Truyện ngắn của Trần Như Luận
Người ta thường tô vẽ quá nhiều hình ảnh đẹp cho tình yêu, đến độ cứ tưởng chừng như nó đích thị là món quà ưu ái được tạo hoá ban tặng riêng cho loài người. Không ít bạn đã từng nghĩ tình yêu bao giờ cũng tuyệt vời, còn “cái sự ham muốn ấy” là thứ gì thấp kém hơn, tầm thường hơn. Những buổi chiều thong dong bước dọc theo bờ cát mịn màng bên bờ biển, ngẫm nghĩ về những chuyện tình đã qua, Bình không khỏi bùi ngùi nhớ tới những khoảnh khắc anh đã từng tắm mình trong cảm giác chơi vơi, bay bổng, nửa mộng nửa thực. Cũng chính những xúc cảm trầm luân ấy đã đưa đẩy anh tới những chuyện phiền lòng mà chính anh, anh cũng tài nào ngờ được.
Lung linh, dưới ánh trăng huyền ảo, những ngọn sóng thăng trầm cứ dạt xô vào bờ. Những âm thanh lúc ào ạt dâng lên như tràn ngập đam mê, lúc liu riu ngân nhẹ như gió thổi qua mành. Và muôn cánh gió, có lúc dịu dàng thanh thoát như hơi thở từ đôi môi rất gần, có lúc cuồn cuộn tràn qua da thịt như hàng ngàn cánh tay thiên thần phả vào xúc giác. Bình nhớ rõ lúc quay về với đất thần kinh trong một dịp công tác, sau khi hoàn tất công việc, anh vẫn còn do dự không biết liệu có nên gặp Huỳnh hay không. Ôi! Cái cô nàng mang tên y hệt đàn ông đó hình như trời sinh ra chỉ để làm vấn vương suy nghĩ của anh. Đã hàng chục năm trời, vậy mà nỗi day dứt, ám ảnh, bức bối cứ chiếm lấy lòng anh.
Người đâu mà lạ! Chẳng lẽ nào cô ta không thoát ra được lối suy nghĩ đầy cố chấp từ dạo ấy đến nay? Chẳng lẽ nào trên đời này cái gì cũng cứ phải hai với hai là bốn? Bình thừa hiểu, bởi vì anh đã từng đọc không ít sách truyện viết về cái bản năng cực kỳ mạnh mẽ ấy của con người. Anh cũng có khá nhiều từng trải, có thể gọi là kinh nghiệm tình trường. Anh cũng am tường tâm lý con người ta, cũng hiểu thấu đáo trong hoàn cảnh nào thì đôi lúc người ta có thể thế này hay thế khác. Vậy mà, vấn đề phiền phức ở chỗ Huỳnh đã không nghĩ được như anh.
Theo lời bạn bè ở Huế, Huỳnh, bây giờ là ni cô Diệu Liên vẫn sống vùi chôn tuổi xuân trong bốn bức tường rêu bít bưng của ngôi chùa cổ. Quanh năm cô chỉ thấy bóng hàng cổ thụ già nua và chỉ nghe tiếng kinh cầu. Cô dường như vẫn không ngừng trăn trở với nỗi buồn thầm kín ngày xưa. Nghĩ tới hình ảnh một ni cô ngày đêm phải ép mình trong các giới luật khắc nghiệt của nhà chùa, Bình không khỏi chạnh lòng. Có lẽ ngày xưa, khi chọn chùa chiền làm chốn nương thân, cô bé Huỳnh mười chín tuổi ấy đã không nghĩ ra rằng mãi tới hàng chục năm sau Bình vẫn rất bận tâm và ân hận khi nghĩ đến cô như thế này.
Ba lần Bình toan huỷ bỏ cuộc gặp gỡ giữa một người phàm tục như anh với một ni cô đã chọn đường tu hằng chục năm như Huỳnh. Nhưng cuối cùng, một phần vì lý do tình cảm, một phần vì trách nhiệm, một đôi chút vì tính tò mò (Ôi! Lại tò mò. Bình muốn “cốc” vào cái đầu ngu muội và vô tâm có lúc gần như nhẫn tâm của mình), anh nghĩ dẫu sao cũng nên gặp Huỳnh.
Hẳn bây giờ cô nàng chững chàng lắm, nghiêm trang lắm!
Cô ta mảy may không đẹp. Nước da không đen hẳn, nhưng không thể gọi là trắng. Khuôn mặt không có gì ấn tượng. Hình như đầu mũi có hơi tròn quá, nên trông cô có phần trẻ con dù cô chỉ kém Bình hai ba tuổi. Cái đêm hôm đó đúng là một sự bất ngờ. Quá bất ngờ! Hai năm sau ngày thống nhất nước nhà, phong trào thanh niên lên cao, cả thành phố như một dàn hợp ca mà thanh niên là người chủ xướng. Bình đã học đến năm thứ hai đại học. Nhưng cậu thích gắn bó với phong trào thanh niên địa phương hơn, vì cậu chán ngấy cái cảnh nịnh nọt, săn đón để được vào đoàn của hằng chục bạn cùng lớp. Cậu cũng chán lũ bạn bè mãi chạy theo những thành tích, những hình thức, đâm ra lãng phí thời gian.
