Lâu lắm rồi, năm nay tôi mới được về nhà ăn Tết sớm. Được về dưới mái nhà bình yên của tuổi thơ với những giấc ngủ vùi không mộng mị. Được nghe văng vẳng xa xa những âm thanh Tết rất quen thuộc của ngày xưa cũ. Tiếng xe máy chạy vút qua con hẻm nhỏ trước nhà. Tiếng người xao xác. Tiếng tập hát Xuân đã về xuân đã về vọng từ quán cà phê Cung Trầm Phố gần nhà. Tiếng gà gáy ong ỏng xa xa. Tiếng chim hót. Cả tiếng thạch sùng tậc lưỡi trên vách… Trong muôn ngàn thứ tiếng rất quen ấy, có một thứ tiếng mà chỉ về đây mới nghe được- tiếng con tim mình đập nhịp an lành.Về nhà, tôi được ngồi bên cửa sổ nhìn qua khu vườn nhà cô Bảy, ngắm nắng dát vàng trên những đọt mãng cầu non. Tôi gọi đó là màu nắng Tết. Những lúc đi xa, những lúc ngày hết Tết đến mà chưa về nhà được, tôi hay nhớ đến quay quắt màu nắng Tết ấy. Nắng màu vàng, ồ không, nắng màu trắng, cũng không hẳn là màu trắng, là một màu gì đấy mà chỉ cần nhìn thấy ở đâu đó, hay đôi khi chỉ cần mường tượng thấy là lòng tôi đã nôn nao, chỉ muốn vất bỏ hết tất cả để chạy về ngay. Màu nắng ấy làm tôi nhớ tới mẹ tôi, nhớ ngoại tôi, nhớ hương vị Tết nồng nàn của tuổi thơ tôi, nhớ những cảm giác run rẩy non tơ khi xúng xính khoác lên người chiếc áo mới vào một ngày đầu năm- đã xa lắm rồi.Tôi nhớ đến chiếc áo mới của ngày mồng một Tết rất xa. Hồi đó là khoảng năm 1977, thời gian khó khăn nhất của thời bao cấp. Dì của tôi vừa vào Đại học, đi học xa nhà. Giữa những tháng ngày thiếu gạo, ăn cơm độn sắn, ngô, khoai…, mỗi lần dì tôi ở Huế về thăm nhà là những ngày hội đối với tôi. Dì dẫn tôi đi ăn chè đậu ván bà Nguyệt, cho tôi gặm bánh mì ở tủ bánh mì trên đường Lê Lợi, lại mua cả bánh ông Sườn cho tôi ăn (thời đó, những món ăn vừa kể là những món đầu bảng của ẩm thực Hội An). Dì còn lại mua truyện cho tôi đọc, tôi còn nhớ đó là truyện Thạch Sanh- Lý Thông, truyện Thánh Gióng của NXB Kim Đồng in màu sắc rực rỡ… Tết đầu tiên dì đi học ở Huế về, dì mang quà cho tôi là chiếc áo sơ mi trắng dài tay lai bầu có những hoa văn chìm rất đẹp và sang trọng. Tết năm đó, hình như tôi là đứa nhỏ duy nhất trong xóm xênh xang với tấm áo mới trước cặp mắt thèm thuồng của những đứa nhỏ khác trong xóm (tôi nghĩ thế!)… Sau này lớn lên, đi học xa nhà, tôi mới hiểu những ổ bánh mì thơm dòn, béo ngậy, ly chè đậu ván bà Nguyệt ngọt lừng hay chiếc áo mới cho tôi trong ngày đầu năm hồi đó là hy sinh không nhỏ của dì. Tôi còn được biết chiếc áo sơ mi trắng tôi mặc Tết ngày đó là chiếc áo dì thuê người ta cắt sửa từ chiếc áo dài trắng dì cẩn thận gìn giữ suốt thời trung học. Sau này, tôi có nhiều áo mới, nhiều cái Tết đi qua, tôi vẫn nhớ mãi chiếc áo sơ mi trắng của dì. Trong gia đình, tôi yêu dì bằng một tình yêu thật thuần khiết, tinh khôi cũng từ những chuyện vụn vụn nho nhỏ như vậy…Tết ở nhà luôn có những niềm vui bất chợt, nho nhỏ ở mọi nơi, mọi lúc mà không thể tìm thấy ở một nơi nào khác. Tình cờ đứng trước hiên nhà, một người quen cũ từ hồi lâu lắc lâu lơ đi ngang qua, hỏi thăm mình rất vồn vã, thân tình mà đôi lúc, mình cũng không hẳn nhớ người đó là ai… Trong quán cà phê ngày cuối năm đông đúc náo nhiệt, nghe ai đó gọi tên mình, là một đứa bạn cũ cả chục năm chưa hề gặp lại… Giữa chợ Tết đông người, tự nhiên có một cái níu tay, là cô bạn cùng khối lớp ngày xưa giờ là chủ sạp trái cây… Mua một ít trái cây của cô bạn về cúng ông bà, được cô bạn xăng xái chọn giúp trái cây ngon, lại được bạn tự nhiên giảm giá… Về nhà ngày Tết, luôn phải mỏi miệng cười và gật đầu chào, nhưng lại được sống trong bầu không khí ấm áp, cảm giác rất dễ chịu là mình đang rất được quan tâm, mình đang được người khác quan tâm thật lòng… Suy cho cùng, đó là một thứ hạnh phúc, tuy cỏn con, đơn giản, nhưng rất nhiều người cần đến nó. Nên dù xa xôi, ngày Tết, người ta cũng cố mà tìm về…Ngày Tết cũng là thời khắc ngồi chiêm nghiệm lại những chuyện buồn vui của một năm qua. Thôi thì, chuyện gì qua cứ để qua đi luôn… Những nỗi buồn năm cũ sẽ trôi qua. Tết sẽ an lành! Năm mới sẽ an lành, lòng mình cũng sẽ an lành!Tiễn biệt một năm cũ đi qua và chào năm mới!ĐINH LÊ VŨ(Đừng hôn ở Hội An)
Đó là một chuyến anh đi công tác lên cao nguyên. Lộ trình chuyến đi của anh không cần phải ghé qua Đà Lạt, nhưng khi sắp hết chuyến đi, lúc anh đang ở cách Đà Lạt chừng bảy mươi cây số, trong đầu anh tự nhiên bật ra câu hỏi: tại sao chỉ có bảy mươi cây số mà mình không ghé Đà Lạt? Tại sao? Tại sao?
