Elena Pucillo là nhà văn người Italia, từng dạy tiếng Pháp và văn minh Pháp tại ĐH Milano, Italia. Hiện bà đang dạy tiếng Italia tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh và văn hóa Pháp tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Bà sáng tác truyện ngắn, tùy bút, tản văn bằng tiếng Italia. Tác phẩm của bà đến với bạn đọc việt nam nhờ những bản dịch tiếng Việt của chồng là nhà văn Trương Văn Dân.
Vợ chồng bà thường về thăm quê chồng Bình Định. Có cơ hội được chuyện trò cùng bà nhiều lần nhưng tôi vẫn bất ngờ khi thấy bà thuần thục thứ tiếng Việt phong vị xứ Nẫu. Bởi khi nhắc về Bình Định, nữ nhà văn như hăm hở, say sưa hơn, nhiệt thành sẻ chia về những nơi bà từng đặt chân đến, những con người bà từng gặp. Giáp Tết, tôi kết nối cùng nhà văn Elena Pucillo để nghe bà chia sẻ đôi chút xúc cảm về văn chương, về đất và người quê chồng. Bà hào hứng nói luôn, tôi vẫn hay nói với bè bạn với tất cả tự hào: Tôi là con dâu xứ Nẫu…
* Cái duyên mắc míu của bà với Bình Định đã tự rất lâu, thưa bà?
– Phải bắt đầu từ đâu nhỉ. Phải nói rằng, hầu như mọi sự kết nối của tôi với vùng đất Bình Định bắt nguồn từ mối duyên cùng chồng tôi. Lần đầu gặp anh ấy là từ năm 1972, khi anh ấy là du học sinh vừa đến Italia để học ngành Hóa và Công nghệ dược. Có thể nói cuộc gặp của chúng tôi là do định mệnh. Đến giờ chúng tôi đã quen nhau được 50 năm rồi. Tưởng như một tình cờ nhưng kéo dài cả một đời người…
Anh Dân là người Tây Sơn nên tôi trở thành con dâu đất Tây Sơn. Vì cả hai vợ chồng tôi đều viết văn nên ngoài gia đình chồng, bà con, các anh em trong gia đình thì chúng tôi còn quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở Bình Định, như nhà văn Huỳnh Kim Bửu, Mang Viên Long, Cao Văn Tam, Đào Hiếu, Lê Hoài Lương, Mai Thìn, Nam Thi, Trần Như Luận…, đến các nhà giáo, nhà nghiên cứu như Lê Nhật Ký, Trần Xuân Toàn, Châu Minh Hùng… Vợ chồng chúng tôi luôn có nhiều lý do để trở về Bình Định.
Nhà văn Trương Văn Dân và vợ Elena Pucillo.
* Hầu như các sáng tác của bà đều được chồng chuyển ngữ?– Tôi có viết một số bài cho các báo và tạp chí ở Italia nhưng các sáng tác truyện ngắn và tạp bút được xuất bản ở Việt Nam thì đều được chính anh Dân dịch sang tiếng Việt. Tính đến nay, tôi đã xuất bản được 3 tập truyện là Bóng của ngày, Một phút tự do và Vàng trên biển đá đen. Riêng tập Một phút tự do vừa được in lại bằng nguyên tác tiếng Italia Un Istante di libertà, do nhà xuất bản Calibano ấn hành năm 2019 (trong khuôn khổ Giải thưởng của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh năm 2016, tác phẩm Một phút tự do (tập truyện ngắn, tùy bút của Elena Pucillo Truong (Italia), bản dịch của Trương Văn Dân được Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh trao tặng thưởng – NV).
* Bà dành khá nhiều sự quan tâm về phụ nữ và văn hóa Việt?
– Đúng vậy. Tôi gắn bó với Việt Nam đủ lâu để thấy mình thực sự hòa vào cuộc sống nơi đây. Và hiểu nhiều hơn về người Việt, nhất là có nhiều đồng cảm với phụ nữ Việt. Bởi thế, từ nhiều năm trước, tôi đã tổ chức nhiều hội thảo ở Italia về Việt Nam với các đề tài “Vai trò phụ nữ và tầm quan trọng của họ trong gia đình Việt Nam”, “Tết Việt Nam, phong tục và truyền thống”, “Đổi mới, phát triển kinh tế Việt Nam sau khi chiến tranh chấm dứt”.
* Hẳn Bình Định đã tạo nhiều cảm hứng cho sáng tác của bà?
– (Mỉm cười) Tôi là con dâu xứ Nẫu cơ mà! Từ nhiều năm nay, Bình Định và Việt Nam đã là quê hương của tôi. Tôi được chồng và cả gia đình anh giúp hiểu thêm về văn hóa và phong tục đất nước này. Tôi biết câu ca dao Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi, nhưng như bạn thấy đấy, tôi đâu có sợ đường dài! Vì về Bình Định nhiều lần nên tôi cũng đã có cơ hội viết về Bình Định. Như tạp bút Kỳ diệu và tự hào viết về lễ hội Tây Sơn – Bình Định năm 2008; truyện ngắn Trên chuyến tàu về quê ăn Tết viết năm 2011 trong cảm hứng hồi tưởng những chuyến tàu về Bình Định dịp cuối năm, hay Kho tàng của sự im lặng viết năm 2013 sau khi thăm một ngôi chùa ở Quy Nhơn…
Khó có thể dùng phép liệt kê, vì không chỉ trực tiếp đề cập đến Bình Định mà nhiều bài viết của tôi về những chủ đề khác cũng được nuôi cấy từ cảm hứng khi tiếp xúc với đất và người Bình Định.
* Thưa bà, bà thấy đất và người Bình Định như thế nào?
– Ở đây, con người đáng yêu, cảnh vật cũng rất xinh đẹp. Khi về đây, tôi cùng chồng, có khi là những bạn văn của anh ấy hay đi thăm thú một số nơi, như: Hầm Hô, Ghềnh Ráng, Cù Lao Xanh, Eo Gió, các ngôi chùa trên núi… Đặc biệt, tôi rất thích món ăn Bình Định. Mỗi lần về Việt Nam, khi trở lại Italia tôi đều mang theo rất nhiều bánh tráng, nó ngon và tiện lợi. Tôi cũng rất thích bánh xèo Bình Định, bún chả cá, bún sứa, nước mắm… nói theo kiểu của người Bình Định hay nói, là hương vị rất đậm đà.
Người Bình Định cần cù chịu khó, chân thành và hiếu khách, dễ làm người khác cảm mến. Quý nhất là ý thức lưu giữ các giá trị văn hóa, truyền thống hào hùng của lịch sử, nhất là về thời Tây Sơn. Nên mỗi lần đến thăm Bảo tàng Quang Trung, lòng tôi đều lâng lâng xúc động.
* Hình như bà đang ấp ủ nhiều dự định?
– Tôi sắp xuất bản tập truyện ngắn, tản văn Hạt bụi lênh đênh. Tập sách gồm 10 truyện ngắn và 19 tạp bút là góc nhìn về Phật giáo của một người phụ nữ Italia sống và viết ở Việt Nam.
Đặc biệt, mấy năm trước có một số bạn văn và bạn đọc đã đề nghị vợ chồng tôi in chung một tập truyện. Chúng tôi đã suy nghĩ về điều ấy và quyết định sẽ in chung tập truyện như vậy, thống nhất lấy tựa là Nỗi đau ngọt ngào. Tập truyện gồm 28 truyện ngắn, 15 của anh Dân và 13 của tôi, các truyện xoáy vào chủ đề gia đình. Ngụ ý chúng tôi như tên của tập truyện, là trong gia đình có cả tình yêu và nước mắt, vì gia đình là nơi êm ấm nhất nhưng nếu thiếu “tình” thì có thể mang lại rất nhiều đau khổ hay trở thành “một nơi nguy hiểm để sống”.
Hai tập truyện này, sẽ sớm xuất bản ở Việt Nam. Và có lẽ, chúng tôi sẽ làm một buổi ra mắt sách nho nhỏ ở quê nhà Bình Định, cũng là dịp để gặp lại bạn văn, những người đáng yêu mà chúng tôi có dịp gặp gỡ, kết duyên bè bạn.
* Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này. Chúc bà và gia đình thật nhiều sức khỏe và bình an, đón một cái Tết đầm ấm, nhiều niềm vui.
Thời gian gần đây, những lúc nhức mỏi, tâm trạng không được thăng bằng cho lắm, tôi thường tìm đến thơ Nguyễn Văn Gia, và đọc văn Elena Pucillo. Lời văn tự sự của chị như một liều Aspirin xoa dịu nỗi nhức nhối trong lòng người vậy. Có thể nói, Elena Pucillo là một hiện tượng đặc biệt trên diễn đàn văn chương Việt trong những năm gần đây. Sự đặc biệt ấy, không hẳn bởi tài văn, mà là sự nhào trộn, hoà tan cái văn hóa Ý- Việt vào những trang sách của chị. Đọc văn Elena Pucillo (qua bản dịch của Trương Văn Dân) nếu không biết trước, có lẽ ai cũng nghĩ, tác giả phải là người Việt. Bởi, bối cảnh, tâm lý, hồn cốt nhân vật như đã được Việt hóa hoàn toàn vậy. Có lẽ, cái món văn hóa spaghetti tan chảy vào cái văn hóa nước mắm chăng? Chẳng vậy, có lần ngồi khật khừ với Nguyễn Đức Minh ở Bischofswerda, người rất thân thiết với vợ chồng Elena Pucillo-Trương Văn Dân, chẳng biết đùa hay thật gã bảo: Làm bất cứ loại Spaghettisoßen nào (nước sốt mì Ý) Elena cũng cho nước mắm cá cơm Bình Định nguyên chất vào. Tôi không tin như vậy. Nhưng mấy năm trước Elena sang thăm tôi, bún mắm tôm cứ thấy chị đả đều đều.
