Vũ Thiên Kiều
Ba nó mất thật rồi. Hôm nay đã mười ngày ba nó xa cõi đời này. Việc nhớ ba là hẳn nhiên rồi. Việc nó thương ba cũng đâu gì lạ. Một thằng con trai hai sáu tuổi, sức dài vai rộng, vẫn như một cậu bé bên cạnh một người cha lúc nào cũng cần mẫn chăm chút cho nó từ miếng ăn giấc ngủ đến áo quần.
Lúc ba nó còn sống, việc chính của nó là học, là đọc, là xem, là chơi. Trong bốn việc chủ yếu ấy thì nó mới thực hiện tốt việc chơi và xem. Hai việc đó thôi là đủ hút thời gian của nó rồi. Nó xem gì? Những bộ phim kinh dị, những pha đánh nhau như lửa của bọn thị trấn bụi.
Sao lại gọi là thị trấn bụi. Đó là những thằng bạn tâm giao của nó ở cái xứ quê chẳng hẳn quê mà phố chưa thành phố. Nó chơi gì? Là chơi game, là đua xe, là đá gà, cá độ đá banh. Những món nó chơi hầu hết đều phải dùng tiền. Tiền đối với nó không xi nhê gì cả. Khi nó yêu cầu. Ba nó lẳng lặng chỉ lên ban thờ. Nó biết ý nhấc bổng lư hương trước di ảnh của ông nội nó và lấy tiền bỏ vào túi chạy vút đi. Mặc kệ cho cái lư hương xộc xệch ngả nghiêng.
Mặc kệ ông nội nó trầm ngâm trong di ảnh. Mặc kệ ba ngó theo nó với gương mặt có thể nói là nẫu nát. Ba nó lắc đầu. Ông lẩm bẩm điều gì chỉ ông mới hiểu. Rồi ông trở lại ban thờ, ông cẩn thận vuốt lại bao bì thư để dưới lư hương. Ông sửa lư hương cho ngay ngắn. Cái bì thư trong ấy có bức thư. Bức thư là những điều tâm huyết ông viết sẵn dành cho nó. Đã lâu ông nghe trong mình khó ở. Mỗi đêm ông ho nhiều hơn. Biết ông có sống đời mà lo lắng cho nó không. Nên ông phải chuẩn bị. Ông hy vọng mong manh vào sự tỉnh ngộ của nó. Nói và khuyên con ư. Ông đã nói rồi. Đã khuyên nó ngán rồi. Thậm chí cả đánh chửi. Nhưng cái bận nó bỏ nhà đi hơn năm trời làm ông sất bất sang bang. Ông tìm nó khắp nơi vẫn bặt tin bặt tức. Ông thắp nhang vái lạy vong linh ông nội nó. Cầu ông nội phù hộ cho thằng cháu đích tôn cũng là đứa cháu nội duy nhất bình an trở về.
Rồi nó trở về thật. Ông mừng quá ôm chầm lấy nó. Nó hất tay ông ra biểu: “Ba thương gì tui, ba đánh chửi tui mà”. Nước mắt ông nuốt ngược vào trong. Đành. Cây có một trái, ngọt đắng gì cũng đành. Nó ngỗ ngược với ông mấy ông cũng nhịn, miễn nó đừng hung dữ hỗn hào với xóm giềng là được.
*
Ba nó là người đàn ông gầy gò, lam lũ vất vả. Nghe kể hồi trai ông có một hầm rau cần xanh mướt rướt. Ở cái xứ phèn này. Kể ra rau cần sống được mà còn mướt non là chuyện lạ. Nhưng ba nó không lạ. Trồng cây nào thì cũng như người ta nói về cây lúa: Nhất nước nhì phân tam cần tứ giống. Giống rau cần thì ba nó mày mò xuống tận vùng Tân Hiệp để đem về. Nước và phân thì lúc nào cũng ăm ắp. Ăm ắp bởi cái hầm hai ngàn mét vuông ba nó trồng rau cần chính là chỗ chứa nước thải, phân thải của hơn hai chục cái chuồng heo của một khu tập thể.
