vì không muốn bị quấy rầy nên “bế môn tạ khách”, không cho du khách vào tham quan). Nhưng tôi nghe nói là từ chục năm trở lại đây, số lượng du khách thế giới và nội địa đến Cambridge bỗng dưng tăng vọt, cả mấy triệu người mỗi năm (năm 2013 lên đến 5 triệu 326 ngàn khách) nên một số colleges nảy sinh cái ý thu tiền vào cửa (từ khoảng 100 đến 250 ngàn đồng VN/người lớn, tùy trường) như một biện pháp để ngăn bớt một cách gián tiếp lượng người vào tham quan. Tuy nhiên, du khách cũng có thể chọn một cách khác, không phải mua vé vào cửa: ngồi trên đò hay thong thả dạo chơi trong một công viên vừa dài vừa rộng có tên là The Backs nằm ngay phía bờ Tây sông Cam nhỏ bé, mà vừa đi, vừa ngắm nhìn thỏa thuê các colleges nằm ở bờ Đông.
H.9 Clare College (bên trái) và King’s College, với Nhà Nguyện có
tuổi đời đúng 500 năm (1515-2015), nhìn từ công viên The Backs.
THE ROUND CHURCH (Nhà Thờ Tròn) VÀ NGÀY THỨ SÁU 13 CÓ GÌ CHUNG?
Khi chúng tôi đi vào phố thì trời bắt đầu mưa lất phất mấy hạt. Thời tiết ở Anh là vậy, mới nắng đó rồi mưa đó, hay ngược lại, không đợi đến sáng nắng chiều mới mưa khá đều đặn như ở Sài Gòn đâu, nên ta không lạ gì khi thấy dân Anh ra đường bao giờ cũng thủ sẵn cây dù. Từ Quayside đi bộ tới The Round Church này chỉ mất vài phút, chúng tôi kéo mũ áo khoác lên che đầu nên hầu như không bị ướt gì.
H.10 The Round Church
Xây năm 1130 dành cho các Hiệp sĩ Dòng Đền, Knights of The Order of the Temple, có hình dạng kỳ lạ, bên trong có những cột trụ tròn chống mái bằng đá, được trùng tu nhiều lần qua nhiều thế kỷ, The Church of The Holy Sepulchre (Thánh đường Ngôi mộ Chúa Giê-Su), thường được dân chúng gọi là The Round Church cho gọn, là một kiến trúc lâu đời thứ hai ở Cambridge. Bên trong khá nhỏ, bài trí giản dị, chúng tôi đi xem một vòng chừng mười lăm phút là đi ra, vì không muốn dừng chân xem chiếu phim video về lịch sử thành phố Cambridge hay đọc hết những tấm bảng dầy đặc chữ của cuộc triển lãm thường trực ở đây nói về ảnh hưởng của đạo Cơ đốc trên sự phát triển của nước Anh.
Xin nói thêm đôi lời về Dòng Đền: đó là một dòng tu của các hiệp sĩ Thời Trung Cổ, tức mang đặc điểm vừa tôn giáo, vừa quân sự, được thành lập vào đầu thế kỷ 12 ở Jerusalem nhằm bảo vệ bằng vũ lực, trước những cuộc đột kích của các đội quân Hồi giáo, những người đạo Thiên Chúa từ Châu Âu đi hành hương ở các Thánh địa trong vùng Jerusalem (thủ đô nước Do Thái ngày nay). Đó là mục tiêu ban đầu nhưng chừng một thế kỷ sau thì Dòng Đền trở nên cực kỳ giàu có và nhiều thế lực, điều hành cả một hệ thống tài chánh xuyên châu Âu, có cả một đạo quân tinh nhuệ độc lập và một hạm đội trên biển, mà không vua chúa nào kiểm soát được khiến không ít triều đình “nóng mũi”… Trong đời sống riêng tư, các Hiệp sĩ Dòng Đền không được phép “gần gũi” đàn bà, vì họ là tu sĩ-chiến binh (warrior monks).
