Cao Thị Hoàng

Một.
Cày đứng buổi, đôi trâu sùi bọt mép. Tư Rõ trật ách thả trâu, nắng tháng hai như đổ lửa xuống cánh đồng đốt dây ruộng gò ngổn ngang đất lật phơi ải. Tay cặp nách roi cày, tay cầm ngửa cái nón lá rách quạt xành xạch, Tư cố rứt hơi nóng ra khỏi mình mẩy nhễ nhại mồ hôi. Lúc dợm chưn bước lên bờ về nhà, Tư sực nhớ cô Hai con bà Sáu Đủ nhờ anh kiếm mớ lá giang để ngày mai nấu canh chua cua kình giỗ tía.
Mùa nầy, cây lá giang không thể sống nổi trên những gò cao bởi đất khô khốc, nứt nẽ. Tư mang cái bụng đói đang đòi cơm, đi men theo lối mòn ven rạch Bà Lý quơ dây lá giang. Chợt Tư bần thần trong cái bâng khuâng đầy xúc cảm bởi, tiếng à ơ ru em của ai đó thấu hiểu nỗi lòng anh.
”Thương em chẳng lọ xấu, xinh
Lá giang nấu với cua kình cũng ngon” (Ca dao).
Làng quê anh, mỗi con rạch đều mang tên người hoặc tên cây cỏ, như: rạch Bà Tàu, cây Bần, ông Tường, bà Lý. Bốn con rạch đó, dù mùa nắng hay mùa mưa vẫn miệt mài chở nước sông Bảo Định về nuôi đất phì nhiêu, dưỡng cánh đồng xanh tốt lúa. Tư thầm thương cô Hai nếu tính ra cũng mấy mùa trăng, còn trộm nhớ thì chẳng biết tính làm sao cho xiết. Người làng coi lá giang là món ăn do thiên nhiên tặng bạn nghèo khó, chớ ít khi họ để ý tới đời sống của nó. Cô Hai thì ngược lại.
– Hồi nhỏ, tới mùa dây lá giang trổ bông, tui thích nhứt lấy dây lá giang quấn quanh đầu làm vương miện. Má mắng yêu: mầy đâu là vua mà đội mão vua! Ôm má, tui nhõng nhẽo: con gái của má đâu thèm làm vua mà mơ đội mão vua. Con thèm lá giang nấu canh chua với cua kình ở rạch Bà Lý, con ghiền mùi hương điền dã dây lá giang.
Đôi lần, cô Hai kể chuyện nhà cho Tư nghe. Từ đó, Tư bén hương bông dây lá giang.
Dây lá giang trổ bông màu đỏ gạch cua, có khi màu trắng sữa; đài ống tràng chuông; năm cánh bông đều nhau, năm nhị ngắn nhiều noãn và người làng nói đó là biểu tương ngũ hành.
Lạ một điều, chưa khi nào cô Hai gọi dây lá giang là loài dây mọc hoang, cô nói:
– Đất nào cây đó, nước nào vị nấy, không lẩn vào đâu được. Dây lá giang rạch Bà Lý từ hình dạng tới hương vị chằng thể giống dây lá giang miền đất khác. Nó chứa ít nhựa mủ trắng và chẳng ăn nhập gì với những loài cây xung quanh, nhưng vì nó biết đem cái nghĩa, cái tính chua thanh rất dịu của mình đãi thiên hạ, khiến các loài cây khác ưa thích và sẵn sàng cho nó bò leo; lắm lúc bò leo dài bốn năm thước là sự thường. Người thạo chuyện đời hiểu ra: ”Người dưng có ngãi thì đãi người dưng/ Anh em không ngãi thì đừng anh em” (Tục ngữ).
Tư Rõ hiểu mơ hồ những gì cô Hai nói. Tuy vậy, Tư tin cô Hai như tin dây lá giang bám theo con rạch Bà Lý chạy dọc dài qua làng xóm: An Vĩnh Ngãi, Trung Hòa, Hòa Phú, Vĩnh Công, Kỳ Sơn…chặn cuối cùng đổ ra sông Vàm Cỏ Tây.