Hồi đó thời bao cấp, khu tập thể của ngân hàng ai cũng cất thêm cái mái ra phía sau để tranh thủ nuôi con heo con gà con vịt cải thiện đời sống. Cái sự cải thiện đời sống của họ cũng là cải thiện đời sống cho ba nó. Ba làm giàu được từ cái hầm rau cần ấy. Chứ không nữa. Mỗi ngày cắt hơn trăm ký rau, trừ ăn uống công cán, ba sắm cất đều đặn được nửa chỉ vàng. Cái sự sắm vàng của ba dù kín dù khéo đến đâu cũng bung xòe ra. Bởi ở thị trấn nhỏ này, sự lạ dễ ai để cho yên.
Người ta thấy ba nó sắm vàng cũng ngốt. Người ta đồn um lên là rau cần cứt heo, rau cần của ba nó dơ thấy gớm… Cái sự tai quái của kẻ ghanh ăn ghét ở cũng không hề hấn gì tới cái hầm rau cần và thu nhập đều đặn của ba. Điều ba lo nhất là các chủ chuồng heo đòi ăn chia kìa, hoặc giả họ không cho ba trồng rau cần nữa. Nhưng ba nó đã có cách riêng. Ba xác định, người to nhất ở khu tập thể ấy là ông giám đốc. Mà không phải, to nhất khu tập thể là bà vợ ông giám đốc mới đúng. Nhưng tiện miệng người ta gọi luôn là bà giám đốc.
Thế là ba nó mỗi tuần một lần, khi thì ký thịt trâu gởi biếu cộng bó rau cần mới cắt, khi thì ký mực tươi, khi thì con cá lóc bự ba mới cặm câu hồi đêm. Rồi các chủ hộ nuôi heo khác thì giúp họ sửa cái chuồng heo, cắt giùm họ bó môn nước cho heo ăn, đội giùm họ đội củi… Bởi vậy, người ta thương, người ta đâu nỡ cay nghiệt với ba nó. Mà mới đầu, cái sự thương của họ ba hiểu cũng là cái vỏ thôi. Đã có lần họ bàn nhau sớt một nửa hầm rau cho người cháu ông giám đốc. |
Người nọ cũng tới và đứng trên bờ thị sát, thấy nước đen ngòm phân thúi hoắc, ông ta bịt mũi rùng mình ớn lạnh bỏ đi luôn. Thành ra ba nó bền vững với việc trồng rau ở cái hầm ấy, bền vững với việc giải quyết cho cái sự quá tải của chất thải từ các chuồng heo. Nên sau này, hẳn họ quý và họ thương ba nó là thật lòng. Mà ba nó cũng chẳng bận tâm về việc họ thương hay ghét. Ba nó cứ đều đặn cắt rau. Đều đặn giúp họ. Và quan trọng nhất là đều đặn sắm vàng để dành cưới má nó, một y sĩ xinh đẹp ở bệnh viện huyện.
Má nó tên Huyền, là cháu gọi bà giám đốc bằng dì. Người ta nói má nó đẹp. Má cao một mét sáu hai, dáng thon, da trắng, mặt như diễn viên Củng Lợi của Trung Quốc. Một lần giáp mặt gởi biếu thịt trâu cho bà giám đốc làm ba nó ăn ngủ không yên. Ba, một thầy giáo dạy môn giáo dục công dân của trường cấp II thị trấn, cao cao chút nhưng gầy gò đen đúa bởi ngoài giờ lên lớp thì đằm đẵm cắt rau, bó rau, rửa rau và chở đi bỏ mối ở chợ. Biết ba mê cháu gái bà giám đốc, người ta thẽ thọt bắn tin, nào là phải có nhà xây ở lộ chính, phải đi tiền chợ, vòng vàng… nhiều nhiều thì may ra cháu bả mới ưng. Ba nó biết người ta bắn tin thế để ba nó ngán, đừng có xếp hàng theo đuôi như hàng tá bác sĩ lúc nào cũng lịch sự thơm nức vây quanh người đẹp nữa.