Bình xuất hiện trong phong trào đoàn phường như một ngôi sao. Cậu nhanh chóng trở thành trung tâm điểm để tập hợp trai gái địa phương. Cậu tìm thấy ở Thường một bầu nhiệt huyết và sự lanh lợi mà trước kia cậu hiếm khi thấy ở một người phụ nữ dân dã. Cậu thán phục cách nói chuyện trước công chúng của Đôn, của Nam, của Tịnh. Phần lo học, phần lo cho phong trào, cậu cũng chưa thật sự quan tâm xem thử trong các cô gái cùng sinh hoạt liệu ai đẹp và nết na, thuỳ mị hơn ai. Đôi lúc cậu có phần để ý tới Thu, cô bé có mái tóc đen nhánh trên nền áo trắng trinh nguyên, nhưng cũng chỉ qua loa, chưa có gì sâu sắc.
Đêm ấy đi sinh hoạt đoàn về, trời nổi giông nổi gió. Gió đâu ập về tới tấp. Gió bật tung những chiếc lá khô nơi mặt đường bay vèo vèo. Huỳnh và đám đông các bạn gái, cả thảy hằng chục bạn, đi về cùng đường với Bình và Nam. Thế rồi, cả Nam lẫn mấy đứa chuồn đi đâu cả, để lại Huỳnh và Bình lặng lẽ đi bên nhau.
Huỳnh lâu nay thật ra chẳng có gì để cho Bình lưu tâm. Quả đúng như vậy. Cô nàng lẳng lặng đi, không gây cho Bình một ấn tượng gì. Dường như hai người có trò chuyện với nhau bâng quơ về những điều chẳng đâu ra đâu. Bỗng mưa bay lất phất. Mưa và gió cứ vờn qua vãng lại, lao xao trên những lùm tre khuya vắng, nghe như trăm mũi kim li ti cứ châm nhẹ vào người.
Cái rét đầu đông chợt ùa về, gây gây, buôn buốt. Cái rét chạy râm ran vào lồng ngực, lan nhẹ xuống sống lưng và đôi bắp đùi chợt làm Bình như muốn khựng lại. Cậu nghe hơi thở của Huỳnh dường như rất gần. Gần lắm! Mùi mồ hôi là lạ từ bộ áo quần vải mỏng và mùi da dẻ con gái thoảng đâu trong gió bỗng trở thành một nỗi ám ảnh lớn dần trong tâm hồn chàng trai tơ. Xưa nay Bình đã từng xem những thước phim lãng mạn, nam nữ cứ đằm thắm bên nhau. Bình cũng đã từng bị cuốn hút vào những đoạn phim trai gái quấn quít nhau, những nụ hôn triền miên say đắm, những vòng tay quyến luyến, đợi chờ. Mùi bồ kết gội đầu còn vấn vương đâu đó trên mái tóc Huỳnh. Bình xao xuyến.
Bỗng gió mạnh mẽ ùa xuống mặt đường, thổi tung bụi vương lên mắt. Trong con hẻm nhỏ, Huỳnh tần ngần đứng lại giụi mắt. Bình cũng chần chừ, bịn rịn chẳng muốn đi. Tiếng ễnh ương về khuya nghe rờn rợn. Bỗng Bình cứ nghe xôn xao ấm nóng trong lòng. Cậu con trai hai mươi tuổi chưa một lần cận kề mùi hương con gái bỗng thấy vấn vít một điều gì. Sẽ ra sao nếu giữa cậu và Huỳnh chợt có một phút giây đùa trăng ghẹo nguyệt?
Bình không cưỡng được lòng mình. Vụng về, run rẩy, cậu choàng tay ôm ngang eo Huỳnh. Vài sợi tóc dài bay lên trong gió, quấn vội lấy cổ chàng. Huỳnh ghì chặt lấy Bình, hơi thở bỗng trở nên dồn dập. Bình nghe cả tiếng tim Huỳnh rộn ràng đập trong lòng cậu. Trời càng khuya, cảnh vật càng hoang vắng. Đôi nam nữ bỗng say đắm bên nhau như một đôi tình nhân.
Dường như họ đã tìm hơi ấm bên nhau như thế trong cái xóm vắng về khuya chỉ đâu mười phút. Mà cũng có thể lâu hơn. Thời khắc lúc đó đối với họ hình như không còn quan trọng nữa.