Nhà văn Elena Pucillo người Italia, là tiến sĩ ngôn ngữ và văn học nước ngoài. Chị đã từng là giảng viên Đại học Milano, và Đại học âm nhạc, cũng như Đại học khoa học xã hội, nhân văn Saigon. Nghiên cứu và tiếp xúc với văn chương từ rất sớm, nhưng Elena viết văn muộn. Và chị chỉ viết khi cảm xúc ùa đến bất chợt, buộc phải cầm bút, do vậy văn của chị rất sinh động và chắt lọc. Và nếu không có sự cổ vũ, dịch chuyển sang Việt ngữ của người chồng, nhà văn Trương Văn Dân, thì có lẽ, văn chương của Elena không được nhiều người biết đến như hiện nay. Thật vậy, những tác phẩm: Bóng của ngày, Một phút tự do, Vàng trên biển đá đen, Cùng Bay về Tâm dịch đã xuất bản, và Hạt bụi lênh đênh, cùng Nỗi đau ngọt ngào sắp xuất bản của chị đã được Trương Văn Dân dịch nguyên bản từ tiếng Ý một cách sinh động và tinh tế.
Văn chương Elena gồm hai mảng chính: Truyện ngắn, và tùy bút, tạp văn. Tự sự là nghệ thuật xuyên suốt những trang viết của Elena. Và khi đi sâu vào đọc, ta có thể thấy, Elena là một nhà văn có tài khám phá, miêu tả diễn biến nội tâm, hay mượn cảnh vật thiên nhiên để bộc lộ tâm trạng nhân vật. Nếu được phép tuyển chọn, với tôi Vàng Trên Biển Đá Đen là tập truyện hay và tiêu biểu nhất về nội dung, cũng như thi pháp (hình thức nghệ thuật) sáng tạo này của Elena.
*Tính chân thực, với cái nhìn nhân bản.
Có thể nói, ngay từ những ngày đầu nghiên cứu ở Đại học Milano, Elena đã bén duyên với viết lách, nhưng chỉ đến khi về sống và giảng dạy ở các trường Đại học Saigon thì tài năng văn chương của chị mới được phát tiết. Có lẽ, đất và con người nơi đây đã cho chị những cảm xúc đặc biệt chăng? Có được những trang văn chân thực, làm rung động mọi tầng lớp người đọc như vậy, ngoài bút lực, ta có thể thấy, tình yêu, tình người của Elena sâu đậm biết nhường nào. Để có được những cảm xúc ấy, Elena đã đi vào khám phá nội tâm tư tưởng, hồn vía con người nơi đây, từ đó có một sự đồng cảm sâu sắc. Và “Con chim nhỏ trong lồng” là một truyện ngắn như vậy của chị. Nhà văn đã chọc thẳng ngòi bút vào cái vô cảm, sự mâu thuẫn gia đình, xã hội mà bấy lâu nay dường như đã bị chìm lấp. Lời văn tự sự, hay là tiếng kêu bất lực vọng lên từ những mẹ, người già cô đơn, hiu quạnh trước sự thờ ơ, ghẻ lạnh của con cái, gia đình và xã hội: “Bị giam hãm giữa bốn bức tường, tôi như chết từng ngày, lặng lẽ ngồi cô đơn trên thành giường mà chẳng có căn phòng riêng nào để trú ẩn. Những tiếng động bên kia bức tường là của những người xa lạ, của những người hàng xóm không quen, lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của tôi.”. (Con chim nhỏ trong lồng)
Nỗi đau, sự tuyệt vọng ấy, đã đẩy người mẹ đến đường cùng, ngõ cụt. Tự kết thúc cuộc sống là lối thoát duy nhất của bà. Thân phận con người cùng tâm trạng đó đã được nhà văn Elena lồng vào sự vần vũ của đất trời, thiên nhiên. Sự miêu tả độc đáo, cùng những hình ảnh so sánh, với phép ẩn dụ này, dường như nhà văn muốn làm giảm đi nỗi đau của bi kịch đó, và bật lên tấm lòng vị tha của con người, cũng như của chính tác giả chăng? Tuy vậy, từ cái hiện thực đó ta vẫn nhận thấy cái rẻ mạt của tình người, và nhân cách. Và cái luân lý, đạo đức đã bị đảo lộn tùng phèo trong gia đình, xã hội đương thời, gây nhức nhối cho người đọc. Đoạn kết của thiên truyện: Con chim nhỏ trong lồng (dưới đây), tuy rất buồn, nhưng có lời văn nhẹ nhàng, và tuyệt đẹp. Nó không chỉ cho ta thấy rõ những điều đó, mà còn chứng minh tài năng sử dụng biện pháp tu từ của nhà văn Elena:
“Đêm nay có một vầng trăng tuyệt đẹp trên bầu trời, chỉ có một phần rất nhỏ bị che bởi một sợi mây. Tôi bỏ khung hình vào túi áo, đó là kho tàng của tôi, và từ cửa sổ tôi nhìn xuống thành phố đang ngái ngủ. Tia mắt tôi dõi theo ánh đèn màu đỏ của một chiếc xe hơi dọc theo hàng trụ đèn đường. Yên lặng quá. Từ trên cao ánh sáng chiếu xuống mềm mại như bông làm tôi có cảm giác như mình cũng đang đứng trên một cụm mây. Chỉ vài giây thôi! Tôi nhoài người, bay qua khung cửa sổ, rơi tự do trong không khí. Trên môi tôi vẫn nở một nụ cười thật ngọt ngào, để khỏi phải hét lên, sợ làm phiền người khác”.
Từ yêu người, dẫn đến tình yêu mảnh đất nơi đây, làm cho Elena gắn bó chặt chẽ với nó. Sự đi lại tìm tòi, khám phá với cái nhìn, quan sát tỉ mỉ cùng sự sẻ chia, cảm thông sâu sắc, như vốn sống để nhà văn viết nên truyện ngắn: Vàng trên biển đá đen, được in trong tập sách cùng tên. Tình tiết đơn giản, lời văn mộc mạc, song đây là một trong những truyện ngắn cảm động, và hay nhất của Elena. Gieo mầm một động từ, hay là hình ảnh, một phép tu từ so sánh: (gieo hạt, và gieo chữ) làm nên cái tứ của thiên truyện. Cái khát khao sống, buộc con người phải vượt qua khắc nghiệt của thiên nhiên. Và cái tình người (gieo chữ, bồi đắp linh hồn) ấy, nhà văn đã mở ra lối thoát cho đất và người nơi cao nguyên núi đá khô cằn:
“Một hạt giống không thể nẩy mầm nếu không có đất, và trên núi đá không phù hợp nên họ đào một cái rãnh và đem đất từ nơi khác lấp vào. Một điều đơn giản, mà từ thời nguyên thủy con người đã chiến đấu với thiên nhiên để sinh tồn. Gieo hạt để nẩy mầm! Công việc của tôi cũng vậy. Bây giờ tôi hiểu là mình cũng đang gieo hạt và tìm cách giúp các cậu học trò nảy mầm cho cuộc sống mới…” (Vàng trên biển đá đen)
Đọc Elena, ta có thể thấy tình yêu, tình người không chỉ dừng lại ở hai người mẹ Việt-Ý, mà sự ấm áp đó của nhà văn làm tan đi giá lạnh của bà cụ cô đơn, hay một bé gái bán vé số… Thật vậy, đọc: Mèo con lạc lõng, và Cho nhau một chút an lành (trong tập truyện Hạt bụi lênh đênh, sắp phát hành) rồi quay lại đọc Thư viết cho mẹ (trong tập Vàng trên biển đen, in năm 2018) tôi bị xúc động mạnh. Cảm xúc tuy khác nhau, song có thể nói, tình yêu, lòng nhân ái ấy làm cho người đọc xa quê, xa tổ quốc gần bốn chục năm như tôi ấm lại. Và hơi ấm đó, dường như xuyên suốt những trang văn Elena. Mỗi truyện ngắn, một tản văn của chị như một bài học luân lý vậy. Nếu đọc Con chim nhỏ trong lồng, ta thấy cái luân lý, đạo đức gia đình, xã hội bị đảo lộn, thì đến Thư viết cho mẹ, Elena đã trả cái luân lý, đạo đức ấy về đúng vị trí của nó. Đọc Elena một cách có hệ thống, ta có thể thấy, dù chị dẫn dắt người đọc đến đâu, và đi đâu chăng nữa, thì cái đích cuối cùng vẫn quay về với chân thiện mỹ.
