Nguyễn Văn Ngọc
“Rủ nhau đi đánh bài chòi – Để con nó khóc cho lòi rốn ra”, câu ca xưa phần nào cho thấy sức lôi cuốn của diễn xướng bài chòi với người dân lao động. Bao đời nay, các thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân Bình Định dành nhiều tâm huyết để sáng tạo, vun đắp cho nghệ thuật bài chòi. Và hội đánh bài chòi cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực của công chúng. Tuy nhiên, bộ bài chòi vốn vẫn được sử dụng trong hội đánh bài chòi ở Bình Định có nguồn gốc từ đâu?
Hiện nay, một số nhà nghiên cứu đưa ra luận cứ rằng Ðào Duy Từ (1572-1634), người Thanh Hóa, theo chúa Nguyễn vào Nam, điểm dừng chân đầu tiên của ông là Bình Định. Đào Duy Từ đã dựa theo mô hình tiêu khiển ở các chòi canh miền núi mà sáng tạo ra hội bài chòi. Từ lối sinh hoạt văn hóa nương rẫy, ông ứng dụng vào trò chơi đánh bài trên chòi, dần dần có tên gọi là hội đánh bài chòi. Về sau, hội bài chòi thường được tổ chức trong những dịp xuân nên được gọi là hội đánh bài chòi xuân.Bài chòi, bài tới
Thực tế cho thấy, dù bài tới phổ biến khắp Trung – Nam bộ, nhưng bài chòi chỉ phổ biến ở Trung bộ. Có lẽ vì lý do này mà một số nhà nghiên cứu cho rằng bài chòi ra đời muộn mằn hơn hát bội, hát sắc bùa?
Bài tới, theo định nghĩa của tác giả Huỳnh Tịnh Của trong Đại Nam quốc âm tự vị (1896, tập II, trang 455), là “Thứ bài bắt cặp, ai bắt được đủ cặp trước thì gọi là tới, nghĩa là đến trước, rồi cũng được ăn tiền”. Chúng ta không có cứ liệu nào để xác định thời điểm ra đời của bài tới, nhưng trò chơi này trong bối cảnh phong hóa cộng đồng dễ phát triển và lan tỏa theo quy luật trình mở cõi về phương Nam. Có lẽ đó cũng là lý do mà bài tới phổ biến đến tận Nam bộ.
Bài chòi, bài tổ tamTừ đánh cờ tướng với hai người chơi đã tích hợp nhiều yếu tố người trình diễn biến thành trò chơi cờ người diễn ra ở sân đình, chùa, những nơi sinh hoạt văn hóa lễ hội nói chung. Đây là một ví dụ. Từ bài tổ tam (người Quảng Nam gọi là tổ tôm), bài tam cúc biến thành tổ tam điếm (chòi) là những ví dụ khác. Ở đây bài tới đã tích hợp với ca nhạc, với chòi/ điếm với rạp/ sân khấu (ngày nay) để trở thành hội đánh bài chòi hấp dẫn. Bài chòi phát triển mạnh đến mức lấn át danh tiếng và cách chơi khác nhiều so với bài tới, nhưng về bộ bài để chơi bài chòi lại cũng là bộ bài để chơi bài tới, không thay đổi gì cho mấy.
Bộ bài chòi có 30 con, chia làm ba pho, gọi là pho Văn, pho Vạn, pho Sách; mỗi pho có 9 con bài (quân bài) và một con bài Yêu (ba con bài Yêu: Ông Ầm, Thái Tử, Bạch Huê). Tên gọi con bài tùy từng địa phương có cách gọi di bản khác nhau. Con bài làm bằng giấy bời, hình chữ nhật (2x 8,5cm), in một mặt đồ án biểu trưng cho con bài và lưng phét màu đỏ sẫm.
Do sự giống nhau của bộ bài chòi, bài tới và bài tổ tam ở chỗ cả ba loại bài đều chia thành ba pho và ba con bài Yêu nên không ít nhà nghiên cứu đã khẳng định mối quan hệ nguồn gốc của bài chòi, bài tới và bài tổ tam có quan hệ với nhau.