Huỳnh thoáng thấy một chiếc xe rú chạy qua đường. Ánh sáng đèn xe làm cô khó chịu. Nàng bảo Bình bước sang một xóm vắng và tối hơn ở phía bên kia đường cái. Nhưng đến phút giây này, Bình sực tỉnh. Cậu con trai khẽ cười gượng gạo rồi chạy băng băng ra đường. Vẻ mặt nửa ngượng ngùng nửa ân hận của Bình, cùng với màu vàng lấp lánh của ánh điện đường chiếu lên lưng tấm áo trắng tinh của chàng trai để lại trong lòng Huỳnh một dấu ấn khó phai mờ.
Đêm đó, và cả ngày hôm sau, Huỳnh thấy nhớ Bình da diết. Cô không buồn thay bộ áo quần đã mặc đêm qua, sợ bay biến đi mất cái hơi hướm mà cô đã nhận được nơi Bình. Từ lâu, cô hằng ao ước Bình để mắt đến cô, chỉ một cái liếc mắt vô tư cũng đủ cho cô thao thức. Vậy mà, oà đến đêm qua, một đêm ngọc ngà kỳ diệu đối với cô, Bình đã vụng về tỏ tình bằng những cử chỉ đáng yêu. Trưa hôm sau, Huỳnh để nguyên chiếc áo dài trắng học trò, một tay ôm cặp, tay kia e ấp một quà tặng gì đó, rảo bước tới nhà Bình.
Vốn đã quen biết với gia đình Bình, cô được mời vào nhà, ngồi chờ Bình đi học về. Cô sốt ruột chờ. Thỉnh thoảng đưa chiếc cổ tay lên nhìn đồng hồ. Mười hai giờ, Bình xuất hiện. Cậu dường như không mấy quan tâm đến sự hiện diện của Huỳnh mặc dầu ban đầu cậu tỏ ra hơi khó chịu. Cậu con trai vừa ngượng ngùng với những gì diễn ra đêm qua, vừa tỏ ra ngại tiếp bạn gái trong không khí gia đình. Cậu cất tiếng mời cơm qua loa, rồi ngồi vào bàn ăn. Phần vì bụng cồn cào, phần vì sợ phiền, Huỳnh bước ra cửa, không quên chào mọi người và để lại trên bàn một đoá hoa trắng muốt.
Bình vốn vô tâm, cậu tưởng mọi chuyện sẽ dừng lại ở đó. Nhưng không. Trưa hôm sau, Huỳnh lại đến. Lần này cô để lại trên bàn học của Bình một đoá hoa hồng nhung. Mùi thơm ngào ngạt khiến người anh của Bình tấm tắc khen:
– Hoa đẹp và thơm lựng! Sao dạo này trông mày có vẻ thân con bé đó quá hả?
Bình lặng yên không nói. Mà nói sao được, đối với cậu mọi chuyện vẫn chưa có gì.
Trưa hôm sau, dường như đúng là trưa thứ bảy, Huỳnh lại đến, cũng trong bộ trang phục học trò. Tóc chải mượt. Vẻ mặt tươi tắn. Cô nàng cố chờ để được gặp Bình. Cậu con trai miễn cưỡng tiếp cô trong thái độ rụt rè. Hình như hai người chỉ trò chuyện bâng quơ vài câu. Huỳnh vui vẻ ra về, để lại trên bàn đôi bông hoa hồng thắm.
Trưa hôm sau, rồi hôm sau nữa, trông mong suốt buổi mà chẳng gặp được Bình, cô nàng cứ phải tìm đến nhà. Bình cố lảng tránh mà không được. Cuối cùng cậu tỏ thái độ bằng cách kéo dài bữa ăn trưa, buộc Huỳnh phải chờ thật lâu.
Vậy mà cô không nản. Suốt hơn một tuần, Huỳnh đến nhà Bình với gương mặt sắp sẵn nụ cười, để lại trên bàn những bông hoa đẹp không chê vào đâu được. Bình không vui mà lại tỏ ra khá bực mình. Cậu nói úp mở để cô nàng hiểu rằng đừng nên đến nhà như thế này nữa. Huỳnh vẫn cười nhưng trong lòng vô cùng đau xót. Nỗi khổ tâm, day dứt ấy sau đó đã diễn biến thế nào thì thật ra Bình hoàn toàn không hay. Cậu cũng chẳng để ý làm gì. Phong trào thanh niên vẫn phát triển mạnh. Cậu thỉnh thoảng gặp Huỳnh nhưng quả thật cậu chẳng mấy quan tâm.
Bình cứ nghĩ mọi chuyện chắc chỉ có thế. Nào ngờ, mấy năm sau, khi đã tốt nghiệp về nhận nhiệm sở ở một tỉnh lẻ, Bình lại nghe có tin đồn rằng Huỳnh đã xuất gia. Anh ôm đầu, bóp trán, dằn vặt một thời gian dài.