Cũng như tác phẩm Nụ Hoa Vàng Của Ngày Si Tình của nhà văn Trần Hoài Thư (đã đọc trước đây) Thư viết cho mẹ của Elena (đọc gần đây), khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi chưa biết để ở mục truyện ngắn, tùy bút, hay một trang thư. Và cho đây là một bức thư, thì có lẽ, đây là lá thư thứ hai hay nhất mà tôi đã được đọc. Nếu Nụ Hoa Vàng Của Ngày Si Tình như một sự tiếc nuối tình yêu của cái thuở ban đầu, thì Thư viết cho mẹ là tình yêu, lời tự sự về mẹ của Elena. Đằng sau lời tự sự ấy là câu chuyện thật cảm động về những người mẹ. Thư viết cho mẹ gây cho tôi cảm xúc đặc biệt, không hẳn bởi nội dung, mà do thủ thuật dẫn dắt truyện của tác giả. Thủ thuật kết nối từ một người mẹ (đẻ) sang người mẹ (chồng) một cách bất ngờ ấy của Elena làm tôi nhớ đến cái qui tắc bắc cầu trong toán học, từ cái thuở còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây cũng là một trong những truyện tiêu biểu về tính chân, thiện của Elena. Và đọc nó, dường như ta thấy, văn chương cũng như con người chị đang đến gần hơn với tư tưởng, triết lý nhà Phật:
“Bây giờ thì con xin báo cho mẹ biết là trong những ngày tới, mẹ sẽ có một cuộc gặp gỡ quan trọng. Đến gặp mẹ là một người đàn bà mà mẹ đã từng gặp rất nhiều năm trước: mẹ của chồng con. Con tin chắc rằng hai người sẽ trở thành bạn, sẽ kể cho nhau nghe nhiều rất chuyện, về những cuộc đời ở mãi tận phía bên kia trái đất. Bà ấy hay cười và thích nói đùa. Đây là điều mà con đang tưởng tượng: Hai người ngồi bên nhau như thể là hai người bạn lâu năm, vui đùa, cười nói. Mẹ chồng của con sẽ nói về Việt Nam, sẽ giải thích về lễ Vu Lan, một ngày lễ Phật giáo rất đặc biệt dành cho các bà mẹ vì họ giữ một vai trò quan trọng trong gia đình cũng như ngoài xã hội” (Thư viết cho mẹ)
Có thể nói, truyện ngắn nào của Elena cũng đầy ắp hình ảnh, tình tiết so sánh, liên tưởng. Cùng với lời văn nhẹ nhàng, tinh tế như vậy, hiển nhiên chị đã mang đến người đọc sự rung động và cảm thông sâu sắc.
*Tùy bút, tạp văn…với những nét đặc trưng.
Như có lần phân tích tác phẩm Miền Ấu Thơ của Vũ Thư Hiên và Sông Lam của Trần Mạnh Hảo, tôi đã viết: Có người cho rằng, chỉ có các nhà thơ, nhà văn viết về chính quê hương của mình mới có những tác phẩm hay, và chân thực. Song đi sâu vào văn học sử, cho tôi suy nghĩ ngược lại: Thường những mảnh đất, đồng quê xa lạ mới là đề tài để các nhà văn, thi sĩ đẻ ra những tác phẩm hay. Thật vậy, nếu không có cái nhìn xa lạ, tò mò khám phá của cậu bé đến từ nơi phố thị, thì sau này Vũ Thư Hiên khó có thể viết được tác phẩm Miền Ấu Thơ về đồng quê hay, đặc sắc có sức sống bền bỉ và lâu dài. Hay nếu sinh ra, và lớn lên ở Nghệ Tĩnh, chưa chắc Trần Mạnh Hảo đã viết được Sông Lam, với những hình tượng mới lạ, sâu sắc làm rung động không chỉ người đọc nơi xứ Nghệ. Và nhà văn Elena Pucillo cũng vậy. Đến từ Italia, khi Elena viết về Hà Nội hay Trà Sư, hoặc một vùng đất Việt nào đó sẽ khách quan, mang tính khám phá, sinh động hơn. Nó gây cho người đọc cảm giác thú vị như được tìm hiểu, khám phá vùng quê ấy cùng nhà văn. Hà Nội, nét đẹp bí ẩn là một tùy bút như vậy của Elena. Từ một tiếng rao đêm, hay một gánh đậu hũ non nóng giữa phố thị, hoặc những hàng trái cây bên đường, dưới lăng kính của mình, Elena cho người đọc cùng liên tưởng đến hình tượng (so sánh) thật độc đáo và mới lạ: “Tôi kinh ngạc nhìn các kim tự tháp bằng trái cây đặt trước các cửa hàng bên lề đường, trái nọ chồng lên trái kia, màu sắc chen nhau, như thách thức quy luật thăng bằng.”. Là tiến sĩ văn học Pháp, do vậy Elena đọc, nghiên khá rõ về văn hóa của các nước thuộc địa ở những năm đầu thế kỷ 20. Có được sự đồng cảm và tình yêu ấy, dường như Elena muốn bộc lộ cái tư tưởng, ước vọng của mình. Trở về cái thuở ban sơ của thành phố, như một cánh chim tự do muốn thoát ra khỏi những rào sắt vô tình đó. Vâng, đó cũng là khát khao, ước muốn không chỉ riêng của nhà văn. Một tiệm thuốc, hay nơi bán đồ lưu niệm ở góc phố, hoặc quán bia nơi vỉa hè cũng gây Elena một ấn tượng, một cảm xúc để chị đặt lên trang viết của mình. Có thể nói, Elena Pucillo là một nhà văn giầu trí tưởng tượng, có lời văn nhẹ nhàng, sâu sắc, ngữ nghĩa đa tầng. Và có lẽ, không chỉ tôi mà nhiều người sinh trưởng, gắn bó với Hà Nội đọc trang văn này, ít nhiều sẽ được hiểu biết thêm về nó:
“Giống như một giấc mơ giữa ban ngày, tôi tưởng mình đang cưỡi rồng bay trên thành phố, luớt qua khu biệt thự Pháp và những căn nhà thời thuộc địa được che chắn bởi những hàng rào và cổng vào bằng sắt trang trí theo kiểu Liberty của đầu thế kỷ 20. Tôi muốn mình được bay như một cánh chim vừa thoát khỏi lồng, lơ lửng trên những con đường thuốc, với những dụng cụ chưng cất đang hâm nóng bát thuốc trường sinh hay cỡi trên lưng một con cá vàng bơi dọc theo sông Hồng.” (Hà Nội, nét đẹp bí ẩn)
Mượn cảnh vật thiên nhiên để miêu tả nội tâm nhân vật là nghệ thuật không hề mới, gần đây được nhiều nhà văn quay lại sử dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công ở loại hình nghệ thuật này. Đọc Một đêm huyền diệu của Elena chợt làm tôi nhớ đến cái tài, lấy động tả tĩnh trong Thu Điếu của cụ Nguyễn Khuyến“Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Hay ngược lại, mượn cái tĩnh của căn phòng tả tâm trạng động trong “Hộ Chiếu Buồn Những Biên Cương” của Thế Dũng. Và khi đến thăm nhà văn Nguyễn Hoàng Đức, Elena đã mượn đồ vật, cảnh trí trong căn phòng dường như để miêu tả, khắc sâu cuộc sống, tính cách cũng như tâm hồn gia chủ. Thật vậy, với sự liên tưởng độc đáo ấy của Elena, nhà văn Paul Đức (Nguyễn Hoàng Đức) hiện lên lịch lãm như một triết gia, nghệ sĩ, hay hình ảnh chiến binh của Phong trào khai sáng Tây Âu ở thế kỷ 18 vậy. Trích đoạn có lời văn tinh tế dưới đây, không chỉ thấy rõ điều đó, mà còn cho ta thấy tài năng, cũng như sự quan sát tỉ mỉ của nhà văn Elena:
“Tôi có cảm giác như không phải mình đang ở trong một căn nhà ở Hà Nội, Việt Nam. Tôi tưởng mình là cô bé Alice đang đứng trước chiếc gương thần để khám phá ra một thế giới khác. Tôi tưởng mình đang ở Paris, trên tầng nhà áp mái của một họa sĩ, một nghệ nhân Bohémien, đang ở vùng Montmartre hay ở khu Quartier Latin. Tôi đứng ngây người nhìn những bức tranh treo trên tường. Những tủ sách, ôi chao cơ man là sách, nhiều lắm và những bản nhạc mở rộng đặt trên chiếc dương cầm, như thể chàng nghệ sĩ vừa dạo đàn trước đó và trong không gian vẫn còn vang vang những nốt nhạc du dương của Beethoven, của Liszt hay Chopin… Tôi không thể nào rời mắt khỏi những thứ đồ vật vây xung quanh mình. Trên một bức tượng bán thân có phảng phất nét mặt của Paul Đức, được lập lại trong một bức chân dung được phóng cọ theo phong cách hiện đại, anh xuất hiện như một chiến binh tân thời.” (Một đêm huyền diệu)