Thực ra, xét đồ án hình họa của các con bài tương ứng bài chòi và tổ tam, chúng ta thấy nhiều khác biệt: Bài tổ tam vẽ đa số là hình người Nhật (đầu, mình, tứ chi, dụng cụ cầm tay, vác vai và thêm vào đó là hình tháp (con Ngũ vạn), cá (con Bát vạn), trái đào (con Nhị vạn), thuyền buồm (con Ngũ sách). Còn ở bộ bài chòi thì đồ án trang trí mang tính trừu tượng và hình người trừu tượng, chủ yếu là bán thân hay mặt người. Bài tổ tam mang dấu vết bộ bài chòi là các biểu tượng và chữ Hán – Nôm xác định số thứ tự của con bài.
Về biểu trưng, có hai loại: Hình tròn nhỏ có chấm ở giữa (tạm gọi là nút), hiểu là nút chỉ số điểm của mặt xúc xắc, cũng có thể hiểu là đồng tiến điếu và hình tượng đồng tiền nguyên/ tròn giữa vuông hoặc một nửa đồng tiền/ bán nguyệt.Chữ Hán – Nôm: Từ chữ nhất đến chữ cửu trên 9 con bài của pho Vạn; và các chữ ghi tên 3 con bài Yêu: Ông Ầm, Thái Tử và Bạch Huê (Bạch Tuyết).
Biểu tượng thể hiện “phức nghĩa”, đặc biệt là các đồ hình trên 9 con bài của pho Sách là đối tượng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm và theo đó có những biện giải khác nhau. Chẳng hạn như con bài Nhứt Nọc (có địa phương gọi Nọc Thược, Nọc Đượng) được gán cho hình vẽ biểu tượng dương vật và cho rằng nó có nguồn gốc từ Linga của văn hóa Chăm. Theo đó, con Bạch Huê lại được coi là âm vật (Yoni) của văn hóa Chăm. Thế là từ cặp Linga – Yoni, một số nhà nghiên cứu cho rằng bài chòi có gốc gác chi đó với văn hóa Chăm. Thậm chí từ đồ hình quân bài Ba Gà, có người liên tưởng đến hình khắc trên trống đồng Đông Sơn. Các biện giải quá mức này chủ yếu dựa vào sự diễn dịch chủ quan. Thực ra, cách gọi tên con bài bài Chòi, bài Tới là của dân gian, “coi mặt, đặt tên”, tức dựa trên hình tướng đặc trưng nào đó của hình họa mà gọi tên. Và như vậy, trong cái nhìn trực quan là có thể đạt được sự thích đáng cần thiết để có thể phân biệt các con bài.
Khi xưa, chữ Quốc ngữ chưa có, chữ Hán – Nôm cũng không phổ cập rộng rãi trong dân gian, đặc biệt đối với người bình dân thì không phải ai cũng đọc được mặt chữ Hán – Nôm in trên con bài, thì các biểu tượng “nút” và “đồng tiền điếu” có chức năng chỉ số (nhất đến cửu) cho các con bài pho Văn và pho Sách. Đó là các ký hiệu để phân biệt các con bài của bộ bài chòi. Còn đồ hình ở pho Sách được các nhà nghiên cứu biện giải đa tạp, thật ra là hình vẽ các chồng, xâu tiền điếu cộng với dãi uốn cong như hình con rắn, để chỉ rõ chúng thuộc pho Sách. Sách, chữ Hán có nghĩa là dây (ví dụ Quyến Sách nghĩa là dây lụa). Nếu gọi là có mối quan hệ giữa bài chòi với bài tổ tam là hình vẽ dây lằng ngoằn, là một trong các bằng chứng tương đối rõ ràng nhất. Một bằng chứng khác, là con bài Bạch Huê (Bạch Tuyết) của bài chòi, bài tới tương ứng với con bài thang thang của bài tổ tam.
Nói chung, tuy có một số điểm tương đồng giữa bộ bài chòi, bài tới, bài tổ tam, xong xét một cách tường tận hơn thì có nhiều điểm bất cập. Điều này đòi hỏi phải nghiên cứu thật dài hơi, đối chiếu với các loại bài giấy (chỉ bài) khác, đặc biệt là các loại bài gốc từ Diệp tử mã điếu của Trung Quốc.
