Đỗ Hồng Ngọc.
Kể chuyện sinh hoạt văn nghệ gần đây hả? Ừ được. Trong tháng 9 này cũng khá sôi nổi. Mình kể bạn vài “vụ” mình có tham dự thôi nhé.
* Đầu tiên là Thứ bảy 7.9, mình nói chuyện ở chùa Xá Lợi về “Vận dụng tư tưởng Kim Cang Bát Nhã trong cuộc sống”. Ủa, cái chuyện vận dụng này không phải “văn nghệ” hả? Mình lại thấy nó văn nghệ. Nếu không, sao lúc này thấy thơ bạn nhiều bài về thầy và chùa? Nào có người tự dưng mang con giao cho thầy, rồi tự dưng đến đòi lại, nào chuyện thầy quét lá trước cổng chùa gặp… tiền kiếp của mình v.v… Vậy mà không văn nghệ là gì? Chỉ cần “vận dụng” câu ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm hay “tức phi / thị danh” cũng đủ quá văn nghệ rồi? Vì nó làm cho cuộc sống đẹp hơn, bạn không thấy sao?
* Ngày 14.9 có buổi “Tọa đàm khoa học” về Bùi Giáng ở trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn (Văn khoa). Nghe “khoa học” mình cũng hơi ớn! Bùi Giáng hồi đó chắc không tính làm thơ cho “tọa đàm khoa học” chi đâu! Nhưng ôi, đông quá. Những người yêu mến Bùi Giáng và sinh viên tề tựu rất sớm. Gia đình Bùi Giáng có đại diện là nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn (vai chú BG) và các vị từ Quảng Nam vào. Có các bài trình bày của Huỳnh Như Phương, Nhật Chiêu, Lê Minh Quốc… Mình gặp ở hành lang rất nhiều bạn bè, có cả cô Kim Cương. Gặp Kim Cương đi… cà nhắc. Hỏi sao vậy? Bị viêm khớp, đau chân! Mình mong được nghe bài của Giao Hưởng (Trần Phá Nhạc) về Phật tánh trong thơ BG mà không được vì thiếu thời gian. Thơ BG thường hạ mấy chữ “hà dĩ cố?” (tại sao vậy?) trong kinh Kim Cang nhớ không? Nhưng mình vẫn nhớ nhất 2 câu: “Em ơi em đẹp vô cùng/ Vì em có cái lạ lùng bên trong” mà mình đã xin phép thêm: “Em ơi em đẹp vô song/ Vì em có cái bên trong lạ lùng” (rồi cứ thế đọc lòng vòng) trong một bài viết về Cái Đẹp năm nào.
* Ngày 15.9 lại dự ra mắt tạp chí Quán Văn 16, chủ đề Sông Seine. Nhóm bạn cũ mới của Ý Thức cũng đều có mặt hôm đó. Nào Thân Trọng Minh, Trần Hữu Lục, Trần Duy Phiên, Sâm Thương, Từ Hoài Tấn, và Nhật Chiêu, Cao Quảng Văn, vợ chồng Trương Văn Dân – Elena… . Nhiều bạn cũ lâu ngày gặp lại, người nào cũng đầu hai mái tóc, có người một mái trắng phau. Hơn 40 năm rồi còn gì. Mới thôi! Nguyên Minh mời mình phát biểu vài câu. Mình nhắc chuyện Nguyên Minh cùng Chu Trầm Nguyên Minh, Cao Quảng Văn… đi Tây, và nhờ đó mà cảm hứng làm tập “chuyên đề” về Sông Seine này! Chuyến đi đó Nguyên Minh bệnh suýt chết. Về được đến nhà mừng quá, bà xã cho ăn luôn mấy con chim bồ câu cho lại sức, rồi chàng mời bọn mình đến khui chai vang, ăn cùng pâté gan… vịt! Quán Văn với Nguyên Minh cũng giống như “Thư Quán Bản Thảo” của Trần Hoài Thư vậy. Sự mê say làm báo của các bạn khiến mình rất nể phục.