Gần hai thế kỷ sau từ khi thành lập thì bị vua nước Pháp, Philippe Le Bel (hay Philippe IV), bị nợ nần tiền bạc quá nhiều với Dòng Đền nên âm mưu với Giáo hoàng Clément V (người Pháp, được bầu năm 1305 và sống ở Pháp[4]), bí mật ra lệnh tấn công và hủy diệt (thực chất là để quỵt nợ trước tiên, nhưng rêu rao là Dòng Đền phạm đủ thứ tội, từ tội “phản Chúa” đến tội “quan hệ đồng tính luyến ái” giữa các hiệp sĩ) vào lúc rạng sáng ngày thứ sáu 13 tháng 10 năm 1307.
Về sau, từ sự kiện lịch sử này, ngày thứ sáu 13 bị cho là ngày “hung” theo mê tín phương Tây. Dĩ nhiên, cũng có người tin 13 là con số xui xẻo theo một câu chuyện khác : trong bữa Tiệc Ly (The Last Supper hay The Lord’s Supper, Bữa ăn tối cuối cùng của Chúa Giê-su) ở Jerusalem gồm 13 người tất cả (Chúa Giê-su và 12 Tông đồ) thì Judas, được cho là kẻ phản bội Chúa, là người thứ 13; và Chúa bị đóng đinh trên giá thập tự vào hôm sau, nhằm ngày thứ sáu.
Tôi sực nhớ là trong chung cư mình ở Sài Gòn cũng có sự kiêng dè con số 13 quái ác này. Tầng lầu 13 thì bị đổi thành tầng 12a, và bảng số trong thang máy chỉ có số 12a thôi, còn 13 biến đâu mất. Một chung cư cao tầng khác ở khu Phú Mỹ Hưng bên Quận 7, Sài Gòn, mà tôi có dịp đến cũng thế: trong thang máy tôi thấy số 12 bis, nằm giữa số 12 và 14! Có lần tôi ngứa miệng hỏi chị quản lý chung cư tôi về “sự tình” này thì nhận được câu trả lời: — Nếu cứ để con số 13 bình thường thì khó bán, khó cho thuê lắm anh ơi! — Khó đối với người nước ngoài hay sao? — Không đâu anh, khó đối với người Việt mình đấy chứ. Có người lại không muốn ký hợp đồng vào ngày 13, phải chờ sang ngày 14 đó anh. Còn 13 mà trúng ngày thứ sáu nữa thì khỏi nói!
Đúng là hơi “khó hiểu”, vì tôi chẳng biết “sự tin” con số 13 là xui xẻo được nhập “hộ khẩu” vào xã hội ta từ khi nào mà người mình, theo đạo thờ cúng ông bà từ ngàn năm nay bỗng đâm ra sợ con số này. Đã kiêng kị “mồng năm, mười bốn, hăm ba” chưa đủ sao mà còn cõng thêm anh chàng 13 xa lạ và khó chịu này làm chi cho nó cồng kềnh! Và tốn tiền sửa bảng số nữa, và làm cho giao dịch mua bán bình thường bỗng dưng thành rắc rối không đâu.
Theo chỗ tôi biết, đi chơi ở những thành phố Anh hay Pháp mà thấy con đường nào mang tên Temple Street hay Rue du Temple thì y như rằng ngày xưa ở đó có nhà thờ của Dòng Đền đã bị san bằng.
The Round Church ở Cambridge là một trong bốn nhà thờ tròn thời Trung Cổ ở nước Anh còn tồn tại cho tới ngày nay.
ST JOHN’S COLLEGE, NGÔI TRƯỜNG CỦA KIM DUNG
Rời Nhà Thờ Tròn, chúng tôi chỉ cần băng qua đường, đi vài bước nữa là đến cái cổng chính bề thế (The Great Gate, Đại Môn) của St John’s College[5] được thành lập cách đây vừa hơn 5 thế kỷ. Tôi đưa cái thẻ Camcard cho ông gác cửa, porter, nhưng ông không cầm lấy, chỉ liếc nhanh qua, mỉm cười rồi mời chúng tôi bước vào trong. Vợ tôi ồ lên thích thú khi thấy cả một sân cỏ rộng, vuông vức, xanh mướt, được chăm chút hàng ngày mà đi ngoài đường không ai có thể thấy vì bị các tường nhà bao bọc bốn bên để bảo vệ sự riêng tư và yên tĩnh cho sinh viên và fellows sống trong đó. “Ở các colleges lâu đời khác cũng có những sân cỏ đẹp tương tự, chỉ trồng cỏ thôi, không trồng hoa, giản dị thế đấy,” tôi nói.
