|
Lê Minh Hà

Thằng Thố hùng dũng đứng trên lưng con trâu Nghể, áo tơi lá phanh ra trông hệt cái nơm gãy, chiếc khăn quàng đỏ bạc thếch, nhăn nhúm, thõng thượt trên cổ sau rất nhiều ngày nhiều đêm từ nhà đến trường từ trường về nhà không cởi. Không thấy con Hà Nội. Mọi bận, nó hay thập thò trong ngõ, sợ sệt và kính phục nhìn thằng Thố với con trâu.
Ðun đít trâu vào chuồng,đóng dõi cẩn thận, rút ôm rơm vứt đấy, thằng Thố chạy ù ra ngõ, nhớn nhác. Con Hà Nội kia rồi. Thằng Thố len qua nách các bà đang túm tụm trước lều cắt tóc của chú Huấn, khều tay con bé: “Gì đấy hả mày?”
Chú Huấn mặt mày đỏ lựng đang một tay lược một tay tông đơ vẹo người đứng như trồng giữa đôi cánh tay mập mạp của một người đàn bà mặc toàn đồ trắng. Mấy ông ngồi hút thuốc cười như muốn bay tung cả cái nóc lều. Một bà cụ người mỏng như cái kẹo vừng thu thu tay trong tấm áo bông chần hạt lựu, cười sụt sịt. Và người đàn bà thì vừa ghì chú Huấn vừa hát. “Chòng chành như nón không quai như thuyền không lái như ai không chồng này ớ thầy em ơi…” Một dải nắng hanh cuối chiều bất chợt xuyên qua tán lá sung rọi vào lều. Người đàn bà lim dim mắt đắm đuối nhìn chú Huấn: “Gái có chồng như gông đeo cổ gái không chồng như phản gỗ long đanh… em đây xinh xỉnh xình xinh chỉ xin cái chõng tre đặt ở lều này. Rồi chúng mình với nhau… Nhé nhé!” Thằng Thố ngứa mồm: “Chú Huấn có vợ rồi!” Người đàn bà nhìn chòng chọc vào một cô gái trẻ đứng sát lều: “Em là vợ anh ấy hả em? Em gái ơi ví bằng không có bụng ghen em cho chị mượn chồng em mấy ngày. Một ngày thôi vậy! Nhé nhé!”
Ðám đàn ông cười sặc sụa. Cô gái thẹn đỏ mặt quay đầu tìm cách chen ra khỏi đám đông. Một bà đưa bàn tay khô nẻ lên mắt. Những người đàn bà thì thào “cái nhà chị điên này hát hay gớm”. “Nghe bà cụ bảo trước chị ta giữ chân đội trưởng hợp tác xã cơ đấy. Bà với chị ấy người đâu hả bà?”
Bà cụ từ nãy giờ loay hoay mãi với lá giầu không ngước cặp mắt tinh anh nhìn đám đàn bà thì thào to như cãi nhau trước cửa lều: “Chúng tôi người ngoài Chuông các bà ạ. Mẹ cháu ra nông nỗi này, mấy cháu tôi phải nhờ bà ngoại với các dì chúng nó sang trông nom giùm. May mà con lớn biết bảo con bé…”
Ðám đông giãn ra khi bà cụ đứng dậy nắm khuỷu tay người đàn bà điên: “Mẹ Hảo về thôi mẹ Hảo! Rồi mai lại ra thăm anh ấy. Về cho u còn về không chúng nó mong. Trời sập tối rồi đây này. Về cho u còn về. Thôi chào các bà các ông…”
Người đàn bà điên đắm đuối nhìn anh thợ cắt tóc chân thọt người vẹo của làng lần cuối rồi ngoan ngoãn đi theo bà cụ. Lũ trẻ rùng rùng chạy theo hò hét: “Hát nữa đi bác Hảo!” Và người đàn bà điên lại hát. Tiếng hát lan trong nắng hanh, vang suốt đường làng, vút lên những chòm tre dào dạt gió bấc, chìm xuống dòng sông cạn nước nhẫn nại trôi. “Từ ngày anh đi việc đồng em giỏi giang… Ruộng cấy chăng dây cây lúa thẳng hàng…đào đắp mương dẫn nước quanh làng…” Lũ trẻ đã dừng chạy mà tiếng hát còn vọng lại. Không thấy con Hà Nội. Con bé lùi lũi đi xa xa sau hai người đàn bà về cuối xóm. Tới đấy, đi tiếp một quãng đê nữa là đến bệnh viện tâm thần. Trước, đấy là doanh trại bộ đội. Bọn thằng Thố hay mò tới đó chơi với các chú. Nay thì cứ đi qua đó là cả lũ co cẳng chạy như sắp bị ma vồ. Chỉ vì có lần bị mấy ông bà điên đuổi chạy đứt cả hơi. Cũng tại có thằng ngỗ nghịch, thấy mấy ông bà điên đi tha thẩn ngoài đê hay ngồi đực mặt trước cổng viện lại ném đất.