Anh cứ nghĩ trong lòng sao lại có người dại dột và cố chấp đến thế!
Thật ra, không riêng gì với Huỳnh, đã từ lâu Bình trở thành một cậu con trai lý tưởng đối với rất nhiều bạn nữ trong phong trào thanh niên. Vậy rồi, một phút không tự chủ đã làm Bình dở khóc dở cười. Nhiều đêm anh tự nhìn mình trong gương soi, cảm thấy dường như mình rất xa lạ với chính mình, dường như mình tồi quá, mình không có gì đáng trọng cả.
Anh cưới vợ, có con.Nhưng nỗi dằn vặt ấy vẫn không nguôi. Giá như Huỳnh dễ dàng vượt qua điều đó như hằng vạn người khác trên đời này thì anh đã không khổ tâm đến thế.
*
* *
Anh thu xếp gặp ni cô Diệu Liên tại bờ sông Đào, nơi một nhánh rẽ về phía Bắc của dòng sông Hương. Ánh đèn điện sáng trưng từ chiếc cầu bê tông bắc ngang dòng sông quê anh rọi lên khuôn mặt nhuốm màu khắc khổ của Huỳnh làm anh thật xót xa. Ni cô xuất hiện trong chiếc áo lam phủ từ cổ xuống chân, chừa lại đôi chân mang đôi dép đơn sơ bước đều trên thềm cỏ. Muốn đến đây, ni cô đã phải đi qua một bãi tha ma chạy dài theo đường Ôn Như Hầu. Nơi ấy không có lấy một bóng điện đường, cảnh vật âm u. Mặt đường nhựa còn ấm nóng, ni cô lại phải bước đi rất cẩn trọng vì khu vực này luôn có nhiều mảnh rác bẩn có thể cứa sướt lòng bàn chân bất cứ lúc nào. Gặp Bình hay không, đối với cô đó là một điều khó xử. Cuộc sống chốn thiền môn đối với cô vậy là đã ổn rồi. Cô không muốn có bất cứ một xáo trộn nào, dẫu là rất nhỏ. Nhưng cuối cùng cô nghĩ, dẫu sao anh bây giờ đã vợ con đề huề, chẳng lẽ cuộc gặp này lại có thể liên lụy đến anh hay sao. Ni cô vội dọn dẹp bàn ăn thật nhanh rồi xin phép ni sư ra đầu cầu.
Bóng dáng Bình cao dong dỏng. Nụ cười anh vẫn duyên dáng như dạo nào. Dường như ni cô thoáng xúc động. Nhưng cô cố giữ bình thản. Cô cất giọng chào:
– A di đà Phật. Không ngờ sau mấy chục năm bây giờ mới gặp lại anh.
Sau vài giây bối rối chẳng hiểu vì lý do gì, Bình khẽ mỉm cười:
– Trông cô bây giờ chững chạc quá. Đúng là cốt cách của một nữ tu. Ở chùa chắc vất vả, khổ sở lắm phải không?
Hai người chậm rãi ngồi xuống trên hai chiếc ghế con trong một quán vắng cạnh chân cầu. Bình đưa mắt nhìn kỹ, thấy cô đã hơi già so với tuổi. Lốm đốm một vài chân tóc đã điểm bạc. Một loạt ý nghĩ cứ hiện ra trong đầu. Anh lặng yên chưa vội nói.
Ni cô lên tiếng:
– Nhiều người cứ tưởng tu là khổ, nhưng không hẳn vậy đâu. Anh không nghe giới tu hành thường nói tu là cội phúc, tình là dây oan hay sao?
– Biết vậy… Nhưng sao vẫn thấy có một điều gì đó làm tôi vô cùng bận tâm. Giống như một sự ân hận, một sự áy náy…
– Anh hãy để cho mọi chuyện qua đi. Như ngày xưa anh đã đôi lần khuyên tôi – Ni cô từ tốn nói, âm giọng trầm trầm như đang đọc kinh trước bàn thờ Phật.
– Tôi muốn khuyên cô nên hoàn tục. Cô đừng sống trong cảnh chùa chiền khắc khổ ấy nữa!
Ni cô ngạc nhiên trố mắt nhìn. Cô không thể tin có ngày Bình tìm gặp và nói những lời như thế. Giọng cô hơi run lên có lẽ vì xúc động:
– Tình bạn chân thành của anh, tôi hiểu. Nhưng bây giờ mọi chuyện đã đâu ra đấy. Sống trong chùa, tôi chẳng thấy khổ sở gì. Trước kia tôi buồn chán chuyện đời, quyết đi tu, tìm sự yên thân nơi lời kinh tiếng kệ. Bây giờ kinh kệ đã trở thành niềm vui sống, chùa đã là nhà, làm sao thay đổi được. Nếu tu, anh sẽ hiểu đời hơn, anh sẽ biết sống có ý nghĩa hơn.
