.
Truyện ngắn của Nguyễn Trí
.
Mãi cho đến bây giờ, dân khai thác mây tre lá của chủ thầu Sáu Yến, những người còn lại, chọn bến phà lẻ bảy làm quê hương vẫn còn nhắc đến con chó Luốc của đại uý Thuận.
Tiếng đại uý chứ Thuận chả lính tráng chi. Thời chiến tranh là tài xế. Sau chiến tranh xe cộ bị sung công, chủ xe tơi như cái mền rách thì tài xế như Thuận có mà ăn cáp hấp. May thay lúc phùng thời Thuận được bà Bảy Bầu Cua chọn làm con rể. Bà Bảy là cai của chủ thầu Sáu Yến. Thuận theo mẹ vợ vào rừng khai thác mây tre lá kiếm cơm. Thuận uống ngày lít rượu nên được anh em thợ phong đại uý. Thường gọi Đại Uý Thuận. Sáng Thuận làm hai xị gọi là súc miệng rồi cùng vợ kéo câu liêm vô rừng khai thác lồ ô. Ngày hai vợ chồng kiếm trăm cây là chuyện nhỏ. Chiều về trong lúc vợ nấu cơm Thuận lôi rượu ra làm tiếp. Có lẽ mê rượu hơn mê vợ nên, không phải một mà vài người trong bãi, cũng thức dậy sớm nấu cơm thấy Xuyến – vợ Thuận – từ chòi của Dũng Nhí rón rén mò về. Đêm hôm khuya khoắt mà thiếu phụ vô chòi trai là có vấn đề. Dân rừng thậm thụt lời ra tiếng vào. Và cả ta bà vô cùng lễ độ khi một hôm kia Dũng và Xuyến biến khỏi bãi.
Đại Uý ôm con chó Luốc khóc ròng. Thiếu tá Tư Đô La mới khuyên bằng âm nhạc rằng:
– Ôi đàn bà là những niềm đau… đàn bà là ngọc ngà… chông gai làm tim rĩ máu…
Thời cũ Nguyễn Tư chỉ binh đơ cán cuốc nhưng anh em phong thiếu tá cũng do rượu mà ra. Tư uống thua Thuận xa lắc nhưng cấp bậc hơn là vì tạp uống. Trong bãi có một bụi đời tên Hùng Tàn. Dân Bình định tha phương có tí đỉnh võ vẽ. Hùng có một chai rượu thuốc dùng để xoa bóp. Anh em thợ bị trặc tay bong gân cây đập là Hùng ra tay cứu giúp. Anh em khen thuốc hay quá. Hùng nói:
– Tao pha mã tiền với mật gấu nên tốt lắm.
Rượu vậy mà một hôm kia cai thầu Bảy Bầu Cua chưa tăng bo kịp lương thực vì xe cộ trục trặc, thèm quá, trong khi anh em đi làm Tư ở nhà chôm chai rượu của Hùng Tàn làm một ly. Chỉ một ly mà Tư sùi bọt mép. May mà trong cái đám con nít vào rừng cùng cha mẹ có thằng Bảy Xoáy – con trai Hai Trụi – thằng cu nầy có cái đầu kỳ dị nhất thế giới, tóc tai sừng lên như bờm ngựa. Ông Sáu Hải chồng bà chủ Sáu Yến nhìn nó nói:
– Mẹ ơi… thằng nầy ba bữa là kinh hồn giáo chủ chứ không chơi.
Bảy Xoáy phi một hơi lên chỗ làm thông báo tình hình. Mới một phần ba đường thì Hùng Tàn cùng anh em tuôn về, dẫn đầu là con Luốc. Hùng Tàn banh cái họng kẻ tham uống ra, đặt lên đó một cái phểu rồi cho nước suối vào. Đầy bụng là đè xuống cho ọc ra. Vậy mà Tư còn bị đi kiết hết tuần. Thiên hạ phong thiếu tá liền một khi. Hùng Tàn nói:
– Không nhờ con Luốc là ông chết chắc.
Thiếu tá ôm con Luốc vỗ về:
– Cám ơn mày Luốc ơi. Tao thương mày lắm.
Con chó liếm lên mặt lên râu Tư Đô La thân tình như với chủ. Toàn thể thợ rừng của vợ chồng ông bà Hải Yến không ai không yêu Luốc.
Nó khôn ngoan cực kỳ. Hùng Tàn nói khi có chén rượu trên tay:
– Tao đó đây cũng dữ mà chưa thấy đứa loài người nào khôn hơn và nghĩa tình như nó.
Chả ai cãi Hùng hết. Vì thật như vậy.
***
Luốc rất thân với Hùng Tàn.