Nghĩ mông lung chuyện thiếu đầu thiếu đuôi, bụng Tư quên đói. Cặp nách cái nón lá đựng đầy nhóc lá giang, tư Rõ đội nắng, băng đồng tới nhà cô Hai.
– Mèn đéc ơi! Thằng cháu tôi giỏi quá!
Bà Sáu vồn vả khen tư Rõ và giục cô Hai, dọn cơm mời tư Rõ bỏ bụng ba hột cho đỡ đói vì đã quá bữa. Tư từ chối, mặc cho cơn đói bụng thình lình trổi dậy cồn cào đòi ăn khi nghe nói tới cơm.
– Đâu đặng cháu, nán lại ăn với bà chén cơm nguội rồi hãy về!
Bà Sáu cố nài nỉ tư Rõ.
– Dạ! Má cháu đang đợi cơm ở nhà.
Nói thì nói vậy, chớ thiệt bụng thì tư Rõ cũng muốn ở lại ăn cơm và nhứt là, cơm đó do chính tay cô Hai bưng dọn. Ngặt nỗi, dòng họ ông bà Sáu ở xa đã lục tục kéo về dự đám giỗ làm tư Rõ ngại ngùng, mắc cỡ.
Có lẽ, hiểu tâm tư của tư Rõ, cô Hai giằn cái nón lá không cho tư Rõ bước ra cửa.
Ngoài bến sông, trên hàng bần cao chót vót, bầy chim dòng dọc tha những sợi nắng chiều xây tổ!
Hai.
Đêm tiên thường, trăng mười sáu tràn ngập ánh trăng trước sân nhà. Chú tám Chắc trưởng tộc họ Lê, thay mặt họ tộc nhắc chuyện thuở ông Sáu còn sanh tiền rất khoái khẩu món canh chua lá giang với cua, đặc biệt là cua kình. Chú nói:
– Chả biết ngẫu nhiên hay trời sắp đặt, con cua mà gặp lá giang chung nồi thì, y như rằng cá gặp nước, và cái hương vị đồng quê lan tỏa khắp xóm làng. Nếu qua nhớ không lầm, thời thanh niên anh Sáu từng chết mê chết mệt chị Sáu cũng bởi thèm ăn cái món canh nầy. Chị Sáu nấu canh chua lá giang với cua kình, không chê vào đâu được.
Nghe chú Tám khen, bà Sáu mỉm miệng cười vui phảng phất chút thanh xuân còn sót lại, dù đôi hàm răng đã rụng tứ tung dọc đường đời gió bịu suốt bảy mươi năm. Bà Sáu hồi tưởng:
– Lá giang dạng trái xoan có đầu nhọn sắc, phiến lá mỏng và mặt lá trên màu sáng vì tiếp nắng mặt trời, lá lớn nhỏ tùy theo đất nước nơi nó sinh sống, cũng có khi lá dài một tấc ngang nửa tấc là chuyện thường.
Trăng gợi lòng bà bao kỷ niệm cũ, kỷ niệm thời đạn bom sống nay chết mai chẳng một ai tính toán cho riêng mình và cũng chẳng ai lường trước được điều gì. Người ta đến với nhau bằng tấm chơn tình, nghĩa trọng…
Bà nói giọng buồn so:
– Cái mà thời bình yên chắc gì đã có và nếu đã có, chắc gì phổ biến đại trà trong cõi nhân gian đầy rẩy dối trá!
Chú tám Chắc ngạc nhiên hỏi:
– Sao chị Sáu nói bi quan vậy?
Bà Sáu không trả lời thẳng điều chú Tám hỏi, bà chỉ nói rằng:
– Bi quan hay lạc quan tùy mình, tùy người ở mỗi hoàn cảnh.