Con Hà Nội có vẻ không biết sợ, cứ lùi lũi đi theo hai người đàn bà về phía bệnh viện. Thằng Thố sốt ruột đuổi theo nắm áo nó kéo lại. Mạnh tay thế nào nó kéo rách túi áo bông hoa của con bé. Cái áo cả lũ con gái nhà quê không có. Con bé quay nhìn. Thằng Thố chưa kịp hoàn hồn vì làm rách áo nó đã phát hoảng: “Trông mày làm sao thế Hảo? Mày đi xuống đấy là các ông bà điên đuổi chạy vắt chân lên cổ đấy. Tao “bẩu” thật mà!”
Con bé đứng nhìn. Như không nghe. Như không hiểu. Lũ trẻ con chạy à à lại, miệng gào “Ve vẻ vè ve”. Thằng Thố nhìn con Hà Nội. Miệng nó cười. Nhưng mắt nó như không nhìn thấy đứa nào. Lũ trẻ con đã xáp lại vòng quanh hai đứa. Thằng Thố bất chợt réo lên “Con Hảo rồ! Chúng mày ơi con Hảo rồ!” rồi kéo cả lũ chạy ngược vào trong xóm. Cát tung lên dưới những gót chân trẻ con nứt nẻ. Cả xóm vang vang tiếng trẻ con gào, cười sằng sặc: “Bà Hảo điên. Con Hảo rồ.” Mấy bà đi làm ruộng cấy cần về chân tay bùn khô vì gió lạnh bực bội “lũ này hóa dại”.
***
Sau này, trong giấc mơ, bên mẹ, rồi bên chồng, rồi bên con, Hảo vẫn hay nghe vọng tiếng gào ác độc của bọn trẻ nhà quê độ ấy. “Con Hảo rồ.” Và chị bừng thức. Gương mặt chỉ thấy mắt là mắt nhô trên cái cổ gầy cáu ghét của thằng Thố mờ đi. Gương mặt bọn trẻ nhà quê chị chỉ còn nhớ mang máng tên mờ đi. Những bóng dáng đàn ông đàn bà nhà quê nói cười xởi lởi mờ đi. Còn lại một gương mặt ngườiđàn bà trùng tên với chị. Cũng còn lại giọng hát vẽo vọt của người đàn bà trong buổi chiều ấy, rất nhiều buổi chiều sau đó. Cứ vào cữ người đi làm đồng về là người đàn bà điên lại rời bệnh viện, vào xóm, tới lều cắt tóc của chú Huấn thọt, nói cười bả lả, rồi hát. Những bài hát các chú bộ đội vẫn thường tập với các cô mỗi bận về đóng quân trong làng. Những bài hát con bé chưa bao giờ nghe. Bà lầm thầm một mình “chị này học đâu ra điệu trống quân hay gớm”, rồi ngồi bó gối, nhai trầu, bắt đầu một câu chuyện không bao giờ có đầu có cuối. Về một thời nảo thời nào, khi bà còn chê ông, không chịu nghe lời cụ. Về những đêm trăng đóng cọc chăng dây chôn thùng hát ống với giai làng bên kia sông. “Ước gì sông rộng một gang – Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi … thùng thì thùng… …” Bà hát, giọng đầy nước cốt trầu,đệm những tiếng thùng thùng buồn cười, mắt chẳng vui chẳng buồn. Một bà cụ tất tả đi vào ngõ. Bà chẳng hề chuyển giọng, bắt luôn qua chuyện khác: “Bọn trẻ bây giờ chẳng đứa nào biết ngày xưa ra