Nhưng mà ngộ. Ba nó dày công đeo đuổi, nào quà tặng cháu, tặng dì. Nào phụ tiếp việc nhà không biết mệt, nhưng người đẹp y sĩ vẫn không là không. Chừng hai năm, lúc ba nó chán không theo đuổi trông chờ nữa, chỉ chăm chú đi dạy và cắt rau thì bà dì gọi lại gả cho. Ba nó hổng tin, khẽ khàng mời người đẹp ra ngắm hầm rau cần rồi run run hỏi: “Vậy chứ Huyền thương tui thiệt hông?”. Má nó se sẽ gật đầu. Cơ hội ngàn năm có một. Lỡ để lâu nàng đổi ý. Vậy là đám cưới được tổ chức gấp rút tại khu tập thể ngân hàng với đầy đủ sự hực hỡ sang trọng và hạnh phúc tột cùng của ba nó.
*
Nó ra đời. Ba cực như con giòi. Bởi má làm ở bệnh viện, trực đêm trực hôm miết. Ngày được nghỉ thì má lăn ra ngủ cho lại sức. Việc chăm nó, chăm má và chăm hầm rau cần tất nhiên cũng chỉ mình ba nó. Nghe nói má nó nhõng nhẽo bể trời luôn. Ăn cơm xong má nó ôm bụng nói: “Huyền đau bụng quá anh Ngộ ơi”. Ba nó hỏi: “Có sao không em”. “Dạ. Huyền nằm võng một xíu là đỡ liền”. Chao ơi. Giọng ngọt như mía lùi. Một chút của má nó là hai tiếng đồng hồ. Trong hai tiếng đồng hồ ấy, ba dọn mâm rửa chén quét nhà, đút cho nó ăn, tắm cho nó và đưa nó ngủ. Cực khổ vậy mà ba cười hề hề như không. Mấy người ở xóm nói thiệt ba đụt quá. Cưới vợ đẹp thì còng lưng là đáng đời. Mà không chừng còng lưng rồi cũng chưa chắc giữ được vợ ấy chứ.
Thiệt là miệng người ta độc địa quá thể. Nói sao ứng vậy. Do dãy nhà tập thể bị phá đi, họ bơm cát lấp hầm rau cần để xây trụ sở ngân hàng cao hơn, đẹp hơn, rộng hơn. Ba nó xoay qua nuôi bò vỗ béo, kiêm mổ bò. Cứ chủ nhật hoặc lễ tết ba nó làm một con bò bày bán trước cửa nhà. Rồi ba nó mua hai chục công ruộng bì bõm làm thêm. Má nó giờ đỡ hơn chút. Đôi lúc cũng đi cắt cỏ tiếp ba nó. Còn khi bán thịt bò thì má nó ngồi lăm lăm thu tiền, không mẻ cắc nào.
Vài năm nuôi bò, mổ bò. Má nó đi cắt cỏ siêng hơn. Mỗi lần cắt càng dài thời gian hơn. Trước đi một tiếng thì giờ chắc phải từ sớm đến trưa cũng được một bó chở phía sau xe. Má biểu cỏ ngày càng hiếm. Nhưng chừng về thấy mắt má nó tươi lắm, tươi như bó cỏ ý.
Có lần, ba thấy má đi đã lâu, quá sốt ruột bèn phóng xe kiếm. Cái xe vẫn dựng ở bên miếng cỏ má nó thường cắt nhưng không thấy má nó đâu. Ba nó không gọi mà ngóng nghe dáo dác. Hình như có tiếng thầm thì, có tiếng cười nữa. Ba nó nhướn mắt qua ranh quán trầm bên cạnh. Là tiếng má nó phát từ cái tum bên ấy. Cái tum được dựng bằng lá dừa, có mắc chiếc võng. Là nơi những cặp trai gái thường hẹn hò. Nhưng sao cái màn trước cửa tum lại buông kín mít thế kia.