Từ khi Xuyến bỏ theo tình Thuận buồn rầu nên rượu suốt. Cũng chả biết nên mừng hay không cho hoàn cảnh của Thuận. Không một hậu duệ nào để an ủi nên Thuận xem Luốc như con. Bắt đầu cuộc rượu Thuận vỗ về Luốc còn hơn Hai Trụi thương thằng Bảy Xoáy. Chả là Bảy Xoáy mồ côi mẹ. Phê phê Thuận chửi con đàn bà lăng loàn sau đó quay qua trách Luốc đã không giữ vợ cho mình. Nó gian dâm với Dũng Nhí mày biết phải không Luốc? Vậy sao mày không cho tao hay? Say lên Thuận đuổi:
– Mày đi theo con lăng loàn đó đi. Đi đi…
Những lúc đó Luốc bò qua chòi Hùng Tàn, Tàn ôm con Luốc bắt ve bắt vắt cho nó. Ở rừng, ve vắt là chuyện thường lắm. Tàn nói với Luốc:
– Chủ mày say khướt. Nó mần ăn ngay mũi còn không biết. Ở đó mà kêu với ca. Đừng buồn nghe Luốc, mấy thằng say mày chấp làm chi.
Luốc ư ư ra cái vẻ tui hiểu mà.
Thiên hạ chả hiểu sao luôn la đà trong rượu, Thuận đâu có dạy biểu gì mà cái nết ăn của con Luốc thật đáng để loài người nể phục. Sáng, Thuận bày bữa ra. Cá một nồi, thịt một nồi, cơm banh nắp. Ăn xong Thuận đi làm không cất dọn gì sất. Luốc nằm yên trông chừng, nó không nhúng mõm vô bất cứ thứ gì. Trong mớ thợ của bà Bảy có thằng Dũng Heo chuyên trộm thức ăn của anh em thợ. Nửa đêm canh giấc ngủ say Dũng đột kích vào chòi bạn dùng tay hốt mớ thịt, bốc vài con cá là chuyện thường. Ai cũng đôi lần bị Dũng chôm thức ăn mà đành chịu vì không quả tang. Nhưng biết là vì Dũng rất ít tốn tiền thực phẩm. Vậy nên có tên Dũng Heo. Cỡ vậy mà Dũng đừng hòng chôm được thức ăn của Đại uý. Con Luốc xù lông gáy nhe răng là Bảy Xoáy còn ớn lạnh nói chi ai. Luốc không ăn vụng. Cũng không ăn trong chén mẻ muỗng dừa. Tô ăn của Luốc phải lành lặn và sạch sẽ. Đại uý bê tha quá nên Hùng Tàn rửa luôn tô của Luốc. Ngoan trong ăn uống của Luốc là nhỏ. Cái tự ái của Luốc là cả ba quân phải kinh ngạc.
Lúc phùng thời quân của bà Sáu Yến trên ba trăm nhân mạng. Ba trăm nầy dưới sự điều hành của sáu cai thầu. Năm mươi quân một cụm. Cụm cách cụm vài cây số đường chim bay. Cõi nào cai ấy khai thác. Thợ làm cho cai Út Bình đừng mơ qua bãi Năm Hồng chơi bời hay uống rượu. Nghe nói hai ba cây số tưởng gần nhưng vòng vèo cả buổi chưa chắc đến. Nhưng Luốc thì có mặt ở tất cả các bãi. Thiên hạ rất ngạc nhiên khi Luốc chỉ là một con chó bình thường, mang từ đồng bằng lên, cha nó ở phố, mẹ là cẩu tiểu thư thì có dính chi tới rừng. Vậy mà Luốc sành rừng như sói vậy. Hôm đó nó qua chơi bên bãi của cai Châu Đèo.
Dưới trướng Châu có một cặp. Chồng tên Trọng vợ tên Thắm. Cặp nầy người dân tộc Tày. Trọng to cao, trắng trẻo đẹp trai. Cô vợ thì, nói thiệt, nhìn sơ mấy thằng có máu băm lăm mê nước da bông bưởi của em là nhỏ, nhan sắc của em mới thiệt là hết ý. Đẹp nên ai cũng ghẹo tí chút cho vui. Châu Đèo tuy vợ con nhưng ma bùn lắm. Miệng nói tay quơ nên dễ gây hiểu lầm. Trọng là thằng cả ghen. Thấy đàn ông ghẹo vợ bằng tay điên lắm nhưng nhát nên nhịn. Hắn ngồi lầm bầm như bị mắc đường dưới. Một lúc Trọng ngước lên thì thấy Luốc đang ngồi trong chòi. Vậy là giận cá chém thớt, gã văng tục chửi thề đuổi Luốc ra khỏi chòi.
Kể từ đó Luốc không xem Trọng là bạn.
Bằng chứng là sau giã từ Châu Đèo, làm với thằng nầy nghi bị mất vợ quá. Trọng qua đầu quân cho Bảy Bầu Cua. Là người mới Trọng đến chòi đại uý chào thân mật thì hết hồn khi thấy Luốc xù lông gáy nhe nanh trắng ởn sấn tới như muốn táp. Trọng hãi quá thối lui. Đại uý nói:
– Tao nghe thằng Đại nói mày chửi, đuổi nó ra khỏi chòi nên vậy đó.