Rồi, bà ngó lên bàn thờ không có di ảnh, chỉ có khúc tre vật biểu tượng người đã khuất, dạ bồi hồi nhớ lời chồng căn dặn:
– Xứ mình người ta không gọi lá giang là cây mà là gọi dây đều có ý tứ cả. Cây tự sống, dây sống đậu sống nhờ. Đã yếu may là chưa đuối, chỉ toàn lá thì lấy gì tự sống để thành cây. Mỗi trái lá giang có hai trái màu đen nhạt, thẳng hay cong thường rẽ đôi, rãnh dọc. Ruột trái chứa hột màu nâu và có chùm lông mềm màu hung hung ở chóp. Nó sống thì nương mình cây khác, nhưng khi truyền giống nòi thì nó độc lập, chẳng trông chờ nhờ cậy. Trời cho nó lưỡng tính và nó biết cách thích nghi môi trường để tồn tại, không bị thoái hóa. Tui thương mình, vì mình là dây lá giang của riêng tui!
Chị dâu nhắc tới đâu, chú Tám xốn xang nhớ anh Sáu tới đó. Ngày trước, trong nhà tía hay rầy rà anh Sáu nhiều nhứt nhưng ngoài ngõ, anh Sáu lại là đứa con được tía tin tưởng bậc nhứt. Những lúc trà dư tửu hậu, tía thường ôn cố tri tân để con cháu sửa mình và rèn nhân cách. Rằng, đời ông sơ nhà mình theo Đốc binh Nguyễn Minh Hương ở làng Thanh Bình chống tụi Tây, khi chúng đã đánh chiếm Định Tường. Phía Nam rạch Bà Lý giáp rạch Cỏ Chỉ và vô Mỹ Tịnh An, xuống An Khương gặp Bình Cách rồi về Thanh Bình. Vùng đất từng đón thầy cử Phan Văn Trị về dạy học cho con cái dân lành. Vùng đất đã thắm máu xương của dân sở tại khi Pháp đặt chân đến cai trị. Nghĩa quân Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân dưới quyền Đốc binh Hương, dùng lá giang để ăn, để trị bịnh, trị thương nhằm đủ sức bảo vệ quê nhà và giữ vững ngọn cờ chống Tây trong cái đêm tấn công diệt đồn Bình Cách!. Cho nên, dân gian nơi nầy gọi chữ ”Giang” có nghĩa cán cờ và chẳng biết có dính dáng gì tới ”Cán cờ tre dài ba thước” (Trúc giang trường tam xích) hay không!?
Nhang tàn, Bà Sáu rót ba tách trà ”Ba con cua” – loại trà lúc sinh thời chồng bà ưa thích, dâng lên bàn thờ mời ông Sáu khai trà sau lễ cúng tiên thường.
– Mấy đứa dọn mâm đồ cúng, mời chú Tám và bà con chòm xóm dùng bữa cơm tối với gia đình.
Và, bà cũng không quên nhắc cô Hai múc tô canh chua lá giang nấu cua kình để dành cho thằng Tư lát nữa nó qua ăn.
Sau ngày giỗ ông Sáu, Tư Rõ tự tin và dạn dĩ hơn mỗi khi gặp mặt cô Hai. Hôm đầu tháng chín, chú Tám chống gậy sang chơi, bà Sáu biểu cô Hai mang đục theo đường trục rạ do Tư Rõ trục bắt mớ cua về nấu lá giang đãi chú. Chỉ năm ba đường trục, cô Hai bắt gần nửa đục cua. Nắng rát mặt và bùn dính đầu gối dường như muốn khô, cô Hai lội lên bờ cây mù u ngồi nghỉ. Chợt cô ngó thấy con cua kình đực-loại cua như bao con cua đồng, chỉ khác là mới thoạt nhìn thì tưởng cục bùn và nhìn kỹ thì thấy lưng nó mốc cời giống da rắn hổ đất. Cua kình đực giương càng to tổ chảng dọa và sẵn sàng đánh trả đối thủ, giành cho bằng được cua cái, bất kể gãy càng hoặc nhận cái chết.
Cô Hai thấy lạ, kêu giựt ngược Tư Rõ:
– Bớ, anh Tư! Nghỉ trục, lội lên bờ với tui một chút coi.