Trời ạ. Má nó có bồ. Má nó đang tâm sự với ai?. Ba nó phóng cái rẹt qua hàng rào thép gai chạy về phía cái tum, trong tay lăm lăm sẵn cái lưỡi hái cắt cỏ. Dây thép gai cào rách quần ba nó, rách đầu gối ba nó máu chảy ròng ròng. Đau đớn, nhưng cái màn kia làm ba nó đau đớn hơn. Ba giựt mạnh cái màn, cảnh tượng như phim hiện ra trước mắt ba. Má và người kia đang môi dán chặt môi, phía dưới nhún nhẩy theo nhịp võng. Ba nó la lên: “Trời!”.
Ba giơ cái lưỡi hái định cắt tai ông kia. Mũi lưỡi hái mới chạm vành tai ông kia thì ba nó chợt nghe đau thắt ở ngực, ba ôm ngực lảo đảo té xuống đất, tay phải vẫn cầm chắc cái lưỡi hái. Má nó hết hồn nhả ông kia ra, sửa lại quần áo và chạy ra đỡ ba nó. Ông kia thấy thế lên xe lủi mất tăm.
Chuyện không ai biết. Chỉ má nó với ba nó biết. Ba nó ra điều kiện, một là chấm dứt với ông kia. Hai là dọn ra khỏi nhà. Và má nó đã chọn cách thứ hai.
Tuần đầu tiên má nó rời nhà, nó mới bảy tuổi chứ mấy. Đêm, nó khóc sướt mướt tìm má. Ba nói má đi mần kiếm tiền mua bánh, mua đồ chơi cho con rồi. Nó tin điều đó vì mỗi cuối tuần ba nó đem nhiều bánh kem, bánh bông lan là thứ nó thích, rồi đồ chơi là siêu nhân, xe điều khiển từ xa về cho nó. Nó hỉ hả ăn bánh rồi chơi, mệt thì ngủ.
Chừng vài tháng thì nó quên má luôn. Cũng không thấy má về thăm nó. Lớn lên một chút, hiểu chuyện nó mới biết má bỏ việc theo ông kia về Sài Gòn. Trước khi đi má cũng kịp tụm hết số tiền dành dụm của cả nhà. Ba không nói tiếng nào. Ba chỉ ôm chặt nó hơn. Bởi nếu chia của thì phải chia con, má bắt nó thì ba coi như chết sớm rồi. Nguồn hy vọng, niềm vui của ba là nó. Còn lại hai cha con, ba tảo tần tiếp tục đi dạy, nuôi bò, mổ bò, làm ruộng và chăm sóc nó nhiều hơn.
*
Nó đã lớn lên trong vòng tay người ba và cũng là người má. Đâu tám năm sau, cơn giận nguôi ngoai, ba có đi tìm má. Nhưng má đã có nheo nhóc ba đứa con bên cạnh người chồng mần nghề mua bán và mài kìm. Ông này ổng dữ lắm, hở chút là đánh má tơi bời, ổng mắc bệnh ghen nặng, biểu má làm gì ngồi đâu là ở đó. Hổng dám xê dịch, hổng dám cãi hoặc đi đâu hết trọi. Má nhìn ba rồi quay gót vô buồng. Nói gì nữa. Chén nước đã hắt đi rồi hốt lại được không. Âu cũng là cái số hay đúng hơn là cái giá phải trả cho sự lăng loàn của má.
Ba hỏi mua hết số kìm làm móng tay của ông kia với giá gấp đôi thị trường. Ổng hỏi sao mua nhiều dữ. Ba nói: “Dưới quê tui gà móng đỏ nhiều lắm, về cắt bớt móng cho tụi nó đừng cào nhau nữa”. Nghe tiếng con nít trong buồng khóc rộ ra. Ông kia nạt, không kể gì người khách là ba nó: “Đồ đàn bà hư. Có giữ con cũng không biết giữ nữa. Mày có kêu nó nín không. Nó không nín tới lượt mày khóc mới ngon đó”.
Ba vác bao kìm và ngoắc xe ôm đi như chạy trốn. Ba sợ nghe thêm vài câu nữa ba sẽ nhào đánh ông kia mất. Đành. Số ai nấy hưởng. Phận ai nấy chịu. Xe đi lên chiếc cầu, ba biểu ông xe ôm dừng lại. Ba nó ném cái bao kìm xuống sông. Một tiếng “tũm” lạnh tanh vang lên. Bao kìm cắt móng giá trị bằng một cây vàng đã nằm yên dưới đáy sông.