Hình thức cờ bạc phổ biến nhất ở Trung quốc thời cổ là gieo xúc xắc. Một số trò trực tiếp thắng thua dựa vào kết quả của việc gieo xúc xắc; còn có nhiều trò phải kết hợp gieo xúc xắc với đánh cờ, đánh bài mới có thể quyết định thắng bại. Ngoài xúc xắc, hình thức cờ bạc tương đối quan trọng khác là bài xương, ra đời vào niên hiệu Tuyên Hòa thời Bắc Tống. Bài xương hoặc bài ngà, trên thực tế là biến thái từ xúc xắc, trên mặt mỗi con bài là do hai mặt xúc xắc kết hợp lại thành các con bài có điểm (nút) lớn nhỏ khác nhau. Đó là cội nguồn của hình nút (hình tròn nhỏ có chấm ở giữa) trên một số con bài của bộ bài chòi, bài tới đã nói ở phần trên.Bài chòi, bài diệp tử mã điếu, bài toàn đối
Ngoài bài xương, bài ngà ở Trung Quốc còn phổ biến loại bài giấy. Thời cổ gọi là Diệp tử (xuất hiện từ thời Đường), đến thời nhà Minh, nhà Thanh trò chơi bài lá này đặc biệt thịnh hành. Bài diệp tử có hai loại: Diệp tử in theo điểm số của bài xương in ra và diệp tử mã điếu thì dùng nhiều lớp giấy bồi in lên. Diệp tử có 40 lá, chia làm 4 môn (pho): Thập tự, Vạn tự, Sách tự, Văn tiền.
Bài diệp tử mã điếu lưu hành từ niên hiệu Vạn Lịch thời Minh, đến đời nhà Thanh biến đổi thành bài mặc hòa, chỉ còn lại ba pho: Pho Vạn, pho Sách và pho Văn. Ngoài loại bài mặc hòa, còn có một số loại biến thể khác như đấu hổ, chỉ trương.
Những dữ liệu về loại bài diệp tử mã điếu đã chỉ ra mối quan hệ loại bài này với bài chòi, bài tới, bài tổ tam, có số lá con bài, cơ cấu ba pho và đồ án hình họa tương đồng về phần “lý’; còn về phần “biểu” thì phải nói đến Đông Quan bài.
Một vài nhận địnhĐông Quan bài (bài Đông Quan) còn gọi là bài toàn đối, vốn xuất xứ và phổ biến ở huyện Đông Quan (Quảng Đông – Trung Quốc). Bộ bài này gồm 120 lá, chia làm bốn bộ (mỗi bộ 30 con bài), mỗi bộ có ba pho: Văn, Vạn, Sách, mỗi pho có 9 con bài, và ba con bài lẻ (gọi là ba con bài đặc biệt, bài Yêu): Đại hồng, Tiểu hồng và Bát xuyến. Các con bài của ba pho đều mang số từ 1 đến 9. Hình học của pho Văn và pho Vạn cũng dùng hình quan tiền và nút làm biểu tượng chỉ số điểm. Riêng pho Vạn vẽ hình nhân vật, trên mỗi lá bài có ghi số điểm bằng chữ Hán (Nhất…, Cửu).
Về mặt đồ án (hình họa), mối quan hệ của bộ bài chòi, bài Tới với loại bài diệp tử mã điếu và đặc biệt là bài Đông Quan (Trung Quốc) là rõ ràng hơn và trực tiếp hơn so với bài tổ tam. Theo đó, các biểu tượng của hình họa trên các lá bài của bài chòi, bài tới được hiểu tự sự đối sánh với các loại đồ án và chức năng khu biệt “danh – số” của diệp tử mã điếu và toàn đối.
Các con bài thuộc pho Vạn: Có chữ viết Hán tự, người bán thân và đồ án trang trí ở dưới cùng. Ở các con bài này, hình người bán thân hẳn bắt nguồn từ nhân vật Hý khúc hay nhân vật Thủy hử thuộc pho Vạn của diệp tử mã điếu và toàn đối. Đối với bộ bài chòi, bài tới trong chừng mực nào đó là mặt tuồng (hát bội) – loại hình “Hý khúc” chiếm vị trí thống trị một thời ở các tỉnh Trung bộ nói chung, Bình Định nói riêng, nơi bộ bài chòi, bài tới thịnh hành. Đặc trưng nhất là đôi mắt xếch, rất tuồng và đặc trưng khu biệt là khăn, mũ đội đầu như học trò (Nhứt trò), thầy (Cửu chùa) đội mũ Tì lư.