– Cô lập luận vững vàng lắm. Nhưng… – Anh định nói dẫu sao cuộc đời vẫn rất đáng sống, phải giam mình trong bốn bức tường chỉ để thắp nhang niệm Phật, cuộc sống gò bó theo giới luật nhà chùa e quá nghèo nàn và mất hết tự do – Nhưng… Huỳnh không có gì trách tôi chứ?
– Chuyện đó bây giờ đã là quá khứ xa xôi. Đối với tôi, nó là một phần đời đã chết. Tôi chỉ còn con đường tu hành. Nhờ ơn tam bảo, tôi vẫn vui sống trong đạo hạnh. Không hề trách cứ ai.
– Ngày xưa quả tình tôi có lỗi với Huỳnh. Chắc cô oán hận tôi thậm tệ và cuối cùng mới chọn con đường tu hành phải không? Tôi muốn cô nói thẳng thắn mọi chuyện để tâm hồn tôi được thanh thản phần nào.
– Anh không có lỗi. Song, anh làm cho tôi chứa chan hy vọng để rồi nhanh chóng tuyệt vọng. Nhưng nói những chuyện đó làm gì nữa!
– Tôi muốn nói hết mọi ý nghĩ và thỉnh cầu cô đừng tu nữa. Cô từ bỏ cuộc đời được sao? Cuộc đời vẫn đáng sống, đáng trải nghiệm, đáng thưởng ngoạn, thậm chí đáng hưởng thụ. Cô không thấy bước ra khỏi cổng chùa, mọi cảnh vật vẫn tươi đẹp vô ngần sao?
– Nhưng đối với người tu hành, đời là bể khổ. Đời vốn vô thường và khổ đau. Mọi thứ thực chất là vô ngã. Bể khổ ở ngay trong lòng chúng ta, trong những sân hận, si mê, hám lợi. Anh không nghĩ là dạo ấy anh đã làm tôi đau khổ vô cùng sao? – Ni cô nói, với một giọng bình thản, chừng mực, không nhuốm chút trách móc, oán hờn.
– Đó là do chúng ta, những người trong cuộc, đã không học được kỹ năng tự kiềm chế và thiếu kiến thức về tâm sinh lý – Bình nói, với một âm điệu không đến nỗi quá nghiêm trang.
– Tôi đã đánh giá không đúng về anh. Tôi tưởng anh nghiêm túc. Tôi tự hỏi, sao anh lại chọn tôi trong khi so với nhiều bạn gái khác, tôi chả là gì cả. Nhưng chắc anh không biết là trước đó rất lâu tôi đã âm thầm thương anh. Anh làm tôi vỡ mộng. Nhưng thôi, không nhắc lại chuyện đó nữa! – Ni cô nói và mỉm cười, rất vững vàng, thể hiện rằng cô không hề vướng bận gì vào quá khứ nữa.
– Hình như giới tu hành và rất nhiều người khác luôn nghĩ rằng tình dục là xấu. Cô biết hồi đó tôi không hề yêu cô. Tâm hồn tôi bỗng nhiên bị đắm chìm vào cái hoàn cảnh trớ trêu ấy. Và tôi hành động vì tò mò nhiều hơn là vì dục vọng. Tôi thấy mình rất vô tư, tôi không có ý đồ xấu đâu. – Bình nói, giọng vô cùng thành thật.
– Anh không có ý đồ xấu. Nhưng anh đã gây ra sự ngộ nhận lớn lao. Vả lại, suy cho cùng, nguồn gốc của hành vi ấy là tình dục. Tôi cho rằng như vậy là anh đã tự đánh mất mình. Tình dục không phát xuất từ tình yêu, dù ít dù nhiều, cũng là một cách xa rời nhân tính. Anh không hiểu được điều này sao?
– Tôi hiểu. Tôi hiểu. Nhưng tình dục là cái động lực mạnh mẽ mà tạo hoá gieo vào hành vi của con người và hầu hết động vật thấp hơn nó. Bản thân con người bị điều khiển bởi hệ thống dưới vỏ não và một loạt các phản ứng sinh học. Cho nên, ở một chừng mực nào đó, xét một cách nghiêm túc, riêng về khía cạnh trách nhiệm hành vi, con người cần có sự chia sẻ trách nhiệm của tạo hoá. Không nên đổ hết tội lỗi lên con người nếu ai đó quan niệm rằng tình dục là tội lỗi.
– A di đà Phật. Con người sống là phải tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình, bất luận hành vi đó bị thôi thúc bởi ai, bị điều khiển bởi ai hoặc bởi một tác nhân nào. Không phải cứ uống rượu vào, hoặc xem phim sex, hoặc bị tâm thần, rồi muốn làm gì cũng được!