Má nó xơ xác khổ sở đã đành. Nhưng ba nó cũng khổ mới oan chứ. Cái sự khổ của ba là do nó đem lại. Lúc nó còn học phổ thông, người ta mắng vốn ba nó như cơm bữa. Bữa trước có bà lại mắng sa sả: “Thằng Đoàn nó đánh con tui tét đầu nè”. Ba lại lo thuốc thang năn nỉ người ta. Bữa sau lại: “Thầy Ngộ ơi! Thằng Đoàn nó ném hết tập vở của con tôi xuống sông rồi”. Ba lại sắm tập vở năn nỉ và đền tiền cho con người ta.
Nó thì biết rành cái lợi thế của nó. Nó coi ba nó như là một cái mỏ lộ thiên cho nó đào. Một mình ba mần đủ nó xài. Nó thấy những lúc ba chăm chút nhìn nó, mắt rưng rưng. Nó liền ngoảnh mặt chỗ khác. Hoặc nó bật ti vi lên um sùm là ba bỏ ra vườn kệ nó muốn làm gì thì làm.
*
Hai sáu tuổi. Không nghề nghiệp. Ba mất mới mười ngày. Nó chợt nghĩ về nó. Nó phải sống sao đây?. Cái lư hương trước di ảnh ông nội vẫn đó. Ông nội vẫn trầm ngâm nhìn đứa cháu đang uể oải vặn vẹo người trên chiếc võng. Nó nhìn bàn thờ ba. Vẫn còn đèn hoa, ánh mắt ba nhìn như bao dung, như che chở nó. Trời ơi! Ba nó mất thật rồi sao. Ai nuôi nó đây?. Nó lại ngước nhìn ba. Ba lại trao cho nó một cái nhìn thật ấm áp như ngầm bảo: “Con đừng lo. Có ba đây. Ba sẽ lo cho con mà”. Nó khóc.
Không phải nó khóc mà nước mắt nó tự chảy. Ba ơi. Con làm khổ ba. Nếu như con ngoan. Nếu như con đừng phá thì ba đâu có mỏi mòn mà chết sớm như vầy. Ba ơi! Có kịp cho con làm đứa con hiếu thảo của ba không. Nó ngước cặp mắt đang ừng ựng nước về phía bàn thờ ông nội. Cái lư hương như rung rung. Nó tiến về phía ban thờ. Nó nhấc lư hương lên. Dưới tờ giấy đỏ là một xấp tiền. Dưới xấp tiền có một bức thư. Mọi lần, tiền thì nó lấy. Lần này, nó gạt xấp tiền sang một bên, nó cầm bức thư lên. Nó hối hả mở thư. Bức thư bằng nét chữ ba viết:
“Đoàn! Con trai yêu của ba!
Con ơi! Ba có lỗi với con vì ba đã bỏ con đi sớm. Ba không ở mà chăm sóc lo lắng cho con tới lúc thành gia lập thất. Ba mệt rồi. Ba đuối lắm rồi. Ba nhu nhược lắm phải không con. Phổi ba có vấn đề rồi con ơi. Chắc cũng không mấy nữa ba về với ông bà nội. Trước khi rời cõi thế này ba muốn nói với con một điều. Một sự thật mà bấy lâu nay ba hết sức giữ gìn. Phải ba ích kỷ quá không con. Từ lúc má sinh con đến giờ một tay ba chăm bẵm, hỏi sao ba có thể rời con được chứ. Nhưng trong giờ phút này, ba không giấu con nữa. Con phải biết sự thật. Dù sự thật này có thể làm con đau, con hận ba.