thế nào. Bà Ðoán này, bà có nhớ đận ông Thảnh bà Thỉu chê nhau hát đối suốt đêm ở ngoài dốc bến không. Cả xóm buồn cười cãi nhau hay thế thì không ở với nhau còn ở với ai. Giờ giá có yên hàn, giá được hát thì chúng mình cũng rụng tiệt cả răng rồi hát làm sao được nữa bà nhỉ? Bọn trẻ bây giờ đi cấy đi gặt toàn hát những bài gỉ bài gì. Có dễ từ hồi “đội” (*) về không thấy người ta hát như hồi tôi với bà còn con gái nhỉ?” Bà Phó Ðoán ậm ừ với miếng trầu chưa kịp dập. Và con bé không đủ kiên nhẫn ngồi nghe, len lén lẻn ra đầu hồi, chạy tắt qua vườn củ bột nhà bà Cửu Tân chuồn lên đê, thập thò trước lều cắt tóc. Có một lần con bé bắt gặp mẹ bác Hảo điên khóc với chú Huấn. Hàng tháng đôi lần bà cụ từ Chuông vào tiếp tế cho con dâu. Bình thường bà cụ cũng cười như mọi người khi bác Hảo điên hát. Thành thử con bé sợ khi bà cụ nghẹn lời. “…Tôi chỉ có độc mỗi chồng chị ấy. Cứ ngỡ nhà độc đinh, lại là gia đình liệt sỹ… cưới vợ sớm cho con mong có cháu bế, mong mẹ con đùm túm với nhau. Vậy mà anh chị ấy bàn ngang tính dọc thế nào, bố nó xung phong đi. Kể thì cũng khó cho thằng bố nó nhà tôi. Chân bí thư Ðoàn xã, rồi lại trong Ðảng ủy cả chục năm giời, chân tay lành lặn, chả lẽ cứ hô hào con người ta đi mà mình thì… Nói anh bỏ lỗi. Ông giời nặn anh chân thấp chân cao thế là bà nhà anh có phúc đấy…”
Bà cụ lập cập tách miếng cau khô đưa khẩu trầu lên miệng, bình tĩnh lại: ” Mẹ Hảo ở nhà với tôi, cứ là nhanh thoăn thoắt. Một nách ba con, lại giữ chân đội trưởng đội cá… Giá mà… Anh tính… Ai đời nó phải nhận tin báo tử chồng nó ba lần. Lần đầu báo tử, mấy tháng sau có anh thương binh tìm tới tận nhà đưa quà của bố nó. Lần thứ hai báo chết rồi lại báo sống. Lần này… Hôm trước mấy ông ủy ban tới nhà. Hôm sau mặt mẹ nó cứ ngơ ngơ, ai hỏi cũng cười. Tôi cứ nghĩ lẩn thẩn khéo mẹ nó hóa dại là để cho tôi tỉnh. Tôi điên nốt thì có nước ba con dắt một mẹ đi ăn mày.”
Con bé rụt rè lê tới ngồi bên bà cụ trên cái chân mễ, hóng mặt nghe, chỉ hiểu mang máng bác Hảo điên vì chồng bác ấy đi bộ đội như bố rồi hy sinh. Chẳng biết bác Hảo hiểu được bao nhiêu lời bà cụ, nghiêng mặt yên lặng nhìn xuống bến.
Bến giờ này còn vắng. Chỉ có mấy đứa trẻ bì bũm. Ðang mùa gặt, người về muộn. Người đàn bà điên thở dài,đưa tay vuốt mái tóc rin rít mồ hôi của con bé. Và con bé sợ hãi thì thào: “Bác hát đi bác Hảo, hát như mọi lần ấy”. Bà cụ và chú Huấn cắt tóc thôi rầm rì, nhìn nó cười như mếu.