Ở bãi hể gặp Trọng là Luốc gừ. Trọng sợ quá nên đem thịt heo thịt bò đến dụ nhưng Luốc không màng. Thân thiết như Hùng Tàn khuyên thôi bỏ đi Luốc ơi, Luốc vẫn không cho qua. Làm được một đợt Trọng xin Sáu Yến qua chỗ khác, ở lại không biết Luốc phập lúc nào. Ở tất cả các bãi chả thợ hoặc cai nào dám làm Luốc tự ái. Nó giúp đỡ cho nhiều người. Thiệt đó, không đùa một tí nào đâu.
Luốc khá thân với Thạch Giựt. Thằng Giựt nầy có một hoàn cảnh rất thảm thiết. Theo lời Sáu Râu – anh của Thạch – thì nó là con nuôi của cha má Râu. Chả biết ai đang tâm vứt con trước nhà, cha Sáu ôm về nuôi. Năm mười tuổi Thạch bị một cây sốt ác tính. Không chết nhưng từ đó bị giựt. Chả hiểu làm sao hể cứ giựt lên là Thạch toạc cái suy nghĩ của mình ra miệng. Mười sáu tuổi Thạch mê Thảo, con gái út cai Chín Nà. Gặp Thảo không kìm được Thạch giựt rằng yêu… yêu… yêu Thảo….muốn… muốn… muốn… hun… hun… Thảo… thảo quá… Vợ Dũng Giỏi mặc áo hở ngực cả gang, lộ cặp bưởi to sụ Thạch giựt rằng dzú… dzú… dzú… bự… bự… bự… quá… Một lần trên xe từ rừng về nhà. Bọn đi đười ươi lậu dấu cả chục bao dưới lồ ô. Lúc xe qua trạm bảo vệ rừng lên kiểm tra. Thạch giựt rằng ươi… ươi… ươi dấu… dấu… dấu ươi… vậy là sạch bách.
Vào rừng Thạch kiếm thịt bằng cách đặt bẫy cò ke. Những cheo, chồn, gà rừng Thạch có đến dư để bán cho anh em thợ. Tất cả nhờ vào Luốc. Thạch nói khi bắt đầu vót bẫy:
– Mày… mày… mày… coi chỗ… chỗ… nào thú… thú… nhiều dẫn tao đi đặt nghe Luốc… luốc… luốc…. Yên… yên… yên tâm đi, tao không lấy tiền đại… đại… đại… uý… đâu…
Con Luốc quả có một cái mũi tinh đời. Thạch cứ thế mà kiếm thêm. Chỉ một mình Thạch mà thôi, những tay khác dụ dỗ cách mấy cũng không được. Cơ hồ như Luốc biết ai là kẻ cần giúp vậy. Có một lần nó giúp Hùng Tàn bắt được một con Trút.
Đợt đó Hùng sống như vợ chồng với một nàng tên Thuỷ. Cha má nàng đúng khéo đặt tên. Nàng mềm và ẻo lả như nước vậy. Hùng giới thiệu vợ. Cô vợ nầy vào rừng để hái hoa là chính. Ở trong rừng được ba tháng, chơi không mà Thuỷ bị sốt mới chết. Công chúa Thuỷ xanh xao vàng vọt thấy tội lắm. Trời mưa tháng giá ai cũng khuyên Hùng ơi cho vợ mày về đi. Hùng nói với Luốc rằng:
– Phải chi bây giờ trời cho tao con Trút thì hay biết mấy há Luốc?
Nữa đêm hôm đó con Luốc sủa inh trời đất ngay trước chòi. Hùng bật đèn Pin thì phát giác ra một con Trút đang đeo trên gốc lồ ô. Hùng ôm chiến lợi phẩm bỏ vô bao. Nói với vợ Thuỷ:
– Mai em theo xe ra phà nhờ ai đó bán giúp. Ở đó chơi vài ngày, hết bệnh rồi vào nghe cưng.
– Dạ.
– Lúc vô em mua cho con Luốc hai lạng thịt bò nghe.
– Dạ.
Luốc ư ử rên.
Nhưng cả năm ngày sau không thấy Thuỷ vào. Hùng vác ba lô ra phà. Hôm sau vào tay xách can rượu mười lít. Trong giỏ có thịt bò cho Luốc như đã hứa. Lúc múc thịt ra tô cho Luốc, Hùng cũng bày phần của mình ra mâm. Nhưng con Luốc không màng mà ngước nhìn Hùng. Hùng uống hết một cái xây chừng;
– Ăn đi con. Thuỷ không vào nữa đâu. Cô ấy về với gia đình rồi.