Đôi gò má cô Hai ửng hồng, không rõ ửng hồng vì nắng hay vì Tư Rõ ngồi cận bên. Tư nói vừa đủ cô Hai nghe:
– Một khi đối thủ khớp đèn hoặc bỏ chạy, thì đương nhiên cua cái hoàn toàn thuộc về cua đực chiến thắng. Chúng cận kề nhau đôi ba ngày và rồi, cua cái tự nguyện trải qua đau đớn lột xác. Vì, chỉ có lột xác, cua cái mới đủ khả năng giao phối cùng cua đực để bảo tồn nòi giống.
Cô Hai lơ mơ trong trạng thái bản năng.
– Ngộ quá! E..m…ý quên, tui mới biết lần đầu!
Tư có cảm giác tay chân mình nóng rang, Tư cố kềm chế, cắt nghĩa:
– Thời gian cua cái lột xác kéo dài khoảng non ngày đêm. Trong thời gian nầy, cua đực túc trực canh giữ, bảo vệ cua cái trước mọi hiểm nguy, kể cả các con cua khác đang rình rập và chực chờ xé xác cua cái ăn thịt.
Đợi chủ khá lâu, đôi trâu lôi trục vô bờ đứng nhơi lại thức ăn.
Lúc nầy, cô Hai ngồi sát nách tư Rõ hồi nào cũng không biết, cả hai chụm đầu vào nhau chăm chú theo dõi động thái của cua đực âu yếm cua cái. Cua đực lắc mình giương hai càng, bung tám cái chân theo thế cầm nã pháp dìu nhẹ cua cái lật ngửa phơi bụng giữa trời, sau đôi ba giờ kể từ khi cua cái lột vỏ xong và vỏ đã cứng trở lại. Cua cái mở bụng ôm trọn lỏn phần mai cua đực. Cua cái chủ động và thuần thục trong việc tạo động lực giúp cua đực mở rộng bụng lòi cặp mai truyền giống. Ngay tức thời, cặp mai truyền thống của cua đực cắm phập vô hai lỗ sinh dục cua cái.Từng chập… Rồi từng chập nhịp nhàng, những cái chân của cua cái và cua đực bấu quíu nhau chí ít cũng gần một tiếng đồng hồ mới buông ra!
Cô Hai quơ vội cái khăn rằn che mặt, chỉ chừa một khe hở nhỏ đủ tầm mắt nhìn đôi cua đang ân ái. Hương bông mù u lâng lâng theo con gió đồng vắng ngắt nhưng không buồn tẻ. Và, hình như cô Hai thở hơi gấp. Chắc là, bóng râm dưới tán hàng mù u không đủ sức xua tan cái nực hầm oi bức của buổi trưa.
– Về thôi, cô Hai! Trời đã trưa trờ trưa trợt rồi!
Ba.
”Con cua kình càng bò ngang cây mít
Thấy chị Hai mầy lớn đít tau thương! (Đồng giao).
Chẳng rõ kẻ nào chơi cắc cớ, bày mấy đứa nhỏ trong xóm Bà Lý hát nghêu ngao câu hát đồng giao, báo hại cô Hai nghe mắc cỡ muốn chết! Kể từ cái buổi trưa kỳ cục đó, lòng cô Hai thấy thèm thuồng thiếu thốn một cái gì đó rất mơ hồ khó tả. Đôi lần, bà Sáu vô tình bắt gặp cô Hai tư lự ngồi một mình ở cầu ao. Bà cảm thông và hiểu rằng, con gái bà vừa chạm vào đền thần Tình yêu!
– Chị biết quá mà! Ai rồi cũng vậy, trăm năm trước và trăm năm sau chả có gì khác nhau. Cháu Hai đã tới lúc vậy thì phải vậy!
Với chú Tám, dù hồi nhỏ được ông nội cho theo thọ giáo thầy đồ ở làng Phú Kiết để kiếm ba chữ thánh hiền lận lưng mần thuốc, nhưng cái đầu của chú không bị niệt vào ”Tứ thư ngũ kinh”. Khi nghe chị dâu nói chuyện về đứa cháu gái, chú tỉnh bơ không lo lắng chi. Bởi, ngần đó tuổi đời nếu, cháu không biết yêu hoặc chưa yêu ai thì mới thật là rắc rối.