Nếu truyện ngắn Elena sắc lạnh, thì tùy bút, chân dung của chị mềm mại, ấm áp. Tình bạn, tình người ủ ấm những trang viết của chị. Tùy bút, tạp văn Elena thường là những ký ức nhỏ, hay cảm xúc bất chợt từ một bạn văn, một nhà sư, một em bé bán vé số, hoặc về một miền quê nào đó…mà chị đã bắt gặp, trải qua. Thật vậy, mỗi (một) người bạn đều cho Elena cảm hứng viết. Và cái hơi ấm tình bạn, tình người ấy, với chị: “thật bình an và sảng khoái, hơn hẳn các loại thuốc hay liệu pháp trị liệu nhóm nào hiện hữu trên thế giới” (Trị liệu nhóm). Tuy nhiên, đọc tùy bút Elena, tôi khoái nhất những trang viết về chân quê, cùng những hình ảnh thân thuộc dưới góc nhìn của chị. Vâng, hình ảnh bà cụ, với tiếng gà kêu quang quác dưới cái lạnh của mưa gió như kéo hồn vía chúng tôi về với đất mẹ vậy. Cái mộc mạc và chân thực ấy, Elena làm cho lòng tôi ấm lại, khi ngồi viết những dòng chữ này, bởi cái tình người còn sót lại:
“trời mưa lất phất, nên chúng tôi phải nép vào một mái hiên của một căn nhà nhỏ. Bỗng tôi nghe có tiếng lục đục rồi có một bà cụ bước ra mời chúng tôi vào trong nhà nghỉ ngơi cho ấm. Lát sau tôi nghe có tiếng gà đập cánh và kêu lên quang quác. Con gà có thể là của để dành của bà, nhưng bà cụ đem ra nấu cháo mời chúng tôi mà chẳng chút đắn đo. Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn nhớ như in bóng dáng bà nhỏ con, chiếc áo bà ba màu nâu phủ lên một thân hình mảnh khảnh và nhất là nụ cười hiền hậu, thương quá, hai khóe miệng còn thẫm đỏ màu trầu.” (Một đêm huyền diệu)
Không biết Elena có phải là một Phật tử hay không, song đi sâu vào đọc và nghiên cứu, ta có thể thấy Phật giáo, hình ảnh, đức tin thấm đẫm những trang văn của chị. Với cái tư tưởng này, Elena luôn hướng nhân vật hành động, ứng xử nhân hậu, nhìn nhận con người, sự việc ở mặt tích cực, hay mở ra một lối thoát cho họ và xã hội. Khi đọc: Hạt bụi lênh đênh, trong tập truyện cùng tên, sắp in của Elena, càng cho tôi những cảm nhận hơn nữa: Cái chánh tin ấy của chị không chỉ trong sinh hoạt thường nhật, mà ngay cả những lúc ốm đau sinh tử. Sự bình tâm, thanh thản từ nơi Đức Phật chính liều thuốc đã giúp con người vượt qua những đớn đau, ưu phiền đó. Thật vậy, đây cũng là một trong những đặc điểm nổi bật nhất trong tùy bút, văn xuôi của Elena:
“Tôi biết là mình đang ngầy ngật vì thuốc. Có lúc tôi cảm thấy như mình đang lơ lửng trong một cái bong bóng đang tan biến. Điều lạ lùng là nằm trong đó tôi không còn nghe đau đớn, chỉ có bình an. Tôi giật mình thức giấc vì bất ngờ có ai đó ngồi bên cạnh mình. Tôi nghe một bàn tay đang đặt lên trái tim và cùng lúc đó cũng có một bàn tay khác đang nắm lấy cổ tay mình. Tôi mở mắt một cách khó nhọc và trời ơi, trước mặt tôi là ánh mắt sáng rỡ của nhà sư mà mình đã gặp trên chuyến bay. Nhà sư nhìn tôi mỉm cười và bàn tay ông dời từ trái tim để đặt lên trán tôi. Ông không nói gì, nhưng sự hiện diện của ông ở nơi đây đã ban tặng cho tôi một sự bình yên không thể nào nói được nên lời” (Hạt bụi lênh đênh)
Có thể nói, mỗi truyện ngắn, tùy bút của Elena Pucillo là một lát cắt của cuộc sống. Cái ác, và sự giả dối, chị vẫn đặt lên trang văn một cách sâu đậm, như để răn mình, răn đời vậy. Và tính nhân văn, khát vọng sống, khát vọng tự do đã làm nên văn chương, tên tuổi Elena Pucillo. Tuy nhiên, văn tự sự, độc thoại nội tâm, dù sâu sắc, nhưng ít đối thoại làm lời văn chậm, cho ta cảm giác mệt mỏi khi đọc. Đây cũng là nhược điểm của loại hình nghệ thuật này.
Sáng 28.9.21 thấy trên FB của nhà thơ Đoàn Văn Khánh có bài Kinh Nguyện An Lành và Chú Đại Bi lòng tôi bỗng bất an.Gọi anh Khánh không được, thấy Nguyên Cẩn online nhưng gọi mãi đến lần thứ 4 mới liên lạc được. Anh cho biết là đang nhờ các chùa cầu an cho anh Thạch vượt qua nguy hiểm.
Báo tin cho Elena rồi tôi gọi điện cho chị Náo. Chị cho biết hai vợ chồng bị nhiễm covid, đã xuất viện về nhà nhưng anh Thạch còn yếu lắm và gần đây phải thở oxy. Hôm nay anh đã hấp hối 2 lần.
Rồi chị quay màn hình và nói với anh: anh chị Dân Elena từ Ý gọi về thăm. Đang nằm thở oxy anh Thạch nghiêng qua, bàn tay phải vẫy 2,3 lần để chào. Lúc chị cúp máy tôi có nghe 1 tiếng nấc nhẹ bên kia đường dây.
– Không, anh sẽ vượt qua thôi!
Đang ngồi, Elena vội đứnglên đi thắp nhang trước bàn thờ Phật. Lời lẽ cứng cỏi nhưng chắc em cũng biết cái vẫy tay yếu ớt qua màn hình đó là lời chào cuối cùng.“Vượt qua” chỉ là mong ước, mong manh,nhưng trong lòng chúng tôi vẫn còn chút hy vọng..
Nhưng chiếc lâu đài mà hai đứa bé cẩn thận đổ cát xây lên đã bị sóng thuỷ triều lướt qua, đổập.Chúng hụt hẫng nhìnđống cát ướt nằm chỏng chơ trên bờ biển.
Anh đã đi, sau cuộc gọi củachúng tôi chỉ mấy giờ!
Khuya hôm ấy chắc cũng có nhiều bạn thao thức chờ đợi một phép màu!
*
Là giảng viên văn học nhưng khi đến với Quán Văn anh mang theocây đàn và tiếng hát, góp một phần rất lớn để tạo nên không khí sinh động cho những buổi ra mắt. Đến từ số 20, nay 83, hơn 60 số báo anh là một phần không thể thiếu. Có lẽ linh tính là mình sẽ không còn tham dự được với bạn bè nên những ngày cuối anh gọi điện cho Hoàng Kim Oanh để nhờ chị chuyểnlời nhắn “mọi người mạnh khỏe nghe, tôi mệt”!
Những năm qua vợ chồng anh Thạch chị Náo thường tham gia sinh hoạt cùng tập san Quán Văn, họ như như 1 cặp đôi hoàn hảo về sự thân thiện và nhân cách và chiếc đàn theo anh chị và bạn bè đi đây đó khơi dậy tình tự dân tộc qua những tình khúc, trường ca hoặc những bài hát do anh sáng tác.
Còn nhớtrong chuyến đi Phú Quốc, vừa lên xe ở Kiên Giang thì mưa gió bão bùng… Ngồi trên xe mọi người nhìn nhau ngao ngán. Tiếng mưa đập vào thùng xe bôm bốp nhưng bỗng nhiên từ cuối xe vọng lên “Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến…” mọi người nhìn xuống thấy anh đang cầm đàn và tất cả đều hát theo anh. Tiếng hát át tiếng mưa, khí thế hừng hực. Lòng ái quốc như sống dậy trong hồn mọi người.
Điều tình cờ kỳ lạ là khi xe vừa đếnkhách sạn hay quán ăn thì mưa tạnh. Mấy lần như thế nên Mỹ Lệ “hùng hồn tuyên bố” là mình đã nhắn tin cho ông Trời, được mưa chừng ấy thôi để anh chị em QV khỏi ướt.
Những kỷ niệm với anh có nhiều nên từ naytrong lòng mọi người sẽ cảm thấy trống vắng.
Anh Thạch còn là đồng hương nênkhi gặp nhau chúngtôi cũng thường nhắc lại một vài kỷ niệm ở quê nhà. Thời gian đầu anh cũng hỏi tôi về các truyện ngắn hay về sự hình thành tiểu thuyết“Bàn tay nhỏ dưới mưa”. Được trải lòng với anh tôi thấy vui như đứa em chia sẻ vơi anh mình.Còn chị Náo chân thành nói mỗi khi mua QV về là “tìm bài của Elena đọc trước.Sao mà cô dâu Ý này viết văn với một tâm hồn Việt Nam?”
Anh Thạch ra đi trong mùa Covid nên tất cả các bạn chỉ có thể viếng tang online. Một buổi chiều buồn cuốitháng chínđêm trước ngày di quan chị Náo đã gọi video cho tất cả bạn bè.. Nguyên Tâm, Nguyên Cẩn, Ban Mai, Tịnh Thy, Trúc Hạ .v.v… để mọi người được anh từ biệt…Ai cũng nghẹn ngào không nói nên lời. Đứt ruột. Thương anh chị quá!
Mọi lời phân ưu đều cần thiết nhưng, đối với những mất mát quá lớn ấy chỉ có thời gian mới đủ sức xoa dịu. Tôi và Elena chỉ lặng nhìn chịvà nói bằng ánh mắt ngấn lệ.