Mày biết không Luốc – Hùng nói bằng một giọng buồn rầu – tao và cô ấy yêu nhau nhưng cha má cô ấy không chịu. Tao nghèo quá. Tương lai mờ mịt. Làm cái nghề nầy thì qua được ngày chứ không qua tháng. Chừng ấy thời gian sống với nhau chắc cô ấy thấy được rồi Luốc à. Tao buồn. Buồn quá Luốc. Mày ăn đi. Ăn một miếng cho tao vui. Đừng có nhìn tao như vậy. Đời tan hợp là chuyện bình thường. Giầu nghèo cũng vậy. Xưa kia tao là con quan đó Luốc. Giờ tàn vầy buồn lắm Luốc. Ăn đi. Tao làm một cốc cho quên sầu nhân thế. Rồi Hùng hát:
– Thà rót cho ta trăm nghìn chung rượu độc. Đừng một lời nào mai mĩa cho nhau. Cho ta đi, đi sâu vào cơn lốc… cho ta say đến tột đỉnh sầu…
Con Luốc không ăn mà đăm đắm nhìn Hùng. Về sau Hùng kể anh ta thấy có khói trong mắt Luốc. Thợ rừng cười kha khả mà rằng:
– Khói cái đầu mày. Mày có rượu nên thấy vậy.
***
Chuyện Luốc và cha con Hai Trụi Bảy Xoáy mới thiệt ly kỳ
Bảy Xoáy dốt đặc cán cuốc. Khi Hai Trụi náu mình dưới trướng Sáu Hải thì Bảy Xoáy mới lên sáu. Trụi đưa con trai vô rừng đóng đô dài hạn luôn. Chả là cái thời cơm đói áo rách, nghèo đến độ không có nhà như Trụi thì vô thiên lũng. Có nhà hẳn hoi mà còn vô rừng kiếm sống nữa kìa. Cả chục cặp vợ chồng chơi kiểu như Trụi. Vâỵ thì chuyện học hành xin hẹn chừng nào có rồi tính. Nếu cần xin hẹn lại kiếp sau luôn cũng chả chết thằng tây nào. Bảy Xoáy tủi thân nhất trong lũ con nít ở rừng bởi cu không có mẹ. Vụ không mẹ nầy được Trụi kể với bạn nghề nghiệp khi tưng tưng bởi rượu như vầy:
– Đàn bà lắm kẻ bạc tình bạn hiền ơi. Thằng Bảy Xoáy được một tuổi, nghèo quá nàng bỏ mình bỏ con một đi không trở lại. Quê mình đất cày lên sỏi đá, mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu cơm nên tình nó cũng vá chằng vá đụp vậy đó.
– Tình gì mà vá víu thảm thê vậy bạn?
– Thì mình gặp cổ ở bên đường. Mình mua cô ấy bán. Cám cảnh nhau nên về với nhau. Ai ngờ… – Trụi thở dài não nuột – những kẻ quen đưa người cửa trước rước người cửa sau không chấp nhận khó nghèo nên thằng Bảy Xoáy không mẹ.
Nói xong Trụi nâng ly trút một hơi vô họng cho tan cái chán chường. Bạn bè thấy vậy liền khuyên vài câu chiếu lệ. Khuyên xong mới hỏi:
– Đàn bà khối mẹ gì sao không kiếm em khác?
– Tao chán đời quá, với lại nghèo đến đôi dép không có mà mang. Mày nghĩ có ai ngu mà bá vô để chết chùm?
Mà tình thiệt lúc mới vô rừng Trụi không có lấy đôi giày. Anh em tội nghiệp quá mới bố thí một đôi, tuy rách nhưng xài được. Trụi không thèm. Anh ta giơ hai bàn chân lên và ai nấy thất kinh. Da chân dày cộp, chai ngắt như da trâu. Đặc biệt chỗ gang bàn chân phải lõm vô sâu hoáy. Trụi nói:
– Hồi ở quê, tao đi buôn than bằng xe đạp, xuống dốc là thắng bằng cách thọc bàn chân vô bánh sau.
Không giày vậy mà Trụi không thua một anh em thợ nào mới là chì. Mùa mưa thiên hạ chẳng những giày, họ còn bó thân thể như bó giò để phòng ba con vắt. Trụi thì không. Vắt muốn bao nhiêu máu cứ hút tự nhiên. Vậy nên cuối mùa mưa Trụi bị một cây sốt tưởng đi đứt. Cám cảnh nên Sáu Hải mới cho tiền đi viện. Lúc này Bảy Xoáy mới thể hiện cái thông minh của nó. Cu lân la với tất cả các bệnh nhân và thân nhân của họ, cái đầu bảy xoáy là một, cái láu lĩnh khác người là hai. Ai nhờ vả, sai bảo cu không từ chối. Là vì sai bảo xong là người ta cho tiền. Hết sốt rét cha con trở lại thì Sáu Hải bàn với Trụi đại khái là không nên để Bảy Xoáy vào rừng nữa. Chả là một người quen thiết của chủ Sáu giàu có nhưng hiếm muộn. Trụi nên để con ở với người ta để được ăn học. Sáu nói rằng con nít không thiếu nhưng bảy cái xoáy quyến rũ bạn Sáu lắm. Học hành đến nơi đến chốn thằng nầy không này cũng kia. Nói chung người ta sẽ cho Trụi một khoản kha khá. Trụi nghe cũng có lý. Để con trong rừng tức là giỡn mặt tử thần. Vậy là Bảy Xoáy đi cùng Sáu Hải. Còn Trụi mua được cái nhà nho nhỏ để chui ra chui vô nhờ tiền tạm gọi là bán Bảy Xoáy.