– Tui lo nó yêu phải cái chỗ nghèo, cực thân và tội nghiệp nó quá!
Nét mặt bà Sáu mang hơi hướm rầu rầu, cái rầu của người mẹ khó phân, khó xử chuyện tương lai con cái.
Chú Tám cười:
– Chị khéo lo! Yêu đâu đã là cưới và cưới, chắc gì đã yêu!
Chú Tám nói tiếp:
– Bộ chị quên rồi sao? Hồi anh Sáu của tui đi cưới chị, nhà khó của ăn lấy dư đâu để của. Ở đời, chỉ cần sống chơn tình, có được một người bạn tâm giao, có miếng cơm đạm bạc, một mái nhà đủ che nắng che mưa…là hạnh phúc rồi!
Thình lình chú Tám hỏi đột ngột:
– Mà nầy, chị nói con Hai nó để ý thằng nào, xa hay gần?
– Thì, có ai trồng khoai đất nầy, thằng Tư Ràng con chị năm Lẹ ở cuối xóm, chớ ai!
Chúa Tám ực một hơi ráo nạo ly rượu thuốc.
– Tưởng ai xa lạ, dè đâu chị năm Lẹ, chị đó hiền hơn cục đất; còn thằng Tư, tối ngày nó ở ngoài đồng làm bạn với đôi trâu của tía nó để lại.
Rồi chú Tám kết một câu:
– Ông bà mình thường nói: ”Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Đàng nầy, tới hai con trâu, tụi nó dư sức lập nghiệp tạo cơ ngơi.
– Tui ngại con Hai nhà mình về mần dâu chị Năm không xuể, lối xóm cười chê!
Bà Sáu rào trước đón sau, nhằm lôi kéo bên nội con Hai cùng lo.
Chú Tám cười khà khà:
– Miễn là hai đứa nó đừng thuộc loại: ”Cua thâm càng, nàng thâm môi” là được!
Tháng chạp, vào chập tối gió chướng thường thổi mạnh về. Chú Tám ngồi thầm trong căn nhà ba gian thờ cúng tổ tiên, bóng đêm giúp chú sống lại những ngày đáng sống, những ngày cùng anh Sáu vào Hội kín Phan Xích Long, chèo ghe lên Sài Gòn đánh Dinh Thống đốc Nam Kỳ và trong trận đó, anh Sáu tử thương. Chị Sáu không dám để tang chồng, giấu chòm xóm và giấu luôn con gái; chú chôn anh âm thầm và ém nhẹm để tụi Pháp không tầm ra manh mối gây khó dễ hoặc nguy hại tới gia đình.
Chú Tám thương cô Hai hơn con đẻ. Nhiều đêm đắn đo suy nghĩ, chú đi tới quyết định dạy cô Hai trước lúc theo chồng bài thuốc bí truyền ”Canh chua lá giang nấu cua kình” được các nghĩa sĩ Hội kín Phan Xích Long sử dụng.
Cô Hai sáng dạ, chú Tám nói tới đâu, cô Hai nhớ tới đó; cô thuộc lòng dược tính của lá giang, của của kình và thông thạo cách phối hợp giữa cua kình với lá giang trong nồi canh chua đơn giản. Ấy vậy, mà nó trị hiệu quả chứng no hơi đầy bụng, đau bao tử, nhức xương khớp; đồng thời, nó giúp liền gân nối xương, tan máu đông cục, bị ngộ độc…
Chú Tám hay mơ về thời quá vãng, cái thời đàng cựu theo chúa Nguyễn vào phương Nam khai hoang lập điền, họ dùng cây-con làm thức ăn và cũng là thuốc phòng trị bịnh ở nơi: ”Tới đây xứ sở lạ lùng/ Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê” (Ca dao).
Chú cẩn thận dặn đi dặn lại cô Hai:
– Cua mắt đỏ, lườn bụng mọc lông, mần thịt cua nếu gặp cua chết thì thà nhịn thèm hơn ăn. Lúc chồng con cảm cúm, ho hen hoặc giả bị sỏi
thận, đau khớp thì đừng cho nó ăn canh chua lá giang nấu cua kình. Con nhớ lấy!