– Quả đúng như vậy. Nhưng suy cho cùng, tình dục chẳng có gì xấu cả, phải không cô?
– Theo quan điểm nhà Phật thì ái dục sinh khổ đau. Vậy ái dục chẳng phải là tốt cho quá trình giải thoát của con người.
– Nhưng ni cô không cho rằng tình dục là xấu chứ?
– Có nhất thiết chúng ta phải đi đến cùng trong cuộc tranh luận này không? Anh có nhận thấy anh bị vây hãm bởi những ý niệm nhị nguyên không? Chẳng lẽ nào cứ không tốt tức là xấu?
– Tôi cho rằng tình dục vốn không phải tốt, mà cũng chẳng xấu. Đó là ý tưởng, ý nguyện của tạo hoá. Nó là một quá trình của tự nhiên nhằm duy trì và phát triển sự sinh tồn của hầu hết các động vật trên trái đất. Dòng nước ở mọi con sông đều tuôn ra biển. Có lúc nước chảy xiết, có khi nước lặng lờ trôi, nhưng tất cả dòng sông đều đổ ra biển cả. Quá trình tự nhiên đó chẳng tốt, chẳng xấu gì cả!
– Có thể là như vậy. Nhưng người theo đạo Phật thì khác. Họ cần đạt đến sự giải thoát. Cho nên nguyên tắc tu hành bên nhà Phật là thiểu dục và tri túc. Có như vậy thì hành giả mới cắt đứt cái vòng luẩn quẩn của luân hồi.
– Đúng vậy, tôi cũng hiểu điều đó. Nhưng đã là người, diệt dục là ảo tưởng. Nước của dòng sông không tuôn ra biển thì chảy về đâu? Thiên chúa giáo quan niệm hướng dục, không đưa nước xuôi về nhánh Nam thì cũng trôi về nhánh Tây nam. Lão giáo quan niệm quả dục, nước có trôi chậm chạp, ít ỏi, thì cũng cứ xuôi về biển. Nếu diệt dục, cái năng lượng tráng kiện ấy trôi đi đâu?
– A di đà Phật. Nếu anh ví ái dục như dòng sông cứ theo thói thường tuôn ra biển cả thì nhà Phật chủ trương diệt dục là tiêu trừ dục vọng, chuyên tâm trau dồi đạo hạnh, thực hành chánh pháp. Giống như nước nơi dòng sông không hẳn bao giờ cũng cứ đổ hết ra biển mà tự do bốc hơi lên thành mây, đạt tới Niết bàn, đạt tới sự thanh thản tuyệt đối.
– Lối tu hành đó khó quá!
– Không hẳn như vậy. Có biết bao nhiêu bậc tu hành đã nương theo Thiền Phật giáo mà đạt tới trí huệ rốt ráo. Hầu hết chúng ta vì còn lắm vô minh mà không nhận ra đó thôi. Diệt dục quả là khó, nhưng không phải ảo tưởng – Ni cô nói, giọng chắc nịch.
– Hằng ngày các tu sĩ làm gì để diệt dục? – Bình ngước mắt lên nhìn ni cô với vẻ hiếu kỳ.
– Vẫn ăn uống, lao động, ngủ nghỉ như mọi người bình thường. Nhưng tất cả đều trong tâm thái thiền. Bên cạnh thiền, tu sĩ Phật giáo cũng có thể thực hành pháp môn tịnh độ, hoặc đi theo con đường của mật tông chẳng hạn. Mọi tu sĩ Phật giáo từ xưa tới nay đều thực hành bát chánh đạo – Ni cô chậm rãi nói.
– Ni cô hoàn toàn hạnh phúc trong sinh hoạt hằng ngày sao?
– Đúng vậy. Còn anh? Anh có hạnh phúc không?
– Tôi ấy à? Hạnh phúc trần gian chỉ là một nửa hạnh phúc thôi! Hạnh phúc và đau khổ đi liền kề bên nhau như bóng với hình. Nhưng tôi chấp nhận nó. Không phải đành chấp nhận mà vui vẻ chấp nhận. Đời vớ vẩn thế mà vui. Tôi không từ bỏ nó. Vì một điều đơn giản là tôi tìm thấy cái đẹp trên con đường kiếm tìm chân – thiện – mỹ. Cái đẹp đó phù du nhưng có thật. Vì cái đẹp có ngay trong tầm tay con người đang sống. Nó có mặt trên trần gian này. Dĩ nhiên vài giây sau rất có thể mọi cái trôi tuột hết vào quá khứ. Nhưng rõ ràng nó có thật chứ không phải tìm kiếm đâu xa.