Được một tuần thì bạn thiết của Sáu Hải thông báo rằng thằng bảy xoáy bị bắt cóc. Bà nội ơi. Thời buổi cơm không đủ ăn bắt cóc mà tế hay sao vậy kìa? Bạn của Sáu quen biết lớn lắm nên nhờ công quyền vào cuộc. Nhưng mà lạ chưa, bọn bắt cóc không thông báo chuộc chiếc chi ráo. Im luôn. Vậy nó bắt để làm cái gì? Chuyến nầy mới mệt với ông cha tên Trụi. Phải làm sao để cho ổng biết mà không nổi cơn khùng lên đây? Đang rối như canh hẹ thì một thợ rừng ra giải lao nói với Sáu:
– Tui thấy thằng Bảy Xoáy đang ở với cha Trụi trong rừng.
Thì ra ông con đã trốn khỏi nơi đã mua mà về với cha. Sáu Hải cùng bạn thiết vô rừng lôi cu về. Nhưng con Luốc có mặt đúng lúc. Nó xù gáy nhe nanh trông dữ như sói rừng. Vậy là kẻ mua coi như mất đứt cả tiền lẫn người. Trụi mua nhà mất rồi còn tiền đâu mà đòi. Thôi từ từ để nó làm có rồi nó trả.
Thiên hạ được một trận cười no. Và càng quý Luốc hơn.
Nhưng ở rừng cao và sâu luôn có nhiểu bí hiểm. Nó không đơn thuần heo rừng nai cheo chồn mển gà rừng. Ở gần rừng cấm thì chuyện ông ba mươi đi dạo đêm kiếm mồi là thường.
Đêm hôm đó bổng nhiên con Luốc rít lên đầy hãi sợ.
Nó rúc vô chòi Hùng Tàn.
Lúc đó con Hương vợ thằng Thành có bầu tháng thứ năm.
Nghe đồn ông bảy thích đàn bà tuổi hợi mang bầu lắm.
Má ơi. Con Hương tuổi Hợi mới là chết cha.
Phải không không biết nhưng phòng bị vẫn hơn. Toàn bộ các chòi vùng dậy cứ đủa gõ vào nắp xoong, thùng đựng nước can đựng rượu vỗ binh binh suốt cho đến sáng.
Sáng cả bọn túa ra đường be thì phát giác ra dấu chân hổ.
Rõ ràng con Luốc đánh ra được mùi ông Bảy. Đại uý ôm nó vào lòng hôn lên mũi nó khen:
– Mày mà không phát giác ra dám có đứa ở đây theo ông bảy quá.
Hùng vuốt đầu Luốc nói đùa:
– Bữa nào kiếm con nai nghe Luốc.
Vậy mà có nai mới là thần diệu.
***
Hôm ấy chừng khoảng mười giờ sáng. Hùng đang vác lồ ô tập trung thì Luốc phóng vô chân rít lên mừng cứ như đã lâu mới gặp bạn. Nó cắn ống quần Hùng lôi nhã chạy làm riết. Biết có chuyện Hùng gọi Thạch Giựt và Bảy Xoáy:
– Ê, chắc có thịt nên con Luốc kêu nè.
Không phải cả ba mà cả tốp thợ cùng chạy theo Luốc. Dân làm lồ ô vui kiểu ham vậy đó. Nghe động là xúm vô liền. Luốc dẫn đầu băng rừng, lôị suối, qua truông. Nó bốn chân nên lẹ lắm. May mà rừng nguyên sinh nên mát chứ mười giờ trưa mà chạy kiểu nầy có mà chết. Nơi đến là một trảng tranh rộng ngút ngàn. Thời chiến cụm rừng nầy bị trắng hoá bởi thuốc khai quang. Có một con nai nằm ngoài rìa đám cỏ tranh. Nó đã chết.
Cả bọn ồ lên mừng rỡ. Vậy là có thịt ăn rồi. Tất cả cùng la lên. Nhưng tiếng của thiếu tá Tư Đô La mới là chất lượng:
– Có nhung nè Hùng Tàn ơi.