* Ngày Thứ bảy 21.9 mình tham dự buổi tọa đàm về cuốn Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức, một nhà nghiên cứu văn hoá trẻ, chưa đến 30 tại Café Thứ Bảy của nhạc sĩ Dương Thụ. Ngàn năm áo mũ nghiên cứu về “áo mũ” từ ngàn năm của người Việt, so sánh với Trung Hoa, Nhật, Triều Tiên… Gần đây, các phim cổ trang Việt có vấn đề về “áo mũ” và gây nhiều tranh luận. Nghiên cứu có chiều sâu và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu trong lãnh vực này. Không ngờ người dự rất đông, đặc biệt là các bạn trẻ. Bạn thấy đó, chuyên “áo mũ” của ngàn năm mà được các bạn trẻ bây giờ quan tâm đến vậy cũng là một tín hiệu đáng mừng phải không?
* Ngày CN 22.9 lại có Lễ trao giải Sách Hay 2013 ở Rex. Đông ơi là đông! Chứng tỏ người ta đang rất quan tâm đến sách và sách hay. Đây là một giải thưởng văn học tư nhân rất có uy tín hiện nay của nhóm các nhà văn hóa-giáo dục Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Bùi Văn Nam Sơn, Quách Thu Nguyệt, Giãn Tư Trung… Đây đã là năm thứ ba. Năm ngoái đã trao giải cho tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác nhớ không? Năm nay thấy trao các giải Sách Hay cho Tạ Chí Đại Trường, Lê Tất Điều (Mỹ), Nguyễn Văn Tuấn (Úc), Quế Sơn (Canada), Bùi Ngọc Tấn, Trần Văn Thủy… Tiêu chí của giải là sách hay, không kể trong nước hay ngoài nước. Đây là một giải có chất lượng, đáng trân trọng.
* Hôm nay Thứ bảy 28.9, có buổi Tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Kim Tuấn… Rất đông bạn bè anh em về dự. Thơ Kim Tuấn không phải ai cũng biết, cũng nhớ… nhưng nhạc phổ thơ Kim Tuấn thì ít ai không biết không nhớ! “Anh cho em mùa xuân, mùa xuân này tất cả, lộc non vừa trẩy lá…” (Kim Tuấn/ Nguyễn Hiền) hay “Từng bước từng bước thầm/ Khi người yêu không đến/ Tuổi xanh buồn lặng căm/ Em yêu gì xa văng/ Cho trời mây ướp buồn…” (Kim Tuấn/ Y Vân)…
Nhà thơ Bảo Khôi, con trai Kim Tuấn “nối nghiệp” cha, cùng in chung tập thơ “Con Đường…” với 26 bài của Kim Tuấn cùng 22 bài của Bảo Khôi. Rất nhiều kỷ niệm về Kim Tuấn được anh em nhắc lại từ thời Pleiku, Saigon… Riêng mình vẫn nhớ buổi sáng cùng Kim Tuấn và Bùi Nghi Trang ngồi café ở bờ sông Saigon. Kim Tuấn nhắc những kỷ niệm tuổi thơ gian khổ ở Phan Thiết rồi nói không biết sau này anh em có còn gặp nhau không. Chẳng ngờ không lâu sau đó, anh đã đột ngột qua đời vì cơn nhồi máu cơ tim.
Có nhiều giọng hát, giọng ngâm thơ rất hay của Miên Đức Thắng, Tôn Thất Lan, Bảo Cường, Thu Thủy, Trầm Ka, Minh Hoàng… trong buổi hôm nay.
Tường trình xong rồi đó nhé. Đừng có bảo quên bạn… xa xôi nữa nhé!
Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.
Lưu dấu vài hình ảnh ngày 27 – 9 -2013 . Tưởng niệm mưởi năm nhà thơ Kim Tuấn đi xa
Xem thêm Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân
“Em ơi em đẹp vô song/
Vì em có cái bên trong lạ lùng”
=================
Câu thơ độ hay. Chúc bạn khỏe, vui
Bác sĩ Đ.H.Ngọc kính mến,
Khen bác sĩ viết hay hoài chắc cũng hoá nhàm, nhưng thú thật bài nào của bác sĩ cũng là những liều thuốc bồi bổ tinh thần cho những người thiếu vitamine chữ nghĩa quê nhà (như Bếp đây chẳng hạn).