***
Ấy là những ngày tháng chiến tranh đã qua lâu lắm rồi. Bố đi B. Thành phố chưa có lệnh triệt để sơ tán. Nhưng trẻ con đã lũ lượt theo trường ra đi. Hai mẹ con Hảo lui hui với nhau trên căn gác nhỏ, giữa một ngôi nhà to gồm nhiều hộ nhưng hầu hết cửa các nhà đều khóa im ỉm. Buổi sáng mẹ đến cơ quan, con bé sáu tuổi tự bê cái ghế con trên đặt cuốn truyện tranh, bi đông nước, bát bánh khúc đầy ụ ngồi trước cửa hầm công cộng. Cũng còn mấy đứa trẻ con nữa. Rồi chúng nó cũng lần lượt ra đi. Và mẹ đưa Hảo về quê với bà. Dòng sông. Bờ đê gió. Con đường làng lát gạch nghiêng đầy rơm rạ. Bến nước có tảng đá xanh to bằng cái chõng, vỏ hến đổ đầy. Những cọng cỏ hoe hoe nhấm ngọt ngọt. Hoa dong riềng nở sau mưa. Bờ rào đầy những quả tầm bóp và những nụ hoa cúc dại. Con trâu Nghể và thằng Thố, và những đứa trẻ nhà quê vừa tốt vừa ác. Làng ven sông, xa đường cái, xa cầu, xa các nhà máy, máy bay Mỹ chỉ bay qua, cao tít tắp, không bom từ trên trời rơi xuống không pháo cao xạ từ đất bắn lên. Chỉ đôi bận làng bớt lặng lẽ. Là những ngày bộ đội về đóng quân và sau đó là lời đồn con nhà ông này bà này chửa buộm mà các bà đến thì thào như hét với bà. Có mỗi một lần ồn ã. Cả làng lớn bé già trẻ vừa cười vừa chửi vói theo một chú trẻ trẻ lạ mặt. Chú ta đi như chạy qua làng sau khi trút bộ quân phục dưới chân bụi tre nhà ông Vồi. Còn thì có xao xác chăng chỉ là những chiều bác Hảo điên hát.
Tiếng hát lảnh lót với cách phát âm bèn bẹt của dân Hà Tây quê Hảo đeo đẳng Hảo trong những giấc ngủ thời con gái, rồi thời đã thành đàn bà. Thỉnh thoảng chị lạ lùng: Ngày bé, bao nhiêu buổi chiều ngóng người đàn bà điên hát, thế nhưng hễ có ngủ mơ thì Hảo thường chỉ mơ thấy con trâu Nghể với thằng Thố lúc thì trong cái quần cộc rách ống rộng ngoác lúc thì trong cái áo tơi lá lòe xòe y như cái nơm, và lúc nào cũng có cái khăn quàng đỏ thõng thượt trên cổ. Không khi nào chị nằm mơ thấy bác Hảo điên. Người đàn bà điên chỉ đến trong giấc ngủ của Hảo khi con bé được mẹ đón ra Hà Nội. Hai mẹ con lại lủi thủi trên căn gác nhỏ. Còn bố thì vẫn biền biệt Trường Sơn Ðông với Trường Sơn Tây. Nhưng nói chung thì Hảo không nhớ bố, không nhớ cả mặt bố.
Chị cũng hay nằm mơ thấy lại người đàn bà điên trong lần gặp cuối cùng. Phiên chợ cuối năm họp ở cánh bãi bên kia sông. Có hai dáng đàn bà một gầy tong một đầm đậm. Người đàn bà dáng đậm tay khoác cái nón Chuông còn mới, tay xách cái đãy mây cũ cũ, gương mặt buồn bã, thản nhiên. Qua làng. Qua lều cắt tóc của chú Huấn. Lẫn vào dòng người đang hối hả lũ lượt đùn đẩy nhau qua cầu sang chợ. Rồi mất hút. Không biết có một con bé tóc cắt ngắn áo bông nhuộm nâu vẫn còn dấu vết những bông hoa to màu đỏ đứng thảng thốt nhìn theo dọc triền sông vừa tan sương mù.
“Bác Hảo khỏi điên rồi mày biết không?” Buổi chiều ấy con bé kể cho thằng Thố lúc thằng Thố dong con trâu Nghể từ bãi tha ma cuối làng về. “Thế thì có khi mày cũng hết rồ”. Thằng bé nhìn vào mắt con bé thầm thì và con bé bất giác rùng mình…
***
Hảo vội vàng sắp hai cặp lồng vào cái làn nhựa. Một cơm. Một cháo. Cơm cho mẹ cháo cho bố. Viết mấy chữ để trên thành mâm cho chồng, Hảo tất tả phóng xe đi. Nhà con một, bố ốm hay mẹ ốm là chị phải xoay như đèn cù, nhất là những ngày này.