Lúc nầy Bảy Bầu Cua và đại uý Thuận cũng kịp có mặt. Bà Bảy hào hển:
– Cha … cả tạ thịt à. Làm sao xẻ ra đây tụi bây? Hùng Tàn nghe nói mày trước có mổ bò hả? Biết thì ra thịt chia đều cho bà con coi.
Hùng buông con Luốc đứng lên:
– Đâu có đồ nghề mà ra hả má Bảy. Chỉ có rựa thì cứ ra đại cho mỗi người một miếng. Riêng cái đầu và bốn cái chân phải để lại cúng thần rừng.
– Còn cặp nhung bỏ hả mậy?
– Con nói vậy thôi. Công con Luốc là anh Thuận hưởng ảnh muốn làm gì thì làm.
– Rồi – Đại uý nói – để cái đầu cho tao, còn thịt bây chia sao đó mặc kệ, tao lấy một miếng đùi nhậu được rồi.
Thợ rừng Phú vung rựa lên và cái đầu lìa khỏi thân chú nai tội nghiệp. Hùng đứng yên chả biết vì sao con nai lại chết kỳ quặc thế. Nhưng câu trả lời có chỉ sau mười lăm phút.
Một tốp thợ săn người Tày xuất hiện với súng kíp trên tay. Ở vùng Lẻ Bảy nầy dân di cư tự do nhiều lắm. Người Nùng, người Hán-jìn, Thổ, Tày có đủ. Quen băng rừng sống đời săn thú nên họ xuất hiện không có chi là lạ. Một người lên tiếng:
– Con nai nầy của chúng tôi hầy. Tôi bắn trúng nó một phát súng kíp khi đang ăn tranh non ở bên kia đồi hầy… Mấy anh trả lại cho chúng tôi hầy…
Phú vung dao lên văng tục:
– Trả cho mày cái con… Nó chết ở đây, bọn tao thấy trước là của bọn tao.
– Ờ. Của bọn tao – Đám đông hùa theo.
– Mấy anh lấy thịt như còn cặp nhung trả cho chúng tôi… Chúng tôi rình con nầy cả tuần nay rồi. Chúng tôi cần cặp nhung để bồi dưỡng cho cha tôi…
Đại uý Thuận:
– Cần thì mua mà xài. Con Luốc tao dẫn đến đây, vậy cặp nhung là của tao.
Toán thợ săn biết không cự lại đám đông nên rút sau khi kết một câu:
– Người kinh mấy anh tham quá.
Có lẽ vì câu nầy nên Hùng Tàn bỏ về mà không lấy thịt chăng?
***
Năm ngày sau đó Luốc ở quyết bên chòi Hùng Tàn. Đại uý không quan tâm vì xưa nay vốn vậy. Thêm nữa, đại uý có tình mới. Một em cũng tha phương nghe Lẻ bảy làm ăn được nên ghé coi chơi. Con Đen vợ Dũng Heo đang bầu bì không phụ chồng được nên Dũng dẫn vào làm thuê công nhựt. Chả biết Dũng có xơ múi gì không mà Đen nổi máu hoạn thư đòi móc mắt nhỏ làm thuê. Dám có lắm. Vậy là Thuận mời em qua chòi mình võng ai nấy ngủ. Chả biết ngủ làm sao mà cả hai cùng rớt xuống sạp lồ ô mà ra một cặp. Thuận lấy cặp nhung ngâm rượu, đại uý cứ như trai tơ từ khi nốc rượu nầy. Thiếu tá Tư nói:
– Uống nhiều coi chừng bứt mạch máu Thuận ơi.
Thuận đang đắm tình. Con Luốc còn không màng nói chi lời khuyên ba láp. Luốc quẩn bên võng Hùng. Cả bốn ngày vật vờ bởi sốt Hùng chỉ còn Luốc là bạn. Một mình tội quá. Chiều, Thạch Giựt nấu cho nồi cháo, sáng hâm lại giúp cho. Ăn không được thì chết ráng chịu chứ ai mà lo được cho ai? Tha phương cầu thực bị phụ tình khổ lắm người hỡi. Đi làm Thạch nói:
- Mày… mày ở… ở ở ở… nhà ông Hùng có có có gì kêu tao nghe Luốc.
Luốc ư ư buồn thảm.
Vậy rồi sáng của ngày thứ tư Hùng trở mình ngồi dậy. Anh xoa đầu con Luốc. Nó cũng liếm tay anh ra chiều thương cảm. Anh múc cho nó miếng cháo nhưng con Luốc chỉ nhìn. Nó chạy qua đại uý vòng quanh các chòi rồi ra đường.
Cả ngày Hùng trông mãi mà không thấy Luốc. Đến chiều cũng không.
Và đó là một sự kiện đặc biệt. Xưa nay con luốc không bao giờ qua đêm bất kỳ đâu. Nó luôn ở cùng đại uý. Đêm ấy cả bọn những mười hai giờ mà không ai ngủ, ai cũng có ý chờ. Thằng Thạch cứ Luốc … luốc… luốc.. về… về…
Ngày hôm sau và hôm sau nữa Luốc vẫn bặt vô âm tín.