Bài diệp tử mã điếu có 4 pho, đến thời nhà Thanh biến đổi thành bài mặc hòa, đấu hổ, chỉ trương có 3 pho. Điều này cho phép đoán định niên đại ra đời của bộ bài chòi, bài tới ở nước ta sớm nhất trong thời nhà Thanh (Trung quốc), giữa cuối thế kỷ XVII trở về sau. Song vì lý do khách quan, bài chòi đòi hỏi tính tiêu khiển tập thể cao, mang tính cộng cảm cao và nhiều lý do khác nên ít thấy lưu lạc vào vùng đất Nam bộ theo chân các vị khai khẩn vùng đất mới.
Tại hội thảo “Phát triển sân khấu ca kịch bài chòi miền Trung” do Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức tại Nha Trang tháng 10.1991, có ý kiến cho rằng: Cái gốc của các làn điệu cổ, xuân nữ, xàng xê… đang sử dụng trong hát bội, cải lương đều bắt nguồn từ bài chòi mà ra. Hư thực thế nào, vấn đề đang còn tranh luận. Duy nhất một điều được mọi người đồng ý với nhau: Là các điệu thức trong hô bài chòi có nhiều nét tương đồng với hát bội và cải lương. Đây không phải là sự pha tạp để làm mất cái nguyên gốc ban đầu của chính nó, mà chỉ thêm vào để một bài hô hay hơn và cùng song hành trong đời sống làng xã nông thôn Bình Định nói riêng, vùng đất miền Trung nói chung.
Đánh bài mặc hòa, đấu hổ, bài xì, tứ sắc, roulette hay cờ tướng… nếu không vay mượn của phương Tây thì cũng vay mượn của Trung Hoa, ngược lại đánh bài chòi là hoàn toàn của người Bình Định, người Việt Nam, do người Việt Nam nghĩ ra, không chịu ảnh hưởng nước ngoài nhiều, song cũng phải thừa nhận đã tiếp thu có chọn lọc của loại hình bài diệp tử mã điếu và toàn đối. Tên gọi của những lá bài hầu hết đề tên Nôm, rất ít từ Hán -Việt. Những chữ Hán, chữ Nôm trên các lá bài trộn lẫn vào nhau hầu như không theo một định lệ, khuôn thước nào. Điều này đủ để giúp chúng ta hiểu thêm tinh thần độc lập của người Việt, đồng thời chứng minh rằng đánh bài chòi là một trong những kiểu thức đặc trưng của văn hóa dân gian Bình Định, cũng như miền Trung Việt Nam.
Tính đơn giản trong tên gọi, khiến cho trò chơi đánh bài chòi được phổ thông hơn. Nó không giới hạn trong tính cách của người chơi, không ẩn dụ sau cánh cửa của các nhà quyền quý, cao sang mà cho tất cả mọi người cùng tham gia. Như vậy “Tính chất phổ thông hóa, bình dân hóa của trò chơi đánh bài chòi dễ kết nạp thêm yếu tố, một lối ca hát có nguồn gốc sâu xa vào trong sinh hoạt dân gian của người dân Bình Định nói riêng và các tỉnh Nam Trung bộ Việt Nam.
NGUYỄN VĂN NGỌC
Tài liệu tham khảo:
- Hoàng Chương – Nguyễn Có 1997, Bài chòi và dân ca Bình Định, NXB Sân khấu.
- Trần Ngọc Thuận, Đào Duy Đạt, Đào Phương Chi (dịch) 1997, Lịch sử văn hóa Trung Quốc, tập II, NXB Văn hóa – Thông tin.
- Hoàng Lê 2001, Lịch sử ca kịch và âm nhạc bài chòi, Sở Văn hóa – Thông tin Bình Định.
- Cao Tự Thanh (dịch) 2004, Lịch sử trò chơi Trung Quốc, NXB TP Hồ Chí Minh.
Còn nhiều điều chưa rõ lắm bạn ơi
Nhiều tư liệu mới,nhưng có lẽ chưa thuyết phục lắm