Bệnh viện. Những bức tường sơn tróc lở. Phòng cấp cứu ban ngày vẫn để đèn sáng trắng. Bố nằm lịm trên giường, bụng cao hơn mặt. Gương mặt bình thường khó đăm đăm nay bệu ra vì bệnh tật và không hiểu sao vô cùng điềm đạm.
– Mẹ! Bố hôm nay thế nào mẹ? Con mang cả cơm và cháo vào. Bố không ăn được cháo thì có hộp sữa nhà con vừa mua. Tối Dũng nhà con sẽ vào …
Thảo nói, và lạnh người khi rời gương mặt bố nhìn sang mẹ. Mắt bà sáng. Mặt bà tái. Giọng bà bình tĩnh lạ lùng:
– Con về đánh điện ngay cho chú. Rồi chuẩn bị bộ quân phục mới nhất của bố mang vào đây. Gửi cháu sang bên ông bà nội và bảo bố nó xin nghỉ làm luôn chiều nay. Ðêm qua bố nôn cả chậu máu. Bác sỹ vừa vào khám, cho truyền rồi. Bố vừa hỏi hai đứa bao giờ vào. Mẹ nghĩ bố không qua được đêm nay.
Mẹ bất chợt nức lên. Thảo nhìn mẹ cúi sửa cái khăn voan phủ lồng phồng ngăn bớt muỗi trên mặt bố, gắng nuốt cục hơi cứng ngắc mắc trong cổ, gật đầu. Chị chỉ cảm thấy run chân khi ngồi lên yên xe. Phố đông. Hảo máy móc tăng ga.
Chiếc xe chồm lên. “Rồ à?” Một gương mặt đần đẫn thịt, một hàng ria nhỏ tý chụp trên một cái miệng như miệng đàn bà quay sang. Chiếc DD đỏ lao vụt qua. Tiếng rủa còn làm ù tai Hảo. Cơn giận bùng lên trong lòng chị. Rồi xẹp rất nhanh.
… Ngày xưa, có một người đàn bà hóa dại. Ngày xưa, có một thằng bé nhà quê mừng rỡ “có khi mày hết rồ”. Nó không hề biết rằng cái lúc lùi lũi đi theo người đàn bà điên con bé đã thầm van vái bố nó đừng chết cho mẹ nó đừng bị thế, đừng ngơ ngác,đừng hò hét,đừng hát,để không bị ai chỉ trỏ khóc cười, để sống nuôi nó. Nhưng nó không biết thương bố nó lúc bấy giờ. Nó cũng không thương bố lúc ông từ chiến trường trở về thi hành trong nhà cái nếp sống nửa sau lũy tre làng nửa doanh trại làm mẹ nó bao lần khóc lặng lẽ.
“Muộn quá rồi. Bố không cần gì nữa cả. Cả bộ quân phục mẹ dặn tìm. Cả những ý nghĩ này của mình. Ðêm nay bố đi. Lại đi. Lần này mẹ sẽ thôi không được chờ bố nữa…” Nước mắt ứa ra ràn rụa làm Thảo phải dừng xe lau kính. Một bà già nhà quê ngồi bên hai thúng chuối dưới một gốc phượng vĩ ngần ngại nhìn chị, ân cần, thương cảm. Gió ào qua. Cây phượng trút lá vào nắng. Như mưa.
10. 1998
Lê Minh Hà |
Viết hay quá .
Truyện này đã đọc từ tuần trước. Giờ đọc lại vẫn thấy hay. Có truyện đọc chỉ một lần là chán rồi.
Những hoài niệm buồn nhưng chưa bao giờ cũ kỹ. Viết hay chị Hà ơi.