Mấy thằng vai u thịt bắp mồ hôi dầu không lòng dạ nào đi làm. Chia nhau qua các bãi hỏi thăm. Hùng Tàn bò qua Châu Đèo. Phú qua bãi Chín Nà, mỗi tay mỗi bãi hẹn chiều gặp lại. Nhưng Luốc không có mặt ở bãi nào hết.
Nó đi đâu?
Hôm sau Hùng khoác ba lô lên vai:
– Mày đâu đó Hùng? – Thiếu tá hỏi.
– Tôi ra phà. Nghe nói Dũng Nhí với con Xuyến về rồi, Không chừng con Luốc đi thăm con Xuyến.
– Tao đi với mày. – Đại uý nói.
– Mày đi làm gì vậy Thuận – Vợ mới của Thuận lên tiếng – Con nhân ngãi nầy lên chức bà từ khi được làm vợ. Nó hổn trời sợ – Có con chó mà này làm như mẹ mày không bằng. Tao biểu mày không đi đâu hết.
Bà con trong bãi nhìn Thuận mà tội nghiệp. Xưa nay con quỷ cái mày tao mà Thuận có dám nói chi. Thuận sợ Xuyến một, sợ vợ mới mười. Thiên hạ tưởng Thuận co vòi ai ngờ hắn nhào tới vung tay đấm một phát vô con mắt vợ mới. Trong khi nàng tối tăm mặt mũi thì đại uý phang tiếp từ bạt tai cú đấm cả đá bổng nữa mới ghê. Ngài văng cả một núi tục:
– Biến ngay khỏi bãi nầy. Mày biết con Luốc với tao như thế nào không mà láo. Con Luốc mà mất thì mày không có cửa ở trong chòi với tao đâu.
Và con Luốc biến mất.
Ngày nay ở bến phà Lẻ bảy còn được vài người biết con chó Luốc nầy. Nó mất rồi đại uý cũng chết theo. Rượu nhung nai nguyên chất mà Thuận uống như hủ chìm thì sống đặng sao? Có người nói con Luốc bị chết bởi súng kíp của mất tay thợ săn người Tày. Hùng Tàn không tin vậy. Tàn nói người thợ săn không bao giờ giết chó.
Vậy thì con Luốc đi đâu?
Rất tình cờ quen Hùng Tàn ở phố. Lôi hắn lên xe đến Đinh Bộ Lĩnh ghé cầy tơ Nam Định làm đĩa lòng tô rựa mận chai đế gò đen gọi chút tình tri âm. Tàn uống suông mà không ăn mồi. Hỏi. Tàn kể chuyện con Luốc. Nghe qua cũng chả muốn gắp. Tàn nói:
– Mày biết không? Chả ai có thể bắt được con Luốc nếu nó không tự nguyện. Dũng Nhí kể rằng Luốc về thăm đúng lúc con Xuyến hư thai bị băng huyết. Nó không có lấy một đồng đi xe đưa vợ lên bệnh viện huyện…
– Không mượn được à?
– Cái thứ đàn bà bỏ chồng đàn ông lấy vợ người khác thiên hạ bến phà không ngó, nói gì cho.
– Rồi sao?
– Con Luốc để yên cho Nhí trói đưa đi lò mổ…
– Trời ơi… thực vậy sao?
– Đời sống của chúng ta có lắm súc sinh đội lốt người. Nhưng con Luốc người lắm bạn ạ
– Bây giờ Dũng Nhí ra làm sao?
– Xuyến bán vé số dạo rồi sau đó đột ngột ra đi sau một giấc ngủ. Từ đó Dũng Nhí trở thành Độc Cô Cầu Bại xin một lần thất bại không ai cho. Sáng. Banh mắt ra là rượu, cày được xu nào cũng xào vào rượu. Uống cho đến chèm bẹp rồi bò lăn ra ngủ một mình. Tắm rữa với nó…chỉ còn là kỷ niệm! Những lời khuyên với nó chỉ là tiếng Ả rập! Trời khiến. Nó vẫn sống, ca hát nghêu ngao rồi lảm nhảm một mình! Dân bến phà lắc đầu ngao ngán, phán gọn hơ: Trời hành.
Nguyễn Trí
Tôi chịu anh ngôn ngữ đời, bông phèn nhưng không hời hợt. Cảm ơn tác giả.
Truyện viết thật hấp dẫn, tình tiết phong phú. Văn phong thì đã có nét riêng rồi. Miễn bàn.
Ngôn ngữ tối giản cũng là một thủ pháp nghệ thuật độc đáo của nhà văn Nguyễn Trí.
Nhiều nhân vật của tác phẩm Nguyễn Trí có khi đang dần trở thành biểu tượng chăng ?