1. Giữa năm, bỗng dưng được nghỉ lễ bốn ngày liên tiếp, anh quyết định lên Đà Lạt thăm cô. Bên cạnh nguyên nhân chính là anh muốn trốn cái nóng chớm hè của thành phố mình đang sống, muốn thay đổi không khí một chút, còn có một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng nữa: anh muốn được nhìn thấy cô, được nghe cô nói chuyện, cũng khá lâu rồi anh và cô không gặp nhau. Cô chỉ là bạn, một người bạn rất thân của anh đã hơn mười năm rồi, mà nhiều người, cả anh nữa, có lúc đã hoài nghi làm sao có được tình bạn trong sáng như thế, tinh khiết như thế giữa một người nam và một người nữ trong khoảng thời gian dài đến vậy. (more…)
Anh thấy hình như năm ngón tay của mình đang nắm chặt lấy ống nghe điện thoại: “Em đang ở trên ga chờ tàu đi Hà Nội, chừng nửa tiếng. Em có thể gặp anh?”. Gần tám năm trôi qua rồi, giọng Quy vẫn thế, ngọt ngào và nũng nịu một cách rất dễ mềm lòng. Có một điều gì đó ngủ yên trong anh tám năm qua nay bỗng bừng thức dậy. Như thể chẳng hề có khoảng cách thời gian tám năm và khoảng cách không gian gần năm trăm cây số, không xa nhưng với anh tưởng đã nghìn trùng. Giọng Quy trong máy vẫn đầy vẻ ngoan hiền: “Anh có lên ga bây giờ được không?”. Anh liếc sang chỗ sếp, lúc này đang ngồi lục lọi đống hồ sơ cũ, một kiểu liếc ngang rất thậm thụt, vội vã đồng ý: “Ừ, anh lên ngay, em chờ anh nhen!”. Sếp chẳng bao giờ căn vặn mỗi khi anh ra khỏi cơ quan, việc của anh chủ yếu là chạy ngoài, nhưng lúc dắt xe ra khỏi cổng, anh vẫn thấy có cái gì đó len lén, thậm thụt… Chợt giật mình: chuyện gặp gỡ như thế này có gì là không chính đáng đâu, Quy vốn là bạn cũ của anh mà. Không dưng anh nghĩ đến Giang, giờ này chắc Giang cũng đang túi bụi với đống giấy tờ sổ sách cuối quý ở cơ quan, anh vô tình mà nghĩ đến Giang thôi nhưng tự nhiên là một ý nghĩ ray rứt, anh không sao dứt ra khỏi đầu… (more…)
Dễ thường, chị xa phố đã gần mười năm. Ngày chị đi, phố vẫn còn ngủ yên, không như bây giờ, là khu du lịch phố cổ nổi tiếng, khách tây, khách ta luân phiên ra vào nườm nượp. Lúc đó, Quỳnh hãy còn nhỏ lắm, ngày cưới của chị, vẫn bộ váy xanh áo trắng đồng phục đi học thường ngày, tay còn lấm đầy mực xanh, chạy lăng quăng quanh xóm khoe: “Đám cưới chị tao, anh rể tao từ Mỹ về nhe, mai mốt chị tao qua Mỹ ở luôn!” trước những cặp mắt thán phục của tụi bạn cùng xóm. Đâu biết lần đó chị đi là suốt những đêm tiếp sau, Quỳnh ôm gối khóc vùi vì thiếu hơi mồ hôi nồng nồng của chị, cái gường hai chị em vẫn ngủ chung bỗng rộng thênh thênh… (more…)