Trước lúc ra đi anh còn hỏi chị Náo sinh nhật 10 năm Quán Văn ngày nào?
&
Mười năm!Từ một nhóm nhỏ chỉ vài người, cóngười chắc chắn là chỉ vài số báo rồi chết yểu như các nổ lực của các nhóm yêu văn trước đó, không ai ngờ là Quán Văn đến giờ có tuổi thọ 10 năm! Đã 83 số báo! Lời hứa sẽ cố gắng đến số 100 đã đi hơn 4/5 chặng đường. Nhưng niềm vui là tập san ngày càng mở rộng. Bạn văn, bạn đọc khắp nơi từ Nam ra Bắc, miền Trung miền Tây và vượt qua biên giới để đến Pháp, Mỹ, Úc, Canada… Nhiều thế hệ yêu văn chương khắp mọi miền đã tìm đến nhau…Có những người đến, xẹt qua bầu trời văn học rồi đi nhưng cũng có nhiều người ở lại. Cùng các bạn trẻ, nhiều “cụ” tuổi trên 80 mà vẫn góp mặt, xem văn chương như niềm đam mê bất tận nhưng cũng có người không còn viết nữa, ghé vườn văn khoe dáng 1 chút rồi đi theo con đường khác, tuy thỉnh thoảng có đến, ghé mắt,bàng quan như cỡi ngựa xem hoa.
Nhưng những ai còn lại, tâm huyết, vô tư, hồn nhiên hết mình cho 1 tờ tạp chí khiêm tốn nhưng mang nặng tình người, chung tay vun đắp cho ngôi nhà văn chương mà không so đo toan tính cá nhân.
Mười năm, hơn 80 số báo. Thông điệp của QV vẫn đơn giản và không hề thay đổi, là cuộc đời ngắn lắm trong cáichu kỹ vũ trụ mênh mông,phận người chỉ là một bóng phù du, như con thiêu thân chưa chờ đến ngày mai thì đã hoá thành tro bụi. Tham làm gì. Ác làm gì. Cuộc đời sống mà biết yêu thương nhau không phải tốtđẹp hơn sao?
Trong những ngày này, nhìn những đoàn người tứ tán bỏ chạy trên những con đường từ Nam ra Bắc tôi chợt nhớ đến bài Con đường cái quan mà anh Thạch thường hát.Được nhạc sĩ Phạm Duy khởi soạn vào năm 1954 lúc đất nước vừa bị chia đôi bằng hiệp định Geneve. Tuy là người chối từ chính trị nhưng nhạc sĩ vẫn thường dùng văn nghệ để bày tỏ thái độ.Trường ca này được Phạm Duy hoàn tất phần đầu,như một sự phản kháng, khi đang du học tại Paris.
Nhưng nếu Con đường cái quan nói về một lữ khách đi trên con đường từ Ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, đi trong lịch sử và lòng dân từ ngày lập quốc cho tới khi hoàn thành xứ sở, tới đâu cũng có tiếng dân chúng ca hát chúc tụng nối được lòng người,chiến thắng thiên nhiên… thì những ngày đại dịch từng đoàn người đã rời bỏ Sài Gòn bất chấp mọi nguy cơ về giao thông, về những bất trắc gặp trên đường như bệnh hoạn, đẻ rớt, đột tử…Đường xa vạn dặm…và cuộc trở về căng thẳng trong bão bùng mưa gió vẫn không ngăn nổi sức mạnh của lòng tuyệt vọng, khi người dân không còn khả năng trụ lại.
Giấc mộngđổi đời đã làm bao người phải rời quê chen vào Sài Gòn kiếm sống, giờ đây Covid đã biến thành ác mộng.Trải chiếc khăn trên lề đường, vắt 2 tay sau gáy họ sẽ ngẫm nghĩ gì về cái nghèo, cái đói cái khổ sở trong cuộc đời cơ cực của mình? Về, sẽ làm gì và bao giờ quay lại? Trong số hàng chục ngàn người về quê bằng xe máy có rất nhiều trẻ em. Và đây sẽ là những ký ức kinh hoàng khó quên trong đời chúng.
Tôi bỗng nhớ đến bức tranh“sự vô hình của nghèo đói!” của hoạ sĩ Kevin Lee:
Trong đại dịch Covid nhiều người đã ra đi. Nhưng nếu không có dịch thì xưa nay từ đế vương đến thảo dân, ngay cả chúng ta đang tay bắt mặt mừng hôm nay ai rồi cũng đến lúc phải rời cõi tạm. để lại trong lòng những ai còn sống những vết thương không bao giờ lành và nỗi tiếc thương không thể nàonguôi.
Vì thế khi ngồi chờ đại dịch đi qua…để có được sự “bình thường mới” tâm trạng tôi rất giống nhà thơChu Trầm Nguyên Minh khi chờ “Năm mới” [1]:
Hãy đốt giùm anh nén hương
Gọi hồn những người đã khuất
Những người đã bỏ anh lại một mình
Với đời mồ côi lệ đắng
Với nỗi chua cay nát lòng…
Tiếng đàn thiết tha hay hùng tráng của Đoàn Đình Thạchgiờ đây tuy đã tắt nhưng dáng dấp hiền hoà, giọng nói nhẹ nhàng và nụ cười ấm áp trong những lần họp mặt, trong những chuyến đi lên rừng, xuống biển với QV vẫn còn đó trong tim mọi người.
Xin ghi lại những tiếng vọng từ các bạn Quán Văn, nói như Hoàng Kim Oanh,thắp một nén hương bái vọng gửi theo anh…như gửi chút yêu thương ấm áp của tình thân và niềm tưởng nhớ của bao người. Nó là tiếng vọng của yêu thương của tình bạn của đồng cảm và chia sẻ, của “Gia đình Quán Văn”.
-Đặng Châu Long: “Những bài ca anh hát là những bài hát tôi vẫn nghêu ngao từ Trường ca Con đường Cái Quan, Trường ca Mẹ Việt Nam đến những bài ca rời tình ca, du ca hào hùng một thuở…Chúng tôi sẽ luôn nhớ về anh như luôn nhớ những bài ca anh hát. Lời hát đó không chìm mất trong vũ trụ bao la mà sẽ ngân vang mãi trong lòng những người bạn quý mến anh.
-Nguyên Cẩn “ Câu thơ này thay tiếng khóc tiễn đưa anh .
– Anh đã đi mang tiếng hát lên trời
Cả tài hoa với một đời âm nhạc
Đêm qua mau anh chẳng nói nên lời
Chào từ biệt thân tình trong cuộc sống
Trong gió khuya nghe lá rụng sau vườn
– Anh uống cạn chén tình vui trần thế
Mai vắng anh trong những cuộc sum vầy
Cung cầm gẫy tiếng đàn đêm vẫn vọng
Những chuyến đi bao thương nhớ vơi đầy
– Lưu Hồng Diễm, chủ nhân chiếc du thuyền King Yacht, nơi cuối cùng nhóm Quán Văn gặp mặt cùng anh chị: “Chú Thạch ơi!!! Con còn chưa được hát nữa mà!!!! Con đang khóc đây! Thế là từ nay vĩnh viễn con không còn được chú đàn cho hát nữa rồi! Vĩnh biệt chú.”
-Hoài Huyền Thanh:Tiếng đàn tiếng hát đâu đó vẫn nhặt khoan
“đồi núi cao nghe gió vi vu” trên đường ta đi tới
trên dặm đường trường mai sau còn ai lĩnh xướng
Đường Cái Quan nhớ quá giọng hò khoan.
-Nguyên Tâm:… Tiếng đàn
giờ đã tắt rồi
Buồn vui gửi lại,
luân hồi… biệt ly
…
Ôm đàn, về cõi xa xôi
Anh đi thanh thản. Phai phôi kiếp người!
Tiễn anh về cõi nghìn trùng.
-Nguyễn Thị Tịnh Thy, từ thành phố Huế : “Tôi đã từng chảy nước mắt khi nhạc sĩ Đoàn Đình Thạch ôm cây đàn ghi ta và cất lời lĩnh xướng những bài Tình ca, Con đường cái quan của Phạm Duy. Mấy chục anh chị em của tạp chí Quán Văn già có trẻ có hoà cùng giọng anh. Chúng tôi không phải nhả từng chữ, mà đang nuốt từng lời, đang uống từng hơi hồn thiêng sông núi, để tim mình đầy lên, căng trào và bật ra không chỉ là tiếng hát mà còn là tiếng khóc yêu thương, tiếng nghẹn ngào có giai điệu của hạnh phúc”.
– Và Hoàng Kim Oanh nghẹn ngào chuyển cho các bạn lời cuối: “ChịNáo đưa máy. Bảo bật camera. Anh cừời nhẹ: “Chào cô Oanh” và “Chúc cô cùng gia đình bình an mạnh khỏe! Mọi người mạnh khỏe nghe. Tôi mệt!”
Có lẽ còn nhiều, nhiều nữa…
Và chắc chắn rồi đây, mỗi khinghe tiếng hát.. của những lần sinh hoạt QV thì hồi ức về anh không thể phai mờ, vì tiếng ngân của nó còn đọng lai trong lòng những ai yêu thương anh sẽ vọng lại không nguôi.
(Nguyên tác tiếng Ý: Donare un momento di serenita’)
Bản dịch của Trương Văn Dân
Trong xe khá yên lặng nhưng bên ngoài mưa đang rơi rất mạnh.