– Anh làm gì để níu giữ cái đẹp hiện tồn đó? Một bông hoa chẳng hạn. Anh không nhận ra là nó vô thường? Và ngay cả chủ thể cảm nhận nó cũng trong trạng thái vô ngã sao?
– Hẳn là như vậy. Nhưng tôi chấp nhận cả hai. Tôi chấp nhận để tôi cải tạo hiện thực chứ không phải chối bỏ hiện thực. Cái gì chưa hoàn thiện thì tôi góp phần làm cho nó hoàn thiện. Đó là cách sống tích cực.
– Tu sĩ Phật giáo cũng đang sống tích cực. Họ không bi quan, yếm thế như nhiều người lầm tưởng. Chuyên tâm thực hành bát chánh đạo là lối sống tích cực chứ không phải tiêu cực. Anh cũng nên nghĩ rằng về bản chất Phật giáo không phải là một tôn giáo hữu thần. Nó không kêu gọi tín đồ phải thờ phụng một vị giáo chủ nào. Phật Thích Ca là một biểu tượng chứ không phải giáo chủ. Hằng ngày chúng tôi đảnh lễ Phật là đảnh lễ cái phật tánh, cái năng lực giác ngộ toàn triệt vốn có trong mỗi chúng ta, chứ không phải quỳ lạy một vị giáo chủ như nhiều người nghĩ.
– Xin cảm ơn ni cô đã thẳng thắn trao đổi và chia sẻ. Chúng ta hoàn toàn tự do trong việc chọn lựa con đường cho riêng mình. Tôi đã phần nào hiểu ni cô nhiều hơn.
Bình vừa nói vừa đưa tay ra dấu mời ni cô dùng nước. Dòng nước mát rượi thấm dần vào cổ họng làm cả hai thấy dễ chịu. Trước kia anh đã từng nghĩ ni cô vì thất tình mà chối bỏ cuộc đời. Giờ đây anh tin rằng ni cô đã chọn ra không phải một ngã rẽ mà là một đại lộ.
– A di đà Phật. Tôi cũng hiểu rõ anh hơn và chỉ mong ai cũng có được thật nhiều hạnh phúc, cái hạnh phúc do chính mỗi người quan niệm – Diệu Liên nói. Giọng nói của ni cô trầm ấm lạ thường.
Ba mươi phút trước đây Bình cứ tưởng Huỳnh ngày xưa đang sống trong chùa rất vất vả, khổ sở. Nhưng giờ đây, niềm vui tinh thần của cô đã làm anh giải toả trọn vẹn mọi tấc lòng. Anh khẽ nhìn cô Huỳnh ngày nay với cái nhìn thương mến, cảm thông. Trên bầu trời cao, vầng trăng cũng bắt đầu toả sáng không thua kém gì ánh điện đường đang rực chiếu trên các lối đi.
Ni cô Diệu Liên hớp nhẹ một ngụm nước mát. Bình nhìn thấy nụ cười trên môi cô chan chứa yêu thương. Bình nói:
– Tôi tưởng cô đi vào một ngã rẽ. Nhưng đến thời khắc này, tôi hiểu rằng cô đã chọn một con đường lớn, một đại lộ hẳn hoi. Sự trưởng thành trong nếp sống tâm linh của cô làm tôi bớt xót xa, trăn trở. Cuộc gặp này thật là tốt đẹp cho riêng tôi. Còn đối với Huỳnh thì sao?
TNL
Viết hay nhưng kết thúc câu chuyện có gì đó chưa thật ” đời ” lắm
Chân thành cảm ơn Thanh Thanh đã có ý kiến rất thẳng thắn. Mai kia, khi chuẩn bị in tập TRUYỆN NGẮN, mình sẽ tự biên tập lại ở phần kết của truyện. Chúc bạn luôn sk và thành công.
Thân ái,
Trần Như Luận
Chao Bac si Tran Nhu Luan ! Truyen bac viet doc rat thu vi
Kính gởi các anh chị và các bạn,
Luận rất vui khi các anh chị và các bạn đã vui lòng đọc và gởi nhiều comments với những ý rất hay. Chủ nhật, được ngồi đọc nhận xét của các anh chị và các bạn, Luận thấy đời lý thú quá chừng luôn.
Cảm ơn các anh chị và các bạn đã nhận xét rất sâu sắc và thấu tình đạt lý. Chủ đề tư tưởng mà câu chuyện đặt ra thật khó đi đến tận cùng. Viết nó là kết quả của những trăn trở rất lớn. Vấn đề tính dục không phải là một vấn đề nhỏ trong cuộc sống và tâm tư của mọi người. Luận chỉ mong đem lại cho người đọc một sự giải tỏa; nhưng làm được điều đó hay không thì lại còn tùy thuộc nơi người cảm thụ. Người cảm thụ mới là trung tâm.
Chúc các anh chị và các bạn cuối tuần dzui dzẻ.