Cảm ơn các anh chị đã đọc kĩ thế. LMH sinh ra lớn lên ở Hà Nội, nhưng từ ba tuổi đã có mấy năm đi sơ tán khi Mỹ oanh tạc miền Bắc. Mấy năm thôi từ lúc còn bé chưa biết gì, mà cảm giác còn nguyên đó. Năm ngoái LMH có in một tập tản văn, “Còn nhớ nhau không”, lúc đầu định đặt tên “Một nửa tôi là nhà quê” , mời các anh chị cùng đọc ạ.
Dạ chị Mỹ Hoa, Lê Minh Hà chưa về được chị ơi, cháu út còn nhỏ, đi học vẫn phải đưa đón, khó xoay quá.
Mà thật ra chưa bao giờ Lê Minh Hà ra mắt sách đâu chị. Có đúng một lần hai năm trước in cuốn Phố vẫn gió nhà sách Nhã Nam có một buổi gặp mặt đúng dịp tác giả ở Việt Nam thôi ạ.
MINH HÀ ƠI HÔM NÀO VỀ VN RA MẮT SÁCH MỚI ?
Kết cấu câu chuyện có vẻ trúc trắc nhưng hay
Lối viết của LMH là lối viết bắt người đọc phải nhẫn nha đọc từng câu từng chữ từng lời thì mới cảm được cái hay tác phẩm. Còn nếu như đọc thoáng qua , đọc lấy lệ thì sẽ chán và không hiểu được tư duy nghệ thuật của tác giả trong truyện này.
Giọng điệu văn chương thật riêng.
Hà là một trong những nhà văn mà tôi yêu quí. Văn Hà quê mà sang. Chân thành mà cũng gai góc vô cùng.
Phải đọc thật kỹ thật chậm mới thấy cái hay của truyện ngắn Lê Minh Hà. Văn chị không dành cho số đông. Nhưng sức lan tỏa của văn chị thì không có giới hạn
Quí hồ tinh bất quí hồ đa.
Lê Minh Hà là một trong những người viết kí ức làng quê bắc bộ rất ấn tương.
Đọc có cảm giác như chìm vào một thế giới khác, xa vắng, mộng mị , nhân tình.
”CÚ SỐC”Chấn động Tâm Lý…Qua đi để lại những gì xót xa!Ký ức hoài niệm buồn bã!Đa số VÌ YÊU mà ra tất cả!?”Yêu là KHỔ”nào YÊN Ả?”NGOÀI ít Nhận biết TRONG cả BÃO LÒNG!Khổ đau hoạn nạn MẮC VƯỚNG..THOÁT ra là cả đoạn trường THẢM THƯƠNG!”Hảo lớn ĐIÊN Hảo lớn BUỒN!Hảo nhỏ SẼ RỒ coi chừng GIỐNG VẬY!?”Bàng quang thiên hạ nào thấy:”NỖI LÒNG điên rồ hóa DẠI CƠN ĐAU!Tha hồ Trêu -Cứa NHÁT DAO..Nhè nhẹ di dí xuyên vào TÂM TƯ…”#Thằng bé nhà quê MỪNG rỡ…Hảo nhỏ”Mày sẽ hết RỒ”hết dại…-Hảo THƯƠNG CẢM Bà ĐIÊN ẤY!Nghĩ đến BỐ CÒN… Hảo thấy Vui hơn…Nắng trong Mưa Mưa trong Nắng…NHÌN” Bà nhà quê hoàn cảnh THƯƠNG TÂM!Dưới gốc PHƯỢNG VĨ bần thần!Nhìn HAI THÚNG CHUỐI- QUANG gánh VẤT bên…!BỘ QUÂN PHỤC Mẹ dặn Tìm…BỐ không CẦN nữa..HẢO THẦM Một mình ..”NGÀY YÊN Ả..Láng giềng mình..Là những Lời TRÊU linh tinh MÀ VUI???”
Cách viết duyên dáng , thâm thúy mà xót xa đồng cảm cùng những thân phận người
Chị Hà viết hay thật
Truyện viết rất ấn tượng. Không khí nhà quê như thế này khó ai viết đạt như vậy.
Mình đồng ý với bạn Tictac . Viết mà tạo được không khí rất khó.
Truyện của Lê Minh Hà luôn tạo được một không khí (không phải lkhông gian) cái không khí ấy làm người ta đắm chìm và như sống cùng nhân vật.