Những đám mây đen rủ ren nhau từ buổi chiều bây giờ đang phóng thích hơi nước tích tụ thành một cơn mưa xối xả, mọi vật xung quanh mờ mịt vì màn đêm cũng vừa buông xuống, ánh sáng chỉ lóe lên từng chặp nhờ đèn pha từ những chiếc xe hơi chạy ngược chiều.
Tôi muốn chợp mắt một chút để nghỉ ngơi nhưng xe cứ nhảy dựng vì ổ gà, luồng sáng chiếu lên mặt kính làm chói mắt và tiếng còi xe inh ỏi liên tục nhấn lên nên giấc ngủ không thể nào đến được.
Thoạt đầu tôi còn nghe tiếng nói chuyện của Nga, Kim Đức và cô bạn Hồng Hoa ngồi ở băng sau, còn bên cạnh là chồng tôi đang trao đổi với Châu và Tự, chú em rể đang ngồi bên cạnh tài xế. Nhưng về sau, có lẽ vì quá mệt nên mọi người im lặng, ngủ gà ngủ gật hay buông trôi theo ý nghĩ của mình.
Vì đã trễ nên trước khi về thành phố Qui Nhơn chúng tôi cho xe dừng lại ở một quán cháo vịt.
Hơi nóng và mùi thơm bốc lên từ tô cháo làm chúng tôi tỉnh ngủ. Cảm giác như vừa nhận được một sự trợ gíup, không chỉ hâm nóng cơ thể mà còn cả tinh thần.
Hôm ấy không phải là một ngày dễ dàng… nhưng sự mệt mỏi của tôi còn do những buồn phiền từ những ngày trước đó.
Chuyến công tác từ thiện lần này được chúng tôi chia làm nhiều đợt: Buổi sáng di chuyển bằng xe máy đến trung tâm trợ giúp các em bé ở thị trấn Bình Định và buổi chiều đi phát gạo và tiền cho những bệnh nhân nghèo đang chạy thận ở bệnh viện Qui Nhơn. Ngày cuối chúng tôi phải đi xa, đến thị trấn Phú Phong để phối hợp chương trình cùng các bạn trong gia đình Phật tử.
Chúng tôi đã đi trên những con đường nhỏ hẹp và đầy bụi dưới cái nóng kinh hồn, bầu trời chỉ thỉnh thoảng mới có một cụm mây, để mang đến chút niềm vui cho những người bất hạnh. Nhưng cũng may là về chiều trời mới đổ mưa, điều này giúp chúng tôi tránh phải lội bùn hay gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng về đến nhà. Điều đầu tiên mà tôi ao ước là được tắm rửa để xóa đi những mệt nhọc và cơn buồn ngủ. Dòng nước ấm làm trôi đi những bụi bặm trong ngày nhưng những ý nghĩ thì vẫn còn đọng lại.
Từ đôi mắt tôi chảy xuống ngoài những giọt nước còn có thêm vị mặn của nước mắt. Tôi không thể nào xóa đi trong tâm trí những khuôn mặt co quắp vì đau khổ hay nỗi xót xa khi thấy những thân thể teo tóp, biến dạng vì bệnh tật trong những cuộc đời bất động, những con người im lìm, không thể tự túc nhưng ánh mắt vẫn còn ánh sáng.
Đó đây vang lên những những nụ cười của các trẻ em câm điếc cùng những đôi mắt để bày tỏ lòng tri ân, bởi vì để cảm ơn không cần phải dùng lời; Đôi mắt đầy lệ của bà mẹ 90 tuổi bị con cái bỏ rơi, của người đàn ông còn trẻ nhưng thân mang trọng bệnh mà không tiền chạy chữa, ông đâu còn có tương lai. Rồi còn đôi mắt đẫm ướt của một cô gái trẻ đang mang thai, một thân một mình nên không biết định mệnh sẽ đưa về đâu.
Ôi bao nhiêu đau khổ toát lên từ bàn tay sần sùi, chai sạn của người đàn ông mà tôi đã nắm lấy để an ủi, mấy tháng trước ông còn làm việc ở một công trường hay bàn tay đen đúa của một bà nông dân suốt đời cúi gập mình trên ruộng gieo mạ để nuôi sống gia đình và cũng để nuôi sống cả chúng ta.
Tôi đã siết chặt những bàn tay biến dạng vì viêm khớp, có nhiều nút sưng to như trên những cành cây cổ thụ hay những bàn tay trắng xanh và mỏng manh như cánh hoa hồng của những em bé, có lẽ do sống nhiều thời gian giữa bốn bức tường, vì sợ ánh sáng hay không còn muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Tôi đã ôm chầm lấy em bé mồ côi mẹ ngay từ ngày sinh đẻ hay lau khô những giọt nước mắt của những người không còn cử động.
Những cuộc đời bị cầm tù trong thân thể vì thiếu chân để trốn chạy, thiếu tay để tự vệ hoặc yêu thương. Họ không thể ôm lấy một ai để bày tỏ lòng yêu mến hay cảm nhận được hơi ấm của tình người!
Nhưng tôi nghĩ là mọi thứ còn kinh khủng hơn vì thiếu những cử chỉ thân thiện. Thường thì không ai có thời gian để ban tặng một vòng ôm. Đối với nhiều bác sĩ hay y tá thì chỉ có sự chẩn bệnh, trị liệu là quan trọng. Tất cả đều được khái quát hóa và người bệnh chỉ là một kẻ chiếm một giường nằm, nếu may mắn có được một chiếc giường để ngả lưng. Và điều này hiện nay phổ biến trên toàn thế giới, bệnh nhân đang trở thành một con số và mất đi bản sắc của mình vì chẳng ai còn quan tâm đến họ như một con người, không ai cần nhớ đến quá khứ, cuộc đời hay nỗi cô đơn của họ. Người ta dễ dàng quên đi là những cụ già này, những bệnh nhân kia cũng là người và từng có một đời sống đầy phẩm giá. Trong tình huống đó, cuối cùng thì giàu, nghèo chẳng có khác gì nhau, khi người ta không còn cảm nhận là mình đã từng hiện hữu. Tôi chợt nhớ đến bài thơ “Mới hôm qua thôi” [1] của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và hiểu là sự đau khổ làm đã làm những diễn ngôn trở thành vô ích.
Đầu óc tôi bỗng hiện lên hình ảnh một bà cụ, lúc bà vừa nấu xong một nồi cơm, đang đặt lên bàn thờ vài quả trứng chiên, một điã rau xào cùng bát canh rau vì hôm ấy là ngày giỗ chồng. Khi thấy chúng tôi, bà liền mời ăn cơm với bà. Tôi biết đó là cách mà bà muốn cảm ơn về món quà của chúng tôi mang lại nên ai nấy cũng đều vô cùng xúc động.
Ôi, bao nhiêu đau khổ trong những cuộc tồn sinh của bà! Mỗi ngày lặng lẽ trôi qua, bà không nhìn thấy một ai và chỉ trao đổi vài lời với một chú mèo con, chân bị cột vào thanh giường vì nếu nó chạy mất thì bà sẽ không còn biết vì ai để sống. Đợi chờ. Bà luôn đợi chờ một ai đến, có thể đó là một bà hàng xóm ghé qua thăm và có mang cho bà tô cháo. Thỉnh thoảng lắm mới có những khuôn mặt lạ và họ đã để lại cho bà một vòng ôm, truyền cho bà chút hơi ấm đặc biệt qua hai bờ vai mảnh khảnh, rung theo tiếng nấc và đến từ trái tim khao khát tình người.
Tôi lau mặt và nhìn thấy trong gương đôi mắt đỏ của mình. Tôi giặt vội quần áo để loại bỏ mồ hôi và bụi đường và sau khi phơi ở hành lang, tôi bước lên giường để ngả lưng.
Nhưng những ý nghĩ vẫn còn nằm đó! Tôi không thể nào chặn nổi những ý nghĩ cứ trỗi dậy trong đầu.
Trong trí tôi vẫn còn đọng lại hình ảnh một bà cụ già, trên người mặc chiếc áo màu tím, cầm cây gậy trúc cao hơn đầu mình chống ra cổng vẫy tay chào khi chúng tôi từ giã và sắp bước lên xe đậu ở phía bên kia lề đường. Đứng tựa người vào gậy, lưng dựa vào hàng rào, bà vẫy tay chào lần nữa để tỏ lòng biết ơn vì năm nay chúng tôi vẫn còn nhớ đến bà.
Mấy năm trước chúng tôi cũng đã gặp bà, luôn gầy ốm nhưng trong ánh mắt không thiếu tia sáng của nghị lực và lòng can đảm. Tôi còn nhớ bà và một bà cụ khác cũng ở gần nhưng năm nay đã không còn nữa. Chiếc phong bì dành cho bà cụ này chúng tôi đã dành cho một gia đình khác cũng đang cần giúp đỡ.