Du khách tham quan các colleges thường không được phép vào bên trong các tòa nhà, trừ các nhà nguyện (chapel, gọi vậy chứ coi bộ nó lớn hơn những nhà thờ nhỏ khác), chỉ nhìn ngắm vẻ đẹp kiến trúc lâu đời của chúng từ bên ngoài thôi, và chỉ được đi lại trên những lối đi xung quanh các sân cỏ vuông vức riêng tư đó. Ở ngay cổng vào hay ở porter’s lodge (phòng bảo vệ hay gác cửa), người ta thường phát cho mình một tờ rơi in sơ đồ college mình thăm viếng, vì nó khá rộng. Không ai được đi trên cỏ, kể cả sinh viên của trường, nhưng các fellows thì có đặc quyền đó. Kim Dung đại hiệp, với tư cách là honorary fellow của St John’s này từ cuối năm 2010, có thể bách bộ băng ngang sân cỏ, nếu ông thích. Nhưng khi ông còn là sinh viên bình thường của trường suốt 5 năm trước đó thì không được phép, dù khi bắt đầu xách cặp đi học lại ở đây vào mùa thu năm 2005 ông đã 81 tuổi rồi!
H.11 Một fellow của trường St John’s, với áo choàng (gown) đen, có vẻ không muốn đi trên cỏ.
(Còn tiếp)
QUẾ SƠN
PHẦN 3 :*** Formal Hall *** Cầu Than thở *** Tảng đá của Kim Dung
H.12 Tảng đá của Kim Dung trong Vườn Hồng
[1] Năm 1988 ông cho xuất bản cuốn “A Brief History of Time” viết cho quảng đại quần chúng, nó trở thành một best-seller quốc tế, bán trên 10 triệu bản trong vòng 20 năm, và được dịch ra trên 35 thứ tiếng. Ở Việt Nam, nó cũng được xuất bản (đã in tới 10 lần) với tên “ Lược sử thời gian” (Dịch giả: Cao Chi và Phạm Văn Thiều. Nhà xuất bản Trẻ, 2008). Cuộc đời tình ái của ông cũng được làm phim truyện ở Anh năm 2013, tên phim là “The Theory of Everything” của đạo diễn James Marsh, rất được khen ngợi nhiều nơi trên thế giới, được đề cử cho 5 Giải Oscar năm 2015, kể cả hạng mục “Phim hay nhất” (kết quả sẽ loan báo vào ngày 22-2-2015 tới đây). Ngoại cảnh phần lớn quay ở Cambridge, đặc biệt là ở St John’s College.
[2] Sẽ trình bày ở Phần 4 của du ký này.
[3] Sách viết bằng tiếng La tinh, tựa là: “Philosophiae Naturalis Principia Mathematica” (Tiếng Anh: “Mathematical Principles of Natural Philosophy“, Các Nguyên lý Toán học trong Triết học Tự nhiên),
của Isaac Newton, được xem như một trong những công trình quan trọng nhất trong lịch sử khoa học.
[4] Vào cuối thời Trung Cổ, do sự xung đột giữa Giáo hội và Vương triều Pháp nên có đến 7 Giáo hoàng (toàn người Pháp) nối tiếp nhau đã chọn đóng đô tại Avignon, một thành phố nhỏ ở miền Nam nước Pháp, chứ không chịu trở lại La Mã (Roma). Giai đoạn này chính thức kéo dài từ 1309 đến 1377.
[5] Trường được đặt tên theo St John The Evangelist: Thánh Gioan Tông đồ Thánh sử, được tin là người đã viết quyển Phúc Âm số 4.
Cái xứ sương mù thiệt là hay.
Tôi thực sự không biết khi viết du ký (tức kể chuyện đi chơi) có nên đem những chuyện “thiệt là không hay” ra nói không!
Viet hay,doc khong thay ngan !
Cám ơn lời “com” của anh Nguyen Van Thanh. Tôi thấy vui để kiên nhẫn viết tiếp.
Quế Sơn dịch cẩnn trọng và khi viết cũng rất chu đáo.
Bếp càng đọc cang mê nước Anh dù không thích trời mù sương nơi đó khi thu/đông đến.
Hi hi..Bếp mà là Nữ Hoàng Anh mà đọc được sẽ phong chức Hiệp sĩ cho cậu đó Quế Sơn.