Con ơi. Ngày bà dì gả má cho ba là má đã mang thai con ba tháng rồi. Ba ruột con đã rẫy bỏ má khi má có thai con. Bà dì thì không cho má phá thai. Ba ruột của con là ai chỉ má mới biết. Ba cũng chưa lần hỏi má về chuyện này. Ba nói vậy, dù ba mất đi đứa con. Dù ba và ông nội không được con thờ cúng sau này thì ba cũng vui lòng. Lá rụng về cội con à. Hãy đi tìm má và hỏi về ba ruột của con đi.
Những tài sản như nhà cửa, vườn đất này ba đã làm di chúc trao con hết rồi. Giấy tờ ở trong ngăn tủ dưới bàn thờ này con à. Trong cái túi vải đen có năm cây vàng đó con. Con hãy cầm số vàng đó đi tìm ba, rồi lo cưới vợ nha con. Đất ruộng, nếu con mần thì hỏi chú Chín bên nhà cách mần, còn không thì cho vợ chồng chú mướn cũng được. Mỗi công cho mướn 2 triệu, một năm con cũng có bốn chục triệu để xài. Như con giỏi tính thì lên cửa khẩu Xà Xía, vùng sát biên giới mua bò còm của bà con dân tộc Khomer về vỗ béo rồi bán hoặc mổ như ba đã làm. Nếu con chịu làm không mấy mà giàu có đâu con.
Ba mong con suy nghĩ và trưởng thành lên. Ông bà nội và ba ở dưới suối vàng sẽ vui lắm con à.
Vài lời ba gởi lại con.
Ba thương con nhiều.
Ba của con
Ngộ”
Nó khóc như mưa. Ba ơi. Con hư quá. Con không phải con ruột của ba mà chảnh chọe làm khổ ba suốt. Nó nức nở gào lên: “Ba ơi”! Nó chắp tay trước bàn thờ ba, cây đèn vẫn đỏ đượm như tình ba dành cho nó.
Nó đi tìm ba ruột của nó ư! Không! Ngàn lần không. Nó không bao giờ đi cả. Hai sáu năm có mặt trên đời này nó đã khi nào thấy ba ruột đi tìm nó đâu. Má nó, người dứt ruột đẻ ra nó còn bỏ đi theo tiếng gọi của tình yêu mà. Không! Ông bà nội của thằng Đoàn này là ở đây. Ba ruột nó là ba Ngộ chứ không ai hết. Ba ơi! Con sẽ không chơi bời quậy phá nữa. Con sẽ làm đứa con ngoan. Con sẽ làm người tử tế. Con sẽ làm ruộng, con sẽ làm những nghề mà ba đã cực khổ để chắt chiu nuôi con. Ba ơi…
*
Miền Tây vào những cơn mưa đầu mùa. Nước đã xâm xấp mặt ruộng. Sớm nay nó sang nhà chú Chín:
– Chú Chín ơi! Lúa giống chú còn nhiều không ạ?
Chú Chín ngạc nhiên:
– Hả! Thằng Đoàn mày hỏi lúa giống hả?
– Dạ. Mùa này con sạ lúa chú ơi. Chú chỉ còn mần với nha.
– Hả!!!
Chú Chín lại gần nó, chú cầm tay nó chú lắc lắc. Rồi chú nghéo cái đùi chú đau điếng. Vậy là chú không nằm chiêm bao. Là thật. Thằng Đoàn con anh Hai Ngộ nó muốn làm ruộng rồi. Nó không hư nữa rồi. Chú cười mà mặt chú tong tong rớt nước mắt. Chú lôi nó xềnh xệch trở về nhà nó. Chú đốt nhang và khấn trước bàn thờ ba nó:
– Anh Hai ơi! Thằng Đoàn con anh nó ngoan rồi. Nó biết nghe lời anh rồi. Mừng quá. Tui hứa với anh sẽ chỉ dạy nó mần ruộng, nuôi bò. Con lại lạy ba con đi Đoàn ơi. Lá rụng về cội mà. Ba sao con vậy mà. Anh giỏi giắn siêng năng thì con trai cũng phải thế chứ. Thiệt mừng quá anh ơi.