Khi tham dự vào một công tác thiện nguyện thì tôi không thích chụp hình, thế nhưng lần này thì chú Tự đã ghi hình và có lúc còn quay phim, mục đích lưu lại để chuyển cho những bạn ở xa đã đóng góp tiền bạc nhưng không tham dự được. Có bạn biết một vài trường hợp và nhờ chúng tôi thay mặt giúp đỡ. Nhưng có lẽ hiện thực mà chúng tôi chứng kiến còn nằm ngoài những trí tưởng tượng của họ. Bằng những đồng tiền nhiều nguồn, có thể góp được từ những buổi làm thêm, của một bà cụ già hay của một đôi vợ chồng trẻ gửi về để làm công đức cho đứa con gái vừa mới ra đời, tiền hoa hồng của một cô sinh viên làm thêm trong những giờ rảnh rổi, tất cả góp lại và gửi về để chúng tôi có thể đại diện họ mang lại một chút niềm vui cho những người khốn khổ. Mỗi người đều muốn đóng góp phần của mình, ít hay nhiều không quan trọng vì phát xuất từ những tấm lòng.
Tất nhiên tôi không thể nào đo lường được những bận rộn và lo âu của Nga, Xuân, Nguyệt, Kim Đức, Hoa, Hảo… để tổ chức về chuyến thiện nguyện này, dù đã nghe rất nhiều cuộc điện thoại, thấy nhiều lần trao đổi qua email, FB, tham khảo ý kiến của các bạn trong gia đình Phật tử Tây Sơn như anh Lộc, Như Trang… để xem xét các trường hợp, và bổ sung vào danh sách những người cần giúp.
Những đóng góp cá nhân tuy nhỏ nhưng mọi người đều cùng làm nên cũng đã giúp được nhiều người.
Tối đó tôi không thể nào dỗ được giấc ngủ. Đầu óc tôi cứ miên man nghĩ về những phận người, những cụ già hay em bé bị bỏ rơi, cô độc và bệnh tật. Tất nhiên không chỉ là những người mà tôi vừa thấy, vì trong thế giới này, chỉ cần mở một trang báo là thấy những hoàn cảnh như thế càng ngày càng tăng. Nguyên nhân có thể rất nhiều, nhưng với những người khốn khổ thì nào có quan trọng gì, cuối cùng cũng chỉ là đau khổ, đói khát, chết chóc và cô độc.
Khi chúng tôi đến trung tâm người khuyết tật thể chất và tâm thần thì có một người đàn ông đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh lúc tôi đến trao cho ông chiếc phong bì. Vẫn nằm yên, mặt quay vào vách, ông cầm phong bì rồi ném ra xa. Sau vài lần như vậy thì cô y tá bảo tôi đừng quan tâm vì ông ta rất bất thường.
Có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được cái bờ vai của ông ấy, và cái cách mà ông từ chối người lạ mặt. Thái độ của ông chính là sự khước từ cái thế giới này và chỉ chấp nhận nhìn vào mắt của những người đồng cảnh ngộ. Sự chọn lựa của ông là không thèm nhìn vào sự thật của bệnh tình.
Có thể là chỉ khi nhìn vào bức vách trắng thì ông ta mới tin rằng mình là một người bình thường, là có thể sống một cuộc đời khác, tưởng tượng vẽ lên bức vách đó những ý tưởng, những nhân vật hay sự kiện mà chỉ mình ông biết để tạo ra một thế giới riêng biệt và vẹn toàn.
Có lẽ ông không điên, không hề, và đã tự tìm ra cách để giảm bớt đau khổ, đã tìm thấy một cách giải quyết những vấn đề hiện sinh của mình để có thể tiếp tục sống.
Nếu ông ta quay lại, giả sử ông đã nhìn vào mặt tôi, có lẽ ông sẽ nhìn thấy trong mắt tôi bao niềm thương cảm và sẽ hiểu ra tình trạng của mình, như thế thì có khác gì ông ta đã hủy diệt cái thế giới siêu thực mà ông đã khó nhọc tạo ra?
Tất nhiên tôi phải tôn trọng sự chọn lựa của ông và cần tìm hiểu lý do của thái độ khác thường đó, vì thật ra biên giới của sự bình thường và điên loạn rất đỗi mong manh.
Vì chính tôi cũng đã nhiều lần dập mạnh cánh cửa vào mặt cái thế giới tàn nhẫn này! Nhưng dù thế nào thì qua những an ủi và trợ giúp trong những ngày qua, có lẽ chúng tôi cũng đã gửi được một thông điệp hy vọng và an lành.
Có thể đây chỉ là một niềm an ủi nhỏ nhoi, nhưng chỉ sau những suy tư ấy mà tôi đã chìm vào giấc ngủ.
Đường phố vắng tanh. Yên lặng.Thỉnh thoảng có những tiếng hụ còi của xe cứu thương.
Khi tình hình này bắt đầu thì những hình ảnh ngày xưa liền xuất hiện trong trí tôi.
Đó là một buổi tối, vàonhững năm cuối của thập niên 1970,cả gia đình quây quần trò chuyện sau bữa cơm và trên TV đang chiếu một bộ phim dài nhiều tập.
Tựa phim “Những kẻ sống sót” có cốt truyện khá đơn giản: Trong một phòng thí nghiệm, vì bất cẩn người ta đã vô tình làm vỡ một ống nghiệm mà trong đó có chứa một chủng virus rất độc hại. Một nhà khoa học không biết là mình bị lây nhiễm, ông ta từ Mỹ đến London bằng máy bay và sau khi máy bay hạ cánh ông thấy trong người không được khỏe. Thế là từ lúc ấy sự lây nhiễm lan ra khắp nước Anh và gây ra rất nhiều người chết.
Vì tình tiết lôi cuốn nên chúng tôi hồi họp chờ đợi các tập kế tiếp để xem chuyện một bà mẹ đi tìm đứa con mất tích và số phận của các nhân vật khác trong một làng nhỏ ở nước Anh.
Đường vắng, im lìm, nhưng đây không phải là phim trắng đen như nhiều năm trước.
Đây là cái hiện thực mà tôi đang sống, từng ngày. Trước đây nhờ thói quen tổ chức, dự phòng và nhanh chóng giải quyết những vấn đề thường nhật nên tôi cảm thấy rất tự tin. Nhưng chỉ trong vài ngày, có khi chỉ vài giờ, cảm giác an toàn và chắc chắn của tôi đều sụp đổ và cuộc sốngcùng những thói quen độc lập của tôi bỗng lệ thuộc hoàn toàn vào tình thế mà cơn đại dịch gây ra.
Đúng là một trò chơi của định mệnh! Chỉ như mới hôm qua, chúng tôi còn gặp gỡ bạn bè để bàn về việc tổ chức Tết, nói về chương trình và hy vọng là những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới. Rồi chỉ vài tuần sau khi năm Canh Tý khởi đầu là chúng tôi đã phải nhận một món quà bất ngờ, không mong đợi: bệnh dịch coronavirus.
Vào đầu tháng ba, trên T.V có đưa tin và cho thấy những gì đang xảy ra ở Vũ Hán, một thành phố có 11 triệu dân bên Trung Quốc. Với các bạn tôi, ở nước Ý thì dịch bệnh đang ở quá xa nên chắc sẽ không làm thay đổi cuộc sống của mình. Thế nhưng trong tôi vẫn cảm thấy có một điều gì đó không an lòng, như có một nỗi lo tiềm ẩn đang chực chờ, nhất là lúc phụ giúp chồng chuẩn bị hành lý để anh về Việt Nam trước.Theo chương trình thì anh ấy sẽ khởi hành vào ngày 13 tháng 2, còn tôi, sau khi giải quyết một vài công việc rồi sẽ về sau.
Vừa hoàn tất các thủ tụcđổi bằng lái xe, trả thuế… tôi bắt đầu chuẩn bị cho chuyến bay của mình. Nhưng không ngờ là có nhiều biến cố liên tục xảy ra, ập đến với một vận tốc khủng khiếp. Ngày 21 tháng 2 ở Ý bắt đầu có một người chết và vài ca lây nhiễm. Rồi sau ngày ấy tình hình lây nhiễm càng lúc càng tăng, giống như một tảng đá từ trên đồi cao lăn xuống, vận tốc càng lúc càng nhanh. Mỗi ngày đều có thêm nhiều ca lây nhiễm và có nhiều người chết. Tình hình càng ngày càng quan ngại nên tôi thường hỏi chuyện vài người quen.
Tôi sợ là sắp tới sẽ có vấn đề về các chuyến bay, có lẽ tôi nên đổi ngày để bay về Việt Nam sớm hơn dự tính.
– Chắc không sao đâu!… Tất cả các vùng bị nhiễm đều được cách ly, mà thực ra đây chỉ là một bệnh cúm thông thường, không việc gì chính phủ phải phong tỏa đường bay!
Nhưng tôi vẫn tiếp tục suy nghĩ và lo lắng. Đã có lúc tôi tưởng mình là một Cassandra thời hiện đại, một nhà tiên tri mà Omero đã kể trong sử thi Iliade: Cassandra, là con gái của vua thành Troia, rất được thần Apollo yêu và để chinh phục nàng, ông tặng cho nàngmột khả năng siêu việt là thấy đượctương lai. Thế nhưngCassandratừ chốitình yêu của ông, Apollo tức giận vàđể trừng phạt,ông nguyềnlà khinàng nói sẽ chẳng có ai tintheo. Chính vì thế mà khi Cassandra tìm cách thuyết phục dân thành Troia không nên mang các con ngựa to lớn, do Ulisse thiết kế, vào bên trong thành, vìđó là một âm mưu xâm chiếm. Mà chẳng ai tin. Rồi đến khi nàng tiết lộ là bên trong các con ngựa có quân lính của kẻ thù đang ẩn núp, lời nói của nàng như rơi vào khoảng trống.