Viết lầm rồi, xin đọc lại “Bếp mà là Nữ Hoàng anh sẽ ban chức Hiệp sĩ cho ….”
Tại ban đầu Bếp chỉ viết về Nữ Hoàng sau đó mới thêm bếp vô mà quên xoá bớt những từ thừa thải đi. Xin lổi quý bạn nghen.
Cám ơn chị Nga đã đọc và viết lời “com” đầu ưu ái.
Chỉ sợ Bà Hoàng đó phong chức Hiệp sĩ Dòng Đền thì tủi thân em lắm!
Mình thú vị nhất là những chi tiết về Kim Dung đã từng thụ giáo ở Anh quốc !
Phần 3 bài du ký này sẽ có đến 3 trang tôi viết về chuyện đi học của Kim Dung ở Đại học Cambridge này, anh Vinh Huy à.
Phải là người am tường về Anh mới viết sâu như vậy ! Rất hay
Cám ơn lời khen khích lệ của anh Văn Hối, nhưng thú thật, khó mà nói mình “am tường” nước Anh lắm. Tôi còn lâu mới được vậy! (không khiêm tốn giả).
Viết hấp dẫn anh Quế Sơn ơi. Bài viết giúp cho người đọc những góc nhìn lạ về xứ sở sương mù.
Cám ơn lời ưu ái của anh Vân Hạc.
Sướng quá!Thích quá được nghe kể…Chu du khắp chốn xứ người ta…Một vòng đã biết nước Anh có-Sông Cam đò dọc ngang thú vị! Có QS té sông ướt lạnh sợ…Có Nhà Thờ Tròn-Dòng Đền Hiệp Sỹ-Cũng là Tu Sĩ!Lạ lùng thứ Sáu-Ngày 13 kiêng kị!Cũng biết thêm ..Những mối tình của Đại Nhà Văn Kim Dung Cũng thật ly kỳ!…Và đặc biệt Ngôi trường mang tên Ông..Nhìn vào bắt buộc phải để ý..Thảm cỏ rộng vuông vức xin chú ý..Tuyệt đối không giẫm cỏ trừ Chủ Nhân Chờ nghe kể tiếpTảng Đá và vườn Hồng …Thật hấp dẫn?
Cám ơn lời “com” dài của bạn aitrinhngoctran. Chuyện Tảng đá của Kim Dung đại hiệp được kể chi tiết trong Phần 3, chỉ chờ webmaster sẽ “post” lên Xứ Nẫu.
Đọc hay !
Cám ơn bạn XThien đã đọc và thấy vui.
Chỉ có nằm mơ mới có thể đặt chân đến đây,càng đọc càng ganh tị
Cám ơn bạn Liên Nguyễn đã bỏ công viết lời “com”.
Đại học Anh hay thật,hèn chi ai cũng ước ao cho con em mình đến đó.
Mong mọi người được toại nguyện. Có điều ta nên tìm hiểu kỹ vì ở Anh (hay như ở Mỹ, …) không phải đại học nào cũng giống nhau, về chất lượng đào tạo cũng như điều kiện ăn, ở v.v.
Viết hay,rất thú vị.
Cám ơn anh Người Nhơn Lý. Còn Phần 3 và 4 nữa, hy vọng anh sẽ thấy “rất thú vị”, nếu anh đọc tiếp. Hi hi hi.
Cách viết thật sinh động.
Cám ơn bạn Lethivinh.
Mình sẽ xem đây là kim chỉ nam nếu có dịp đến nơi này
Hy vọng cái “nếu có dịp” của anh sẽ thành hiện thực trong tương lai gần.
Đọc hấp dẫn !
Cám ơn bạn Levanhuy. Còn Phần 3 và 4 nữa, hy vọng vẫn “đọc hấp dẫn” !
Cũng từng đến những địa danh này nhưng đọc cũng thấy mới lạ anh Quế Sơn ơi.
Cám ơn anh Nguyễn Trọng Thi đã bỏ công viết lời “com” ưu ái.
Một du kí cực kỳ bổ ích cho các phượt thủ.
Bạn Khungcuahep, tôi tin rằng các sách hướng dẫn du lịch có uy tín như LONELY PLANET, LET’S GO… hay trên mạng như tripadvisor.com thì “cực kỳ bổ ích” cho họ nhiều hơn.