Chú Chín thành kính xá ba xá và cắm nhang lên ban thờ ba. Mắt ba nhìn nó như reo. Phải rồi. Lá rụng về cội. Công lao ba nó phải được đền đáp. Vòng khói từ những cây nhang thơm nức quyệt vào nhau. Ngoài trời lại sắp sửa một cơn mưa. Mưa vầy mấy hồi mà vào vụ đông ken đây.
Chú Chín nói:
– Kêu máy cày cày ruộng được rồi đó. Ừ. Mà để chú kêu cho. Mai qua nhà chú sớm, ăn cơm xong chú cháu mình vô ruộng. Đem bình xịt theo xịt cỏ bờ luôn. Cực cũng không bỏ cuộc nha.
Nó cười thật hiền nói:
– Dạ. Cỏ bờ con xịt rồi chú ơi.
– Trời! Sao mày biết?
– Dạ! Con đọc trên mạng. Hỏi anh “Gúc Gồ” là gì cũng biết. Trên đó có đủ, từ hướng dẫn làm đất tới sạ lúa bón phân bơm nước… chú ạ.
Chú Chín bỗng quỳ xuống trước ban thờ ba nó:
– Anh Hai ơi! Anh thiệt linh thiêng. Con anh nó khôn rồi. Anh có phước rồi đó anh Hai ơi!
Rồi chú kéo vạt áo chùi những giọt nước mắt lại vừa rơi trên gương mặt không giấu được niềm vui.
Đọc xong Bếp tin thêm một điều, nghiệp căn, thiên mạng. Cái ông Ngộ mắc nợ tiền bà vợ hư và đứa con hoang. Khi ông chết lá nợ dứt, và khi nợ dứt thì đứa con trở thành ngoan hiền, giống như cái giấy nợ được xé để hồn người mắc nợ được thỏa thuê.
Chuyện hay, mang tính nhân văn, phản ảnh cuộc sống xã hội đa dạng, đa chiều, dễ đọc, dễ hiểu. Chỉ tiếc là lúc sau nầy xứ nẫu vắng bóng khách vãng lai bình phẫm hơn ngày xưa dù không thiêu những bài đáng đọc.
Cám ơn nhà văn Thiên Kiều, nếu gọi viết là sống, là để ta tự thấy ta, không cần lời bình bốn phương thì cho Bếp gửi chị một lời cám ơn công khó viết bài cho Bếp giờ đây ngồi ngẫm nghĩ chuyện đời…ông Ngộ để “ngộ” ra những cái đáng “ngộ” của cuộc đời nầy.
Thân ái,
Chào chị “Thiên Kiều”, Bravo! Lâu quá không gặp. Viết hay lắm! Keep writing. Thanks! Chúc chị mãi vui khỏe tươi đẹp dễ thương. Mến!
Văn Của VTK có vẻ dễ đọc hơn là thơ thì phải.
NGỘ độ lượng nhân từ HẾT SỨC!HIẾM Người như anh ”Hiền HƠN Bụt”?-”Con người ta NUÔI NHƯ CON RUỘT!Bởi Thương mà LỤY”Chìu sinh HƯ”?CON”Muốn NGANG nào được NGANG nấy”!TỰ DO quá Trớn ”Lỗi AI đây?”TIỀN để BÀN THỜ”Thò TAY Lấy”…Cha cho PHÉP hay là GIẬN LẪY?”Được CON Mất CỦA-Cứ KỆ THÂY…”!?”Con HƯ cũng Thương cũng QUÍ BÁU”?”Vẽ đường HƯƠU CHẠY”Dù ĐƯỜNG NGUY!?”MAY Con ”QUAY ĐẦU”Tâm Thành Ý….Ăn năn HỐI HẬN Nối tiếp NGHỀ…”Cày Sâu Cuốc bẩm”RUỘNG BỀ BỀ…?Ruộng ít chịu khó TÌM VẤN KẾ…Gieo đâu trúng đó MAU KHẤM KHÁ…”Tích Tiểu Thành ĐẠI”Giống như BA…Để dành TIỀN NHIỀU nhưng không PHÁ…Để của HỒI MÔN đó Phòng Xa…LỠ như có chuyện GÌ XẢY RA???{Đời ai biết được CHỮ NGỜ???}