Xóm giềng tấm tắc khen và ngụ ý, rằng: Cô Hai như dây lá giang mọc bờ rạch Bà Lý, buộc ràng Tư Rõ như con cua kình trên cánh đống lúa An Vĩnh Ngãi. Lá giang vị chua thanh, dễ dàng làm mềm xương thịt kẻ ở chung nồi. Vì vậy, kẻ không trưởng thành từ thiên nhiên sẽ không ngon lành gì khi chung đụng với lá giang. Con cua kình sinh ra và lớn lên nơi ruộng đồng nên xương thịt rắn chắc, đủ sức tương tác lúc cùng lá giang ”sắc cầm hòa hợp”. Vị chua lá giang chẳng là mỹ vị của cao lương, nhưng vị chua đó, đầy ấp tình quê xứ sở.
Chiều chiều người ta nghe văng vẳng câu hò theo gió đong đưa:
”Vợ chồng là nghĩa phu thê
Tay ấp má kề sinh tử có nhau” (Ca dao).
Gần đây, Tư Rõ sanh tật đi cày mướn, chiều không về nhà, chỉ có đôi trâu vừa đi vừa nhơi miệng lững thững về chuồng. Đêm má chồng chong đèn ngồi đợi con. Đêm cô Hai nằm khóc thầm, vừa sợ ma, vừa lạnh, vừa chờ chồng. Gạn hỏi chồng, chồng ậm ờ như cá vô bớ cắn phải lưỡi câu. Hỏi riết, Tư Rõ nói:
– Chủ ruộng bắt ở lại uống rượu, say sỉn quá không về nhà được.
Ban đầu cô Hai tin thiệt, nhưng dần dần cô có cảm giác Tư Rõ nói dối với cô. Tức quá nên quá tức, cô xin phép má chồng về thăm má đẻ. Thấy cô Hai về, bà Sáu thương con gái một mà thương thằng rể tới mười. Bởi, bà, chú Tám và chị sui biết rành vì sao Tư Rõ vắng nhà. Để con gái ở chơi vài hôm cho nguôi ngoai, bà Sáu lựa lời khuyên:
”Đốn cây ai nỡ dứt chồi
Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương” (Ca dao).
Khuyên con là khuyên vậy, chớ lòng bà phập phồng lo sợ khôn cùng. Lo sợ rồi một ngày nào đó, con gái sẽ như bà, thằng rể sẽ như cha vợ…Bà thở dài, tiếng thở dài xé mây, chẳng hiểu có thấu tới trời xanh!? Quê hương bà sao lắm nỗi đau và nhiều nỗi khổ, hỡi trời!
Nghĩ tới con, rồi nghĩ tới mình. Bà đã từng:
”Đêm qua ngỏ cửa chờ chồng
Đêm nay ngỏ cửa gió đông lọt vào” (Ca dao).
Thương con rồi lại thương mình. Bà từng thâu đêm võ vàng vì nhung nhớ:
”Chim chuyền cành ớt,
rớt xuống cành mai
Vợ chồng xa cách làm ai cũng buồn” (Ca dao).
*
Tự dưng Tư Rõ buồn buồn và trong lòng cảm thấy bất an. Rổ cua kình bất động trên sàn nước cầu ao, Tư chẳng màng rửa sạch, bẻ càng, bẻ chân như những cái que, tách yếm…Anh nhìn bầu trời quê hương trong xanh, nhìn những áng mây trôi lang thang và không biết chúng tá túc phương nào đêm nay!
– Rổ cua kình xong chưa mình! Lẹ lên, nước đã sôi.
Nước sôi mắt cua, Tư Rõ cầm rá lá giang dợm tay vò lá giang bỏ vô nồi canh chua…
Bọn lính Tây đen đồn Hòa Phú chạy rầm rập bao quanh nhà, thằng Tây mặt ngựa xông vào bếp. Cô Hai điếng người, đứng như trời trồng. Tư Rõ bình tĩnh để rá lá giang xuống mặt bếp và thản nhiên đón nhận những gì sẽ đến với anh.
Trước lúc chúng dẫn anh đi, tư Rõ thốt lên:
– Mình!