Bài tường trình kỳ nầy của bác sĩ ngắn, gọn nhưng đủ để người xa có được cái nhìn tổng quát về sinh hoạt văn nghệ Saigon. Mỗi tên hội, mỗi địa danh tổ chức, mỗi tên tuổi người tham gia là mỗi nổi niềm hoài vọng của Bếp đó bác sĩ.
Cám ơn bác sĩ thật nhiều và xin mượn 2 câu thơ có liên quan đến Bùi Giáng tiên sinh để thay lời chào bác sĩ nha:
“Mai sau còn dự hội nào
Ngó nhau từ kỷ niệm đầu bảo giông…
Cảm động vì những phản hồi của HUYNH NGOC NGA… xa xôi bao giờ cũng đầy tình cảm quê nhà! Sinh hoạt văn nghệ nhiều lắm. Mình chỉ kể được ít “vụ” mình có tham dự và có… cảm xúc thôi! Chúc luôn vui khỏe.
“người thiếu vitamine chữ nghĩa quê nhà (như Bếp đây chẳng hạn”.
Bếp nói rằng Bếp thiếu vitamine chữ nghĩa quê nhà ư? Không tin đâu Bếp ơi. Người quê nhà học viết văn theo Bếp không kịp đấy. Chia cho “tui” một ít chữ nghĩa để tôi viết nhé. Xin cám ơn, ngàn lần xin cám ơn…
TTT
Trương huynh ơi,
Trương huynh thật tử tế khi tặng tiểu muội cái bong bóng bay. Chỉ sợ huynh cho muội bay cao theo bong bóng rồi đến lúc bong bóng nổ đùng thì tộii nghiệp “chị bà con cô cậu” của huynh lắm vì bay càng cao, té càng đau, huynh biết mà, phải không? Vậy cho muội hai chữ bình an nha. Được vậy, muội cũng xin cám ơn huynh, “triệu” lần cám ơn, hi hi..
Cảm ơn bài viết của Anh Đỗ Hồng Ngọc , đã cập nhật sinh hoạt Văn Nghệ của Anh Chị Em !
Xin được thay mặt tạp chí Văn Tuyển cảm ơn nhà thơ Đỗ Nghê đã đến dự chương trình thơ nhạc “Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân – Tưởng nhớ nhà thơ Kim Tuấn – Ghi dấu 10 năm ngày ông đi xa” do Văn Tuyển và gia đình nhà thơ Kim Tuấn thực hiện. Kính chúc anh luôn vui, khỏe để tiếp tục “sinh hoạt văn nghệ” nhiều hơn nữa.
Nhờ Ngô Đình Hải phone nhắc đó chứ! Nhất là nhờ bạn giữ cho cái… giấy mời nên có ly cafe Văn Tuyển (miễn phí) thật ngon! Nguyễn Liên Châu và các bạn tổ chức rất tốt. Hôm đó, nếu còn thì giờ thì chương trình sẽ càng phong phú hơn!
Tôi nghĩ bản “tường trình” của anh ĐHN thì thú vị và hữu ích không những đối với các bạn ở “xa xôi” mà còn cho những bạn ở quanh đây nhưng không có thời giờ tham dự hay không được thông tin kịp thời hay đầy đủ.
Tiếc là ở buổi lễ trao Giải thưởng Sách hay 2013 (hôm 22-9) vừa rồi, đông người quá, tôi không thấy anh để đến chào hỏi anh.
Giải thưởng này dành cho sách thuộc nhiều lãnh vực như Nghiên cứu, Thiếu nhi, Kinh tế, Quản trị, Phát hiện mới, Văn học… chứ không hẳn chỉ dành cho sách văn học, như anh đã viết: “…Đây là một giải thưởng văn học tư nhân rất có uy tín hiện nay…”. Trân trọng.
Cảm ơn Quế Sơn. Bạn nói đúng. Giải thưởng Sách Hay không chỉ dành cho sách văn học. Có lẽ mình bị… ám ảnh, chỉ nhớ mảng văn học (vì có nhiều người quen: Nguyễn Mộng Giác, Tạ Chí Đại Trường, Lê Tất Điều, Quế Sơn…!). Hôm đó nghe phát biểu của Quế Sơn, luôn nhắc đến Nhật Chiêu, vậy là rất quý!