Tôi có cảm giác mình chính là nàng Cassandra đó, chẳng ai chịu lắng nghe mình, ngay cả khi nói với cô bạn làm ở công ty du lịch:
Bộ chị muốn thay đổi ngay bay à…sao vậy… cho đến nay đâu có tin gì về việc cấm bay… mà thôi được, để em xem khi nào thì có chuyến bay… Ah, đây rồi, chị bay mười hôm trước ngày đã định nhé.
Ngày hôm sau là đã có thay đổi: Hãng Kuwait ngưng các chuyến bay về Ý, những ngày sau đó hãng hàng không của các nước khác cũng quyết định tương tự và mỗi lúc mỗi gần đến ngày bay nên tôi càng lo lắng, cho đến buổi sáng ngàykhởi hành.
Rồi điều mà tôi lo lắng nhất đã xảy ra:“Tốt nhất là em đừng khởi hành”từ Việt Nam chồng tôi gọi điện thông báo ngay lúc tôi chuẩn bị gọi taxi để buổi chiều đưa tôi đến phi trường. “Không an toàn vì Việt Nam vừa thông báo là sẽ không cho công dân Ý nhập cảnh. Thái Lan cũng vậy, ngày mai Thai Airwayscũng sẽ ngừng các chuyến bay về Ý.”“Khả năng bị mắc kẹt rất cao!”
Nhưng những thất vọng mà tôi đang sống cũng chỉ là một nỗi phiền muộn nhỏ đối với những gì mà nước Ý trải qua trong những ngày sau đó.
Tôi hồi họp theo dõi tin tức, hàng ngàn người bị lây nhiễm, hàng trăm người chết, càng ngày càng tăng. Chính phủ bắt đầu phân loại các vùng đỏ, vùng cam để cách ly và ngăn chặn mọi việc xuất nhập… rồi sau đó là lệnh cách ly và phong tỏa được nới rộng trên toàn miền Bắc nước Ý.
Trên quê hương tôi, đang xảy ra tình cảnh giống hệt như trong phim được trình chiếu từ nhiều năm trước.
Nhưng đây không phải là phim giả tưởng mà là một hiện thực đã vượt ra ngoài mọi sự tiên liệu.
Để hạn chế lây nhiễm cần phải cô lập, hạn chế di chuyển và mọi người chỉ được phép ra ngoài để mua thực phẩm, thuốc men hay những thứ cần thiết. Công an và cảnh sát túc trực trên đường phố đểkiểm tra những người vi phạm quy định.
Những ngày sau đó còn có cả quân đội và lúc này những người trẻ tuổi mới tin rằng đây không phải là trò chơi video trực tuyến mà là hiện thực được tạo ra bởi một loài virus vô cùng tinh quái và hiểm độc.
Nhưng cũng có số người ngu dốt hay hời hợt cứ cho rằng con virus không hiện hữu, một bằng chứng của những bộ óc u tối như thời của Louis Pasteur(1822-1895): thứ gì không thấy nghĩa là không có!
Đấy là cách suy luận của một số người, nhất là lớp trẻ, vì họ luôn tưởng mình vô địch, là anh hùng mạnh mẽ và có thể chiến thắng con quái vật tàn bạo mà bé tí kia. Và chính cái cách suy nghĩ u mê,tưởng mình có thể chống lại số phận này mà Thượng đế đã làm tăng số người bị lây nhiễm đến chóng mặt. Có một nhóm thanh niênkiêu ngạo đã bị quật ngã và thảm bại: Ngay đêm trước ngày cách ly toàn quốc, họtập họp để ăn nhậu mà không nghĩ rằng đây là cơ hội để bị lây nhiễm và sau đó tiếp tục lây cho những người thân. Thế là trước đó chỉ có người già, giờ thì sự lây nhiễm đã lan ra giới trẻ.
Sau nhiều ngày bị bắt buộc cách ly chúng tôi càng nhận ra những giới hạn của mình. Không còn nhà lãnh đạo, nhà kinh doanh, nhà kỹ nghệ hay công nhân, người phục vụ… tất cả đều có thể bị lây nhiễm vì không có sự phân biệt tuổi tác, giàu nghèo hay đẳng cấp xã hội.
Cái con virus này đã tấn công vào mọi thứ mà nhiều người xưa nay xem đó là lẽ sống, là mục đích như tích lũy vật chất hay tìm kiếm giàu sang, muốn có bề ngoài luôn tươi trẻ, thích hưởng thụ những thú vui xa xỉ mà không bao giờ quan tâm đến người khác, sẵn sàng chà đạp lên mọi thứ miễn là niềm vui ích kỷ của mình được thỏa mãn.
Hy vọng chúng tasẽ sớm bước qua cái hiện thực đau buồn, thức giấc sau cơn ác mộng vớiý thứcvề mộtđời sống đơn giản, nhẹ nhàng và hạnh phúc hơn xưa.
Cuộc ‘ngược dòng’ từ Việt Nam bay sang Milano, Ý những ngày tháng 3.2020 khi nước này đang là một điểm nóng tâm dịch covid 19 của nhà văn Trương Văn Dân để được chia sẻ cùng người vợ yêu quý – nhà văn Elena Pucillo Truong ngỡ là khoảng lặng đầy lo âu với cặp vợ chồng Việt – Ý này.
Nhưng âm thầm trong những ngày đại dịch hoành hành, hai cuốn sách của họ vẫn được ấp ủ và vừa ra mắt bạn đọc tại Việt Nam như một sự song hành đầy ý nghĩa, cũng là tiếng nói mạnh mẽ cất lên từ đau thương của thế giới: Một phút tự do (tập truyện ngắn – tùy bút của Elena Pucillo Truong, Trương Văn Dân dịch) và tiểu thuyết Trò chuyện với thiên thần (Trương Văn Dân), do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành quý 2/2020.
Một phút tự do của Elena Pucillo Truong đã được bạn đọc biết đến với bản in do NXB Văn hóa Văn nghệ xuất bản năm 2014, đoạt giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2015; và được NXB Calibano Milano xuất bản bằng nguyên tác tiếng Ý với tên Un Istante di liberta cuối năm 2019. Tác phẩm gồm những câu chuyện nhỏ, như những lát cắt thân phận, cuộc sống con người trong mối quan hệ ràng buộc gia đình – xã hội qua cái nhìn đầy cảm thông thấu hiểu, tinh tế, nhân văn, như “liều thuốc” an lành xoa dịu đau đớn, bất hạnh. Một phút tự do cũng gây ấn tượng về một tâm hồn Việt, chất văn hóa Việt trong cô dâu Ý dung dị, hòa ái
Nếu không có gần nửa thế kỷ sống xa quê, xa Tổ Quốc, thì có lẽ, chưa chắc Trương Văn Dân đã dính vào cái nghiệp văn chương, viết lách. Những năm tháng chia ly ấy, như một sự thiếu hụt trong tâm hồn, luôn làm cho ông chông chênh và trống trải. Để lấp đi khoảng trống đó, Trương Văn Dân phải độc thoại trên từng trang viết của mình. Sự tìm tòi và sáng tạo ấy, không chỉ vơi đi nỗi nhớ thương, mà còn giúp ông tìm lại một nửa linh hồn của mình, dường như vẫn còn ở lại nơi quê nhà. Do vậy, có thể nói, cũng như Trần Trung Đạo, Phạm Tín An Ninh, hay Cao Xuân Huy, nhà hóa học Trương Văn Dân đến với văn thơ một cách ngẫu nhiên, bởi hoàn cảnh cuộc sống, và trái tim thúc bách, chứ hoàn toàn không có sự chuẩn bị để trở thành một nhà văn. Văn thơ Trương Văn Dân, tuy không vụt sáng lên, song nó góp phần không nhỏ cho sự tiếp cận, giao thoa giữa hai nền văn học Việt – Ý (Italia). (more…)
Có những cuộc gặp gỡ trong đời đã giúp cho ta hiểu là tất cả chúng ta chỉ là những con cờ được sắp đặt và di chuyển trên một bàn cờ vô hình, như một bàn mạt chược vô tận, trong đó định mệnh, người chơi cờ duy nhất có quyền quyết định những cuộc gặp, nắm lấy cuộc đời ta rồi lôi kéo hay thay đổi dòng chảy.
Đó là điều mà tôi đã cảm nhận trong thời gian đầu ở Việt Nam, thời mà tôi đến và chỉ lưu lại một ít thời gian. Cùng với chồng tôi, trong một quán cà phê có nhà văn Nguyên Minh tôi đã gặp gỡ nhà văn nhà biên kịch kiêm đạo diễn Sâm Thương. (more…)
Vợ chồng nhà văn Elena Pucillo (giữa) và Trương Văn Dân đang tâm sự về tình yêu và trang viết – Ảnh: L.Điền
Trong làn sóng di dân của nhân loại từ xưa đến nay, người ta thường bỏ nơi nghèo khó để đến xứ giàu sang, bỏ nơi lạc hậu để đến vùng văn minh… Nhưng ở thế kỷ XXI này, có một nữ tiến sĩ người Ý lại đi ngược so với mọi người; chị bỏ nơi giàu sang, văn minh để về với nghèo khó, lạc hậu. Đó là Elena Pucillo Truong. (more…)