Sau tiếng mình, là cú đánh thằng bằng bá súng trường vào đầu tư Rõ. Từng giọt máu của anh nhỏ thấm đất nền nhà.
Mười năm rồi, anh vẫn chưa về. Gặp người thân quen, cô Hai nói trong nước mắt:
– Nồi canh chua lá giang nấu cua kình mười năm chưa chín!/
CTH.
Được đọc thêm một truyện ngắn của bạn, một truyện ngắn đầy dân tộc tính miền nam, là của hiếm đó bạn.
Cảm ơn hgiang.
Chúc bạn vui.
Đây mới là văn CTH.
Dạ!
Cảm ơn anh nhận ra em sau mấy năm em ”bỏ cuộc vui đi lấy chồng”. Giờ chồng bỏ, em lặng lẽ quay về nơi đã ra đi…Vẫn trang Xứ Nẫu, nhưng dường như vắng nhiều, rất nhiều hình bóng cũ thân thương…
Anh chị ơi! Bằng hữu ơi! Người tri kỷ giờ phiêu bạt phương trời nào, Hoàng nè!
Chúc anh Cung Doang của em vui khỏe!
Mà mình có cảm giác bạn không phải là nữ đâu
Anh ơi! Chẳng lẽ em đổi giới tính!? Rồi, sẽ có dịp anh em mình gặp nhau tại nhà anh Sáu Nẫu chủ trang.
Chúc anh của em vui.
Có cảm giác bí mật ,thật bí mật xoay quanh tác giả này mà mình chưa hiểu, dù gì thì gì, bạn viết rất xúc động
Không đâu anh, chẳng gì là ”bí mật” và em vẫn là em của anh!
Chúc anh vui khỏe.
Oh la la vậy là nàng đã xuất hiện, lợi hai hơn xưa, oh là la, quá hay.
Thiệt xúc động và sướng muốn chết khi mình gặp lại nhau!
Chúc NKha mãi là bạn em.
Viết gần gũi, dễ thương mà cá tính
Cảm ơn anh PLong.
Chúc anh vui.
Coi dui dù có hơi buồn.
Em cảm ơn anh Việt Cường
Chúc anh vui.
Trưa hôm qua, mình đã nấu canh chua lá giang với cua biển cửa sông Ông Đốc (thay cua kình). Mèng ơi! Ngon khôn tả!
Đọc tới đọc lui, mình vẫn thích cách viết truyện của Hoàng vì nó gần gũi, thân tình và có tánh cách riêng, rất riêng.
Cảm ơn chị.
Nếu có dịp, em mang cua kình Hòn Đất xuống Cà Mau nấu lá giang Đầm Dơi đãi chị.
Chúc chị trẻ đẹp mãi!
Bắt đầu thích với tác giả này. Văn chân chất, không kỹ thuật mà từ từ thấm.
Cảm ơn anh Nguyễn Hồ.
Em như giề lục bình quê nhà vừa trôi vừa trổ bông!
Chúc anh vui.
Có ai biết hành trạng tác giả này không ?
Thưa A. Khiêm,
Theo em, muốn biết từng tác giả viết trang XUNAU là ai, đờn ông hay đờn bà, con gái thì không chi bằng hỏi Sáu Nẫu.
Người đọc, chỉ biết thích hay không thích tác phẩm mà thôi!
A. Khiem, chị Hương ơi!
Em nè!
Chúc anh chị vui.
Lâu rồi mới gặp lại nhà văn xứ rẫy
Cảm ơn Áo Tím
Chúc bạn vui.
Lá giang nấu canh cua Kình.Mười năm chưa chín thiếu tình lửa hương.Duyên nợ ba sinh tựa nương.Ấy mà xa cách nghìn trùng vì sao?
Cảm ơn bạn.
Chúc vui.
Vốn tri thức và cách nghĩ như vậy không thể là từ cô gái trẻ trung xinh đẹp Hoàng ơi.
Anh Thi ơi!
Đôi khi, cái vô lý lại là điều hữu lý.
Cảm ơn anh.
Có gặp có biết!Hi…
Chúc anh vui.