Trần Như Luận
Truyên phản ánh đời sống con người cả tình cảm, bản năng lẫn tâm linh bằng một lối viết đa dạng thông qua một câu chuyện tình mà kết thúc khá bất ngờ đối với nhiều người
Cánh cửa này khép lại thì có con đường khác mở ra,nhưng liệu ngã rẽ tâm linh này có phải là giải pháp có hậu nhất thoả đáng nhất .
Ái dục là không tốt, nhưng cũng không phải là xấu. Diệt dục có thể thanh thản, có thể được giải thoát khỏi bể trầm luân nhưng ở đời dễ có mấy ai làm được. Còn tình dụcdẫn con người vào cõi mê, một cảm giác không thể nào tả được bằng lời. Dù có là phù du cũng làm ta nhớ mãi. Tâm lí nhân vật thật sâu sắc. Xin bái phục.
Ái dục đưa con người vào cõi mê. Con người không thoát khỏi kiếp luân hồi sinh, tử chỉ vì sự u mê ám chướng ở đời mà ra. Hạnh phúc trần gian xét cho cùng chỉ là vô thường, một khoảnh khắc ngắn ngủi so với sự bao la của giải thoát hoàn toàn. Vì vậy biết tìm đâu ra sự thanh thản tuyệt đối? Con đường của Ni cô Diệu Liên đang đi không phải là một ngã rẽ mà là một con đường thênh thang, con đường đến nơi không còn bị chi phối bởi quy luật tử sinh, nơi chiếc máy thời gian ngưng bước vận hành và vạn vật ngủ yên trong kinh thành vĩnh cửu.
ÚI chui choa ! Ni cô Nghi Lâm am hiểu dzề triết lý nhà Phật nhiều nhen ! ?
Truyện ngắn lồng ghép bằng những “lát cắt” về TÌNH YÊU_TÌNH DỤC_TÔN GIÁO & CUỘC SỐNG thật hay và ấn tượng!
“Một ngã rẽ”_ rẽ giữa cõi lòng, lắm lúc làm ta tự thấy_ là “một đại lộ” thênh thang bao dung, đầy tiếng cười…Nhưng trong cuộc sống thực, đã mấy ai nắm được “lẽ ” này, hoạ chăng là… rất hiếm!
Qua hội thoại ,hình như nhân vật Diệu Liên chỉ vui vẻ chấp nhận thực tại đang có,nhưng mình có cảm giác ngã rẽ lớn ,con đường lớn thì khó có khả năng mở ra cho Liên
Cái ngã rẽ này thật ra chỉ là cứu cánh cuối cùng
Truyện ngắn đặt ra những vấn đề bức xúc và thú vị trong tình yêu,tình dục và tôn giáo
Chào Trần Như Luận! Hôm nay CN – sao không lên AN chơi? Có lẽ, Bs đang bận (…)? Đọc lại ” Lớm Hơn Một Ngã Rẻ” vẫn thấy rất thích! Đây là một truyện ngắn hay! Chúc Cậu ngày CN có nhiều niềm vui (…)! Hẹn gặp nhau nghen!
Anh Long kính,
CN em bận hơn mọi ngày anh ạ. Em cũng rất mong lên AN ghé thăm các anh nhưng chưa sắp xếp được. Anh vẫn khỏe mà, phải không anh?
Em rất vui vì có lời khen của anh và các bạn.
Kính thân,
TNL
Bình từ kẻ tội đồ sang người có công sao ?
Đối thoại về tính dục giữa hai nhân vật có thể gợi mở rất nhiều điều
Những phân tích tâm lí nhân vật rất thú vị
Chào anh Như Luận!Bài viết về 1 câu chuyện tình cảm của đôi trai gái Vì 1 lý do nào đó mà cô gái phải đi tu.Chàng trai ray rứt như có lổi nghĩ ”Có lẽ tại mình!?”Câu chuyện được lồng vào 2 quan điểm của 2 người qua 2 sắc áo Đạo và Đời.Cô gái Huỳnh chọn màu đạo ở giai đoạn đầu..Như là cách giải thoát cho cuộc sống bế tắc? Và đã quen …”mùi thiền dưa muối và kinh kệ.”Chàng trai Bình ”Mùi thiền cũng có ngoài đời ..Tội gì phải vùi thân tu hành khi tuổi còn trẻ?Còn kinh kệ ngoài đời là cái Tâm giữ tốt tu dưỡng”Đọc xong..Tôi chỉ còn biết thở dài ..Bởi”Dường như hai người 2 thế giới tâm linh khác nhau?Có lẽ cách sống thay đổi tư tưởng? Nhất là vấn đề tính dục Cả 2 như 2gốc rễ bám vào đất quá sâu giữaĐiều cảm động là chàng muốn kéo nàng ra ..Có lẽ là TY hay là tội nghiệp???