“Em ơi em đẹp vô song/ Vì em có cái bên trong lạ lùng” (rồi cứ thế đọc lòng vòng) trong một bài viết về Cái Đẹp năm nào.
Thưa đàn anh,
-Em không hiểu “Em ơi em đẹp vô song/ Vì em có cái bên trong lạ lùng” xin cho biết “cái bên trong lạ lùng” là cái gì ạ?
-“Anh cho em mùa xuân, mùa xuân này tất cả, lộc non vừa trẩy lá…” (Kim Tuấn/ Nguyễn Hiền) hay “Từng bước từng bước thầm/ Khi người yêu không đến/ Tuổi xanh buồn lặng căm/ Em yêu gì xa văng/ Cho trời mây ướp buồn…” (Kim Tuấn/ Y Vân)…” (Kim Tuấn/ Y Vân)…
Cám ơn đàn anh đã giúp gợi nhớ lại những bài ca không thể nào quên như “Em yêu gì xa văng/ Cho trời mây ướp buồn…” phong cách viết của anh lúc nào cũng nhẹ nhàng như nụ cười hiền hòa dễ thương và thương dễ của anh. Còn khỏe còn đi được như vậy là quí lắm đó anh.
Thân kính
TTT
Trời ơi, thì cũng như Trương Tất Thọ thôi mà! Nhưng thiệt ra là còn thua bạn xa lắm: bạn đàn hay, hát giỏi, bóng bàn hạng nhất, tiếu ngạo giang hồ… không thua Lệnh Hồ đại ca! TTT là dược sĩ, thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ… thì chuyện “cái bên trong lạ lùng” là cái gì thì bạn phải biết hơn ai hết chứ! Đó chính là cái đẹp của tâm hôn đó vậy, chứ Bùi Giáng đâu có biết Siêu âm, MRI, Xquang… gì đâu!?
“chuyện “cái bên trong lạ lùng” là cái gì thì bạn phải biết hơn ai hết chứ! Đó chính là cái đẹp của tâm hôn đó vậy, chứ Bùi Giáng đâu có biết Siêu âm, MRI, Xquang… gì đâu!?”
Nhân danh người có may mắn (hoặc đau khổ) chấm các nàng đi thi người đẹp, hoa khôi…xin phép được chấm đàn anh là hoa hậu…”cái bên trong lạ lùng” vậy.
@ Hai ông anh của tui, trước một người(bịnh nhân) :
“Em ơi em đẹp vô song/ Vì em có cái bên trong lạ lùng”
_ mà, ông khám bịnh,kê toa(bác sĩ) : “….thì chuyện “cái bên trong lạ lùng” là cái gì thì bạn phải biết hơn ai hết chứ!….”
_ còn, ông bán thuốc(dược sĩ) : “….Em không hiểu “Em ơi em đẹp vô song/ Vì em có cái bên trong lạ lùng” xin cho biết “cái bên trong lạ lùng” là cái gì ạ?”
+/ Cho nên : “Nhân danh người có may mắn (hoặc đau khổ) chấm các nàng đi thi người đẹp, hoa khôi…” >>thì, “người đẹp, hoa khôi…” nào mà dzám đưa cho hai ổng…… “chấm” ,chứ?
( Đùa tí, cho dzui cửa,dzui nhà_nghen, hai anh?)
Nhịp sống văn nghệ Sài Gòn vẫn không ngừng tuôn chảy
Chào Anh Đỗ Hồng Ngọc!”Sinh hoạt văn nghệ” thường là vui-gặp thấy được nhiều nhân vật sôi nổi văn nghệ.Nên dù ở xa -đọc qua bài viết trên -vẫn có cảm giác”Xa xôi mà chẵng xa xôi.Ngồi đây mà biết chuyện vui chuyện buồn”-Những thông tin cũng rất cần -cho người muốn biết nhiều lắm chứ?Cảm ơn TG nghen!