Một cây bút vừa mới xuất hiện đã tạo được tiếng vang lớn
Trí tưởng tượng của nhà văn thật phong phú.
Nhiều nhiều likes cho truyện ngắn này.
Vốn sống đã làm cho những câu chuyện mà anh Nguyễn Trí viết hấp dẫn một cách kì lạ
Chỉ biết kêu rên là hay anh Trí woi .
Có nhiều cuốn tiểu thuyết nhạt thếch nhưng truyện ngắn này có quá nhiều chi tiết tình huống hay lại chỉ gói gọn lại trong dung lượng một truyện ngắn . Tiếc.
Đề tài con chó có nghĩa thì nhiều, nhưng viết hay như anh Nguyễn Trí thì hơi hiếm
Hay quá
Con người ta, nhất là người bình dân lao động, khi gây gỗ giận hờn thường mắng chữi nhau “Mày là đồ chó”, ha ha, đọc chuyện nầy rồi mới biết ai được chữi cũng nên đừng thèm giận vì con chó (hay đồ chó) nhiều khi tốt hơn “đồ người”.
Anh Nguyễn Trí chắc đi giang hồ kỳ hiệp dữ lắm ha, chuyện dân gian anh rành sáu câu hết sức, nờ vậy đọc chuyện nào của anh cũng thấy tuyệt cú mèo. Có điều chuyện của anh thường nhiều nhân vật quá làm cái đầu hay quên của Bếp phải đọc đi đọc lại hoài hai ba lần để nhớ tên các nhân vậtmà nắm bắt câu chuyện (nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ phụ thuộc thôi, không làm suy iảm giá trị bài viết của anh đâu nghen)
Ok Lần kế truyện sẽ giảm bót nhân vật. Xin cám ơn góp ý của Huỳnh ngọc Nga.
Người ta hay nói rằng muốn biết thế nào là lòng trung thành thì nên nuôi một con chó. Truyện viết hấp dẫn.
Ôi cuối cùng chỉ là cái lẽ nghĩa nhân trong đời là số 1.
Vâng. Tiền tài như phấn thổ. Cám ơn Thanh Thanh.
Những nhân vật trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Trí đều có sức sống riêng, rất đời. đọc một lần là nhớ mãi.
Từ lâu mình đã quí trong bản lý lịch giang hồ của nhà văn Nguyễn Trí. Nhờ những năm tháng dưới đáy mà anh đã có những trang viết chói sáng. Quí lắm thay.
Mảng đề tài này thì Nguyễn trí là số 1
Một giọng văn bổ bã nhưnh kỉ lưỡng với văn chương.
Cám ơn anh Nguyễn Trọng Thi đã nhận xét rất chính xác. Trí tôi tính tình tuy bổ bã, nhưng viết kỹ anh ạ.
Truyen viet hay, y tu,chi tiet doc dao,da dang
Hay, ý tứ, độc đáo, đa dạng…. xin cám ơn Khungcuahep
Mình rất thích ngôn ngữ viết của anh Nguyễn trí :sắc lạnh. Câu nào ra câu nấy,không thừa không thiếu.
Rất cám ơn Mai Hoa. Sắc lạnh. Thật vậy không?
Rat mung biet tac gia da qua duoc vu rac roi voi con mat.
Cam on da duoc doc mot bai hay.
Kinh chuc tac gia luon duoc binh an va co nhieu suc de viet.
Cam ơn Hoang Tam có lời thăm hỏi con mắt của tôi. Nó tốt rồi bạn ạ. Cám ơn đã đọc truyện và khen hay. Thật là thích.
Giống như một cuốn phim trên HBO. Sao chưa thấy ai mua kịch bản vậy ta ?
Nếu có ai mua tôi sẽ mời HvMinh ly cà phê.
Trời ơi con chó còn hơn cả….con người. Sự so sánh đôi khi thật nghiệt ngã
Theo tôi thì không nghiệt ngã Rio66 ạ.
Nhiều tình tiết hấp dẫn,đáng giá
Con chó này nếu có thật thì đáng dựng tượng đài tôn vinh.
Không đọc cũng biết là hay,nhưng đọc thì quả thật cái suy nghĩ đầu tiên của mình là đúng. Mình thích cái ngôn ngữ đời thường trong truyện của anh Trí. Đơn giản mà thật gợi.
Viết quá hay,gai góc mà nhân tình
Chó Luốc sống Tình loài Chó!Ai yêu ai thương là nó đáp tình Đơn giản không biết phân trần Chỉ biết có sủa ra dấu hiệu thôi!Nhờ ở tài biết đánh hơi Giúp người bao việc cũng vui Chó mà!?Kết thúc đời Chó Luốc ta! Lần cuối với Chủ xưa đó đã từng.. Quen mặt quen thấy ở chung!Thì đây hy vọng chết xong Nhớ… rồi say hoài hoài…”Chó Luốc đây!”